• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Hướng Đông bắc Sài Gòn trước ngày giải phóng
Ngày xuất bản: 08/04/2020 8:11:13 SA

 Trần Ngọc

Giải phóng Xuân Lộc, Tiểu đoàn tăng 1, Tiểu đoàn tăng 2 và Đại đội 3 Tiểu đoàn tăng 21 vượt sông Đồng Nai tập kết tại khu vực Gia Nghĩa, Túc Trưng, tỉnh Long Khánh phối thuộc với Quân đoàn 4 đánh chiếm Trảng Bom cách Biên Hòa chừng 20km về phía đông. Trảng Bom là một khu đồi thấp bằng phẳng, trong rừng cao su có nhiều đường đất ngang dọc thuận lợi cho việc ém quân và cơ động lực lượng. Đây là nơi có đường xe lửa chạy song song với quốc lộ 1, có đường đất chạy từ trung tâm Trảng Bom lên Gia Nghĩa. Sở chỉ huy chiến đoàn 48 ngụy đóng ở phía Bắc ga Trảng Bom. Ba tiểu đoàn bộ binh của địch đóng án ngữ từ ngã ba đường đá dọc quốc lộ 1 qua Bàu Cá lên Hưng Nghĩa. Hai tiểu đoàn pháo và hai chi đoàn thiết giáp của địch đóng quanh khu vực Trảng Bom. Các đơn vị trên đều thiếu hụt quân số khi rút chạy từ Xuân Lộc về.

Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975 chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Tiểu đoàn tăng 1 phối thuộc với Sư đoàn bộ binh 341, tiến công mở màn chiến dịch.

5 giờ sáng ngày 27/4/1975, trên hướng chính, Đại đội tăng 3 do Đại đội trưởng Đinh Quang Thao và chính trị viên Bùi Văn Kiền chỉ huy xuất kích 10 xe tăng chia làm hai thê đội tiến công dọc đường đá theo hướng Đông Bắc đánh thẳng vào trận địa pháo và xe tăng địch ở phía bắc Trảng Bom, diệt 3 xe tăng M41, 2 khẩu đội pháo 105 và lô cốt của địch. Đồng thời cùng bộ binh Sư đoàn 341 diệt và đánh tan rã 2000 tên tiến thẳng vào sở chỉ huy chiến đoàn 48. 9 giờ 30 phút, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa, một số tàn quân địch sống sót chạy cắt rừng xuống phía Nam.

Trên hướng thứ yếu, Đại đội xe tăng 1 chia làm 2 mũi. Mũi 1 do Đại đội trưởng Bùi Đức Chính chỉ huy: 5 xe tăng tiến công từ hướng Đông theo quốc lộ 1 đánh thẳng vào Hưng Nghĩa. Mũi 2 do Chính trị viên Phạm Ngọc Ẩn và Đại đội phó Nguyễn Trọng Thưởng chỉ huy 5 xe tăng tiến công từ hướng Bắc đánh qua điểm cao không tên theo quốc lộ 1 tiến xuống Bàu Cá. Quân địch xẻ hào chống tăng ngang đường. Xe tăng ta phải tìm đường vòng, đến 10 giờ ta giải phóng Bàu Cá, quân Giải Phóng làm chủ hoàn toàn khu vực từ Hưng Nghĩa đến Trảng Bom dài hơn 10 km, tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp tục tiến công Hố Nai và Biên Hòa.

Tàn quân địch theo quốc lộ 1 chạy dạt xuống tuyến phòng thủ phía Nam theo tuyến đường đất từ Trảng Bom đến Hố Nai, cùng lực lượng biệt động quân và địa phương quân của chúng kháng cự quyết liệt. Thừa thắng, Tiểu đoàn tăng 21 phối thuộc với Sư đoàn bộ binh 6 tiến công kho Long Lạc và trại Yên Thế từ hướng Đông Nam.

Long Lạc là một phần kho nằm phía Đông Bắc tổng kho Long Bình nên được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Ga Long Lạc có đường nhánh xe lửa để vận chuyển hàng hóa vào tổng kho. Phía Bắc ga có trại Yên Thế do 1 tiểu đoàn biệt động đóng giữ, cách ga Hố Nai 3 km về phía Đông.

5 giờ sáng ngảy 28/4/1975, thê đội 1 chia làm 2 mũi, mũi 1- Đại đội trưởng Đồng Minh Hòa chỉ huy 4 xe tăng T59. Mũi 2 do Chính trị viên Đại đội tăng 2 Lữ Quốc Tự chỉ huy 3 xe tăng T59 phối hợp tiến công. Quân địch kháng cự quyết liệt, ta tiêu diệt nhiều mục tiêu và xe tăng, xe thiết giáp của địch, nhưng xe tăng của Chính trị viên bị trúng đạn, Chính trị viên hi sinh. Xe tăng của Đại đội trưởng bị bắn cháy, Đại đội trưởng và 3 thành viên bị thương.

8 giờ ngày 29/4/1975 thê đội 2 xuất kích. Đại đội tăng 3 do Đại đội trưởng Nguyễn Đức Tặng chỉ huy, xuất kích 4 xe T59, chia làm hai mũi. Mũi 1 do Trung đội trưởng Phạm Văn Bình chỉ huy, vượt đường sắt tiến công theo cánh phải. Mũi 2 do Đại đội trưởng chỉ huy tiến công theo cánh trái. Xe tăng số 348 đi đầu bị trúng đạn cối toàn bộ anh em bộ binh ngồi trên nóc xe bị thương, pháo thủ số 2 Lê Văn Thành mở cửa xe bắn súng 12,7 ly cũng bị thương. Tiểu đoàn phó bộ binh xin vào làm pháo 2, cuộc chiến tiếp tục đến trưa, phân đội bắt được liên lạc với Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 nhập thành một mũi tiếp tục truy quét tàn quân đến chi khu Trảng Bom. Cùng lúc đó Thê đội dự bị gồm 3 xe T59 do Chính trị viên đại đội Nguyễn Ngọc Dũng chỉ huy cũng trở về với đội hình chiến đấu.

Chiều 28/4/1975, Chiến đoàn 48 ngụy cơ bản bị tiêu diệt chỉ còn những nhóm nhỏ kết hợp với lính biệt kích và lính dù rút về cố thủ Hố Nai. Địch lợi dụng khoảng trống giữa các ngôi nhà để làm công sự dã chiến cho xe tăng và các loại vũ khí chống tăng. Chúng còn dựa vào những ngôi nhà cao tầng và tháp chuông nhà thờ để làm đài quan sát chỉ điểm mục tiêu cho đồng bọn. Chỉ trong một thời gian ngắn các trận địa pháo của địch đã bị ta tiêu diệt, sân bay Biên Hòa bị pháo ta khống chế, sân bay Tân Sơn Nhất bị phi đội Quyết thắng của phi công Nguyễn Thành Trung ném bom, máy bay địch hầu như không còn hoạt động.

