• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Tết trên đường ra trận
Ngày xuất bản: 23/01/2025 4:31:02 SA

Trích Tiểu thuyết của HÀ LÂM KỲ

LTS: Quý III/2024, NXB Quân đội Nhân dân xuất bản cuốn Tiểu thuyết “Vượt rừng” của Nhà văn Hà Lâm Kỳ sau khi tác giả sửa chữa, viết thêm một số chương. “Vượt rừng” nói về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Sư đoàn 304B. Với 600 quân, tất cả là người Yên Bái, mang Bí danh “Đoàn 3005”, các chiến sĩ đã vượt Trường Sơn, có mặt tại chiến trường, bổ sung vào các sư đoàn chủ lực, tham gia các trận đánh lớn, trong đó có Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Có những chiến sĩ Đoàn 3005 đã làm nên tên tuổi sau này như Đỗ Bá Tỵ - Đại tướng, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Hoàng Văn Lợi, Triệu Tiến Châu được lập hồ sơ đề nghị phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Với tư cách “người trong cuộc”, tác giả đã ghi lại những câu chuyện, những sự việc diễn ra trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, trong đó có vùng đất nước bạn Lào, một cách chân thực, sinh động, mà vẫn rõ nét cấu trúc và văn phong tiểu thuyết.

“Tết trên đường ra trận” là đoạn trích trong Chương 4 của Tiểu thuyết “Vượt rừng”.

Tạp chí Văn nghệ Yên Bái trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

* * *

Đi sát trước Tùng một bước là chiến sĩ giao liên của trạm, giao liên trạm nọ sau khi đưa quân đến trạm tiếp theo, làm thủ tục bàn giao xong, một mình quay trở lại tiếp tục làm nhiệm vụ dẫn đường cho đoàn khác. Cứ như thế, ngày ngày như thế, mà đường dây thì có tới ngót trăm trạm trú quân, mái nhà Trường Sơn cưu mang ấp ủ tất cả.

- Nếu ở nhà thì giờ này ngồi uống rượu thịt lợn tết rồi thủ trưởng ạ- Hà ngoảnh sang Đại đội phó Trường nói.

- Ừ, nhưng tớ quên các khái niệm chiều ba mươi rồi. Bảy năm chiến trường, hai lần ra Bắc về qua nhà thì lại vào cuối thu. Giá tết là mùa thu nhỉ…

Có tiếng xôn xao ở phía trước vòng qua một cua đèo nhỏ hiện ra khoảnh đất quang thênh, tiếng ve sầu kêu ran. Bốn giờ chiều, rừng Trường Sơn tối sầm. Tiểu đoàn trưởng truyền lệnh nghỉ lại Trạm mười một ngày, các đại đội lên nhận quà tết cho chiến sĩ, ông nhắc đi nhắc lại:

- Vui tết nhớ giữ kỷ luật đấy.

Theo bố trí của trợ lý tham mưu, Đại đội 1 được ở quây quanh tiểu đoàn bộ. Chỉ vài phút sau, tăng, võng của đội lính dã chiến đã đâu vào đấy. Hạnh vừa đung đưa chiếc võng bạt vừa nghêu ngao:

Trời không mưa

Giữa rừng thưa

Sáng rồi trưa

Mệt.

Chả cần gì hết

Vẫn vui ra phết

Chiều ba mươi tết

Làm thơ!

- Ối giời ơi, thơ của thằng Hạnh- Đạo la tướng, cười rung cả mái tăng.

- Này này, lại nhận hàng tết- Bắc kêu to.

Mọi người đổ xô lại chỗ tiểu đoàn trưởng.

- Đây nhá, mỗi người năm chiếc kẹo Hà Nội, một điếu thuốc lá Tam Đảo, hai gói chè Mộc Châu, còn cân đỗ xanh và ba cân gạo nếp để sáng mai cả đại đội liên hoan.

Bắc nói rành rọt rồi giao gạo đỗ cho nhóm “anh nuôi” của ngày mồng một.

- Không cần hương hoa gì à?- Hạnh hỏi.

- Ờ nhỉ, nhưng bây giờ tối rồi, sáng mai thằng Tính, thằng Đồng đi tìm hoa về cắm. Còn hương, thôi kiếm nhựa trám đốt lên, thơm thơm là được.

Bắc vừa lý giải vừa phân công.

Mọi việc đâu vào đấy thì nhóm tăng võng của Tiểu đội 3 ở bên cạnh lao xao:

- Chào thủ trưởng ạ.

- Chào các thủ trưởng ạ.

Bắc và anh em quay lại vừa lúc Chính trị viên tiểu đoàn Hà Chu cùng thủ trưởng đại đội bước vào chúc tết chiến sĩ. Rồi ông nói tiếp:

- Cái tết đầu tiên xa nhà lại giữa rừng Trường Sơn tuy có nhớ nhưng không được buồn, nó sẽ quen thôi, các đồng chí phải tỏ ra mình là anh Bộ đội Cụ Hồ, vừa có bản lĩnh, vừa có niềm tin sẽ thắng tất cả.

Chính trị viên cười to, cao hứng.

- So với các cụ xưa, anh em mình đã ăn thua gì, “đêm nay pháo nổ giao thừa, mà người chiến sĩ không nhà còn đi”(1) cơ mà. Thôi nhá, chúc mỗi anh lính giải phóng thêm một tuổi và lập công.

Ông giơ cả hai bàn tay lên chào, lần lượt bắt tay từng người lính, rồi chui qua hàng võng tăng sang chúc tết Trung đội 3.

Mình là chiến sĩ quân giải phóng miền Nam à bê trưởng?- Hạnh đột ngột hỏi Miu.

- Phải rồi, nhưng bây giờ thì chưa, khi nào đến nơi, Bộ Tư lệnh Miền nhận quân và giao nhiệm vụ, lúc đó các chú mới chính thức là lính mũ tai bèo. Vinh dự thế được không?- Miu giải thích cho Hạnh- Chỉ vài tháng nữa là có thể viết thư cho người yêu, đề là: “Anh Hạnh, quân giải phóng miền Nam, thương nhớ gửi em Thoa...”. Đấy, được chưa? Rồi cười khà khà.

- Cái Thoa nó chia tay tao rồi- Hạnh nói.

- Chia bao giờ?

- Trước hôm đi bê.

Đồng vỗ đùi reo lên:

- Đạo ơi, Đạo ơi, cái Thoa nó cho thằng Hạnh trước hôm đi bê.

- Thế à? Tạm ứng à?- Đạo vùng dậy- Thế thì mày phải tả đi, tả xem nó cho như thế nào, tao chấm điểm giúp.

Hạnh:

- Tao bảo chia là chia tay, chứ có phải cho đâu.

Đồng không buông tha:

- Nó cho thì mày nhận, có gì đâu, nó quý, nó kỷ niệm, mày không nhận là mày phụ nó, mày là thằng tệ. Mày là thằng tệ với em Thoa rồi Hạnh ơi.

Đạo, Tính, Quý vào hùa với Đồng làm Hạnh nóng ran mặt mũi, lúng túng chân tay. Bắc quát:

- Thôi, đừng nhắc riêng tư của em Thoa nữa, bây giờ thằng Nần kể chuyện nhà sàn đi.

Nghe Bắc đột nhiên chỉ định, Nần nghiêng đầu khỏi võng:

- Nhà sàn tớ à, chả có gì kể đâu.

- Nếu ở nhà thì giờ này mày làm gì?- Đạo hỏi.

- Tớ ngồi gói nem thính cùng bố, còn mẹ và hai đứa trẻ con buộc bánh chưng- Nần trả lời.

- Thế mày có thích vớt bánh chưng không hả Nần?- Đạo soi mói.

- Có chứ, bánh chưng tròn vớt ra buộc đầu lạt từng đôi lại rồi treo lên sào tre, sáng ngày mai nó khô, tròn căng.

Nần giải thích thêm:

- Muốn cho bánh chưng chóng nhừ phải đun đều lửa, muốn cho bánh xanh thì gói úp bụng lá dong vào gạo, muốn bánh để được lâu đừng cho hành, muốn miếng bánh nó ngon thì cắt khoanh bằng lạt, muốn...

Đồng vội kêu:

- Thôi, thôi đừng có nói nữa, chúng tao thờ em them huyền...!

Thế là cả tiểu đội cười rung võng.

Miu nằm lặng lẽ nghe chuyện, anh không dám lên tiếng cứ thế cho chiến sĩ hồn nhiên thoải mái như những ngày sinh viên. Đêm ba mươi tết, cái gì đưa các em đến giữa đỉnh rừng Trường Sơn này nếu không phải là giặc Mỹ?

