MINH TRANG
Yên Bái là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025. Đó là một quyết định giàu tính nhân văn, giàu sáng tạo, phù hợp với điều kiện và mưu cầu hạnh phúc của người dân Yên Bái, với mục tiêu đưa con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Ngay từ khi Nghị quyết ra đời, cùng với sự động viên, khích lệ của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái, các Hội viên, thuộc tất cả các chuyên ngành văn học nghệ thuật đã ý thức hơn trách nhiệm của mình trước những mục tiêu lớn của tỉnh. Đã có nhiều tác phẩm Văn xuôi, Thơ, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc… được sáng tác về chủ đề hạnh phúc. Ngày 10/5/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 30- 30-KH/TU về việc nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái năm 2021. Thực hiện Kế hoạch số 30, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc trong toàn ngành, toàn địa phương. Đi đến đâu cũng bắt gặp những mô hình hạnh phúc như xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc, khu dân cư hạnh phúc, thôn bản hạnh phúc và nhỏ hơn nữa là gia đình hạnh phúc. Hòa chung với phong trào thi đua của các các cấp, các ngành, các địa phương nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã bám sát chức năng nhiệm vụ, xây dựng Kế hoạch số 59/KH-LHVHNT ngày 25/6/2021 của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh về việc Triển khai thực hiện Kế hoạch số 30-KH/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về việc nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái năm 2021. Theo đó, với vai trò là một trong 3 cơ quan báo chí của tỉnh, thực hiện sứ mệnh tuyên truyền Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã tiến hành tổ chức, phát động Cuộc thi viết Bút ký- Ghi chép với chủ đề “Yên Bái xây dựng Gia đình hạnh phúc- Trường học hạnh phúc” sau này là Cuộc thi Bút ký- Ghi chép chủ đề “Yên Bái hạnh phúc”, nhằm tuyên truyền, phát hiện và nhân rộng các nhân tố mới, tập thể, cá nhân tiên tiến, điển hình, những cách làm hay trong phong trào thi đua yêu nước thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trong mọi lĩnh vực của cuộc sống; nhằm cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn dân tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy mọi nguồn lực để nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025.
Khi Cuộc thi được phát động, cũng là lúc hội viên của Hội chính thức có một sân chơi chính thống, có thêm một sự động viên, khích lệ kịp thời để họ tiếp tục hăng say sáng tạo. Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Yên Bái chủ động mở chuyên mục “Dự thi Yên Bái xây dựng Gia đình hạnh phúc- Trường học hạnh phúc” (Sau này đổi tên thành “Dự thi Yên Bái hạnh phúc”) để đăng tải những tác phẩm tham dự Cuộc thi trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái và Văn nghệ Yên Bái vùng cao; các thành viên Ban Biên tập chủ động gọi điện đến từng hội viên có chuyên môn sáng tác Ký và Ghi chép để động viên, trao đổi về tinh thần của cuộc thi. Các hội viên thêm tích cực hưởng ứng. Họ đã chủ động thu xếp công việc xuống tận thôn tận bản, cả những bản làng xa xôi cũng không nề hà dấn thân để thu thập thông tin làm cơ sở cho sáng tạo. Đã có dấu chân của hội viên trên những nẻo đường xa xôi của Mù Cang Chải, Trạm Tấu, những xã khó khăn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Lục Yên để rồi những tấm gương sáng, những nỗ lực không ngừng nghỉ của những con người, những tập thể để nhân dân hạnh phúc hơn được tỏa sáng trong mỗi trang viết đầy tâm huyết của họ.
Qua những tác phẩm văn xuôi, người đọc thấy được biết bao cô giáo vùng cao Trạm Tấu hi sinh cả tuổi thanh xuân, gác lại trách nhiệm lớn lao của một người mẹ, người vợ trong gia đình để dành tất cả những điều tốt đẹp cho trẻ nhỏ vùng cao. Những đứa trẻ được nhận thêm tình yêu thương của những người mẹ thứ hai, được bù đắp những thiệt thòi do thiếu thốn vật chất, thiếu thốn sự quan tâm của cha mẹ. Trong mọi biến cố của cuộc sống, có những khi tưởng như gục ngã nhưng trước học sinh các cô giáo vẫn luôn tỏa sáng, thứ ánh sáng của một người mẹ tảo tần thương con hết mực. Đó là hạnh phúc, không chỉ hạnh phúc của sự nhận lấy mà còn là hạnh phúc của sự cho đi. Hay lấp lánh tinh thần vượt khó, ý chí tự lực, sáng tạo của toàn ngành giáo dục Mù Cang Chải để xây dựng trường học hạnh phúc. Cũng có khi là tấm gương của Chủ tịch Hội phụ nữ một huyện vùng cao, bằng tâm huyết, sự năng động sáng tạo, chị đã truyền cho những người phụ nữ Mông thứ năng lượng của những người phụ nữ hiện đại với đầy đủ sự tự tin trong cuộc sống, sáng tạo trong làm ăn kinh tế, nhiệt tình trong công tác xã hội, khéo léo trong xây dựng tổ ấm- Yếu tố mấu chốt để xây dựng hạnh phúc cho mỗi gia đình người Mông vốn còn rất nhiều điều phải thay đổi. Đó còn là điển hình của những gia đình tứ đại đồng đường cùng sống chung một mái nhà. 4 thế hệ, nhiều tính cách, nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm, hội tụ nhiều mối quan hệ phức tạp: nàng dâu- mẹ chồng, em dâu- em chồng, em dâu- chị chồng… Nhưng họ dung hòa mọi điều, sống hạnh phúc bên nhau trong yêu thương, đùm bọc, trong chia sẻ, đỡ đần. Đó cũng là một tấm gương sáng cần nhân rộng, bởi mỗi “tế bào” của xã hội hạnh phúc thì xã hội mới hạnh phúc- Điều mà tỉnh ta đang nỗ lực hướng tới. Hay một sự bứt phá đến ngoạn mục của những thôn bản, những xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên để xây dựng thôn bản, làng xã hạnh phúc. Từ vô vàn khó khăn, từ cuộc sống thiếu đói, những công trình phúc lợi chưa có hoặc chưa đạt, từ số lượng hộ nghèo còn cao… song bằng nỗ lực, bằng sáng tạo, bằng nhiệt huyết với quan điểm vì dân, lấy nhân dân làm trung tâm của sự phát triển, những thôn bản, làng xã ấy đã đổi thay, cuộc sống của người dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là thành công ban đầu của đội ngũ lãnh đạo và nhân dân trên con đường nâng cao chỉ số hạnh phúc cho mỗi người dân Yên Bái. Tất cả là những đóa hoa đẹp, là lời động viên, là chất xúc tác để mỗi người dân Yên Bái có thêm động lực tiếp tục cố gắng vượt khó vươn lên hoàn thành mục tiêu đề ra trong Nghị quyết.
Dịch bệnh Covid- 19 lan rộng, ngay cả những hội viên cũng có người dương tính với Covid, số lượng hội viên sáng tác văn xuôi có nghề nhưng tuổi cao, sức khỏe yếu làm hạn chế rất nhiều đến việc đi thực tế sáng tác của tác giả. Hiểu được điều đó, Ban Biên tập có thêm những biện pháp sát thực hơn, khơi dậy ở hội viên trách nhiệm chính trị của người cầm bút để họ sẵn sàng vượt qua những khó khăn trước mắt đi cơ sở sáng tạo tác phẩm; trực tiếp phân công nhiệm vụ cho các biên tập viên- những người giữ vai trò chính là biên tập nhưng đôi khi vẫn là những phóng viên văn nghệ mỗi lúc cần đảm bảo nhiệm vụ chính trị của tạp chí. Đối với các tác giả cao tuổi, gặp nhiều khó khăn khi đi thực tế, lựa khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, Hội đã chủ động tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác tại các huyện, thị, thôn bản xa thành phố như Lục Yên, Văn Yên, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các hội viên thu thập thông tin, hòa mình với cuộc sống người dân, tạo cảm xúc cho sáng tạo. Nhờ đó số lượng các tác phẩm có chất lượng gửi về ngày một nhiều, để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Và nhiều ý tưởng khác đang được ấp ủ, trong tương lai sẽ có thêm nhiều tác phẩm mới với nội dung phong phú hơn, phản ánh đa dạng hơn, phủ kín các địa phương trong tỉnh.
Một điều đáng trân trọng hơn nữa là không chỉ những hội viên chuyên ngành Văn xuôi tích cực tham gia cuộc thi, những hội viên thuộc chuyên ngành khác dù không có cuộc thi nào cho riêng chuyên ngành của mình, họ vẫn miệt mài sáng tạo, cống hiến cho đọc giả hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề hạnh phúc. Đó là những tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh mà ở đó lấp lánh nụ cười hạnh phúc của đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái trước mùa vàng bội thu. Những gương mặt đỏ lên vì nắng gắt, những bộ quần áo truyền thống đẫm ướt vì mồ hôi nhưng nụ cười thì thì luôn tỏa nắng, ánh mắt lúc nào cũng sáng tươi niềm hi vọng. Họ đang hòa mình vào núi rừng trập trùng mây gió, bên những đống lúa vàng ruộm vừa được tuốt ra. Hay niềm vui trên khuôn mắt và ánh mặt rạng ngời của những ông bố, bà mẹ người Mông bên con cái, trước sự ấm êm của gia đình. Cả những nỗ lực của các ngành, các cấp để làm nên ấm no cho đồng bào vùng cao. Đó là những công nhân ngành điện đang chót vót trên những cây cột bê tông vững trãi căng dây đem điện đến vùng cao. Đó là khoảnh khắc bà con vùng cao vui vẻ bên trụ nước máy mới được dẫn về bản. Những dòng nước xối xuống chân họ tung bọt trắng xóa càng làm sáng lên nụ cười luôn rạng rỡ trên môi những người dân đang được thụ hưởng thành quả ấy. Đó là những giọt mồ hôi, những dáng người cong cong, những đôi tay vung lên rắn chắc, những đôi chân rắn rỏi sải dài trên những bước đường gập ghềnh đá núi của lãnh đạo, của người dân trong những lần đổ bê tông con đường về bản, san gạt mặt bằng cho một sân chơi của nhà văn hóa, hay lợp lại cho dân ngôi nhà cho vững chãi lúc nắng lúc mưa… Tất cả đã găm vào tâm thức người xem sự cảm động sâu sắc về những cố gắng hết mình của toàn xã hội để làm nên hạnh phúc cho những người dân đang sinh sống trên mọi bản làng xa xôi của Yên Bái.
Các tác phẩm Thơ với thế mạnh là cảm xúc, gọi niềm yêu trong tiềm thức mỗi bạn đọc để từ đó nảy sinh những xúc cảm về tình yêu, niềm tự hào trước những đổi thay của tỉnh. Từ đó cho họ một mong muốn- Mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho quê hương, cho những con người đang cùng chung sống dưới mái nhà mang tên Yên Bái. Đó là những xúc cảm tự hào về một thành phố đang ngày một đổi thay. Có thể là niềm tự hào trước bản sắc độc đáo của quê hương mà không đâu có được. Cũng có khi là niềm vui của người con Yên Bái khi được hưởng thụ những điều hạnh phúc mà các cấp lãnh đạo và mọi người dân trao cho. Những tác phẩm tiêu biểu như Đắm đuối với dòng Thao của tác giả Hoàng Mai Thanh, Dòng chảy sông Hồng của Nguyễn Thu Hương, Sức xuân của Nguyễn Thu My, Hẹn Mù Cang Chải của Dương Soái, Như ánh bình minh” của Phạm Đức Toàn… đã một phần sáng lên điều đó.
Với thế mạnh của từng chuyên ngành văn học nghệ thuật, những hội viên của Hội vẫn không ngừng sáng tạo, góp thêm một tiếng nói rất riêng của văn nghệ sĩ cho sự nghiệp xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Qua những ấn phẩm của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái, một Yên Bái hạnh phúc với rất nhiều gam màu được tỏa sáng, ở đó có sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp các ngành, của những người Yên Bái vốn đã gửi trọn niềm yêu với quê hương để góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái. Để rồi những sáng tạo đó trở thành những bông hoa luôn tỏa ngát một thứ hương thơm của sự cống hiến, đoàn kết, hi sinh; của nỗ lực, của khát vọng và quyết tâm trong mỗi trái tim người Yên Bái. Đó là những điều tâm huyết mà các văn nghệ sĩ mong muốn gửi gắm qua mỗi đứa con tinh thần mình rút ruột sinh ra.
M.T
Tin khác