Võ Bá Cường
Nói đến Đỗ Đức Duy là tôi nghĩ tới anh Lê Huy Ngọ. Tôi không dám so sánh giữa hai anh. Hai anh đều có điểm chung tha hương, rồi trưởng thành được bầu vào Đại biểu Quốc hội và là Bí thư của tỉnh miền núi. Anh Ngọ làm Bí thư Vĩnh Phú, sau trở về làm Chủ tịch, rồi Bí thư Thanh Hóa, đi lên làm Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Hai anh đều yêu núi non, sông suối hun hút chín tầng mây. Tôi quen biết anh Ngọ khá sớm, có lần anh chạy xe về Tệ xá (nhà nghèo) thăm tôi kiếm cuốn sách đọc. Và tôi cũng đôi lần đến nhà anh Ngọ. Thú thực tôi yêu và quý cả hai bởi các anh đều mang gương mặt của nông dân vào mùa lũ quét.
Anh Ngọ xưa đi bán nước mắm thuê. Sau vào Trường Trung cấp nông lâm Vĩnh Phú. Đêm đói rủ bố anh Chu Đình Ngữ giờ là Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái xuống bếp xin củ su hào tước vỏ ăn sống.
Ra trường về Sơn La công tác, sốt rét rụng hết tóc… Anh Duy tóc tai cũng lơ thơ bởi lo nghĩ làm sao đưa Yên Bái trở thành tỉnh vững chắc. Đỗ Đức Duy sinh trong gia đình “Chị ngồi dệt lụa, mẹ ngồi quay tơ”. Tám anh chị em, bảy người đỗ đại học và trên đại học. Một chị học trung cấp, dạy học trên cao nguyên mưa nắng.
Anh Ngọ sống “lăn lóc” trường đời học hỏi, xứng là người con tỉnh Thanh. Anh Duy học giỏi, thời đổi mới thăng trầm với thương trường thực tế. Khiêm tốn, hòa hiếu và quan tâm nhiều lĩnh vực văn hóa, không hổ danh đứa con sinh ra vùng đất Sơn Nam hạ.
Tôi đến với anh Duy không phải sự hấp dẫn ở cái “ghế”. Đến được với nhau như một hợp lưu dòng sông là vấn đề văn hóa, là người biết gọi “hồn rừng” về với đồng bào các dân tộc.
Anh Duy cùng tỉnh ủy lo quy hoạch rừng, quy hoạch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, khoán trồng rừng, làm yên lòng dân bằng cách khép kín các vùng sản xuất để có hơi thở dài sức kinh tế thị trường. Yên Bái là tỉnh kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch với xây dựng. Nhìn nó như một chàng trai khỏe mạnh giữa rừng Tây Bắc.
Có bao chuyện “không phải” của một thời. Hiển nhiên ít người dám nói thật, vì chúng ta đang mắc một căn bệnh cố hữu tự ru mình bằng những lời của “Thánh ca”.
Hôm ngồi với anh, anh nói sâu về văn hóa các dân tộc ở Mường Lò. Anh hiểu kiểu cách mái nhà ở, đến các tập tục dân tộc. Anh kể nước chảy lòng khe, rêu mọc trên đá, đến tiếng con chim “Sơn tiêu” thả từng cánh lông xuống rừng chiều Tây Bắc. Những điều anh nói tôi thấy mới mẻ, nhất là bàn chân người Mông trên các núi đá, lối đi hơi cũ, nhưng hai con mắt họ giờ nhìn xã hội ngày một khác…
Đồng chí Đỗ Đức Duy- Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi các cháu học sinh trường Tiểu học Bản Nùng.
Đất lành, người hiền mới chấp nhận một người con tỉnh ngoài về làm Đại biểu Quốc hội- Bí thư Tỉnh ủy. Hôm đó tôi có nói với Đỗ Đức Duy, lúc ông Kim Ngọc sắp mất. Ông Lê Huy Ngọ đến thăm ông Kim Ngọc chỉ nói: “Cậu cố mà làm, đến lúc làm khắc biết”. Lời dặn đó như một sự cảnh báo trước bao rào cản khi làm Bí thư tỉnh ngoài. Tôi nhớ lúc anh Ngọ xin từ chức Bộ trưởng, tôi có gặp người tử tù Lã Thị Kim Oanh ở trại tù số 5 Thanh Hóa mới thấm câu thơ anh Duy đọc hôm nay của người Tày:
“… Sự đời chẳng khéo lo toan
Xòe bàn tay biết là oan nỗi gì”
Duy ngồi bật dậy, đọc trọn vẹn bài thơ “Thường dân” của Nguyễn Long. Anh bình giải từng câu với sự từng trải hiểu biết của người cán bộ khi đọc:
“Khi là cây mác cây chông
Khi là biển cả khi không là gì”
Lúc đó đầu anh hơi cúi xuống, suy nghĩ vẻ “lung” lắm.
Những Đấng bậc thời giành Độc lập đều có tầm văn hóa. Họ là “hiền kiệt” mọi thời, tôi cảm thấy bóng dáng mình lọt thỏm như cỏ ướt dưới chân.
Văn hóa bao trùm tất cả. Hôm ngồi trên xe đi Mường Lò rồi ngược Mù Cang Chải tạt về Phong Dụ Thượng. Trên xe anh nói người Thái có 80 vía, 30 vía trước mặt, 50 vía sau lưng. Anh giải thích trước mặt ai chả nhìn thấy. Sợ nhất là kẻ đấm sau lưng. Người Thái mổ cá cũng từ lưng, gói 5 lần lá “ngõa” đem nướng. Cách mổ cá, nướng cá vừa mang tính chất tâm linh, vừa phù hợp với quá trình sống của con người.
Tôi ngẫm tới anh hàng xóm thường hay thụi trộm mình thật đáng xấu hổ. Tôi nghĩ điều đó lúc xé luồn trong mây phủ. Trước mắt tôi đường vào Phong Dụ Thượng đều như siêu thực. Núi non, cây cỏ, đất trời đều đẹp, ngay đến con ngựa chạy “loong toong” trên đường. Càng lên cao càng ngạo nghễ. Bóng dáng nó càng đẹp trong rừng chiều. Bỗng có tiếng hát gợi miền sơn cước: “Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió”. Rồi anh cười chỉ tay xuống đường bóng người con gái mặc áo chàm đang ngược dốc.
Kia rồi cái làng Phong Dụ Thượng bé bỏng nằm bên sườn núi. Những chiếc váy người Mông tươi màu phơi ở cửa nhà, bên vách đá cheo leo. Dưới đó là sâu hút vực thẳm… Đường ngày càng lên cao, nhiều chỗ con đường như thắt lại, hiểm trở hơn, heo hút hơn. Có cái gì thoáng trong tôi sự lo âu, xe cũng vặn mình theo sự hiểm trở núi non. Biết vậy. Duy lấy lại sự thăng bằng cho mọi người. Anh kể: “Gần 10 năm ăn rừng, ngủ rừng, đi rừng, tắm suối rừng để có những con đường luồn dưới màu mây cánh vạc”. Tôi đã sống như anh thợ sơn tràng khi mở tuyến, nhất là những ngày khảo sát mở tuyến lên Giàng Pằng (Giàng Pằng cao chín tầng mây)…
Quay ngoắt câu chuyện, anh kể Phong Dụ Thượng.
Lũ quét đêm 19/7/2018 cả bản Lù chỉ còn trơ bãi đá. Nhà cửa cây cối cả bản trôi tuột đâu mất. Tiếng chó, tiếng gà không còn. Đốm lửa cuối cùng giữa rừng xanh, mây trắng tắt ngấm. Lòng dân lúc đó mới bùng lên, cháy lên. Giành lại tất cả…
Bản Lù sau một đêm mưa. Duy theo dân địa phương bám theo sườn núi vách đá mà đi, có chỗ bắc cầu lội suối bò tới. Năm ấy, cả thành phố Yên Bái như biển nước, bỏ dân sao được. Bản Lù nằm trong thung lũng Khau Chạng- Khau Than. Trước mắt anh chỉ toàn là đá. Đá mẹ, đá con, đá già, đá trẻ. Mỗi hòn mang hình dáng khác nhau, nằm chềnh ềnh to tướng chắn lối con người. Có hòn trôi từ đâu về to bằng mái nhà thằng Mèo nằm đó. Hòn nọ nối tiếp hòn kia vô ngôn thách thức. Dân gặp anh ai cũng bảo “sống rồi”. Anh Duy- chú Duy- thằng Duy đã lội bộ về với bản. Cán bộ xuống dân, lòng dân mừng rơn. Anh bảo: “Không phải thế, cán bộ Minh ạ! Mình về với dân bản Lù như con về với mẹ. Dân vui thì mình vui, dân buồn mình lo…”
Sáng nay gặp Bí thư bản giữa bãi đá, khi mình vừa bò qua cầu treo Khiêng Phay đi trong lũ bão với dân. Thấy cơn nước lũ như con trăn nước quăng quật giữa bản ta. Mình buồn lắm! Mình bàn với Bí thư Minh: “Phải đi tìm dân bế dân từ mái nhà, ngọn cây, cột điện về đã, sau lo cho dân mấy gói mì tôm”.
Gom dân về chỗ cao. Lúc quay lại nghe dân kể ông La Tiến Sơn (người Tày) cùng hai đứa con trai La Văn Sủi, La Thế Giáp đu đưa trên cột điện. Trên đầu chúng là tổ ong đất to bằng cái mũ, ong mẹ ong con bậu đen giữ tổ. Mưa nhiều, cánh ướt quấn chặt lấy nhau như kiến. Nếu không, nó đốt chết bố con ông ta rồi. Cây cột điện nước xói chân, nghiêng hẳn, lắc lư như người say rượu. Dân làng đỡ được bố con ông xuống, người cõng kẻ bế đưa lên đồi. Ông Sơn kêu lên “Sống rồi”. Bất thần, đôi mắt thẫn thờ của kẻ vừa thoát chết nhìn về ngôi nhà mình, lũ đã cuốn đi mất trắng. Nơi ấy giờ là con trăn nước đang quẫy đạp. Rồi ông bật tiếng khóc…
Nhà ông Văn Phái trơ lại giữa bản, ông và người hàng xóm bám vào cột cái, người nọ giúp người kia. Mấy đứa trẻ con, người già bám vào người trẻ khỏe. Họ bảo nhau: “Nếu chết cùng chết ở nhà này”. Ngọn nước thủy thần băng băng, réo gọi… Rồi cũng qua đi. Trai bản cùng Anh đến. Quay ra gặp thằng Lù A Dê (người Mèo). Nó vừa kêu, vừa khóc lội trong lũ nói: “Vợ con còn cả, nhà mất, lấy gì ở. Giờ tao đi tìm cây cột nhà”.
- Hàng trăm cái cột trôi trong lũ, sao mày biết cái cột của nhà mày mà tìm?
- Cột nhà tao tao nhớ!
Sau này cả bản ngồi lại đồi ngô cao nhà Lò Văn Minh mới nghe rõ đầu đuôi câu chuyện nó kể.
- Tao đi móc ong, lấy măng bòn nhặt được ba mươi triệu giấu con “ngan già”. Nó có tiền, vui tay hay tiêu. Tao đục lỗ gói tiền vào giấy nilon nhét vào chân cột. Tưởng thế là kín đáo không bao giờ mất. Giàng hại nhà tao, cho lũ về… Giờ tao tay trắng lấy gì nuôi con, nuôi vợ. Biết vậy, cứ cho con “ngan già”, nó bó chặt vào người, có hay không?
Nhìn chung quanh khu đồi ngô nhà Lò Văn Minh kẻ nằm, người ngồi dưới mưa, không nón áo. Vợ anh Minh không có gì che đầu, đưa mắt nhìn chồng con, nhìn dân làng rồi khóc.
Những giọt nước mắt, giọng nói khàn khàn đứt hơi đứt quãng. 8 cây cầu, 5 đập tràn còn vỡ nữa là… Giọng của ai nói đó? Rồi bộ đội về giúp dân. Người còn, của còn. Anh Minh nói to: “Hãy sửa 8 cầu, 5 đập tràn và làm mươi cây số đường cho dân đi lại. Tôi xin ủng hộ bà con đồi ngô này lập làng, lập bản”.
Người Mông- Dao- Thái- Tày nhảy tâng tâng hét: “Sống rồi! Có chỗ trú chân rồi”.
Họ Đỗ, tên Duy, cha mẹ lót chữ Đức đứng giữa đồng bào nói to:
Thưa bà con, còn người là còn tất cả. Tôi nói thế không biết có phải không? Hình như bây giờ hòa bình rồi, mọi thứ có được dễ dàng hơn. Chẳng có kẻ thù nào đe dọa trực tiếp hàng ngày, hàng giờ chúng ta. Nếu không nhầm có số ít đồng chí giờ không quý dân như thời chiến tranh. Giờ cán bộ cũng lo, nhưng lo chung chung, hời hợt, nghĩ cho bản thân mình, gia đình mình nhiều hơn, không như Bí thư Minh. Thời chiến tranh chống Mỹ mỗi người đều xả thân vì dân trong vùng địch, gom được một người dân về bên mình là thắng lợi rồi, là mừng hết nói. Dân hồi đó chỉ lo không tìm thấy Đảng. Đảng luôn tìm cách về với dân.
Anh Minh Đảng viên, là Bí thư ở đây hiến cho dân cả cái đồi ngô hàng nghìn mét, rồi mươi hộ khác cũng hiến đất theo. Sau lũ cùng nhau lập làng, lập bản, tái sinh sự sống, lợp lại màu xanh cho quê hương… Anh là mạch nước ngầm của bản. Sau lũ, chúng ta tìm thấy tình người sâu đậm hơn. Các em bé bản Lù sau lớn lên, chúng nó đủ can đảm chống chọi với thiên nhiên thời tiết bất hòa ở đất này. Đôi vai, đôi chân, con mắt của chúng nó sẽ khác. Điều chắc chắn nó không quên đồng chí Minh. Duy trụ lại bản Lù đi cùng dân vần đá móc bùn tìm xe máy cho dân. Anh là con dân rồi!
Anh cùng Đảng viên, đập khóa trường học, đưa người già trẻ em vào trú mưa, gọi dân góp gạo góp quần áo khô san sẻ cho nhau. Lúc nào anh cũng đứng với dân, nhìn nhận lại cái gì đã vỡ đi, nước cuốn đi. Dân khóc, nước mắt Anh sao không chảy? Tiếng nói Anh như nghẹn lại. Cùng với Đức Anh- Chủ tịch huyện Văn Yên cứ thoăn thoắt trèo đá. Sương sớm tan hết, nắng đã ló rạng trong vòm cây tán lá. Bây giờ giọng Anh đã bình tĩnh nhưng đằm vào trong nỗi khổ của từng ngôi nhà cô độc, im lặng, quanh năm trong mây mù.
Bản Lù đã đứng bật dậy như cây trổ mầm. Chỉ sau có mấy năm (2018- 2021), cái lõm núi mù sương ấy đã trở thành bản Nông thôn mới. Kì diệu thật!
Mùa xuân 2021 tôi được anh kéo lên Phong Dụ Thượng đi theo chương trình Đại biểu Quốc hội về với dân, nghe những bước chân của cô gái bình tĩnh bước lên cầu thang nhà mình. Và trước mặt tôi hiện ra con đường bê tông phẳng rộng rãi chạy từ đầu bản tới cuối bản. Hai ven đường hoa nở. Những ngôi nhà sàn vững chắc phơi mình trong mây trắng, thấp thó dưới tán cây xanh. Những đôi mắt đẹp của núi rừng trong im lặng bình yên. Chưa bao giờ tôi đứng trước những người con gái có sức hút ghê gớm. Những đôi mắt hơi cười nhưng vẫn thấm đẫm nỗi đau mùa lũ đi qua. Khói mỗi căn nhà bay lên đem theo mùi vị thịt nướng. Tôi với anh ngồi trên nhà sàn, giữa đặt mâm thịt được xếp đầy trên tàu lá chuối xanh vào độ xuân thì. Họ chặt những miếng thịt vuông vắn, nhìn mâm ăn thấy đầy sức sống. Những người con gái Mông thử thách lòng yêu quê hương họ bằng những bát rượu men lá. Anh cũng mời lại họ lõm bõm bằng tiếng Mông, tiếng Nùng, tiếng Tày.
Bàn chân trần Đại biểu Quốc hội đi hàng nghìn km đường đất đường đá tai mèo lởm chởm trong mây. Mỗi cuộc về với dân là cuộc thử thách. Có lần anh đến gia đình người Mèo ngồi gần bếp lửa chật cứng, khói đen kịt nghĩ mà thương cho đồng bào các dân tộc.
Hôm về Tân Lập, đến dốc Xiêng gặp ông già người Tày cùng dân làng đón anh. Ông là người có uy tín. Ông nắm tay vị Đại biểu Quốc hội tặng con dao đi rừng. Tên ông Hoàng Minh Mẫm.
Một thằng trai Mèo từ rừng chui ra bằng cái xe “Tàu” cũ lắm, tiếng nổ như máy xát gạo. Lưng nó dắt con dao. Vị Đại biểu Quốc hội hỏi nó về con dao, nó bảo:
Người Mèo thường sống ở núi cao. Có con dao trong người để chém cái cây làm gậy chống lội suối, leo vách đá. Gặp thú dữ, rắn độc lấy dao bảo vệ mình. Còn người Tày với con dao trong tay không sợ gì nữa. Tặng dao nhau là sống chết có nhau.
Có dao trong người, càng đi càng khỏe ra. Những ngọn núi cao cuốn hút vô cùng. Rừng thâm u, im lặng, mình nắm cán dao không thấy cô độc nữa.
Gặp Đỗ Đức Duy như gặp ai đây? Sực tỉnh nghe đâu đó tận sâu trong chính mình. Đó là đứa con của núi. Chợt nhớ tới Phạm Tiến Duật, thời chống Mỹ anh để lại một gương mặt sang trọng ở rừng Trường Sơn bằng tác phẩm của mình. “Lửa đèn- Tiểu đội xe không kính- Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”. Lê Huy Ngọ để lại gương mặt trong lũ bão. Vậy Duy để lại gương mặt mình với núi rừng sao đây?
Căn nhà sàn vui vẻ bởi tiếng nói vọng từ bếp ra:
- Các cô giáo đến đấy. Có phải thêm đồ ăn không? Có tới hơn mười cô.
Đã hơn mười hai giờ, ông chủ nói vọng vào bếp lửa:
- Thêm chén uống rượu thôi! Không thêm bát đũa.
Câu nói vừa bám vào bậu cửa, cô Hiệu trưởng cao lớn bước vào, kéo theo màu sắc núi rừng trên trang phục của những con bồ câu được khoe ra với khách.
Cô Hiệu trưởng ngồi sát Đỗ Đức Duy khiến anh nhích mông. Cô nâng chén uống hết một cốc rượu men lá.
Hoa đào nở ngay đầu dốc, trước sân. Quá “ngọ” rồi, bốn bề vẫn mù mịt sương núi. Gió xuân đã đẩy vệt mây trắng bò vào chỗ ăn, như làn khói mỏng mơ màng. Đỗ Đức Duy hỏi lại Bí thư Minh:
- Lúc nãy anh Minh bảo, có 50 hộ tái định cư với diện tích 19.350 ha, đất trồng lúa 135 ha, một ít trồng ngô còn toàn đá cả.
Cô Hiệu trưởng tranh lời Duy, anh giành cho các cháu ít thì giờ đi.
- Tất cả chúng em đây là mẹ của 240 cháu, nhưng còn thiếu đôi vai người bố nó. Chúng nó muốn nhận anh Duy làm bố.
- Cũng được đấy! Được làm bố của chúng nó, tôi phải có trách nhiệm với đứa con của mình.
Dân bản reo lên như ngô trổ cờ đầu bãi.
- Được lắm anh Duy ạ! Đấy chính là gương mặt anh để lại núi rừng.
- Nhất định thế. Ở nơi núi non xa xôi này vẫn còn bao chuyện phải quan tâm tới. Đó là thân phận con người. Hai trăm bốn mươi em đang học ở trường nội trú bản Lù sau đây đều là nhân tài của xã hội. Đất nước chúng ta “Khai minh bằng trí tuệ”, muốn có trí tuệ phải có học thức.
Lúc nãy tôi vào lớp thăm các cháu cho quà chúng. Chúng nó nhìn tôi bằng con mắt tin cậy. Gặp em Đặng Thị Chản tóc đỏ, mặt trắng bệch như không còn sức sống. Hỏi ra mới biết nhà em có hai người mắc bệnh bạch tạng. Bước chân khỏi cửa, tôi quay lại gặp Lê Thành Hùng cán bộ cùng đi có nghĩa cử thật đẹp với cháu Chản. Anh cho cháu mấy trăm ngàn, tay cháu run run cầm đồng tiền lóng ngóng mãi không cho vào được chiếc ba lô đỏ đeo trên vai, cô giáo cháu phải đưa tay trợ giúp.
Chuyện có thế! Nhưng nói lên điều gì chứ? Hùng đã kéo người dân về cho chúng ta rồi. Đó là dân bản Lù. Lòng dân bản Lù nhân ái rộng rãi, mát mẻ như nước tràn mặt ruộng nhưng lại mê hoặc về tình yêu. Cô giáo Tày hát:
“… Buông anh! Như thả chim về trời
Chim về trời còn được nghe tiếng hót
Anh đi rồi biệt tháng biệt năm
Em không buông anh về đâu
Ở trong chăn đang có người nằm đợi
Và có người đang đứng khóc chờ anh
Ở tối thì tối
Ta xẻ gỗ làm đuốc
Không sáng cũng rực hồng
Đưa anh về tới nhà là được…”
Câu hát của cô giáo Tày đưa chúng tôi trụt dốc ra khỏi bản. Tôi đỡ lời Duy: “Cứ buông tay để anh về, thế nào anh cũng trở lại”.
Duy bảo: “Người miền núi trọng lời hứa, anh không lên là mắc nợ với dân bản”.
Người Đại biểu Quốc hội kéo tôi lên xe, mở cuộc du hí đỉnh Tà Chì Nhù cao 2979m, ngọn núi cao thứ 7 của nước Việt.
Ở đấy Bộ lạc người Mông sống đỉnh đá. Thào A Tủa cùng 4 người em đưa trâu bò lên làm bản với hoa Chi pâu, khát lấy bàn tay múc nước suối, đốt lửa nướng khoai vừa ăn vừa thổi.
Người Mông có câu: “Đi hết trời” chỗ nào cũng đi, sống được thì ở. Anh em họ Tủa thực hiện lời cổ nhân dạy: “Nhân giả- Nhạo sơn (người yêu núi là người có nhân), Trí giả- Nhạo thủy (người có trí là người thích nước)”. Tôi mới đặt chân đến bản “Căng Xi Xúa” và bản “Sáng Pao”, mỗi bản có gần 100 hộ người Mèo sống trong mây mù.
Nhà văn hãy lên đỉnh Tà Chì Nhù với tinh thần “vô úy” (không sợ): “Cheo leo vách đá/ Thăm thẳm khe sâu”.
Tôi hỏi anh: “Bàn chân anh sao chịu leo đá thế?”
- Mình là Đại biểu của dân, “ngồi bệt” xuống gốc cây, tảng đá, bãi cỏ để nghe dân nói. Có khi nhận được những sai lầm của mình trong sự hờn dỗi của dân. Hãy lấy tấm lòng đối với dân, không tiếp dân lấy lệ đi theo kiểu “ngoại giao” dân không tin.
Về với dân, như nai về gặp mẹ, như cỏ gặp mưa xuân. Giữa cuộc đời xáo động, níu được vào cánh tay dân là bóng dáng sự hạnh phúc.
Mỗi người dân trên núi cao là một điểm sáng, là một ngọn đèn, là chiến sĩ tiền tiêu. Họ như một con ngựa chiến bậc nhất giữ biên ải. Người miền núi, các dân tộc ấy rất máu thịt với nhau nhưng cũng rất tự do. Khi biên cương gặp hiểm nguy, chọn ai? Bao giờ ta cũng chọn con ngựa chiến.
Trước thềm xuân 2022
V.B.C
Tin khác