• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Mùa xuân, lộc trải dài hương núi…
Ngày xuất bản: 14/02/2024 8:36:17 SA

Ký của NGUYỄN THỊ THANH

           

Nắng mới đã lên. Từng nụ hoa đào chúm chím nở, những mầm xanh mơn mởn cựa mình vươn dậy, những nét cười rạng rỡ trên gương mặt người thân và tưng bừng tiếng chim hót reo ca… Tất cả như hòa cùng niềm vui đón chào một mùa xuân mới, mùa xuân mang theo niềm tự hào của đất nước Rồng bay ngàn năm văn hiến! Niềm vui và niềm tự hào ấy đã thôi thúc bước chân tôi đến với miền tây tỉnh Yên Bái để trải nghiệm không khí của mùa xuân tươi hồng…

            Tôi quyết định ngược núi. Điểm đến đầu tiên là Trạm Tấu, thường nghe mọi người nói rằng đến Trạm Tấu là đường cụt, vì không có đường to nối với các huyện bạn nữa, cũng bởi vậy mà quá trình phát triển kinh tế- xã hội của huyện gặp rất nhiều khó khăn, được xếp vào một trong các huyện nghèo của cả nước. Nhưng không, trước mắt tôi giờ đây là một Trạm Tấu đang trên đà phát triển! Con đường lớn nối sang huyện Bắc Yên của tỉnh Sơn La đã mở thông. Ngay từ cửa ngõ vào trung tâm huyện liên tiếp hiện lên những tấm biển quảng cáo cho du lịch như "Trạm Tấu, ấm áp suối nguồn- bát ngát biển mây", những hình ảnh gây ấn tượng dưới hàng chữ "Không gian sắc màu Trạm Tấu" và những chỉ dẫn đến các Homestay vào tận bản làng của đồng bào Thái tạo sự hứng khởi xen lẫn trí tò mò muốn khám phá của du khách. Đồng chí Trịnh Văn Xuê, phó Bí thư Thường trực Huyện ủy hồ hởi cho tôi biết gần đây rất nhiều người đã biết đến Trạm Tấu và luôn quảng bá cho huyện nhà. Đặc biệt là trải nghiệm chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù không chỉ vì ở độ cao 2.979 mét so với mặt nước biển, là ngọn núi cao thứ 7 trong tốp 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, là "nóc nhà" của Yên Bái mà nơi đây còn được coi như một thiên đường mây, thiên đường của những loài hoa quý như hoa đỗ quyên và đặc biệt là loài hoa mật rồng khi nở rộ đã tạo thành một thảm hoa màu tím ngát trải dài rạng rỡ dưới làn mây bảng lảng bay… Đến Trạm Tấu bạn còn có thể leo núi Lùng Cúng, leo đỉnh Tà Xùa hay ghé thăm bản Nậm Nghiệp vào mùa sơn tra quả sai rúc rỉu, má đỏ hây hây. Bạn cũng sẽ được thỏa thích chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang, dang tay hào hứng trước một rừng thông, eo gió đẹp mộng mơ ngỡ như đang tới Đà Lạt, hay được ngâm mình sảng khoái trong dòng nước khoáng nóng mà thiên nhiên ban tặng. Mới vào xuân mà nhiều đoàn du lịch đã mang tình yêu đến nơi này. Chị Trần Thị Thu Ngọc, chủ cơ sở Homestay "Chum đá" trong bản Lừu và chủ nhà nghỉ A Hùng Homestay ở tổ 3 thị trấn cho biết du khách đã đăng ký kín phòng nghỉ từ trước tết. Tôi nghe mà lòng rạo rực niềm vui và tin rằng các khách sạn, nhà hàng cũng như một số Homestay khác nơi phố núi nhỏ bé này cũng đã sẵn sàng đón khách du xuân, không những đem lại nguồn thu nhập từ loại hình kinh doanh dịch vụ này mà còn góp phần làm rạng rỡ cho huyện vùng cao tưởng chừng heo hút mãi… Tôi càng vui hơn khi biết xã Hát Lừu trở thành xã đầu tiên của một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước đã bứt phá đi lên đạt chuẩn xã nông thôn mới từ năm 2020. Sau hơn 9 năm triển khai chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới xã đã huy động được hơn 160 tỷ đồng trong đó dân đóng góp trên 17 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, đường, trường, trạm y tế. Tôi xin số điện thoại của chủ tịch xã để liên hệ, đồng chí Tuấn Anh- Chủ tịch xã là một cán bộ trẻ, năng động nhã ý đưa tôi đi cơ sở nhưng tôi xin phép để tự đi xuống thôn bản một cách tự nhiên như người lữ khách. Trước mắt tôi là điệp điệp những thửa ruộng bậc thang không cao hùng vĩ nhưng cũng đủ vẽ nên một bức tranh vùng cao đẹp tuyệt vời. Ở những chân ruộng thấp cấy lúa kém hiệu quả đã được bà con nông dân chuyển đổi sang trồng rau sạch cung cấp ra thị trường. Nhờ tiểu vùng khí hậu tựa như Đà Lạt mà những ruộng rau ở đây xanh đến mỡ màng, ai cũng khen là rất ngọt và đậm đà hơn rau ở vùng khác. Để tiếp cận được với khoa học kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm, bà con đã thành lập Câu lạc bộ "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi". Nhờ đó thu nhập của các hộ nông dân đã tăng lên đáng kể. Ví như gia đình chị Lò Thị Toan trước đây chỉ trông vào mấy nghìn mét ruộng, kinh tế khó khăn nhưng đến nay đã thu nhập từ rau hàng hóa đạt trên 80 triệu đồng một vụ. Đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Pọm tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một cơ ngơi nổi lên giữa thôn Lừu 1, bên cạnh thâm canh lúa, trồng rau màu, gia đình bà đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua thêm máy sát thóc, máy nghiền ngô vừa phục vụ bà con vừa kinh doanh lúa gạo, ngô, khoai cung cấp ra thị trường. Hầu hết các trường có học sinh ăn nghỉ bán trú đều đăng ký cung ứng lương thực tại cơ sở này vì vừa rẻ, vừa đảm bảo an toàn. Tận dụng lợi thế, gia đình đã đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và đào hơn 400 m2 ao thả cá, nhờ đó mỗi năm thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên. Trong câu lạc bộ còn có gương sản xuất, kinh doanh giỏi như ông Lò Văn Pầng vừa sản xuất nông nghiệp vừa phát triển chăn nuôi. Nhìn đàn lợn thịt có tới hơn 15 con núng nính và những chú lợn nái đen tuyền để giữ nguồn giống bản địa cùng đàn trâu đủng đỉnh đang về chuồng đã thấy hứa hẹn một năm mới sẽ có nguồn thu dồi dào. Không dừng ở đó, gia đình ông Pầng còn dành cả một khuôn viên rộng rãi để làm dịch vụ nhà nghỉ sinh thái Homestay rất gần gũi với thiên nhiên. Khách đến nghỉ có thể tự mình ra ruộng hái rau theo ý thích và tự câu cá, tự bắt gà để cùng gia chủ chế biến món ăn, loại hình du lịch này đang thu hút rất nhiều người từ thành phố, có cả khách nước ngoài đến với bản vùng cao này. Tạm biệt xã Hát Lừu, trên đường xuống núi, tôi dành thời gian ghé vào xã Trạm Tấu, một xã của đồng bào dân tộc Mông tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã có những điển hình nông dân làm kinh tế giỏi. Đồng chí Tráng A Hồ- Chủ tịch xã giới thiệu tôi đến thăm nhà nông dân Giàng Nủ Lâu ở trên cung đường km 14 + 17 là chòm dân được vận động hạ sơn từ thôn Tấu Cao xuống từ năm 1994. Vừa đến nơi thì gặp anh Mùa A Lồng- Phó Chủ tịch xã, một cán bộ trẻ sinh năm 1982 rất nhanh nhẹn đang đi cơ sở, chúng tôi bước vào trong nhà ông Giàng Nủ Lâu đã thấy chất đầy những bao thóc, bao ngô. Bên cạnh là hệ thống chuồng trại được xây dựng rất ngăn nắp để nuôi gối các lứa lợn và trâu bò. Ông cho biết gia đình đang sở hữu gần 7.000m2 ruộng nước, hơn 1,5 ha lúa nương chuyên tra giống nếp cẩm, nếp Lào, đây là 2 loại gạo có giá cao và thương lái luôn đặt tiền trước. Ngoài ra ông còn có hơn 3 ha rừng đang trồng quế. Nhìn xuống phía bờ suối Tung là một vạt ruộng trồng rau xanh hơn 1.000m2 do gia đình tự khai phá đất bãi ven suối. Dưới đó vợ ông là bà Sùng Thị Sông đang sử dụng hệ thống vòi tưới nước cho ruộng rau, tôi nghe tựa như tiếng reo vui về một cuộc sống mới của đồng bào Mông đang bắt nhịp cùng thời đại, bắt nhịp cùng mùa xuân mới.

            Cảm xúc đó đã theo tôi trở lại xã Sùng Đô thuộc huyện Văn Chấn, lần này tôi hạ quyết tâm đi xe ôm lên Làng Mảnh cách trung tâm xã hơn 25 km để trải nghiệm không khí mùa xuân ở vùng sâu, vùng xa này. Đồng chí Hờ A Trừ, Bí thư Chi bộ thôn là đảng viên trẻ vừa được chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021- 2023 vui vẻ nói về những kết quả mà chi bộ và bà con dân tộc trong thôn đã đạt được. Mặc dù khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế do trở ngại về địa hình núi cao nhưng nhân dân đã đồng lòng theo Đảng mở mới được 8 km đường giao thông để xe máy, xe ô tô có thể vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn, không phải đi bộ như trước. Từ năm 2000 đến nay bản thân Hờ A Trừ đã mở rộng liên kết vận động sự giúp đỡ của xã hội đổ bê tông trên các tuyến đường đất, mặt đường bê tông dù chỉ rộng có 1 mét nhưng cũng đủ đem lại niềm vui hạnh phúc cho nhân dân. Thôn Làng Mảnh trên tít chín tầng mây như cách nói của Nhà văn Tô Hoài đã có lần đặt chân tới hôm nay khác xưa nhiều lắm, đồng bào dân tộc Mông với kỹ thuật làm ruộng bậc thang lại có thêm công trình hơn 1,5 ha ruộng bậc thang tô đẹp cho lưng núi, bên cạnh đó còn khai hoang thêm hơn 20 ha ruộng nước, trồng mới 22 ha cây quế đang đua nhau lớn và kia là 15 ha cây chè shan tuyết đang trổ búp non cho một vụ chè xuân nặng gùi. Bí thư còn cho biết hiện nay mỗi gia đình bình quân có 4.000m2 thảo quả và sa nhân. Tôi lại tưởng tượng cảnh nhộn nhịp những chuyến hàng chất đầy sản vật núi rừng, chở đầy lộc xuân đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho đồng bào. Trên đường đi những cây đào phai đang bừng nở hoa xuân, các em nhỏ tung tăng đến trường với đôi má đỏ bồ quân giữa cái giá lạnh vùng sơn cước mới đáng yêu làm sao! Những người phụ nữ Mông vẫn giữ thói quen truyền thống vừa ngồi sưởi lửa vừa râm ran chuyện trò và đôi tay thoăn thoắt tước từng sợi đay để sau một năm lại có thêm chiếc váy đay vẽ sáp ong, thêu tay diện tết… Làng Mảnh, chỉ một Làng Mảnh thôi đã quá đủ đọng lại trong tôi niềm vui khôn tả về một mùa xuân ấm áp nơi vùng cao của huyện Văn Chấn.

            Những ngày qua trên các trang báo, trang mạng xã hội có rất nhiều bài quảng bá về mùa hoa tớ dày và lễ hội khèn Mông Mù Cang Chải làm tôi không thể không đến với huyện vùng cao nổi tiếng với ruộng bậc thang đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Xe chạy nghiêng nghiêng qua đèo Khau Phạ, từng làn mây trắng tràn từ trên núi xuống lòng thung tạo thành biển mây mỗi lúc một rộng hơn, cuồn cuộn hơn khiến lòng tôi xốn xang trước cảnh thiên nhiên kỳ thú. Bên vách đá, những mạch nước chảy ra từ lòng núi trong veo và các nhà đầu tư đã không bỏ phí nguồn tài nguyên nước quý giá đó để xây dựng nên những khu du lịch trải nghiệm nuôi cá hồi, cá tầm và phục vụ du khách những món ngon từ loài thủy sản nước ngọt quý báu ấy, đồng thời góp tiếng nói gọi mời nhằm phát triển du lịch xanh cho huyện nhà. Lên gần đỉnh đèo tôi đã thấy tấp nập bao nhiêu đoàn du lịch dừng lại điểm bay dù lượn để chụp ảnh lưu niệm, trải nghiệm những chuyến bay ngắm toàn cảnh cánh đồng Tú Lệ đẹp như một nàng thơ giữa điệp trùng núi non hùng vĩ. Tôi hỏi anh thanh niên người bản xứ vừa chạy chiếc xe máy gầm cao từ trên đỉnh đèo xuống xem đến Mù Cang Chải vào mùa xuân thì nơi nào đẹp nhất? Miệng anh cười thật tươi trả lời rằng ở Mù Cang Chải quê tôi thì chỗ nào cũng đẹp mà, mỗi nơi có cái đẹp khác nhau nhưng chung nhau cái đẹp hùng vĩ của ruộng bậc thang. Nếu muốn khám phá ruộng bâc thang thì mọi người nên đến xã La Pán Tẩn, lên Mù Cang Chải mà không đến được La Pán Tẩn thì chưa gọi là biết hết về Mù Cang Chải. Câu nói chân thành ấy đã đưa chúng tôi đến với địa danh nghe vừa lạ vừa quen này. Vâng, La Pán Tẩn đây rồi! Tôi như bị lạc vào vương quốc ruộng bậc thang được đánh giá là đẹp nhất vùng Tây Bắc ở độ cao gần 2.000 mét. Đây là xã có diện tích ruộng bậc thang nhiều nhất ở Mù Cang Chải với hơn 2.200 ha ruộng xếp tầng tầng, lớp lớp từ chân núi lên đến chót vót cổng trời. Thật không thể tin nổi sức lao động sáng tạo và bàn tay điệu nghệ của người Mông đã biến xứ sở của thủ phủ cây thuốc phiện khi xưa khiến 80% dân số sa vào nghiện ngập, đời sống tối tăm, từng là một xã nghèo nay bỗng hóa thành một nàng tiên trong xiêm y lộng lẫy, có sức hút diệu kỳ với du khách gần xa và một thế mạnh tiềm năng không nơi nào có được. Đứng giữa trung tâm xã nhìn ra bốn bề đều là ruộng bậc thang vây kín, ruộng len lỏi vào từng bản làng, chạy nối theo nhau thành từng nấc thang lên cao, cao mãi. Cảnh ở đây đẹp nhất, mê hồn nhất là vào mùa lúa chín tháng 9, tháng 10 hàng năm. Còn giờ đây, nàng tiên đã thay xiêm áo từ màu xanh mạ non, từ màu vàng rộm của lúa chín thơm chuyển sang óng ánh bạc trong mùa nước đổ. Cảnh đẹp kỳ vĩ nơi đây qua ống kính của các nhà nhiếp ảnh đã có nhiều tác phẩm đoạt giải quốc tế. Cảnh đẹp mùa lúa chín hay mùa nước đổ đã làm đắm say bao người, đã đưa tiếng vang Yên Bái đến bạn bè năm châu và bạn bè năm châu đã tìm về Yên Bái, qua đó tôi được biết đã có nhà đầu tư từ nước ngoài đến xây dựng công trình trên núi đồi Mù Cang Chải. Đến La Pán Tẩn du khách còn được thưởng ngoạn thác Pú Nhu, ngọn thác cao hơn 20 mét đổ nước quanh năm xuống hồ Rồng, một cảnh quan thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa huyền bí. Vì bước sang năm Rồng nên nhiều người mong muốn lưu giữ được những tấm hình bên thác đổ vì vậy dù xa xôi, dù đường đi còn gập ghềnh nhưng vẫn không ngăn nổi bước chân khám phá của du khách. Chúng tôi nghỉ chân tại Homestay A Chông, lại một điều thú vị và cảm phục người dân xứ núi đã biết khai thác và phát huy tiềm năng du lịch trên chính mảnh đất của mình. Ngôi nhà sàn bằng gỗ pơ mu tỏa hương thơm được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống pha chút hiện đại, hiện đại ở việc bố trí các phòng nghỉ có đầy đủ tiện nghi sang trọng, có dịch vụ cho thuê xe máy trải nghiệm trên những cung đường dốc ngoằn ngoèo, có dịch vụ đặt tour du lịch và phong cách phục vụ khá chuyên nghiệp. Nét truyền thống là ta được hòa mình cùng thiên nhiên từ xung quanh ngôi nhà, được thưởng thức những món ẩm thực của dân tộc miền núi Tây Bắc đậm đà trong gia vị đặc biệt. Chủ nhà A Chông hồ hởi giới thiệu về Mù Cang Chải trong niềm tự hào, toàn huyện có khoảng 7.000 ha ruộng bậc thang ở tất cả các xã. Đây chính là một kiệt tác được kết tinh từ quá trình lao động sáng tạo, là kết quả của sức mạnh chinh phục thiên nhiên, hòa đồng cùng thiên nhiên, tạo nên nét đặc sắc trong nền văn minh lúa nước độc đáo của đồng bào dân tộc Mông Yên Bái. Không những thế, nó còn đang từng bước đem đến nguồn thu trong chiến lược phát triển kinh tế thời hội nhập. Anh cười vui và khẳng định đó là lộc trời đấy! Riêng tôi nghĩ, lộc trời chỉ là một phần còn phần lớn lộc đến từ bàn tay, khối óc và trái tim yêu quê hương đất nước của người dân quê mình. Thời gian không cho phép tôi đi đến nhiều nơi khác của huyện vùng cao được mọi người đặt tên là "Nàng Thơ" giữa núi rừng miền Tây Yên Bái, nhưng tôi đã hiểu và tin tưởng vào thành quả mà mà đảng bộ và nhân dân các dân tộc nơi đây đã đạt và sẽ đạt được nhiều hơn nữa trong năm mới đầy hứa hẹn.

            Trở về Mường Lò trong những đêm hội vui, địa phương đầu tiên được tỉnh và Bộ Văn hóa- Thông tin chọn xây dựng là thị xã văn hóa. Nằm trọn vẹn giữa cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ đẹp lung linh như một nhành ban trắng tinh khôi và ẩn chứa trong mình nguồn sử thi tuyệt đẹp về tình yêu đôi lứa qua chuyện kể nàng ban, về lịch sử quá trình thiên di của tộc người Thái đến khai phá vùng đất này qua cuốn sách "Quăm tô mương" (Kể chuyện bản mường) viết bằng chữ Thái cổ. Để từ đó Nghĩa Lộ đã dày công tìm hiểu, khôi phục những nét tinh túy của nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Thái và nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Xòe Thái đã tạo nên động lực phát triển du lịch vùng miền, thu hút đầu tư để từng bước xây dựng thị xã sớm trở thành đô thị loại III là thành phố trực thuộc tỉnh. Chính vì thế mà trong ngày đầu xuân, tôi tìm đến xã Hạnh Sơn nơi có di tích thành Viềng Công được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 2009. Mặc dù trải qua các cuộc chiến tranh và thời gian tàn phá, nay di tích thành cổ chỉ còn lại một số đoạn ngắn cao chừng 3 mét so với mặt bằng chung, lớp đất đá vẫn còn nguyên và những gốc tre gai trồng trên thành vẫn bám chắc, bề mặt thành rộng khoảng từ 10 mét đến 15 mét nằm rải rác xung quanh bản Viềng Công. Dấu tích của 3 cổng thành vẫn còn đó, cổng Bắc là cổng chính, cổng phía Nam dành để đường lui khi cần và là lối cho binh lính cũng như người dân đi lại trong thành, cổng phía Tây để mọi người ra bến lấy nước, còn phía Đông đã có thành lũy và ngòi Thia án ngữ, từ trên thành có thể quan sát được toàn bộ thung lũng Mường Lò. Qua năm tháng, bức tường thành không còn nguyên vẹn nhưng giá trị lịch sử thì còn mãi với thời gian. Những cơn gió mùa xuân ấm áp ùa qua, trí tưởng tượng trong tôi bừng dậy như đang chứng kiến những trận giao tranh quyết liệt của nhân dân các dân tộc vùng lòng chảo Mường Lò đang nhất tề đứng lên chống lại giặc Cờ Vàng đã đem quân sang xâm chiếm lãnh thổ, đất đai của ta, họ quyết giữ bản, giữ mường cho con cháu muôn đời sau. Đang mải mê đắm chìm trong hào khí cha ông xưa, tôi bỗng nghe tiếng cười nói ríu ran của trẻ thơ. Thì ra đó là các em học sinh Trường Tiểu học Hạnh Sơn đang được nhà trường tổ chức đi thực tế trong giờ lịch sử địa phương. Một lần nữa tôi được cùng các em tìm hiểu thêm về truyền thống đánh giặc của các dân tộc nơi đây qua lời giới thiệu của cô giáo Trần Thị Thu Hiền- Hiệu trưởng nhà trường. Dưới nắng xuân các em chăm chú nghe và ghi chép, gương mặt ngời lên niềm tự hào. Cô giáo Hiền còn kể cho tôi nghe về lễ tục của đồng bào Thái Hạnh Sơn, đặc biệt là nghi lễ cúng thành Viềng Công vào đầu năm mới. Dân bản Viềng Công và đại diện các thôn bản trong xã thường mổ một con lợn đen đem tế lễ, phần thủ lợn được đặt ở vị trí cổng Bắc, còn phần thân được chia đều sắp mâm cúng ở 2 cổng phía Nam và phía Tây để cầu cho linh hồn những người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh chống giặc Cờ Vàng và thờ cúng thủ lĩnh Hoàng Công Chất, người đã có thời gian đóng quân tại thành lũy này trước khi lên biên ải phía Tây Bắc dẹp giặc. Như vậy, hòa cùng với các lễ hội đặc sắc của Mường Lò thì thành Viềng Công đã và đang góp phần phát triển du lịch ở địa phương theo hướng du lịch tâm linh gắn với lịch sử của dân tộc cùng với trải nghiệm thăm đền Cầm Hánh ở phường Tân An, thăm khu di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ ở phường Pú Trạng…

            Mới chỉ dạo quanh một vài nơi của các huyện thị phía Tây tỉnh nhà mà đã thấy trào dâng niềm vui, niềm tự hào về những miền quê đang từng ngày, từng giờ đổi thay. Đi đến đâu tôi cũng cảm nhận được âm thanh của cuộc sống mới đang tràn đầy hạnh phúc. Tài lộc của năm mới đang dâng đầy trong mỗi căn nhà, mỗi bản làng, mỗi góc phố và tôi nghe ngân vang lời hát "Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời… Mùa xuân người cầm súng/ Lộc dắt đầy trên lưng/ Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải dài nương lúa…". Còn trong tâm thức của tôi mùa xuân  nơi miền Tây yêu dấu này lộc đang dâng đầy và trải dài hương núi!

                                                                                    

                                                                                         N. T. T

 

           

 

 

 

 

           

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter