Truyện ngắn của THANH NHI
Đoàn người dừng chân chỗ ngọn thác đầu nguồn. Thiếu mưa. Thác chết. Dòng nước chảy ri rỉ từ gầm những mỏm đá trên cao bò theo kẽ đá xuống chân núi lan vào lòng suối. Suối cạn nhe. Rừng trơ trụi. Thỉnh thoảng một cơn gió nóng hầm hập thổi táp vào mặt Triệu Tòn làm anh bật đứng dậy giơ hai tay lên trời gào lớn:
- Ngọc Hoàng ơi!… Hãy cho mưa đi… i… i…!
Hai, ba người khác cùng bật dậy chụm tay trước miệng, mặt ngửa lên trời:
- Chúng ta muốn trồng cây rừng mà không nước thì cây sống làm sa… o… o…!
Hàng trăm bầu cây giống buồn thiu gục bên nhau trong cái hơi nóng hầm hập của đất trời. Triệu Tòn nhìn đăm đăm vào mắt trưởng bản định nói gì đó xong lại thôi. Anh cầm chiếc thuổng lao phập xuống bờ cỏ cháy nắng. Tay ôm gáy, đầu ngửa lên, miệng há hốc. Trưởng bản lúi cúi đứng đậy và bước đến bên Tòn, ông vừa đặt tay lên vai chàng thanh niên thì bị anh vùng ra. Tòn quay ngoắt lại nói giọng giận dỗi:
- Này thầy mười hai đèn! Mỗi năm bốn mùa thầy cúng lễ mà tại sao không gọi được mưa? Đèn của thầy tắt lửa rồi à?
Nghe Tòn nói xúc phạm đến thầy, mọi người ùa đứng dậy xô vào ôm lấy nó. Mỗi người một câu.
- Thằng Tòn! Mày không được nói với ông Phúc Lục như thế…! Chẳng trách hơn hai mươi tuổi rồi mày chưa được cấp sắc ồ…!
- Mày vẫn là thằng trẻ con chưa hiểu biết thôi…!
- Đừng trách ông trời, mà trách con người nhà mình ấy…! Bao nhiêu năm cứ thi nhau đẵn gỗ đem bán về xuôi! Núi này muốn đẻ nước cũng không đẻ nổi nữa ồ…
- Bố mày cũng theo người ta đi đẵn gỗ mua được xe máy Sim- son cưỡi xuống phố…
Thằng Tòn vùng vẫy trong vòng tay mọi người gào lên cắt lời:
- Thôi…! Đừng nói nữa được không…!
Mọi người im bặt. Những dòng suy nghĩ đuổi nhau trong đầu. Đời bố thằng Triệu Tòn ở cái vùng núi Tháp Có này đã có nhiều người đi theo đoàn thợ xẻ lên rừng đẵn gỗ. Rừng bị lột như lột áo từ bìa ngoài đến tận tít núi cao. Chẳng mấy chốc mà thân thể rừng trơ da, trơ xương. Ngày nào cũng có hàng đoàn, hàng đoàn xe chở gỗ kìn kìn chạy ra lù lù như đàn bọ hung tìm dũi đất bẩn. Nhiều nhà phất lên, giầu có lên nhờ gỗ nhưng cũng nhiều nhà tan tác vì gỗ. Như bố thằng Tòn này khi được nhiều tiền đã mua con Sim- son đỏ cưỡi xuống phố, không may lao vào tả - li, không chết, nhưng bao năm nay nằm liệt giường vì gẫy cột sống, đi hết viện tỉnh đến viện Trung ương hết sạch cả tiền, hết sạch cả đất. Thà rằng đứt ngay như thằng Dinh, cái thằng có tiền vác gỗ thuê tậu luôn chiếc xe ghẻ, nào ngờ đang chạy thì xe chết máy giữa đường bị ô tô chở gỗ đâm phải chết tại chỗ. Thôi đứt một lần đau đấy nhưng đỡ khổ dầm dề. Đấy, lại như lão Lý Phúc Định khai thác gỗ lậu được nhiều tiền lắm, vừa làm nhà lịa gỗ hẳn năm gian, vừa có tiền cho thằng con cả về Hà Nội học nghề, nhưng nó có học đâu, vừa tiêu hết tiền của bố lại vừa mắc bệnh lậu hay giang mai gì đó chữa hết khối tiền, lấy hết vợ nọ đến vợ kia mà chẳng có con, khổ chưa! Còn nhà ông Phây trong một chuyến áp tải xe gỗ về xuôi bị bắt phạt hàng trăm triệu. Ham gỡ quá ông ta nghe theo người xấu vừa chở gỗ lậu vừa kết hợp đem thuê hàng đen kiếm tiền còn nhiều hơn. Ai ngờ bị công an bắt và phạt tù mấy chục năm kia kìa. Còn gì là đời.
Ôi giời…! Chuyện về thời làm gỗ thì nhiều lắm! Tâm tính và suy nghĩ của những kẻ đi phá rừng chắc là bị hồn của sáu mặt trời và sáu mặt trăng hung hãn nó nhập vào chắc! Ai nấy thở dài. Họ kéo nhau ngồi xuống chờ tắt nắng mới trồng cây. Ông Phúc Lục trầm ngâm, không biết ông nghĩ gì nhưng chắc chắn là giận thằng Tòn lắm lắm. Nó chưa được ngồi vào dự lễ cấp sắc nhưng nó phải hiểu chứ. Thằng bố nó không nhồi vào đầu nó được chút hiểu biết nào về lễ tục của người Dao ở vùng núi Viễn Sơn này sao? Ông buồn ra mặt. Ngày ông còn là thằng bé chừng chín, mười tuổi đã được ông nội giảng giải cho nghe về lễ tục. Nhiều câu chuyện truyền thuyết như chuyện về mặt trăng, mặt trời ông đã hiểu từ trước khi được thầy mười hai đèn dạy trong lễ cấp sắc bậc một, lúc đó mới được trao truyền ba đèn và ba mươi sáu binh mã. Bây giờ làm thầy được cả một trăm hai mươi binh mã trong tay nên mọi người trong thôn kính trọng ông, bầu ông vừa là trưởng bản vừa là người có uy tín trong cộng đồng. Vậy mà chả lẽ lại bất lực? Việc phủ kín đất trống, đồi trọc này đã làm ông trăn trở nhiều đêm. Dứt nắm cỏ ném xuống lòng suối, ông nhìn đăm đăm đàn cá cân cấn nép vào nhau bơi sát bờ đá như để tránh cái hơi nóng đang táp vào mặt nước nông choẹt, vài đám rêu xanh vật vờ… Ông vỗ hai tay vào nhau đánh đét! Mặt trời xuống núi, ông hô mọi người đứng dậy, chẳng ai nói ai rằng, họ uể oải khoác từng sọt cây lên lưng bước từng bước nặng nề lên triền dốc. Đi được một quãng thì trưởng bản dừng lại giơ tay ra hiệu và nói với đoàn người:
- Hôm nay ta không cho anh em trồng từ trên đỉnh đồi nữa. Số cây này cũng không trồng theo khoảng cách rộng nữa!
Mọi người xôn xao:
- Thế là sai kỹ thuật ồ…?
Trưởng bản quả quyết:
- Sai thì mình trưởng bản chịu với cán bộ. Hôm nay những người anh em cứ trồng thật dày vào, hoàn thành ít diện tích cũng được nhưng cho cây nó gần nhau sẽ đỡ bị khô đất, nếu cây sống được, sau này nó cứng cáp ta sẽ đánh tỉa ra chắc ăn hơn mà.
- Thế thì làm theo trưởng bản thôi!
Triệu Tòn không cãi cũng không tỏ ra hưởng ứng, anh cầm thuổng phăm phăm bổ hốc, sức nó lực lưỡng bổ hốc nào ra hốc ấy vừa sâu, vừa rộng. Mồ hôi ướt đầm lưng áo. Bóng chiều ngả dần, loắng một cái hàng trăm bầu cây được lấp xuống hố đất yên ả, ngoan ngoãn như những đứa con xếp hàng chờ đi ngủ.
Đêm đã sang canh mà ông Phúc Lục chưa chợp mắt. Có tiếng gõ cửa. Ông khẽ nhấc mình dậy ra mở cửa và thật ngạc nhiên thấy đầu thằng Triệu Tòn ngó vào. Ông kéo nó ra chiếc ghế tre ngoài sân rồi quay vào nhà xách tích nước chè xanh ra rót mỗi người một cốc to. Dưới ánh trăng suông, nước chè xanh vẫn sóng sánh thơm, thứ chè san trên núi này phiến lá dầy, vò tay cứ giòn câng cấc, vị chè xanh chát ngọt quyến rũ. Ông Phúc Lục đang định hỏi sang có việc gì mà lạ thế thì nó đã mở lời trước:
- Không ngủ được. Mình sang xin trưởng bản không giận mình nữa.
Ông Phúc Lục làm ngơ và bắt sang chuyện khác. Ông phân trần:
- Mình cũng không ngủ được Tòn à… Mình thấy năm nào dân ta đều trồng cây bồ đề, cây keo, cây mỡ, nếu cây sống thì được chặt gỗ nhanh nhưng tiền bán cây chỉ đủ gạo muối thôi…
Nét mặt Triệu Tòn đang buồn rầu bỗng chốc sáng hẳn lên dưới ánh trăng.
- Ồ… Mình cũng thấy như thế mà trưởng bản ơi!
Ông Phúc Lục nắm lấy tay Tòn lắc lắc nói:
- Thế là mình có người chung ý nghĩ rồi! Hôm trước mình xuống chợ thấy người ta bán có một bó vỏ cây mà được nhiều tiền lắm. Cái vỏ cây này nó thơm lừng… mình được thấy cây đó trên vùng núi nhà ta rồi đấy!
- Nó thơm lừng à? Vừa thơm, vừa cay, vừa ngọt phải không?
- Phải!
- Ồ…! Thế thì mình cũng được biết. Họ gọi nó là cây kế.
- Không, gọi là cây quế hay cây quý mới đúng!
Cả hai người say sưa bàn chuyện về cây quế rôm rả quá. Trăng đã chui vào mây. Trời sắp sáng. Ông Phúc Lục vui lắm. Ông đang thầm nghĩ lại về Tòn.
Đã qua mấy mùa trăng. Ông Phúc Lục rủ Triệu Tòn âm thầm lên rừng đánh cây quế con về trồng thử, cây chịu nắng tốt và lên nhanh trên đất Tháp Có. Tòn cùng ông tẽ quả, nhặt hạt về gieo trong vườn nhà, hàng ngày gom nước vo gạo tưới nên cây giống lên đẹp quá. Rồi Tòn sắp cưới vợ. Bố mất, kinh tế gia đình dần ổn định, hơn ba mươi tuổi nó mới chịu lấy vợ. Lần đầu tiên trưởng bản ra quy ước nếu trai bản mình lấy vợ thì trước lễ cưới phải trồng được ít nhất một trăm cây quế. Triệu Tòn hăng hái ra mặt. Trời nắng nhễ nhại nhưng Tòn hùng hục phát cỏ, lật đất, đào hố, vác hàng mấy bao phân chuồng lên đồi bón lót. Nhất định phải trồng được hơn thế cho ông Phúc Lục vui. Tòn nghĩ thế và làm được như thế. Trưởng bản đang cắm cúi trộn đất mùn cho vào bầu cây thì nghe tiếng Triệu Tòn gọi từ ngoài cổng;
- Trưởng bản à! Mình đã trồng được hơn ba trăm cây quế rồi đấy! Chắc vợ mình nó cũng thích lắm ồ…!
- Giỏi quá Tòn à!- Ông Phúc Lục khen.
Nói rồi, ông phủi tay vào ống quần đứng dậy kéo Tòn tới bộ bàn ghế đóng bằng tre dưới tán mấy cây quế đã lên cao hơn nóc nhà. Triệu Tòn bước tới vừa lấy gang tay đo quanh thân cây vừa vui vẻ nói:
- Nhanh thật đấy! Cây này sắp cho bóc vỏ rồi. Bên nhà mình cũng nhiều cây sắp được bóc mà. Mình tính sẽ bán vỏ quế mua cho vợ chiếc máy khâu...
Ông Phúc Lục cười gật gật cái đầu. Triệu Tòn nhận thấy dạo này ông để râu dài hơn và đã nhiều sợi bạc. Tóc ông trắng hơn trước nhiều, riêng đôi mắt vẫn còn tinh anh lắm. Ông vừa rót nước vừa chỉ vào mấy cây quế đang lên xanh và nói với Triệu Tòn:
- Phải để hàng cây trước nhà này thành cây cổ thụ xem nó sẽ to bằng nào chứ! Mà ta để làm cây giống chứ nhỉ?
Triệu Tòn cười vang trời. Tiếng cười lan vào vách núi. Chưa bao giờ ông Phúc Lục thấy nó cười rạng rỡ đến thế. Ông vào nhà lấy ra quyển sách đã sờn gáy. Ông lật giở từng trang giấy gió được ghi chép bằng thứ chữ Quan hỏa mà chỉ những thầy cúng nhiều đèn mới đọc được. Ông di di ngón tay trỏ trên từng dòng chữ rồi dừng lại ở một chỗ. Hồi sau ông ngẩng lên, mỉm cười nói:
- Hết mùa thu tới anh chuẩn bị vào cấp sắc nhá! Nhà còn khó khăn gì cứ nói cho "khoi tòn sai" biết. Mọi người sẽ giúp cho.
Khoi tòn sai là chủ nhóm trong lễ cúng. Điều này thì Tòn hiểu. Chính ông Phúc Lục hay được làm khoi tòn sai mà. Tòn còn biết khi nào thì người con trai được cấp sắc, được đặt tên mới, đây là nghi lễ quan trọng của người Dao mình mà. Nếu không cố gắng có đủ điều kiện vào cấp sắc thì dù có già nua bao nhiêu đi nữa cũng chưa được coi là người trưởng thành, chưa được phép tham gia những công việc hệ trọng của làng bản. Nhiều lần lắm rồi Tòn có được mời tham dự bàn bạc công to việc lớn của làng đâu. Trong khi đó có những đứa kém Tòn tới hơn chục tuổi mà vẫn được trọng vọng xin ý kiến đấy. Nghĩ đến đây Tòn khẽ quay sang nhìn ông Phúc Lục. Ông không như người ta. Việc tìm cây quý về cho dân bản là một việc hệ trọng, một việc cực kỳ lớn lao, lớn hơn cả ngọn núi cao nhất trên dãy Hoàng Liên kia, ấy vậy mà ông đã cho Tòn cùng bàn, cùng làm và Tòn cứ làm theo thôi. Việc lớn ấy đã thành mà Tòn vẫn chưa được coi là người có tiếng nói trong nhà và trong làng bản. Tòn chợt buồn nhưng lại chợt vui. Tòn đứng dậy tươi cười chào trưởng bản. Anh nắm bàn tay chai sạn cứng cỏi của trưởng bản nói hối hả:
- Mình về nuôi thêm gà, thêm lợn vừa để cưới vợ, vừa để làm lễ cấp sắc đây. Thầy nhớ dạy cho mình học lễ thật nhanh đấy nhá!
Lại mấy mùa trăng nữa đi qua rừng Tháp Cọi. Triệu Tòn được ông Phúc Lục dìu dắt học hỏi, luyện đức, tu tâm và vượt qua được ba mùa lễ cấp sắc, nay đã mang tên mới là Triệu Phúc Chiêu, được thầy cấp sắc truyền cho mười hai đèn với một trăm hai mươi binh mã. Thầy dạy rằng chỉ khi nào đủ điều kiện thụ lễ như thế mới có đủ tâm, đủ đức mà phân biệt cái lẽ phải trái ở đời và càng được trao nhiều đèn, nhiều binh mã ở cấp bậc ấy càng phải học nhiều hơn, làm nhiều việc có ích cho cuộc sống hơn.
Chiều mùa thu, những cơn gió mát lành thổi từ trên bầu trời theo dòng nước Thác Có trải xuống dòng suối hắt lên rười rượi. Triệu Phúc Chiêu dắt cậu con trai Triệu Tòn Vượng lên bãi cỏ dưới chân thác. Thằng bé đã hơn mười tuổi rồi đấy. Đồi quế bằng tuổi nó cũng đua nhau lớn. Nhiều đồi quế của các cặp vợ chồng trẻ ở miền sơn cước này cũng đang đua nhau dang rộng tán như dang rộng cánh tay che chở cho đất, truyền nước cho đất… Vợ chồng Phúc Chiêu còn trồng thêm một đồi quế rộng hơn héc ta để dành cho cu Vượng có tiền đi học này, rồi đến lúc đi lấy vợ này. Mấy năm nay quế được giá, vỏ quế, lá quế, cành quế, thân quế đều đẻ ra tiền hết. Nhiều nhà thành tỷ phú rồi đấy. Đời ông đời cha mơ cũng không được. Triệu Tòn lâng lâng trong lòng nghĩ lại cách đây vài năm có mấy người anh em thôn Giàng Lăng bên kia núi sang xin học cách trồng quế. Triệu Tòn tìm ông Phúc Lục hỏi ý kiến, ông vui vẻ bảo thế thì tốt quá, người Dao mình không nên hẹp hòi, các dân tộc phải giúp nhau chứ, mình có cái ăn mà bạn không có thì không nên đâu. Triệu Tòn gãi đầu, nhưng mà mình mất bao nhiêu công sức trồng thử, lúc được, lúc mất chứ! Người dưới thành phố là họ phải mua bán bí quyết nhiều tiền lắm đấy! Ông Phúc Lục lừ mắt với Triệu Tòn khiến anh tái mặt không dám nói nữa và chỉ biết nghe theo ông về dạy cho người anh em cách trồng cây quý này thôi.
Ngồi bên phiến đá làm cho cậu con trai mấy con trâu lá quế rồi đặt trên lòng ống vầu hướng dẫn nó tự chơi chọi trâu, Phúc Chiêu quay ra tập luyện các bước nhảy trong lễ cầu mùa sắp tới. Sắp tới Phúc Chiêu được cử làm sài ông trong nhóm khoi tòn sai gồm bốn vị chủ lễ. Thầy Bàn Phúc Lục tuổi cao rồi, thầy bảo là đến lúc phải nghỉ để cho những người trẻ như Phúc Chiêu gánh vác công việc của thôn bản. Thầy trao cho Phúc Chiêu cả việc cúng lễ quan trọng nên anh thấy lo. Thầy nói là càng lo thì càng phải học. Học nhiều, hiểu nhiều thì sẽ hết lo thôi. Trên thảm cỏ, bước chân sài ông nhảy chéo, nhảy ngang, nhảy dọc, có lúc quặp chiếc kiếm gỗ lăn tròn xuống nền. Vừa tập chân tay, vừa lẩm nhẩm cho nhớ các bước. Nào khai đèn! Hai tay sài ông chắp trước ngực như đang cầm một thẻ bài, mắt nhắm, chân giơ thẳng bước lên. Trong đầu Phúc Chiêu như đang vang lên tiếng trống khai đèn… Tiếng vỗ tay bồm bộp ngay sau lưng hòa với tiếng reo của cu Vượng "A!... Ông Phúc Lục đến!". Thầy Phúc Lục khen sài ông múa đẹp rồi tự lúc nào thầy say mê truyền dạy cho Phúc Chiêu từ bước khai đèn, bước mời Bàn Vương trên trời xuống dự, bước rước lễ khai sơn lập địa, đến lễ cầu mùa, cầu an, cầu phúc, cầu tài và lễ tạ ơn. Vừa dạy thầy vừa giảng giải, truyền cảm hứng và niềm tự hào về những nét độc đáo riêng có trong nghi lễ của người Dao đỏ.
- Phúc Chiêu à! Lễ cầu mùa của đồng bào mình diễn ra suốt hai ngày hai đêm anh biết chứ. Cho nên phải tập nhiều, đọc nhiều mới nhớ được.
- Dạ, phải cố gắng chứ! Nếu không gắng sức thì hàng trăm chứ hàng ngàn binh mã giúp sức cũng không làm được việc đâu nhỉ?
Thầy Phúc Lục vuốt chòm râu bạc cười vang vách núi… Phúc Chiêu không bỏ lỡ cơ hội nhờ thầy luyện cho phần quan trọng cuối cùng là "Bắn hạ mặt trăng và mặt trời". Cu Vượng nghe thấy bố nó hỏi ông về cách giương cung tên bắn mặt trời liền chạy tới ôm chân ông ngơ ngác hỏi:
- Sao lại bắn hạ mặt trời? Mặt trời chết thì trái đất này chết theo à?
Phúc Chiêu không để thầy trả lời mà kéo con trai vào lòng âu yếm xoa đầu. Câu chuyện truyền thuyết được tái hiện từ thuở hồng hoang có bẩy mặt trời và bẩy mặt trăng luôn ngự trị trên bầu trời để hút hết nước, giành hết lương thực, thực phẩm trên mặt đất này. Vì thế loài người trong đó có người Dao đỏ đi đến đâu cũng gặp cảnh đói khát do nguồn nước khô cạn, đồi núi trơ trọi. Để được sống thì tộc người Dao đỏ phải liên kết lại, cùng nhau làm cung tên bắn bỏ được sáu mặt trăng và sáu mặt trời, chỉ để lại một soi sáng cho ban ngày và một soi sáng cho ban đêm thôi… Truyền thuyết còn kể rằng trong lúc giao tranh sáu mặt trăng bị dồn đuổi đã hợp nhau lại hút quyền năng của sáu mặt trời sắp tàn lụi để trở thành trăng máu. Một mặt trăng còn lại được mây trời bảo vệ nên thành trăng xanh, lúc nào hết giao tranh trăng ló ra thành màu sáng. Năm nào loài người đoàn kết không chặt chẽ thì trăng máu xuất hiện, mặt đỏ phừng phừng gây nên cảnh động đất, gây nhiều dịch bệnh, con người muốn phát điên, mùa màng thất thu và nhiều năm như thế thì trái đất sẽ đến ngày tận thế…
Thầy Phúc Lục dí ngón tay vào giữa trán thằng cu nhưng như thể nói cho Phúc Chiêu nghe, rằng có thể năm nào mà thầy cúng chưa trổ hết được năng lực siêu phàm của mười hai đèn và hơn một trăm binh mã và tinh thần đoàn kết của mọi người chưa tốt là chưa bắn bỏ được hết sáu mặt trăng và sáu mặt trời thì năm đó trời làm hạn hán, mất mùa đấy!
Câu chuyện kể xong cũng là lúc trăng đầu tháng hé môi cười tỏa ánh sáng xuống những thảm rừng quế xanh đậm. Sương chiều bảng lảng kéo theo hương thơm của quế bay lên dịu dàng. Cu Vượng chợt phát hiện và thích thú reo vang "Trăng xanh!...Trăng xanh!... Ô kìa! Con thấy trăng xanh rồi!...".
Cả thầy và trò cùng nhìn lên bầu trời thu đang vào đêm của huyền tích trăng xanh. Sau lưng họ dòng nước từ trên ngọn thác vẫn ào ạt xối xuống dòng suối Tháp Có nở tung từng chùm hoa nước trắng xóa, lấp lánh dưới ánh trăng huyền ảo và hoa nước như reo ca hòa vào khúc ca của đại ngàn.
T. N