Bút ký của VÕ BÁ CƯỜNG
Tô Hoài tay cầm viên sỏi đỏ trụt dốc đi ra thị xã Mường Lò (Nghĩa Lộ) ngắm mấy đứa con gái mặc “Sở cỏm” đi chợ về, nói: “Gái hiền chiều chồng” cái núm vú mới đỏ (kén tụ). Chúng ta biết uống nước rễ cây (Tẩu mạ), nước giữ nhiệt, người đẹp ra.
Đấy là những câu chuyện linh tinh, lang tang còn lưu trong đầu nhà văn, khi chân ông đi khỏi Sùng Đô (1965). Năm ông là một tráng niên, rắn rỏi, khỏe mạnh.
Ông đặt ba lô xuống Vàn Chảy (Hà Giang) vào năm 1967. Lúc đó mới năm tám tuổi. Ông cắm bản để viết về miền Tây Bắc- sau làm phim “Vợ chồng A Phủ” cũng mất 2 năm đi lại dọn ổ.
Ông lên Vàn Chảy lần đầu có Nguyễn Tuân- Tế Hanh cùng mấy ông bạn nữa, ở nhờ trường cấp I Vàn Chảy. Mái trường thấp, ẩm mốc, hôi hám, khác gì lá chè khô dán vào dãy núi đá Mậu Duệ chạy từ xóm Đavaira.
Cánh nhà văn đi Tây Bắc ăn ở cùng thầy giáo Cháng Mí Lô (người Mông) giữa sân trường đầy cỏ dại sương ướt, có cây lê đứng cao vòi vọi. Vặt quả Lê bổ cho nhau ăn. Ông Tuân cắn miếng, nhai nhai, hai mắt hơi nhắm lại… sau ông bảo “Quả lê ngon đủ mùi”.
Mấy hôm sau các ông xuôi Hà Nội. Còn một mình Tô Hoài ở lại. Chính ngôi trường đó ông đã gặp Giàng Thị Chờ. Con bé xinh xắn, hăng hái, là một chiến sĩ diệt dốt. Tóc bé cũn cỡn, đỏ hoe, khác gì lông con gà mái ai vừa thả ra chạy đi chạy lại sân trường. Còn mờ sương núi, nó dậy, thấy ông cán bộ người xuôi lên khăn tay trắng vắt cổ, lúc đứng cửa lớp, lúc ngồi với Cháng Mí Lô sưởi nắng. Nghe người ta nói “Ông Nhà văn” đấy! Hồi đó Chờ có biết thế nào là Nhà văn đâu. Một hôm, Chờ nhìn thấy ông nhà văn, hai bàn chân trắng mũm mĩm, đạp trên bậu cửa chắn ngang lối ra vào bằng cây rừng thơm nhát vạc, miệng cười tủm tỉm nói: “Con bé Chờ bằng tuổi con gái út bác (Tô Thanh), bác nhận cháu làm con nuôi, làm bạn với Tô Thanh”.
Giàng Thị Chờ thấy nhắc tên mình xấu hổ. Mặt hơi cúi xuống chạy ra ngồi sau lưng Cháng Mí Lô. Bé Chờ mắt cụp lại. Tóc bay theo gió núi, tay nhặt từng viên sỏi nhỏ dưới dốc. Rồi bất thần ngước nhìn đám mây mù mới lấp đầy thung lũng chân núi đá. Nó nhìn thấy mấy ông sao hấp háy, mọc ngay đầu núi cùng mây sớm mây chiều.
Bỗng nó rùng mình “Núi non cô đơn quá”. Mình còn có bố mẹ, được mấy đứa gái Mèo luôn quấn váy, giờ được thêm bố là Nhà văn. Cây nhà thêm quả, núi thêm tiếng con nai, con hoẵng. Chờ chạy qua sân trường hoa cỏ ướt, hôm đó mưa bụi, lấy mấy cái ống tre vác nước từ suối về. Tô Hoài nghĩ: “Chờ xinh xinh, bé bỏng, thơm như hoa đầu dốc, võ vẽ biết tiếng Kinh, là nữ sinh hăng hái của Vàn Chảy xóa mù chữ”.
Nhưng cuộc đời con bé gập ghềnh, một bước đi, ba lần phát gai mà vẫn vướng chân. Nó thích cái rừng trúc trước mặt mà chưa một lần chơi ngôi nhà cổ thống quán Vàng Vản Lí.
Tô Hoài xin cho Chờ đi Liên Xô học. Nó không chịu. Nó không thích xa nhà. Nó thích ở Vàn Chảy trồng cây lanh, thêu cổ áo, nhuộm chàm, tay đắp sáp ong, làm hoa viền áo váy. Đi cán bộ không dành dụm được tiền bạc dệt váy, mua vòng, đi lấy chống rồi đẻ con. Thích hơn ngày phiên xuống chợ, lúc về cổ đeo một cái bóng đèn thủy tinh mặt trời chiếu vào ánh lên những tia nắng dọi. Chờ đeo túi, nhí nhảnh, đứng chờ từng quãng dốc ngắn, bác Nguyễn Tuân chống gậy theo.
Ông Tuân lần này lên có ông Hoàng Trung Thông. Hôm tụt dốc, xuống đường, chờ xe về Hà Giang, hôm sau xuôi Hà Nội. Chờ cùng bố nuôi tiễn hết dốc, tay con bé mềm mại vẫy hai bác, miệng luôn nói:
- Chéo lù, chéo lù! (trở lại, trở lại).