Đúng 6 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, Đại đội tăng 3 do Đại đội trưởng Nguyễn Đức Tặng chỉ huy dẫn đầu đội hình tiến công dọc theo quốc lộ 1. Xe tăng số 348 do Trung đội trưởng Phạm Văn Bình chỉ huy đi đầu, qua khu vực Suối Đỉa thì gặp địch, pháo thủ Nguyễn Khắc Hoàn rê đại liên K53 kẹp nòng quét liên tục từ trái qua phải, rồi lại từ phải qua trái, nhiều tên trúng đạn, những tên khác lao vào các dãy nhà hai bên đường. Mọi hỏa lực hai bên đều khai hỏa, mặt đường mù mịt khói lửa. Nguyễn Khắc Hoàn phát hiện một xe M48 ẩn sau ngôi nhà bên phải, chưa kịp bắn thì xe địch khai hỏa trước, viên đạn trúng bên phải mũi xe 348, xuyên vào giá đạn trước. Trưởng xe hạ lệnh cho các thành viên ra khỏi xe, lái xe Nguyễn Kim Phú theo cửa lái nhảy ra ngoài, pháo thủ Nguyễn Văn Bình theo cửa trưởng xe nhảy ra ngoài,  pháo thủ Nguyễn Khắc Hoàn sau khi bị ngạt khói, vừa nhô đầu ra khỏi xe thì bị địch bắn tiếp, văng người xuống đất, ba người dìu nhau chạy lại phía sau chừng 30 mét thì đạn trong xe phát nổ, pháo 2 Nguyễn Văn Thốn bị thương không ra được đã hi sinh, lái xe Phú bị thương nặng được xe cứu thương đưa về tuyến sau. Pháo thủ Hoàn bị thương vào chân không rời trận địa, vẫn lên xe 352 của Đại đội trưởng tiếp tục chiến đấu: Quân địch lẩn khuất trong dân, ta vừa tiến công tiêu diệt địch vừa phải bảo vệ dân, 12 giờ trưa mới tới ngã ba Hố Nai, quân địch xẻ hào và rải mìn chống tăng ngang đường, dùng dây thép gai bùng nhùng làm vật cản. Địch từ trên tháp chuông nhà thờ Hố Nai dùng súng chống tăng bắn chiếc xe Hồng Hà đi đầu, toàn trung đội trinh sát hi sinh. Xe tăng của Tiểu đoàn 22 tăng cường, dùng pháo chi viện cho bộ binh tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trú ngụ trong nhà thờ. Lúc này đội hình tiến công của ta phải tạm thời dừng lại khắc phục vật cản và tìm đường tránh.

Ngụy quân, ngụy quyền hoàn toàn hoảng loạn. Trần Văn Hương trao quyền tổng thống cho Dương Văn Minh. Minh kêu gọi binh lính giữ vững địa bàn còn lại để tìm giải pháp chính trị. Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn, Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên và một số tướng lĩnh bỏ nhiệm sở chạy ra nước ngoài, tướng Vĩnh Lộc lên thay hò hét tử thủ.

Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy Nguyễn Văn Toàn bắn chết Phó Tư lệnh Nguyễn Văn Hiếu, tháo chạy về Gò Vấp giao Biên Hòa lại cho Sư đoàn 18. Quân đội Sài Gòn như rắn mất đầu kẻ chạy trốn cứ chạy trốn, kẻ còn lại cứ liều mình tử thủ.

Đêm 29 rạng sáng 30/4/1975, Tiểu đoàn tăng 21 tiếp tục phối thuộc với Sư đoàn bộ binh 6, tiến công trại Nguyễn Tuấn, trận địa pháo Hốc Bà Thức, sở chỉ huy Quân đoàn 3 và sân bay Biên Hòa. Quân địch tan vỡ tháo chạy, Lê Minh Đảo cho phá sập Cầu Mới trên sông Đồng Nai để cản bước tiến của quân ta. Cầu Ghềnh trọng tải 12 tấn, xe tăng không dám qua. Tiểu đoàn tăng 22 phối thuộc với bộ binh Sư đoàn 7, tổ chức thành mũi thọc sâu quay ra Tam Hiệp, theo xa lộ tiến vào Sài Gòn. Đường ra Tam Hiệp bị kẹt nên thê đội đi đầu của mũi thọc sâu ra đến xa lộ thì đội hình của Quân đoàn 2 đã đi qua.

Tiểu đoàn tăng 1 phối thuộc với Sư đoàn bộ binh 341 tiến công các đồn bốt dọc đường. Tiểu đoàn tăng 21 phối thuộc với Sư đoàn bộ binh 6, truy quét tàn quân địch, tiếp quản thành phố Biên Hòa.

Phối hợp hiệp đồng các quân binh chủng lực lượng xe tăng thiết giáp từ hướng Đông bắc đã mưu trí, dũng cảm đập tan các tuyến phòng ngự của địch mở đường cho Đại quân tiến về Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

 

T.N

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter