• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
“Sôông tào cừ hầu chớ” lễ cưới truyền thống của người Mông Suối Giàng
Ngày xuất bản: 29/09/2020 1:13:18 SA

Nguyễn Mạnh Hùng 

Suối Giàng là một xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, với diện tích tự nhiên 5922ha, bao gồm 4 thành phần dân tộc, trong đó đồng bào Mông Si chiếm 98% dân số toàn xã. Người Mông ở Suối Giàng cư trú lâu đời và còn gìn giữ, bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa dân gian độc đáo và đặc sắc, một trong các giá trị di sản đó là lễ "Sôông tào cừ hầu chớ" (lễ cưới kéo vợ truyền thống).

Lễ cưới người Mông ở Suối Giàng mang đậm các giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng các sắc màu văn hóa với những nghi lễ riêng biệt, trong đó chủ yếu là lễ cưới kéo vợ "Sôông tào cừ hầu chớ". Ngoài ra, người Mông nơi đây còn có hình thức cưới khác là "Sôông tào nhang hầu chớ"- lễ cưới ở rể từ 1- 3 năm, khi gia đình nhà trai có điều kiện kinh tế sẽ tổ chức lễ cưới đón con dâu về. Ở trường hợp này có thể vợ chồng đã sinh từ 1- 2 con rồi vẫn được tổ chức đón dâu về nhà trai.

Lễ "Sôông tào cừ hầu chớ" của người Mông Suối Giàng trải qua nhiều bước. Đầu tiên là lễ dạm ngõ. Sau khi ưng cô gái nào trong bản, chàng trai rủ một số bạn bè thân thiết giúp đỡ để kéo cô gái về nhà. Nghi thức dạm ngõ chính là nghi thức nhà trai đưa cô gái trở về gia đình sau khi đã kéo về nhà mình, đồng thời có lời xin phép nhà gái cho phép được cưới cô gái về làm dâu bên gia đình nhà trai. Lễ vật trong lễ dạm ngõ được nhà trai chuẩn bị gồm 12 chiếc bánh giầy và 1 cây thuốc  lá. Nếu nhà gái đồng ý sẽ nhận lễ vật, còn không đồng ý họ sẽ tìm cách từ chối và trả lại lễ vật cho nhà trai.

Lễ ăn hỏi “Thống su” được tổ chức sau lễ dạm ngõ, gia đình nhà trai về nhờ một ông mối (chí tủa mền công), thay mặt gia đình lo liệu mọi công việc từ lễ ăn hỏi cho tới hết lễ cưới. Đồng thời cũng có nghi lễ mời những người khác giúp đỡ trong suốt lễ ăn hỏi và lễ cưới như mời người làm phù rể (phì langz), phù dâu (ua lùa), các ông cáng sử (người phục vụ bếp núc). Lễ vật trong lễ ăn hỏi bao gồm: 01 con lợn đen 30kg; 13 lít rượu; 01 cây thuốc lá; tiền mặt (bạc trắng hoặc tiền mặt tùy từng thời điểm) và các thực phẩm của nhà trai mang sang nhà gái làm cỗ mời thiết đãi nhà gái. Đoàn ăn hỏi của nhà trai sang nhà gái bao giờ cũng là đi chẵn, từ 8- 10 hoặc 12 người. Đoàn ăn hỏi của nhà trai dưới sự chủ trì của ông mối (chí tủa mền công) sang nhà gái đặt lễ vật lên bàn, làm lý mời rượu, mời thuốc lá tất cả những người của nhà gái và vào việc bàn chuyện ăn hỏi, cưới xin, lễ vật thách cưới, thời gian tổ chức lễ cưới và những việc quan trọng để lễ cưới diễn ra theo đúng tập quán truyền thống.

Lễ cưới chính thức gồm các bước lễ “Lày c’lang” nghi thức cúng tổ tiên trước khi lên đường. Đây là nghi thức cúng thông báo với tổ tiên biết về công việc quan trọng của gia đình để tổ tiên phù hộ; Gia chủ chuẩn bị một mâm cúng bao gồm 01 nồi cơm đặt chính giữa mâm cúng, 9 chiếc thìa đặt vòng tròn quanh nồi cơm và 9 miếng thịt mỡ đặt trong thìa, bên cạnh nồi cơm là một bát canh. Thầy cúng thay mặt gia đình cúng thông báo với tổ tiên biết việc quan trọng để tổ tiên phù hộ.

Lễ “Sì tu dì” (nghi lễ dặn dò đoàn đón dâu và trao quyền cho người dẫn đoàn). Một mâm cơm bao gồm những món ăn ngon nhất mời đoàn đón dâu. Lần lượt từ ông mối (chí tủa mền công) cho tới thành viên trong đoàn lần lượt ngồi vào mâm. Chủ nhà rót đôi chén rượu đầu tiên làm lý với ông mối (chí tủa mền công) và giao toàn bộ đồ thách cưới, đồng thời căn dặn giao toàn bộ quyền cho ông mối giải quyết mọi công việc của lễ cưới bên nhà trai cũng như bên nhà gái. Tiếp đó, chủ nhà cũng rót đôi chén rượu làm lý với từng người trong đoàn đón dâu, có lời nhờ cậy và dặn dò.

Lễ “Trang sớ kế mồng” (Tiễn đoàn đi đón dâu). Từ sau nghi thức “Sì tu dì” mọi công việc còn lại ở nhà trai sẽ được gia chủ bàn giao cho ông chủ mì (chủ lễ) và ông cáng sử (phụ trách bếp núc). Trước khi đoàn đón dâu lên đường, chủ mì và cáng sử tổ chức nghi lễ “Trang sớ kế mồng” để tiễn đoàn lên đường được bình an, may mắn, đón được cô dâu về đúng thời gian.

Cũng như lễ Sì tu dì, một mâm cơm lý được dọn lên, chủ mì và cáng sử mời đoàn đón dâu ngồi vào mâm. cáng sử rót mời lần lượt trong đoàn mỗi người đôi chén rượu từ ông mối (chí tủa mền công) cho tới người gánh lễ và mời trong ba lần. Lần mời rượu thứ nhất của cáng sử với ý nghĩa là “rúa tê” (rửa tay chân cho sạch sẽ) để tiến hành công việc cho trôi chảy; chén thứ 2 “rề chủ” lên mâm có nghĩa mời mọi người ngồi vào mâm và chén thứ 3 là “láu sày” có nghĩa mời mọi người ăn sáng trước khi lên đường để có sức khỏe lo liệu công việc. Bữa cơm này là lý tiễn đoàn gặp nhiều may mắn của chủ mì và những người có mặt hôm đó.

Lễ “Sớ kế” (Lên đường). Đến giờ xuất phát đi đón dâu theo nghi thức đã được xem giờ từ trước, gia chủ đặt một chiếc bàn giữa nhà, mọi lễ vật mang sang nhà gái cùng đồ thách cưới và chiếc ô vía được đặt lên bàn, trên cùng là đôi chén rượu bằng ống nứa. Thành viên trong đoàn đứng quanh chiếc bàn, cáng sử rót đôi chén rượu mời Chí tủa mềnh công làm lý tiễn đưa đoàn đi đón dâu may mắn, ông mối nhận đôi chén rượu và mời lại cáng sử một chén, cả hai cùng uống để thực hiện nghi thức lên đường. Chú rể và phù rể thực hiện nghi thức quỳ lạy tổ tiên và đoàn đón dâu lên đường. Đi đầu là chí tủa mềnh công cầm ô vía, tiếp theo là “trình giangz”- người gánh lễ, tới chú rể, phù rể, phù dâu và những người giúp việc khác tham gia đoàn đón dâu. Trên đường đi đón dâu, dù xa hay gần đoàn đón dâu đều có nghi thức dừng nghỉ chân ăn cơm giữa đường. Thức ăn là gói xôi và một con gà luộc do gia đình chuẩn bị sẵn để ông mối và đoàn đón dâu có sức khỏe mạnh mẽ để hoàn thành công việc trọng đại của gia đình.

Các nghi thức lễ cưới diễn ra tại nhà gái như lễ “Rẹ ao giang” (nghi thức giao nhận đồ thách cưới); lễ Lên mâm “Dê chủ” (mâm cơm mừng lễ cưới) và lễ “Sớ kế” ở nhà gái tiễn đưa cô dâu lên đường về nhà chồng.

Lễ cưới chính thức tại nhà trai bao gồm các nghi thức: lễ “Cho giang” (nghi thức bàn giao công việc của chí tủa mền công cho chủ mì; lễ “Lày clang sông”  nghi thức cúng tổ tiên cho đám cưới ở nhà trai. Tiếp theo tiến trình của một lễ cưới truyền thống của người Mông ở Suối Giàng là nghi thức tổng kết lễ cưới “Hầu chớ” và lễ lại mặt “Tró trôông” là kết thúc toàn bộ lễ cưới truyền thống của người Mông ở Suối Giàng.

Lễ cưới truyền thống “Sôông tào cừ hầu chớ” là một trong những nghi thức quan trọng bậc nhất trong chu kỳ vòng đời của  người Mông ở Suối Giàng, nó đánh dấu mốc trưởng thành của mỗi con người. Cũng như các dân tộc khác, người Mông cũng mong muốn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, con người được khỏe mạnh, sống hài hòa với thiên nhiên và mong muốn vươn tới những giá trị tốt đẹp. Tất cả những ước nguyện đó đều được thể hiện thông qua các nghi thức của lễ cưới truyền thống, nó hội tụ đầy đủ các giá trị cao đẹp của cuộc sống như các giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn. Ngày nay, mặc dù có nhiều thay đổi trong thời kỳ phát triển mới, song người Mông ở Suối Giàng vẫn giữ gìn được những nghi lễ cơ bản, quan trọng của lễ cưới truyền thống, góp phần bảo tồn, gìn giữ được những giá trị bản sắc văn hóa của người Mông trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Yên Bái.

 

N.M.H

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter