Bút ký của Ngọc Chấn
Không hiểu sao trong ký ức sâu thẳm cuộc đời, tôi thường thao thức về những dòng sông đất nước. Quê tôi miền trung du rừng cọ, đồi chè và dòng sông Lô đã đi vào huyền thoại, từ nhỏ tôi đã nghe bài hát: Trường ca Sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao: “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u/ Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu/ Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang/ Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa. Bài hát: Du kích Sông Thao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: Hồng Hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê/ Cuối sông ngoài bến ai về có thấy đồng mía, nương chè với mối tình thắm bên làng quê/ Hồng Hà chơi vơi dâng nước trên ngoài khơi”. Âm hưởng hào hùng, tha thiết, trữ tình của những bài hát ngày đầu kháng chiến chống Pháp thấm đẫm ký ức xa xưa. Tôi đã lớn lên bên dòng sông Lô trập trùng sóng vỗ, nắng đỏ dáng chiều và biết yêu thêm những dòng sông đất nước. Còn sông Thao đã đánh thức tâm hồn tôi bởi giai điệu nhẹ nhàng, da diết, thấm đẫm phong cảnh làng quê. Tuổi thơ tôi đã từng ao ước có một lần được đến sông Thao. Ước mơ ấy phải mất mười mấy năm sau tôi mới gặp dòng sông và không ngờ sông Thao khúc bắt đầu sông Hồng chảy qua Yên Bái xuôi về Phú Thọ lại gắn với tôi suốt cả cuộc đời. Tôi còn nhớ như in ngày đầu lên Yên Bái, duy nhất chỉ có một con đường ô tô men theo sườn núi, hai bên đường là rừng cây rậm rạp, âm u. Ngày ấy thị xã vẫn còn nhiều mái nhà tre, nứa, những con đường đất đỏ, sông Thao rất nhiều những bến đò ngang. Thị xã Yên Bái nằm lọt thỏm giữa hai huyện Trấn Yên và Yên Bình, tiếng là thị xã nhưng chỉ có một bên tả ngạn Sông Hồng, nhà không số, phố không tên, địa chỉ, địa danh được gọi bằng cây: cây 3, cây 4, cây 5, đường lên Tây Bắc xa xôi, núi cao đèo sâu. Nhắc đến Yên Bái, bạn bè tôi ai cũng nghĩ rằng nơi ấy rất xa, rừng thiêng nước độc, mãi đến năm 2002 thị xã Yên Bái mới được công nhận lên thành phố. Thật không ngờ mới 20 năm thành phố Yên Bái bên bờ sông Thao đã đổi thay kỳ diệu. Sông Thao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận chảy qua thành phố Yên Bái hôm nay đã có 3 cây cầu nối miền Tây Bắc. Còn nhớ 30 năm của thế kỷ trước, lần đầu tiên Yên Bái có một cây cầu bắc qua sông Thao, lòng tự hào của người dân Yên Bái, mỗi lần có khách lên thăm không thể không qua cầu để ngắm dòng sông trôi cát đến chân làng quê. Ngày ấy, đam mê vùng đất mới nên tôi đã rời nhà sang xã. 30 năm kể từ khi có cây cầu đầu tiên, dòng sông Thao chảy giữa lòng thành phố bởi có: Hợp Minh, Âu Lâu, Phúc Lộc, Giới Phiên thuộc đất Trấn Yên xưa, nay đã về thành phố. Mỗi sớm mai tôi vẫn thường đạp xe qua những cây cầu ngắm nhìn Sông Thao êm đềm chảy qua, đêm đêm đường kè hai bên sông sáng rực đèn cao áp, thấp thoáng những biệt thự nguy nga tạo nên vẻ đẹp thanh bình nơi phố núi.
Một góc thành phố Yên Bái- Ảnh: Vũ Chiến
Đến với Yên Bái hôm nay bạn sẽ được chứng kiến những con đường cây xanh tỏa mát phố phường, những thảm cỏ xanh, cây cảnh, hoa lá rực rỡ sắc màu tạo nên không gian tươi mát, trong lành bớt đi khói bụi, nắng gió, bão bùng. Thành phố xanh, sạch, đẹp bởi những hàng cây bản địa: Dâu da, trứng cá, sung, bàng xen kẽ các loài cây: Lộc vừng, vàng anh, bằng lăng, hương vườn, muồng hoàng yến trải khắp các đường phố lớn: Điện Biên, Nguyễn Thái Học, Đinh Tiên Hoàng, Yên Ninh, Trần Bình Trọng. Thành phố đã bổ sung hệ thống cây xanh, năm 2001 các xã phường đã trồng 10.000 cây xanh đô thị, tạo nên bản sắc hài hòa.
Đi trong lòng thành phố hôm nay dù ở nơi đâu, sớm tinh mơ hay khi mặt trời đã lặn ta dễ dàng bắt gặp những người công nhân lặng lẽ đẩy xe gom rác trên đường, tiếp đó là những chuyến xe chở rác, xe phun nước làm nên phố phường xanh, sạch, đẹp dẫn tới trung tâm. Cách đây không lâu tôi đã được đọc: “Đề án sử lý, di rời cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021- 2025”, kiểm tra hướng dẫn 115. Gấp lại bản đề án, tôi mường tượng ra 5 năm nữa thôi, thành phố sẽ vô cùng sạch đẹp, bởi tính khoa học và nhân văn của đề án đã đánh thức mọi người chung sức đồng lòng làm cho mỗi góc phố, căn nhà sạch đẹp, khang trang.
Vừa mới đây, thành phố đã rà soát lại đất trồng lúa, đất hoang hóa, đất công ích nhằm tận dụng tối đa diện tích đất phù hợp để làm nhà văn hóa, sân chơi, bãi tập, tiểu công viên phục vụ nhu cầu giải trí, luyện tập thể dục thể thao của mọi người dân. Bước đầu trật tự đô thị đã đi vào nề nếp, tạo nên diện mạo cho thành phố tương lai.
Đô thị thành phố Yên Bái đang hướng tới tiêu chí: “xanh, bản sắc, hạnh phúc”. Dự án Melinhplaza đã đi vào xây dựng với quy mô gồm: Trung tâm thương mại và 40 căn biệt thự nằm trên đường Điện Biên tạo điểm nhấn về không gian kiến trúc độc đáo, hiện đại mang phong cách mới có sức hút kỳ lạ. Không bao lâu nữa thành phố sẽ có thêm một khu đô thị mới rộng tới 60 ha nằm kề cận đường lên cầu Tuần Quán với cái tên thương mại: Eurowindow, Greenpark Yên Bái. Đây là khu đô thị có quy mô lớn nhất nằm tại phường Yên Ninh kết nối 3 trục đường giao thông trọng điểm: Đường Âu Cơ, quốc lộ 37 và tỉnh lộ 317. Hệ thống tiện ích dịch vụ được phân bố hài hòa, hợp lý tối đa khả năng tiếp cận, sử dụng của cư dân. Khu vực tái tạo năng lượng là nơi thư giãn với vườn dạo bộ, khu tập thể thao ngoài trời, phòng tập gym, Spa và bể bơi 4 mùa. Hệ thống trường học các cấp có sân vui chơi cho trẻ nhỏ, góp phần hình thành khu vực tiện ích về giáo dục.
Khu đô thị sẽ có hai phân khu. Một phân khu nằm dọc các tuyến đường chính với thiết kế tân cổ điển và hiện đại tạo nên dãy phố mua sắm đồng bộ, văn minh, không gian trưng bày hàng hóa sang trọng, có hệ thống khung cửa kính rộng lớn, cách âm, cách nhiệt, chống ồn. Một phân khu dành riêng cho các biệt thự được thiết kế gần gũi với thiên nhiên, nhìn xuống hồ và suối tự nhiên. Trường học, trung tâm thương mại, khu phức hợp thể thao, nhà hàng cảnh quan cây xanh tại phân khu tạo nên một không gian sống động thân thiện môi trường xung quanh.
Làm thế nào để thành phố bên sông có bản sắc riêng, vẻ đẹp riêng không giống địa danh nào mà vẫn giữ được sự hài hòa thân thiện, đó là câu hỏi đặt ra để thành phố trở thành đô thị loại II vào năm 2022. Được biết những năm qua thành phố đã lập, thẩm định, phê duyệt đồ án cho các xã, phường theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái và các vùng phụ cận đến 2040, tầm nhìn 2060. Đồng thời ban hành Nghị quyết 21 của Thành ủy về: Xây dựng, phát triển văn hóa con người thành phố Yên Bái: “Văn minh, thân thiện, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” gia đoạn 2021- 2025.
Mở hướng tương lai, thành phố đã đặt con người làm chủ thể cho mọi hoạt động, lấy văn hóa làm gốc để bứt phá đi lên. Trước hết là văn minh trong giao tiếp, ứng xử với ngôn ngữ lời nói chuẩn mực, thân thiện, niềm nở, lịch sự, gương mẫu tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, lấy cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong các cơ quan đơn vị làm gương để mọi thành viên trong xã hộ noi theo.
Để làm được điều đó, thành phố đã vận động mỗi tổ dân phố, mỗi thôn có ít nhất một xã giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống: 14 nhà văn hóa kiểu mẫu đã chính thức được phê duyệt, nâng cấp 37 nhà văn hóa, cải tạo rạp Hồng Hà, tiểu công viên Hồng Hà, lễ đài sân vận động thành phố, khu tưởng niệm nhà Yêu nước Nguyễn Thái Học. Hoàn thành đưa vào khai thác tuyến phố đi bộ khu vực hồ Hào Gia phường Đồng Tâm, tuyến phố đi bộ Lý Đạo Thành phường Nguyễn Thái Học. Xã Tuy Lộc, Minh Bảo đang hứa hẹn trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.
Yên Bái hôm nay giữa bao nhiêu bộn bề công việc, những lo toan thường nhật vẫn mang trong mình khát vọng về hạnh phúc tương lai. Hạnh phúc: “Không chỉ đựng trong một tà áo hẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn” (Chế Lan Viên). Mà hạnh phúc phải được lan tỏa trong toàn xã hội. Chỉ tiêu hạnh phúc bắt đầu bằng những giải pháp cụ thể đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, hướng tới chính quyền thân thiện, vì dân phục vụ, đảm bảo sự hài lòng thực sự của người dân và doanh nghiệp gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Việc tăng cường cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính là chìa khóa để gắn dân với Đảng, gắn chính quyền với cơ sở. Ba năm liền (2019- 2021) chỉ số cải cách hành chính thành phố Yên Bái đứng đầu các huyện thị. Để có kết quả như vậy, những năm qua thành phố đã duy trì hiệu quả 16 tổ hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính về đất đai kịp thời thuận lợi.
Những năm gần đây, sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu đã có bước phát triển. Thành phố chú trọng đến nguồn nhân lực có chất lượng cao, giải quyết việc làm, an sinh xã hội góp phần giảm nghèo lâu dài, bền vững.
Đi trong lòng thành phố hôm nay, nhận diện những đổi thay kỳ diệu, chứng kiến rất nhiều trung tâm thương mại ra đời: Vincom, Điện máy xanh, Thế giới di động, Thế giới nội thất đã tạo ra sức hút trong giao thương kinh tế vùng, hàng hóa phong phú, thiết bị hiện đại văn minh, sức sống mới đã có thị trường phát triển năng động thời mở cửa.
Những cây cầu đưa thành phố mở rộng không gian nối đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai, một vùng đất nghèo đói năm xưa bên hữu ngạn Sông Thao không lâu nữa sẽ có chợ trung tâm, với nhiều khu đô thị thông minh ra đời. Những địa danh: Đầm xanh 90 ha, làng nghề trồng đào 10 ha, làng nghề miến đao nối với vùng đất Minh Quân có sân Golf nhất, nhì miền Bắc, khu du lịch sinh thái lý tưởng làm nên cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình hai bên bờ Sông Thao dạt dào sóng vỗ.
Yên Bái sẽ trở thành thành phố thông minh, chính quyền điện tử, kết nối các phần mềm riêng lẻ vào hệ thống phần mềm IOC một cách chuẩn hóa. Từ đó tổng hợp, phân tích khai thác hiệu quả công tác điều hành, chỉ đạo, gắn kết người dân với chính quyền làm cho mọi hoạt động xã hội nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm, linh hoạt. Chỉ số hạnh phúc của người dân cũng bắt đầu từ: “Bộ não số”. Bộ não của lòng tin, lòng người về thành phố yêu thương.
Yên Bái- Thành phố bên dòng sông Thao ngày nào tôi hằng mơ ước đã trở thành hiện thực, sức sống đã hồi sinh trên đói nghèo gian khó. Thành phố đã mở rộng tầm nhìn, mở hướng tương lai. Những kỳ tích bắc qua dòng sông năm tháng hứa hẹn mùa vui. Bên dòng sông lặng lẽ đưa nước về xuôi, ngắm nhìn cây cầu và những con đường ngược lên Tây Bắc, tôi bỗng nhớ đến câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật: Sóng Yên Bái vỗ Việt Trì vỗ vào lòng Hà Nội/ Để lòng ta gió thổi ngược sông Hồng.
Vâng! Đúng là gió đã thổi ngược sông Hồng như dự báo của câu thơ cách đây 25 năm. Ngọn gió hạnh phúc, ngọn gió của lòng người đã làm nên thành phố Yên Bái trải rộng niềm tin trước mỗi sáng mai xuân.
N.C
Tin khác