Theo hồi ký ông viết trang 210 (Cát bụi chân ai)... Ở xa, tôi những vun trồng tưởng tượng và ước mong không biết bao nhiêu về cuộc sống tinh thần người con gái dân tộc thoát li đi công tác từ năm mười lăm tuổi, tưởng đã vượt được mọi thử thách và ràng buộc. Đến khi tất cả đã khác đi. Tôi chỉ biết ngỡ ngàng, những dang dở, nghiêng ngả cuộc đời... Người chồng mới lấy lần này là cán bộ tổ chức huyện ủy. Một người Mông đi công tác không phải như ở dưới xuôi, ai cũng muốn “vào biên chế”, người Mông không để ý đến trách nhiệm đó. Lấy vợ xong anh bỏ công tác về làm nương.
Sau cuộc lấy chồng, chẳng hiểu sao Chờ đổi xuống trường thuộc huyện Vị Xuyên. Không biết vì lý do gì? Dạy ít lâu nó thôi hẳn. Làm sao mà không buồn được? Bao nhiêu hy vọng về xã hội con người làm ông thất vọng. Ảo não, thê thảm nữa là khác. Mỗi khi ông trở lại quê cô con gái nuôi, chỉ thấy hoang vắng và hoang vắng... Cái làng Vàn Chảy trên núi cao ông coi như làng mình, ở đấy dù không có máu thịt, nhưng biết bao kỷ niệm thăng trầm. Vui có, buồn có với Chờ... Ông vẫn gặp những thằng trai Mông, rắn như thép nguội, hai lần mặc áo Tà Phủ, đội mũ nồi, đi vác củi. Mắt nó ti hí, bước nhanh. Chẳng bao giờ ngã. Tiếng gọi nhau lúc vác nước, gọi lợn, gọi trâu ời ợi của người đàn bà Mông, làm ông thảng thốt nhớ lại Vàn Chảy. Ở đây ông có người bạn đồng tuế ở Khuổi Buồn, dân tộc Dao đỏ, nhận làm anh em trong các cuộc săn bắn và uống rượu. Buổi tối tháng chạp Quân ra đầu ngõ trèo lên cây lấy tổ ong. Người từ nương về muộn, nhập nhoạng sương tối tưởng đó là con gấu, giương súng kíp nhả một băng đạn vào người Quân.
Đến năm này, tháng này, Vàn Chảy vẫn cảnh buồn thế. Tại sao?
Ngày phiên chợ xuống cùng Nguyễn Tuân cho vui, mong quên đi những sầu thảm, u ám của núi rừng. Chờ đi nhanh, bước khỏe, xách đỡ Nguyễn Tuân cái túi thổ cẩm, chốc chốc phải chờ cụ chống gậy tới... Cụ Nguyễn vẫn cái nết cố hữu “khệnh khạng” mười bước nhanh, ba bước chậm, Nguyễn lo cho ngày hôm sau leo lên tít mít ngọn núi cao. Con bé nhí nhảnh, mắt hấp háy nhìn bác Nguyễn.
Lại nhớ chuyến đi ấy, có đến nhà Sùng Dúng Lù. Con bé Chờ bảo đấy là “Anh hùng tiễu phỉ”, to khỏe như con gấu trong núi đá. Nó đã từng gặp Lù mặc áo Tà Phủ (trong) ngoài áo bông xanh, thắt đai đỏ, chân dận giày, mũ da Mông Cổ đội lệch, hiên ngang, dũng mãnh. Đó là cái hiên ngang của người trai Mông, hiên ngang của núi rừng. Nghe đâu Lù đã từng leo qua núi Hoàng Su Phì, vượt Bát Đại Sơn đánh nhau với phỉ Tàu. Con bé vô tư cười nói. Nó cứ làm như núi rừng chỉ có nó.
Chờ kéo chúng tôi đến nhà Lù, tường đất thó dày, cửa gỗ ghép hở hoang hoác, dán chữ giấy đỏ, nhà thấp, cúi cổ mới vào được. Người vào cảm thấy u ám. Đống củi lửa cháy đùng đùng giữa nền nhà. Ngồi một lúc mắt lờ mờ hiện ra, những tấm giấy khen dán trên tường đất, bụi khói đen nhẻm. Những chiếc giấy khen không giấy bóng kính bọc, không khung, xin xỉn khói bếp, bên cạnh lủng lẳng mấy vỏ bầu khô đựng những tên bắn chuột, chim, bẫy cầy cáo. Con bé Chờ cầm lắc nghe rõ tiếng hột lạo xạo. Đó là hạt giống cây thuốc phiện. Nó cười bảo bố nuôi Tô Hoài “Người Mèo giỏi trồng cây thuốc phiện mà!
Nguyễn Tuân hỏi Sùng Dúng Lù thật hóm “Về Hà Nội mấy lần rồi?”
- Hai lần thôi.
- Lần sau nhớ đến nhà mình uống rượu. Rượu Hà Nội cũng ngon như rượu ngô phố Cáo- phố Bảng.
Sùng Dúng Lù lắc đầu. Hà Nội rét hơn phố Bảng mà cái rét núi cao, sương lạnh, thung lũng, nó khác ở xuôi. Về xuôi mặc hai áo, Tà Phủ vẫn rét.
Xuống khỏi dốc Hoàng Trung Thông ngẩng mặt nói: “Rõ là nhà thằng ăn mày”. Chờ nguẩy cái đầu, môi hơi đùn ra đỏ chon chót, vẻ mặt buồn như mưa mùa đông.
Tô Hoài cùng con gái nuôi về Vàn Chảy ngồi viết. Nguyễn Tuân ở lại phố Bảng. Ông vào nhà bà Sìu. Đây cũng là một nhân vật có một không hai ở Đồng Văn. Bà Sìu năm đó đã cao tuổi, nhưng bóng dáng một cô gái đẹp vẫn chưa đi hết, còn lưu lại ở lời lẽ dịu nhẹ và hoạt bát ở gương mặt thanh tú... Cái đẹp cứ trơ ra trong cuộc thế xoay chuyển ở Đồng Văn, như cây cột mốc xi măng ở mẻ đường lên Lũng Cú.
Khi nói tới bà Sìu, Chờ lè lưỡi nói ngay: “Mụ Sìu giỏi, mỗi chỏm núi, ngọn cây mụ thuộc hết. Mụ quen cả tướng Long Văn, chính phủ Vân Nam, quen cả lũ phỉ Hà Sào Chúng”.
Bà ta người dưới xuôi (Hà Đông) từ bé lưu lạc lên đây. Lúc rối ren (Tây, Nhật) mụ xéo sang Trung Quốc. Yên hàn về phố Bảng đem cô con gái xinh nhất (tên Đức) gả cho họ Vương. Tuy là vợ ba nhưng là bà nhất của Vua Mèo. Cái quán cà phê phố Bảng và quán phở chua là của mụ. Nhờ món ăn, mụ lôi khách tứ chiếng về đây và dựa vào thế lực nhà Vương để...
Vẫn là bộ quần áo chàm, may theo kiểu người Hán, mụ vẫn ngồi đấy, thì Đồng Văn, phố Bảng đều trong tay mụ. Mụ là người đàn bà ngồi chấp chính ở Đồng Văn, phố Bảng. Mọi mánh khóe làm ăn Tàu- Tưởng- Tây- Nhật, mụ khoe hết với Nguyễn Tuân, Tô Hoài, kể cả thuốc phiện... Thi thoảng mụ còn cưỡi ngựa sang Côn Minh. Người đàn bà này thật lạ, không thay đổi được mụ. Vậy mà ông bố nuôi muốn thay đổi Chờ, đưa nó ra khỏi rừng, khỏi suối. Nó không nghe. Nó dạy học rồi hưu, khi làm thủ tục không xong, vì không đủ năm công tác, lại kêu bố nuôi. Bố đành chạy nhờ đến Vù Mì Kẻ lúc đó là Chủ tịch tỉnh Hà Giang, kê thêm mấy năm lúc Chờ 15 tuổi đi dạy học tiếng Mèo, chữ Mèo ở Vàn Chảy. Chờ được sổ hưu. Nó mừng, ngồi nhìn mấy con vịt rỉa lông dưới suối, hai con ngỗng đang rứt cỏ ăn. Nó bảo: “Mình cũng có cỏ ăn, suối tắm rồi. Không chết được, đều nhờ bố Tô Hoài cả”.
Đời nó nay đây, mai đó. Đồng Văn đã tự do nhưng còn phức tạp. Nó bỏ chồng cũ, lấy thằng Mèo khác, ôm nhau được mấy hôm, không cõng được nhau nữa. Bố Tô Hoài cũng không biết mặt thằng rể mới. Hôm đó nó đi vác nước về. Chờ chỉ qua cửa bếp khói: “Nó đấy!” Bố nuôi nghĩ: “Đúng là thằng lỏi con”. Rồi lại bỏ nhau đi lấy Sùng Nỏ Có, cán bộ tuyên huấn Quân khu 2, giờ may mới đứng lại được.
Chờ là hòn đá nhiều chân, chôn sâu ở đất Vàn Chảy. Tô Hoài tưởng lay được hoàn cảnh sống của nó bằng cách này cách khác. Tất cả đều thua đứa con gái Mèo. Đi học Liên Xô nó lắc đầu, để nó vào đoàn văn công quân khu, anh Mạnh Linh lên tuyển nó cũng chẳng chịu. Nó khác hẳn mụ Sìu. Nó sợ xa Vàn Chảy không được ăn mèn mén, uống rượu ngô, nói tiếng Mông. Sống vậy sao có ý nghĩa. Đến như bác Mù Mý Kẻ đi muôn nơi, về cả Hà Nội làm đại biểu Quốc hội được sang Nicaragoa, lúc về hưu lại lên Sà Phìn, Đồng Văn quê cũ.
Tuổi Chờ mới ngoài hai mươi về Hà Nội thăm bố nuôi, tay ẵm một đứa, tay dắt một đứa. Tối hôm đó Tô Hoài bảo: “Tối nay hai bố con sang chơi nhà bác Tuân”. Tối đó gặp cả Nguyễn Văn Bổng. Nhìn ra cửa sổ nhà bác Tuân thấy có bức tượng gỗ ở chùa Lũng Cú nhưng không dám hỏi.
Ra đường Tô Hoài mủm mỉm cười, nói một câu: “Hôm từ nhà Sùng Dúng Lù, anh hùng tiễu phỉ xuống, lúc qua chùa nhỏ, thấy mấy bức tượng gỗ. Ông Tuân đã đánh tiếng hỏi Vù Mí Kẻ “lấy được không”. Vù Mí Kẻ bảo “cứ lấy”, nhưng lúc vào nhà Sùng Dúng Lù, Vù Mí Kẻ bảo “phải vất các túi xách ở ngoài, nó biết trong túi có tượng, nó chửi mình”. Mới biết Vù Mí Kẻ lúc đó nể mình cho lấy. Sau cũng biết sợ.
Bác Tuân lấy một, Hoàng Trung Thông bê một ông, cậu lái xe cũng nhận. Vết dao đẽo tượng thật thô, chắc nhát nào cũng gợi nỗi buồn núi non. Thợ bên Vân Nam đẽo rồi sơn chàm xanh lét. Đây là hiệp thợ làm máng nước bằng đá cho dinh cơ nhà Dương Trung Nhân và tòa nhà đá Vương Chí Sình chế tác. Nom tượng và màu sơn của nó cũng đủ thấy hưu hắt, hoang vu, nhìn cánh chim bay chỉ thấy buồn bã, màu mây biên ải cũng tang thương nhòa vào nắng chiều. Về Hà Nội, cậu lái xe ốm rồi đái đường, chẳng may xe cán chết. Người nhà đi xem bảo “ma làm”. Thế thì chỉ có ma đường ngược thôi. Chẳng ai nói với ai, đều nghĩ về việc “trộm tượng”.
Hồi này bác Tuân thích đi ngựa, đi bộ mỏi chân. Chốc chốc lại ngồi giữa dốc tự tay bóp chân. Có lúc con Chờ giúp. Bác cười bảo: Tô Hoài “tốt số” lên đây vớ được con gái nuôi ngoan.
Vó ngựa “Hoàng hoa” của Nguyễn Tuân đi suốt cao nguyên đá. Có lần vào xin nước ở Lũng Táo rồi đi Malé. Có lúc ngủ lại lán nấu ăn ở ven đường quốc lộ giữa làng Đán- Bắc Sum của Chúng Thị Phà phụ trách. Ông Tuân bảo đó là “Trạm khách” của cánh nhà văn, bởi cái nụ cười như níu kéo bước đi của khách lãng du. Sự xê dịch của ông Tuân làm cho Tô Hoài cũng muốn rời khỏi cái làng heo hút của con gái nuôi.
Lại nói cuộc đi sang Mèo Vạc, cũng bắt đầu từ Chờ. Nó bảo bên huyện Mèo Vạc có cô con gái tên Thào Mỷ, vừa đẹp, vừa tài giỏi, không như con đâu? Nhưng thân phận cô đau đớn, quằn quại. Tô Hoài nhờ con gái kiếm con ngựa gày vượt Mã Pí Lèng sang đó. Hồi đó con đường “hạnh phúc” giữa Đồng Văn - Mèo Vạc mới hoàn thành “Núi đá cheo leo ngựa trèo ngựa vượt.../Đá xương cốt của núi nghìn thuở trước...”- Huy Cận.
Cuộc leo núi của Tô Hoài khác trước. Trong lưng vốn mang theo có chuyện Thào Mỷ người phụ nữ Mèo vượt lên số phận được con bé Chờ nói ít nhiều buổi đi Lũng Cú. Nó có hàng “bồ’ chuyện về con gái vùng cao. Lần trước. Lúc ở nhà mụ Sìu ra, ông Tuân đã được tin nhắn “mời hai người sang chơi với Thào Mỷ”, công việc nhiều phải xếp lịch vào dịp khác. Mèo Vạc, cái thị trấn buôn bán sầm uất các hàng lâm thổ sản: nào thuốc phiện, nào thổ phỉ tranh cướp nhau khác gì Thượng Hải. Núi non xúm xít ngồi dưới trăng. Một hồn thơ, hồn người đi theo dòng Nho Quế chảy từ Đồng Văn về. Dòng Nho Quế khác gì một dải lụa xanh, bay dưới gầm trời, lượn trên đầu núi, chỗ sông hẹp tạo ra cái eo nước giữa hai ngọn núi, có đàn khỉ đỏ đít, con đực, con cái qua sông tắm gội lẫn nhau, rồi giũ lông lên bờ leo tít lên ngọn cây gạo hoa đỏ chót vặt ăn. Ở đây có nhiều cò trắng bay qua. Tôi và nhà văn Hoàng Quốc Hải, đạo diễn Trần Ngọc Tiến (nguyên Giám đốc xưởng phim truyện Việt Nam) đã xuôi dòng Nho Quế bằng thuyền về làng Thượng Phùng, gặp vợ Chảo A Nghì (chủ tịch xã Thượng Phùng bị giặc đâm chết vào một đêm mưa rét).
Nhà thơ Huy Cận đã qua đây. Năm nào, ông ăn đâu, ngủ đâu, còn là một câu hỏi. Nhà thơ đã để lại những câu thơ đúng Đồng Văn- người Mèo.
“...Ta người Mèo nghìn năm đỉnh núi/ Cao nguyên mây bay, Cao Bằng sấm dội/ Nghìn mùa đông đọ rét với trời/ Rét lạnh lưng non, không lạnh được máu người... Như ngọn lửa đầu non gió lộng... ”
Cứ trong gió rét, lạnh lưng non. Tô Hoài đi gặp Thào Mỷ. Vó ngựa cô đơn của nhà văn khác gì vó ngựa Cao Tiệm Li tiễn Kinh Kha ra sa trường, chỉ lấy bầu máu nóng và tiếng trúc làm bạn với mình. “Tráng sĩ” Tô Hoài đi hôm nay có rượu ngô đựng trong chiếc chai dắt lưng, đi vào phiên chợ đông người dân tộc chen chân, thả ngựa, dắt lợn ngồi húp bát thắng cố bên cái chảo sôi ùng ục.
Qua con bé Chờ gặp được Thào Mỷ. Cô gái có thân phận đặc biệt, khác với Chờ, dám vượt lên số phận, đúng với câu Cù Huy Cận viết “Như ngọn lửa đầu non lộng gió”.
Nguyên Ngọc gặp Thào Mỷ còn trước cả Tô Hoài, ông Tuân.
Con gái dặn bố, nếu gặp được Thào Mỷ mới thấy cái đẹp, cái tốt tươi của người Mèo Vạc. Ôi! Cái đẹp làm chết người, tạo lên những sóng gió không ai ngờ tới. Thào Mỷ bị ép lấy chồng. Nói đúng, chồng nó là thằng “lỏi” người Mông. Bắt mũi chưa sạch. Hôm nó cởi trần vác nước vào nhà có người bảo “Nó đấy, nó đấy”. Thào Mỷ khoác váy sống về nhà chồng theo phong tục vào đúng hôm nó đi đào chuột trong núi. Khi cô nhận ra được mặt trời mọc ở đằng Đông, lặn ở phía Tây, cô đã bỏ về nhà đẻ. Đó là tội chết người của dân tộc Mông. Năm đó. Tháng đó. Người phụ nữ Mông bỏ chồng, việc làm chưa có ở Mèo Vạc. Nhiều phụ nữ lấy chồng rồi chịu cảnh chồng trẻ con, vợ bằng tuổi mẹ mình, chịu ở với nhau đến lúc chết.
Lạ thay 1954. Thào Mỷ trốn nhà theo bộ đội dịch tiếng Mông cho lính Cụ Hồ. Chuyện ấy cũng là có một không hai ở Mèo Vạc. Nghe đâu lần ấy cô gặp được Nguyên Ngọc, quen nhau thế nào mà trong sổ tay của cô gái Mèo có ghi: “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng”.
Những chuyến sau này Tô Hoài gặp Thào Mỷ, Thào Mỷ hỏi về Nguyên Ngọc và Nguyễn Tài Tuệ. Chắc Thào Mỷ có sự “thì thầm” với cả hai người. Họ gặp nhau ở trận tiễu phỉ Đồng Văn, Tô Hoài nói ngay “Nguyên Ngọc vào chiến trường miền Nam... thì đôi mắt xanh như nước dòng Nho Quế của người con gái tự nhiên im lặng cụp xuống. Cái đẹp của Thào Mỷ là lúc mắt khép lại, ngực thở phập phồng, đẹp hơn là khi Thào Mỷ trở về Mèo Vạc. Cô thành một cán bộ phụ nữ huyện. Một cô gái tiên tiến không như con gái Chờ của bố đâu.
Chao ôi! Cái đường tình của Thào Mỷ thật nghìn trùng ai mà biết trước.
Xưa! Thào Mỷ bỏ thằng “ranh con”. Bây giờ cô lấy lại lửa yêu thương bằng cách tìm những thằng trai trẻ tuổi. Nó cho biết sự “quả báo” trơ nhãn tiền ra đấy. Cái thằng con trai Mỷ lăn lóc chờ đợi sau cùng là thằng cảnh vệ bên Huyện đội người Tày. Quê ở chợ Rã. Nó kém Thào Mỷ mười tuổi. Rồi Thào Mỷ cũng phải từ chối khi bà mối đến chạm ngõ, chẳng hiểu lý do gì? Thào Mỷ không nói thì ai biết.
Thào Mỷ đã vào được huyện ủy. Lần đầu tiên người Mông có cán bộ nữ ghê gớm như thế. Thời kỳ này là thời kỳ cô phơi phới như gái đang “xoan”. Một anh cán bộ người Kinh tìm đến. Miệng ăn hơi lạ với khẩu vị núi đá. Cậu ấy cũng còn trẻ, lăn lóc biết bao năm với áo chàm, váy thêu, với mùi hoa “anh túc”. Thời ấy, một huyện ủy viên đang đầy hứa hẹn, sao bước thế được? Chú cảnh vệ “choai choai” ngước nhìn Thào Mỷ với đôi mắt đẹp, biết im lặng với sóng tình.
Tô Hoài đi với nhân vật lên nhiều ngọn núi. Có lần nhà văn về Nhá Sua, quê của Thào Mỷ. Lại nửa đùa, nửa thật. Ông nhà văn muốn biết mặt thằng “ranh con”. Nó có vợ rồi. Nó đã biến cô gái Mông- Nhá Sua trở thành người đàn bà nhếch nhác mà Thào Mỷ vẫn chưa cùng ai. Mỉ tự hỏi “Mình thua nó hay nó thua mình”. Cây Vàu thằng chồng cũ vác trên vai đi từ rừng về gợi bao nỗi đắng cay một thời ở với nó. Khi Thào Mỷ bỏ nó đi theo bộ đội, làm phiên dịch, nó đón đường ngồi đầu dốc khóc “Mày bỏ tao à, Mỷ?”. Rồi nó quay ra đánh cù quay với mấy thằng trẻ Mông trong xóm. Tô Hoài nghe Mỷ nói bàng hoàng... Nhiều năm sau Tô Hoài cùng Nguyễn Văn Bổng lên Mèo Vạc, Thào Mỷ đã thành bà Phó Chủ tịch huyện, phụ trách khối Văn xã. Nhà văn, nhà báo, thày mo, thày bói, giáo viên... là khách của Mỷ. Hàng ngày cô phải giao tiếp, ứng đối. Công việc ở huyện cứ bời bời như lửa cháy. Thào Mỷ vừa khéo, vừa nhanh, giờ trông Thào Mỷ đẹp như lụa, như tranh, khác với lúc chê chồng, bỏ chồng đã ăn lá ngón mấy lần, nhưng được giải độc. Chết để trốn cái “nợ đời”!
Rồi Thào Mỷ cũng lấy được chồng. Mừng biết mấy. Thỏa lòng, thỏa sức chưa Mỷ? Nó là thằng trai Lô Lô, công nhân lâm trường chưa biết chữ. Hôm bố con Tô Hoài đến không gặp. Nó lên Lũng Cú. Tô Hoài hỏi Thào Mỷ “Hôm nào nó về?”. Thào Mỷ sa nước mắt. Chao ôi! Đời người phụ nữ Mông sao truân chuyên là vậy. Chân Tô Hoài di di mặt đất. Cũng không dám hỏi “Vì sao mà khóc?”.
Thào Mỷ ngồi uống rượu ngô bằng cái bát mắt vàu. Cô uống từng bát một. Cứ nín một hơi, lại chìa bát ra. Cái món thắng cố kể cũng ngon, thịt dê nướng cũng thơm. Nước “suýt” nóng húp từng ngụm nóng ran cả người. Đầu con dê cứ trồi trụt theo vạc nước sôi ùng ục, mắt dê trợn trắng nhìn bọn khất thực. Mà có ai sợ đâu? Thào Mỷ vừa uống, vừa khóc- lại khóc nữa rồi. Nín đi! Ai mà chịu được khi thấy Mỷ khóc. Cô kể: Khổ lắm, nó đánh em. Đánh cả đêm, cả ngày. Nó bảo “Tao đánh con mèo già. Tao đánh Phó Chủ tịch”. Ủy ban huyện Mèo Vạc cho người gọi nó lên. Nó hứa... Nhưng rồi. Nó vẫn thế. Vẫn thế... Cha tổ nó, cái thằng chồng mù chữ...
Ngọn Não Sơn (Mèo Vạc) vẫn ủ sương, sấm dội, cái đất Vương Miêu (vua mèo) vẫn heo hút, hoang vắng đầy chuyện thương tâm. Đời người nhiều nước mắt quá... Đâu chỉ có Thào Mỷ. Người con gái Mèo Vạc ấy cũng dám vượt lên số phận, không bằng lòng như con gái nuôi Chờ. Thào Mỷ phá phách dữ dội vẫn không thoát khỏi cái “gông”. Như người Não Sơn làm chiếc “gông” bằng gỗ khóa cổ con lợn, chui vào đâu cũng không được vì cứ phải phơi lưng ra với nắng gió, tuyết lạnh Mèo Vạc. Có lúc Thào Mỷ than! Ánh trăng Não Sơn không hiểu lòng cô rồi ngồi xuống cái ghế góc phòng xụt xùi khóc.
Nghe đâu cuối đời về hưu. Thào Mỷ không có con, mở cái quán nước ngõ chợ Mèo Vạc. Tôi (Võ Bá Cường) cùng cô Thủy- Phó Bí thư, cả anh Minh- Bí thư Mèo Vạc năm 2011 đi tìm nhân vật Thào Mỷ không gặp. Tiếc quá! Thương quá! Giận thằng chồng Lô Lô đánh ngày đánh đêm Thào Mỷ.
Nhân vật con gái nuôi giới thiệu cho Tô Hoài cay đắng, chơ vơ, lút trong bãi cỏ tranh mà tôi chỉ gặp được trong phim “Vợ chồng A Phủ”.
Lại nói về con gái nuôi. Tô Hoài kể:
Ngày vui nhất của Chờ, nó được về Hà Nội gặp bố mẹ và bạn Tô Thanh cùng tuổi. Má nó đỏ thơm như hoa tam giác mạch. Nó đứng trên đầu núi hua váy lên gọi bố. Mang về cho bố những gì mà mày khoác sã cả vai hở con?
- Chỉ có rượu ngô và mật ong hoa tam giác mạch lấy trên Mèo Vạc.
- Có gặp Thào Mỷ không?
- Không bố ạ.
Lý Thị Chờ trông bố hơi già. Đầu tóc lơ thơ, chỉ có cái miệng là không thay đổi, lúc nào cũng cười hiền và tủm tỉm.
Tô Hoài bảo con:
- Nay con xuống thắp cho anh Tô Đán một nén hương và cũng không nên hỏi anh chết ở đâu? Vì sao anh chết?
Chờ làm đúng lời bố. Lúc vắng vẻ ngồi trong bếp mẹ Cúc kể: anh Tô Đán trước ở nhà bố xin cho làm Công an bảo vệ lăng Bác. Đứng nghiêm độ ba mươi phút. Không chịu nổi, ngã lăn quay bởi chóng mặt. Sau bố cho đi lao động ở Đức. Kiếm được ít tiền. Hôm đi ra sân bay về nước bị người ta đâm chết, lấy hết cả. “Người ta” là ai, mẹ không nói.
Hôm về mẹ cho mấy trăm bạc. Bố vẫn ngồi viết. Sau bố quay lại, tay khẽ vời, nói nhỏ “Bố cho thêm con tiền làm nhà”. Chờ chối đây đẩy. Bụng muốn cầm tiền lắm. Sau bố thủng thẳng “tiền bố viết về Thào Mỷ. Nhân vật con giới thiệu cho bố hôm đi Mèo Vạc. Con về trên đó. Hôm nào sang Mèo Vạc nhớ gửi lời thăm Thào Mỷ cho bố. Bảo Thào Mỷ: Cô ấy là “chiều đông Mèo Vạc”; “Anh hùng vượt khó đi lên”. Bố dặn con giữa lúc Tô Thanh bê chậu gỗ Samu, nước ngâm chân lên cho bố.
Về tới Vàn Chảy được một tháng. Lại nhận được thư bố, ra bưu điện lấy trăm đồng bố cho. Thầy cô giáo ở Vàn Chảy bảo “Chờ tốt số. Sao có ông bố nuôi ấm áp, thương con, thương cháu”.
Lại nói chuyện bên Sơn La. Con bé nói với bố “bên Lung Tang- Hồng Ngài, Sơn La, cách nhà Chờ mấy ngày chim bay, mấy ngày ngựa chạy, ở đấy có người đàn ông: Tên A Phủ, đi ở cho nhà Thống Lý, khổ quá không chịu được, trốn lên hang Vợ, hang Chồng, bẫy chuột, đào bọ hung ăn”. Tô Hoài nghe con gái nói xong, ông nghĩ tới phim “Bạch mao nữ” của Trung Quốc, cũng do khổ quá, không chịu được, trốn vào hang ở lâu ngày thành người rừng. Ông rời bàn viết, quyết đi bản Lung Tang (Hồng Ngài) quê A Phủ.
Ông đã tìm được nhân vật vào hang A Phủ trốn, nghe anh kể chuyện ăn lông, ở lỗ A Phủ phải trải qua. Ngọn núi A Phủ trốn “Giơ tay vớ được trời/ Vực thẳm sâu tối mặt/ Nghe gió rừng u u/ Thổi hồn xưa khuya khoắt”.
Tô Hoài xuống hang, con ngựa cưỡi buổi sáng lên đây giờ theo gái mất. Nó vào rừng. A Phủ đi tìm, mãi tối lâu mới dắt được nó về. Năm sau con mẹ đã cho núi non chú ngựa lông đỏ như son, nó mới thau tháu đã biết hí hoát sau mẹ. Nó không màng tới thằng bố nó vất vả thế nào để đẻ ra nó. Chúng bạc tình vậy. Tô Hoài mủm mỉm cười nói: “Nó khác gì thằng trai mèo bản Lang Tung (Sơn La)”. Nói rồi ông cùng nhân vật cười. Cả hai đều nhìn lên ngọn núi phía Tây, ông sao chiều đang hấp háy.
Núi non bên Lung Tang hoang vắng quá, hay bởi câu chuyện A Phủ thương tâm, đầy nước mắt... Ông trở lên Vàn Chảy, lại tìm đến con nuôi. Quá khuya mới trở lại thị xã Hà Giang. Ông không ngủ lại làng Đán, sợ phỉ Tàu từ Bát Đại Sơn qua ăn cướp. Chỉ có những tài liệu ghi chép ở núi non Mèo Vạc, ở Sơn La. Mất nó là “mất đời”.
Cái xe hàng cà khổ cõng nhà văn qua dốc Pắc Sum, ông đánh mắt nhìn quán mụ Tèo, nằm chơ vơ lút trong đám cỏ tranh. “Muỗi Pắc Sum/ Hùm làng Đán/ Dốc Cán Tỉ/ Phỉ Đồng Văn”, có đuổi được mụ đâu? Con mẹ “thần đanh mỏ đỏ” này, không trụ được ở đâu mò về đây trụ được với cánh trai Mèo.
Mỗi lần xe đậu gần quán. Con gái Thái Bình, Nam Định làm đường chạy ra bắt chuyện. Trong đó có Chúng Thị Phà. Nơi họ ở là lán nứa dựng sát vách đá, vách dán toàn tranh ảnh lòe loẹt, chó, mèo, đều cắt từ họa báo Trung Quốc ra. Những cô gái mặc áo chàm thon gọn, rắn chắc. Tô Hoài lân la hỏi chuyện gặp cô Phà. Ông lại nhớ lời ông Tuân nhắc “Mày phải viết đi”. Nhưng trong cặp hai nhân vật Thào Mỷ- A Phủ con gái nuôi ông dẫn dắt cũng làm ông không thở nổi, phần đối với cô Phà theo ông chưa đủ cảm xúc.
Hồi này con gái nuôi đã xuống dạy học ở Vị Xuyên. Tô Hoài từ đỉnh cao đất “Vạn cua lộ” khoác quấy tẩu bản thảo về đến thị xã Hà Giang, ngủ nhờ nhà ông bạn làm ảnh bên kia cầu treo (Nông Tú Tường). Sáng ra chợ, con nuôi đã đón ở đó.
Vừa bước tới cửa hàng hợp tác xã mua bán tỉnh. Có con mẹ người Mông, mặt đỏ tía tai, thị dùng hai bàn tay vỗ vài cái “của thị”, chửi rủa, khiến mọi người bu bám vào xem, có người ôm bụng cười. Tô Hoài hỏi “Nó nói cái gì thế?”. Con gái nói: Nhà nó ở Tráng Kìm, gần cửa hàng bán phở chua, nó ra đây thấy cửa hàng bán cá khô. Nó xếp hàng, đến lượt, cô bán hàng hỏi “ten phiếu đâu? Chỉ bán cho cán bộ có tem phiếu, nó tức điên lên. Vỗ vào cái ấy chửi “Tại sao mày chỉ đẻ ra nhân dân? Không đẻ ra cán bộ?”. Nghe xong Tô Hoài thấy cái gì xon xót, u ám thời bao cấp. Bỗng ông nhớ câu: “Tôn Đản là của vua quan/ Vỉa hè là của nhân dân anh hùng”. Nó là thế. Nó là thế.
Tô Hoài về Hà Nội, hồi hộp trong thương nhớ miền Tây. Từ đó ông có nhiều chuyến đi dài, ngắn khác nhau về Hồng Ngài (Sơn La).
Ông ngồi viết “Vợ chồng A Phủ” với tấm lòng nhà văn chẳng nhạt nhẽo với núi rừng. “Con dế mèn” cứ đạp tanh tách vào đời ông. Giấc mơ tuổi nhỏ nhân vật dế mèn thông minh nghịch ngợm ông đã có. Còn giờ già rồi với “Vợ chồng A Phủ” không biết nên cơm nên cháo gì không?
Hôm rồi, tôi tâm sự với Tô Vũ, con trai quả núi văn chương. Ông Vũ nói:
- Sao bố tôi lạ thế, không khệnh khạng như người khác, cũng chẳng “khắc khổ cóc cáy” như ai. Ông hiền như nước chảy, có chút ngơ ngác trước cảnh đời người miền núi. Từ Vàn Chảy, sang Tủa Chùa, ông gặp được Thào Mỷ và A Phủ. Hai nhân vật có thật giúp ông “cái nhìn”, cái gì cũng tin, cái gì cũng ngờ...
Hai nhân vật đã trở thành tác phẩm của ông, sau chuyển thành phim. Cảnh tình con người và phong cảnh Tây Bắc đều hiện trong phim Vợ chồng A Phủ. Theo “cát bụi chân ai” tiền nhuận bút cũng khơ khớ, mua được cái “nhà”.
Tô Vũ tâm sự. Đọc tác phẩm của bố, thấy cụ lịch lãm sâu sắc. Trong đời sống thường nhật, có lúc cụ ngơ ngác, lẩn mẩn với đống bản thảo. Chẳng lúc nào ông được nghỉ, ngồi họp cũng viết, khác nào người con gái Mông vừa đi đường, vừa xe sợi lanh, mắt không nhìn vào tay, sợi nào cũng đẹp, cũng săn...
Tháng 7/2021, trời nắng rát, không tâm sự nhiều với tôi vì phải chăm mẹ ở viện. Tô Thanh, bằng tuổi Lý Thị Chờ, giọng ấm áp, dặn tôi nhớ về Hà Nội gặp nhau tâm sự về đứa con gái nuôi bố Tô Hoài chăm sóc. Chờ giờ có một con ở Ban Dân tộc Trung ương, một con ở Ban Dân tộc tỉnh.
Theo cô con gái nuôi bảo: “Nụ cười của cụ ẩn chứa điều gì. Ai hiểu được?”
Các nhân vật bất hạnh của ông được lên phim rồi. Người đóng Thào Mỷ không phải là cô gái Mông mà là cô Minh Đức. Hôm xem phim ai cũng khen “Sao Minh Đức giống Thào Mỷ thế, nhất là cái ăn, cái mặc lúc trốn ở hang với A Phủ. Vai A Phủ là Đinh Văn Tôn, nhà anh cách hang A Phủ ở chừng ba mươi ki lô mét.
Anh Quang người Thái trắng ở Bắc Yên (Sơn La) có hẹn với tôi, gắng về Sơn La sớm để thăm lại hang Vợ, hang Chồng, gặp anh Tôn người thế chân A Phủ. Anh Tôn còn sống, nay mới ngoài 90 tuổi. Anh vẫn còn nhớ mọi điều ngày đi làm phim.
Theo anh Quang nói: vợ A Phủ còn sống ở Tủa Chùa. A Phủ đi rồi... nhớ quá... tiếc quá!
Nhờ con gái nuôi Chờ, Tô Hoài ăn ở với Tây Bắc như người Tây Bắc. Vì thế ông mới đủ cảm xúc viết lời cho bài hát “Bài ca trên núi”, Nguyễn Văn Thương phổ nhạc, Trọng Tấn hát:
Ơi!... Đầu trời có sao chiều sao sớm/ Đầu núi kia chỉ có hai người/ Dù đi cùng trời/ Dù đi xuống núi/ Trời chỉ có sao sớm sao chiều/ Núi chỉ có hai người... hai người yêu nhau.
Lời 2: Rừng chiều có tiếng khèn ai đó/ Khèn hát lên những lời mong chờ/Dù đi về rừng dù đi xuống núi/ Trời chỉ có sao sớm sao chiều/...
Chờ còn dịch ra tiếng Mông. Thi thoảng hát qua máy cho tôi nghe.
Mới hôm qua đây, Chờ còn điện: “Bố con đi nhanh quá, cái năm 2014. Bố mất. Mất lúc còn đang viết được...”
Năm ấy. Con gái nuôi về đến Hà Nội. Anh em cán bộ Bắc Yên (Sơn La) về Hà Nội tiễn cụ đông lắm. Họ nhớ tác giả của họ, nhớ người có công với đồng bào Tây Bắc.
Với ai không biết. Với tôi chỉ là ngọn cỏ dại dưới gót chân ông. Tôi chưa được dịp vào ngôi nhà Đoàn Nhữ Hài của ông. Nhưng quả núi văn chương ấy trước mắt tôi “Cụ” ngồi xuống chậm rãi, từ tốn, cặp mắt sáng tinh anh, lấp lánh. Vì thế hai lần lên Sùng Đô tìm cụ và hàng dăm bảy lần gặp con gái nuôi của cụ để hiểu về cụ.
Nay cụ mất. “Chết là hết... hết vui- hết khổ... hết vầng trăng sáng trên đầu...” (Lê Đạt). Nhưng chắc cụ không quên vụ kỷ luật khi cụ làm Giám đốc Nhà xuất bản Văn học. Vì quá yêu văn chương nước Việt, đã ký cho in tác phẩm của người tài danh thơ việt, mà họ gọi là “NHÂN VĂN”. Lớp người tung lời thị phi đó mất hết rồi. Nhưng tác phẩm kia còn sống với dân tộc nước Việt Nam mình.
Xin bái phục Tô Hoài. Với 160 đầu sách ông để lại chân dung văn học khó gặp.
V.B.C
Tin khác