• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Tuổi xế chiều
Ngày xuất bản: 19/01/2021 2:01:10 SA

Truyện ngắn của Dương Thu Phương 

- Bà tưởng cô giận bà nên lâu lắm rồi không thấy cô đến bà chơi.

Đó là câu nói đầu tiên của mẹ khi gặp chị, người đàn bà héo quắt sau 7 lần sinh nở, cố hết sức để nói giữa tiếng cốp cốp của những viên gạch vẫn đang được rút xuống từ các xe rùa của người phụ xây.

Chị vờ tìm một thứ gì đó trên bãi đất trống để cố nuốt thứ nghèn nghẹn nơi cổ họng. Con người ấy đi ở đợ rồi lấy chồng từ năm 13 tuổi, đến tận lúc gần nhắm mắt xuôi tay cũng chỉ sợ mình làm gì không vừa ý người khác, đón ý tứ từ con dâu, con trai, con gái nhưng vẫn luôn mang cảm giác là người có lỗi.

Ông mất, bà chuyển đến ở với anh cả. Anh là bác sĩ của bệnh viện huyện, vợ anh cả có một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Các cháu đều đi học, đi làm xa. Chị tin là gia đình anh cả nhất định sẽ chăm sóc tốt cho mẹ. Đó là lý do chị tự biện minh mỗi lần cảm thấy day dứt khi cả nửa tháng không về thăm mẹ, mặc dù nhà chị chỉ cách đó  hơn cây số.

- Thủng cả màng nhĩ mất thôi. Thế này thì tôi cũng đến chết sớm. Đấy, cô xem, cứ như thế này thì buôn với bán cho ai- Người chị dâu riết róng.

Đây không phải là lần đầu chị dâu cả phàn nàn về chuyện bà lẩn thẩn, làm trước quên sau, đồ đạc để linh tinh và nói như quát làm mất khách hàng của chị ấy. Nhưng hình như là lần đầu chị để tâm.

Một buổi tối chủ nhật, họp mặt đầy đủ hơn những buổi tối khác vì anh cả chính thức gọi điện thông báo có chuyện quan trọng cần bàn bạc.

Bà sinh 7 lượt nhưng nuôi được 5 người. Nhà có hai anh trai và ba cô em. Không ai vất vả nhưng mỗi người một cảnh. Anh hai là bộ đội, thật lâu mới về nhà một lần, chị dâu thứ hai là giáo viên quay cuồng với lịch dạy thêm, đến ăn cũng chẳng kịp thì lấy đâu thời gian ra chăm mẹ.

Ánh sáng từ chùm đèn trang trí trên trần nhà pha loãng các mảng màu, nó làm cho mọi thứ trở nên nhờ nhờ, hư hao. Thế mà mấy ông em rể cứ xúm xít vào khen nào là kiểu dáng hiện đại, nào là phù hợp không gian… Ông anh cả như bắt được nguồn lên cơn kể, nào là có cậu em trong cơ quan có chuyên môn thiết kế, có anh bạn chuyển ngành bây giờ có show room trang trí nội thất… câu chuyện cứ theo đó mà rông dài. Ở một góc nhà, sau chuyện váy áo và bọn trẻ con, chỉ một giây lặng im mà cảm giác như cả thế giới dừng lại, không chịu nổi sự im ắng tĩnh mịch ấy, bà chị dâu cả đứng lên:

- Có mỗi việc đấy mà mãi không nói được. Chuyện là thế này, bà muốn ra ở riêng.

Ông anh cả nhấp một ngụm nước, rồi mở lời, giọng chầm chậm:

- Anh thấy cũng hợp lý. Ngôi nhà cũ, không xa nơi ở của mấy anh chị em, sau này bà trăm tuổi thì làm cái nhà thờ lên đó, con cháu đi xa cũng có chỗ để về không phải phụ thuộc vào ai.

- Nhà đó làm sao ở được nữa, bao nhiêu năm bỏ không, mối đã xông lên tận nóc rồi.

- Phải làm lại. Thế anh mới bảo các cô chú đến đây hôm nay.

- Hay là…- Chị định cất lời nhưng đứa em út lườm chị cái rõ dài.

- Đây cũng là mong muốn của mẹ, mẹ về bên đó, còn chăm hương khói cho bố chúng mày.- Giọng mẹ còn nghèn nghẹn theo kiểu người già nhưng cách nói nhanh và dứt khoát hơn, cũng nhanh như cách đưa ra một quyết định của các anh chị em lúc này.

Mấy anh chị em quyết định sẽ làm một cái nhà cấp bốn lợp mái tôn. Vì sẽ thừa ra những tấm fibro ximang ở chái nhà, mà chị thì đang cần để lợp lại cái chuồng gà. Gần như mùa giông lốc nào chị cũng phải thay nhưng ngày trước giông lốc theo mùa còn bây giờ thì chả biết lúc nào mà tính. Đến giao thừa mà cũng có cả mưa đá nữa thì có tính cũng chả được. Chị đã dặn bà để nó lại cho chị, có thời gian chị sẽ nhờ người đến sửa, nhưng lâu dần, hết đơn vị này đến cơ quan kia đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thế là chị cũng quên mất.

Chiều nay, khi chị xuống chị dâu cả đã lấy nó để gác lại cái chuồng cho mấy con chó mới đẻ. Bọn chó con líu ríu khi phát hiện ra tiếng bà. Nhưng mặc kệ, bà cứ đi sau chị chỉ để nói “Để hôm sau mẹ tìm xem còn tấm nào còn tốt nữa không, con đừng giận”. Cái dáng vẻ lầm lũi như có lỗi của mẹ chị làm chị cháy cả ruột gan.

Xe gần như tự trôi đi, cho đến khi linh cảm gợi nhắc thì chị đã đến trước cửa nhà. Căn nhà mặt tiền phố thị trắng nhợt nhạt dưới ánh đèn cao áp và lúc nào cũng im ỉm khóa. Chị xuống xe, mở cổng, lặng lẽ tra chìa khóa vào ổ, ông chồng đang mải nấu cơm cũng không nghe thấy tiếng bước chân.

Cho đến lúc chị bước gần hết cầu thang mới nghe tiếng nhắc nhủ nho nhỏ “tắm đi rồi ăn cơm”. Chị vâng một tiếng, cũng rất nhỏ.

Lúc này, chị chỉ nghĩ đến cái bồn tắm và muốn trôi trong đó, lâu thật lâu. Dù sao thì cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Người đàn ông lớn tuổi đã nghỉ hưu trong căn nhà này, ngày lại ngày cặm cụi với cái chuồng gà bé tẹo và tính toán xem, lúc nào, làm món gì để nấu sẵn cho phù hợp cuối tuần còn gửi đi Hà Nội cho các con thì lấy đâu ra thời gian để quan tâm xem việc chị xuống ăn sớm hay muộn. Thời gian với họ không vô hình mà hiện hữu bằng việc thân hình của chị cân một nửa cái bàn ăn, hoặc là các hộp thức ăn được sắp xếp đầy ắp và thứ tự trong ngăn đá tủ lạnh.

Chị có khoảng không gian riêng đáng quý mà không phải người đàn bà nào cũng có được. Rất nhiều lần chị thấy biết ơn điều đó. Nhưng lúc này, đầu óc chị hoàn toàn trống rỗng. Chị vào nhà tắm, mở to tất cả các loại vòi nước, vì chị nghĩ rằng mình sẽ khóc, tiếng khóc vọng ra có thể làm ai đó lo lắng, hoặc giả chị muốn nó như thế. Nhưng không, các vòi nước vẫn thi nhau chảy, chỉ có đôi mắt là vẫn ráo hoảnh. Ừ, thì lâu lắm rồi, chị không khóc. Thôi không khóc được thì cười vậy, chị cười thật to vì nhận ra rằng, đến gần 50 tuổi mình mới nghĩ đến việc, có những thứ dù tưởng như vô giá trị nhưng không phải ta cứ cần là gọi ngay đến được. Như nước mắt bây giờ chẳng hạn. Thật xa xỉ.

Ngâm mình sẽ làm cho người tỉnh táo ra, kinh nghiệm cho chị biết như thế. Vậy trong lúc tỉnh nhất chị muốn nhớ xem lần gần đây nhất mình khóc là bao giờ? Não chị bắt đầu căng ra, bắt đầu từ hình ảnh về Tết năm ngoái, bắt đầu từ việc chị đi mua đồ Tết. Ghé qua nhà mẹ chị, như thói quen. Trời lạnh và lây rây mưa. Mẹ chị cứ đứng ở trước của ngóng đợi như cách bà đã đứng đó tự thuở nào. Chị cũng có nhìn thấy bà gầy đi, lưng hơi còng xuống hơn. Chị có nghe mẹ chị hỏi xem bao giờ chị đi xuôi có chở mẹ về thăm các ông bà, anh chị ở dưới quê được không. Chị có ra mộ bố, người giấu tất cả mọi yêu thương sau ánh mắt kiên nghị, người mà anh em chị phải nợ cả đời. Nhìn gốc hồng bên góc lăng mộ chính tay chị trồng hôm Tết Thanh minh trơ lại hai cành bé tẹo, lổn nhổn những đất, vật liệu thừa và vết nứt trên mặt nền của lăng do người ta xây dựng ngôi mộ bên cạnh dẫm đạp lên. Lòng chị đã buốt nhói. Nhưng chị đã không khóc. Sau đó, chị có gọi điện nói chuyện với đứa con xa phải ở lại trực, không về kịp Tết. Đây có thể là lần đầu tiên thằng bé 25 tuổi của chị không về Tết, chị cảm giác như có cái gì vừa rời ra khỏi vòng tay mình. Chị đã hụt hẫng. Và chỉ thế thôi.

Chị sẽ nghĩ xa hơn một chút. Một cái Tết 5 năm trước, cô bạn thân của chị báo tin ung thư phổi giai đoạn cuối, có mỗi đứa con gái du học tận Anh và ông chồng đĩnh đạc thì đã công khai quan hệ với một cô gái chỉ bằng tuổi con, từ khi mà cô bạn đó hay kêu đau mỏi. Họ đã nói chuyện với nhau hơn 2 tiếng trên điện thoại. Nhớ đến thân hình co quắp của bố chị khi người ta găm cái xi lanh to như bắp tay vào hút dịch; nhớ đến ánh mắt khẩn cầu một liều moocphin, lúc đó, ông cũng vào giai đoạn cuối như bạn chị bây giờ. Không ngăn được nỗi ám ảnh về một người đàn ông cao to đang nâng ly, điệu cười còn rơi một tiếng keeng nơi đáy cốc. Nhưng hình như họ đã không khóc. Chính xác là chị không khóc, vì cuộc điện thoại kết thúc trong sự im lặng đến câm nín.

Gần hơn một chút so với cái khoảng 5 năm đó, nhưng không phải là trong 2 năm, chị nhớ, vì lúc đó, chồng chị vẫn chưa nghỉ hưu. Vào một buổi chiều chạng vạng tối và hơi mưa, chị cũng nhớ là mưa vì người đó lấy tấm áo mưa che cho tải gạo chở trên xe để cả người ướt sũng, khi vào nhà còn ý tứ không ngồi lên ghế sofa mà chỉ kéo chiếc ghế nhựa cao ở bên cạnh. Đó là một cô giáo vừa mới nhận quyết định chuyển công tác vào buổi chiều.

- Thực ra là trong thời buổi phải loại bỏ hết hợp đồng, giữ lại được công việc như bọn em cũng đã là may mắn hơn so với họ- Cô giáo đó mở đầu một cách văn vẻ và nhún nhường, vừa là để ngăn đôi mắt đang ầng ậc nước để nó không trào ra-  Nhưng nếu có thể, mong chị xem xét lại. Từ vùng 3 đi ra em mới dám sinh cháu thứ 2, bây giờ cháu chưa được 2 tuổi để cắt sữa, em không nỡ.

Trường hợp này chị nhớ, nhưng nhất định trong đơn vị đó phải có một người chuyển đi để cho một giáo viên khác mà chị vừa mới được giao nhiệm vụ “bố trí một biên chế mới ở trường thị trấn”. Đây gọi là suất ngoại giao trong khi định biên vẫn như thế. “Sao trước khi đưa phương án mình không xem xét đến điều này nhỉ”, chị hơi giật mình. Nhưng chị nhớ là chị đã trả lời cô giáo đó rằng

- Quyết định đã được ban hành làm sao thay đổi, vả lại quyết định cũng không do tôi ký, với lại nữa, dù là chuyển ai đi nữa thì người ta cũng đều có lý do cả thôi.

- Chúng tôi cũng sẽ cố gắng xem xét lại, có thể không phải là bây giờ mà vào năm học sau.- Chị nhớ là mình đã nhẹ giọng hơn khi nói câu thứ hai này.

- Dạ, vâng!- Tiếng đáp lại nhẹ như thoảng qua.

Chị cũng nhớ là mình đã từ chối, rất thật lòng, nhưng món quà cô giáo vẫn để lại. “Thôi thì tìm cách khác trả lại sau vậy”, ngay lúc đó chị đã nghĩ thế, cũng vẩn lên ý nghĩ “sẽ lưu ý trường hợp này”, nhưng sau đó, việc này chồng lên việc kia, chị cũng quên mất và giờ đây thì chị đã chuyển công tác khác.

Từng hình ảnh chạy qua đầu, không hào nhoáng như khi mới đến mà có cả xù xì gai góc, đến mức chỉ ngang qua đầu mà chị tưởng như có ngàn mũi kim châm. Nhưng chịu, không thể nhớ nỗi lần gần đây nhất mình khóc là lúc nào. Chị thấy dấu vết của tuổi tác.

Ăn một cách qua quýt rồi lên giường, chị muốn uống một viên thuốc bổ trợ thần kinh rồi đi ngủ sớm. Máy chị có tin nhắn đến, là nhân viên của chị xin nghỉ. Dù bây giờ chị không còn là tư lệnh ngành, vị trí có to hơn nhưng lại không được quyền quyết định nhân sự, tuy nhiên cùng với sự nhồi nhét những nguyên tắc hành chính đến cứng nhắc cùng với tâm lý ì ạch, sợ sệt, chịu ơn của khối công chức Nhà nước thì với đám nhân viên lời nói của chị vẫn có nhiều sức nặng. Ý nghĩ xuất hiện đầu tiên trong đầu chị là: con bé thật vô duyên, nó định dồn chị vào thế khó đây mà. Muốn nghỉ cũng phải báo trước để sắp xếp công việc chứ, đang lúc bận, chị còn định việc này việc kia nữa... Màn hình điện thoại lại sáng lên, là tin nhắn của con bé, nó cảm ơn và chúc chị ngủ ngon. Giật mình thì ra chị đã bấm nút “ok” từ lúc nào.

 

Thường thì mùa này vẫn thế, người ta đợi đến cái rét Nàng Bân để nhâm nhi lại cái lạnh xưa cũ, cuộn trong tấm chăn bông mền mịn để quyến luyến phơi cất nó cho mùa đông năm sau. Ở phòng bên cạnh, ông chồng già vẫn chưng tất các loại đèn để nói chuyện facetime với con, có lẽ vì muốn cho chị được yên tĩnh, cũng có lẽ là do một thói quen.

Còn lại chị với căn phòng, với cái dáng vẻ lom khom, hơi còm cõi và lẫm lũi của mẹ chị chiều nay giăng mắc. Người đàn bà có giọng nói rất nhẹ và đầm ấm ấy đang hiện hữu ở khắp nơi và cảm giác như dẫn dắt chị đi một hành trình dài thật dài. Thả lại người xuống giường chị thấy người mình mềm, mỏng và nhẹ đi.

Chiếc bóng đổ sang bên tường, đen và sồ sề, không trắng trẻo, săn gọn như chị. Không nhưng đó có thể là ai khác nếu không phải là chính chị ở một góc nhìn nào đó, chị đã ở xế chiều. Liệu chị có đang lẩn thẩn như bà.

Nước mắt từ từ rỉ ra. Rất lâu, rất lâu rồi chị mới có thể khóc.

                                                                                 D.T.P

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter