• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
CÂU CHUYỆN HẠNH PHÚC MANG TÊN “CHUYỂN ĐỔI SỐ”
Ngày xuất bản: 17/10/2022 8:22:19 SA

HỐNG THANH TÂM

 

Ở Yên Bái hôm nay có rất nhiều câu chuyện xoay quanh chủ đề hạnh phúc. Nếu ví hạnh phúc ở Yên Bái là một bức tranh với nhiều mảnh ghép đa sắc màu, thì có một điều tôi chắc chắn rằng: “Chuyển đổi số” là một trong những mảnh ghép sinh động không thể thiếu để làm nên bức tranh Yên Bái hạnh phúc.

Hôm nay, tôi sẽ kể cho các bạn nghe Câu chuyện hạnh phúc mang tên “Chuyển đổi số” ở xứ núi yêu thương này. Tại sao chỉ với ba từ “Chuyển đổi số” hết sức ngắn gọn và nghe rất khô khan như vậy, nhưng lại đang tạo nên một làn sóng mạnh mẽ, góp phần làm cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng tiện ích hơn, thông minh hơn, thú vị hơn và hạnh phúc hơn...

 

Quyết tâm dù “đi sau” nhưng cũng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”

Đối với bà con người dân tộc Dao ở thôn Khe Bành - thôn đặc biệt khó khăn của xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, buổi chiều ngày 25 tháng 7 năm 2022 thật đáng nhớ. Đó là ngày Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Văn Yên tổ chức đánh giá kết quả thực hiện mô hình điểm “Thôn chuyển đổi số” tổng kết Tuần lễ chuyển đổi số tại thôn Khe Bành. Không khí rộn ràng như ngày hội, người già, người trẻ, những chàng trai, cô gái Dao ai ai cũng rạng rỡ, vui mừng. Trước khi tham dự tổng kết, đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự, phát biểu chỉ đạo buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 7 thôn Khe Bành để chứng kiến tận mắt 100% đảng viên của chi bộ đã biết cài đặt, sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử” phục vụ sinh hoạt Chi bộ.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, song cũng là một việc mới và khó không chỉ đối với riêng Yên Bái mà còn với nhiều địa phương khác, nhất là các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chuyển đổi số ở Yên Bái là minh chứng rõ nét về quyết tâm chính trị cao độ, sự tích cực, chủ động, mạnh dạn, tìm hướng đi cho những việc làm mới, khó với những quyết sách táo bạo và đầy tính thuyết phục của lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở.

Xuất phát từ quan điểm: Thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với xu hướng phát triển chung của đất nước và điều kiện kinh tế- xã hội của tỉnh; ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực: Y tế, giáo dục- đào tạo, nông nghiệp, kế hoạch- tài chính, giao thông vận tải và logistics, tài nguyên- môi trường, sản xuất công nghiệp và thương mại, văn hóa- du lịch; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt, chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã khẩn trương chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền và xây dựng Kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy.

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Chương trình hành động số 15/CTr-UBND ngày 26/10/2021 để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy, trong đó xác định 15 mục tiêu cơ bản đến năm 2025; 10 mục tiêu cơ bản đến năm 2030; 19 nhiệm vụ chung; 69 nhiệm vụ cụ thể giao cho các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Đồng thời, quy định rõ lãnh đạo phụ trách, chịu trách nhiệm, thời gian, tiến độ hoàn thành đối với từng nhiệm vụ. Đến nay, 100% sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Nghị quyết số 51 và Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Năm 2022 được tỉnh Yên Bái xác định là năm tổng tiến công về chuyển đổi số; năm đầu tiên tỉnh Yên Bái đưa ra các chỉ tiêu và giao các chỉ tiêu chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022, đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh:

“... Vấn đề cơ bản, quan trọng trong chuyển đổi số của tỉnh chính là xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, cho đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân bởi vì "Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”... Tận dụng những thời cơ mang lại từ quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình hội nhập, là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù "đi sau”, nhưng có thể "đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác...”

Với quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự đồng hành, hỗ trợ của các doanh nghiệp, công tác chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. 30/54 nhiệm vụ của Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 (ban hành kèm theo Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 08/4/2022 của UBND tỉnh Yên Bái) đã hoàn thành trong những tháng đầu năm 2022.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh; đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng tỉnh Yên Bái; kịp thời kiện toàn Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh; rà quét, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố an toàn thông tin mạng. Đề án Đô thị thông minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 07 hạng mục quan trọng, là hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để phục vụ chuyển đổi số của tỉnh; thể hiện sự sẵn sàng trong công cuộc chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số. Trong đó có kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh- đây là bước triển khai chuyển đổi số nền tảng nhất, không chỉ trong năm 2022 và trong các năm tiếp theo; kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 10 mô hình điểm về chuyển đổi số, gồm: Chuyển đổi số cấp xã (phường); Chuyển đổi số cấp huyện; Chuyển đổi số trường học; Chuyển đổi số cơ quan nhà nước; Công dân số; Tổ chuyển đổi số cộng đồng; Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái; Nhà văn hóa số; Gia đình số; Chuyển đổi số doanh nghiệp. Đến thời điểm này, đã có 7/10 mô hình triển khai và đạt kết quả; 3/10 mô hình (nhà văn hóa số; gia đình số; chuyển đổi số doanh nghiệp) đang hình thành, một số nhiệm vụ đã triển khai và đạt những kết quả đáng khích lệ. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực sự là điểm sáng, tiên phong, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về chuyển đổi số với cách làm sáng tạo, phù hợp, bước đầu đạt hiệu quả tích cực...

Làn sống mạnh mẽ mang tên “Chuyển đổi số

Hãy cùng tôi trở lại câu chuyện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Yên Bái. Nhìn lại năm 2021, trong lúc tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, càng thấy được giá trị to lớn và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 tới người dân; đã góp phần quan trọng để Yên Bái giữ được “vùng xanh” trong suốt thời gian dài, tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Thời điểm đó, để kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Y tế và của tỉnh về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến trên Hệ thống hội nghị giao ban điện tử đa phương tiện tỉnh từ Ủy ban nhân dân tỉnh tới Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, triển khai một số phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, như:

Hằng ngày cập nhập bản đồ dịch gửi cho tất cả các thành viên từ Ban chỉ đạo của tỉnh, của huyện, đến từng Tổ Covid cộng đồng (thông qua bản đồ này bất kỳ người dân nào cũng tự biết tại thời điểm hiện tại đâu là vùng đỏ, vùng vàng, vùng xanh); Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nhiễm Covid-19); NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện); Tờ khai y tế (Vietnam Health Declaration); hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR).

Việc triển khai khai báo y tế bằng hình thức điện tử cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh giúp hỗ trợ các địa phương trong công tác giám sát người dân khi đến/đi trong địa bàn tỉnh, trong phạm vi quản lý của các cơ quan đơn vị, phục vụ công tác phân tích, truy vết, dự báo dịch để báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương và địa phương; chỉ cần khai báo tại 1 chốt kiểm dịch thì thông tin sẽ chuyển đến tất cả các đầu mối trong tỉnh (đến tận xã, phường, thị trấn) để quản lý một cách kịp thời...

Phần mềm “Bản đồ số dịch tễ Covidmaps”; Phần mềm quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và truyền thông; phần mềm xét nghiệm và truy vết; nền tảng quản lý, theo dõi và hỗ trợ chăm sóc F0 cách ly tại nhà... Những ứng dụng này không những giúp người dân chủ động theo dõi, nắm rõ tình hình dịch bệnh; tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ lây nhiễm mà còn giúp cơ quan chức năng dễ dàng truy vết, khoanh vùng, dập dịch. 

Được xác định là năm “tổng tiến công về chuyển đổi số”, Hội nghị triển khai nhiệm vụ về chuyển đổi số năm 2022 đã được tỉnh tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện và 173 xã, phường, thị trấn với hơn 2.520 cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Qua Hội nghị, đã tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cả hệ thống chính trị, từ đó các cơ quan, đơn vị địa phương xác định nhiệm vụ chuyển đổi số của năm 2022 và những năm tiếp theo. Trong triển khai các nhiệm vụ, đã có một số cơ quan, đơn vị, địa phương là điểm sáng, tiên phong và triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Sở Thông tin và Truyền thông- Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh đã bám sát định hướng, chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác chuyển đổi số; thực sự trở thành cơ quan đi đầu, dẫn dắt để các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chuyển đổi số.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế đã vận dụng tốt các ứng dụng, nền tảng để triển khai chuyển đổi số phù hợp với ngành, lĩnh vực quản lý của ngành. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các mô hình dạy- học tiên tiến trên nền tảng số; xây dựng và sử dụng học liệu số. Sở Y tế triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám bệnh, chữa bệnh đạt 70% người dân trên địa bàn tỉnh; 100% đơn vị từ tuyến xã, tuyến huyện và tuyến tỉnh triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử.

Thành phố Yên Bái đã đưa mục tiêu phấn đấu trở thành địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số ở đô thị trong tỉnh; đã xây dựng và đưa Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh vào hoạt động từ năm 2021. Hiện, thành phố đang triển khai quyết liệt mô hình công dân số, triển khai đảm bảo tại các nhà văn hóa xã có Wifi miễn phí để phục vụ các tổ chuyển đổi số cộng đồng, triển khai sổ tay đảng viên điện tử (tính đến hết tháng 7/2022, đã có 118 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố được lắp đặt Wifi).

Huyện Văn Yên là huyện đầu tiên trong tỉnh ban hành đề án cấp huyện về chuyển đổi số; triển khai nhanh chóng các mô hình chuyển đổi số, xây dựng công dân số, cũng là huyện đầu tiên thí điểm ban hành tiêu chí triển khai thực hiện thôn chuyển đổi số.

Thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng Đề án chuyển đổi số thị xã Nghĩa Lộ giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030; đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành đô thị thông minh của thị xã.

Huyện Yên Bình triển khai Ngày hội chuyển đổi số của huyện, đăng ký triển khai nền tảng Sổ tay đảng viên điện tử với chỉ tiêu 100% chi bộ cơ sở sử dụng nền tảng số sổ tay đảng viên điện tử trong năm 2022. Yên Bình đã triển khai thành công Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện bằng phần mềm thi trực tuyến, thu hút 15.785 người tham gia- mang ý nghĩa như một bước thử nghiệm quan trọng, một chương trình "tập huấn” về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trên diện rộng cho nhân dân các dân tộc trong huyện. 

Ở cấp cơ sở, 100% các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 10.851 thành viên- là những hạt nhân nòng cốt để triển khai chuyển đổi số từ "dưới lên trên". Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (sau tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên) đạt được chỉ tiêu này.

Các tổ chuyển đổi số đã giúp cho người dân tiếp cận với kiến thức chuyển đổi số, tiếp cận và sử dụng các nền tảng phục vụ chuyển đổi số (như: Hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt qua các nền tảng mobi money cũng như app ngân hàng; được hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như voso.vn, postmart.vn; được hướng dẫn sử dụng nền tảng khám bệnh từ xa VOV Bacsi24).

Nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 29/7/2022 phát động phong trào thi đua chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022- 2025.

Phong trào thi đua sẽ tạo động lực thúc đẩy các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyển đổi số, tạo khí thế thi đua sôi nổi triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025” theo Quyết định số 749/QĐ- TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 27/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động số 15/CTr-UBND ngày 26/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 27/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh...

Chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp

Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân làm trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân. Chính vì vậy, tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc  gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia là sự kiện giúp nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống nói riêng của mỗi người và sự phát triển kinh tế- xã hội nói chung của đất nước; đánh dấu ý nghĩa của chuyển đổi số như một phương thức phát triển mới của đất nước trong thời gian tới, mở ra những không gian mới cho sự phát triển. Chuyển đổi số không phải là thêm một việc mới, mà là thêm cách làm mới cho những việc hiện tại bởi vì cuộc sống vẫn tiếp diễn liên tục, không ngừng đặt ra những vấn đề mới trong khi chuyển đổi số là để giúp giải quyết các vấn đề của cuộc sống hằng ngày.

Chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơnlà chủ đề của tỉnh Yên Bái trong tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022 ban hành kèm theo Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 09/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Yên Bái tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại, với nhiều hoạt động phong phú, như: Hội thi “Truyền thông nâng cao nhận thức về Ngày Chuyển đổi số quốc gia”; chuỗi hoạt động: Ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng sản phẩm, dịch vụ số; Nhân rộng mô hình chuyển đổi số trường học; Thúc đẩy mua sắm trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử: Vỏ Sò, Postmart; Thúc đẩy sử dụng sản phẩm, dịch vụ số; Tổ chức Chiến dịch xây dựng không gian mạng Yên Bái an toàn; Thúc đẩy sử dụng ngân hàng số.

Ở Yên Bái, chuyển đổi số đã thực sự làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đến hết tháng 6/2022, các địa phương đã hoàn thành việc thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng tới 100% cấp xã (173/173) với 1.744 thành viên; 100% cấp thôn (1.356/1.356) với 9.107 thành viên. Tỉnh Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (cùng với các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên) thành lập được 100% Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn (bản).

Cuộc sống tốt đẹp hơn khi hầu hết các thôn, bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh đã thành lập và duy trì các nhóm Zalo để kịp thời truyền tải những thông tin, văn bản mới của chính quyền cơ sở, địa phương, của tỉnh, thông báo kịp thời những việc cần triển khai đến bà con nhân dân; tuyên truyền các hoạt động của Tổ/thôn/bản, Chi bộ và các đoàn thể. Nhóm Zalo còn là nơi thể hiện tình làng nghĩa xóm, lan tỏa yêu thương, sẻ chia những vui, buồn trong cuộc sống giữa các gia đình; là một trong những kênh tuyên truyền hiệu quả, nhanh, chính xác và định hướng dư luận nhân dân trước những thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang, nhất là thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cảnh báo cho nhân dân trước những nguy cơ, các hành vi, thủ đoạn lừa đảo trên mạng...

Cuộc sống tốt đẹp hơn khi Yên Bái đã chọn cách làm mới, đặc trưng riêng của tỉnh, tạo nên khí thế chuyển đổi số sôi động, lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tỉnh đã giao cho mỗi địa phương (cấp huyện) một mô hình, nền tảng số quốc gia để tập trung triển khai từ đó đánh giá, nhân rộng mô hình sang các địa phương khác.

Đơn cử: Huyện Văn Yên đã ứng dụng hệ thống truyền thanh thông minh, hệ thống khám bệnh từ xa; là địa phương có lượng sản phẩm OCOP và đặc sản đưa lên sàn thương mại điện tử nhiều nhất trong các huyện với trên 100 sản phẩm. Hiện nay, 100% cuộc họp của huyện là cuộc họp không giấy tờ, 60% cuộc họp trực tuyến. Một số xã (Mậu A, Đông Cuông) đã triển khai tiếp xúc cử tri trực tuyến, tổ chức kỳ họp HĐND không giấy tờ.

Huyện Văn Chấn đã ban hành kế hoạch đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; rà soát lập danh sách 113 đơn vị các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm đủ điều kiện để thực hiện chuyển đổi số đưa lên sàn thương mại điện tử; cấp giấy chứng nhận quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 02 sản phẩm Nếp Tú Lệ, Baba gai thương phẩm Văn Chấn; đưa 01 hộ, 01 Công ty, 01 hợp tác xã có sản phẩm đặc trưng lên sàn Postmart.vn…

Cuộc sống tốt đẹp hơn khi mỗi người dân Yên Bái (từ đủ 15 tuổi trở lên) sẽ là những Công dân số thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; tôn trọng và thực hiện quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức trong quá trình tiếp cận, tham gia các hoạt động giao tiếp trên môi trường số. Từ đó, hình thành, duy trì chuẩn mực đạo đức, văn hoá trong môi trường số giúp bảo vệ thể chất, tâm lý của công dân trước các ảnh hưởng từ môi trường số.

Vĩ thanh

Người dân Yên Bái đã dần thay đổi về tư tưởng, nhận thức và hành động, bước đầu sẵn sàng trải nghiệm, đón nhận để được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số. Các tầng lớp nhân dân đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động phát triển mạnh (như: giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ điện, nước, truyền hình số, thuế, nộp học phí tại các trường học, thanh toán phí và lệ phí các thủ tục hành chính, sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế điện tử, sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa …).

Với phương châm: chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực, có thể thấy trong tất cả các kế hoạch, chương trình, mô hình chuyển đổi số của Yên Bái đều đặt mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Sự hưởng ứng, sử dụng các nền tảng số của nhân dân sẽ trở thành một tác nhân quan trọng thúc đẩy ngược lại để chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Song, xét một cách toàn diện ở góc độ thực tiễn, chuyển đổi số đã và đang đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn khó khăn, thách thức. Trình độ đội ngũ cán bộ, trình độ dân trí và khả năng tiếp cận chuyển đổi số của một bộ phận cán bộ, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Việc phát triển đội ngũ kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số đã được quan tâm triển khai, tuy nhiên còn chưa thực sự tương xứng với quy mô đầu tư cho hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là chưa có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư chuyển đổi số ở các sở, ngành, địa phương để ứng dụng và lan tỏa công nghệ số. Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số, phát triển mô hình đô thị thông minh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông... còn triển khai đơn lẻ, rời rạc; chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, chưa khai thác được cơ sở dữ liệu liên ngành. Trong khi, yếu tố về công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ, đòi hỏi quá trình chuyển đổi số của tỉnh cần nhanh hơn, đáp ứng tốt hơn, đồng bộ hơn và mang lại hiệu quả thực sự...

Khó khăn, vướng mắc là hiện hữu. Nhưng chắc chắn rằng, những vấn đề nêu trên sẽ không thể trở thành rào cản trên con đường chuyển đổi số của tỉnh, khi cấp ủy, chính quyền các cấp có định hướng đúng đắn, giải pháp tổng thể, đồng bộ, cụ thể, chi tiết và sát hợp với thực tế trong quá trình triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần hoàn thiện và làm rạng rỡ bức tranh về một Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.

 

H.T.T

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter