• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Người xây hạnh phúc trên đỉnh núi mờ sương
Ngày xuất bản: 25/11/2021 12:33:35 CH

Ký của Nguyễn Thị Thanh 

Một ngày cuối thu trở lại thăm Trạm Tấu, nơi trước đó hơn mười năm tôi cùng đoàn công tác của cơ quan dân vận tỉnh ủy thường xuyên lên với bà con. Thời gian trôi thật nhanh, nhưng biết bao kỷ niệm cũng như những ký ức về một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn ấy không thể phai mờ và luôn đau đáu trong tôi những nghĩ suy, trăn trở… Đường lên Trạm Tấu vẫn quanh co, khúc khuỷu nhưng mặt đường trải nhựa đẹp hơn trước, lưu lượng xe máy, xe ô tô lưu thông nhiều hơn, song ai cũng phải thật cẩn trọng bởi nhiều đoạn đường cua gấp. Khác với bao lần đi công tác, chuyến trải nghiệm lần này đã đem lại cho tôi cảm xúc tươi mới hơn khi được những người đồng hành kể về Trạm Tấu. Nào là nơi bắt đầu khai thác tiềm năng du lịch như khu tắm nước khoáng nóng rất đẹp và nên thơ, nào là điểm dừng chân nơi Đồi thông- Eo gió mộng mơ, nào là thác bạc cầu mây trên đỉnh Tà Xùa, nào là những thửa ruộng bậc thang mang dấu ấn văn hóa riêng có của vùng cao… Và đúng như thế! Trước mắt tôi hiển hiện một Trạm Tấu đã đổi thay. Những cánh rừng thông vẫn còn đó nhưng lên xanh tốt, cứng cáp hơn, góp phần giữ đất, giữ ẩm và bảo vệ môi trường xanh cho quê núi. Thị trấn huyện lỵ nhỏ bé giữa trùng điệp núi rừng đã quy củ hơn vì có lát gạch vỉa hè, có hệ thống cống rãnh thoát nước, nhiều ngôi nhà mới mọc lên tô đẹp thêm phố núi, trụ sở khu hành chính đang được tôn tạo lại khang trang hơn. Con đường nối sang huyện Bắc Yên tỉnh Sơn La đang được thi công mở rộng, tôn tạo và nâng cấp. Đó là một trong những dự án trọng điểm nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế bền vững ở Trạm Tấu.

Đến trụ sở huyện, đồng chí Giàng A Thào, Bí thư Huyện ủy cùng các đồng chí lãnh đạo đang chuẩn bị cho cuộc họp trực tuyến với Trung ương. Mặc dù bận việc nhưng Bí thư Huyện ủy vẫn dành thời gian trao đổi thông tin với chúng tôi trong niềm tự hào trước những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân đã đạt được, đặc biệt là sự chuyển đổi về nhận thức của bà con nơi đây. Sau khi nghe giới thiệu về một số mô hình phát triển kinh tế ở địa phương, trong đó có mô hình tiêu biểu của gia đình ông Thào A Tủa ở Xà Hồ. Bí thư Huyện ủy cho biết ông Thào A Tủa hiện có đàn trâu, bò, ngựa, dê hàng trăm con đang chăn thả trên đỉnh Tà Chì Nhù, một đỉnh núi cao hơn 2.900 mét so với mặt nước biển khiến tôi ngỡ ngàng và vô cùng cảm phục, muốn được lên tận nơi vừa để tìm hiểu thực tế, vừa muốn thử sức chinh phục đỉnh cao bởi nơi ấy có nhiều khách du lịch ưa mạo hiểm đã tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của dải núi như sống lưng khủng long với bạt ngàn hoa mua, hoa mật rồng tím ngát và sắc tía của hoa đỗ quyên. Nhưng đồng chí Bí thư nói đường lên đó dốc cao lắm, các anh chị không đủ sức leo lên đâu! Không lên nổi đỉnh núi ấy, nhưng không thể không gặp một người rất đáng ngưỡng mộ như thế! Cho nên tôi cố gắng bố trí thời gian đến thôn Suối Giao xã Xà Hồ theo chỉ dẫn của Thào A Hành, người con trai cả trong gia đình hiện đang làm cán bộ lái xe thuộc văn phòng Huyện ủy Trạm Tấu.

Bà con xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu thật tự hào về Thào A Tủa, người giỏi chăn nuôi, người nông dân kiểu mẫu, người đi đầu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, một cánh chim đầu đàn đã xây nên tổ ấm hạnh phúc trước mọi phong ba bão táp trên đỉnh non cao của núi rừng Trạm Tấu. Đến thăm nhà nhưng ông Thào A Tủa đang ở trên núi, người tiếp tôi là chủ nhà Hờ Thị Nu, người phụ nữ tuổi 50 không phải dáng lam lũ hay khuôn mặt khắc khổ như tưởng tượng của mọi người về hình ảnh người phụ nữ vùng cao. Trước mắt tôi là một bà chủ nhà nhanh nhẹn, nói tiếng phổ thông không sõi lắm nhưng đủ hồ hởi giới thiệu về cả cơ ngơi của gia đình. Bà Nu dẫn tôi đi xem khu vườn, ao, chuồng mà bà gọi là trang trại thứ một (thứ nhất). Đó là khuôn viên của hơn 3.000 m2 ao thả cá, có các ô nuôi ếch thương phẩm với hơn 400 con. Hỏi có bao nhiêu con cá? Bà nói không đếm được! Vậy mỗi khi tát ao thu được bao nhiêu cân? Không tính được! Bởi vì nước nguồn lưu thông liên tục ít khi phải tát ao vét bùn, cá to lên thì đánh lưới để ăn, ai muốn mua thì bán, khi mùa du lịch đến cũng có nhà hàng lên mua cá, mua ếch, mua gà, ngan, vịt nhưng mình không nhớ được bao nhiêu cân đâu, lúc nào hỏi ông Tủa khắc biết! Yêu quá cái chân chất vùng cao!… Nhìn sang bên cạnh là khu đất rộng liền với bờ ao có hơn 200 con ngan và cả đàn vịt xô nhau ào xuống mặt nước. Trong tôi bỗng trào dâng cảm xúc về một cuộc sống hạnh phúc ở nơi vùng cao tưởng như heo hút này, nơi có những người nông dân không còn ỷ lại, trông chờ nữa, họ đã biết vươn lên làm chủ núi rừng, có ý thức tăng gia, chăn nuôi để cải thiện đời sống. Tôi vui vẻ trò chuyện và thật ngạc nhiên sau câu hỏi "Nhà mình có nuôi được nhiều lợn "cắp nách" không?". Ấy là muốn hỏi về lợn đen bản địa mà ai cũng mê, nếu tôi nói đến lợn bản địa chắc bà khó hiểu. Bà hăm hở nói "Có! Ở bên khu Giao Khấu kia!". Khu Giao Khấu cũng thuộc thôn Suối Giao này, nơi ấy là vùng đất cha ông khai phá từ lâu bây giờ gia đình làm trang trại trồng cây và nuôi lợn thả rông. Đi bộ một quãng xa, bà Nu bảo đây là trang trại thứ hai, xung quanh được rào quây bằng những thân tre, vầu để bảo vệ khoanh nuôi. Trong khu đất rộng có nhiều cây cối là đàn lợn trên 50 con, chủ yếu là những chú lợn nái sinh sản lông đen óng đủng đỉnh vừa đi vừa dũi mõm xuống đất. Giờ tôi càng hiểu hơn về cách quảng cáo lợn vùng cao mà mấy ông bạn hay nói tới bằng hình ảnh "Lợn máy ủi" thịt thơm ngon, mỡ giòn sần sật… Dưới bóng râm của khóm tre gai là đàn lợn con mới hơn hai tuần tuổi đang tranh nhau rúc bầu vú mẹ, con nào con nấy đã tròn căng, tràn đầy sức sống, hứa hẹn sẽ đem về niềm vui, niềm hạnh phúc cho gia chủ. Một lần nữa trong tôi lại ùa về cảm xúc trước bức tranh của cuộc sống ấm no hạnh phúc đối với người dân vùng cao nơi đây… Còn đang lâng lâng trong niềm suy tư thì bà chủ nhà kéo tay hỏi "Còn đi xem nữa không? Cái trang trại thứ ba ý?". Ôi! Quá tuyệt vời! Tôi reo lên vì không ngờ lại được khám phá thêm những điều thú vị trong cuộc sống, đặc biệt là với một nơi vùng sâu, vùng xa của huyện vùng cao đặc biệt khó khăn này. Trang trại thứ ba của gia đình anh Thào A Tủa chuyên trồng cây măng sặt dùng để ngâm măng ớt, một thứ gia vị truyền thống của đồng bào dân tộc Mông mà nhiều năm nay đã trở thành đặc sản, là món quà vùng cao không thể thiếu khi du khách đến với Trạm Tấu nói riêng và đến với Yên Bái nói chung. Không những thế, măng ớt ngâm đã trở thành hàng hóa có mặt trên thị trường ở mọi miền đất nước. Trong khu rừng ngút ngát xanh của cây sặt lấy măng xuất hiện đàn dê chạy tung tăng đuổi theo nhau xao động cả cánh rừng. Bà Nu cho biết đây là khu Giằng La cũng được khai phá từ lâu, bây giờ còn là nơi để chuyên tách đàn dê giống. Nghe nói vậy mà mắt tôi rưng rưng bởi quá xúc động. Thật là "Trong đá sỏi lại có trạch vàng!". Trước, tôi chỉ nghe nói về tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi Thào A Tủa. Giờ được thấy thành quả lao động của họ thì niềm tin trong tôi được củng cố và khẳng định về sức sáng tạo, khả năng chinh phục thiên nhiên, dám nghĩ, dám làm và ý thức trách nhiệm trước gia đình, trước cộng đồng để dựng xây một cuộc sống tốt đẹp trong điều kiện khắc nghiệt của vùng núi!

Cùng rảo bước trở về ngôi nhà giữa bốn bề mây núi mà tôi thầm gọi đây là "Ngôi nhà hạnh phúc", gặp anh con trưởng là Thào A Hành cũng vừa từ huyện về. Câu chuyện giữa chúng tôi cứ nối dài trong dòng chảy về miền ký ức từ những ngày đầu còn gian khó lắm. A Hành bảo trước đây ông bà hoàn cảnh rất khó khăn vì chỉ biết quanh quẩn với ít ruộng ở khe núi, đất vườn bỏ hoang không biết trồng cấy, rau thì hái quanh rừng. Lúc đầu nhà nuôi được ít trâu bò thôi, nhưng mùa đông năm nào cũng bị chết vì giá rét, đã nhiều lần nghe theo cán bộ khuyến nông hướng dẫn làm chuồng và chắn rét cho trâu bò, nhưng một số con lạc trong rừng không kịp lùa về là nó bị chết rét hết. Một thời gian sau ở quanh đây không còn đủ cỏ cho trâu bò ăn nên bố đã dồn chúng lên đỉnh Tà Chì Nhù chăn thả, mỗi lần lùa đàn lên núi phải mất hai ngày mới đến nơi. Qua thời gian chăn thả thấy trâu, bò không bị chết rét. Gia đình nhận ra rằng trên đỉnh núi cao tuy giá lạnh nhưng lại là nơi sớm đón ánh nắng mặt trời, sương tan nhanh hơn so với dưới chân núi. Hơn nữa, để chống rét nên phải đốt lửa sưởi thường xuyên, có lẽ vì vậy mà đàn gia súc không bị cước chân, không bị chết cóng do sương muối và giá buốt, đây là kinh nghiệm được rút ra từ thực tế. Vậy là từ đó gia đình đã làm lán trại để ở và làm chuồng trại cho trâu bò. Từ hiệu quả chăn thả trên đỉnh cao Tà Chì Nhù, gia đình đã phát triển thêm đàn ngựa, đặc biệt là thử nghiệm chăn nuôi dê. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi đàn gia súc ngày càng sinh sôi nảy nở đàn đàn, lũ lũ. Tôi hỏi hiện giờ mỗi loại trâu, bò, ngựa, dê có bao nhiêu con? A Hành nhanh nhảu đáp có hơn 20 con trâu, hơn 20 con ngựa, đàn bò thì đông lắm, phải có gần 80 con… Anh nói, con số trong khoảng ấy vì có những con nó không về chuồng mà mải kiếm ăn trong rừng sâu, có lần nó dẫn về thêm cả bê, cả nghé nữa. Riêng đàn dê chắc phải có trên 300 con, không đếm được chính xác, đông lắm, nó chạy lung tung cả, mỗi lần lên núi là không muốn về vì nhìn đàn ngựa, đàn trâu bò và đàn dê thích lắm! Ở trên đó đã có nhiều đoàn khách tham quan du lịch đi dã ngoại, leo núi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, họ cắm cờ Tổ quốc chụp ảnh lưu niệm, chụp những rừng hoa mua, hoa mật rồng nở tím biếc, lại còn vừa chạy theo đàn ngựa, đàn dê rồi reo hò vang cả núi…! A Hành nhận định rằng đến một ngày không xa nữa nơi đây sẽ có rất nhiều du khách đến khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống của người dân vùng cao. Vì thế gần đây, mấy anh em trai đã tự sửa sang đường lên núi, dùng máy xúc san gạt những địa thế hiểm trở, đổ bê tông được hơn 3 km đường từ bản lên chân núi để tiện cho việc đi lại. Dự định sẽ mở tuyến đường thuận lợi nhất từ sườn núi Pù Rùa Giăng lên đỉnh Tà Chì Nhù cho xe máy của các đội phượt đi lên, rút ngắn quãng đường đi bộ… Nghe A Hành kể mà tôi như đang được đắm mình trong không gian giữa đỉnh núi mờ sương, thích thú ngắm đàn trâu đủng đỉnh gặm cỏ khi ánh nắng sớm bắt đầu rọi xuống, xua những đám mây lững lờ dắt nhau chạy dồn xuống thung sâu. Rồi được lãng đãng thả hồn theo mây gió, ngắm loài hoa núi mộc mạc, thuần khiết, thủy chung như tâm hồn của người vùng cao; được say mê chụp những bức hình về cảnh vật, con người hòa quyện đẹp hơn cả trong mơ… Tôi chợt hỏi "Mấy anh em làm đường chuẩn bị cho ý tưởng mời gọi khách du lịch, vậy có xin được kinh phí hỗ trợ không?". A Hành vui vẻ nói "Không cần đâu! Nhà bao nhiêu trâu bò, ngựa, dê. Bố đã bán lấy tiền và mua cho ba đứa con trai mỗi đứa một máy xúc, cho đi học lái xe, bây giờ làm dịch vụ múc đất, san đất, mở đường ở xã và phục vụ cả các xã xung quanh, nhiều lúc làm không hết việc đấy!". Tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác đối với một mái ấm tràn đầy hạnh phúc của ông Thào A Tủa. Ông bà sinh được 5 người con, 1 con gái  và 4 anh con trai đều năng động, sáng tạo, có việc làm ổn định, thu nhập cao. Thào A Hành đi thoát ly làm cán bộ lái xe cho huyện ủy nhưng ngoài giờ vẫn làm kinh tế trang trại cùng gia đình và ngày nghỉ đi lái máy xúc cùng các em. Điều làm tôi thêm cảm mến và tự hào hơn khi biết anh Thào A Chinh, con trai thứ hai của gia đình là một đảng viên trẻ hiện đang đảm nhiệm chức danh Bí thư Chi bộ thôn Suối Giao, là một thanh niên luôn hăng hái, gương mẫu trong mọi lĩnh vực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn nể trọng, quý mến. Các anh Thào A Páo, Thào A Say cũng là những thanh niên xốc vác, tiên phong trên lĩnh vực phát triển kinh tế- văn hóa ở địa phương. Tôi có ý nghi ngờ về thân thế của gia đình nên mạnh dạn hỏi A Hành "Bố mình có tham gia làm cán bộ xã không?". A Hành ngại ngùng nói "Ồ không! Bố chỉ làm ruộng làm nương, trồng rừng và chăn nuôi thôi! Giờ ông còn không biết chữ nữa". Sao không biết chữ mà tính toán giỏi thế! A Hành thanh minh "Thực ra bố mẹ đều được học biết con chữ, biết con số rồi! Nhưng suốt ngày ở rừng, ở núi lâu lâu không sử dụng chữ viết nên quên hết rồi!". Tôi lại có thêm một khám phá về thực tế cuộc sống và yêu quá cái thật thà như đá suối, như cây rừng của những con người mang tâm hồn gió núi…

A Hành cho biết tiếp, do việc chăn nuôi gặp thuận lợi nên gia đình đã rủ 5 anh em trong dòng họ cùng lên đỉnh Tà Chì Nhù chăn nuôi, dựng lán, làm chuồng để phát triển đàn trâu bò, qua đó hỗ trợ lẫn nhau việc trông coi rừng cây sa mu, trông coi gia súc. Thấy tôi tỏ vẻ băn khoăn về khoản chi phí thức ăn chăn nuôi cho hàng trăm con gia súc, Thào A Hành tươi cười bảo "Không phải mua thức ăn đâu! Trên đó có một loại cỏ gọi là cỏ sùng trá, nó gần giống như cây trúc cảnh là nguồn thức ăn dồi dào cho trâu, bò, ngựa và dê. Loại cây này dễ lên mầm và hợp khí hậu nên lúc nào cũng lên xanh tốt, chủ yếu mang muối từ nhà lên pha cho gia súc uống chống rét, chống dịch bệnh". Anh còn nói "Ở trên rừng đa số là cây sa mu chắn gió rất tốt, hương thơm của loài cây này có lẽ góp phần giúp vật nuôi tăng thêm sức đề kháng. Cho nên con nào cũng khỏe lắm!". Càng nghe chuyện, tôi càng khâm phục những người con của núi, biết dựa vào núi mà khai thác lợi thế đem lại nguồn lợi cho cuộc sống hôm nay và mở ra hướng tương lai… Theo miêu tả của A Hành, từ đỉnh Tà Chì Nhù có thể phóng tầm mắt nhìn sang Bắc Yên, nơi núi rừng đã gắn bó với nhà văn Tô Hoài để có tác phẩm văn học nổi tiếng "Vợ chồng A Phủ"; từ điểm cao đó cũng có thể quan sát sang Mường La, Ngọc Chiến, là những địa danh du lịch mới khám phá của tỉnh Sơn La hoặc thả sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Nghĩa Lộ, Trạm Tấu thân yêu.

            Tôi thật may mắn được tận hưởng niềm vui hạnh phúc trước một đại gia đình ba thế hệ mà ở đó có người cha trụ cột là nông dân điển hình tiên tiến dám nghĩ, dám làm, đúc rút kinh nghiệm từ thực tế để luôn sáng tạo và vươn tới thành công. Ông đã được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen về thành tích nông dân làm kinh tế giỏi. Ở đại gia đình đó có những thanh niên biết lập thân, lập nghiệp, biết đi trước đón đầu để tạo dựng cho mình một nền tảng kinh tế vững chắc, có điều kiện nuôi dạy con cái tốt hơn. Tôi rất tin tưởng một ngày không xa, khi huyện Trạm Tấu xây dựng được các điểm thu hút khách du lịch như Đồi thông- Eo gió; như thác nước Tà Xùa, di tích lịch sử thôn Khấu Ly xã Bản Mù, ngắm vẻ đẹp ruộng bậc thang và trải nghiệm chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù quanh năm mây phủ, thì sự đóng góp của cha con ông Thào A Tủa sẽ đem lại nguồn lợi rất lớn cho chính gia đình mình và cho bà con dân bản. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Trạm Tấu sẽ nhân rộng nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, hướng tới xây dựng hình ảnh con người vùng cao thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập và hạnh phúc như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

                                                                                               

 

  N.T.T

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter