• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Mỹ thuật trang trí trên y phục nữ của người Dao Yên Bái
Ngày xuất bản: 02/06/2023 3:36:13 SA

LÝ KIM KHOA

Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái có 101.221 người Dao. Trong đó có 51.481 nam, 49.740 nữ và sinh sống tập trung đông nhất ở huyện Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên và Văn Yên. Có 04 nhóm tộc người Dao: Dao Đỏ, Dao Quần trắng, Dao Quần chẹt và Dao Tuyển.

Với bộ trang phục nữ truyền thống gồm các loại khăn, mũ, áo, yếm, quần, thắt lưng, xà cạp, đồ trang sức... của các nhóm Dao cho thấy, đồng tộc này có sự đa dạng và phong phú trong tư duy kỹ thuật và thẩm mỹ. Qua trang phục, đặc biệt là trang phục nữ, cộng đồng Dao ở Yên Bái đã góp “sắc thái” về mỹ thuật của tộc người khá đặc biệt so với một số các tộc người khác ở địa phương miền núi Yên Bái.

Khăn của người Dao Đỏ, Dao Quần trắng... làm bằng vải màu chàm, màu đỏ, không chỉ để trang trí hoa văn mà là kết hợp với các chất kim loại, hạt cườm... Trong các ngày thường và lễ hội, ma chay, cưới xin, khăn được sử dụng vấn, đội theo nhiều cách khác nhau. Có loại đội thành mái trên đỉnh đầu hoặc phủ thành vành rộng trong lễ Cấp sắc hay cưới xin (Dao Đỏ- Phúc Lợi, Viễn Sơn..., Dao Quần chẹt- Kiên Thành, Cát Thịnh). Có loại quấn gọn thành mái trên đầu, thả một góc ra phía trán, đội ngoài mũ (Dao Quần trắng, Dao Tuyển- Cẩm Ân, Lang Thíp...). Mẫu khăn, hình dạng và cách đội khăn của các nhóm Dao theo kiểu nhiều lớp chồng lên nhau cũng đa dạng. Với các chất liệu gỗ, tre, nứa, xơ mướp, sáp ong... nữ phục người Dao có các loại mũ to, mũ nhỏ, tròn, rộng nhiều loại dùng trong ngày thường và lễ cấp sắc, lễ khai quang, cưới xin, ma chay. Mũ phủ khăn thêu hoa văn dùng trong ngày lễ cấp sắc (Dao Đỏ, Dao Quần chẹt), mũ đội thường nhật có hình sao 6 đến 10 cánh bằng đồng bạc đính trên đỉnh và nhiều đồng bạc nhỏ tròn đính xung quanh vành mũ nổi bật trên nền vải chàm đen xanh.

 Trên nền vải chàm của các loại áo dài xẻ ngực, các nhóm Dao đều có sự cắt ghép, thêu màu sắc để trang trí khác nhau và có lối mặc khác nhau cùng với các loại áo, yếm, quần. Phụ nữ Dao Đỏ tập trung chú ý trang trí đường viền quanh cổ và hai nẹp trước ngực bằng đồ án hoa văn hình học, cây thông và thêu bằng chỉ ngũ sắc trong các bố cục dải ngang. Trên nền chàm phía lưng áo ngay dưới gáy có mảng đồ án hoa văn hình chữ nhật, giống cái triện “đấu ấn của Bàn Vương”, trang trí cây thông, làm chủ đạo, hoa văn hình học. Nửa dưới thân áo phía sau (từ thắt lưng trở xuống đến bắp chân) là mảnh đồ án hoa văn lớn (dài bằng thân trước, ôm lấy hai chân), cũng có khi dùng tạp dề thêu phủ kín hoa văn thì quần chỉ còn thêu ở gấu quần nổi bật ở phía trước cũng là đồ án hoa văn lớn. Cùng với mô tít hoa văn trên, trong bố cục nhiều đường viền hình chữ U bao quanh hình chữ nhật đứng, trang phục người Dao Đỏ còn nổi bật đường viền ở cổ và nẹp áo phía trước màu đỏ (áo bên trong) và hai hàng bông vải màu đỏ đính trên mép áo ngoài. Phụ nữ Dao Quần chẹt lại có đường viền cổ và nẹp áo thêu rộng 02cm, vừa phải về diện tích (chỉ đến dưới ngực), nhưng vẻ đẹp lại tập trung ở cái yếm bên trong. Yếm được thêu và đính hai hình bán cầu bằng kim loại bạc, nổi trên nền hoa văn giữa ngực... Phụ nữ Dao Quần trắng (Cẩm Nhân, Tân Hợp...), ngoài chiếc khăn thêu cũng tập trung trang trí ở phần ngực và có đường viền thêu chỉ màu nổi bật, chạy qua vai và hai ống tay áo... Nhìn chung, áo của các nhóm Dao đều chú ý đường viền mép bằng chỉ màu khác biệt, trang trí phần gấu áo, lưng áo và nửa dưới thân áo phía sau. Riêng người Dao Đỏ đặc biệt chú ý ở viền cổ, nẹp trước ngực và hai bên ống tay.

 Dây thắt lưng, thắt lưng của các nhóm Dao thường là màu đỏ, hoặc dệt dây có hoa văn: trắng, đỏ, xanh, chàm. Loại thắt ngày thường thì đơn giản, loại thắt trong lễ cấp sắc, cưới xin, ma chay... được đính thêm các chuỗi hạt cườm, bông vải, đồng bạc trắng. Dây thắt lưng thắt ở lưng ngoài áo với các phong cách trang trí và lối ăn vận tạo nên mỹ thuật riêng biệt ở các nhóm Dao.Ở Yên Bái không có nhiều tộc người có kiểu trang trí trên quần như người Dao. Quần được trang trí chủ yếu ở nhóm Dao Đỏ, Dao Quần chẹt. Quần mặc ngày thường có phần trang trí đơn giản hơn lễ cưới xin, lễ cấp sắc... về diện tích và kiểu thêu phủ hoa văn. Phong cách trang trí cũng là các dải ngang có hình chữ nhật màu đỏ hoặc vải vuông nhỏ màu trắng, màu vàng, màu đỏ, màu xanh chàm..., xử lý linh hoạt cách nhau trong bố cục tổng thể của y phục.

 Đồ trang sức của tất cả các nhóm Dao ở Yên Bái hầu như chủ yếu làm bằng bạc gồm các loại: vòng tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn, cúc bạc, xà tích... đều là màu trắng của kim loại bạc nổi trên nền của vải chàm và các mầu khác là một tiêu chuẩn quan niệm về cái đẹp của đồng bào Dao. Hầu như ở tất cả các nhóm Dao, các loại đồ trang sức thường được đeo với số lượng khá nhiều so với các tộc người khác. Đại diện ở nhóm Dao Đỏ: vòng cổ thường mang 05 đến 07 chiếc, vòng cổ tay 03 đến 05 chiếc, cúc bạc có từ 15 đến 25 chiếc, nhẫn cũng từ 04 đến 08 chiếc. Có thể nói việc đeo, mang bạc không chỉ phản ánh các vấn đề về kinh tế- xã hội mà còn là quan niệm về mỹ thuật, hay thẩm mỹ, và một vấn đề xưa hơn nữa là tộc người này là tộc người thường du canh- du cư, nhà cửa không kiên cố, tạm bợ, nên tài sản thường đem theo người, ngày nay thường vẫn thấy vàng bạc đem bọc vào răng vừa là để trang trí vừa là để tích trữ tài sản của hồi môn là như vậy.

Mỹ thuật trang trí trên y phục nữ người Dao ở Yên Bái cũng như ở Việt Nam, phản ánh về một phong cách văn hóa, trình độ thẩm mỹ, mỹ thuật khá đa dạng và phong phú của một tộc người với nhiều nhóm địa phương. Y phục nữ của người Dao còn phản ánh sự phong phú về hiện tượng văn hóa. Trang y phục truyền thống của người Dao không phải ở tộc người nào cũng có được sự đa dạng về chủng loại trang phục, về cá tính, phong cách, kỹ thuật tạo dáng, khăn, mũ, áo, yếm... trang sức; về hoa văn nghệ thuật trang trí in, thêu, dệt, nhuộm, cắt ghép và cá tính dùng gam màu nóng, lạnh ôn hòa thiên nhiên... tạo ra sự khác biệt không lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác.

Trong vốn văn hóa chung của cộng đồng người Dao, y phục phụ nữ Dao phản ánh về trình độ phát triển tộc người, mối liên hệ lịch sử, văn hóa với người đồng tộc ở các tỉnh xung quanh trong nước, thậm chí “liên quốc gia”. Các nhóm Dao ở Yên Bái đều có cá tính và phong cách mỹ thuật, kỹ thuật, tạo hình riêng của mình, khá đặc trưng và mạnh mẽ, sinh động. Di sản văn hóa truyền thống của người Dao đã góp phần làm giàu có, phong phú thêm vườn hoa bản sắc ở Yên Bái và của cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

                                                                                                                L. K. K

 

                                                                               

           

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter