Ký của YẾN TRANG
Tôi đến thôn Chèm xã Đông An trong một ngày nắng trải vàng trong như mật. Dù được lãnh đạo xã giới thiệu đây là thôn phát triển nhất của xã nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ bởi sự khang trang bề thế của nhà nối nhà, vườn nối vườn xanh ngút ngát. Trái cây lúc lỉu, hoa khoe sắc, lá reo vui cùng gió, tạo thành những đốm nắng nhảy nhót trên những khoảng sân rộng rãi, sạch sẽ. Tuyến đường vào thôn rộng thênh, hoa chạy dọc hai bên tăm tắp. Hầu hết các ngôi nhà vườn đều có tường bao quanh. Bưởi tròn căng uốn cong cành, vượt tường rào sà xuống mặt người đi. Quả thật là một miền quê hạnh phúc.
Xe chúng tôi dừng lại trước cổng một ngôi nhà kiểu biệt thự vườn, lãnh đạo xã giới thiệu đây là nhà của Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Chèm, người đã 40 năm giữ cương vị này mà hiện chị em vẫn biểu quyết không thể thay thế. Chúng tôi bị cây trái ngoài vườn lôi kéo, nên ai cũng sà vào vườn ngắm những trái bưởi nặng chịch, tròn căng. Hơn 100 gốc bưởi đang mùa cho trái, gần 30 cây mít lặng thầm toả bóng dưới nền vườn sạch bong cỏ, ngoài ra còn chuối, roi, đu đủ... cũng tô thêm màu xanh trù phú cho ngôi nhà khang trang kiểu biệt thự của bà Hoà. Đứng trong sân nhà, ngắm đồi núi bao la phía trước mặt, khu vườn của bà Hoà được bao quanh bởi tường rào chắc chắn, khiến tôi cảm giác như được trở về với khu vườn của mẹ để nghe lách chách tiếng tim sâu ẩn trong vòm lá, được mắc võng quàng qua 2 thân cây nghe gió đưa hương, nhìn nắng nô đùa, để mỗi khi đi học về, chỉ cần ra vườn mươi phút là đã đầy một bụng trái cây, chẳng cần phải đợi cơm mẹ nấu. Bà Hoà đon đả gọt những trái bưởi được hái từ vườn cây quanh nhà mời chúng tôi thưởng thức. Vị ngọt mát, thấm đậm hương quê khiến ai cũng cảm thấy khoan khoái và trầm trồ khen ngon. Trong vui vẻ bà Hoà kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian 40 năm giữ trách nhiệm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn.
Bà Nguyễn Thị Hoà sinh năm 1956, ngoài vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Chèm, bà còn là Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn, nhân viên y tế thôn bản, Tổ trưởng ngân hàng chính sách, và ngân hàng Agribank, đã từng 5 năm làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đông An. Ngày bà nhận nhiệm vụ là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn (năm 1986), chi hội phụ nữ chỉ vẻn vẹn có hơn 10 hội viên và 200 nghìn đồng tiền quỹ. Việc gia nhập vào hội phụ nữ thôn là một điều xa lạ với nhiều chị em, họ chưa hiểu vai trò của hội là gì, vào hội họ được ích lợi gì. Vì thế việc động viên, thuyết phục chị em vào hội là điều khó khăn. Sau rất nhiều lần đến nhà vận động, sau bao đêm suy nghĩ, kiên trì thuyết phục ngày qua ngày, thậm chí năm qua năm số hội viên mới dần dần tăng lên. Số tiền đóng quỹ cũng dần tăng lên từ những việc làm thiết thực của bà, từ những minh bạch về tài chính để xoá đi ý nghĩ "Đóng quỹ chi hội sẽ mất". Vì thế từ hơn 10 chị em, giờ chi hội đã có 89 hội viên, từ số tiền góp quỹ 20.000 đồng/ người, giờ đã tăng lên 500.000 đồng/ người. Số tiền quỹ của Chi hội được bà Hoà công khai, cho hội viên vay lãi thấp để chị em lấy vốn phát triển kinh tế đồng thời cũng thu được chút lãi để chi hội hoạt động. Nói thì dễ thế, nhưng chị em phụ nữ thôn bà vốn chăm chỉ làm ăn, tiếc việc như tiếc của, thành ra họ rất khó bỏ việc gia đình để tham gia các hoạt động của phụ nữ. Trước chị em, bà đã nói những lời gan ruột "Tôi đứng ra làm Chi hội trưởng là nhận trách nhiệm cho thôn, chẳng nhẽ để thôn vắng vị trí ấy. Nhưng tôi cũng cần các chị em ủng hộ tôi. Bởi một mình tôi không thể biến thành 10 người để tham gia đội kéo co của thôn, không thể biến thành 8 người làm thành đội múa". Và rồi một vài chị đã thông cảm cho khó khăn của bà mà tham gia. Những phong trào ấy không bao giờ thiếu bà. Thành lập đội kéo co, có bà là đội trưởng đội kéo co; thành lập đội múa, có bà là thành viên đội múa. Khi có bà tham gia, chưa bao giờ thôn bà đứng thứ hai, kiểu gì cũng đứng đầu bảng. Bà Hoà nhớ cái ngày thành lập đội thiếu nhi đi dự thi "Mùa hè cho em" do xã tổ chức. Bà đã bỏ công, bỏ sức nhiều ngày đêm viết kịch bản, viết lời giới thiệu, tổ chức luyện tập cho các cháu một hoạt cảnh về an toàn giao thông có ý nghĩa và dinh về giải nhất toàn xã. Bà vui một, các cháu vui mười, chúng tíu tít bên bà khiến bà như trẻ lại. Chúng líu lo với bà rằng, thôn bạn thua đã nói với nhau "cuối cùng tất cả đều thua hết bà già". Bà dừng kể cười thành tiếng "Giờ lứa ấy đã tốt nghiệp đại học hết rồi, có đứa đi làm rồi". Lại những ngày tuyến đường chạy qua thôn được nhà nước mở rộng, đoàn công nhân về thôn bà làm đường đã được bà sáng tác tặng cho bài hát để hát cùng nhau những đêm văn nghệ. Ngày chia tay họ xin bà bài hát ấy để lúc nào rảnh thì nghêu ngao cho đỡ buồn. Thịnh tình ấy của bà đã khiến trưởng đội công nhân làm đường tặng cho thôn bà bộ trống đủ món và vẫn đang được sử dụng cho đến hôm nay. Trong niềm vui nói về những con đường, bà hồ hởi kể về gần 1 km đường thôn do chính bà cùng Ban công tác mặt trận đã đến từng nhà vận động dân hiến đất. Cơ duyên để xã giao cho bà làm chủ thầu tuyến đường ấy. Vốn trách nhiệm và vì dân, bà lúc nào cũng lăn lộn, không kể ngày đêm, không kể mưa gió. Có những khi bận lên xã họp với vai Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi xã, biết tin họ giao vật liệu là bà lại bươn bả về, không qua nhà mà đến thẳng nơi tập kết vật liệu để nhận đủ số lượng họ giao. Đến khi thi công, bà lại giám sát từng khâu, từng đoạn đảm bảo con dường được làm nên đúng tiêu chuẩn, bền và đẹp. Vì thế bà đã tiết kiệm được cho dân khá nhiều tiền. Ngày con đường hoàn thành, lãnh đạo xã đến chung vui, họ ngạc nhiên khi xem sổ sách của bà không thấy một chút tư lợi gì bà dành cho mình. Còn nhân dân dành cho bà những tràng pháo tay cảm kích và biết ơn, bởi họ hiểu thâm tình bà dành cho thôn xóm. Với riêng bà, con đường bà làm chủ thầu đến nay đã trải qua rất nhiều năm, rất nhiều xe to đã từng qua nhưng nó vẫn chắc bền và bằng phẳng là niềm vui của bà rồi.
Hỏi bà về các phong trào của Chi hội, bà vui vẻ khẳng định, mọi phong trào của cấp trên phát động, thôn bà thực hiện tốt. Nhờ bà thuyết phục và động viên nên chị em đồng lòng tham gia tích cực và đạt được hiệu quả cao, luôn là thôn dẫn đầu toàn xã. Công tác đồng hành cùng chị em thoát nghèo luôn được bà quan tâm sát cánh. Bằng nhiều cách như hỗ trợ vốn vay từ quỹ chi hội, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích. Kết quả là đến nay thôn bà không còn hộ nghèo. Mọi phong trào cần phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới, chị em đều nhiệt tình hưởng ứng. Cái quan niệm cố hữu trông chờ vào nhà nước đã được bà tuyên truyền thay đổi trong chị em. Phái yếu của thôn đã góp phần không nhỏ để thôn đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. 40 năm dẫn dắt nhi hội, năm nào Chi hội phụ nữ thôn Chèm cũng đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cá nhân bà cũng đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều đó đã khẳng định sự đóng góp của Chi hội phụ nữ cho thôn.
Bà Hoà xởi lởi dẫn tôi ra phía cổng để được ngắm hai dãy hoa dọc bên đường đang khoe sắc dưới nắng xuân ấm áp. Xanh tốt, sặc sỡ, gọn gàng và ngay ngắn như xếp hàng là cảm giác của tôi khi mải miết ngắm những cánh bướm rập rờn bên bạt ngàn hoa. Rồi bà kể về phong trào trồng và chăm sóc đường hoa của phụ nữ. Ngày đó, khi các chị em cùng nhau đặt những hàng hoa dọc theo tuyến đường của thôn những mong chúng sẻ nở hoa làm đẹp cho cảnh quan thôn xóm, là nơi nghỉ mắt để thanh thơi tâm trí sau những giờ phút căng mình vì cuộc sống. Nhưng cũng không phải là dễ bởi hoa nằm ven đường, xe cộ, trâu bò kéo gỗ rất dễ chèn nát, nguy cơ sẽ chẳng còn cây nào có thế sống sót nếu không chăm bẵm, bảo vệ. Chi hội quyết định thuê người chăm sóc và trả công 700 nghìn đồng 1 năm. Lần lượt 2 người nhận rồi cũng lần lượt họ đều buông tay, có lẽ 700 nghìn đồng để chăm sóc, nhổ cỏ, bảo vệ và trồng mới trong cả một năm ròng chẳng bõ. Hội viên bảo bà tăng tiền lên may ra có người nhận. Nhưng bà lại thương những chị em có hoàn cảnh khó khăn, khi đã khó khăn thì vài nghìn họ cũng quý. Bà quyết định nhận phần việc về mình. Nhận việc bà mới thấy, cây chưa kịp bén rễ cỏ đã mọc nhanh hơn cây. Trâu bò làm nát lại phải dặm thêm cây mới. Đã vậy hễ ai đi qua lại hỏi. Gia đình người ta vui vẻ bên trong, còn mình cứ lúi húi ngoài cổng nhặt cỏ, vun xới, nhiều khi cảm giác ngượng ngùng xâm chiếm. Vì thế bà chọn giờ trưa, khi không có người qua lại để làm, nhằm tránh những nụ cười ẩn ý. Ngày tháng trôi, khi hoa cao lớn chừng gần 1 mét, tán đã rộng đủ để chiến thắng cỏ dại dưới chân, không cần phải chăm sóc nhiều nữa thì bà tự nguyện rút. Bởi bà biết nếu bà vẫn nhận thì một năm chỉ làm vài buổi là xong. Với 700 nghìn tiền công cho vài buổi thì hời quá. Cái phong cách vì việc chung, vì chị em của bà cũng là căn cớ để hội viên nhất quyết giữ bà là chi hội trưởng với quan điểm “Bà mà nghỉ thì thôn không được như này”.
Là chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, bà cũng là một thành phần trong tổ hoà giải của thôn. Mọi việc của thôn đều có bà góp sức. Bà nhớ nhất cái lần cả Ban Mặt trận xuống dân giải quyết đơn kiện lên thôn về việc con đánh chửi bố. Lần lượt Bí thư, Trưởng thôn tuyên truyền, ông nhất quyết đòi gửi đơn vượt cấp lên xã. Bà là người thứ ba ý kiến. Vốn thẳng tính, bà không ngại ngần chỉ ra cái sai cái đúng của vợ chồng người con và của cả người bố, nói những đạo lý gia đình, nói về truyền thống đóng cửa bảo nhau của dân tộc Việt. Người con hiểu ra đã chủ động xin lỗi bố. Sau này bà mới biết, người bố đã khảng khái nói với dân làng “Không có bà Hoà dứt khoát tôi đệ đơn lên xã”. Là người đứng đầu dẫn dắt động viên phụ nữ, thấy phụ nữ mình sai lệch bà lại tìm cách vận động, uốn nắn. Có khi là cách chi tiêu hoang phí dẫn đến nghèo khó, có lúc hội viên chưa tìm được hướng đi thoát nghèo, hay con dâu chưa tôn trọng mẹ chồng, không mời mẹ ăn cơm... Tất cả bà đều tìm cách thay đổi tư duy của chị em phụ nữ để chị em thực sự là những người phụ nữ Việt Nam hiện đại, có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Gắn kết chị em bằng tình yêu thương, những khi thấy chị em khó khăn hoạn nạn, không thể làm được việc đồng áng cho kịp vụ, với vai trò là những người bạn luôn sát cánh bên nhau, chị vận động chị em đến vun ngô, bẻ ngô, gặt lúa... Những giọt nước mắt cảm động của người hoạn nạn là thứ keo cố kết họ thành một thể thống nhất, góp phần làm nên thành công của Chi hội những năm qua.
Với vai trò là Y tế thôn bản, đã rất nhiều năm, bà không quản khó khăn đến với chị em bầu bạn, truyền cho họ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, sinh đẻ có kế hoạch, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan. Trên mỗi nẻo đường thôn Chèm, hễ nghe chị em nào có bầu là bà lại đến, chỉ cho họ những khoảng thời gian vàng để tiêm phòng, xét nghiệm, những lúc thai nhẹ để kiêng khem. Rồi đến khi họ sinh con bà lại đến để hướng dẫn mẹ trẻ cách cho con bú, lớn chút thì đến xem mẹ có biết pha màu bát bột, đảm bảo dinh dưỡng cho con lớn lên khoẻ mạnh. Rồi lại căn tháng tuổi để nhắc nhở thời gian đưa con đi tiêm chủng mở rộng. Có những khi bà gom tất cả những bà mẹ đang có con trong độ tuổi ăn bột tổ chức hướng dẫn và thực hành pha màu bát bột cho con. Những việc làm thầm lặng ấy dần dà trở thành sợi chỉ gắn kết yêu thương của một người bà với lớp măng non của thôn. Bà bảo giờ các cháu đã giỏi lắm rồi, họ đã biết lên mạng học hỏi nhiều kỹ năng nuôi dạy con tốt, bà không phải cầm tay chỉ việc như trước nữa. Nhưng bà vẫn đến, để tận mắt thấy trẻ được chăm sóc chu đáo, ân cần, đầy đủ. Có thế bà mới yên tâm ra về, yên tâm là mình đã hoàn thành chức trách được giao.
Chia tay bà khi nắng xuân vẫn vui đùa nhảy nhót trên bạt ngàn cây lá. Hình ảnh người phụ nữ vui vẻ, xởi lởi và thân tình cứ theo tôi suốt chặng đường trở về. Một người phụ nữ đã dành gần nửa cuộc đời gắn bó với chị em, đồng hành để họ trở thành những người phụ nữ hiện đại, tự tin, giỏi giang, góp sức mình vào sự phát triển chung của thôn của xóm. Với bà đó là những công việc bình thường như bao công việc khác vẫn diễn ra hằng ngày. Còn với tôi, bà giống như một bông hoa đẹp lặng thầm toả sắc, đưa hương, góp sức nhỏ bé của mình để làm nên nhiều điều tốt đẹp.
Y.T
Tin khác