Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa...

Ký của HOÀNG KIM YẾN

Tôi theo chân Nhà văn Hà Lâm Kỳ đến gặp ông Nguyễn Nhật Quang- Bí thư Chi bộ tổ 2, phường Đồng Tâm, người từng là bộ đội tham gia chiến đấu tại Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng với tâm thế của người muốn tìm về quá khứ hào hùng của lớp cha anh đi trước. Ông đang ngắm gì đó dưới những tán cây xanh mướt mát trước sân nhà, thấy chúng tôi nhanh nhảu ra cửa đón. Vợ ông thấy có khách cũng đon đả ra chào. Ông vội vã cầm tay bà dẫn trở về ghế, ra hiệu bảo bà ngồi yên. Nhà văn Hà Lâm Kỳ ghé tai tôi giải thích “Bà bị teo não, giờ mọi sinh hoạt phải có người giúp. Ông ấy vất vả vì bà ấy lắm đấy”. Ông cười “Chục năm nay rồi cô ạ. Ngày trước bà ấy vất vả lắm, trách nhiệm dâu trưởng nên một mình dưới quê ở Phú Thọ chăm sóc bố mẹ hai bên lúc ốm đau về già, lo ruộng vườn nuôi các con tôi khôn lớn. Tôi bận đi bộ đội rồi về Yên Bái công tác 22 năm trời, có giúp gì được bà ấy đâu. Mãi đến khi ông bà dưới quê mất cả, tôi mới đón được bà và các con lên đây. Giờ bà ốm đau thì mình phải chăm chứ”. Tôi ngước nhìn bà, không có vẻ gì là người ốm đau cả, da vẫn đẹp, nụ cười vẫn tươi trên khuôn mặt tròn, phảng phất nét đẹp còn lưu lại của thời con gái để thấu hơn sự tận tụy chăm sóc của ông. Trò chuyện với ông tôi được biết, việc chăm sóc bà một mình ông đảm nhận, kể cả nấu cháo, bón cho ăn, dẫn đi vệ sinh, lẫn tắm rửa cho bà đều do tay ông chăm chút. Bà giờ như đứa trẻ, mưa nắng không biết tự vào nhà, không để ý là tự mở cửa đi chơi, đi rồi không tìm được lối mà về. Vệ sinh không chỉ dẫn là đi lung tung, hệt như cái thời còn ở quê, chỗ nào cũng được. Vì thế quanh nhà, ông lắp đặt nhiều hệ thống vòi nước để có thể xịt rửa dễ dàng. Trưa không bao giờ bà ngủ, nhưng hễ ngồi một mình không thấy ông thì cứ 5 phút bà lại vào phòng mở cửa tìm ông. Thành thử những giấc trưa đối với ông là xa xỉ. Vậy mà công việc làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố ông vẫn đảm nhiệm như không. 9 năm nhận về nhiệm vụ do lãnh đạo thành phố đến tận nơi nói khó, nhờ ông củng cố lại sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Vì chỉ có đoàn kết thì mọi việc của khu phố mới hanh thông và suôn sẻ. Ngày nhận nhiệm vụ, Chi bộ ông là Chi bộ đông đảng viên nhất thành phố với 160 đảng viên. Nội bộ không đoàn kết, chẳng ai phục ai cũng chỉ vì ý ăn ý ở. Năm 2019, Chi bộ thôn Quang Trung tách ra thành 2 Chi bộ, ông tiếp tục làm Bí thư Chi bộ tổ 2, phường Đồng Tâm. Số đảng viên chỉ còn 81 nhưng có tới 27 nguyên lãnh đạo Ban thường vụ Tỉnh uỷ và lãnh đạo thuộc diện Tỉnh uỷ quản lý. Đó là thời cơ nhưng cũng đầy thách thức. Bởi nó đặt ra cho ông một yêu cầu lớn hơn về trình độ, về đạo đức và cả về nêu gương để sao cho thật tương xứng và tin tưởng. Gần 10 năm đảm nhiệm, giờ Chi bộ tổ 2 là một trong những Chi bộ tiêu biểu nhất của thành phố. Ông luôn là cánh tay phải của Ban thường vụ Đảng ủy phường, việc gì khó, cần yên lòng dân đều có tay ông chung sức. Ông là nhân tố quan trọng trong gắn kết các bí thư Chi bộ của từng khu phố thành một thể thống nhất và đồng lòng. Nhiều sáng kiến về công tác Đảng được ông hiến kế đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Vì thế 10 năm qua Chi bộ tổ 2 liên tục là Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen. Hiện nay đang xây dựng Chi bộ kiểu mẫu. Qua đánh giá, cơ bản đã hoàn thành, còn chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới đến 3/10 tổ chức kết nạp nữa là đủ tiêu chuẩn. Dưới sự lãnh chỉ đạo của Chi bộ, sự sát cánh cùng ban lãnh đạo khu phố, những năm qua Tổ dân phố số 2 cũng là một trong những điểm sáng của thành phố, đã 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen giai đoạn 2021- 2020 và giai đoạn 2018- 2022. Mặt trận của tổ cũng đạt được kết quả cao, được Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng khen. Chỉ trong mấy năm, vài hộ đói nghèo còn lại của tổ được khắc phục xong. Có hộ được tổ dân phố hỗ trợ tiền, giúp đỡ công sửa nhà, làm lại mái. Khi mất, ủng hộ hơn chục triệu đồng để gia đình hỏa táng. Có lẽ đấy cũng là cái tình của ông đọng lại trong lòng nhân dân, để cuối cùng là tin tưởng và đồng thuận.

Hỏi về những ngày chiến tranh ác liệt ở Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, ông chững lại, đôi mắt trở nên xa xăm. Hình như trí nhớ của ông đang trôi về những ngày thanh niên tươi trẻ, khi ấy vào năm 1969, ông cùng bao lớp thanh niên của làng quê Phú Thọ lên đường nhập ngũ. Sau hơn 3 tháng huấn luyện tại Thanh Hoá, ông được biên chế vào Đại đội ĐKZ 15- pháo mặt đất, tham gia chiến đấu ở Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng. Tuổi trẻ với bao lý tưởng hoài bão, trải qua bao nhiêu cuộc hành quân, tham gia từng chiến dịch ở thượng Lào, thấu những vất vả khi vai mang pháo, chân bấm đá nhọn ngược lên dốc dựng. Cảm hơn sự can trường của anh em khi hiên ngang trước làn pháo địch để tháo pháo, vác pháo vào nơi an toàn bảo vệ vũ khí chiến đấu hơn sinh mệnh. Hiểu hơn sự ác liệt sau những lần nấp trong hang đá nhỏ bên đất bạn Lào để tránh những đợt pháo bắn trả quyết liệt, tránh những đợt ném bom không ngừng từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Đối mặt trước sinh tử để quý hơn hoà bình ngày hôm nay có được- Ông thốt lên như thế trước khi dừng kể. Năm 1973, vì là con trai duy nhất trong gia đình nên ông được xuất ngũ trở về Công ty vật tư nông nghiệp tỉnh Hoàng Liên Sơn công tác, được cử đi học Đại học Tài chính Hà Nội rồi lại trở về công ty. Sau trở thành Giám đốc, gánh vác công ty vượt qua nhiều khó khăn, nhất là trong thời kỳ bắt đầu xoá bỏ bao cấp, tự hạch toán, tự kinh doanh kiếm lời cho công nhân. Những ngày đầu tự bươn trải, Công ty giống như đứa trẻ bắt đầu phải cai sữa, mọi khó khăn, bỡ ngỡ ập về. Là người đứng đầu, trách nhiệm đặt lên vai ông. Làm thế nào để tìm nhà cung ứng với giá cả phải chăng, làm thế nào để giữ vững uy tín với người nông dân để họ không bỏ công ty ông mà lựa chọn công ty khác. Làm thế nào để kinh doanh có lãi nuôi hàng trăm công nhân đang trông chờ vào đồng lương ông trả. Đã vậy, có biết bao công ty được mở ra, thấy kinh doanh phân bón có lãi, họ chuyển sang lấn sân ông, trở thành đối thủ cạnh tranh của ông. Rồi hàng trăm cửa hàng bán lẻ ở các huyện thị, quản lý thế nào, ra quy chế ra sao để họ không lách luật bí mật mua chỗ khác bán kiếm lời riêng. Như thế ông sẽ vừa mất lãi, lại vừa mất uy tín vì sản phẩm trôi nổi sẽ không bao giờ đạt chất lượng tốt. Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu trăn trở khiến ông nhiều đêm không ngủ. Biết bao ngày miệt mài đi các tỉnh tìm nhà cung ứng đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng để ký hợp đồng mua bán. Biết bao hôm xuống cơ sở kiểm tra, tìm hiểu nhu cầu của bà con nông dân để lựa chọn mặt hàng kinh doanh. Tất cả đều được ông hoá giải. Lãi về, một phần dành trả lương cho công nhân, một phần gom góp cho số vốn dày lên để không phải đi vay trả lãi và một phần ông không bao giờ quên đó là dành cho phúc lợi. Đối với các cửa hàng, ông trả phần trăm hoa hồng hợp lý, sòng phẳng, ai bán được nhiều hưởng nhiều, cuối năm có thưởng. Mọi sự phân minh, khó khăn, hoạn nạn có công ty quan tâm động viên kịp thời. Những việc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân, ảnh hưởng đến tiền lãi ông tìm mọi cách hạn chế hết mức. Ngược lại cá nhân nào cố tình sai phạm, ông ra chế tài phạt nặng, tái phạm thậm chí bị đuổi việc khỏi ngành. Vậy là ông đã thảnh công trong việc xây dựng một mái ấm cho công nhân của công ty, làm cho công ty lớn mạnh. Chính vì thế trong những năm ông làm giám đốc, Công ty vật tư nông nghiệp Hoàng Liên Sơn, sau là Công ty vật tư nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động Hạng Nhì rồi Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 1999, ông chuyển sang làm Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, khi ấy vốn của công ty đã gấp 10 lần số vốn ban đầu tỉnh giao, Công ty chuẩn bị được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Điều đó khẳng định rõ nét nhất thắng lợi của ông trên thương trường kinh tế. Về Bảo hiểm, không phải bươn trải kinh doanh nhưng với đặc trưng công việc mới, thu sao cho đúng, chi trả bảo hiểm cho người lao động- những người yếm thế sao cho công tâm. Quản lý ngân sách sao cho an toàn tránh thất thoát cũng là điều không hề dễ. Nhưng ông cũng đã xây dựng được một tập thể vững mạnh. 12 năm làm Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, ngành Bảo hiểm cũng nhận được Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì rồi Huân chương Lao động hạng Nhất. Sau 42 năm cống hiến, với tinh thần của người lính Cụ Hồ, ông về hưu, trở về nơi cư trú để lại bắt đầu một công việc mới, công việc mà người ta gọi là làm dâu trăm họ, thường xuyên bận như bận con mọn, đó là Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 2, phường Đồng Tâm. Để đưa Chi bộ thành điểm sáng của cả thành phố như ngày hôm nay, không phải ai cũng biết ông vất vả xây dựng lòng tin như thế nào. Ở cái tuổi 72 mà ông vẫn cập nhật công nghệ thông tin để hoàn thiện tiêu chí chuyển đổi số trong xây dựng Chi bộ kiểu mẫu thì cũng thật đáng nể. Ông bảo, không những thế ông còn phải cập nhật thông tin trường xuyên để kịp thời nắm bắt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cung cấp cho các đảng viên. Do bận bịu chăm sóc bà nên những công việc ấy ông đều tranh thủ làm về đêm. Ông chợt dừng nói, gọi con ra dẫn mẹ vào nhà vì thấy bà đi ra cổng. Đứa con đi vắng, ông vội xin phép tôi chạy ra, nhẹ nhàng dẫn bà vào nhà. Bà ngoan ngoãn nở nụ cười rồi theo chân ông ngồi xuống ghế. Ông phân trần, cuối tuần tôi giao các con gái về đưa mẹ ra phố chơi cho đỡ buồn. Còn những việc khác tôi nhận cả. Vì các con đều đi làm, tối về còn chăm sóc con của chúng, mình nhận làm là đương nhiên. Mấy năm nay bà ấy nặng thêm nên công việc cũng có phần thêm bận. Nhiều khi muốn nghỉ Bí thư để tập trung chăm sóc bà nhưng chưa ai cho nghỉ. Chợt có khách gọi ngoài cổng, chú chó Tây có bộ lông màu nâu, được cắt tỉa điệu đà lao ra sủa vang, ông suỵt suỵt gõ gõ tay xuống ghế bên cạnh, chú chó nhảy lên ngồi ngoan ngoãn trên ghế. Tôi khen đẹp. Ông cười, cúi xuống xoa xoa đầu chú chó thủ thỉ “Đẹp thế này thôi nhưng hờn thì dai lắm đấy. Quát to một cái là dỗi, không ăn, không vào phòng ngủ cùng, có khi vào chuồng nằm từ sáng đến tối luôn”. Thấy cái cách yêu chiều con vật của ông tôi bật cười, cố tìm ra vẻ can trường của người lính Cụ Hồ năm nào mà không thấy. Chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi “Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” để thấy lòng mình thêm ấm. Chào ông ra về trong tiếng chim khiếu trong veo hoà vào không gian xanh và trong lành như thể đang ở một nơi quê kiểng, ông bắt tay tôi bảo, tôi thích không gian thế này, nó giống như ở quê tôi, vùng quê trong lành và hiền hoà, thân thiện.

H.K.Y

Các tin khác:

156-160 of 332<  ...  27  28  29  30  31  32  33  34  35  36  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter