• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Hạnh phúc nơi “miền đất nhớ”
Ngày xuất bản: 17/11/2022 3:42:22 SA

Ký của MINH NGỌC

 

Từ lâu, miền đất tươi đẹp nằm trong thung lũng sông Hồng kẹp giữa dãy núi Con Voi và Púng Luông với hơn 11 dân tộc anh em cùng chung sống đã thu hút bao bước chân du khách đến tham quan, chiêm bái, cùng chứng kiến những đổi thay, những nỗ lực vượt bậc của đồng bào nơi đây. Một miền đất được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, một tiểu vùng khí hậu dành riêng cho cây quế mà không địa phương nào trong cả nước có được, cộng với sự năng động, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo huyện đã từng bước đưa Văn Yên phát triển mạnh mẽ, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân.

Sớm thu, thị trấn Mậu A chưa tỉnh giấc nhưng các đồng chí lãnh đạo huyện đã rầm rập xuống cơ sở, hồ hởi cùng dân tham gia dịch rào hiến đất, kiểm tra công tác chuyển đổi số, các mô hình hạnh phúc trên địa bàn. Từ khi Nghị quyết Đảng bộ 19 của tỉnh đi vào cuộc sống, đâu đâu trên mảnh đất “cao sơn ngọc quế” cũng nhắc đến hai từ “Hạnh phúc”. Có hàng trăm nghìn khái niệm về “hạnh phúc” nhưng có lẽ, “hạnh phúc" chính là hài lòng với những gì mình đang có, đang thụ hưởng; đó là mong muốn đầu tiên nhưng cũng là đích cuối cùng con người muốn hướng tới. Qua những ngày đầu bỡ ngỡ, vùng đất vốn là nơi sáp nhập của 19 xã của Trấn Yên và 6 xã của Văn Bàn- Lào Cai đã dần đi vào guồng quay, từng bước khởi sắc nhờ hệ thống lãnh đạo vừa hồng vừa chuyên, nói thật, làm thật. Căn cứ vào ba tiêu chí chính liên quan đến điều kiện sống, tuổi thọ bình quân và môi trường sống, năm 2021 chỉ số hạnh phúc của Văn Yên đạt 65,37%, đạt mức 2, mức khá hạnh phúc, cao hơn so với chỉ số hạnh phúc bình quân chung của tỉnh (53,3%). Trong đó tiêu chí đánh giá tuổi thọ trung bình đạt tỷ lệ cao nhất (64,26%), đánh giá tuổi thọ trung bình của người dân huyện Văn Yên là 75 tuổi. Điều này cho thấy yếu tố con người nơi đây đang được thụ hưởng một chất lượng cuộc sống khá tốt, với sự hài lòng khá tốt. Có được kết quả đó hẳn phải xuất phát từ quan điểm rất rõ ràng của người đứng đầu địa phương, đồng chí Luyện Hữu Chung- Bí thư Huyện ủy: "Quán triệt sâu sắc quan điểm lấy dân làm gốc, lấy hạnh phúc ấm no của người dân làm mục tiêu phấn đấu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Văn Yên lần thứ XVI”. Quán triệt chủ trương của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 51 (2021), Kế hoạch số 107 (2022) về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân huyện Văn Yên với một số chỉ tiêu cụ thể để tổ chức thực hiện. Theo đó, các chi, đảng bộ cơ sở, các cơ quan đoàn thể trong toàn huyện phải đề ra các nhiệm vụ giải pháp gắn với các sản phẩm cụ thể, thể hiện đặc trưng của mỗi ngành, mỗi địa phương. Trong đó, trường học hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, thôn, tổ hạnh phúc… là những mô hình điểm góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Văn Yên, hướng đến mục tiêu đạt 66,8% năm 2022.

Sau cái bắt tay vội chào đồng chí Phó Chủ tịch huyện xinh đẹp Lã Thị Liền, người luôn dành nhiều tâm huyết cho mảnh đất Văn Yên, tôi theo chân các cán bộ Phòng văn hóa huyện, vòng theo tuyến đường bê tông đi Yên Phú, Đại Phác, 2 trong số những xã tiêu biểu trong việc nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn. Đại Phác vốn là địa phương có số dân theo Công giáo đông, người dân có tinh thần vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống, luôn tiên phong đi đầu trong các mô hình phát triển kinh tế, đi đầu trong việc đưa cây dâu tằm, ngô đông vào địa bàn. Đại Phác được đánh giá rất cao về vấn đề an ninh trật tự, nơi mà “xe vứt ngoài đường cả ngày không mất”. Yên Phú cũng là địa phương có đồng bào Công giáo nhiều. Từ khi có Bí thư Trần Đình Trọng, nguyên là Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Nội vụ huyện về nhận nhiệm vụ, diện mạo của xã ngày càng khang trang, đổi mới. Phong trào 69 của xã được đánh giá cao, luôn nằm trong tốp dẫn đầu 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đặc biệt giống gạo CT25 đang dẫn đầu cả huyện, với nhãn hiệu “hạt vàng đất quế” đang dần xuất khẩu đi muôn nơi thông qua hợp tác xã của thôn Trung Tâm.

Yên Phú hiện ra khi nắng đã dát vàng trên những cánh đồng lúa lên đòng, những nương ngô đương ra bắp, những đồi quế xanh rì. Cảm giác thanh bình bao trùm khắp thôn bản, ngõ xóm. Qua đoạn đường đang nâng cấp, mở rộng, cổng trào Thôn Trung tâm mở ra với con đường hoa thẳng tắp cùng dãy bằng lăng đương mùa đậu quả, nhiều loài hoa khe sắc rực rỡ làm điểm nhấn trên tuyến đường ngút ngàn màu xanh. Anh Thức, cán bộ văn hóa xã đưa đoàn chúng tôi đến tham quan Trường Mầm non Yên Phú A, ngôi trường của hạnh phúc. Nằm ngay bên đường chính, với khuôn viên 4000m2 Trường Mầm non Yên Phú A gây bất ngờ với những ai lần đầu đặt chân đến. Điều ấn tượng không nằm ở cơ sở vật chất khang trang mà chính bởi không gian cảnh quan của ngôi trường nơi có hơn 100 cháu nhỏ được chăm sóc. Một không gian tràn ngập hoa và cây xanh, các hạng mục trò chơi, trải nghiệm phong phú, đẹp mắt mà nhiều trường mầm non ở khu vực thành phố không thể có được. Từ cầu tượt, đu quay, chòi sáng tạo, không gian lịch sử, không gian trải nghiệm văn hóa chợ quê, tranh tường, vườn rau sạch, hàng rào chai nhựa, đèn lồng lon bia, đến sân bóng đá, sân chơi gôn cho các con đều được trang trí một cách tỉ mẩn, đẹp mắt, chứng tỏ sự tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ và bàn tay khéo léo của các cô giáo, cán bộ nhà trường. Doãn Thị Lệ Xuân, cô giáo hiệu trưởng nhà trường với nét đẹp của người phụ nữ hiện đại như một bông hoa rực rỡ, vồn vã, thân thiện dẫn đoàn đi tham quan, giới thiệu. Đến với Yên Phú 8 năm, 4 năm liền cô Xuân trực tiếp làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Phú gồm hai khu A và B, quản lý 25 cán bộ giáo viên, 11 phòng học, hơn 300 học sinh. Khu A từ buổi ban đầu sơ khai chỉ là mảnh đất ruộng trống, dưới sự lãnh đạo của cô Xuân, đến nay nhà trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 là bao mồ hôi công sức, bao tâm huyết, cống hiến, gắn bó với nghề. Cô Xuân hiệu trưởng, cô Hương, Cô Tâm hiệu phó là bộ ba đoàn kết, cùng tập thể cán bộ giáo viên nhà trường gây dựng, vượt qua những ngày đầu gian khó, những trưa ăn tạm bát mì tôm, những ngày nắng gắt ngất xỉu giữa sân trường ngổn ngang đất đá, cùng nhau gắn bó, chia sẻ, đồng hành đưa tập thể trường trở thành mô hình điểm về trường học hạnh phúc trên địa bàn xã. Khu A hiện có 03 phòng học, khu giám hiệu, phòng họp, phòng y tế, nhà bếp tuy chưa thực khang trang nhưng gọn gàng, sạch sẽ, cây cối xanh mướt một màu, các loại hoa đua nhau khoe sắc, những bông mẫu đơn, mười giờ, rực rỡ dưới nắng vàng. Nói rằng dẫu còn nhiều vất vả, nhưng được chính quyền địa phương quan tâm sắp tới sẽ có thêm 8 lớp học, khu B sẽ sáp nhập về khu A, không còn cảnh phải chạy đi chạy về, chia lịch trực, ánh mắt cô hiệu trưởng long lanh chứa đựng bao nỗi niềm. Người phụ nữ nhỏ bé lãnh đạo một đơn vị nhỏ còn nhiều khó khăn nhưng luôn sạch đẹp khiến người đối diện khó giấu được những thiện cảm. Nhớ thời tốt nghiệp cấp 3, cũng từng đăng ký thi Đại học Sư Phạm Hà Nội, khoa Giáo dục Mầm non, cùng một niềm đam mê, cùng một lòng yêu trẻ, trong lòng lại càng dâng thêm bao tình cảm mến thương với những cô giáo hồn hậu, đáng yêu, đáng quý. Các cô vội vàng chạy đi lấy tập phiếu khảo sát đánh giá về bộ tiêu chí tạm thời trường học hạnh phúc đối với nhà trường, tôi không ngạc nhiên khi thấy những dòng góp ý rất đỗi mộc mạc nhưng cũng rất thân tình. “Thấy sự tiến bộ của con, em rất hài lòng, cảm ơn nhà trường rất nhiều”, “Được gửi gắm các con cho các cô Trường Mầm non Yên Phú, tôi rất yên tâm về mọi mặt. Cảm ơn các cô đã luôn đồng hành để trẻ có kết quả tốt như ngày hôm nay”… Những nét chữ ngay ngắn xen lẫn những dòng chữ gạch xóa thể hiện sự cân nhắc khi đưa ra ý kiến góp ý là những lời động viên, là động lực để các cô giáo tiếp tục cống hiến. Nhạc bắt đầu nổi lên, giữa khu nhà chính, các cô giáo trẻ bắt đầu khớp nhạc các tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho năm học mới, bên này các cô tranh thủ cọ rửa, phơi phóng đồ chơi, bên kia nhân viên nhà bếp cặm cụi cọ xoong nồi, rửa bát đũa. Hơn 20 giáo viên, cán bộ đang khẩn trương, chuẩn bị mọi điều điện tốt nhất để đón các con bước vào năm học mới.

Nắng dần đứng bóng, anh Thức nói vui “Mỗi lần gặp các cô anh chỉ muốn làm em bé để được đến trường” thay cho lời chào. Các mô hình gia đình hạnh phúc của Yên Phú, Đại Phác đang mong có người đến gõ cửa.

Ngay từ những phút giây đầu tiên, Bí thư Chi bộ thôn Phú Thôn, xã Yên Phú, Hoàng Đình Hanh, người dân tộc Tày đã tạo cho người đối diện sự thiện cảm bởi khuôn mặt sáng, đẹp và sự chững chạc. Là con nhà nòi, bố nguyên là Chủ tịch xã Yên Phú, mới 28 tuổi nhưng Hanh đã làm Bí thư được 2 năm. Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, với sức trẻ và lòng nhiệt tình, Hanh đã vận động bà con, đảng viên trong thôn cùng nhau tôn tạo, xây mới đình Yên Phú, Di tích Lịch sử cấp tỉnh với số vốn đầu tư ban đầu trên 1 tỷ đồng cùng toàn bộ ngày công lao động tự nguyện của người dân. Đường liên thôn, nội đồng cũng không ngừng được làm mới. Đường bê tông thay cho đường đất tạo thành cung đường bê tông khép kín quanh xã, đến từng hộ gia đình. Hanh cũng luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến thanh niên và các nhóm hội, tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, tham quan du lịch, trao đổi kinh nghiệm làm ăn phát triển kinh tế, từng bước góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con trong thôn. Bản thân gia đình Hanh cũng là một trong những gia đình tiêu biểu về kinh tế vững, gia đình hạnh phúc. Hạt nhân gia đình tốt sẽ tạo nên xã hội tốt. Gia đình Hanh cũng như nhiều gia đình khác đã góp phần đưa các Câu Lạc bộ gia đình hạnh phúc tại 6/6 thôn của Yên Phú sớm thành công và nhân rộng.

Tranh thủ hít căng lồng ngực mùi thơm nồng của quế, hỏi thăm mẹ và vợ Hanh đang miệt mài ngồi bóc vỏ quế, buộc thành từng bó đợi thương lái đến cân, biết rằng một nguồn thu nhập không nhỏ đang chờ phía trước. Nụ cười cươi và ánh mắt sáng của Bí thư Chi bộ thôn Phú Thôn tiễn đoàn rời Yên Phú, vòng sang Đại Phác gặp chị Bế Thị Hoài Trang- Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Với 755 hội viên, Hội phụ nữ xã Đại Phác có 3/5 thôn thành lập, ra mắt mô hình Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc. Nhanh nhẹn, hiểu việc, chị Trang đưa tôi đến thăm gia đình cụ Hoàng Thị Vọng, thôn Đại Thắng. Một gia đình với bốn thế hệ cùng chung sống nằm trong khuôn viên rộng chừng 500m2. Cụ Vọng đã bước sang tuổi 94, chắt của cụ, cháu bé nhất mới lên 4 tuổi nhưng đại gia đình chưa một lần to tiếng, bất hòa. Cụ nguyên là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, con cháu cụ cũng đều làm cán bộ xã nên hiểu về đạo lý, về đạo làm người. Lựu, cháu dâu cụ- cô bé người Dao với nước da trắng hồng như đánh phấn ban đầu cũng lo lắng khi chuẩn bị về làm dâu nhưng rồi về ở cùng thấy cả nhà đều tình cảm, kính trọng, yêu thương lẫn nhau mới thấy mình may mắn. Gia đình cụ vừa là mô hình tiêu biểu về làm ăn kinh tế, vừa là mô hình tiêu biểu trong lối sống, ứng xử không chỉ với các thành viên trong gia đình mà với tất cả bà con, làng xóm, luôn tích cực tham gia các hoạt động chung của thôn. Trang mau mắn giới thiệu với đoàn về các mô hình, lịch sinh hoạt của các Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc của xã. Cười tươi, miệng nói, tay làm, Trang thoăn thoắt dẫn tôi sang thôn Đại Thắng, thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của xã năm 2019. Tuyến đường cây Tùng do một người con trong thôn đi làm ăn xa phát đạt tặng quê hương đưa chúng tôi đến với những ngôi nhà cao tầng, biệt thự mới xây mọc lên san sát. Nhà xây to đẹp là chuyện thường với người dân trong thôn nhưng lại là điều bất ngờ với những ai vài năm không quay trở lại. Vợ chồng Quang- Loan là chủ của ngôi nhà hai tầng khang trang mới xây từ tiền bán quế. Vừa trồng rừng vừa làm kinh doanh, vợ chồng anh luôn bị tiếng là người tham công tiếc việc. Ngoài những lúc làm đồi rừng, làm cơm hội nghị liên hoan, vợ chồng anh chị còn mở một quán bán tạp hóa với đầy đủ mặt hàng thiết yếu phục vụ bà con trong thôn. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình anh chị luôn ở trong nhóm đầu của Câu lạc bộ mô hình Gia đình hạnh phúc với mức thu nhập trên 300 triệu/ năm. Bận rộn là vậy nhưng sau khi cơm nước, anh chị lại cùng bà con kéo lên nhà văn hóa thôn tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Anh tham gia đội bóng chuyền hơi, chị Loan nhảy cùng đội dân vũ, không hoạt động phong trào nào của thôn mà anh chị không tham gia ủng hộ. Nhìn vợ chồng anh cùng hai cậu con trai to khỏe, kháu khỉnh ai cũng muốn ngồi lâu, chuyện trò thêm một lúc. Cốc nước mát làm dịu không khí oi nóng cuối ngày. Chủ tịch Hội phụ nữ xã, Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc thôn trò chuyện vui vẻ cùng vợ chồng anh Quang khiến cuộc viếng thăm càng thêm rôm rả. Chị Trang cười tươi: “Những mô hình gia đình như này xã em nhiều lắm. Nhờ sự quan tâm của huyện, của tỉnh mà đời sống của người dân từng ngày thay đổi, đi lên, bà con đồng lòng, phấn khởi lắm chị ạ!”.

Mặt trời dần chạy về phía chân núi, đôi chân còn muốn đi thật nhiều, thật nhiều những vùng đất mà chỉ nhắc đến tên thôi đã thấy dấy lên niềm tin tưởng, phấn khởi, hiện rõ những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc như Thôn Hạnh Phúc xã Tân Hợp, Thôn Bản Lùng xã Phong Dụ Thượng… Mong được gặp gỡ trò chuyện thật nhiều với những người dân đất quế thân tình, cởi mở nhưng quỹ thời gian không cho phép. Chúng tôi lại từ Văn Yên trở về thành phố Yên Bái thân yêu giữa lung linh đường điện. Cố lưu lại hình ảnh một thị trấn Mậu A tưng bừng sắc đỏ, băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích chào mừng ngày quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chào mừng Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mà lòng thêm phấn chấn. Nhớ buổi trưa ngồi trên nhà hàng nổi của Đầm Khe Dứa, thưởng thức món cá lăng đặc sản của Yên Phú, được trò chuyện với anh Tuân Phó Chủ tịch xã, nghệ nhân Bình và các cô giáo trường mầm non giữa làn gió đầm rười rượi thấy lòng thêm quyến luyến. Cứ nhớ mãi đôi mắt đỏ hoe, ngấn nước của cô Xuân, những cái ôm xiết chặt của cô Hương, cô Tâm mà thêm quý tình người, tình đồng nghiệp. Có lẽ cũng là cái duyên gặp gỡ khi ngay sau bữa cơm trưa, đầu chiều cô Hiệu trưởng Lệ Xuân nhận quyết định sang làm Hiệu trưởng Trường mầm non An Bình, cô Hương sang làm Phó Hiệu trưởng của Trường mầm non Yên Thái. Chỉ còn lại cô Tâm tiếp tục cùng Ban lãnh đạo mới chăm sóc, gây dựng thêm cho ngôi trường Yên Phú. Chưa bao giờ tôi chứng kiến những người đồng nghiệp, những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của một đơn vị sau khoảng thời gian công tác tuy không dài nhưng lại quyến luyến nhau đến vậy. Cô Hương vừa nói vừa khóc: “Rời  Trường Mầm non Yên Phú em chẳng tiếc gì… Chỉ tiếc 3 chị em không được làm việc cùng nhau nữa”. “Mà chị biết tại sao chị Xuân tình nguyện bỏ lại tâm huyết, bỏ lại cái cây sắp đến ngày hái quả để xin sang Trường Mầm non An Bình, xa thị trấn hơn không?...”. Chẳng để tôi kịp trả lời, cô Hương rưng rưng nói: “Là để hợp lý cho cô hiệu trưởng Mầm non An Bình được về gần nhà. Chị ấy chỉ mấy năm nữa là nghỉ hưu thôi”… Ba người phụ nữ trạc tuổi nhau đều đã 39, 40 ôm nhau khóc. Cuộc vui bỗng trở thành cuộc chia tay sụt sùi nước mắt…

Một Văn Yên tươi đẹp, nghị lực, giàu bản sắc, không ngừng vươn lên thay đổi cuộc sống nhưng con người Văn Yên luôn nặng tình nặng nghĩa, yêu thương đong đầy. Giữa cuộc sống xô bồ, những giọt nước mắt trong veo hiếm hoi của các cô giáo trẻ khiến Văn Yên trong tôi không chỉ là một Văn Yên “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, mà còn là “miền đất nhớ” thật khó để quên…

M.N

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter