• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Nà Hẩu Xanh
Ngày xuất bản: 27/12/2023 4:04:20 SA

Ký của NGUYỄN HIỀN LƯƠNG

 

Nà Hẩu có tổng diện tích đất tự nhiên 5.640,36ha, trong đó 4.543,15ha rừng đặc dụng; thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên, có diện tích 16 nghìn ha, trải rộng trên 4 xã Đại Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Phong Dụ Thượng; hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú, nhiều loại động, thực vật quý hiếm, nhiều thác nước, hang động đẹp, khí hậu mát mẻ. Dân số 2.980 nhân khẩu, gần 100% là dân tộc Mông, vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, đặc biệt là Tết Rừng. Xã đang phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong buổi gặp gỡ đoàn Văn nghệ sĩ Yên Bái đi thực tế sáng tác tại Văn Yên, chị Lã Thị Liền, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Nà Hẩu là vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên; rừng trong bản, bản trong rừng, nhiều thác nước, hang động đẹp lại có Tết Rừng rất độc đáo… Xã đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng… Nhiều cái để viết lắm!”. Vậy là chúng tôi quyết định chọn Nà Hẩu làm điểm khởi đầu cho hành trình khám phá Văn Yên lần này. Qua cầu Mậu A, sang đất An Thịnh, vẫn chưa hết phố xá hai bên đường. Tôi chợt nhớ, cách đây chừng hơn 10 năm, khi còn là giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm, lên dạy bồi dưỡng hè ở Văn Yên; ngày nghỉ, các anh chị học viên mời thầy vào chơi Nà Hẩu. Mọi thứ, kể cả đồ ăn, thức uống đã chuẩn bị đầy đủ, chu đáo. Tôi cũng rất hào hứng. Nhưng sáng dậy, các bạn buồn bã bảo: “Đêm qua trời mưa to, đường vào Nà Hẩu toàn đường đất trơn, trượt lắm thầy ạ, xe máy hay ô tô cũng đều chịu”. Vậy là lỗi hẹn với Nà Hẩu. Còn hôm nay, đã qua hết đất Đại Sơn, bắt đầu leo dốc Ba Khuy ngoằn ngoèo, uốn lượn như dải lụa vắt trên các triền núi, lên dần tới độ cao trên 1000 mét so với mực nước biển mà xe vẫn bon bon. Tới đỉnh dốc Ba Khuy, nhìn sang bên trái đường, thấy tấm biển lớn đề dòng chữ: “KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN NÀ HẨU” trên vách đá cửa rừng, không ai bảo ai, đều reo lên: “Nà Hẩu! Nà Hẩu rồi!”. Xe dừng nghỉ, mọi người đua nhau chụp ảnh tự sướng với tấm biển khu bảo tồn để check in trên Facebook. Từ trên đỉnh dốc nhìn xuống, tôi thấy Nà Hẩu như một lòng chảo khổng lồ được bao bọc bằng những cánh rừng nguyên sinh trùng trùng, điệp điệp. Nhìn gần, nhìn xa chỉ thấy một màu xanh. Xanh ngút ngàn của những cánh rừng; xanh biêng biếc của những bãi ngô, đồng lúa dưới thung lũng. Nhìn lên, khoảng trời Nà Hẩu cũng xanh thăm thẳm. Màu xanh của Nà Hẩu làm cho tôi thấy vừa thanh thản, vừa lâng lâng. Sau ít phút nghỉ ngơi, xe tiếp tục lên đường. Con đường hạ thấp dần độ cao. Hai bên đường đã thấy bản của đồng bào Mông. Những ngôi nhà gỗ lợp mái bằng tôn đỏ, có cả nhà xây kiên cố, đều thấp thoáng trong những lùm cây xanh. Dưới bóng tán cây, các cô gái Mông ngồi thêu váy áo, các chàng trai Mông đục đẽo gỗ làm cái gì đó, còn bầy trẻ thì chơi đánh quay, đẩy gậy, tiếng cười, tiếng nói cả Mông lẫn Việt, hòa lẫn tiếng chim hót cứ ríu ran, rộn rã cả một khoảng rừng. Quả đúng là Nà Hẩu “Rừng trong bản, bản trong rừng”, mát mẻ vô cùng, không còn cái nắng chang chang, hầm hập, khét lẹt của hiệu ứng nhà kính như dãy phố tôi đang sống.

Đến trung tâm xã, bên phải là một dãy nhà xây 2 tầng, gồm Trụ sở Đảng ủy, Ủy ban, Trạm xá, Trường học, đều dựa lưng vào núi. Trước mặt, qua đường là cánh đồng lúa đang lên xanh, trải rộng tới chân núi phía xa xa bên kia. Nhìn qua đã thấy phong thủy tuyệt đẹp, thầm nghĩ, đất này sẽ còn vượng lắm. Xe vào đến sân Trụ sở xã, đã thấy mấy người chạy ra vẫy tay. Chúng tôi vừa xuống xe, các anh chạy lại tay bắt, mặt mừng, hồ hởi như thể đã quen nhau từ trước. Lên phòng họp tầng hai, sau mấy câu mời chào, hỏi han, Chủ tịch xã Lý Tòn Cầu chủ động trao đổi ngay:

- Báo cáo các anh chị! Hôm nay Bí thư Đảng ủy đang đi tham quan, học tập kinh nghiệm. Đón các anh chị, có tôi, Lý Tòn Cầu, Chủ tịch Ủy ban xã và các đồng chí Giàng A Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Vàng A Pao, Chủ tịch Mặt trận, Giàng Seo Páo, Chỉ huy trưởng Quân sự, có cả đồng chí Phạm Trường Huy, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn Nà Hẩu. Trước hết tôi giới thiệu vắn tắt về Nà Hẩu với các anh chị. Sau đó dẫn các anh chị đi tham quan Nà Hẩu. Xin ý kiến của các anh chị?

Cả đoàn vỗ tay nhất trí. Chủ tịch Cầu nói ngay:

- Nà Hẩu xưa thuộc xã Mỏ Vàng. Đến năm 1986, khi đồng bào Mông ở Bắc Hà, Si Ma Cai di cư về, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định, chia xã Mỏ Vàng thành 2 xã:  Mỏ Vàng và Nà Hẩu. Về địa lý, Nà Hẩu giáp với Mỏ Vàng, Đại Sơn, Phong Dụ Thượng và Sùng Đô- Văn Chấn; tổng diện tích đất tự nhiên 5.640,36ha, trong đó 4.543,15 ha rừng đặc dụng; chỉ có 569ha đất sản xuất nông lâm nghiệp, gồm 129ha trồng lúa nước, 140ha trồng ngô, 300ha trồng quế. Toàn xã có 595 hộ, với 2.980 nhân khẩu, chỉ có 03 hộ là dân tộc khác, còn lại đều là dân tộc Mông. Xã được chia thành 3 thôn bản: Ba Khuy, Trung Tâm và Bản Tát. Nà Hẩu là xã vùng cao của Văn Yên, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Mấy năm gần đây xã phát triển thêm cây quế và du lịch cộng đồng nên kinh tế đã có sự khởi sắc, nhân dân có thêm nguồn thu nhập, mức sống dần được nâng cao…

- Thưa đồng chí Chủ tịch, xin đồng chí nói rõ về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng của Nà Hẩu.- Tôi ngắt lời Chủ tịch Cầu, hỏi.

Chủ tịch Cầu, nói ngay:

- Thưa các anh chị! Tiềm năng, thế mạnh Nà Hẩu chỉ là rừng và văn hóa Mông. Rừng tạo nên cảnh quan, rừng cũng tạo nên văn hóa Nà Hẩu, không có rừng thì không còn Nà Hẩu. Vì vậy người Nà Hẩu quyết tâm giữ rừng bằng mọi cách. Còn về đặc điểm của rừng Nà Hẩu, xin mời đồng chí Phạm Trường Huy, cán bộ kiểm lâm trao đổi với các văn nghệ sĩ.

Được Chủ tịch Cầu giới thiệu, kiểm lâm viên Huy cho biết: Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có diện tích 16 nghìn ha, trải rộng trên 4 xã Đại Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Phong Dụ Thượng. Trong đó toàn bộ xã Nà Hẩu nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn. Hệ sinh thái rừng ở đây là rừng lá rộng thường xanh, có cấu trúc nhiều tầng tán. Tầng cao nhất là cây gỗ lớn, chủ yếu là các loại cây chò nâu, dổi, trám. Tầng giữa, gồm các loại cây gội, de, dẻ. Tầng dưới phân thành nhiều lớp cao thấp khác nhau, chủ yếu là các cây gỗ nhỏ ưa bóng và các loại cây bụi, dương sỉ, cau rừng. Khu bảo tồn có khoảng trên 300 loài thực vật, trong đó có những loài gỗ quý hiếm như lát hoa, pơ mu, ở độ cao từ 700m trở lên. Hệ động vật trong khu bảo tồn cũng khá phong phú, gồm khoảng 72 loài thú, 240 loài chim, 48 loài bò sát. Trong đó, nhiều loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới như sơn dương, gấu, vượn đen tuyền, voọc xám, rùa đầu to, kỳ đà hoa. Vùng lõi của khu bảo tồn còn có một số loài chim quý hiếm như hồng hoàng, gà lôi… Trong khu bảo tồn còn có nhiều khe suối, thác nước chảy quanh năm, nhiều hang động. Riêng địa bàn Nà Hẩu có 8 thác nước và 2 hang động, trong đó có nhiều thác nước, hang động tuyệt đẹp như thác Bản Tát, thác Đuôi Công, thác Suối Tiên; hang Dơi, động không đáy… Đỉnh dốc Ba Khuy còn có bãi đá cổ, cũng là điểm săn mây lý tưởng cho các tay máy. Khí hậu Nà Hẩu rất mát mẻ, chẳng khác gì Sa Pa. Những năm qua người dân Nà Hẩu rất có ý thức trong việc giữ rừng, đặc biệt là tổ chức Tết Rừng hàng năm nên hệ sinh thái rừng Nà Hẩu còn khá nguyên vẹn.

Kiểm lâm viên Huy vừa dứt lời, Chủ tịch Cầu nói tiếp ngay: Tiềm năng thứ hai của Nà Hẩu là văn hóa Mông. Nà Hẩu gần 100% dân số là người Mông, thuộc nhóm Mông Hoa, đồng bào còn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, từ trang phục, phong tục, tập quán, văn nghệ, trò chơi dân gian đến ẩm thực. Người Mông Nà Hẩu, nhất là chị em vẫn giữ được trang phục thổ cẩm Mông truyền thống, như váy, áo, khăn, yếm Mông. Trò chơi dân gian có đánh quay, đẩy gậy, ném pao, bắn nỏ. Văn nghệ dân gian có hát dân ca, múa sênh tiền, múa khèn, thổi khèn bè, khèn lá, đàn môi. Về ẩm thực cũng phong phú và độc đáo. Đầu tiên, phải kể đến đặc sản gà đen. Giống gà của người Mông có màu đen từ lông, đầu, mào cho đến da, thịt, xương, nội tạng. Gà đen được nuôi thả tự nhiên trên các nương ngô, đồi sắn, tự kiếm thức ăn. Da gà dày giòn, thịt săn nhưng không dai, ít mỡ, hương vị đậm đà. Ngoài làm thực phẩm, gà đen còn có tác dụng làm thuốc bồi bổ cơ thể, chống suy nhược, giảm khả năng suy thận, chống lão hóa, loãng xương, bổ phế, tăng cường sinh lực, nên còn được gọi là gà thuốc. Các món làm từ gà đen Nà Hẩu có luộc, nấu canh gừng, canh măng chua, rang gừng, nướng than, nướng trong ống vầu. Tiếp đến là món thịt lợn "cắp nách". Giống lợn lai giữa lợn rừng và lợn địa phương, được nuôi thả rông, ăn các loại lá, củ, quả, rễ cây rừng nên mình săn chắc, thịt thơm ngon. Khi chế biến, thịt được làm sạch, tẩm ướp các loại gia vị tự nhiên lấy từ rừng rồi nướng nguyên con, hoặc luộc rồi thái cả xương. Ngoài ra cũng phải kể đến rau. Rau tuy không quý hiếm nhưng bữa ăn không thể thiếu rau. Nà Hẩu có rau cải nương Mông, xanh, sạch, ngọt, có thể nấu canh, xào với thịt lợn sấy, muối dưa hay ăn với lẩu. Ngoài ra, còn các loại rau lấy từ rừng như rau dớn, cơm kìa, hoa chuối, lõi chuối non và các loại nấm, măng. Một món nữa cũng rất đặc trưng của ẩm thực Mông Nà Hẩu là mèn mén. Mèn mén được làm bằng ngô truyền thống của địa phương, vừa dẻo, vừa thơm. Cách chế biến cũng kì công. Hạt ngô được xay nhỏ bằng cối đá, rồi sàng lấy bột mịn, trộn bột với một lượng nước vừa đủ cho bột không quá khô, không quá nhão rồi mang đồ xôi hai lần. Lần một, đồ cho bột ngô nở tơi ra, rồi để nguội cho lên men. Khi đã lên men lại trộn với nước cho bông tơi rồi đem đồ lần hai cho đến khi dậy mùi thơm. Mèn mén chín tới dẻo nhưng tơi, có vị bùi, ngòn ngọt, ăn một lần nhớ mãi. Gần đây, người Mông Nà Hẩu còn có thêm nhiều món ăn ngon được chế biến từ cá tầm và ốc dạ. Cá tầm Nà Hẩu được nuôi dưới chân thác nên vừa sạch, vừa ngon. Hiện trong xã có 4 hộ nuôi cá tầm, 20 hộ nuôi ốc dạ. Đủ cung cấp cho các cơ sở kinh doanh du lịch.- Ngừng một lát mời nước, Chủ tịch Cầu cho biết tiếp, xã đã thành lập 2 hợp tác xã: Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, thành lập 2019, với 14 thành viên. Năm 2021, sản phẩm Du lịch cộng đồng của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Hợp tác xã Dược liệu và Du lịch Nà Hẩu Xanh được thành lập năm 2022, với 11 thành viên, vừa phát triển nguồn dược liệu của địa phương, như chè dây, sơn thục, câu đằng, chầu rừng, ráy leo, xạ đen, giảo cổ lam, thất điệp, kim ngân, dây chữa đau xương, dây chìa vôi… vừa phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài 2 Hợp tác xã, trên địa bàn xã còn có 8 hộ gia đình đầu tư sửa sang nhà cửa, cơ sở vật chất làm du lịch cộng đồng. Điểm nổi bật của du lịch cộng đồng Nà Hẩu là sản phẩm dịch vụ được thiết kế, xây dựng dựa vào các nguồn lực sẵn có của địa phương. Du khách được trải nghiệm hệ sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa Mông, do người Mông Nà Hẩu trực tiếp thực hiện. Năm 2022, đã có khoảng hơn 6.000 du khách đã đến với Nà Hẩu. Mùa hè 2023, du khách cũng đến với Nà Hẩu còn đông hơn. Vừa qua, đoàn chuyên gia Đức đã đến khảo sát và tư vấn cho xã phát triển du lịch cộng đồng. Chuyên gia của UNESCO cũng làm việc với xã về quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu thành Khu dự trữ sinh quyển Việt Nam, sẽ còn mở ra nhiều cơ hội cho du lịch cộng đồng Nà Hẩu phát triển vươn tầm quốc tế.

Rời trụ sở xã, chúng tôi vào thác Suối Tiên. Chủ tịch Mặt trận Vàng A Pao và Chỉ huy trưởng Quân sự xã Giàng Seo Páo dẫn đường. Đường bê tông đủ cho xe ô tô 16 chỗ đến cách cửa rừng khoảng 0,5km. Từ cửa rừng leo theo khe nước, lòng khe toàn những phiến đá lớn, đủ cỡ, có phiến đá giống như cái sập gỗ, đủ cho 5, 6 người ngồi. Hai bên khe nước là những cây cổ thụ cao sừng sững, thân đầy rêu bám, tán lá phủ kín, không có ánh nắng nào lọt qua. Leo chừng hơn 100m thì tới thác. Thác có 3 tầng, mỗi tầng có độ cao từ 15 đến 20m, có thang gỗ để leo lên các tầng. Nước từ đỉnh núi như một dải lụa bạch len lỏi giữa ngàn xanh, bám theo vách đá dội xuống chân thác, tung bọt trắng xóa như hoa. Vực nước chân các tầng thác rộng chừng 15 đến 30m2, sâu từ 1 đến 2m, nước mát lạnh, trong veo, nhìn thấy rõ từng viên đá cuội dưới đáy. Hai bên thác đủ các loại cây rừng, phủ tán xanh biếc. Nhìn lên chỉ thấy khoảng trời nhỏ xíu trên đỉnh thác. Một vẻ đẹp vừa hoang sơ, huyền bí, hùng vĩ lại vừa tráng lệ, trữ tình, khiến ta liên tưởng thác như một Tiên nữ của vùng sơn cước, mãnh liệt, nồng nàn nhưng cũng đầy lãng mạn, mộng mơ. Đằm mình trong dòng nước thác Suối Tiên mát rượi, giữa mênh mông đại ngàn, chỉ nghe thấy tiếng thác nước đổ ầm ào, tiếng chim rừng hót véo von, tiếng gió ngàn reo du dương, chẳng khác nào như đang ở chốn thần tiên. Bao mệt nhọc, chán chường, buồn bã đều tan biến hết. Trở về, vào làng du lịch cộng đồng Bản Tát, nằm nép ngay dưới chân núi. Tại đây có nhà cộng đồng dùng cho sinh hoạt tập thể. Trong làng có các homestay của dân bản. Các homestay đều là nhà sàn, khang trang, rộng rãi, thoáng đẹp, phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi; có công trình vệ sinh khép kín, có bán cả đồ lưu niệm. Các con đường trong bản đều được bê tông hóa, hai bên đường trồng toàn hoa. Bữa cơm chiều ăn tại nhà cộng đồng, có Chủ tịch xã Lý Tòn Cầu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Giàng A Chỉnh, Chủ tịch Mặt trận Vàng A Pao, Chỉ huy trưởng Quân sự Giàng Seo Páo. Đồ ăn là lẩu cá tầm và gà đen, rau rừng, đồ uống là rượu ngô Nà Hẩu nút lá chuối. Ăn uống, trò chuyện hồn nhiên, vui vẻ đến vút tầm. Tôi hỏi Chủ tịch Cầu về Tết rừng Nà Hẩu. Anh bảo:

- Tết Rừng Nà Hẩu thực chất là một lễ hội của người Mông Nà Hẩu, được làm trong hai ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ngày thứ nhất làm lễ cúng Thần Rừng, tại khu rừng thiêng của bản. Tất cả già, trẻ, gái, trai trong bản đều tham gia. Ngày thứ hai là phần hội, làm ở dưới bản, tổ chức các trò chơi dân gian của dân tộc Mông, biểu diễn văn nghệ, hội chợ quê và đi thăm hỏi nhau. Năm 2023 vừa rồi, Tết Rừng được tổ chức vào ngày 28 và 29 tháng Giêng Quý Mão, tức 18 và 19 tháng 2 năm 2023. Cả ba thôn của Nà Hẩu đều làm Tết Rừng cùng ngày, thôn nào làm Tết Rừng của thôn ấy. Mỗi thôn có một thầy cúng làm lễ cúng. Thôn Bản Tát là thầy cúng Sùng A Sềnh, thôn Trung Tâm là thầy cúng Tráng A Chơ, thôn Ba Khuy là thầy cúng Thào A Chứ. Việc chuẩn bị lễ cúng đều do bà con tự nguyện, dưới sự điều hành của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Thôn Trung Tâm là già làng Giàng Chẩn Dìn, thôn Ba Khuy là già làng Cứ A Phần, thôn Bản Tát là già làng Giàng A Tủa. Bà con nhân dân ai cũng phấn khởi làm lễ cúng, còn mang theo cả đồ ăn lên rừng, sau lễ cúng, trải lá cọ, bày đồ ăn cùng ăn uống vui vẻ nên lễ cúng Thần Rừng còn được gọi là Tết Rừng. Sáng mai, tôi sẽ dẫn các anh chị ra thôn Ba Khuy, gặp thầy cúng Thào A Chứ, ông ấy sẽ nói rõ hơn về lễ cúng rừng.

Ăn uống xong, chừng hơn 9 giờ tốt, đoàn về ngủ tại homestay của vợ chồng cô giáo Chinh, trong bản. Cô giáo Chinh sinh ra lớn lên ở thành phố Yên Bái, chồng cô là công nhân lâm nghiệp quê Nam Định. Cô dạy học tại Nà Hẩu hơn 10 năm. Khi được nghỉ chế độ, thay vì về quê hay ra thị trấn Mậu A, gia đình đã có hai căn nhà xây kiên cố, cô Chinh quyết định một căn dành cho các con ở học hành và làm việc; một căn cho thuê, còn hai vợ chồng cô vào Nà Hẩu, làm du lịch cộng đồng. Căn nhà sàn gỗ khang trang sạch đẹp này mới được làm năm ngoái. Đêm cuối hè, đầu thu nhưng thời tiết khá lạnh, đã phải đắp chăn ngủ. Nằm trong nhà nhưng nghe rõ tiếng thác nước Bản Tát dội về, tiếng nai giác từ trong rừng già, tiếng đàn môi réo rắt của cô gái Mông nơi đầu ngõ, tiếng khèn lá của một chàng trai Mông nào đó từ xa vọng về lanh lảnh. Chắc là họ ra tín hiệu để rủ nhau đi chơi trong rừng trăng. Về khuya, tôi chợt tỉnh giấc bởi tiếng gà gáy. Một con gáy, rồi hai con gáy, con nọ gáy tiếp con kia, tiếng gáy nối nhau dài mãi, xôn xao cả đại ngàn. Đã lâu lắm rồi tôi mới có một đêm ngủ thần tiên, tuyệt vời như thế. Sáng sau, Chủ tịch Cầu đến dẫn đoàn ra thôn Ba Khuy. Đến nhà thầy cúng Thào A Chứ, gặp cả già bản Cứ A Phần cũng đang ở đó. Thầy cúng Chứ bảo:

- Người Mông mình sinh ra từ rừng. Trên rừng có thần rừng, thần cây, thần suối xua đuổi thú dữ, cho bản làng yên vui. Rừng còn cho đất, cho gỗ làm nhà, cho nguồn nước uống nên rừng còn là nhà của người Mông. Người Mông khi chết cũng trở về rừng, hồn nhập vào cây rừng. Nên rừng còn là tổ tiên, ông bà của người Mông. Rừng với người Mông thiêng liêng lắm. Vì vậy người Mông phải làm lễ cúng, phải ăn Tết trên rừng. Cúng Rừng đã có từ xa xưa rồi, năm nào cũng phải cúng để tạ ơn Thần Rừng, Thần cây, Thần suối đã phù hộ cho dân bản và xin các Thần ban cho dân bản một năm mới may mắn, mưa thuận gió hòa, cây ngô, cây lúa tươi tốt, cây gỗ nhỏ thành cây gỗ lớn, gà, lợn, vịt chen chúc đầy sân, người người khỏe mạnh, bản làng yên vui. Lễ vật dâng cúng Thần gồm một cặp gà trống mái, một con lợn cùng rượu, xôi. Lễ vật được rước từ nhà văn hóa bản lên khu rừng thiêng. Bản phải chọn hai  nam, hai nữ chưa vợ, chưa chồng mạnh khỏe, nhanh nhẹn, không làm điều xấu, khiêng lễ vật. Lễ cúng được làm dưới một gốc cây cổ thụ. Đến giờ lành, thầy cúng kính cẩn dâng hương, lần lượt quay về bốn phía gõ mõ rồi khấn mời các Thần linh về chứng giám, hưởng thụ lễ vật dân bản dâng. Trong lời khấn phải có câu: “Xin các Thần về chứng giám lòng thành, ăn Tết Rừng dân bản đã cúng vào cây. Mong các Thần phù hộ cho gió vào, gió qua đi không làm sập nhà, trời mưa to đất không bị sập, mưa thuận gió hòa cho dân bản làm ăn may mắn”. Sau đó, thầy cúng cùng một số thanh niên cắt tiết gà, tiết lợn, các lông gà được phết máu, dán lên gốc cây cổ thụ.- Thầy cúng Thào A Chứ vừa ngừng lời, già làng Cứ A Phần liền góp chuyện ngay:

- Cúng các Thần xong, già làng, sẽ nhắc nhở mọi người về việc giữ rừng, trưởng bản thông qua các hương ước bảo vệ rừng, dân bản cũng trao đổi nhắc nhở lẫn nhau bảo vệ rừng. Ai vi phạm cũng được đưa ra nhắc nhở. Sau đó mọi người bày cỗ cùng nhau ăn uống vui vẻ đến tận chiều. Từ ngày hôm sau, thực hiện quy ước cấm rừng 3 ngày; không ai được vào rừng, không chặt cây, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, không bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo. Để thực hiện được các điều kiêng kị này, từ vài ngày trước, phụ nữ các gia đình phải xay ngô, giã gạo, lấy rau, lấy củi, gói bánh chưng, giã bánh giày, chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho người và vật nuôi đủ ăn trong ba ngày. Phần Hội của Tết Rừng cũng vui lắm, có các trò chơi, biểu diễn văn nghệ, toàn của người Mông mình. Có cả Hội chợ bày bán các sản phẩm của người Mông như chè shan, tinh dầu quế, gạo nếp nương, thảo quả, sa nhân, các loại rau, củ, quả rừng. Các loại dao, cuốc, xẻng, lưỡi cày, vạc, vòng đeo, khèn, sáo, gậy sênh tiền, áo, váy, yếm, đều do người Mông Nà Hẩu làm ra; lại có cả đồ ăn như ốc nứa lam, thắng cố ngựa, lẩu cá tầm, gà đen… cũng được bày bán cho khách du lịch và người ở xã khác đến chơi…

Nghe thầy cúng Thào A Chứ và già làng Cứ A Phần nói về Lễ cúng Rừng, ăn Tết Rừng của người Mông Nà Hẩu, tôi càng hiểu vì sao rừng Nà Hẩu lại xanh tốt đến thế. Người Mông Nà Hẩu không ai làm “lâm tặc” hoặc tiếp tay cho “lâm tặc”. Bởi với người Mông Nà Hẩu rừng là đấng thiêng liêng, là tổ tiên, là ngôi nhà thiên nhiên của mình. Ai phá rừng là kẻ ác, sẽ không có chỗ dung thân trong cộng đồng. Đời sống tâm linh về rừng của người Mông Nà Hẩu mới tuyệt vời, sâu sắc và ý nghĩa làm sao. Chia tay thầy cúng Thào A Chứ và già làng Cứ A Phần, cả đoàn ra bãi đá cổ, nằm dưới một thung lũng nhỏ, ngay gần cửa rừng. Mấy chục phiến đá mồ côi lớn, nhỏ. Có phiến đá to bằng cả gian nhà, hình thù giống như một trái núi. Có phiến đá lại giống hệt như cái máng dẫn nước. Bề mặt các phiến đá khá phẳng phiu, nhẵn nhụi, có nhiều hình thù khác nhau, như thể có một bàn tay kì diệu nào đó tạo nên. Đặc biệt có một mỏm đá khi gõ vào thì vang lên những âm thanh như tiếng cồng đổ, chiêng ngân. Anh em trong đoàn ai cũng gõ để lắng nghe âm thanh, hồn đá từ triệu triệu năm xưa vọng về. Đã hẹn trưa nay về Đại Phác, đành bắt tay Chủ tịch Cầu, hẹn ngày trở lại Nà Hẩu. Mới chỉ có một chiều, một đêm và nửa sáng với Nà Hẩu; chưa đi hết đất, hết rừng Nà Hẩu, gặp được hết người Nà Hẩu nhưng đã thấy Nà Hẩu hấp dẫn vô cùng, đáng yêu vô cùng. Và tôi tin, rừng Nà Hẩu sẽ mãi xanh tươi, trường tồn cùng với những người Mông Nà Hẩu chân chất, đáng yêu, quý rừng như sinh mạng mình.

Quả là Rừng và Người Nà Hẩu đã truyền thêm cho tôi niềm tin cuộc sống và cảm hứng sáng tạo. Ngồi trên xe ô tô, tôi bỗng nảy ra trong đầu tứ thơ: Đêm ngủ ở Nà Hẩu/ Nghe tiếng gió thổi từ rừng Khe Tát/ Tiếng nước dội từ ba tầng Thác Tiên/ Tiếng đàn môi cô gái Mông réo rắt/ Tiếng khèn lá chàng trai Mông vút qua triền núi/ Gọi nhau đi chơi trong rừng trăng/ Là thực mà như đang mơ!/ … Chia tay người Nà Hẩu/ Cùng nhau uống cạn bát rượu ngô/ Thay cái bắt tay/ Hẹn Tết Rừng lại lên Nà Hẩu / Cùng nhau cạn bát rượu ngô đầy…

 

 

                                                                                 N.H.L

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter