Ký của Hoàng Kim Yến
Giàng A Sáu ngồi tựa lưng trên chiếc ghế nhựa, mắt nhìn về phía con đường bê tông uốn lượn quanh các thửa ruộng rồi mất hút vào trong núi. Con đường hôm nay dường như bận hơn bởi người thôn ông đang hối hả xuống phố để mua sắm tết. Ừ tết đến rồi, cái tết thứ 23 kể từ ngày ông nhận chức Trưởng thôn Đồng Ruộng, cái tết thứ 33 kể từ ngày ba hộ người Mông đặt chân đến Đồng Ruộng để khai hoang đất này. Giàng A Sáu đưa mắt về phía những thửa ruộng bằng phẳng nằm dọc con suối, nhớ về những ngày đầu tiên.
Ấy là năm 1987, bố mẹ ông, chú bác ông, trên đường đi bộ lên huyện Trấn Yên mua sắm thì lạc chân tới mảnh đất này. Mảnh đất giống như một cái đĩa nằm trọn vẹn giữa lòng các chân núi. Chưa có một ai đến ở, chưa có một ai trồng cấy, chỉ có một con đường khai thác gỗ vừa đủ chiếc ô tô đi. Mà lạ thay trong ngút ngàn cây cổ thụ lại có những mảnh đất bằng phẳng, màu mỡ nằm ngay ven suối vẫn còn hoang sơ, không có dấu chân người. Cái ý nghĩ chuyển về đây để sinh sống nảy ra trong đầu. Và đó là cơ duyên để 3 hộ người Mông đầu tiên đặt chân khai hoang mảnh đất này. Những ngày đầu khó khăn, 3 hộ người Mông chỉ dựng tạm cái lều để ở, chăm chỉ khai hoang trồng lúa nước ở những bãi đất bằng, trồng sắn ven chân đồi những mong “làm mãi rồi khắc có”. Cây lúa trồng xuống đất màu, tốt bời bời trong bao con mắt mong đợi một mùa vàng bội thu. Rồi cũng đến ngày lúa chín vàng chờ tay người hái. Nhưng lạ thay toàn thóc lép. Những con người vốn quen chân lấm tay bùn, từ nhỏ chỉ trồng cấy dựa trên kinh nghiệm chụm đầu vào nhau lý giải cũng chẳng tìm ra nguyên nhân thóc lép. Bù lại những nương sắn có củ rất sai. Ừ thôi không có lúa thì sắn cũng là lương thực. Nhưng rồi một ngày 3 hộ người Mông của ông bất ngờ có nhiều người đến thăm. Chẳng phải họ đến để hỏi thăm sức khỏe hay hỏi thăm cuộc sống mới mà đến để nhổ sắn về ăn vì họ cũng đang rất đói. Chỉ trong 3 ngày, cây sắn cuối cùng trên nương cũng bị họ cướp hết đến trắng tay. Ba hộ người Mông sao thắng nổi hàng trăm người ồ ạt đến cướp, đành buông tay nhìn cái đói đang ầm ập lao vào cửa. Đói, lúa lép, sắn bị cướp hết nhưng những hộ người Mông vẫn miệt mài trồng sắn, trồng lúa, quyết không để lại một khoảng đồi trống trên mảnh đất này. Trong lúc chờ lúa sinh sôi, chờ sắn nảy mầm, để chống đói, họ lên rừng tìm củ nâu về ăn. Những củ nâu vốn trời sinh rất chát, họ mài nhỏ, xuống suối lấy nước ngâm, vài ba tiếng lại gạn đi thay nước khác, cứ thế ngâm cho đến khi nào nước trong có nghĩa là khi ấy củ nâu đã hết chát mới đem về nấu ăn. Gần 2 năm dòng các hộ người Mông chỉ sống nhờ những củ nâu đắng chát ấy. Đến con suối gặp nước chát của củ nâu đá thành ra đen ngòm, nước cũng đen ngòm, những người Mông ăn củ nâu người mệt mỏi, phù thũng tưởng sắp phải về với tổ tiên. Đã thế những nương sắn mới trồng thay thế thường bị trâu của những người khai thác gỗ phá. Thân cô thế cô, chẳng có ai bảo vệ, những hộ gia đình người Mông bắt đầu hiểu, họ cần có chính quyền bảo vệ, cần có chính quyền để phân giải những đúng sai. Muốn thế, họ phải trở thành công dân của Kiên Thành chứ không tự phát thích đến đâu ở thì đến. Những người lớn tuổi nhất của 3 hộ nhìn quanh, chẳng có ai biết chữ, duy nhất có Giàng A Sáu là học xong lớp 4. Người chú đặt tay lên vai Sáu trông cậy: “Chỉ có cháu mới có thể viết đơn lên xã xin nhập khẩu”. Ngày 14/6/1994 chính quyền xã xuống tận thôn khảo sát, quyết định đưa 3 hộ người Mông vào danh sách công dân của xã và thành lập thôn. Cái tên thôn Đồng Ruộng được đặt lên bắt nguồn từ cái suy nghĩ rất giản đơn của những người Mông nơi này: Vì ở đây có đồng ruộng để cấy lúa.
Giàng A Sáu chậm dãi đứng lên, ông thong thả dạo bước trên con đường bê tông ngắm những nhành đào nụ chi chít tròn no như những hạt ngọc. Nắng, gió và hơi ấm mùa xuân chẳng mấy chốc là gọi chúng đồng loạt hé cười. Giàng A Sáu ngước nhìn lên những đỉnh núi bao quanh thôn, màu xanh thẫm của núi rừng đang được trải vàng bởi nắng xuân ấm áp, khiến chúng thêm tươi mới và tràn đầy sức sống. Nhớ lại những ngày đầu tiên được trở thành công dân xã, Giàng A Sáu thấy biết ơn chính quyền nhiều lắm. Cán bộ nông nghiệp bắt đầu xuống thôn, đứng giữa những đồng ruộng bao năm người Mông ông chăm sóc tốt bời bời mà lúa thì lép kẹp, quả quyết: “Trồng, cứ trồng, không có hạt cứ bắt đền tôi”. Thoạt đầu nghe mà cứ như đùa. Vài ngày sau, cán bộ lại xuống, mang theo giống lúa mới, yêu cầu phát quang những cây cổ thụ xung quanh ruộng, họ giải thích: “Lúa bị cớm hạt sẽ không có ăn đâu”. Rồi lại cán bộ dân số đến, cán bộ y tế cũng về, cô giáo cũng xuống tận bản. Trẻ em được gọi đi tiêm chủng mở rộng, ốm đau được cấp thuốc. Cô giáo đến tận nhà mời đi học cái chữ… Thấm thoắt đã đến vụ thu hoạch. Lạ chưa, lúa ở Đồng Ruộng cứ như sợ cán bộ nên bảo nhau chắc mẩy lạ thường. Sắn của dân trồng được, có dân quân, có công an bảo vệ, chả ai dám vào cướp, chả ai để trâu phá vô tư nữa. Năm 2003- 2004, cán bộ nông nghiệp lại về, họ mang theo cái giống măng Bát Độ, bảo rằng trồng nó ở đất này kinh tế sẽ khá lên. Ông tin họ, bởi ông biết họ hơn ông ở kiến thức sâu rộng được học ở trường, bởi ông biết cái tâm của cán bộ Đảng, Nhà nước là muốn cho dân giàu có. Nhưng sự hiểu biết này chỉ có ông và một số người tiến bộ hiểu thôi. Thành ra ông và những cán bộ nông nghiệp xã, nông nghiệp huyện lại phải cất công đến từng nhà nói lời phải nhẽ thuyết phục. Được nhà nào lại gom thành lớp mời cán bộ nông nghiệp xuống dạy cho cái kỹ thuật trồng. Dạy rồi mà không hiểu thì lại kéo nhau lên đồi, làm mẫu cho mà nhìn thấy. Nhìn thấy mà vẫn chưa thạo thì cầm tay làm cùng cho bằng thạo. Sau 2 năm trồng măng Bát Độ, được thu hoạch, những hộ trồng măng bắt đầu có tiền trong túi. Vui. Những hộ chưa trồng măng thấy hàng xóm vui cũng muốn vui như họ. Thế là rủ nhau lên đồi cuốc hố trồng măng. Những nhà đã trồng rồi lại muốn trồng thêm nữa. Nhà nào muốn trồng măng mà không có người làm, ông Sáu lại kêu gọi dân trong thôn lên đồi trồng giúp. Cán bộ trên huyện, trên xã còn muốn dân mình giàu, còn nỗ lực và vất vả như thế, cớ gì ông và những người cùng thôn cùng bản, đã từng đồng cam cộng khổ lại không giúp một tay để họ thoát nghèo. Giàng A Sáu nhìn lên bạt ngàn xanh của măng Bát Độ đang đón nắng, đón gió trên các sườn núi Đồng Ruộng, cười một mình: Đấy, cái hướng đi đúng không trước thì sau dân đều theo cả. Giờ thì măng Bát Độ đang là cây trồng chủ lực để dân Đồng Ruộng làm giàu. Năm qua, nhờ măng Bát Độ mà dân Đồng Ruộng kiếm đến gần 4 tỷ đồng. Giàu ở đấy chứ ở đâu.
Làm trưởng thôn, được đi đây đi đó, được học hỏi từ những người hiểu biết, từ trên sách báo, Giàng A Sáu hiểu dân thôn mình lạc hậu quá. Nếp nghĩ xưa kia đã hằn sâu vào ý thức bao đời người Mông quê ông cần phải thay đổi, nếu không thật là tai hại. Như ông đây, cha mẹ xưa vẫn dạy con anh trai và con em cô lấy được nhau vì rõ ràng là khác họ, chả liên quan gì đến máu mủ. Con gái lấy chồng là con ma của họ khác rồi. Vả lại con anh trai khi giàu có nên lấy con em gái để của cải không bị mất ra ngoài. Thành ra đời ông là tấm gương tày liếp. Đứa con gái đầu lòng của ông dáng hình nhỏ bé, lại không được khỏe mạnh như con người ta do cận huyết thống là bài học để Giàng A Sáu đến từng hộ tuyên truyền, thuyết phục. Cũng có người chưa hiểu còn vặc lại “Ông cũng thế còn nói ai”. Rồi phải tĩnh lại để chỉ cho họ thấy những điều mà ông cảm nhận từ cuộc đời mình. Trời cũng chẳng phụ công người, sau bao lần lặng lẽ về không, biết bao lần quay trở lại khi họ bớt nóng, Giàng A Sáu đã thay đổi được nếp nghĩ bao đời ấy trong dân bản mình. Còn rất nhiều điều ông đang hạn chế được trong dân bản ông, ấy là tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba. Tuy vẫn chưa triệt để nhưng nó đã diệt tận gốc trong tư duy của những con người tiến bộ. Làm được những điều đó cho dân bản ông vui.
Tiếng đứa cháu líu lo gọi ông từ xa kéo ông về thực tại. Nó đang tha thẩn bên những cây hoa ven đường mà người trên huyện đã về đây trồng cho đẹp đường thôn vào dịp trong năm. Ông bế đứa cháu trên tay, sải bước trở lại trên con đường bê tông nắng trải vàng sóng sánh. Đời ông gắn với thôn Đồng Ruộng. Vì thế đời ông có 2 bước chuyển lớn lao, làm đổi thay mọi nhẽ thì thôn Đồng Ruộng cũng có hai bước chuyển như thế. Những bước chuyển làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người Mông Đồng Ruộng. Mốc son thứ nhất là thôn Đồng Ruộng chính thức được nằm trên bản đồ hành chính xã Kiên Thành. Mốc son thứ hai là sinh khí của Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới thổi về, khiến cho dân bản ông một lần nữa được sang một trang mới tươi sáng và tràn đầy hi vọng. Nó không chỉ làm cho chất lượng cuộc sống của người dân tăng lên mà nó còn làm dày thêm niềm tin của dân bản ông với Đảng, Nhà nước, với những cán bộ tận tụy vì Đồng Ruộng. Ngày đầu tiên, nghe cán bộ xã nói về nông thôn mới đến ông còn lơ mơ, chẳng biết bắt đầu từ đâu thì những người dân thôn ông làm sao ngày một ngày hai mà hiểu. Thế nên cái công cuộc vận động dân hiến đất làm đường, hiến đất làm nhà văn hóa, sửa sang nhà cửa, chuồng trại, ruộng vườn sao cho sạch sẽ, sao cho đạt chuẩn nó khó như tay không mà dời tảng đá to đầu bản. Khó thế thành ra ông có việc để làm, hết đêm đến ngày, hết ngày qua đêm, tuần tuần, tháng tháng ông đến từng nhà dân tuyên truyền, thuyết phục. Rằng không giàu gì một hai mét đất mà cũng chẳng nghèo gì một hai mét đất. Ông xung phong hiến trước cho dân thấy, những người tiến bộ hiểu lời ông cũng hiến cho dân xem. Những lời tình lý của ông một lần nữa giúp họ nhìn ra, nếu không chớp lấy cơ hội này, sẽ chẳng còn cơ hội nào khác nữa. Mà nếu để mất cơ hội dân Đồng Ruộng sẽ không bao giờ tự làm nổi con đường bê tông rộng rãi để đi đâu. Nghe lời ông Sáu Trưởng thôn, dân Đồng Ruộng không ân hận. Con đường bê tông bằng phẳng, rộng rãi thay thế hẳn con đường lầy lội, xe ô tô tải hai cầu mới dám vào, xe máy phải xe Win hoặc xe gầm cao mới dám qua. Trước đây măng Bát Độ phải mất tiền thuê xe chở ra ngoài bán, giờ thương lái vào tận nơi mời chào, giá lại tăng lên. Có đường phẳng lỳ như thế chẳng lẽ vẫn đi xe “Căng hải”, trong khi tiền bán măng Bát Độ, bán quế đang rủng rỉnh trong nhà. Thế là xe máy trở thành phương tiện quen thuộc của dân bản ông. Giờ họ xuống phố dễ như trở bàn tay, cứ ngồi lên xe, vít ga, mát tai một tí là đến nơi rồi. Một ngày, bản người Mông bừng sáng bởi ánh điện. Niềm mơ ước bao ngày của người dân thôn ông giờ đã thành hiện thực. Những văn minh, những kiến thức khoa học, những hiểu biết xã hội cứ theo cái ti vi, cái đài, cái máy vi tính, cái mạng Wifi về khai sáng cái đầu của dân bản. Rồi ông lại cùng cán bộ xã xuống với dân động viên dân dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, chỉ cho dân thấy ngôi nhà dân đang ở không an toàn, cần phải có vách, cần phải có nền sân, nền bếp, nền nhà bê tông, cần phải có mái chắc chắn phòng những khi mưa bão, cần phải có nhà vệ sinh riêng biệt, đảm bảo. Cuộc cách mạng đổi mới nếp sống cũ như một cơn gió mới ùa về. Đương nhiên vẫn có người choáng ngợp. Không sao, ấy là lẽ thường tình, Giàng A Sáu nghĩ thế rồi lại lặng lẽ đến từng nhà làm công tác tư tưởng. Việc thay đổi nếp nghĩ trong đầu chẳng như thay một chiếc áo. Ví như việc Giàng A Sáu vận động nhân dân làm nhà vệ sinh. Ban đầu họ bảo, không có tiền. Cho vay tiền họ lắc đầu nguây nguẩy: “Ui giời, mỗi đường ra thôi mà cũng phải mất tiền thì không làm đâu”. “Khiếp xấu hổ lắm. Người ta nhìn thấy đi vào đấy là biết ngay mình đi vệ sinh, ngại”. Đấy, thế nên lại phải vận dụng mọi hiểu biết để giảng giải. Mãi rồi họ cũng hiểu ra. Hiểu ra, những gia đình kha khá tự bỏ tiền ra chỉnh trang nhà cửa, sân, bếp. Những hộ neo người, kinh tế chưa nhiều thì cán bộ huyện, cán bộ xã, cán bộ thôn xuống tận nơi hỗ trợ xi măng, tấm lợp cùng xắn tay vào láng cho dân cái sân nhà, xây cho dân cái tường bao chắc chắn, lợp cho dân cái mái nhà vững chãi trước gió giông. Đồng Ruộng những ngày đó nhộn nhịp như có hội. Nhưng Giàng A Sáu biết có những niềm vui hơn khi có hội đang dâng lên trong mỗi tấm lòng người dân Đồng Ruộng.
Giàng A Sáu khoác chiếc áo chỉnh tề chuẩn bị lên lớp học dự buổi họp phụ huynh. Hôm nay cán bộ phòng giáo dục huyện, ban giám hiệu trường mầm non của xã cũng vào dự buổi họp này. Họ muốn ba mặt một lời để xác minh một thông tin: Ông Sáu đã vận động được tất cả người dân trong thôn đưa con ra điểm trường chính ở trung tâm xã học. Không học ở điểm trường lẻ tại thôn nữa. Tốt quá rồi, con cháu của thôn Đồng Ruộng sẽ được ra trung tâm học tập, được hưởng những điều kiện tốt hơn rất nhiều ở điểm trường lẻ. Cô giáo sẽ không phải ngày ngày cất công gần chục cây số vào đây dạy lớp ghép đến 3 trình độ nữa. Điểm trường lẻ này được xóa trắng trong sự bất ngờ của những thầy cô giáo. Họ biết ơn ông, còn ông chỉ cười: “Giờ khác xưa rồi, con cháu phải được học hành mới khá lên được. Kiếm tiền cũng cần, nhưng đầu tư vào học hành lại cần hơn. Đấy các ông xem, các ông cứ mải kiếm tiền không cho chúng đi học, trở thành hư hỏng thì có kiếm được nhiều bao nhiêu nó cũng phá hết thôi. Thế nên chúng tôi quyết định đưa chúng nó ra ngoài trung tâm học cho bằng bạn bằng bè”. Những tiếng vỗ tay đồng loạt vang lên. Ông trưởng phòng giáo dục huyện bắt tay Giàng A Sáu thật chặt, ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Giàng A Sáu dừng kể, với chiếc ấm chuyên rót thêm trà vào chén nước của tôi cười cười: “Cái ngày ăn củ nâu chống đói, có mơ cũng chẳng nghĩ được có ngày hôm nay”. Đúng, ngày đó, làm sao trưởng thôn nghĩ được có ngày ông có một cơ ngơi khang trang, 1 ô tô 7 chỗ dùng để đi chơi, 1 ô tô tải nhỏ chuyên chở măng Bát Độ cho công ty Vạn Đạt. Và ông cũng không thể biết được có ngày ông trở thành một người Mông tiến bộ, dẫn dắt đồng bào Mông đi theo ý Đảng thế này. Tôi nhìn ông, dáng đi nhanh nhẹn, nụ cười hiền và đôi mắt sáng để hiểu thêm về một con người. Tạm biệt ông bằng cái bắt tay rất chặt, tôi ra về trong nắng xuân dường như ấm áp hơn, trong sắc đào hình đang thắm hơn. Vậy là sau chuyến thực tế này tôi đã có bao điều để nói.
H.K.Y
Tin khác