• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Theo Người vững bước đi lên
Ngày xuất bản: 03/10/2024 2:33:34 SA

                                                           Ký của THẾ QUYNH

 

Cùng anh Phạm Văn Khai Khai- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Lai đi thăm một số điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một vùng quê đang khởi sắc. Những công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa với khu chợ dân sinh còn tươi màu sơn. Con đường Đông Hồ Thác Bà được Nhà nước đầu tư nâng cấp trải nhựa áp phan chạy suốt chiều dài xã. Đấu nối vào đó là những nhánh đường bê tông lan tỏa về các thôn Trung tâm, Cà Lồ, Cây Tre, Cây Mơ. Sau tán rừng keo, quế và vườn cây ăn quả ẩn hiện bao nếp nhà sàn mái cọ cùng nhà xây kiến trúc đậm sắc thái vùng cao như tôn thêm vẻ đẹp của vùng quê giàu truyền thống khắp, coọi.

Mang theo niềm vui của chủ nhà hướng dẫn khách thăm thú quê hương, anh Khai cho biết: Xuân Lai là xã vùng ba của huyện Yên Bình, có hơn 700 hộ dân, 90% là đồng bào các dân tộc thiểu số trong đó chủ yếu là người Tày. Khi mới bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Xuân Lai mới chỉ đạt 2/19 tiêu chí. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020- 2025) đặt mục tiêu xây dựng đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2023 và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kì. Song thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của huyện, Đảng bộ, Hội đồng Nhân dân xã đã thống nhất phấn đấu về đích vào năm 2021. Để hoàn thành 19/19 tiêu chí, cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tích cực. Xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện Chương trình, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII của Đảng cùng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhờ đó mà sau 11 năm triển khai thực hiện, Xuân Lai đã được đầu tư và huy động vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng trên 54 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư gần 30 tỷ đồng; Nhân dân đóng góp trên 7 tỷ đồng còn lại là vốn tín dụng các nguồn huy động xã hội hóa khác. Toàn xã có 36,3 km đường giao thông thì đã bê tông hóa được 30 km, kiên cố hóa 11,3 km kênh mương nội đồng; xây dựng mới nhà văn hóa đa năng có sức chứa trên 200 chỗ ngồi tại trung tâm xã và sửa chữa, xây mới 4 nhà văn hóa thôn đảm bảo sức chứa từ 150 chỗ ngồi trở lên; đồng thời đầu tư làm mới 1 sân bóng đá, 1 sân bóng chuyền. Cùng với đó là nhiều giải pháp phát triển sản xuất  như hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án phát triển vùng lúa, vùng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm được triển khai tích cực. Đến nay đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn xã Xuân Lai ngày càng nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,18 triệu đồng/người/năm. Trên địa bàn không còn nhà tạm, nhà dột nát, 75% số hộ dân có nhà đạt chuẩn. Hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Tiếp cái mạch vừa đi đường vừa kể chuyện, tôi gợi ý anh về kết quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại địa phương. Tỏ rõ vai trò của người theo sát phong trào, vị Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã hồ hởi: “Việc phát hiện bồi dưỡng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể trong xã quan tâm thực hiện và đạt hiệu quả cao. Năm 2021, sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW giai đoạn 2016- 2020: kết quả đã xây dựng được 3 mô hình tập thể và 10 mô hình cá nhân điển hình tiên tiến, trong đó đã có 2 mô hình tập thể và 8 mô hình cá nhân có tác dụng nêu gương thiết thực. Từ năm 2021 đến 2023 tiếp tục xây dựng 118 mô hình, trong đó có 17 mô hình tập thể và 101 mô hình cá nhân”. Và như để khoe khéo về Chi bộ thôn Trung Tâm, nơi mình đang sống cùng sinh hoạt, anh khẳng định đây là mô hình tổ chức Đảng tiên tiến của xã. Ở chi bộ này, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ luôn luôn được chú ý. Ngoài làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên thì việc tuyên truyền quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng các cấp nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XIII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị thường xuyện được quan tâm. Nhiệm vụ vận động nhân dân xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng mô hình sinh hoạt cộng đồng, hoạt động thể dục thể thao đều được các đảng viên tham gia tích cực. Cũng để nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng trong phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới, ông chủ nhà Xuân  Lai đưa tôi ghé thăm thôn Cây Tre. Theo anh, chi bộ thôn Cây Tre luôn luôn là chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương trong vận động nhân dân phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Ở đây có nhiều gương mặt tiêu biểu, tiên phong trong việc lựa chọn nuôi con gì, trồng loại cây gì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bằng giọng đầy tự hào, anh kể về nhân vật mà dân trong xã quen gọi “Mai An Tiêm của hồ Thác”: Đó là Vi Văn Thanh, người đầu tiên ở Xuân Lai và cũng là của huyện Yên Bình khai hoang các đảo đất hoang trên lòng hồ Thác Bà rồi mang giống dưa hấu về trồng. Dưa hấu ở đây trồng chủ yếu được chăm bón bằng các loại phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng lòng hồ Thác Bà nên dù quả nhỏ nhưng có chất lượng tốt, mỏng vỏ, vị ngọt sắc, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài cung cấp cho thị trường địa phương Yên Bái còn được thương lái từ các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình… tới tận nơi thu mua. Với giá bán trung bình từ 6- 7 nghìn đồng/kg, hơn 1 ha dưa hấu nhà anh Thanh mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng. Từ những luống dưa hấu được trồng thử nghiệm đầu tiên năm 2008, đến nay được mở rộng với diện tích hơn 1 ha. So với các cây hoa màu khác như ngô, lạc, đậu thì cây dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2- 3 lần. Không chỉ phát triển đảo dưa nhà mình, anh Vi Văn Thanh còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ giống, phân bón… cho các gia đình khác trong thôn cùng làm để vươn lên xóa đói giảm nghèo. Hiện đã có hàng trăm hộ dân học hỏi, làm theo, mở rộng dần diện tích trồng dưa, biến các đảo đất trên vùng lòng hồ thủy điện Thác Bà thành những đảo xanh mang lại ấm no. Và Xuân Lai cũng là xã có diện tích trồng dưa trên các đảo vùng lòng hồ Thác Bà lớn nhất huyện. Với diện tích hơn 20 ha, mỗi năm địa phương cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn dưa hấu sạch. Cây dưa hấu trên vùng lòng hồ Thác Bà đã và đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo bền vững, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của đồng bào các dân tộc tại những xã ven hồ. Còn Hoàng Văn Liêm lại là tấm gương trong phong trào phát triển kinh tế nông thôn ở vùng cao, miền núi. Tại chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam năm 2021”, anh được vinh danh là một trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu toàn quốc. Sinh năm 1986, chàng trai trẻ Hoàng Văn Liêm cũng như nhiều thanh niên khác ở địa phương phải xoay xở để mưu sinh. Bôn ba nhiều nơi, anh nhận thấy công việc làm thuê nặng nhọc mà thu nhập lại bấp bênh. Chính vì vậy đã nung nấu ý định trở về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Năm 2009, Hoàng Văn Liêm rủ một số người bạn tập hợp lại thành lập Hợp tác xã Thiên An, tập trung vào chăn nuôi trâu bò vỗ béo và sinh sản. Từ 7 thành viên ban đầu, hiện tại Hợp tác xã có 17 thành viên. Thời gian đầu, anh cùng các thành viên đi tìm mua những con trâu, con bò gầy ở địa phương và các tỉnh bạn mang về chăm sóc bằng hình thức nuôi nhốt cách ly. Quá trình nuôi luôn tuân thủ đúng quy trình kiểm dịch, tiêm vaccine đầy đủ. Ngoài ra còn cho trâu, bò ăn thêm những loại thức ăn giàu đạm như cỏ lên men, bã bia, cám ngô. Áp dụng công nghệ vào sản xuất, Hợp tác xã đã lắp đặt hệ thống phun sương, tắm mát cho đàn gia súc. Cùng với chăn nuôi trâu bò vỗ béo, Hợp tác xã Thiên An còn chuyển hướng sang nuôi bò sinh sản. Do chú trọng nghiên cứu, ứng dụng quy trình chọn con mẹ có tầm vóc, hình dáng đủ tiêu chuẩn để áp dụng thụ tinh nhân tạo, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng con giống. Và Hợp tác xã trở thành mô hình chăn nuôi bò giống và bò sinh sản có qui mô lớn nhất toàn tỉnh Yên Bái. Sau hơn 3 năm hoạt động, Hợp tác xã Thiên An đã tạo lập được chỗ đứng trên thị trường. Trung bình mỗi lứa, trang trại của Hợp tác xã chăn nuôi tập trung quy mô 100- 120 con; mỗi năm nuôi luân chuyển, xuất bán 1.500 con trâu bò thịt và trâu bò giống. Các thành viên Hợp tác xã Thiên An đều có cuộc sống ổn định. Lợi nhuận bình quân của mỗi thành viên đạt khoảng 150 triệu đồng/năm. Ngoài phát triển chăn nuôi, gia đình Hoàng Văn Liêm hiện còn trồng 10ha rừng, chủ yếu là bạch đàn. Mỗi chu kỳ khai thác, cũng mang về cho gia đình anh trên 600 triệu đồng. Từ đó đã tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp mang về cho gia đình nguồn thu hơn 2 tỷ đồng. Nhận xét về mô hình này, lãnh đạo xã đều thống nhất cho rằng Hoàng Văn Liêm là người tiên phong, nêu gương để người dân thôn Cây Tre nói riêng và xã Xuân Lai nói chung làm theo, góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi, sản xuất của bà con nơi đây. Ghé vào thăm hộ Nông Văn Nhì, mô hình phát triển chăn nuôi lợn, gà thương phẩm quy mô lớn. Một căn nhà cấp bốn dẫu chưa bề thế, khang trang song gọn gàng, sạch sẽ. Hệ thống chuồng trại nằm sâu sau khuôn viên nhà, bao bọc bởi rừng keo và ruộng cỏ voi. Ông chủ có việc đi vắng chỉ còn vợ là Lương Thị Tuất ở nhà. Đang bận dọn dẹp chuồng trại nên bà tiếp chuyện chúng tôi ngay tại sân. Bà cho biết: Sau khi tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức, gia đình quyết tâm xây dựng mô hình phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn, gà theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh. Cùng với vốn tự có, gia đình còn được hỗ trợ 30 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua thêm con giống. Bắt đầu từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm xuất 4 lứa gà, 3 lứa lợn thì cũng cung cấp cho thị trường trên 10 tấn lợn hơi, hơn 2 tấn gà. Sau khi trừ các khoản chi phí, thu nhập đạt trên 300 triệu đồng, cuộc sống gia đình được đã được cải thiện đáng kể. Ngỏ ý muốn được tham quan chuồng trại song bà kiên quyết khước từ vì địa phương đang có dịch cúm gà nên phải bảo đảm an toàn cho đàn gia cầm, gia súc. Thế mới biết khi người nông dân đã được trang bị kiến thức khoa học và tuân thủ qui trình thì việc chăn nuôi sẽ sớm trở thành ngành sản xuất đạt hiệu quả cao.

Trên đường về, chúng tôi đến với gia đình ông Tô Văn Hộ ở thôn Cà Lồ, theo anh Khai đây là điển hình mô hình phát triển kinh tế tổng hợp. Ngoài năm mươi tuổi, người đàn ông dân tộc Tày sớm trở thành một “lão nông tri điền” trong việc bắt đất nhả vàng. Với 6 ha rừng đảo trồng bồ đề và bạch đàn; 2 ha quanh nhà trồng bạch đàn cùng trẩu; cây ăn quả cũng có 300 gốc bưởi Đại Minh trong đó hàng trăm cây tuổi đời hai mươi năm, 300 trụ thanh long, hơn 1 ha dưa hấu. Chăn nuôi gồm đàn bò sinh sản 10 con, 4 lợn nái và trên 30 đầu lợn thịt. Ngoài ra, gia đình còn làm thêm dịch vụ tuốt lúa, xay sát gạo ngô. Chỉ cần nhìn ngôi nhà hai tầng xung quanh là rừng và vườn cây trái với con đường bê tông dài rộng nối từ trục lộ vào tận sân đủ thấy được sự căn cơ của chủ. Chuyện thu nhập tiền tỷ/năm với ông Hộ không còn là mơ ước.Vừa qua ông được Đảng bộ công nhận là đảng viên, hội viên chi Hội Nông dân tích cực có nhiều đóng góp với địa phương thực hiện tốt mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Kết thúc hành trình, Phạm Văn Khai mời tôi ghé thăm tư gia tại thôn Trung Tâm. Lại một bất ngờ khi được ngắm nhìn cơ ngơi của vị phó bí thư tuổi Kỉ Dậu nặng lòng yêu quê, tận tụy cùng công việc. Với ngàn cây bưởi Diễn trồng từ năm 2010, được chăm sóc tốt nên cây nào cây nấy tán xòe rộng, quả sai trĩu trịt. Đang mùa thu hoạch, màu quả chín nhuộm vàng vạt đồi trước và sau căn hộ. Về hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này, anh khiêm tốn nói lúc được mùa được giá cho thu bốn trăm triệu đồng có dư. Rồi chăn nuôi lợn thịt cùng lợn nái, năm đôi lứa sơ sơ xuất chuồng chừng chục tấn lợn hơi. Ba cậu con trai đều được học hành, phương trưởng. Đời sống gia đình ổn định là điều kiện để anh yên tâm công tác. Cũng theo anh Khai, cán bộ xã như Bí thư Đảng ủy Hoàng Thị Thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Văn Thương hay các Bí thư chi bộ: Nịnh Văn Quang thôn Cây Mơ, Trương Thế Vinh thôn Trung Tâm… đều là những người giỏi việc nhà, lo việc nước. Bởi họ thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về tác dụng nêu gương “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”.

Đến với Xuân Lai, tôi cũng có dịp gặp bạn văn- Nghệ nhân Dân gian Hoàng Tương Lai. Ông vừa được Đảng bộ xã đưa vào danh sách xây dựng điển hình tiên tiến cấp huyện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” về mô hình duy trì, bảo tồn văn hóa dân tộc Tày. Vốn là con trai của cố nhà văn Hoàng Hạc, lại được sinh ra và lớn lên trong cái nôi của những điệu khắp, coọi, phong slư, quan làng… nên ở ông cháy bỏng tình yêu với văn hóa dân tộc Tày. Nhờ chất giọng tốt và thể hiện rất có hồn các làn điệu dân ca của dân tộc mình nên nghệ nhân đã đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, liên hoan dân ca như: giải C tại Liên hoan Dân ca toàn quốc với tiết mục “Khảm hải”; giải B với bài Then “Roọng khoăn” tại Liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc và giành nhiều huy chương tại các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh Yên Bái. Trong nhịp sống hiện đại và ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, việc gìn giữ và phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc luôn được đặt ra. Ý thức rõ vấn đề này, Hoàng Tương Lai đã cùng một số nghệ nhân cao tuổi như Hoàng Ngọc Thành, Đặng Vũ Kim, Nông Đình Lai… lập ra Câu lạc bộ dân ca các dân tộc xã Xuân Lai để sưu tầm, phục dựng những điệu hát cổ của dân tộc mình và truyền dạy cho lớp trẻ. Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, ông không chỉ chú ý gây dựng phong trào tại địa phương mà còn tham gia truyền dạy tại các xã bạn khi có yêu cầu. Chia sẻ về công việc này, Hoàng Tương Lai cho biết: “Hát then, coọi, quan làng… là nét đẹp truyền thống của địa phương. Xưa kia, dù cuộc sống nhiều khó khăn nhưng các cụ cao tuổi từng hát thâu đêm suốt sáng rất say mê. Giờ đây, cuộc sống hiện đại hơn thì những nét văn hóa đó lại dần mai một nên tôi rất tiếc và thấy mình có trách nhiệm phải khôi phục lại, gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Vì thế, tôi đã bàn với các cụ cao tuổi và chính quyền xã lập ra Câu lạc bộ dân ca các dân tộc xã Xuân Lai”. Ông cũng thông tin, năm 2023 xã Xuân Lai lần đầu tiên phục dựng lại Lễ cầu Nàng Hai (cầu trăng) và Tăm khẩu mẩu (giã cốm). Đây đều là những lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét đặc sắc của dân tộc Tày. Các lễ hội này được tổ chức vào dịp Tết Trung thu, mang nhiều ý nghĩa tâm linh, cầu mong mưa thuận gió hòa, gieo trồng thuận lợi, người người mạnh khỏe, bình an. Đây cũng là dịp để địa phương và huyện Yên Bình quảng bá nét văn hóa đặc sắc của vùng đất và con người “chợ Ngọc chợ Ngà” đến với du khách gần xa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Rồi với chất giọng thánh thót “quan làng”, ông ca mấy câu trong bài Mời trăng: “Mời nàng Trăng xênh xang/ Mời nàng Trăng xuống trần/ Nàng Trăng xuống chơi với trai gái trần gian/ Xuống kết bạn tình với người trần gian”… Nàng trăng sẽ xuống! Nàng sẽ mang mưa thuận gió hòa, ấm no hạnh phúc đến cho người dân Xuân Lai.

T. Q

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter