Trần Cao Đàm
Thấm thoát đã 66 năm trôi qua, những ngày tháng 5 lịch sử, kỷ niệm giải phóng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu lại tới. Vào những ngày này trong tôi lại bồi hồi nhớ Âu Lâu ngày ấy, nơi đã đi vào ký ức thiêng liêng của thời đạn bom ác liệt, thiếu đói, ở lán, nằm hầm… Bây giờ, Yên Bái, Âu Lâu đã tiến lên thành phố, đã thành khu công nghiệp, sừng sững bốn cây cầu lớn bắc qua sông Hồng, đường xá đã trải thảm nhựa, thảm bê tông phẳng lỳ, rộng thênh thang. Trên đất Âu Lâu còn có con đường cao tốc quốc tế Nội Bài- Lào Cai chạy qua. Bên đường, cả đất quê, đâu cũng thấy nhà xây, nhà tầng lấp lánh trong nắng xuân… Tất cả, tất cả, mà tôi càng da diết nhớ về Âu Lâu một thời.
Mỗi khi nhớ về Âu Lâu ngày ấy, tất cả những người, những việc sống động cứ hiện lên ngồn ngộn trong tôi. Nào cô lái đò Trần Thị An người thấp nhỏ, dù bận đàn con nhỏ, vẫn bám lại trên bến Âu Lâu đầy lửa đạn, đã dạy cả bốn đứa con cách nghe tiếng máy bay để khi nào xuống hầm, biết lúc nào thì nấu ăn để mẹ xuống bến bơi đò đưa bộ đội, dân công qua sông. Công việc lái đò vất vả, đêm hôm rét mướt, bữa ăn chỉ là củ sắn, quả chuối xanh, ngọn rau rừng, rau dại hái ven sông. Sống như thế mà cô An kiên cường dưới pháo sáng, đạn bom, chọn từng thời cơ của những đợt đánh phá mà đón đưa dân công, bộ đội. Dù nghèo, dù thiếu, hết đêm này đến đêm khác, tháng này đến tháng khác, không một đêm vắng mặt, mà chẳng nhận tiền công của ai bao giờ.
Trên bến Âu Lâu còn nhiều cô lái đò khác như Phan Thị Thanh, “kiện tướng” bơi đò Nguyễn Thị Mão. Tiêu biểu như cô Nguyễn Thị Goòng. Khi bộ đội, dân công, vũ khí, lương thực cần qua sông nhiều, đò từ bến Âu Lâu còn sang Ghềnh Linh, xuống bến Bình Phương… lập bến mới.
Ở bến Âu Lâu, lái đò ngang hầu hết là chị em phụ nữ, còn nam giới thì vào du kích, đi dân công, vào bộ đội cầm súng ra chiến trường, một số ở lại địa phương thì lái phà, lái ca nô.
Dân cư ở bến Âu Lâu ít, ai cũng có công có việc, bận rộn ngày đêm, thế mà trong đạn bom quân thù, khi đất nước, tiền tuyến cần, từ trái tim, tấm lòng của mình thôi thúc ai cũng tự nguyện, hăng hái.
Bến Âu Lâu tấp nập, đông vui như hội. Đêm đêm nào bộ đội ba lô nặng, còn mang súng đạn, rồi xe kéo pháo, xe chở lương thực, súng đạn; rồi hàng đoàn dân công, đoàn thì quang gánh, đoàn thì bồ sọt, đoàn thì đẩy xe đạp lặc lè, tay ngai, băng băng lên hướng chiến trường. Những chiếc xe đạp người Pháp làm ra để đi, vào tay người Việt Nam mình, dù là xe mác Stéc-linh, Pơ-dô, Spéc-lốp, hay Công-pho… cứ lắp cắng đỡ khung, thêm tay ngai là thành xe thồ. Lúc đầu mỗi xe chỉ thồ được một tạ, sau do chiến trường yêu cầu, do mong muốn ngày độc lập đến gần, xe cứ thồ nặng dần, từ tạ mốt, tạ hai, rồi tạ rưỡi, hai tạ, kỷ lục nào cũng bị phá. Đoàn nào ra đi, dù mệt nhọc nhưng vui như hội, miệng luôn hò hát, vui cười.
Tinh thần người Âu Lâu cũng không kém. Dù nhà thưa, người ít, gặp bộ đội, dân công nghỉ lại là coi như người thân đi xa mới về, là đon đả, phục vụ nước non, cả những nải chuối, những củ khoai luộc… Mỗi khi máy bay địch đánh thì dù đang bận công việc gì, cứ tạm gác lại, kéo cả tới nơi bom nổ, khói bụi mù mịt để lấp hố bom, thông đường. Có lần một đoàn xe thồ khá đông đến khu Đền Đắng, gặp rừng rậm, cây cối um tùm thì dừng lại nghỉ ngơi. Không ngờ, bị máy bay địch phát hiện, kéo đến trút bom, vãi đạn. Thấy vậy, dân xung quanh kéo đến. Người cứu giúp nạn nhân, người giúp phân tán các xe thồ, người vác chuyển những tải hàng của xe bị hỏng… Rồi họ í ới gọi người, nhanh tay lấp hố bom, mau chóng thông đường lên chiến trường.
Có lần máy bay địch tập trung đánh phá quyết liệt xuống bến Âu Lâu, đánh kéo dài theo đường 13 vào tới cây số 6, cây số 7. Sau trận đánh, đường lại thông, bến Âu Lâu vẫn tấp nập qua lại. Dựa vào rừng núi, cây cối xanh tươi rậm rạp ta còn lập ra các trạm đón tiếp để chăm sóc chữa chạy cho thương binh từ chiến trường đưa về. Nào trạm ở Phú Nhuận, trạm ở Gò Cây Chuổm. Chiến dịch kéo dài nhiều tháng. Hằng ngày, các bà, các chị tự động vào trạm chăm sóc anh em, như thăm nom người thân ruột thịt. Từ giặt giũ áo quần, nâng đỡ chăm sóc từng thương binh, còn lo nấu cháo, múc, bón, động viên thương binh từng thìa. Đêm hôm các bà, các chị vẫn thường trực chăm sóc, giúp đỡ anh em khi cần. Áo anh em bị rách, các mẹ đã giặt, phơi khô, vá lại, cúc có đứt thì khâu lại, rồi mới gấp gọn cho anh em. Trong vùng, từ trẻ nhỏ cũng có ý thức bí mật, thực hiện “ba không” để bưng tai, bịt mắt quân thù. Vì vậy, cả thời gian dài, thương binh, người phục vụ, người qua lại đông mà cả hai trạm an toàn tuyệt đối. Nhiều lần bị máy bay địch oanh tạc nhưng đều đánh nhầm, đánh chệch, chỉ làm một con ngựa bị cụt chân.
Như vậy, không phải kẻ thù kém. Chúng cũng cố gắng hết mức, quyết tâm để thắng. Chúng lại giầu có, lắm của, có nền công nghiệp cao. Chúng ra sức sáng chế ra vũ khí mới, máy bay loại mới. Có loại nào, chúng lập tức đưa sang Việt Nam, dùng ngay cho chiến trường Điện Biên Phủ. Nào đại bác cỡ lớn, nào súng phun lửa… chúng đều đưa ngay tới Điện Biên. Nào máy bay có tên “Bê-vanh-xít” (B26), hiện đại nhất, vừa làm ra chúng cũng dùng. Máy bay này khi đánh phá không cần lượn quan sát mục tiêu, cứ đến là bắn, là thả bom, đánh đêm không cần pháo sáng mà chính xác rất cao. Máy bay có 5 đầu, nó bay dọc sông Hồng gần bến Âu Lâu, gặp bè rác trôi sông cũng bắn tan nát. Trên đất liền, gặp đồi cọ, gò cây rậm, nghi có bộ đội, dân công trú là nó bắn, thả bom. Nó đánh cả sang Lụ Điền, Bình Phượng, cả trên gành Linh, dùng cả đạn đum đum, nổ hai lần để bắn, bắn vào mục tiêu đầu đạn lại nổ lần nữa để gây sát thương nhiều…
Trong bom đạn, người Âu Lâu dù còn thiếu đói, gian khổ, vẫn nghĩ ra lập “hũ gạo nuôi quân”. Bữa bữa, mỗi khi sắp đãi gạo, nhà nhà lại bốc, tiết kiệm bỏ vào hũ, góp dần, từ ít thành nhiều, đến đợt lại đổ ra góp, nhiều nhà thành lượng khá, góp thêm để nuôi quân.
Ngày đầu chiến dịch, đò ngang mới có ít ở bến Âu Lâu. Dần dần đò thuyền Âu Lâu đông lên, sang lập bến mới cả bên Bình Phượng, Lụ Điền, lên bến ghềnh Linh, lên cả bến Hoàng Thắng. Ban đầu bến Âu Lâu mới có 3 cái phà nhỏ kéo tay, đẩy sào. Trong bom đạn, bến có thêm phà lớn dùng ca-nô dắt. Bến mở rộng lên tới khu nhà Tằm. Đêm đến, nào ô tô Jin, xe giải phóng, cả xe cam- nhông chiếm được của Pháp nối đuôi nhau kéo pháo, chở đạn, chở lương thực lần lượt lên phà. Xe đi nhiều, có lúc dây neo bị tuột, cầu phà bị sập, ô tô bị rơi, chúi đầu xuống sông, nước ngập không nổ được máy. Gặp lúc cần, người dân qua đường, rồi bộ đội, dân công vội túm đến, lội xuống nước, cùng gộp sức đẩy xe lên bờ. Sức người có hạn, lập tức có người nghĩ ra kế: Dùng dây tời buộc vào sau xe ô tô, hô hoán nhau túm lại, bám vào cùng kéo. Thế là người kéo, người đẩy, xe dù nặng cũng nhích dần lên bờ. Bên bến Âu Lâu, sau mỗi lần mưa, làm nước lớn, khi nước rút, để lại bến một bãi lầy bùn phù sa, xe không thể qua được. Thế là người qua đường, dân trên bến vội tìm dao, chặt những gốc lau bên bờ, kéo ra trải lên mặt bùn cho xe qua.
Không ít lần phà đang qua sông thì máy bay địch kéo đến. Biết phà đã ngụy trang, mọi người trên phà cứ ngồi yên, cho phà trôi tự nhiên trên sông. Có lần phà trôi đến bến Bình Phượng, máy bay địch mới cút. Lúc này các thủy thủ mới vội đẩy phà vào bờ, rồi vừa đẩy, vừa kéo về bến Âu Lâu.
Có lần, phà đang đậu trên bến thì máy bay địch tới. Nó bắn đạn khói ngay mũi phà, chỉ điểm cho máy bay khác đánh phá. Các thủy thủ chẳng quản nguy hiểm, xông tới, bới cát lấp kín quả đạn khói, bịt mắt quân thù, bảo vệ phà.
Tất cả đều dồn sức, dũng cảm, sáng tạo vì công việc chung, chẳng hề tính toán cho mình, chỉ nghĩ đến phục vụ chiến trường, mong ngày đất nước độc lập. Cứ thế, cứ thế trên bến Âu Lâu đầy lửa đạn, cứ vui, cứ tin tưởng, hăng hái, trưởng thành. Nhiều người Âu Lâu từ bơi đò trên bến đã biết điều khiển phà, lái ca- nô. Anh Lê Thế Nhân vừa học, vừa làm tại bến đã lái được ca-nô kèm phà qua sông. Do thông thạo địa hình khi bến bị cát bồi, phà vào không được, anh đã biết lùi ra để vào bến khác, kịp thời đưa xe lên chiến trường.
Khu di tích lịch sử bến Âu Lâu
Một thời oanh liệt. Một thời anh hùng, cho đến ngày Âu Lâu mừng vui, vinh dự đón đoàn quân chiến thắng trở về. Sau ngày đại thắng, giữa ban ngày từng đoàn ô tô kéo pháo, xe chở chiến lợi phẩm, những đoàn quân chiến thắng, cả cán bộ, dân công, còn cả những đoàn tù hàng binh… Người Âu Lâu lại thay mặt nhân dân cả nước đón tiếp, phục vụ nước non, hoa quả, nấu nướng giúp, giúp cả rau trong vườn….
Với truyền thống ấy, hôm nay cả nước đang mạnh bước vào thời kỳ đổi mới, vào thời kỳ công nghệ 4.0, ngay từ đầu, Âu Lâu đã thực hiện giao đất, giao rừng cho các hộ tự chủ sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước phát triển kinh tế toàn diện… Trên địa bàn xã, đường xá đã được mở rộng, bê tông hóa, nhựa hóa, cả đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua, có cả đường cao tốc quốc tế Nội Bài- Lào Cai… Rồi bến xe, chợ búa, công ty, xí nghiệp, các cơ sở kinh doanh buôn bán, rồi khu công nghiệp. Một diện mạo mới như thể trong mơ. Chắc hẳn, Âu Lâu không chỉ có vậy, vẫn còn tiếp tục và bứt phá đi lên, xứng danh với truyền thống anh hùng.
T.C.Đ
Tin khác