• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Bông hoa thắm của đất Mường
Ngày xuất bản: 22/03/2020 1:36:20 CH

Ký của Trung Thành 

Tôi gặp lại Mường Lò đúng vào dịp hoa ban trắng bắt đầu kết nụ, khi những cơn mưa phùn cuối cùng cố níu kéo mùa xuân cũng vừa kết thúc, nắng xuân trải vàng ấm áp, xua tan làn sương giá. Ngắm ban trắng tinh khôi trong nắng sớm, chợt nhớ tới mùa ban đỏ rực rỡ khắp đất Mường hồi đầu đông năm trước, tôi lại nhớ con đường rợp sắc ban đỏ và rực rỡ muôn sắc hoa hai bên đường dẫn vào thôn Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi- một trong những điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của thị xã Nghĩa Lộ; nhớ tới những người phụ nữ cần cù, sáng tạo đã làm nên sự cuốn hút và vẻ đẹp mê hồn ấy và nhớ tới chị- người phụ nữ “ba đảm”, người “đầu trò” trong tất cả những phong trào sôi nổi của chị em phụ nữ xã nơi đây.

Về Nghĩa Lợi, tìm chị Hà Thị Vân- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã không hề khó bởi chỉ cần nhắc tới tên chị thì dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ nhỏ cũng đều nhận được câu “À, bà (chị) Vân…” cùng cái gật đầu ngay tức khắc. Người ta còn rành rọt kể về lịch trình, hoạt động của chị như thể người thân trong nhà: “…Giờ này bà ấy đang trên Ủy ban, lên nhanh còn gặp không chỉ một lát nữa là bà ấy lại xuống bản đi kiểm tra hố tiêu đấy…, hay ngày này bà ấy sẽ đi dọn vệ sinh cùng bà con thôn Chao Hạ 1, ngày kia bà ấy sẽ đi trồng, chăm sóc đường hoa cùng phụ nữ thôn Chao Hạ 2…”. Quả đúng như lời họ nói. 8 giờ sáng, tôi may mắn gặp được chị Vân khi chị vừa tranh thủ đi giải quyết một vài công việc của Hội về. Nghe tôi trình bày mục đích cuộc gặp mặt, thay vì ngồi một chỗ để trả lời phỏng vấn, chị Vân lại lấy xe đưa tôi đi thăm quan một vòng quanh xã. Hơn một giờ đồng hồ đi dạo bằng xe máy, chị Vân không cung cấp chút thông tin nào về thành tích hoạt động của mình mà chỉ kịp giới thiệu sơ lược về những nơi chị đưa tôi qua, bởi chị còn bận trả lời những câu chào, câu hỏi tíu tít của các bà, các chị mà chúng tôi gặp trên đường. Bù lại, tôi được thoải mái ngắm nhìn những con đường rực rỡ hoa mười giờ, chiều tím, bỏng nước, dừa cạn… đang thỏa sức khoe sắc dưới nắng mai; những ngôi nhà sàn khang trang mới được xây dựng vừa mang phong cách truyền thống, vừa mang dáng vẻ hiện đại; những điểm gắn biển du lịch cộng đồng thấp thoáng bóng dáng những đoàn du khách nước ngoài… Qua Chao Hạ 1, Chao Hạ 2 rồi vào bản Sà Rèn, chúng tôi ghé thăm vài mô hình nhà sạch, vườn đẹp và mô hình làm du lịch cộng đồng do chị em phụ nữ làm chủ. Hễ ghé qua nhà nào, việc đầu tiên chị Vân làm là thăm hỏi tình hình trồng cấy của chị em. Chị không ngồi vào bàn uống nước mà miệng nói, chân bước, xăm xắn lội ngay xuống vườn cà chua hay vườn rau cùng chủ nhà. Nghe các chị trao đổi, chuyện trò, nhìn cử chỉ, hành động thân tình mà tôi cứ ngỡ họ là chị em trong nhà gặp nhau chứ không phải cán bộ tới thăm dân nữa. Trước khi chào ra về, chị Vân không quên nhắn nhủ, dặn dò chị em hẹn nhau vệ sinh, quét dọn và chăm hoa cho đúng lịch.

Chị Hà Thị Vân- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lợi (trái) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cà chua với hội viên

 

Sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Lợi, một xã thuần nông có tới 87% dân số là đồng bào dân tộc Thái, bản thân là người phụ nữ Thái, lại có 25 năm làm công tác phụ nữ nên hơn ai hết, chị Vân thấu hiểu hoàn cảnh, đời sống cũng như tâm tư, tình cảm của chị em như chính bản thân mình. Phụ nữ Thái xưa nay vốn hiền hòa, chăm chỉ, chịu thương chịu khó nhưng lại nhút nhát, sống cam chịu, phụ thuộc vào chồng và không bao giờ biết chăm sóc cho bản thân. Những tập tục truyền thống, quan điểm sống cổ hủ về người phụ nữ bao năm như một cái nếp ăn sâu vào tu duy, tâm trí họ. Trong khi đó, xã hội ngày càng phát triển, vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày càng được khẳng định, việc thay đổi tư duy, nếp nghĩ, nếp sống của chị em là điều cần thiết, cấp bách phải làm và làm cho bằng được luôn là điều trăn trở, là tâm nguyện lớn nhất của những người làm công tác phụ nữ như chị Vân. Công tác phụ nữ vốn lấy việc tuyên truyền, vận động là chính thì ở chỗ chị công việc này càng là vấn đề mấu chốt, chủ đạo. Xác định điều đó, ngay từ những ngày đầu tiếp nhận công tác, chị Vân xác định, dù ở vị trí nào thì công việc cũng không thể chỉ là công tác chỉ đạo, điều hành hay phân công, chỉ tay năm ngón, mà chủ yếu vẫn là tiếp cận, gần gũi với chị em, phải trực tiếp lăn xả vào mà làm thì mới vận động được người khác, mới tạo nên phong trào mạnh mẽ được. Chân đi, miệng nói, tay làm là phong cách làm việc của chị. Chẳng vậy mà suốt 25 năm, người dân trong xã, nhất là chị em phụ nữ đã quá quen với sự có mặt của chị mỗi khi có việc lớn, việc nhỏ ở bản trên, xóm dưới. Ăn cùng, ngủ cùng thì không, chứ làm cùng dân thì không việc gì là không thấy có mặt chị. Từ việc đi trồng ngô vụ đông; quét rác dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; lắp đường điện chiếu sáng; trồng hoa ven đường cho đến cùng chị em đi học xóa mù, đưa người dân đi khám bệnh, tìm việc làm… việc gì, chị cũng dồn hết tâm sức mà làm như làm cho chính mình.

Những năm đầu làm công tác phụ nữ (1995), chị Vân còn kiêm luôn công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Sau những ngày tháng đi vận động chị em sinh đẻ có kế hoạch, chị phát hiện nhiều gia đình có con em nhiễm HIV- một căn bệnh mà hầu hết các gia đình đều cố tình giấu kín. Đến năm 2005, 2006, thanh niên trong độ tuổi 18, 20 cứ chết dần, chết mòn, có nhà mất đến 4, 5 người con. Nhận thức của người dân về bệnh lúc đó còn hạn chế, người ta kỳ thị, xa lánh khiến cho cuộc sống của người dân vốn đã nghèo khó lại càng trở nên hoang mang, sợ hãi. Biết rõ nguyên do, chị Vân đau xót lắm. Một mặt, chị âm thầm tìm hiểu mọi thứ về căn bệnh này, tìm cách tiếp cận và liên hệ với những nơi có khả năng hỗ trợ để giúp bà con, một mặt, chị tìm đến từng gia đình có người nhiễm H, động viên, tuyên truyền và giúp họ nâng cao nhận thức và cách phòng tránh lây nhiễm trong cộng đồng. Ban đầu, chị tư vấn, hướng dẫn và giúp cho bà con làm thủ tục đi làm xét nghiệm CD4, nhưng sau một lần có cháu tự đi, lên xe khách bị lừa hết tiền, phải gọi người nhà đi đón về thì chị quyết định tự mình đưa đi. Chị tập hợp một lúc 7, 8 người, tự bỏ tiền túi của mình gọi xe đưa về Bệnh viện Nhiệt đới TW làm xét nghiệm. Năm 2007, sau nhiều nỗ lực của bản thân, chị Vân liên hệ với Sở Y tế tỉnh và phối hợp với các cơ quan, ngành tại địa phương vận động, tập hợp và thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Thân nhân những người nhiễm HIV/AIDS xã Nghĩa Lợi”, lấy nhà riêng làm địa điểm sinh hoạt, đích thân chị làm Chủ nhiệm. Sinh hoạt đều đặn 1 đến 2 lần mỗi quý để phổ biến cho các thành viên kiến thức liên quan đến căn bệnh, đặc biệt là tuyên truyền về chống phân biệt, đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư; với 15 thành viên tham gia sinh hoạt CLB đã dần thu hút sự quan tâm của cộng đồng và trở thành điểm tựa vững chắc cho những người nhiễm H và thân nhân của họ.

Năm 2011, xã Nghĩa Lợi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm hơn 67% hộ nghèo. Với vai trò của mình, chị Vân lại cùng chị em tìm cách phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo. Vận động các chị em mạnh dạn tham gia làm kinh tế, từ bỏ thói quen dựa dẫm, trông chờ vào cánh đàn ông, tự mình đứng lên làm chủ khi có cơ hội. Để giúp chị em định hướng công viêc theo khả năng của mình, chị tìm cách phối hợp với các cơ quan như Trường Sơ cấp nghề Nghĩa Lộ, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội của thị xã mở hơn 30 lớp dạy nghề như mây song tre đan, dệt thêu truyền thống, trồng trọt, nấu ăn, chăn nuôi...; phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giới thiệu và đưa con em đi làm thuê, làm giúp việc, vừa tạo công ăn việc làm lúc nông nhàn, vừa bảo vệ chúng tránh khỏi tệ nạn xã hội. Từ việc học hỏi, tham khảo từ bên ngoài, cùng với khát vọng vươn lên, nhiều chị em mạnh dạn phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và làm du lịch. Họ có nhu cầu làm gì, chị động viên và cùng họ tìm hiểu thông tin, giúp họ vay vốn, làm thủ tục hay bất kể việc gì họ cần mà không nề hà. Cũng từ đây, Nghĩa Lợi nhen nhóm hình thành nhiều mô hình kinh tế khá hiệu quả như trồng ngô nếp tím vụ đông, dệt thổ cẩm, V.A.C. Điển hình hơn cả là mô hình làm du lịch cộng đồng. Tận dụng lợi thế về văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, tài nấu ăn khéo léo và sự phong phú trong văn hóa ẩm thực, nghệ thuật của người Thái, một số chị em như chị Hoàng Thị Loan ở bản Sà Rèn, chị Lường Thị Hồng Chung, Lò Thị Xoan ở thôn Chao Hạ 2 đã phát triển thành công mô hình, thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước tìm đến Nghĩa Lợi mỗi năm, không những tạo nguồn thu ổn định cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương. Từ những hộ tiên phong, nhiều hộ gia đình khác học theo và đã mạnh dạn đầu tư. Nhằm khai thác, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái để phát triển du lịch, gắn với phát triển thương mại- dịch vụ và nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, năm 2014, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại xã Nghĩa Lợi”. Ngay khi dự án được triển khai, 13 hội viên phụ nữ đã hăng hái đăng ký tham gia và được đầu tư với tổng kinh phí 260 triệu đồng. Cũng chính sự phát triển của mô hình làm du lịch cộng đồng mà tư duy, nhận thức của chị em phụ nữ nơi đây thay đổi hẳn. Từ việc quen với nếp sống, sinh hoạt cũ thì chị em đã chủ động “làm sạch” thôn bản, cùng với cán bộ Hội nhiệt tình tuyên truyền, vận động người thân và bà con nhân dân thay đổi nhận thức về nếp sống sinh hoạt, tổ chức vệ sinh môi trường, quét dọn vệ sinh nhà ở, đường làng ngõ xóm hàng tuần, hàng tháng, vận động nhân dân không nuôi, nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn, xây dựng công trình vệ sinh ra xa nhà ở… Thế  là, công việc mà chị Vân phải khó khăn tuyên truyền, vận động lâu nay giờ lại tự phát huy tác dụng một cách bất ngờ. Thay vì gần như không có khái niệm về vệ sinh môi trường, tất thảy đều “bạ đâu vứt đó”, xử lý rác thải thì mạnh ai nấy làm, không vun vào đốt thì cũng đổ tràn lan ra đường gây mất vệ sinh môi trường, hộ nào khá thì đào hố rác, nhưng hố rác để lâu, chất rắn, chất lỏng lẫn lộn, không phân hủy được... thì chỉ sau vài năm, tất cả đã dần thay đổi, đường làng ngõ xóm không những đã sạch không còn rác mà còn “trên sáng, dưới xanh” bởi những ngọn đèn “Thắp sáng đường quê” và những công trình đường hoa của chị em phụ nữ.

Nhắc đến những con đường hoa, để có được những thảm hoa rực rỡ sắc màu trải dọc khắp các nẻo đường Nghĩa Lợi cũng là cả một câu chuyện dài mà nhân vật chính trong câu chuyện ấy không ai khác chính là “bà Vân”. “Mẹ làm bốn luống đất này, kiểu gì chả có hai luống để gieo hoa”- Đó là câu nói quen thuộc của con gái mỗi khi chị làm đất trồng rau trong vườn nhà. Ý nghĩ vận động chị em tham gia trồng hoa ven đường để giữ gìn vệ sinh và làm đẹp cảnh quan, cải thiện môi trường sống đã đến với chị Vân từ nhiều năm về trước. Biết rằng với thói quen, nếp sống của chị em mình, nếu chỉ vận động suông thì việc trồng hoa sẽ khó thành hiện thực. Vậy nên, một mặt chị tích cực vận động, mặt khác, chị âm thầm tự mình đi xin giống hoa từ khắp mọi nơi về gieo trong vườn nhà mình. Gieo được giống rồi, chị mới tập hợp chị em lại, góp tiền của mình vào mua từng viên gạch làm bồn rồi đích thân chở hoa giống xuống tận nơi, tự mình xắn tay làm cùng chị em, vừa nhu vừa cương, quán triệt chị em trồng cho bằng được. Góp gió thành bão, cứ ươm được bao nhiêu giống thì chị triển khai trồng bấy nhiêu, dần dần hơn 30 đoạn đường liên thôn với chiều dài hơn 7km của xã cũng được phủ kín các giống hoa. Trồng được hoa rồi thì phải chăm sóc, chị phối hợp với các trưởng bản ra hương ước, quy ước, cứ hàng tuần, hàng tháng theo đúng lịch, cả làng tham gia làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm; các chị em phụ nữ phân công nhau lịch chăm sóc, cắt tỉa cây hoa; các gia đình tự có ý thức giữ gìn vệ sinh trước cổng, cửa của nhà mình. Để giúp bà con thu gom rác thải, Hội còn thành lập ra các câu lạc bộ “Phụ nữ với công tác vệ sinh môi trường”, xin xe đẩy rác và thành lập 10 tổ thu gom rác thải ở cả 10 thôn.

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi của hai chị em tôi liên tục bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại của chị. Nghe chị trao đổi qua điện thoại tôi thấy, cuộc thì chị nói về việc hố tiêu nhà này chưa có cánh cửa, của nhà kia chưa có đường vào, nhà nào đó lại chưa có nắp đậy... Hóa ra, bởi cái tài hay cái duyên khéo thuyết phục, dân vận mà chị Vân lâu này trở thành “bà mối” của hầu như tất cả các ban, ngành, đoàn thể của xã với bà con nhân dân. Hễ có việc gì cần vận động dân là chị Vân có tên. Mang tiếng là hỗ trợ với cán bộ phụ trách, nhưng hễ cứ tham gia công việc nào chị cũng đều hết mình như công việc chuyên môn của mình vậy. Vận động bà con làm hố tiêu hợp vệ sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chị Vân sát sao đôn đốc từng gia đình, không quản ngại mò mẫm, chui vào từng hố tiêu của từng nhà mà kiểm tra. Nhà nào không có điều kiện làm, chị lại tìm các nguồn vốn như vay tín chấp, nguồn hỗ trợ nước sạch vệ sinh môi trường... để tìm vốn cho bà con vay hoặc được hỗ trợ để làm. Vận động bà con đi học xóa mù chữ, chị Vân không chỉ liên hệ với nhà trường, tìm giáo viên giảng dạy, sắp xếp địa điểm học tập là xong mà cứ đến buổi học, từ chập tối là chị đi gọi từng người đến lớp. Người nào có phương tiện tự đi được thì thôi chứ người nào không có phương tiện hay có biểu hiện ngại ngần, chần chừ, biện cớ không muốn đi là chị đến tận nhà áp tải, bận thì chị đợi, việc nhà còn đang dở thì chị làm cùng cho xong rồi chở đến lớp. Tập hợp đủ chị em đến lớp học rồi, chị vẫn không yên tâm phó thác hết cho giáo viên, mà nán lại trò chuyện với giáo viên về hoàn cảnh, điều kiện của từng học viên để giáo viên nắm và chia sẻ với chị em. Ngồi đợi đến hết giờ học, chị lại lần lượt đưa hết những người do đích thân chị chở tới lớp về tận nhà rồi mới yên tâm trở về nghỉ ngơi…

Việc làng, việc nước bận rộn tối ngày là thế mà chị Vân còn được biết đến là một điển hình đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình. Không phải bỗng dưng mà người dân ở Nghĩa Lợi gọi chị là người phụ nữ “bốn đảm”. Vốn xuất thân từ gia đình nhà nông nghèo, chị Vân không bao giờ biết tiếc công, tiếc sức mà chỉ tiếc thời gian quá ít để chị làm việc. Một ngày làm việc của chị luôn bắt đầu từ 3, 4 giờ sáng và kết thúc vào 10, 11 giờ đêm, nhưng hai phần ba quỹ thời gian đó chị đã dành cho công tác Hội nên hiếm khi người ta thấy chị làm việc của gia đình vào ban ngày. Ấy thế mà với mảnh vườn rộng bao quanh nhà, 1 ao cá, 1ha đất bãi và hơn 3000m2 ruộng, chị Vân đã từng thu về cho gia đình mình hàng trăm triệu đồng từ trồng rau mỗi năm, vài chục triệu đồng/vụ từ trồng ngô nếp tím; vài trăm gốc chuối tiêu hồng; 20 con bò nuôi bán công nghiệp hay đàn gà với quy mô hàng trăm con mỗi năm… Là việc nhà, nhưng phần vì lo toan kinh tế gia đình, cùng chồng nuôi hai con ăn học, phần vì muốn thử nghiệm để lấy kinh nghiệm cho bà con, chị em cùng làm nên hễ có giống cây, con gì mới, hễ có mô hình trồng trọt, chăn nuôi gì mới là chị lại tiên phong làm trước. Chị khoe với tôi rằng hiện vườn nhà chị đang trồng thử nghiệm giống na mới rất ngon, quả to hàng cân và cho quả rất đều, bán ra thị trường lại được giá cao. Chị đã trồng được 5 năm, thấy hiệu quả cao nên đang ươm giống. Có giống rồi chị sẽ chia cho chị em cùng trồng.

Nghĩa Lợi về đích nông thôn mới trong niềm vui, niềm tự hào khôn tả của nhân dân toàn xã. Kết quả thắng lợi ấy có được từ sự nỗ lực, đoàn kết đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Trong đó, không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng, tích cực của lực lượng các chị em phụ nữ với các mô hình nổi bật, hiệu quả trong phát triển kinh tế, phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đường điện, đường hoa tô điểm cho bản làng vốn yên bình, thơ mộng càng trở nên hấp dẫn, cuốn hút với bạn bè du khách bốn phương. Và càng không thể phủ nhận công lao của chị- người phụ nữ “ba đảm đang”, người đã dành trọn tâm huyết, sức lực của cả đời mình cho sự phát triển, mạnh giàu của quê hương. Ghi nhận những công lao suốt 25 năm cống hiến, Đảng, Nhà nước và địa phương các cấp đã trao tặng chị hơn 30 tấm Bằng khen, 30 Giấy khen, nhiều Kỷ niệm chương vì những cống hiến cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, sự nghiệp công tác Hội phụ nữ..., và chị cũng đã từng là cá nhân duy nhất vinh dự đại diện cho thị xã Nghĩa Lộ về Trung ương nhận biểu tượng tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

                                                                                               T.T

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter