• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Đồng hành vì một Yên Bái “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”
Ngày xuất bản: 27/06/2023 2:25:04 SA

 

HỒNG THANH TÂM

 

Năm nay, với đội ngũ những người làm báo Yên Bái, kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2023) diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng: Tỉnh ta đang tiến hành kiểm điểm sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025. Đây cũng là dịp để các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo Yên Bái đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc những đóng góp của báo chí trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ đã qua, có thể nhận thấy rất rõ, hoạt động báo chí, tuyên truyền của tỉnh đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, luôn đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vì mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” với những kết quả mang đậm dấu ấn, tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh người làm báo cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, Yên Bái bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết XIX Đảng bộ tỉnh và nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2021- 2025) trong điều kiện thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Xuất phát từ điều kiện tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào vùng cao, vùng sâu còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao... nên Yên Bái đã lựa chọn cho mình một hướng đi riêng, theo triết lý phát triển: Phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Với triết lý như vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Yên Bái đã ban hành một bộ thể chế, chính sách đồng bộ, với nhiều Nghị quyết, đề án, chính sách triển khai thực hiện cho cả giai đoạn phủ kín các ngành, lĩnh vực; đặt ra những yêu cầu cụ thể là phải phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, giữa kinh tế và môi trường, giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành thị; giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Trong bối cảnh đó, báo chí Yên Bái đã tạo nên một dòng chảy thông tin chính thống, hiệu quả, là một trong những lực lượng quan trọng, xung kích, đi đầu tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, với những dấu ấn rất rõ nét và khá ấn tượng.

Trước hết, báo chí đã tích cực, chủ động tuyên truyền việc quán triệt, triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội đảng các cấp và các nghị quyết, đề án, chính sách, kế hoạch của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực. Đó là một hệ thống văn bản đồng bộ, phủ kín trên tất cả các lĩnh vực được ban hành ngay từ đầu nhiệm kỳ (năm 2021), từ công tác xây dựng Đảng, cho đến phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh... với gần 100 nghị quyết, đề án, chính sách, trong đó, có 11 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; 42 nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy chế, quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 19 đề án, chính sách của Hội đồng nhân dân và 18 quyết định, đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh; nhiều nghị quyết, chính sách thực hiện cho cả giai đoạn 2021- 2025; nhều đề án lần đầu tiên ban hành (như: Đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp; Đề án nâng cao chất lượng công tác kiểm tra giám sát); nhiều quy định mà Yên Bái là một trong những đảng bộ đầu tiên ban hành được Trung ương đánh giá cao (như: Quy định về trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên; Quy định về thực hiện văn hóa đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị); nhiều nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ được triển khai thực hiện (như: Chỉ số hạnh phúc, xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập). Nhiều chính sách sau khi được ban hành đã được áp dụng, từng bước đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực (như: chính sách phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; Nghị quyết về chuyển đổi số...).

Dấu ấn nổi bật tiếp theo phải nhắc đến là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, các nhà báo, phóng viên đã không quản khó khăn, vất vả, căng mình để thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch với cường độ và tần suất lớn, thông tin nhanh chóng, kịp thời, góp phần ổn định dư luận xã hội, nhân dân an tâm phát triển sản xuất. Những phóng viên hiện trường, biên tập viên, kỹ thuật viên đã không quản ngại ngày đêm, nguy hiểm, thực sự là những người lính thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng để đem đến những thông tin nhanh nhất, chân thực nhất, đầy đủ nhất (với hàng ngàn tin, bài được đăng tải) đã khắc phục nhanh chóng tình trạng tin giả, tin không chính thống gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Cùng với báo chí cả nước, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm công tác báo chí, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần tích cực cổ vũ, động viên, lan tỏa tinh thần “trên dưới một lòng, trước sau như một”, tuyên truyền quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế- xã hội, hoàn thành “mục tiêu kép” (Yên Bái là tỉnh giữ được vùng xanh an toàn trong suốt thời gian dài, cũng là tỉnh cuối cùng trong cả nước xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng); thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa, phục hồi và phát triển nền kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Một dấu ấn nữa là thời gian qua, báo chí đã phản ánh một cách khá toàn diện, sâu sắc, lan tỏa mạnh mẽ sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh; sự ủng hộ, đồng hành, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, tất cả vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.  Tuyên truyền phản ánh sâu rộng những kết quả, thành tựu trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội; những cách làm của tỉnh trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước nhằm phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tất cả đã trở thành chủ đề, đề tài phong phú, sinh động, được báo chí khai thác, phản ánh kịp thời, sâu rộng, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Đó là, tuyên truyền về đổi mới trong phương thức lãnh đạo thông qua việc thực hiện “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” hằng năm cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy, tạo động lực thi đua và sức lan tỏa tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thể hiện rõ nét qua việc tăng cường đối thoại, hướng mạnh về cơ sở. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Yên Bái đã tổ chức rất nhiều Hội nghị đối thoại (với nông dân; thanh niên; phụ nữ; cán bộ, nhân viên, người lao động ngành y tế, ngành giáo dục và đào tạo; văn nghệ sĩ, trí thức...). Nội dung, hình thức đối thoại cũng hết sức phong phú (tổ chức hội nghị trực tiếp, hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 100% các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi...). Thường xuyên, định kỳ tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư (theo các hình thức như tổ chức hội nghị chuyên đề, chương trình Cà phê doanh nhân, Ngày cuối tuần cùng Doanh nhân...) qua đó, đã kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Chương trình Ngày cuối tuần cùng dân được tổ chức thường xuyên, nghiêm túc (Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành kế hoạch tổ chức Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp giai đoạn 2021- 2025), trở thành hoạt động có ý nghĩa, nhất là đối với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, làm tăng thêm trách nhiệm của lãnh đạo với nhân dân. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo tỉnh dành thời gian ngày cuối tuần xuống tận thôn, bản, cùng tham gia làm đường giao thông nông thôn, lao động sản xuất với bà con đã củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền tỉnh và cơ sở...

Đó là, đẩy mạnh tuyên truyền các vấn đề mới, các nhiệm vụ mà Yên Bái là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện, các phong trào thi đua, cuộc vận động riêng có của tỉnh Yên Bái nhằm xây dựng Chỉ số hạnh phúc, giảm nghèo bền vững, đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới...

Nhiệm kỳ 2020- 2025, tỉnh Yên Bái đã định hướng phát triển địa phương theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”; mạnh dạn đưa Chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh với một triết lý phát triển rất riêng của Yên Bái. Đó là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân (Hạnh phúc ở đây được xác định theo các tiêu chí: Sự hài lòng về cuộc sống; sự hài lòng về môi trường sống và nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân).

Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, các tiêu chí của chỉ số hạnh phúc, báo chí đã mang lại cho độc giả/khán giả/thính giả cái nhìn đầy đủ, toàn diện về mục tiêu, ý nghĩa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái; việc hằng năm Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể; việc phát động và triển khai thực hiện nhiều phong trào thi đua nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân trong các cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị của tỉnh, như: Ngành Giáo dục và Đào tạo với phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”, “Lớp học hạnh phúc”; Ngành Y tế với phong trào “Bác sĩ tận tâm- Bệnh nhân hạnh phúc”; các phong trào thi đua xây dựng văn hóa công sở, cơ quan, đơn vị “Xanh, sạch, đẹp, hạnh phúc”; tổ chức các cuộc thi viết, sáng tác, thi ảnh báo chí, ảnh đẹp trên Báo Yên Bái, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái (thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái) về chủ đề xây dựng tỉnh Yên Bái “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

Trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, báo chí đã tuyên truyền sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung tay ủng hộ của các doanh nghiệp và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, huy động được nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Các địa phương trong tỉnh đã có rất nhiều cố gắng nỗ lực, nhiều cách làm sáng tạo nhằm đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là lấy người dân làm trung tâm, phát huy tối đa nội lực, vai trò chủ thể của người nông dân trong việc đóng góp trí tuệ, công sức, vật lực trong xây dựng nông thôn mới, tạo thành các phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp. Nổi bật là các phong trào “hiến đất mở đường”, “dịch rào hiến đất”, “hiến đất, cây cối, vật kiến trúc xây dựng nông thôn mới”... Đến nay, toàn tỉnh có 99/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03/09 đơn vị đạt nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hòa chung dòng chảy của cuộc sống, đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh luôn là lực lượng tiên phong, đi đầu, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Báo chí còn là kênh thông tin hữu hiệu nhằm quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Yên Bái đến với bạn đọc trong nước và quốc tế. Nhiều bài viết mang tính chất phát hiện, cảnh báo giúp Đảng bộ, chính quyền địa phương kịp thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh- với tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc nghiêm túc, hiệu quả- thực sự là nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền, định hướng thông tin, dư luận; là lực lượng xung kích của Đảng bộ và chính quyền trong đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc, góp phần làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tích cực quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, đất và người Yên Bái, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, môi trường xã hội lành mạnh hơn, môi trường đầu tư hấp dẫn hơn...

Nhiều nhà báo lão thành, nguyên là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của tỉnh tuy đã về nghỉ chế độ hưu, song với bề dày kinh nghiệm, tư duy tích cực, ngòi bút sắc bén, tâm huyết và tình yêu nghề báo, vẫn tích cực cộng tác với các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh, là những tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp và kinh nghiệm làm báo để các thế hệ làm báo sau này noi theo, học tập. Mỗi tác phẩm báo chí đều thể hiện niềm tin với Đảng, với chính quyền, sự say mê nghề nghiệp, khát vọng cống hiến xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển.

Đơn cử, tại cuộc thi viết Chính luận khoa học “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” lần thứ nhất do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức năm 2021, các nhà báo Yên Bái đã vượt qua hơn 8.000 bài viết tham dự trên cả nước và đoạt giải rất cao (nhà báo Nguyễn Thanh Vân, nguyên Tổng Biên tập Báo Yên Bái đoạt giải A, nhà báo Nguyễn Thế Quynh, nguyên cán bộ Báo Yên Bái đoạt giải C).

Nhiều nhà báo trẻ, phóng viên, biên tập viên của tỉnh bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và công việc được giao, cũng rất tích cực tham gia và đoạt giải thưởng trong các Giải Báo chí quốc gia, các cuộc thi viết do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tổ chức, góp phần khẳng định vị thế của báo chí Yên Bái trong sự phát triển chung của Báo chí cách mạng Việt Nam.

THAY LỜI KẾT

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, lĩnh vực báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung. Ngày 06/5/2023 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số...

Xin được trích lời phát biểu của đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong cuộc gặp gỡ đội ngũ những người làm báo Yên Bái, tháng 6 năm 2022: “Các cơ quan báo chí của tỉnh cần phát huy hơn nữa nội lực của mình, đổi mới về tư duy, đột phá về hành động đối với vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan báo chí theo hướng làm báo chí hiện đại “đa nền tảng” chứ không đơn thuần là “đa phương tiện” như trước nay chúng ta vẫn làm. Tôi cho rằng, ở các cơ quan báo chí, chuyển đổi số không đơn giản là vấn đề kỹ thuật, mà là chuyển đổi những thói quen, suy nghĩ, cách làm, hành động cụ thể, cần kiên quyết, đồng bộ, thống nhất, làm việc trên nền tảng số với 70% là quyết tâm chính trị và trí thức của những người lãnh đạo và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và 30% là công nghệ. Người đứng đầu và những người xuất sắc nhất của cơ quan báo chí phải tham gia cùng với công nghệ mới có thể làm cho hoạt động báo chí hiện đại hơn, thông minh hơn...”.

 

H.T.T

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter