• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Na cù pí Cúc kẹ
Ngày xuất bản: 28/03/2023 1:29:16 SA

Truyện ngắn của NGUYỄN HIỀN LƯƠNG

 

Tiếng chim hót làm Sang tỉnh lại. Rõ là tiếng Họa My đang hót giọng đổ. Trời phú cho Sang đôi tai thính nhậy cộng với kinh nghiệm của hơn mười năm trong nghề săn bẫy chim nên chỉ cần nghe loáng thoáng tiếng chim hót là Sang biết đó là chim gì, chim đực hay chim cái, đang ở gần hay xa. Họa My thường hót vào sớm mai, có ba giọng, giọng hồi, giọng đổ và giọng ngắt. Giọng hồi thì tiếng hót cất lên cao vút, rồi dồn xuống thấp dần; còn khi tiếng hót lên cao rồi rung như tiếng đàn violon là giọng đổ; khi tiếng hót như bị đứt quãng nghẹn ngào là giọng ngắt. Sơn Ca thì bao giờ cũng bay lên thật cao rồi vừa từ từ hạ cánh vừa hót từng hồi. Sơn Ca cũng hót ba giọng; giọng thanh trong và cao nhưng không chói tai; giọng bình đều đều nhưng êm dịu, uyển chuyển; giọng trầm thấp hẳn xuống nhưng không đục. Chích Chòe chỉ hót vào những lúc yên ắng nhất trong ngày, hoặc vào buổi tối; bởi chỉ khi nào không gian thật tĩnh lặng thì Chích Chòe mới thật sự có cảm xúc “nghệ sĩ”. Tiếng hót của Chích Choè to vang, đủ các cung bậc cao, thấp khác nhau, có khi lại rung như tiếng nhị. Hoàng Yến thì không bao giờ hót vào mùa hè, giọng của Hoàng Yến vừa ngọt ngào vừa sâu lắng. Ngoài hót, Hoàng Yến còn có tài bắt chước rất chuẩn các loại âm thanh khác. Giọng hót chim Khuyên thì vừa cao vút, vừa thánh thót lại trong veo, pha chút ngây thơ, làm cho người nghe phải mê mẩn. Vì có mỏ kênh nên chim Khướu hót được rất nhiều giọng khác nhau, không áp đặt theo một khuôn khổ nào. Khướu bạc má đẹp mã nhưng không hót được nhiều giọng bằng Khướu mun. Giọng hót của Vàng Anh khá giống với giọng hót của Giẻ Cùi nhưng thánh thót tới 16 cung bậc trầm bổng đầy cảm xúc. Chào Mào thường hót vào buổi sớm, giọng hót rất nhẹ nhàng, êm ái, dễ nghe. Tiếng này đúng là tiếng Họa My, nó lại bắt đầu chuyển sang hót giọng ngắt rồi. Nhưng mình đang ở đâu mà có tiếng Họa My hót hay thế? Hót hay thế này phải có giá tiền triệu. Bẫy được hai con là đủ tiền tiêu cả tháng. Sang định vục dậy, nhưng không ngóc đầu lên nổi, chân cũng tê dại, bất động. Sang cố mở mắt, thấy ánh lửa bập bùng, nhận ra mình đang nằm cạnh ô bếp trong ngôi nhà sàn. Ngó xuống thân, thấy đang mặc bộ quần áo dân tộc. Sao lại thế này? Nhắm mắt lại, Sang cố nhớ lại sự việc đã xảy ra. Đúng là đêm qua Sang đã cố bò lết về phía có âm thanh pí pe, pí pe! phù phù, phụt phặt, rồi cố cất tiếng gọi nhưng không ai thưa. Sao giờ lại nằm trong ngôi nhà sàn này? Ai đó đã cứu mình ư? Đã đưa mình về nhà họ ư? Sang cựa mình, mới biết cái chân gãy đã được bó lá và nẹp lại. Ghé mắt nhìn, không thấy ai, Sang khẽ cất tiếng rên để đánh động. Một người phụ nữ trong trang phục dân tộc Xá Phó vội bước từ cửa vào, bà khẽ đặt tay lên ngực Sang rồi nói bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ:

- Cháu mày tỉnh rồi à?

Sang ngước mắt lên nhìn bà, khẽ mấp máy môi. Thấy ánh mắt Sang lộ vẻ ngơ ngác, người phụ nữ bảo:

- Ông nhà thấy cháu mày nằm không biết gì ngoài rừng, liền cõng về nhà. Lúc thay quần áo mới biết một chân cháu bị gãy. Bó lá thuốc và nẹp xong, hai bố con lại đi nương rồi, bảo bác ở nhà nấu cháo cho cháu ăn.

Nói rồi bà đỡ Sang ngồi dựa vào chiếc cột nhà cạnh bếp, bà đi múc cháo bón cho Sang. Sang há miệng đón từng thìa cháo của bà chẳng khác gì con chim non há miệng cho chim mẹ mớm mồi. Vừa bón cháo cho Sang, bà vừa hỏi:

- Cháu đi đâu? Bị sao mà gẫy chân, lại xây xát khắp người, nằm không biết gì ở ngoài rừng thế?

Ăn được mấy thìa cháo Sang đã tỉnh, nghe người phụ nữ Xá Phó hỏi, Sang đã định kể lại mọi sự việc. Bỗng một ý nghĩ chợt đến trong đầu làm Sang chững lại. Người Xá Phó coi rừng là nhà, các con vật trong rừng là bầu bạn, nên họ rất ghét bọn phá rừng, săn bẫy chim, thú. Nếu nói thật ra sẽ bị đuổi ra khỏi nhà ngay. Nghĩ vậy, Sang liền bịa là đi rừng lấy dây mây, củ nâu, bị lũ cuốn trôi, gãy chân rồi bị lạc trong rừng.

Thấy người phụ nữ Xá Phó yên lặng nghe, khẽ gật đầu, nét mặt thân thiện, Sang kể tiếp:

- Đêm qua cháu nghe thấy tiếng con gì kêu lạ lắm, cháu bò về phía có tiếng ấy nhưng đến gần thì không nghe thấy gì nữa. Rồi ngất đi ạ.

Người phụ nữ Xá Phó vừa nhẹ nhàng bôi thuốc lá cây vào những vết thương trên người Sang vừa nói:

- Thuốc lá bó chân gẫy với thuốc bôi chữa vết thương của người Xá Phó tốt lắm. Cháu mau khỏi thôi. Mà đêm qua cháu nghe thấy tiếng kêu như thế nào?

Sang khẽ thưa: 

- Dạ, cháu nghe thấy tiếng kêu pí pe, pí pe! phù phù, phụt phặt… ạ.

Người phụ nữ Xá Phó mỉm cười bảo:

- Không phải tiếng con gì kêu đâu, là tiếng sáo Na cù pí Cúc kẹ, cái Lành con gái bác thổi đó. Nó thổi đến lúc tắt trăng thì thôi.

- Vâng đúng thế ạ, lúc hết trăng cháu cũng không nghe thấy tiếng pí pe, pí pe! phù phù, phụt phặt… nữa. Vậy Na cù pí Cúc kẹ là cái gì hả bác?

Bà mẹ chưa kịp trả lời Sang thì ông bố và cô con gái đi nương đã về. Ông nhìn Sang, nói ngay:

- Cháu mày tỉnh rồi à? Tốt rồi. Lúc thấy cháu nằm co quắp ngoài rừng, tưởng cháu chết. Sờ vào ngực thấy tim còn đập, bác vội cõng về nhà.- Rồi ông quay sang bảo vợ- Bà cho cháu nó ăn cháo chưa?

- Bón cháo cho cháu nó rồi, còn bôi cả thuốc nữa.

Thái độ, cử chỉ thân thiện của gia đình người Xá Phó làm cho Sang xúc động đến trào nước mắt. Từ bé đến giờ có khi nào Sang được người ngoài chăm sóc tận tình thế đâu. Mồ côi bố từ khi mới năm tuổi; mẹ lại bị suy tim nặng nên tần tảo, lần hồi cũng chỉ đủ sức nuôi Sang học hết lớp 7, rồi cho Sang theo ông chú họ, đi nấu cơm cho đoàn thợ chuyên xẻ gỗ trộm cho bọn lâm tặc trong những cánh rừng già nằm sâu trong dãy Hoàng Liên Sơn. Những lần cơm bị khê bọn lâm tặc cho là điềm gở, đánh Sang đến thừa chết thiếu sống, bắt phải chan nước lã ăn hết nồi cơm khê. Vừa đau vừa nhục vẫn phải cắn răng chịu. Từ ngày mẹ bỏ Sang đi theo chồng, bọn lâm tặc thì bị công an bắt, đoàn thợ xẻ tan tác, Sang thành kẻ bơ vơ, không nhà cửa, không nghề nghiệp. Sẵn ở rừng quen, Sang chuyển sang săn thú, bẫy chim rừng, cung cấp cho các nhà hàng đặc sản thịt thú rừng và giới nuôi chim cảnh ngoài thành phố kiếm sống. Thực chất thì cũng là một loại “tặc”, không “gỗ tặc” thì cũng là “chim tặc”, “thú tặc”. Chỉ cần mấy lồng chim mồi, một bao bẫy các loại, khẩu súng săn cùng tài phân biệt được tiếng hót của các loài chim quý, mùi của các loại thú rừng là mỗi chuyến đi rừng vài ngày, thoải mái tiền cho Sang nướng vào các cuộc ăn nhậu, đỏ đen thâu đêm ngoài thành phố. Hết tiền thì lại lên rừng. Rừng Hoàng Liên bao la, bát ngát, thoải mái cho Sang kiếm ăn cả đời không hết, lại độc lập, tự do, chẳng bị ai cai quản, chẳng phải hầu hạ ai. Lần này lên rừng, phát hiện ra một đàn Hoàng Yến mới ở đâu bay về trú ngụ tại khu rừng cạnh Ngòi Nhầy. Bắt được đàn Hoàng Yến này thừa ăn cả năm. Sang liền hí hửng chăng bẫy, chẳng để ý đến chung quanh. Bỗng một cơn mưa rừng như đổ nước từ trong ống xuống làm Sang tối tăm mặt mũi. Ngay tức khắc lũ cuốn bất ngờ ập về nhanh như tháo cống. Sang không kịp chạy, bị nước cuốn cùng đủ các loại cây cối, rác rưởi. Trong lúc chới với, Sang kịp giơ tay bám được một thân cây đổ rạp ngang mặt suối nên thoát chết. Nhưng đồ đạc thì mất hết, áo quần rách bươm, một chân bị gẫy ngang đùi, khắp người xây xát. Sang hiểu, việc đầu tiên lúc này là phải cố bò ra được cửa rừng mới thoát chết. Nhưng bò mãi mà chẳng thấy cửa rừng đâu. Càng bò càng lạc. Mệt mỏi, đói khát, rã rời. Cái chân gẫy sưng vù, mỗi lần rướn người bò lết nó lại buốt đến tưởng như vỡ óc. Sang vẫn cố lấy hết mọi sức lực còn lại trong cơ thể để lết đi. Không lết được thì chỉ có chết, mà là chết thối thây, mất xác trong rừng. Quả báo rồi. Lời các cụ truyền đời cấm có sai. “Đi đêm mãi cũng có ngày gặp ma”; ăn tàn, phá hại của rừng nhiều đã đến lúc bị rừng trừng phạt. Sang chỉ nghĩ đến thế rồi không biết gì nữa. Bỗng Sang thấy người mình nhẹ bẫng, vút lên như con chim cất cánh, thoát khỏi một khối đen sì, hôi hám, tanh tưởi đang thối rữa. Rồi cứ thế, Sang phiêu diêu, bồng bềnh trong một đường hầm tối đen như mực, bên dưới lố nhố cả bầy quỷ sứ thè lưỡi dài đỏ, nhe nanh nhọn hoắt, giơ vuốt sắc như dao, chồm lên muốn vồ lấy Sang. Nhìn thấy phía cuối đường hầm đang lóe lên những vầng hào quang rực rỡ như trên thiên đường, Sang cố sức đập cánh bay về phía đó. Bỗng Sang nghe thấy những âm thanh pí pe, pí pe! phù phù, phụt phặt… không biết từ đâu văng vẳng vọng về. Sang bừng tỉnh. Không thấy đường hầm tối om, không thấy bầy quỷ sứ đang nhe nanh, giơ vuốt, không thấy cả vầng hào quang rực rỡ như thiên đường đâu nữa. Sang lắng tai nghe. Tiếng pí pe, pí pe! phù phù, phụt phặt vẫn dìu dặt vọng về. Lạ nhỉ, tiếng gì mà làm Sang bừng tỉnh? Không phải là tiếng nước chảy nhưng sao lại nó lại trong veo, mát rượi như nước suối đầu nguồn? Không phải là tiếng gió thổi nhưng lại sao lại du dương, bay bổng như cơn gió đang vượt đại ngàn? Không phải là tiếng chim nhưng sao nó lại ríu ran, thánh thót như chim hót? Càng lắng tai nghe, Sang lại thấy những tiếng pí pe, pí pe! phù phù, phụt phặt như lời thủ thỉ tâm tình, lời gọi thiết tha, như có cả sự nồng ấm, thơm tho đang phả ra từ lồng ngực người con gái vậy. Nghe những âm thanh lạ ấy, Sang bỗng thấy người mình khỏe dần. Sang càng chú tâm nghe, càng thấy như có một luồng sinh khí từ vũ trụ bao la đang thổi vào cơ thể mình. Sang cố rướn người, bò, trườn, lê lết lại phía phát ra âm thanh kì lạ ấy. Mỗi lần tưởng như đã kiệt sức thì tiếng pí pe, pí pe! phù phù, phụt phặt lại như tiếp sức cho Sang. Sang đã nhìn thấy ánh sáng mờ mờ. Đã sang ngày rồi ư? Không phải. Là ánh trăng. Đúng là ánh trăng. Ánh trăng chiếu xuyên qua tán cây rừng đan cài vào nhau lọt xuống mặt đất thành những đốm sáng như một bức thảm hoa, đủ sáng cho Sang rướn người lết đi. Cứ vậy, Sang đã nghe thấy những tiếng pí pe, pí pe! phù phù, phụt phặt rõ hơn. Sang đã nhìn thấy lờ mờ trong ánh trăng một ngôi nhà. Nhà sàn. Nhà của đồng bào dân tộc. Chắc đây là một bản của đồng bào. Vậy là thoát chết rồi. Là sống rồi. Sang cố ngóc đầu dậy gọi nhưng tiếng gọi của Sang chỉ ri rỉ như tiếng dế kêu. Vừa lúc ấy, mây đen bỗng từ đâu ập đến. Ánh trăng vừa tắt thì những âm thanh pí pe, pí pe! phù phù, phụt phặt cũng vụt mất. Sang lại lả người đi, không biết gì nữa.

Sang ở nhà người Xá Phó đến ngày thứ ba thì đã lại sức. Đêm hôm ấy lúc trăng vừa ngoi lên trên đỉnh núi Púng Luồng, Lành lại ra ngoài sàn thổi Na cù pí Cúc kẹ. Những âm thanh pí pe, pí pe! phù phù, phụt phặt… lại ngân nga hòa cùng tiếng gió reo rì rào, tiếng suối chảy róc rách, tiếng thác đổ ầm ào, tiếng nai giác da diết thành một bản hòa tấu các loại âm thanh của đại ngàn vô cùng quyến rũ. Sang khẽ lết ra ngoài sạp, yên lặng ngồi nghe. Lành vẫn say sưa thổi Na cù pí Cúc kẹ, không hay biết có Sang đang ngồi yên lặng đằng sau. Đến khi một đám mây từ đâu kéo về che kín vầng trăng, bầu trời vụt tối, Lành cũng đứng dậy. Vừa quay lại, thấy Sang vẫn ngồi lặng lẽ, Lành đến bên mỉm cười hỏi:

- Anh Sang ngồi nghe em thổi Na cù pí Cúc kẹ à? Anh có thích không?

Sang bỗng luống cuống rồi bồi hồi bảo:

- Em thổi hay lắm. Càng nghe càng mê đắm. Không những thích mà anh còn biết ơn tiếng Na cù pí Cúc kẹ của em. Vì có tiếng Na cù pí Cúc kẹ em thổi, anh mới bò ra được tới cửa rừng, mới được bố em cõng về, mới thoát chết đó. Cho anh hỏi nhé, sao lại gọi cây sáo này là Na cù pí Cúc kẹ hả em?

Lành khẽ ngồi xuống bên Sang thủ thỉ:

- À, Na cù pí Cúc kẹ cây sáo của người Xá Phó anh Sang ạ. Nó khác với sáo của người Tày, người Kinh. Sáo của người Tày, người Kinh có một lỗ để thổi bằng miệng và sáu lỗ chỉnh âm, còn Na cù pí Cúc kẹ của người Xá Phó chỉ có một lỗ thổi bằng mũi, không có lỗ chỉnh âm nào. Khi thổi Na cù pí Cúc kẹ, phải hít đầy hơi vào lồng ngực, rồi đưa đầu sáo lên mũi, hơi thở từ mũi thổi vào lỗ sáo sẽ phát ra âm điệu của tiếng sáo. Người thổi phải điều chỉnh lượng hơi để chỉnh âm thanh tiếng sáo. Vào những đêm trăng, con gái Xá Phó thường mang Na cù pí Cúc kẹ ra sàn thổi anh Sang ạ.

Ngừng một lát, rồi Lành hỏi:

- Anh Sang còn đau chân không? Thuốc bố em lấy tốt lắm. Mấy hôm là khỏi thôi mà.

Sang nhìn Lành khẽ nói :

- Anh đỡ nhiều rồi. Anh biết ơn gia đình mình lắm. Hôm nào dạy anh thổi Na cù pí Cúc kẹ Lành nhé.

 Lành cười bảo:

- Na cù pí Cúc kẹ chỉ dành cho con gái thổi thôi. Con trai Xa Phó thì thổi kèn Ma nhí anh ạ.

- Sao Na cù pí Cúc kẹ lại chỉ dành cho con gái hả em?

- Dạ, người Xá Phó có câu chuyện kể, ngày xửa, ngày xưa, có một đôi trai gái Xá Phó yêu nhau. Một hôm, cô gái bị ốm, không ăn cơm mà chỉ thèm ăn quả Vả. Chàng trai liền vào rừng tìm quả Vả cho người yêu. Chàng hái được một túi quả Vả rồi thì trời bỗng mưa to, giớ lớn. Đứng trú mưa trong một bụi nứa bỗng chàng trai nghe thấy những âm thanh du dương, trầm bổng phát ra từ bụi nứa. Dõi mắt nhìn, chàng thấy có một cây nứa bị thủng một lỗ do kiến đục, khi gió thổi cây nứa nghiêng ngả, phát ra những tiếng kêu từ lỗ thủng. Gió thổi mạnh thì tiếng kêu to, thổi nhẹ thì kêu bé. Thấy lạ, chàng trai liền chặt cây nứa có lỗ thủng phát ra tiếng kêu mang về. Dựa cây nứa vào vách nhà, chàng mang quả Vả vào cho người yêu. Lúc đó trời lại nổi gió, cây nứa có lỗ thủng lại phát ra tiếng kêu như ở trên rừng. Cô gái nghe thấy những âm thanh ấy thì người khỏe lại. Cô hỏi chàng trai, tiếng kêu ấy ở đâu? Chàng trai kể lại sự việc cho người yêu nghe. Thấy người yêu thích nghe những âm thanh phát ra từ lỗ thủng cây nứa, chàng trai liền cắt lấy đoạn ống có lỗ thủng rồi dùng hơi từ miệng rồi cả từ mũi mình thổi vào lỗ thủng, thấy âm thanh phát ra còn hay hơn là khi gió thổi vào. Đặc biệt hơi từ mũi thổi vào nghe dìu dặt hơn là thổi từ miệng. Chàng liền quyết định, bắt chước theo lỗ thủng do con kiến đục vào cây nứa làm ra một cây sáo riêng của người Xá Phó. Chàng vào rừng, tìm cây nứa to bằng ngón tay cái, chặt mang về, cắt ra thành từng đoạn ống, mỗi đoạn dài chừng ba gang tay, một đầu có mắt, rồi khoét một lỗ thủng thổi thử. Thổi thấy chưa hay, chàng lại làm cái khác. Chàng thấy nếu làm sáo từ cây nứa già, người Xá Phó gọi là nứa kẹ, gióng thẳng, vỏ mỏng và đều nhau thì khi thổi âm thanh phát ra vang hơn. Âm thanh tiếng sáo còn phụ thuộc vào cả lỗ thổi. Nếu khi khoét lỗ còn giữ được lớp màng mỏng của lõi ống nứa thì âm thanh phát ra có tiếng rung dìu dặt. Vậy là chàng trai chọn cây nứa kẹ, tỷ mẩn gọt lỗ thủng, để giữ lớp màng mỏng của lõi ống nứa. Thổi thử thấy âm thanh thật như ý, chàng liền mang tặng người yêu. Cô gái rất vui khi được người yêu tặng cây sáo do chính tay anh làm. Thấy tiếng sáo lạ, nam nữ thanh niên trong bản kéo đến nghe rất đông. Cô nào cũng thích. Các chàng trai liền vào rừng, chọn nứa làm cây sáo một lỗ tặng cho người con gái của mình. Họ cũng quyết định đặt tên cây sáo làm bằng cây nứa kẹ, có một lỗ, thổi bằng mũi là Na cù pí Cúc kẹ và dành riêng cho con gái thổi để thể hiện tình yêu của người con trai. Từ đấy, Na cù pí Cúc kẹ truyền từ đời này, qua đời khác. Người Xá Phó bảo Na cù pí Cúc kẹ là cây sáo tình yêu, bao giờ không còn con trai, con gái yêu nhau thì mới không có Na cù pí Cúc kẹ. Giữ được tiếng sáo Na cù pí Cúc kẹ là giữ tình yêu muôn thuở, là giữ tâm hồn người Xá Phó chân chất yêu thương. Cứ thế, mỗi mùa xuân đến, đón tết Khùi xì mờ- mừng cơm mới, trong đám cưới hay chỉ là một đêm trăng thanh gió mát, trên khắp các bản người Xá Phó lại vang ngân lên tiếng Na cù pí Cúc kẹ. Nghe tiếng Na cù pí Cúc kẹ của các cô gái trong veo như nước suối đầu nguồn, bay bổng như gió núi, da diết yêu thương, nồng nàn hơi thở con gái, các chàng trai Xá Phó lại tìm đến tâm tình. Chàng trai thích cô gái nào thì làm cây Na cù pí Cúc kẹ đem tặng cô gái. Cô gái cũng thích chàng trai thì nhận Na cù pí Cúc kẹ của chàng, rồi họ nên vợ nên chồng.

Những ngày ở nhà người Xá Phó dưỡng thương, tối nào Sang cũng ra sàn nghe Lành thổi Na cù pí Cúc kẹ. Lành cũng kể cho Sang nghe nhiều chuyện về cây sáo Na cù pí Cúc kẹ. Cô bảo Na cù pí Cúc kẹ có thể thổi được nhiều điệu. Mỗi điệu lại có lời ca riêng, thể hiện cuộc sống của người Xá Phó. Mùa xuân đến thì thổi điệu chào xuân, kèm với lời hát: “Mùa xuân đến rồi các bạn ơi! Bản làng ơi! Các bạn hãy chuẩn bị những bộ quần áo váy mới để đi hội xuân, mình cùng vui vẻ bên nhau…”. Đón tết Khùi xì mờ thì lại có lời hát cảm ơn: Cảm ơn tổ tiên đã sinh ra con cháu Xá Phó, cảm ơn trời đất đã ban mưa thuận gió hòa, cho nước xuống nương, cho lúa chắc hạt, cho chim chóc không phá hoại, để thóc về đầy nhà, bản mường no ấm…. Còn điệu sáo giao duyên thì có lời ca: Anh ơi quê hương mình đẹp lắm, có những dòng suối xanh, những con đường mòn chạy quanh ven đồi, khe suối. Có những đêm dưới ánh lửa bập bùng mình trao nhau ánh mắt yêu thương, cùng ước nguyện hạnh phúc bên nhau…. Trong đám cưới của người Xá Phó, Na cù pí Cúc kẹ cũng ngân vang cùng với lời hát của nhà trai, nhà gái. Khi đến đón dâu, đại diện nhà trai hát: Hôm nay tôi đại diện cho nhà trai, cân gạo đã đủ cân, cân lợn cũng đủ cân, gà cũng đã đủ đôi, thịt chuột cũng đã đủ ống, rượu cũng đủ ống, bánh cũng đủ gánh,… Xin nhà gái nhẹ tay bưng lễ vật”. Nhà gái nhận lễ, đặt mâm cỗ cúng lên bàn thờ thì hát: Xin phép ông bà, tổ tiên, cho cháu được tách khỏi bàn thờ này, xin được rút tên khỏi nhà này để về nhà chồng. Cầu tổ tiên ban nhiều may mắn cho các cháu, qua đường gặp người tốt giúp, qua làng được làng yêu thương”. Khi chuẩn bị đưa dâu, bố mẹ cô gái còn hát dặn dò: “Con gái của ta ơi, con về nhà chồng chịu khó nhé. Hôm nay bạn bè, anh em đến để mừng cho con về nhà chồng đấy”. Cô dâu nghe xong, vừa khóc, vừa hát, đầy nghẹn ngào, da diết: “Hôm nay con xin phép về nhà chồng, bố mẹ đừng nhớ con. Con cũng lo làm ăn sao cho giàu có bằng chị bằng em, như mọi người trong bản”. Sau đó, cô dâu cúi sát đất lạy bố mẹ ba lạy. Nhà trai đưa cô dâu bước ra cửa, họ hàng nhà gái liền chạy đến kéo cô dâu lại, hai bên giả vờ giằng co và cuối cùng nhà gái phải thua để cô dâu bước ra khỏi cửa. Cô dâu ra đến sân, bố mẹ lại chạy lại hát: “Con chim đi xây tổ phải có rơm có rác, con trâu phải có cày, con người phải có của cải” rồi tặng con gái của hồi môn.

Nghe Lành  kể, Sang tủm tỉm bảo:

- Khi nào khỏe anh sẽ vào rừng tìm nứa kẹ, làm sáo tặng em, không biết em có nhận không?

Lành cũng hồn nhiên bảo:

- Anh cứ làm đi, em chưa có ai tặng Na cù pí Cúc kẹ đâu. Cây sáo này là của mẹ, ngày xưa bố tặng cho mẹ đấy.

Được bó thuốc và chăm sóc tử tế, hơn nửa tháng sau, cái chân gẫy của Sang đã lành, các vết xây xát trên cơ thể cũng hết. Nghĩ đến lúc sắp phải từ biệt gia đình ông bà Xá Phó, phải xa tiếng Na cù pí Cúc kẹ của người con gái Xá Phó xinh đẹp dịu hiền; nghĩ đến những ngày một mình lặn lội trong rừng săn thú, bắt chim Sang thấy rùng mình, khiếp sợ. Lấy hết can đảm Sang đã tự thú sự thật với ông bà người Xá Phó và tha thiết xin ông bà cưu mang. Hôm sau, Sang vào rừng tìm nứa kẹ, làm cây sáo tặng Lành. Lành cũng vui vẻ nhận sáo. Nhà ông bà Xá Phó chỉ có một cô con gái nên cũng muốn bắt rể. Nay thấy Sang đã nói thật gốc tích, hoàn cảnh của mình, thấy Sang cũng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát; Sang đã làm được Na cù pí Cúc kẹ, con gái mình cũng đã nhận sáo của Sang nên ông bà đồng ý cho Sang làm rể…

Câu chuyện trên tôi được nghe tại thôn Ngòi Nhầy, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, khi đi tìm hiểu thực tế để viết bài về gia đình hạnh phúc. Người kể cho tôi là một người đàn ông Xá Phó chừng sáu mươi tuổi. Gia đình ông được xã công nhận là gia đình hạnh phúc tiêu biểu. Bốn đứa con đều thành đạt, kinh tế vào loại tỷ phú, nhờ trồng quế. Ông còn là đội trưởng đội tự quản bảo vệ rừng của xã, luôn phối hợp tốt với cán bộ kiểm lâm bảo vệ những cánh rừng trên địa bàn. Những việc ông làm thật xứng đáng là một tấm gương tiêu biểu về xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhưng điều làm tôi bất ngờ và vô cùng ngạc nhiên, kính nể là khi biết ông chính là Sang trong câu chuyện. Tôi liền hỏi về đám cưới, ông cười rồi bảo:

-  Tục cưới của người Xá Phó nhiều lễ lắm, đầu tiên là lễ đánh trống, sau đó là lễ dạm hỏi, rồi lễ ăn hỏi chính thức, lễ thách cưới, mới đến lễ cưới. Từ lúc làm lễ ăn hỏi đến khi làm lễ cưới phải một, hai năm. Nhà trai phải tìm ông mối khéo ăn nói giúp việc giao dịch với nhà gái. Lễ vật dâng lên nhà gái gồm 18 ống thịt chuột nhỏ, 2 ống thịt chuột to; 18 ống rượu nhỏ, 2 ống rượu to; 18 chiếc bánh giày nhỏ và một đôi bánh giày to; rồi thịt lợn, gạo nếp nữa. Mọi thứ lễ vật khác nhà trai có thể xin nhà gái giảm, nhưng thịt chuột thì nhất thiết phải đủ.

Nghe vậy, tôi liền hỏi:

- Sao thịt chuột lại quan trọng thế ạ?

Ông Sang cười bảo:

- Người Xá Phó có câu chuyện kể, thuở xa xưa, trận đại hồng thủy dâng nước lên ngập trời, vạn vật và loài người trên mặt đất đều bị nhấn chìm. Duy nhất có hai anh em họ người Xá Phó sống sót nhờ chui vào một quả bầu to. Khi nước rút, quả bầu trôi dạt vào một hang đá. Nhớ lời cuối cùng cha mẹ dặn: “Bằng mọi giá phải duy trì nòi giống Xá Phó mình”, người anh liền bảo: “Giờ anh đi theo hướng Bắc, còn em đi theo hướng Nam, gặp ai thì lấy người đó”. Hai anh em đi mãi, hết một vòng quả đất lại gặp nhau ở chỗ chia tay. Để duy trì nòi giống, bất đắc dĩ họ phải trở thành vợ chồng. Người anh đang nghĩ không biết lấy gì làm lễ vật dâng lên trình báo tổ tiên, trời đất thì thấy một con chuột chạy vào hang. Anh ta liền đuổi bắt con chuột làm thịt, băm nhỏ, sấy khô, cho vào 9 ống nứa làm lễ vật dâng cúng. Từ đó trở đi, đám cưới của người Xá Phó, nhà trai phải làm gấp đôi số ống thịt chuột đó để nhà gái dâng cúng. Phải dâng cúng thịt chuột thì tổ tiên mới công nhận là con cháu.

Tôi lại hỏi:

- Vậy đám cưới của bác cũng phải làm đầy đủ thế ạ?

Ông Sang lại cười bảo:

- Biết hoàn cảnh của bác, bố mẹ bỏ qua nhiều nghi thức, lễ vật thì chỉ có thịt chuột. Hôm cưới, vợ bác mặc trang phục truyền thống của con gái Xá Phó đẹp lắm. Chiếc áo khợtolo, chỉ dài đến ngang thắt lưng được thêu rất cầu kỳ. Ngực áo đính hạt cườm xen lẫn những họa tiết hoa văn mầu trắng hình núi đồi, hai ống tay áo thêu hoa văn hình quả trám, hình tam giác xếp chéo nhau. Chiếc váy ống, dài gần chấm gót, thân váy được thêu hoa văn hình răng cưa, chân váy thêu hoa văn hình cây thông, bên dưới là hình sóng nước, hình vuông tượng trưng cho sân phơi, nương ngô, lúa. Giữa eo được thắt dây màu xanh nõn chuối, vừa che kín phần cạp váy, vừa làm tôn thêm vẻ đẹp của người con gái Xá Phó, khiến bác mê mẩn nhìn bà ấy không không chớp mắt.

Tôi lại hỏi:

- Còn bác thì mặc trang phục gì ạ?

Ông Sang nâng chén tượu mời tôi rồi mới nói:

- Bà ấy kì công hàng tháng chuẩn bị cho bác bộ trang phục của con trai Xá Phó. Áo thì xẻ ngực không cài cúc, hai bên sườn được xẻ tà, thêu hoa văn hình quả trám; lưng áo đính hạt cườm kép theo hình chữ thập, cổ tay áo thêu hình cây cỏ, hình chữ vương. Chiếc quần thì khâu theo kiểu quần chân què. Mặc bộ quần áo của người Xá Phó trong ngày cưới người con gái Xá Phó bác cảm thấy thực sự hạnh phúc cháu ạ.

- Vậy cơ duyên gì khiến bác từ một người phá rừng thành người bảo vệ rừng?

Ông Sang lặng yên hồi lâu mới nói:

- Người già Xá Phó thường dặn con cháu: Rừng quang làng kiệt; Rừng thiệt làng thua; Rừng khô người khát. Rừng còn thì người Xá Phó còn, rừng mất thì người Xá Phó cũng mất. Mình đã lấy vợ là người Xá Phó thì rừng cũng như vợ, phải bảo vệ thôi. Hôm nay cháu nghỉ lại nhà bác nhé, con gái bác sẽ thổi Na cù pí Cúc kẹ cho cháu nghe. Con gái bác thổi hay lắm, nó ở trong đội sáo Cúc kẹ của xã Châu Quế Thượng; đội trưởng là bà Thanh, được nhà nước phong tặng là nghệ nhân dân gian ưu tú đấy- Rồi ông Sang trầm ngâm- Nghe tiếng Na cù pí Cúc kẹ cháu sẽ hiểu tại sao bác lại yêu bác gái, lại tình nguyện ở lại đây làm người bảo vệ rừng.

Tôi nắm chặt tay ông Sang xin vâng. Quả thực tôi cũng muốn khám phá những điều kì diệu của tiếng Na cù pí Cúc kẹ, điệu sáo chỉ người Xá Phó mới có. Nghe tiếng tiếng Na cù pí Cúc kẹ, biết đâu một cơ duyên nào đó cũng sẽ đến với tôi.

 

N.H.L

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter