Ký của Trung Thành
Tôi tìm gặp lại anh bởi những ấn tượng mạnh mẽ sau chuyến đi thực tế sáng tác về chủ đề “Thành phố Yên Bái hướng tới đô thị loại II”, do Thành ủy Yên Bái phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Trong chuyến đi ấy, chúng tôi được thăm quan rất nhiều mô hình phát triển kinh tế điển hình, tiêu biểu của thành phố, và trong số những mô hình ấy, tôi đặc biệt chú ý đến mô hình nuôi ba ba gai của anh- người đảng viên dân tộc Tày Hà Tiến Hùng, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 12 phường Yên Ninh. Không hẳn là những con ba ba gai to “khủng” được vớt lên từ chiếc bể phủ đầy bèo xanh hay những con số thu nhập hấp dẫn từ việc nuôi giống thủy sản quý đã tạo ấn tượng cho tôi, mà có lẽ chính vị chủ nhà với gương mặt trẻ trung mà chân chất, hiền lành, cởi mở cùng những thông tin giới thiệu vội vã nhưng đầy thú vị của cô cán bộ phường dẫn đoàn giới thiệu hôm ấy đã thu hút tôi: “Ông chủ đây không chỉ là một đảng viên làm kinh tế giỏi, mà còn là một Bí thư chi bộ mẫn cán, gương mẫu lâu năm của phường chúng em đấy ạ…”. Sức hút ấy đủ mạnh để kéo tôi quay trở lại tìm anh trong một ngày đầu xuân rực nắng.
Sinh ra ở vùng nông thôn miền núi, nên anh Hùng được tiếp xúc và gắn bó với công việc nhà nông từ nhỏ. Lớn lên, nghề mà anh chọn chính là nghề lương thực và nơi đầu tiên anh trở về công tác sau khi ra trường là vùng cao Trạm Tấu. Sau 7 năm cống hiến ở vùng cao, anh Hùng mới trở về quê hương Văn Chấn công tác, đoàn tụ cùng gia đình tại xã Cát Thịnh- nơi khởi nguồn và phát triển của nghề nuôi ba ba thương phẩm ở Yên Bái. Vốn là người cần cù, chịu khó, lại có niềm đam mê đặc biệt với những công việc nhà nông, ngày anh trở về cũng vừa hay đúng vào thời điểm Cát Thịnh bắt đầu manh nha xuất hiện nghề nuôi ba ba. Chẳng là năm đó, người hàng xóm của gia đình anh là ông Phạm Ngọc Vê rủ một số người bạn hưu trí của mình về quê Hưng Yên tìm hiểu về nghề nuôi ba ba- một nghề đang phát triển và cho thu nhập rất cao ở miền xuôi. Sau chuyến đi ấy, nhóm các ông mỗi người mua dăm bảy chục con giống về nuôi thử. Bởi chưa có kinh nghiệm, giống ba ba trơn chưa quen với khí hậu, môi trường sống ở miền núi nên toàn bộ số con giống bị ngã nước mà chết hết. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đổ vào ba ba giống, giờ mất hết, ông Vê không dám nói với vợ, lẳng lặng đi mua những con ba ba mà dân trong vùng bắt được từ các khe suối về thả bù vào. Không ngờ giống ba ba gai tuy là loài vật hoang dã nhưng lại dễ sống trong các ao, bể nhỏ; chúng vốn sống quen với môi trường, khí hậu ở địa phương, nay được chăm sóc cẩn thận nên khỏe mạnh và lớn rất nhanh. Ông Vê quyết định nhân giống rồi chia cho những người bạn cùng khởi nghiệp nuôi ba ba với mình. Chỉ sau một vài năm, lợi nhuận, hiệu quả mang lại từ công việc nuôi ba ba của các ông đã khiến nghề nuôi ba ba nổi lên như một làn sóng, trở thành nghề điển hình và có sức lan truyền mạnh ra toàn xã, rồi cả vùng. Con giống ba ba gai trở thành giống quý, đắt và hiếm, không đủ đáp ứng ra thị trường. Giống quý, giá con giống lên cao nhưng là người tâm huyết với nghề nên không phải ai muốn mua, có tiền là ông bán cho. Quý mến vì thấy anh Hùng là người trẻ nhưng cần cù, chịu khó lại tỉ mỉ, cẩn thận nên ông Vê chủ động động viên anh nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và giao cho anh 20 con ba ba giống. Hào hứng, anh Hùng về thuyết phục vợ cho mình chuyển 10m2 đất vườn thành ao nuôi ba ba. Biết tính chồng tham công tiếc việc nên vợ anh không ngăn cản, nhưng cũng không mấy đồng tình, sợ anh mạo hiểm vì vốn liếng của hai vợ chồng không có, chăn nuôi giống mới không biết thế nào… Sau 1 năm với sự nỗ lực, chăm chỉ của mình, anh Hùng thu về 2 triệu tiền lãi từ bán ba ba thịt. Phấn khởi, anh Hùng mạnh dạn phá bỏ thêm 30m2 vườn để xây ao đầu tư nuôi tiếp. Nhà ở gần suối, nhiều lần mưa to, nước suối dâng cao, đã có lần bị trôi cả ba ba giống nhưng anh vẫn không từ bỏ. Năm 2004, do điều kiện công tác, gia đình anh phải chuyển ra thành phố sinh sống. Ngày mới ra, anh em trong cơ quan đưa anh đi tìm mua đất làm nhà, nhưng bởi vẫn sẵn máu làm ăn, ý đồ tiếp tục chăn nuôi ba ba cứ nung nấu trong đầu nên dù đi khắp thành phố anh vẫn không tìm được chỗ nào ưng ý. Cuối cùng, run rủi thế nào anh lại dò dẫm, tìm được đến khu đất mà gia đình anh đang ở bây giờ. Anh Hùng kể: “Ngày ấy, khu đất này hoang vu, rậm rạp lắm. Dù ở giữa lòng thành phố, chỉ cách đường lớn có vài trăm mét mà cả khu dân cư chỉ có hơn chục nóc nhà, đường đi vào thì lầy lội. Nói là mua được nhà nhưng ngoài một căn nhà cấp bốn lụp xụp thì chỉ là một khu đất đồi hoang sơ thôi, nhưng mình rất ưng. Vì ba ba là giống vừa hiền lành nhút nhát lại vừa hung dữ, rất thích sống nơi yên tĩnh, ít ồn ào. Giữa lòng thành phố ồn ào náo nhiệt này mà muốn nuôi ba ba quả là rất khó. Cũng chính vì thế mà khi tìm được nơi này, mình đã hình dung ngay đến việc sử dụng mảnh đất như thế nào và những lợi thế mà nó sẽ đem lại nên quyết ngay…”. Có được mảnh đất ưng ý, việc đầu tiên anh Hùng bắt tay vào làm là đào ao, xây bể nuôi ba ba. Bởi vốn liếng vợ chồng dành dụm được đã bỏ cả vào việc mua đất, không có tiền thuê người làm nên anh phải tự tay làm. Nhớ đến câu chuyện mà ông Vê kể cho anh sau lần đi dự Hội nghị khen thưởng những tấm gương tiêu biểu ở Trung ương, về một đôi vợ chồng nhờ ngày ngày cõng hàng trăm thùng nước lên đỉnh đồi cao nuôi ba ba mà trở thành tỉ phú, anh như được tiếp thêm sức mạnh và quyết tâm, kiên trì làm cho bằng được. Việc đào đất, đắp ao không còn là công việc nặng nhọc mà trở thành một cái thú, một niềm vui riêng của anh sau những giờ làm việc ở cơ quan trở về nhà. Cuối cùng thì bể cũng xây xong, anh Hùng về quê đem hơn 50 con ba ba giống to bé đủ cỡ mà anh gây được trước đó ra để thả. Ao đã có, giống cũng đã có, vấn đề còn lại là vật tư, thuốc men và thức ăn cho ba ba. Không có tiền, ngày ngày sau giờ làm việc anh lại mò mẫm khắp thành phố kiếm thức ăn cho đàn ba ba. Ban ngày đi kiếm giun, ban đêm thì soi đèn đi bắt ốc sên… Nuôi ba ba cũng có những bước thăng trầm, gian khó như chăn nuôi các loại nông, thủy sản khác. Có lúc, ba ba sốt giá, con ba ba giống lên tới tiền triệu một con, ba ba thịt cũng cả triệu bạc một cân, nhưng cũng có khi ba ba rớt giá thảm hại, một con ba ba giống chỉ còn vài chục nghìn đồng; ba ba thịt chỉ còn 2- 3 trăm nghìn đồng một cân. Nhiều người vì nản mà từ bỏ, cũng có nhiều người khởi nghiệp gặp đúng thời điểm khó khăn mà trở nên trắng tay. Song có lẽ bởi sự đam mê và lòng kiên trì đến cùng mà ao ba ba của anh vẫn trụ lại sau bao sóng gió. Rồi thị trường ba ba thịt, ba ba giống cũng dần ổn định trở lại. 3 năm cặm cụi, đàn ba ba vừa nuôi vừa gây giống cũng dần sinh sôi, phát triển, anh bắt đầu có vốn để tái sản xuất và đầu tư mở mang thêm diện tích chăn nuôi. Và sau 6 năm (2010), anh Hùng cũng có đủ vốn để xây cho vợ con một căn nhà khang trang rộng rãi. Hiện giờ, với diện tích hơn 800m2 mặt ao, hơn 1000 con ba ba các loại và hàng nghìn con ba ba giống, mỗi năm tiền thu về từ bán ba ba thương phẩm và ba ba giống của gia đình anh lên tới 3- 5 trăm triệu đồng.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc gọi của khách mua ba ba thương phẩm, và cuối cùng thì tôi cũng phải nhường lại ông chủ cho đoàn khách từ Hà Nội tìm vào mua ba ba. Anh Hùng nhanh nhẹn thay bộ y phục để lội xuống ao bắt ba ba lên cho khách. Chỉ một loáng, 2 con ba ba “cụ”, con thì 6- 7 cân, con thì nặng cả yến được anh lôi lên từ đáy bể. Những vị khách sành ăn ngắm nghía ba ba, trầm trồ, gật gù ra chiều đắc ý, thanh toán, cảm ơn ông chủ và rút đi nhanh như cơn gió. Tôi nhẩm tính, một cân ba ba thịt có giá 550- 600 nghìn, 17 cân vị chi ngót nghét trên dưới cả chục triệu bạc mà việc trao đổi, bán mua diễn ra nhanh chóng, đơn giản như mớ rau, con cá. Tò mò, tôi hỏi anh Hùng hẳn đây là khách mua quen, thì anh lại bảo đây là lần đầu họ tới, chắc họ được ai đó giới thiệu… Như đọc được ý nghĩ của tôi nên anh Hùng nói thêm: “Những khách phương xa tìm đến mua ba ba tại nhà như thế này là chuyện thường xuyên. Với tôi, khách dù quen hay lạ cũng đều được phục vụ như nhau, chất lượng, giá cả như nhau. Mình là người nông dân, công việc chăn nuôi, sản xuất thì phải làm bằng chữ tâm, còn với thị trường, khách hàng thì phải lấy chữ tín làm đầu, có như vậy mới lâu dài được cô ạ…”. Hẳn là vậy, làm việc bằng cái tâm và trách nhiệm nên uy tín anh tạo được không hề nhỏ. Khách được bạn bè giới thiệu đã tin, vào nghe ông chủ tư vấn nhiệt tình, nhìn con ba ba con nào ra con ấy, giá cả lại phải chăng, hợp lý, bảo sao không tin tưởng.
Nhắc đến uy tín và sự tin tưởng, tôi lại chợt nhớ tới lời của cô cán bộ văn phòng phường Yên Ninh hôm ấy nên vội chuyển hướng cuộc trò chuyện với anh. Tôi từng được nghe, bà con nhân dân trong tổ dân phố tin tưởng, quý mến anh không chỉ bởi anh là người hiền lành, chân chất, chịu khó mà còn rất năng nổ nhiệt tình. Ngày gia đình anh mới chuyển đến ở, hai vợ chồng đều là cán bộ nhà nước, đi làm từ sáng tới chiều mới thấy mặt ở nhà. Về đến nhà là lại hì hụi lao vào đào đất, đắp ao, chăn nuôi ba ba. Ấy vậy mà anh vẫn luôn dành thời gian thăm hỏi, giúp đỡ bà con hàng xóm. Trong những cuộc họp tổ, anh Hùng không bao giờ vắng mặt và tích cực đóng góp nhiều ý kiến hay cho tổ. Bởi vậy, chỉ vừa đến ở được nửa năm, bà con xóm phố nhất mực bầu anh làm tổ phó. Kể từ đó, anh chính thức trở thành cây cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền phường với nhân dân trong tổ. Tham gia công tác, gắn bó với bà con, điều đầu tiên anh nhận thấy rằng dù ở giữa lòng thành phố mà đời sống của bà con còn rất khó khăn, mọi phong trào tập thể của khu dân cư lại rất yếu. Tìm hiểu, phân tích rõ tình hình, anh Hùng xét thấy việc đầu tiên cần làm ngay là sửa lại con đường gập ghềnh lầy lội dẫn từ đường chính vào khu dân cư. Nghĩ là làm, anh lên gặp lãnh đạo phường xin hỗ trợ được 60% kinh phí, rồi về vận động bà con góp công, góp của để làm đường. Việc vận động, thuyết phục bà con không phải việc dễ. Lúc đầu nhiều nhà còn phản đối, đòi đền bù… nên anh phải kiên trì động viên, phân tích, thậm chí phải đầu tàu gương mẫu, xung phong đóng góp gấp năm, gấp mười mọi người cho dù gia đình mình cũng chẳng dư giả gì. Đã có lúc, đường mưa trơn trượt, anh phải bỏ tiền mua cả xe xỉ về đổ, rồi mới gọi bà con ra cùng san gạt để lấy đường cho đám trẻ đi lại học hành đỡ vất vả. Dần dần, bà con trong tổ thấy được cũng hưởng ứng theo nên công việc vận động, dân vận của anh trở nên thuận lợi hơn, mọi hoạt động phong trào tập thể cũng từ đó mà dần mạnh lên. 17 năm về sống tại đây, thì 9 năm anh làm Tổ trưởng tổ dân phố, 2 khóa làm Phó Bí thư và 2 khóa làm Bí thư Chi bộ khu dân cư. Làm được đường, xử lý êm thấm tất cả những vụ việc khúc mắc, xích mích tồn đọng lâu năm, giúp bà con giải tỏa mâu thuẫn, gắn kết tình làng nghĩa xóm… rồi vận động bà con làm ăn, phát triển kinh tế, anh Hùng tiếp tục vận động bà con đóng góp làm đường điện chiếu sáng, chăm sóc cảnh quan môi trường và tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Từ ngày thực hiện chủ trương của tỉnh về sáp nhập khu dân cư, số hộ trong tổ tăng lên 247 hộ với hơn 860 nhân khẩu. Nhân dân trong tổ chủ yếu làm kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán nhỏ và làm ăn lao động tự do nên đời sống so với mặt bằng chung của phường, của thành phố vẫn còn nhiều khó khăn. Là tổ dân phố nửa nông thôn, nửa thành thị nên mục tiêu phát triển kinh tế chẳng còn cách nào khác ngoài tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển kinh tế bằng các mô hình làm kinh tế thương mại. Hiện nay, trên địa bàn tổ đã có 12 mô hình phát triển từ các dự án vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội như trồng rừng; chăn nuôi lợn, gà, cá, ba ba; nuôi ong lấy mật; trồng phong lan, cây cảnh... với tổng số 52 đảng viên, sinh hoạt tại 4 tổ Đảng, đảng viên trong Chi bộ chủ yếu là cán bộ các cơ quan Nhà nước cao tuổi đã về hưu nên đều có trình độ nhận thức, học thức cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư tưởng ý thức xây dựng Đảng, xây dựng Chi bộ. Bởi vậy mà từ nhiều năm nay, năm nào Chi bộ cũng đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh, 98% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, 15% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
17 năm tâm huyết, gắn bó với nhân dân, với công việc; cống hiến hết mình với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, nhiệm kỳ này, đảng viên và nhân dân trong tổ vẫn tín nhiệm bầu anh tiếp tục làm Bí thư Chi bộ. Không phải vì tham quyền cố vị mà với anh, còn trí, còn sức là anh còn đóng góp, cống hiến cho bà con. Cho nên, sẵn sàng với nhiệm vụ mới anh đã đặt ra cho mình và cho Chi bộ những mục tiêu mới. Cùng với nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên, phát triển kết nạp hơn ít nhất 1 đảng viên mới, duy trì Chi bộ vững mạnh trong sạch hàng năm; duy trì nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mà điển hình là chương trình lễ hội đầu xuân với những trò chơi dân gian vẫn được tổ chức mỗi khi tết đến xuân về..., nhiệm vụ mà anh còn băn khoăn, trăn trở nhất vẫn là làm sao để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân và giúp đỡ đưa các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo. Những nhiệm vụ, mục tiêu ấy tưởng chừng như đơn giản, nhỏ bé, nhưng kết quả đạt được sẽ là tiền đề, là đóng góp không nhỏ vào thắng lợi chung, toàn diện các nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phườngYên Ninh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra.
T.T