• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Tục tác thành và đặt tên con của người Dao quần trắng
Ngày xuất bản: 23/03/2020 3:46:51 SA

Hoàng Tương Lai 

Cho đến ngày nay, người Dao quần trắng ở huyện Yên Bình vẫn giữ được  cơ bản những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình như tiếng nói, trang phục, nhà ở và các món ăn truyền thống. Khi còn ở trong lòng hồ thủy điện Thác Bà, người Dao quần trắng sống quần tụ bên nhau dọc bờ sông Chảy, thành những làng bản (gọi là động) cùng với đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Cao Lan. Khi nhường quê cũ cho công trình nhà máy thủy điện Thác Bà, chuyển đến quê mới, người Dao sống thành từng thôn. Họ ở nhà sàn làm bằng gỗ rừng, làm ruộng, giỏi làm nương, săn bắn thú rừng và đánh bắt cá. Quần áo mặc bằng vải chàm đen tự dệt, tự nhuộm. Đối với chị em người Dao, mặc áo dài đến gối, có chiếc yếm thêu hoa văn rất đẹp, đầu đội chiếc mũ có nhiều tua vải màu trông rất duyên dáng cùng vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Còn đàn ông mặc quần áo nâu hoặc chàm đen, trong lễ hội hoặc đám cưới họ mặc quần trắng, áo dài đen. Người Dao quần trắng hát giao duyên với nhau gọi Ái Dủng. Trong đám cưới, lễ hội và đặc biệt là khi ở trên nương, cách nhau từ đồi này sang đồi kia họ cũng hát giao duyên đối đáp với nhau. Khi giọng hát làm bên nam động lòng xao xuyến, bên nhà trai sẽ nhờ người sang hỏi thăm rồi bắn tin- đánh tiếng với nhà gái.

Bên nhà trai bắt một con gà giò (loại chưa biết đạp mái) đem sang nhà ông mối, nhờ đi hỏi rồi cùng sang bên nhà gái bắc nước mổ gà. Gà luộc vừa chín tới, họ cắt lấy đôi chân để xem, nếu hợp thì xin phép cho con trai mình được lui tới nhà gái làm việc từ lên nương, ra đồng cày bừa gặt hái, giúp nấu cơm canh, lấy củi, giao lưu cùng họ mạc, hát giao duyên. Sau khoảng một hai tháng, nếu hai bên đều ưng thuận thì mới chính thức bàn tới việc làm lễ cưới. Trường hợp không ưng thì phải bắt một con gà giò, cùng ông hỏi (mối) đến nhà gái trả lời là thôi. Còn nếu qua thời gian “thử thách”, người con gái không ưng thì cũng phải đem một con gà giò đến nhà trai nói chuyện lại. Khi đôi bên đều đã ưng thuận, nhà trai tiếp tục nhờ ông mối mang một đôi gà sang nhà gái, cùng làm cơm ăn rồi nói chuyện về việc xem chân gà đã hợp rồi, thời gian tới sẽ sang bàn việc xây dựng hạnh phúc cho đôi trẻ. Ông mối hỏi xin lộc mệnh của người con gái để nhà trai nhờ thầy xem có hợp không. Sau đó, nhà trai mang lễ vật đến nhà thầy xem số có hợp nhau không. Sách xem chủ yếu là: Kim- Mộc- Thủy- Hỏa- Thổ, xem có xung khắc gì không. Ví dụ người con gái là mệnh Kim, người con trai là mệnh Thủy là tốt, vì Kim sinh Thủy, người con gái đó đảm đang nuôi giúp được chồng. Tiếp theo, bên nhà trai nhờ ông mối chính thức mang sáu đôi gà sang nhà gái dạm hỏi và bàn tới việc tổ chức cưới cho đôi trai gái. Người Dao quần trắng chỉ hỏi vợ cho con trai từ tháng 2 đến tháng tư, còn tháng 5, 6, 7 không bao giờ tiến hành hỏi vợ cho con. Ngày cưới cũng phải xem ngày thật đẹp từ tháng 8 trở đi, tránh xung khắc mệnh của đôi trai gái cùng bố mẹ hai bên. Trong lễ cưới, ông thầy làm lễ “hợp hôn” để đôi trẻ chính thức thành vợ chồng, từ đấy vợ chồng mới được chung chăn chung gối với nhau.

 Khi người vợ mang thai phải kiêng cữ: gặp đám hiếu không được đến gần, không được cãi cọ nhau gây bực tức, kiêng nhìn thấy máu và sát sinh như mổ gà, vịt, lợn. Vợ chồng người Dao vốn chăm chỉ, chịu thương chịu khó, làm việc không ngơi tay, nhưng khi mang thai luôn đi lại nhẹ nhàng, tránh mang vác nặng. Tất cả việc làm đó là giữ đứa con trong bụng mẹ được an toàn, đứa trẻ sinh ra được khỏe mạnh, thông minh, giỏi giang.

Khi sinh con được bốn mươi ngày, người Dao mời thầy đến kính báo với tổ tiên, là họ nhà mình có một thành viên mới. Tên được đặt để làm thủ tục khai sinh đến tuổi bắt đầu cắp sách tới trường. Còn một cái tên khác, tên chính thức được tổ chức rất trang trọng. Cái tên đó được mang để đánh giá sự trưởng thành của cả nam hay nữ trong dòng họ, trong gia phả của dòng tộc. Lễ đặt tên cho con phải đúng năm chẵn, khi con được 10, 12 hoặc 14 tuổi. Nếu là nam còn mang một ý nghĩa khác, đó là cái tên mà sau này đến tuổi cấp sắc học chữ nôm nho để làm thầy, lại đi cấp sắc hoặc đặt tên cho các thế hệ kế tiếp. Buổi đặt tên chính thức được ông thầy xem ngày rất kỹ và đón thầy đến nhà đứa trẻ đó để đặt tên. Tên người được đặt phải không trùng với bên nội bên ngoại ba đời cụ kỵ. Người ta viết bốn tên bằng chữ Nôm, mỗi tên một tờ giấy vo tròn cho vào một cái sàng cùng khoảng cân rưỡi gạo. Trước hương đèn cùng mâm cúng đặt trước gian thờ, ông thầy làm phép khấn với tổ tiên rằng, đứa trẻ sinh ra đã đến tuổi biết đi biết nói lời hay, nhìn thấy những điều tốt đẹp, biết cái chữ ở trường ở lớp, nay xin tiên tổ về chứng giám cho lễ đặt tên này. Ông thầy sàng bốn cái tên đó trên chiếc sàng cùng gạo và đứa trẻ ngồi đấy giơ vạt áo ra hứng. Khi ông hất vào lòng đứa trẻ, mọi người giở ra, biết tên rồi vo tròn lại để thầy tiếp tục sàng. Phải sàng và hất lần thứ ba vẫn viên giấy có cái tên đó rơi vào lòng đứa trẻ thì chính thức cái tên đó được đặt. Quá trình làm, người ta ghi cả tên đã khai sinh của đứa trẻ đang mang cùng đưa vào sàng xóc, nếu tên đó cũng ba lần rơi vào vạt áo trong lòng đứa trẻ thì tiếp tục mang tên đó. Người nhà cho rằng, tên của đứa trẻ mang “tạm” rất hợp nên đứa trẻ sẽ chóng lớn, giỏi giang.

Tên của đứa trẻ được đặt trong lễ đặt tên sẽ chính thức mang suốt cuộc đời, bên cạnh cái tên khai sinh để đến trường học. Tên được đặt hôm làm lễ đặt tên đó chỉ làm đối với nam giới được mang tên mới để cấp sắc đánh giá sự trưởng thành rồi tiếp tục học làm thầy bằng chữ Nôm Nho để giúp ích cho đời. Đó là những nét văn hóa riêng có của người Dao quần trắng xin giới thiệu cùng bạn đọc gần xa. 

   

                                                                     H.T.L

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter