• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Lành "E rờ A"
Ngày xuất bản: 23/03/2022 3:23:55 SA

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thanh

 

            Cậu Quang đội chiếc mũ cát két màu nắng, vẫn bộ quần áo nâu sồng, chân đi đôi dép cao su, vai đeo xà cột từ cổng bước vào, chưa đến cửa đã gọi tướng lên:

            - Bác cả có nhà không? Ký giấy chưa hử? Nhà nào cũng như bác thì …

            Lành dập vội mồi rơm vừa đẩy vào bếp đun cám lợn, phủi hai bàn tay vào ống quần hớt hải chạy ra:

            - Cậu! Thầy cháu nằm trong nhà từ sớm chẳng ra đến ngoài.

            - Thế không cày bừa gì hử? Người ta đang dắt trâu, vác bừa về ầm ầm kia rồi!

            - Hay thầy cháu ốm! Cháu chưa kịp hỏi. Mời cậu vào xơi nước ạ!

            - Nước nôi gì! Gọi Thầy dậy cho cậu nhờ một việc!

            Bước qua ngưỡng cửa vào nhà. Cậu Quang hạ mũ quạt qua loa cái mặt ghế rồi ngồi xuống, tay trái với chiếc điếu cày, tay phải vê vê mồi thuốc đút vào nõ điếu. Đến bên chiếc giường tre, Lành lay gọi khe khẽ như thăm dò:

            - Thầy… Thầy ơi… Thầy! Cậu Quang đến chơi…

            Ông cả Yên không trả lời mà trở mình nằm quay mặt vào trong vách. Rít xong điếu thuốc lào, nhả khói cuồn cuộn rồi sít miệng nuốt ực miếng khói đọng lại trong khoang miệng theo thói quen, cậu Quang bước đến bên giường lay gọi ông anh:

            - Bác cả! Bác nghe em nói này! Trước hết bác phải thương em. Chi bộ giao em cái nhiệm vụ tổng động viên bà con đi xây dựng kinh tế miền núi. Người nhà mà không động viên được thì còn nói ai nghe!

            Ông Yên kéo chiếc khăn mặt đậm đặc mùi mồ hôi từ cổ lên che tai, lôi đầu khăn dụi dụi vào mắt. Hình như có những giọt nước mắt vừa ứa ra. Cậu vỗ vỗ vào vai ông anh nói tiếp:

            - Cái thứ hai là lên miền ngược đất rộng, người thưa… chứ ở nhà kiếm bát cơm còn chật vật bác ạ! Bác phải nghĩ đến lũ con kìa!

            Bỗng ông Yên bật khóc rưng rức, ngồi nhổm dậy, ấp chiếc khăn mặt lên hai mắt, giọng của người đang khóc nghe méo xệch:

            - Cậu bảo tôi đi làm sao cho đành… Mồ mả ông cha đây! Quê cha đất tổ đây!... Thôi thì ruộng ít, ăn ít… Đời cua cua máy. Đời cáy cáy đào… hu... hu… hu… Mà nhà tôi có đến nỗi đói khát quá đâu… Qua mấy vụ lúa còn mua lại cái xe đạp của thằng Đồng trong làng đấy thôi!

Lành chạy ra sân. Chưa bao giờ cô thấy thầy khóc như vậy. Lấy tay áo quệt ngang dòng nước mắt đang trào ra như mưa, cô vào bếp cời đống tro nóng, đẩy nùm rơm vào rồi cong mông, chúi đầu, phồng má thổi cho mồi lửa nhen lên. Tiếng rơm cháy lách tách, lửa bùng bùng liếm lên cả vung nồi. Cậu Quang rảo chân đi ra vẻ bất lực, không nói không rằng.

Lành là con cả, dưới còn năm đứa em, đứa học đứa không, con em gái đã biết giúp thầy u cấy lúa tuy bàn tay chưa ôm kín đon mạ. Đứa bảy, tám tuổi đã theo bạn bì bõm mò con cua, con tép; đứa thì đang tập bừa, đứa đến mùa theo chân đội gặt đi mót thóc rơi… Bước sang tuổi mười bẩy cơ thể Lành phổng phao, chân tay cứ thoăn thoắt hết việc này sang việc nọ không biết gì là mệt mỏi. Bởi vậy tối hôm sau cậu Quang sang gọi chị gái ra góc sân rì rầm chuyện to, chuyện nhỏ, Lành thấy u gật gật đầu rồi hai chị em kéo tay nhau vào nhà nói chuyện với thầy. Sau cái nháy mắt đẩy đưa của em cậu, u lên tiếng trước:

- Thầy nó ạ! Thầy nó nhất quyết không đi miền ngược thì cho con Lành nó đi theo cậu, chả có nhà mình thành đối tượng chống đối chủ trương!

            Sau khi bắn liền ba điếu thuốc lào, ông Yên mới hắng giọng nói:

            - Không đi đâu sất! Con Lành đi thì lấy ai cấy hái giúp u nó! Giờ nó cũng là lao động chính rồi! Sắp tấp tểnh chồng con rồi! Lên trên ấy làm bà cô mãi à?

            Cậu Quang được thể nói chen vào một mạch:

            - Bác cứ yên tâm, em quyền trong tay, làm gì không bố trí cho nó được một công việc hợp lý! Bác thương em thì bác gật một cái đi, mai là em phải tập hợp mọi người, có nhà đi tất, có nhà đi một nửa, huyện thuê xe ô tô rồi. Những nhà đồng ý đi cũng gói ghém đồ đạc sẵn sàng rồi nhé bác!

            Đoàn xe tải ì ạch chở hơn một trăm hộ dân được phân bố lên tỉnh Nghĩa Lộ. Đường núi quanh co, xe xóc long sòng sọc. Phụ nữ, người già nôn ọe ầm ầm, trẻ con khóc theo phản ứng dây chuyền toáng loạng cả lên. Những âm thanh lẫn lộn "Nam mô A di đà Phật! Lạy chín phương giời, mười phương Phật che chở cho đàn con cháu của con đi đến nơi về đến chốn!", "Con về nhà thôi! Hu, hu… Nhất quyết con phải về, không thì con nhảy xuống đất đi bộ về đây này…!", "Ối giờ đất ơi! Bên vách núi, bên vực thẳm thế này, lái xe cẩn thận nhé! Nghiêng một phát là cả xe toi đời!", "Phỉ phui cái mồm! Ngồi yên cho nhờ đi!", "Đấy, mọi người có nghe tiếng vượn hú chưa? Eo ôi rừng cây rậm rạp thế kia không khéo bị beo vồ mất xác", "Gớm! Nghe kinh chết đi được! Thôi đừng nói nữa, điếc tai, nẫu ruột quá!”..Trưởng đoàn của mỗi xe hết dịu giọng động viên đến lên tiếng quát nạt mà không nổi. Nhưng rồi các đích đến vẫn đến nơi an toàn.

Minh họa: Lê Trí Dũng

 

Dân làng An Châu của Lành được sắp xếp trên ba quả đồi đầy cỏ tranh, cây cối um tùm. Người dân bản địa ở đây đã chặt cây dựng lán chạy quanh chân đồi để đón người xuôi lên. Sạp giường, bàn ghế đều làm bằng tre, nứa, vầu, mái lợp phá đan bằng những phên nứa xếp lên nhau dày dặn, vách lán cũng toàn ken nứa… Một thôn mới được thành lập lấy tên là thôn An Sơn, với ý nghĩa Sơn là núi, An là chữ đầu của An Châu để giữ cái gốc quê. Lành ở cùng lán nhà cậu Quang, cậu là đảng viên nên làm đội trưởng sản xuất, Lành được chỉ định làm bí thư chi đoàn thanh niên. Ba tháng đầu các gia đình được huyện, xã vận động bà con dân bản góp ngô, khoai, sắn, còn nhà nước hỗ trợ mỗi nhân khẩu năm cân gạo một tháng để bước đầu ổn định cuộc sống. Hàng ngày Lành cùng các nam thanh, nữ tú hăng hái phát cây, đào rễ cỏ tranh, cuốc đất, lật cỏ. Các bà, các mẹ thì vơ cỏ đánh đống để đốt lấy tro. Đàn ông khỏe mạnh chuyên đào rãnh, be bờ dưới khe trồng lúa nước, đánh đất, tạo luống để tra từng hạt ngô, cắm từng ngọn khoai, đặt từng hom sắn trên đất mới. Đất không phụ công người, chỉ nhoáng một cái những nương ngô lên xanh ngát, trổ cờ và ra bắp. Bắp nào bắp ấy tròn căng, nây hạt. Nhổ một gốc sắn là bật lên một chùm củ mũm mĩm, trĩu trịt… Nhìn thành quả lao động trên quê mới cậu Quang nhảy cẫng lên reo vui như đứa trẻ và giọng thuốc lào ngâm nga câu thơ mà chẳng nhớ là của ai "Bàn tay ta đã nàm ra tất cả/ Có sức người thì sỏi đá cũng thành công!". Lành giơ chiếc nón lên cao vẫy vẫy rồi to tiếng đính chính "Đội trưởng ơi! Sỏi đá cũng thành cơm chứ!...". Mọi người vỗ tay tán thưởng và trêu ông đội trưởng đã thêm nếm từ ngữ nhưng vẫn hay!

Rồi Lành được tuyển lên huyện đoàn làm cán bộ thoát ly. Hầu như tháng nào cô cũng biên thư về kể cho thầy u và các em báo tin tức từng nhà giờ ra sao, mình đã làm được những việc gì. Có lần thằng Vui, em kế tiếp với Lành đem thư ra đọc cho mọi người nghe để khoe chị được đi thoát ly. Có lẽ vì vậy mà Lành hay nhận được thư của Đôn, thằng bạn cùng lớp, con ông Đấu giàu nhất làng, hồi cải cách suýt nữa thì bị đấu tố. Nhưng cái ngữ thằng Đôn chỉ để cho Lành lót chân! Trai tráng gì mà lười! Gặp gái nào cũng ghẹo, ghẹo nào có xong mà chỉ nhận được cái tát! Vì nó mà gái làng An Châu trở nên đanh đá cá cày. Ngày đầu lên huyện, Lành được xếp ở chung phòng với chị Thiện người quê Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Tính chị hiền lành, thông minh, nói năng khúc triết, câu nào chắc câu ấy. Chẳng thế mà được bầu làm Phó Bí thư huyện đoàn. Rồi Lành được cử đi học bồi dưỡng nghiệp vụ, nào là công tác thanh vận, phụ vận, nông vận, dân vận… Nghe trìu tượng quá đi mất. Ở lâu bên chị Thiện, Lành học tập được rất nhiều điều, nhất là cách hướng dẫn thanh niên các xã làm công tác vận động bà con định canh định cư, thâm canh lúa hai vụ, tăng gia, chăn nuôi, không để đất trống…

Một hôm Lành nhận được bức điện đánh từ quê nhà "Về ngay! Thầy sắp mất!". Cả cơ quan cuống cuồng lo cho Lành. Cậu Quang nghe tin lọc cọc đạp xe cách bốn mươi cây số từ xã lên huyện. Sáng hôm sau hai cậu cháu mới mua được vé xe. Một chặng từ Nghĩa Lộ ra Yên Bái mất một ngày đường. Chờ một ngày, một đêm ở ga Yên Bái mới mua được vé tàu về Hà Nội. Lại đi bộ ra bến xe mua vé về Thái Bình. Xuống xe lại đi bộ tiếp gần chục cây số mới về đến đầu làng. Suốt chặng đường Lành khóc sưng cả mắt, cậu Quang tỏ vẻ áy náy khi đưa Lành theo mà khi cha mất không được nhìn thấy mặt. Qua từng thửa ruộng người làng ai nấy giơ tay vẫy chào người đi xa trở về và hẹn tối sang chơi nhà. Đến cổng, lũ em chạy ra mừng quýnh:

- A! Chị Lành về! Cậu Quang về! Thầy ơi! U ơi! Chị Lành về!.....

Thì ra ông Yên làm cách đó để Lành phải về. Lần này ông quyết không cho nó đi. Nó phải ở nhà lấy chồng. Ông và u nó đã nhận lời một đám làng bên rồi. Cuộc họp gia đình tối hôm đó có cả cậu Quang, phân tích hết lời nhưng không thắng nổi anh cả. Cậu đành bắt xe ngược một mình. Rồi lễ dạm ngõ, ăn hỏi vẫn diễn ra. Lành sôi nổi là thế mà cả tuần chẳng nói, chẳng cười. Trước hai ngày nhà trai chuẩn bị trầu cau xin cưới, Lành nói rành mạch với thầy u:

- Con lạy thầy, con lạy u! Con không thể nghe theo thầy u vì người đó con không yêu!

- A! Con này! Dám trái lời tao à? Người ta đặt trầu ăn hỏi là xong nhé! Mày làm sao lấy được thằng khác nữa!

- Con không lấy ai cả! Con chỉ xin thầy u cho con lên trên đó với cậu Quang. Con bắt đầu quen việc rồi. Với lại…

Không khí căn nhà trở nên nặng nề. U ngồi thườn thượt trong bếp, tay gẩy rơm rệu rạo. Thầy hết quăng lại quật bất cứ thứ gì có vẻ vướng chân vướng cẳng. Lành bỏ ra sườn đê ngồi vặt trụi đám cỏ may già vứt lả tả xuống lòng sông…

Đêm tĩnh lặng. Lành rón rén nhấc chiếc xe đạp ra ngõ, cố hết sức không để xảy ra một tiếng động nào. Cô đạp xe trên con đường đê, rướn người đạp và thỉnh thoảng ngoái lại nhìn như sợ có ai đó đang đuổi theo. Trời nhập nhoạng sáng cũng là lúc cô đến bến xe tỉnh. Trong túi chỉ còn năm hào, cô đạp xe tiếp lên Hà Nội. Nhưng tiền đâu mà mua vé tàu nhỉ? Lành ăn tạm chiếc bánh mì hai hào rồi cứ dọc đường quốc lộ đạp chiếc xe lạch cạch đi, đến đâu hỏi thăm đến đó. Tới ga Việt Trì, cô mệt lả dựng xe, ngồi ôm gối ngủ. Bỗng có tiếng la lớn:

- Trộm! Ăn trộm xe đạp kìa! Ngủ gì mà như chết rồi thế hả giời!

Lành bừng tỉnh giấc. Chiếc xe đạp sau lưng đã rời chỗ. Mọi người hô hoán. Một thanh niên đạp xe đuổi theo tên trộm và giữ lại được chiếc xe của Lành. Người thì trách, người thì cảm thông, nhưng đa số là khen cô hôm nay may mắn gặp "Lục Vân Tiên" tái thế. Nhận lại xe, Lành cảm ơn rối rít. Bỗng cô ngó đăm đăm vào chiếc biển xe của người vừa bắt cướp đòi xe cho mình. Lành nhìn anh, lại nhìn biển xe, miệng há hốc, mắt tròn xoe, rồi chộp lấy bàn tay người ấy lắc lắc vẻ sung sướng như gặp người thân sau bao ngày xa cách:

- Anh! Anh… Anh người Nghĩa Lộ sao?

Anh thanh niên ngơ ngác:

- Không! Tôi… Tôi người Việt Trì. Nhưng sao cô… sao cô biết tôi ở Nghĩa Lộ?

- E rờ A! Biển xe E rờ A đây mà!

Một chị ngó tận mắt vào biển số xe đạp đọc "R.A 0147." Thế thôi! Chả có gì làm bằng chứng là anh chàng này người Nghĩa Lộ. Anh thanh niên lúc này mới vỡ lẽ, cười thân thiện:

- Cô thông minh lắm! Xe tôi mượn của thủ trưởng nên chẳng để ý! Nghĩa Lộ biển "R.A", còn Phú Thọ là gì nhỉ? Chịu, tôi chịu cô!

- Vậy hôm nay anh có lên trên đó không?

- Có! Hay mình cùng đạp xe đi! Tôi chờ một ngày mua được vé người nhưng lại hết vé xe đạp. Cô mà chờ mua được vé cũng lâu đấy!

- Thế càng tốt! Với lại em hết tiền mua vé. Nhưng anh gì ơi! Ta nên tìm thêm người nữa đi, chứ đường rừng ít bạn sợ lắm!

- Biết ai mà tìm? Cô không đi theo, một mình tôi cũng lên đường!

- Anh cứ để em đi một vòng, em ngó biển xe, thế nào chẳng gặp "R.A"!

Ôi, trái đất tưởng rộng mênh mông lắm, nhưng nó cũng tròn lắm. Lành reo lên khi bắt trúng một người đang dắt chiếc xe đạp nam ngóng trước, ngó sau giữa sân ga, trên cắng xe treo biển số "R.A…".

- Chú gì ơi! Chú từ Nghĩa Lộ xuống hay giờ lên trên đó?

Người đàn ông không quen biết cố lảng đi. Biết người ngô người khoai ra sao mà bắt quen! Định lừa nhau chắc! Như hiểu được tâm lý của người đó, Lành năn nỉ và kể lể sự sự tình rồi kéo người đó đến chỗ anh thanh niên đang chờ. Họ làm quen rất nhanh và lần lượt giới thiệu. Chú Nghi, râu quai nón, băm lăm tuổi! Anh Lượng đẹp trai, hăm hai tuổi! Lành quê lúa, mười tám tuổi! Tốp ba người hồ hởi đạp xe dong duổi ngược theo sông Hồng lên Yên Bái, vào Nghĩa Lộ, mệt đâu nghỉ đó, tối đâu ngủ đó. Cậu Quang thấy cháu lên vừa mừng vừa lo, là lo sẽ bị anh chị cả trách cứ. Đến lúc nghe kể lại chuyến ngược đường của Lành, cậu mắng "Con này liều! Liều quá!". Lành nghĩ lại bỗng rùng mình và thấy mình liều thật! Thật sự liều!

Tổ đội nữ thanh niên do Lành phụ trách được tỉnh đoàn Nghĩa Lộ thí điểm thành lập để đi sâu vào các bản làng làm công tác thanh vận. Vì nam giới phần lớn lên đường nhập ngũ, nữ thanh niên ở nhà thực hiện phong trào "Ba đảm đang" và phong trào nữ thanh niên "Chắc tay súng, vững tay cày". Chị em chia nhau ở với từng gia đình, cùng tăng gia sản xuất, cùng phân công trực chiến trên đồi với các tiểu đội dân quân. Ngày đông giá rét cùng bà con quây quần bên bếp lửa nướng sắn, nướng khoai vừa ăn vừa hít hà hơi nóng. Ngày hè nóng nực chị em cùng ra suối tắm giặt. Mỗi lần như vậy Lành thấy vui, rất vui và nỗi nhớ nhà được khỏa lấp dần. Rồi có một ngày khi chị em đang tắm mình dưới dòng nước trong vắt, tiếng cười nói, chế giễu, gán ghép nhau ríu rít, đứa này té nước vào đứa kia, mình trần nõn nà cứ đằm xuống rồi nhảy lên thật vô tư, không cần biết đến xung quanh. Đang vui thì cả hội nghe tiếng súng kíp nổ đạch đoàng từng tiếng. Liền sau đó là tiếng hô hoán từ xa:

- Có hổ rừng!... Nó đang lao xuống suối đấy!... Chạy mau!...

Con hổ vằn xuất hiện, tiếng gầm gào trong cơn đau vì bị trúng đạn. Nó nhảy bổ từ trên sườn dốc lao tùm xuống chỉ cách chỗ chị em tắm chừng năm mươi mét. Tất cả khóc rú lên, ôm nhau cuống cuồng.

- Chạy tản ra! Đừng chụm vào nhau là chết cả nút! Tiếng người thợ săn gào to.

Nhình là cô gái người Thái có kinh nghiệm gỡ tay các bạn và đẩy ra, hô mỗi người chạy một nhánh lên bờ, không kịp vơ quần áo nữa. Con hổ bị thương phi như tên bắn về hướng có những con mồi là Lành, Phượng, Toan, Cúc, Vi, Nhình. Cúc nhỏ nhất, nhút nhát nhất vừa la khóc vừa chạy nên trượt chân ngã. Con hổ chồm tới vồ trúng bắp chân trắng như ngà của Cúc, nó vần xé giữa tiếng la ó, gào thét của mọi người trên bờ. Lành chực lao xuống cứu thì Nhình lôi lại. Người thợ săn vừa chạy trên nước vừa giơ súng ngắm bắn trúng đầu chúa Sơn lâm đang trong cơn hung dữ. Nó nhả chân Cúc ra, rú vang trời rồi nằm vật xuống. Dòng nước đỏ ngầu máu. Cúc ngất lịm được bế thốc lên bờ đi cấp cứu…

***

Ngày ấy làm quen với Lành chưa được bao lâu thì Lượng, anh cán bộ lâm trường nhập ngũ vào chiến trường B, sau giải phóng miền Nam năm 1975 anh được phân công ở lại làm cán bộ nòng cốt vùng Tây Nguyên. Nay con cái thành đạt và thực hiện ước nguyện của bố bấy nay được trở lại thăm mảnh đất miền Tây Bắc, xứ sở của sắc trắng hoa ban và sắc đỏ hoa tớ dày giữa trùng trùng sương gió ngày xưa. Sau hơn bốn mươi năm Lượng trở lại đất Nghĩa, người đầu tiên ông muốn tìm gặp là Lành "R.A", cái biệt danh được chú Nghi đặt cho từ buổi gặp nhau ở ga Việt Trì ấy. Quê núi đổi thay nhiều quá! Liệu Lành "R.A" còn trụ ở đây không? Chú Nghi giờ ra sao? Bằng ấy năm biền biệt, mải mê với chiến trường nên mất liên lạc. Nhưng may thay, hỏi thăm mãi cũng gặp được Lành, vẫn tiếng cười giòn tan không khác xưa, vẫn dáng người cao cao, nhanh nhẹn, chỉ khác là mập hơn, tóc đã bạc và cắt ngắn, uốn nhẹ, thời trang của một bà chủ nhưng vẫn toát lên thần thái của người phụ nữ nhân hậu. Ngôi nhà của gia đình bà Lành mang dấp dáng ngôi biệt thự theo kiến trúc của Pháp, màu sữa trắng nổi bật lên giữa phố huyện. Ông Lượng tham quan đến đâu xuýt xoa khen đến đó. Dừng lại trước ban thờ ở gian giữa, ông Lượng giật thột quay lại nhìn Lành…

- Ông ấy đấy! Mất ba năm rồi…- Bà Lành hạ giọng nói.

Là cán bộ đoàn năng nổ, dám nghĩ, dám làm, Lành được bầu đảm nhiệm Bí thư huyện đoàn hai nhiệm kỳ, hết tuổi đoàn chuyển công tác sang Hội Liên hiệp phụ nữ, cơ quan có hai cán bộ quá lứa lỡ thì, thêm Lành nữa là ba. Vậy nên một thời cơ quan thường trực hội phụ nữ được gọi là "Miếu Ba cô". Ba cô cùng quyết tâm đăng kí đi học bổ túc văn hóa, riêng Lành xin học thêm chương trình lí luận chính trị. Có giai đoạn phải học ban đêm, mỗi người xách theo chiếc đèn hoa kỳ chụp đoạn vỏ chai cắt bỏ nửa đáy để chắn gió. Gặp đêm mưa bão đành tắt đèn mò mẫm đi trên đường đất trơn trượt. Mùa đông xắn quần lội qua suối nghe buốt đến tận tủy xương. Mùa lũ lại quyết chiến với thủy thần để vượt khó đi học. Vào một ngày mưa gió tháng tám, trên đường về gặp cơn lũ ống giữa dòng Thia, đang lưỡng lự lội tiếp hay quay lại thì Lành  bị nước cuốn trôi. Mặc dù đã tập bơi cùng cái Nhình nhưng không sức nào thắng nổi từng cuộn nước đùng đùng đổ tới… Mơ màng tỉnh dậy, Lành thấy mình đang nằm gọn trong vòng ôm của một người bên đống lửa ven suối. Lành cựa mình, người ấy càng ôm chặt hơn, miệng lẩm bẩm "Lạy ông trời cho em tôi sống lại! Đừng bắt em tôi đi!...". Được truyền hơi ấm, Lành hồi sức và đủ lực vùng ra khỏi vòng tay người ấy. Cô ngạc nhiên thét lên "Chú Nghi! Sao chú tồi thế? Sao chú… Sao chú…?". Người ấy giải thích "Chú trên tỉnh đội về huyện công tác, tình cờ đi phía sau thấy cháu lội dòng lũ mà gọi quay lại không được. Chú đã chạy dọc bờ suối tìm cách cứu cháu, may sao cháu mắc vào bụi cây roi to tướng kia…". Lành ôm mặt khóc, chú Nghi không ngần ngại ôm Lành vào lòng vỗ về an ủi.

***

Lành thắp lên bàn thờ ba nén hương, vái lạy xong quay ra mời ông Lượng ngồi vào bàn nước.

- Số phận anh ạ! Anh Nghi bất hạnh lắm. Vợ và ba đứa con của anh ấy bị chết trong trận bom năm 1972. Quả bom rơi trúng hầm trú ẩn… Giờ ngôi mộ chung của mẹ con chị ấy được các cháu nhà em xây cất tử tế. Các cháu nói trăm năm sau ngôi mộ này sẽ được nhiều người biết đến, bởi đó là dấu tích lịch sử, là chứng nhân của chiến tranh.

- Thế chú Nghi không đi bước nữa hay sao mà gia đình ta lại thờ cúng?

- Cũng là duyên phận! Cái "Miếu Ba cô" của Hội chúng em được "Phá" khi em quyết định làm bạn đời của chú… À anh Nghi. Vì cái tình, cái nghĩa anh ạ. Nhiều đêm em không thể chợp mắt nghĩ miên man, không biết việc quyết định trốn cha mẹ lên Tây Bắc rồi chôn chân ở đây, tình duyên thì như vậy, làm cái cạp rổ, cạp rá bởi vì thương hoàn cảnh người ta.

- Con cái của Lành ra sao, chắc có chức có quyền lắm mới xây được ngôi biệt thự sang trọng thế này! Các cháu nhà anh cũng giỏi dang nhưng không mơ được như em. Nhà có cái ô tô đưa bố đi từ Nam ra Bắc đã là oách lắm rồi.

- Không! Anh ơi!

Trở lại một Lành tháo vát, hoạt ngôn như xưa, ông Lượng được nghe một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Ba người con chung của Lành và anh Nghi không cháu nào vào cơ quan nhà nước. Hai cháu là kỹ sư kinh tế, một cháu kỹ sư giao thông, các cháu mở công ty và tự tay xoay sở. Lúc đầu rất chật vật do cơ chế bó buộc, có lúc anh em nó phải chạy xe buôn dưa hấu từ Thổ Tang lên, bán một nửa, thối một nửa. Có lúc phải tự mở lò nung gạch men thủ công. Anh Nghi dùng uy tín thương binh đến nộp hồ sơ xin việc cho các con mấy cửa mà không được. Anh ấy thở dài thườn thượt nói năng chẳng căn cứ, đại loại là vì không có tiền chạy này, vì không có ô dù này, vì không phải con ông cháu cha này… Nhưng từ khi mở cửa kinh tế thị trường, các con của anh chị ăn nên, làm ra, công ty ngày càng phát triển. Nghỉ hưu, Lành thường đi chùa và làm từ thiện, do tín tâm nên Lành xây một điện thờ phía sau nhà để thờ riêng vợ và các con chồng. Lành bảo "Chắc chị ấy khôn thiêng, còn em thì nghĩ ba đứa con em phần xác là của nó còn phần hồn là của các anh chị nó ở bên kia… Cho nên cứ làm đâu được đấy. Anh biết không, giờ các cháu có cả chuỗi dự án phát triển du lịch sinh thái, biến cả vùng đồi núi thành khu nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút nhiều khách du lịch lắm! Con gái này, con dâu này, đứa nào cũng sắm cho mẹ toàn hàng hiệu, bắt mẹ phải luôn ăn mặc sang trọng để bù đắp cho những tháng năm gian khó…".

Mấy ngày lưu lại "Chiến trường xưa" như cách nói của ông Lượng với các con, ông được đi tham quan bao nhiêu điểm du lịch của xứ sở miền Tây. Lâm trường ngày ấy ông đã từng đặt những bầu cây bạch đàn, cây trẩu, cây thông dầu…, giờ nhà nước vận động dân trồng cây cao su. Suối Giàng heo hút ngày nào gắn với câu vè "Bao giờ Nghĩa Lộ có kem/ Suối Giàng có điện thì em lấy chồng" giờ đã trở thành vùng chè nổi tiếng và cũng là điểm du lịch nổi tiếng. Đi bên ông, Lành trở thành một hướng dẫn viên du lịch mà ông vẫn nghĩ mình đang đi cùng cô cán bộ đoàn sôi nổi, nhiệt thành ngày ấy. Những hồi ức về thời thanh niên tình nguyện lên với rừng cứ ùa về náo nức. Ông chạm bàn tay Lành rồi nắm chặt bàn tay ấy như đi dung dăng dung dẻ trên đường núi được trải áp phan phẳng lì trước ánh mắt nhìn hạnh phúc của những đứa con thế hệ "7X, 8X" đang là chủ nhân của xứ núi từng ngày đổi thay, vươn dậy với đôi cánh diệu kỳ. Lành quê lúa, nay chính hiệu là "Lành R.A" rồi.

Như một đứa trẻ thơ, bà Lành khoác tay ông Lượng vừa cười vừa nũng "Ai bảo anh với ông Nghi cứ gọi em là "E rờ A" nên đất này nó vận vào em không thể rời được. Không biết ở nơi tiên cảnh thầy u em còn trách hay đang mừng nữa…".  Cô con gái của bà Lành chạy lên ôm chầm cả bác Lượng và mẹ vui sướng reo lên "A! Chúng con nghe được hết đoạn tiểu thuyết rồi nhé! Hóa ra mẹ con có cái mác "R.A"! Nhất định cháu sẽ tìm mua bằng mọi giá một chiếc xe đạp cổ có gắn biển R.A để làm kỷ niệm ạ!"

Khóe mắt Lành rưng rưng lệ. Ánh nắng hắt xuống như nhắc nhở những cơn gió nhẹ xô từng làn sương đuổi nhau chạy lan xa, lan xa…

 N.T.T 

           

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter