Ký của Dương Thu Phương
Những năm gần đây, tình hình bảo vệ an ninh trật tự đã chuyển biến theo chiều hướng tốt khi cùng với cả nước tỉnh Yên Bái quyết liệt thực hiện Đề án “Điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019-2021”. Chúng tôi có dịp trực tiếp trải nghiệm thay đổi này ở xã Cảm Nhân, một địa bàn trọng điểm phức tạp từ nhiều năm nay về an ninh trật tự theo Quyết định số 3250/QĐ-BCA (V28), ngày 11/8/2011 của Bộ Công an.
Những nỗ lực không mệt mỏi
Trong nụ cười hiền lành của chàng trai Tày ngoài 30 tuổi, đồng chí Hoàng Duy Tuân, Trưởng Công an xã Cảm Nhân chia sẻ “Không sợ khó khăn, vất vả chỉ sợ mình chưa đủ trình độ, kinh nghiệm để giải quyết công việc hài hòa mang lại cảm giác bình yên, tin tưởng cho bà con”. Anh là một trong 18 chiến sĩ được phân công đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã tại huyện Yên Bình trong đợt điều động công an chính quy về cơ sở tháng 2/2020, vào đúng dịp Cảm Nhân sáp nhập với xã Tích Cốc theo chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính chưa đảm bảo về diện tích và dân số. Cộng với địa hình vốn xa huyện lỵ, rộng, nhiều vùng giáp ranh, có tình hình về cờ bạc, ma túy phức tạp nhất trong huyện Yên Bình, xã Cảm Nhân càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đây cũng là thử thách đối với người công an trẻ. Vậy là từ đó, không kể mưa nắng, không kể ngày đêm bước chân người chiến sỹ ấy cùng anh em trong lực lượng công an xã đã in dấu lên 44,26 km2, có mặt ở 2.266 hộ gia đình, để chỉ sau 3 tháng về nhận công tác các anh đã lập được hồ sơ nhân khẩu, hồ sơ đối tượng, địa điểm vi phạm. “Chỉ có nắm chắc tình hình mình mới có thể chủ động kiểm soát và có phương án giải quyết mọi tình huống về an ninh trật tự” đồng chí nói.
Thượng tá Lê Thị Thanh Hằng - Phó giám đốc Công an tỉnh Yên Bái trao quyết định bổ nhiệm Trưởng, phó công xã, thị trấn huyện Yên Bình
Cảm Nhân là điểm nóng về ma túy nhiều năm nay, là người đi trong cơ sở, các anh hiểu được nhiều đối tượng trong số đó đã bị phạm tội một cách thụ động. Thứ họ thiếu là kiến thức, là kỹ năng và bản lĩnh để nói không với ma túy. Vì thế, để đấu tranh với tệ nạn may túy, trước hết mỗi đồng chí công an ở cơ sở là một tuyên truyền viên để phổ biến, giáo dục kiến thức về phòng, chống ma tuý. Các anh tranh thủ mọi lúc từ đến nhà dân, đến nhà các cụ cao niên, người có uy tín, trong các buổi họp thôn, hay các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, sinh hoạt chuyên đề của các nhà trường để phổ biến tuyên truyền, để mỗi một người dân là cánh tay nối dài của công an, không những không vi phạm các tệ nạn, có ý thức đề phòng cao, mà còn tố giác người vi phạm và coi hành vi tố giác là một hình thức giúp đỡ chính người vi phạm và cộng đồng. Trong nhiều trường hợp các chiến sĩ còn phải sử dụng nghiệp vụ chuyên môn như trinh sát hóa trang, tuần tra bí mật để tiến hành ngăn chặn ngay từ đầu các đối tượng nghi có biểu hiện hoạt động về ma túy. Với phương châm cảm hóa giáo dục là chính nhưng đối với 04 trường hợp dương tính kiên quyết lập hồ sơ đưa vào diện giáo dục tại xã để quản lý, 03 người được cưỡng chế đi cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh.
Có đi sâu vào cơ sở, chúng tôi mới hiểu được rằng, vì sao lực lượng bán chuyên trách công an xã không thể giải quyết được những vấn đề phức tạp này. Bởi vì, đối với đối tượng đánh bạc thì thời gian hoạt động không kể lúc nào trong ngày, thời gian duy trì cũng không dài để “chờ” lực lượng chức năng đến bắt. Địa điểm tụ tập chủ yếu là trên đồi cao, rừng sâu và liên tục thay đổi, hơn nữa thường đánh ở những vùng giáp ranh rất dễ tẩu thoát. Vì thế, để nắm được tang chứng vật chứng lập được hồ sơ vụ án là cực kỳ khó khăn. Không thể tính hết thời gian để theo dõi, lập hồ sơ; không tính hết thời gian trinh sát lên phương án. Với những đối tượng hoạt động lâu năm và có nhiều thủ đoạn để chống lại lực lượng công an như thế này thì đây luôn là cuộc đấu trí cân não, không chỉ thời gian, sức lực mà đã nhiều lần các chiến sĩ phải đối diện với hiểm nguy. Trong lúc đó, lực lượng công an bán chuyên trách không đủ nghiệp vụ, không có phương tiện chuyên dụng.
Trong đợt làm thẻ căn cước công dân vừa qua, Cảm Nhân là một trong những đơn vị đạt tỷ lệ cao gần nhất huyện. Khó khăn vẫn còn nguyên. Những con đường lầy lội; rừng, đồi và những con suối chắn ngang trước mặt như chẳng bao giờ muốn cho người dân được ra khỏi vùng đất thâm u; quan niệm bao nhiêu đời nay sống chẳng cần giấy tờ, không biết đến ngày sinh tháng đẻ luôn bó buộc trong đầu những người dân chỉ quen với nương với ruộng. Nhưng với quyết tâm mọi người dân đều được quản lý, bảo vệ, được ưu tiên thực hiện chính sách, các anh đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, trước hết là tuyên truyền vận động để bà con hiểu, đi làm thẻ căn cước; khi bà con đến làm thì được ưu tiên cao nhất, về thời gian, về nơi nghỉ ngơi, được chỉ dẫn tận tình đến từng động tác. Được biết, xã Cảm Nhân yêu cầu cán bộ xã làm thẻ vào ban đêm, vào lúc ít người còn trước hết phải dành ưu tiên cho bà con. Ai chưa đến được thì gọi điện, thuyết phục, đợi cho bằng được mới thôi. Qua rà soát, thấy có 150 trường hợp bị tàn tật, già yếu, nằm liệt tại chỗ không đi làm được, các anh đã đề xuất với cấp trên cho xuống cấp tận nhà, dù biết rằng việc di chuyển máy móc trong điều kiện đường sá như ở Cảm Nhân mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng “bà con cần, chúng tôi phục vụ” tất cả chỉ vì một mục tiêu chung.
Quả ngọt đầu mùa
Sẽ là quá sớm để nói đến những thành công, đặc biệt là về lĩnh vực an ninh trật tự, một lĩnh vực nhạy cảm và bị ảnh hưởng bởi quá nhiều yếu tố, cần sự kiên trì, bền bỉ của lực lượng chuyên trách cũng như sự tuyệt đối chấp hành của người dân. Nhưng nhìn vào những kết quả đã đạt được trong một thời gian ngắn như: 100% các nhân khẩu, hộ gia đình được làm sạch giữ liệu dân cư, 93% người dân được làm thẻ căn cước công dân; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Đại hội Đảng các cấp và 99,8% cử tri đi bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp là niềm vui khó nói nên lời mà chỉ khi có công an chính quy về mới thực hiện được.
Nhìn các chú công an trong trang phục ngành đi trên đường những con đường thôn xóm, cảm thấy một sự an tâm đến lạ. Hay đang đêm, trong những ngôi nhà đơn sơ bên sườn núi, biết rằng, ở một nơi nào đó, có người vẫn biết hết tình hình mình, về gia đình, hàng xóm, về những mối hiểm nguy có thể gặp phải... tự nhiên cảm thấy mình không còn cô độc. Đó là cảm nhận của đại đa số những người mà tôi có dịp trò chuyện.
Từ 26, 28 thậm chí là 30 vụ việc về an ninh trật tự một năm, 6 tháng đầu năm 2021 chỉ có 02 vụ với 03 đối tượng. Anh Ma Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã “khoe” với chúng tôi “Vậy là sau 10 năm chúng tôi là một trong hai xã của toàn tỉnh ra khỏi vùng trọng điểm phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Nghe những cuộc điện thoại vào nửa đêm không phải giật mình thon thót vì một vụ truy bắt ổ đánh bạc, hay ẩu đả bởi các con nghiện. Bọn trẻ sẽ có một tuổi thơ tốt hơn, môi trường sống tốt hơn, tương lai tốt hơn và nhân cách cũng phát triển hoàn thiện hơn”.
Cảm Nhân là 1 trong 24 đơn vị có công an chính quy về đảm nhiệm công tác tại cơ sở, cũng là 1 trong 24 điển hình tiêu biểu về ổn định an ninh trật tự tại Yên Bình, bởi tôi tin rằng, sự bình yên của cuộc sống đang được đảm bảo ở tất cả những nơi có công an chính quy nhận công tác. Hình ảnh bọn trẻ vô tư chơi đùa trên những con đường làng vào những đêm trời thanh gió mát, tận hưởng niềm vui ngày hè; các cụ già yên tâm thả bước vừa ngắm cảnh sắc vừa rèn luyện sức khỏe. Điều đó chỉ có được khi xung quanh không còn những hiểm nguy rình rập, khi có một môi trường sống an toàn và chúng ta luôn được bảo vệ, khi có liều “vaccin” là đội ngũ công an chính quy luôn thường trực tại cơ sở. Khi đó, chúng ta hiểu được, chúng ta đang cố gắng vì điều gì.
D.T.P