Có ai vỗ vỗ vào võng. Tiếng Thái liên lạc:

- Chính trị viên Cầm bảo anh cho anh em lên tập trung chuẩn bị nghe Hà Nội đón giao thừa và nghe Bác Tôn chúc tết.

Miu bấm đèn pin nhìn đồng hồ, đã hai mươi ba giờ ba mươi phút. Trừ tổ canh gác, còn lại anh em kéo tất sang khu vực xê bộ. Cây đèn treo duy nhất có tán úp xuống để ánh sáng khỏi tỏa lên trời do trạm trưởng đưa đến lúc tối được chỉ huy đại đội treo lơ lửng đầu cành cây. Cạnh nó là chiếc National Nhật mà trung đoàn phát cho mỗi đại đội một chiếc để nghe tin tức.

Lặng im.

Tiếng chuông nhà thờ Hà Nội điểm chậm rãi lọt sâu vào không gian của đêm Trường Sơn yên ắng. Rồi tiếng pháo Bình Đà nổ giòn tan. Quốc Thiều, tiếng chị phát thanh viên sâu lắng xúc động xen lẫn những tiếng đại bác cuối cùng. Một giọng nói Nam bộ trầm ấm, khỏe mạnh từ chiếc radio nhỏ bé phát ra.

- Bác Tôn, bác Tôn chúc tết.

Ai nấy như nín thở lắng nghe lời chúc của vị Chủ tịch nước, lời chúc ngày đất nước thống nhất mà cả cuộc đời Bác Hồ mong đợi, chưa thực hiện được thì Người đã đi xa. “Việt Nam trên đường chúng ta đi...”.

Giọng hát của ca sĩ quân đội Doãn Tần như làm âm vang cả núi rừng Trường Sơn lộng gió trong những ngày Hiệp định Pari vừa được ký kết.

Chiến sĩ trở lại từng cánh võng. Miu nhắc các tiểu đội trưởng yêu cầu bộ đội đi ngủ để lấy sức, các ca gác chú ý làm nhiệm vụ.

Trời chưa sáng Tâm đã dậy lịch kịch nhóm lửa “xông” bếp đầu năm. Bắc thò đầu ra khỏi màn:

- Này, hay là sáng nay nấu ăn bình thường, gạo nếp và đỗ xanh để đến trưa ta kiếm thêm đao rừng về nộm làm bữa khai xuân đàng hoàng.

Tâm gật đầu, lại đổ gạo vào bao “ruột tượng” thắt nút lại.

Nghe Bắc nói với Tâm, Đạo vừa trùm chăn vừa kêu:

- Thằng Đồng, thằng Tính đâu rồi, a trưởng phân công đi lấy đao rừng từ năm ngoái, chúng mày đã đi chưa?

Tính tung màn.

- Tao và Đồng đi lấy hoa chứ, còn món đao nộm để anh Nần khéo tay hay làm.

Đạo:

- Nần ơi, anh biết gói nem lại dễ tính, chúng nó nịnh anh đấy.

Từ trong võng, Nần “ờ” một tiếng.

Đạo co người nhảy xuống đất ngẩng mặt “e hèm” thật to rồi nắm hai tay đưa lên trời nói một mạch:

- Hôm nay sáng mồng một tết, chúng con là chiến sĩ giải phóng quân đang ở giữa Trường Sơn có lời hay lời tốt thưa lên thần đất, thần trời, thần rừng, thần núi phù hộ cho chúng con năm mới đi đến nơi, làm đến chốn, đánh Mỹ- Mỹ thua, đuổi ngụy- ngụy chạy. Riêng thằng Đồng, thằng Hạnh trưa hôm nay cho chúng nó được ăn cơm nếp với rau rừng, lạy người vạn lạy...

Đạo phá lên cười. Hạnh và Đồng kêu toáng:

- Thằng Đạo, mày cúng cái gì thế? Chúng tao thiêng lắm đấy.

Bắc:

- Thôi, dậy tất cả đi, triển khai công việc đầu xuân.

Cả nhóm lục tục gấp màn vươn vai thể dục. Đại đội phó Trường dẫn một người lạ đi đến.

- Hà, Hà! Có anh Dón giao liên ở trạm tìm chú đây này.

Hà bật khỏi võng chạy ra, ngơ ngác.

- Chú ở Nghĩa Lộ à?- Người giao liên hỏi.

- Vâng.

- Anh là Dón, Cầm Văn Dón, đồng hương với em- Dón nói rồi quàng tay vào vai Hà. Hỏi thăm biết có người Nghĩa Lộ anh mừng quá đi các đại đội tìm, đường dây này rất ít được gặp người quê ở Nghĩa Lộ.

Dón vẫn ôm chặt lấy vai Hà, Hà hiểu Nghĩa Lộ thuộc khu Tây Bắc, quân Tây Bắc chủ yếu chi viện cho chiến trường C.

Rồi anh xin phép đại đội cho Hà vào Trạm nơi anh ở.

Ở chỗ tiểu đội cả bọn đang chờ.

- Thằng Hà nó đi ăn cỗ tết rồi. Thôi chén đi- Đồng khua bát sốt ruột giục.

Cả tiểu đội quây quanh nồi cơm tẻ, ăng gô rau và hộp thịt đã mở.

- Tao đây rồi- Hà lên tiếng- Tao được ăn tết, hơn chúng mày, còn đây là quà của anh Dón đồng hương tao.

Hà mở gói lá dong, hai quả bánh chưng tròn căng còn mùi thơm nước luộc. Hạnh gõ gõ bát kêu:

- Có lộc rồi, sáng mồng một thằng Hà xông nhà hàng xóm được đấy.

- Không, công thằng Đạo cúng đấy chứ- Hòa lên tiếng.

Đạo cười khì khì:

- Phải. Rất chi là thiêng.

Bắc bảo Tâm:

- Bóc một quả thôi, còn một để Hà đem về mời thủ trưởng đại đội.

- Ừ, nó là quân xê bộ, với lại của nhà ăn no, của cho thì ăn nếm thôi chứ.- Hạnh vừa nói vừa tủm tỉm cười.

- Có ai đến?

- Hiếu.-Hà kêu to, mọi người ngừng đũa ngoảnh lại.

Bắc buông giọng:

- Từ ngày lên cấp trên, mày chẳng ngó gì chúng tao cả.

Hiếu chống chế:

- Thì tao lúc nào cũng dọn đường khua nước để chúng mày đi sau ấm gan bàn chân, làm sao mà gặp luôn được.

- Thế thì bây giờ vào đây làm xắt bánh chưng khai xuân đã.- Đồng mời mọc.

Hiếu:

- Đồng ý ngay!

Bỗng có tiếng máy bay từ rất xa. Không phải động cơ phản lực mà loại trinh sát do thám gì đó. Trên núi Trường Sơn lại không có ánh mặt trời khó mà đoán biết được tiếng vọng từ hướng nào tới. Như gặp khúc xạ, Hiếu vội vàng đứng dậy.

- Tao về đây, nhỡ tham mưu trưởng gọi:

Đồng nói với theo Hiếu:

- Dẫn đường cho đúng vào nhé, đừng bắt anh em phải đi quay lại đấy.

Bắc đi một lượt thăm các tiểu đội bạn về vẫn thấy hội “tiến lên” ngồi xếp bằng tròn. Đạo đang trộn đỗ xanh, Nần lụi cụi thái lõi cây đao rừng để nộm muối lạc, những lát thịt hộp đã được rán lên, vàng ươm. Bếp lửa Hoàng Cầm hút gió kêu vù vù mà chẳng có một ngọn khói. Ngoài nồi đồ xôi là hai ăng gô đậu tương hầm đang lăm tăm sủi.

- Tâm ơi, “bảy trăm triệu nhân dân Trung Quốc”(1) chi viện đâu rồi.

Đạo to tiếng hỏi:

- Đây đây, chưa bóc tem đâu, made in China(2) hẳn hoi đấy.

Đạo gõ gõ hai đầu đũa vào nhau:

- Chuẩn bị cỗ bàn nhá, xong rồi đấy!

Nần lật hai nắp xoong nhôm bốn ngăn lẩm bẩm:

- Hai mâm, bốn món. Được. Ngon! Chỉ thiếu tim gan lòng lợn, dưa hành, bánh chưng và chai rượu sắn nữa là thành tết.

Đám “tiến lên” giải tán, khoảnh lá héo đang được trải rộng thêm thì Bắc từ chỗ chỉ huy trung đội về, nói như ra lệnh:

- Dừng ăn, dừng ăn. Thu dọn, hành quân ngay bây giờ!

- Sao?

- Sao thế Bắc?

- Có chuyện gì đấy a trưởng?

Những tiếng hỏi dồn dập, ngạc nhiên, ngơ ngác. Hai tay Bắc vừa tháo dây tăng võng vừa nói:

- Trên cho biết sáng nay bắt được thám báo, nó khai đã vẽ xong nơi tập kết của Đoàn. Lệnh của trên phải rời trạm trước mười một giờ trưa. Không được chậm. Bắc nhìn đồng hồ nói thêm. Bây giờ đã là kém mười lăm phút rồi.

- Thế cơm làm thế nào, chưa chín, bỏ thì tiếc lắm - Đạo băn khoăn.

Bắc nói ngay:

- Cho vào chậu, vừa đi vừa nấu!

Chỉ vài phút các ba lô con cóc đầy căng rời khỏi bãi khách bỏ lại những dấu võng rừng ứa nhựa cây và một khoảng trống rộng tênh. Đạo và Nần dồn tất cả tro nóng vào chiếc xoong quân dụng rồi đặt nồi xôi đỗ vào, phủ kín than đỏ lên nắp lấy dây quấn chặt.

- Tao buộc chắc rồi, Tính, Lực, hai thằng khiêng đi. Thằng Tâm thỉnh thoảng quạt than đừng để nó tắt.

Đạo nói như ra lệnh làm cho mấy anh chàng ham chơi “tiến lên” nghe răm rắp. Bắc nhìn đồng hồ rồi hô:

- Tiểu đội 1 tập hợp! Điểm số từ một đến hết. Kiểm tra vũ khí, quân trang, quân dụng..

Tiếng trung đội trưởng Miu:

- Tiểu đội 1, xuất phát.

Đồng hồ chỉ mười hai giờ trưa ngày mồng một tết. Phút chốc trạm giao liên số 10 vắng trơ, im phắc.

Sau Bắc là Nần, Nần vẫn như người anh cả nhẫn nại và lặng lẽ vác những khối sắt nặng nhất của tiểu đội hỏa lực. Tần khoác khẩu AK và chiếc ba lô để Tâm nhẹ mình vừa đi vừa đun nấu, đã có “con cóc” sau lưng, giờ lại thêm “con cóc” to đùng trước ngực. Rồi đến hai anh chàng Tính và Lực, tay và mắt không lúc nào rời chiếc bếp Hoàng Cầm di động. Lửa vẫn cháy nho nhỏ xung quanh nồi xôi và trên nắp nồi than củi.

Đại đội phó Trường đeo quân tư trang đầy mình, tay nắm gậy vừa kể vừa lững thững bước đi trong con đường rừng đã thành một vệt mòn như sợi chỉ vàng thả ngoằn ngoèo trên tờ giấy xanh. Năm sáu anh em chiến sĩ trong đội thu dung bám sát trước và sau người lính một thời “cơm Bắc giặc Nam”. Từng tung hoành trên chiến trường Quảng Trị, mỗi người theo đuổi một ấn tượng, một suy nghĩ về anh, cảm phục và yêu mến.

- Này Hà, bọn nào đun nấu ăn uống ở đây thế nhỉ, hay lại là thám báo?- Trường chỉ cây gậy vào bãi tro than bên đường hỏi.

- Không phải thám báo đâu thủ trưởng ơi, Tiểu đội 1 của thằng Bắc ăn tết đấy.- Hà cười trả lời.

- Sao, sao lại ăn tết thế?

Hà kể lại sự việc trưa nay của A một. Đại đội phó khen:

- Chúng nó thông minh. Được!

Tám giờ tối, đoàn người đến một bãi khách phụ. Thủ tục nhập trạm và bố trí đội hình nhanh gọn. Trung đội trưởng Miu nói với cánh lính tráng:

- Thế là hết tết…

 

H.L.K



(1) Thơ Tố Hữu.

(1) Những năm chống Mỹ, chiến sĩ hay tếu táo gọi vui các hàng hóa chi viện này của Trung Quốc là “bảy trăm triệu nhân dân Trung Quốc”.

(2) Sản xuất từ Trung Hoa.

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter