Ký của Yến Trang
Đây không phải lần đầu tôi lên Mù Cang Chải nhưng cảm giác mới lạ trong không gian đã trở thành quen thuộc trong tiềm thức khiến tôi thấy tò mò và vui vui. Đi đến đâu, vào bất cứ xã nào tôi cũng thấy người dân nói về du lịch, về trồng cấy, về chăn nuôi để làm giàu cho gia đình. Hình như họ đang ở một tâm thế khác rất xa so với những lần trước tôi lên với Mù Cang Chải. Không còn dụt dè trước người lạ, không còn thụ động với những vấn đề xã hội xung quanh, không còn ỉ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước, của cán bộ, cùng những người hảo tâm ở mọi miền Tổ quốc. Họ đang chủ động hơn với cuộc sống của mình. Ven những con đường bê tông còn nguyên mùi vữa những ngôi nhà mới đang mọc lên chen giữa núi, giữa đồi. Cảm giác đầm ấm len vào trong dạ. Mù Cang Chải đang như cây thông non vươn mình trong đá. Trong khó khăn, Mù Cang Chải đã biết tận dụng thế mạnh của mình để vươn lên. Năm 2020, Mù Cang Chải đón 167.200 /160.000 lượt khách du lịch, doanh thu 100,4 tỉ đồng, vượt 12,1% kế hoạch tỉnh giao. Là một trong 4 huyện thu ngân sách lớn nhất, tỉ lệ tảo hôn giảm 5%. Đặc biệt công tác giảm nghèo bền vững đạt thắng lợi lớn với tỉ lệ giảm 8,54 so với năm 2019.
Tôi theo Trưởng phòng Thương binh xã hội huyện Trương Đăng Hùng xuống xã Dế Xu Phình để kiểm tra công tác chuẩn bị cho ngày mai đón đoàn từ thiện từ Hà Nội lên. Xã đã chuẩn bị 100 suất quà trao cho các hộ nghèo và 20 xe đạp trao cho các cháu học sinh nghèo vượt khó. Được biết đoàn từ thiện còn trao hỗ trợ làm 10 căn nhà, trị giá mỗi căn nhà 30 triệu và 200 suất quà nữa cho các xã khác của huyện. Đó là nỗ lực của cán bộ, lãnh đạo Mù Cang Chải trong kết nối, trong tìm kiếm mọi nguồn lực xã hội hóa để mang về lợi ích cho dân. Xe lướt êm trên con đường trải nhựa thênh thênh xuống xã, Trưởng phòng Hùng nói về công tác giảm nghèo của huyện trong niềm phấn khởi lộ rõ trên khuôn mặt. Đầu năm 2020 kế hoạch của huyện đặt ra là xóa 747 hộ nghèo, đến cuối năm 2020, huyện xóa được 948 hộ, giảm được 8,54%, vượt kế hoạch huyện giao là trên 70%, vượt kế hoạch tỉnh giao là 6,5%. Thành quả đó là sự vào cuộc đồng bộ của toàn Đảng bộ, chính quyền, của từng cán bộ đang công tác tại huyện, của những người dân đã thấu hiểu và khát khao thoát nghèo. Kể từ khi kế hoạch được đưa ra, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công cụ thể từng cán bộ phụ trách từng bản, từng nhóm hộ. Các xã cũng xây dựng kế hoạch phân công từng cán bộ xã phụ trách từng thôn, từng bản, từng nhóm hộ để chủ động cùng cán bộ huyện xuống dân bám sát cơ sở, tìm hiểu xem họ nghèo về tiêu chí gì, họ muốn làm gì để thoát nghèo cho chính gia đình mình, họ cần gì ở huyện để thoát nghèo thành công. Hiểu được tâm tư và khơi dậy khát khao trong mỗi người dân Mù Cang Chải, các cán bộ về lên kế hoạch, tìm mọi nguồn lực của bản thân, của huyện để giúp đỡ họ, chung vai cùng họ thoát nghèo. Với huyện thì nỗ lực tận dụng mọi nguồn lợi từ các chương trình của nhà nước để đầu tư cho người nghèo. Tính đến tháng 10/2020, huyện đã hỗ trợ đầu tư cho 14 công trình thủy lợi, giao thông và giáo dục với tổng kinh phí 32.390,93 tỷ đồng. Hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 47 dự án nhằm hỗ trợ chăn nuôi, hỗ trợ vắc xin tiêm phòng cho gia súc, hỗ trợ trồng lúa, ngô và phân bón các mùa vụ sản xuất cho 20.592 lượt hộ với tổng kinh phí là 8.178,883 triệu đồng trong Chương trình 30a. Nâng cao năng lực cho 250 cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp qua các lớp tập huấn. Chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho mọi người dân về giảm nghèo cũng đang được tích cực thực hiện thông qua các phóng sự truyền hình, các chuyên mục tuyên truyền trên sóng phát thanh và qua công tác hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho 35 hộ. Ngoài ra bằng nguồn ngân sách của huyện cùng với nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư huyện đã thăm hỏi, tặng 5282 suất quà với tổng trị giá 2.401,65 triệu đồng nhân dịp tết Nguyên đán. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ gia đình người có công làm nhà cho 32 hộ với tổng kinh phí 1.300,62 triệu đồng. Hỗ trợ dự án phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản tạo sinh kế để hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo của Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái với 27 con bò, tổng kinh phí 405 triệu đồng. Hỗ trợ đột xuất cho đối tượng với kinh phí 40 triệu đồng. Điều đặc biệt đáng nói nữa là Mù Cang Chải là huyện đầu tiên của tỉnh nghĩ ra sáng kiến tổ chức “Ngày cuối tuần cùng dân” để rồi chương trình đó trở thành một việc làm hay cho các huyện bạn làm theo. Về với dân, cùng dân chỉnh trang nhà ở, đường phố, cùng dân khai hoang ruộng nước, cùng dân làm lúa 2 vụ. Tất cả những gì dân cần, dân không đủ sức làm, có cán bộ về giúp. Về với dân, sát cánh cùng dân, nói những lời tuyên truyền thuyết phục. Mưa dầm sẽ thấm sâu. Dân tin đảng, tin cán bộ, thấy mọi lời cán bộ nói đều là vì dân. Và đương nhiên họ làm theo cán bộ là lẽ thường tình. Ngược lại về với dân, cán bộ thấu được tâm tư nguyện vọng của dân, thấy được những khó khăn mà dân phải đối diện để có biện pháp hữu hiệu nhất, phù hợp nhất đưa dân dần một giàu có, khang trang.
Xe ô tô chúng tôi rẽ xuống một chiếc cầu bê tông bắc ngang qua suối. Tiếng động cơ rì rì đẩy bánh xe bám trên mặt đường bê tông ngược con dốc quanh co dẫn vào xã Dế Xu Phình. Ủy ban nhân dân xã khang trang nằm giữa lòng những dãy núi bao quanh như ôm ấp. Cán bộ xã đang tất bật chuyển gạo, mì tôm, dầu ăn lên hội trường. Chỉ cần ô tô chở 20 chiếc xe đạp về sân là họ lại sẵn sàng lắp giỏ để ngày mai kịp trao cho các cháu. Ngồi bên bàn nước với Bí thư Đảng ủy xã, nói về công tác giảm nghèo của xã tôi được biết, năm 2020, huyện giao cho xã phải giảm 52 hộ, cuối năm xã giảm 66 hộ, đạt 126,9% kế hoạch huyện giao, đạt 117,9% so với kế hoạch xã giao, đưa tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 33,19% xuống còn 20,16%. Hỏi về những cố gắng của cán bộ lãnh đạo xã để hoàn thành vượt mức kế hoạch huyện giao, Bí thư xã chậm dãi như đang kể lại một câu chuyện thường ngày chả có gì là quan trọng và đáng nói. Thì ra để có được những thành công ấy, góp một chút công sức cho thắng lợi của toàn huyện trong công tác giảm nghèo bền vững thì cán bộ xã, cán bộ thôn không kể ngày đêm xuống dân vận động, giúp đỡ. Việc phân trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ xã, mỗi cán bộ phụ trách 50 hộ, đảm bảo phải nắm bắt được mọi mặt đời sống của những hộ đó, đối với công tác giảm nghèo bền vững, mỗi cán bộ xã chịu trách nhiệm tuyên truyền giúp đỡ 2 hộ thoát nghèo là một việc làm sáng suốt nhằm phát huy tối đa năng lực, nỗ lực của từng cán bộ đảng viên trong xã. Họ sẽ là những cánh chim không mỏi bám sát cơ sở, lắng nghe dân, thấu hiểu dân cần gì, thiếu gì trong cuộc sống để rồi cùng với lãnh đạo xã bàn bạc đưa ra phương hướng giải quyết. Nhà nào khó khăn về nhà ở, có mong muốn làm nhà, cán bộ xã, phối hợp với cán bộ huyện phụ trách địa bàn xã tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa ủng hộ 40 triệu 1 nhà. Nhà nào chuẩn bị được gỗ, tự huy động được vốn đối ứng từ người thân thì dễ. Nhưng có những hộ do quá nghèo, họ không đủ khả năng để tìm vốn đối ứng, không có nhân lực để làm nhà thì lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ xin những cây gỗ thông chết khô, những cây gỗ bị bão làm đổ về huy động nhân dân xẻ ra làm ván, hoặc cũng có thể tìm đến phương án làm nhà lắp ghép thì 40 triệu cũng đủ mua nguyên vật liệu, còn công thì tận dụng các đối tượng là học sinh học qua các lớp gò, hàn để hàn xì lắp ghép cho dân, huy động đoàn thanh niên, hội nông dân, hội cựu chiến binh vận chuyển, khuân vác. Việc đổ nền, đổ sân, làm nhà vệ sinh dân không có nhân lực, không có nhiều tiền thì chỉ mất chút tiền mua xi măng, mua gạch. Cát đã có lực lượng thanh niên ra suối lấy về, xây đã có lực lượng làm thợ xây trong thôn trong bản đến giúp. Mỗi người một tay, việc nhiều mấy cũng xong. Rồi trong thực tế, đối diện với công việc, các cán bộ lãnh đạo đã nghĩ ra cách kết hợp luôn với việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nên những ngôi nhà được hỗ trợ làm mới phải đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng, có bếp riêng, có nhà vệ sinh riêng. Ấy là tiêu chí nhà ở- một trong rất nhiều công việc phải làm để giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững. Nan giải nhất ấy là tạo cho họ cái nghề để tự kiếm sống thoát nghèo. Biết bao đêm vắt óc suy nghĩ, biết bao buổi xuống với dân vận động, tìm hiểu, nắm bắt nguyện vọng để rồi cùng họ tìm ra một hướng đi phù hợp nhất với năng lực bản thân, với tiềm năng kinh tế của họ. Có thể là thâm canh tăng vụ, cấy trồng giống mới có năng suất cao đối với những hộ gia đình có đất, có nhân lực. Có thể là hỗ trợ trâu cái sinh sản, bò cái sinh sản để họ phát triển theo hướng chăn nuôi đại gia súc. Có thể là cho họ vay vốn để bắt đầu gây dựng một mô hình chăn nuôi gà, một mô hình trồng giống cây mới, hay một cửa hàng tạp hóa phát triển nghề dịch vụ. Cũng có những khi họ không tìm ra được hướng đi cho chính mình thì cán bộ chỉ ra cho họ thấy, thậm chí cầm tay hướng dẫn cho họ làm hoặc cho họ tham gia một lớp đào tạo nghề phù hợp với họ.
Câu chuyện về giảm nghèo của xã đang sôi nổi thì Phó Bí thư Đảng ủy nét mặt đầy lo lắng vào phòng xin ý kiến Bí thư về việc tổ chức cuộc họp Ban lãnh đạo xã gấp. Cuộc họp gồm 3 người, Bí thư, Phó Bí thư và cán bộ nông nghiệp của xã. Đồng chí Phó Bí thư vừa xuống bản Háng Cuốn Rùa kiểm tra công tác chuẩn bị cho vụ Đông Xuân về. Thời gian chỉ còn vài ngày phải ngâm ủ và gieo mạ xong, ấy vậy mà dân chưa làm đất để chuẩn bị đón giống. Đồng chí Bí thư lo lắng: Gay đấy, phải quyết chiến đấu thôi. Chiều nay tổ chức họp các bí thư chi bộ và trưởng ban. Thống nhất phải thực hiện đến cùng. Đề nghị các đồng chí chuẩn bị bản ký cam kết thực hiện trồng 2 vụ lúa cho đảng viên để làm gương. Lần này phải có cơ chế, ai không làm nhất là cán bộ phải đánh vào thi đua, kể cả có bình xét rồi nhưng vi phạm thì vẫn đánh tụt. Sẽ phải chỉ đạo sau cuộc họp chiều nay, sáng mai các bí thư chi bộ, trưởng bản về tổ chức họp dân tuyên truyền vận động , các đồng chí đảng viên, những hộ dân có ruộng trong vùng quy hoạch 2 vụ phải có mặt hết để tiếp thu ý kiến chỉ đạo. Giờ xuống văn phòng triển khai luôn, tính toán thực hiện phương án nhanh nhất có thể. Thế nhé. Họ gật đầu rồi đứng lên. Thoáng cái đã khuất bóng sau dãy hành lang. Còn lại một mình với tôi, Bí thư Đảng bộ xã phân trần: Đấy, cô xem, vận động dân làm thêm vụ Đông Xuân để có thêm lúa gạo giúp xóa đói giảm nghèo cũng chật vật lắm. Giờ là lúc cán bộ lại phải xuống dân tuyên truyền, thuyết phục. Anh có biết nguyên nhân khiến họ không thích làm 2 vụ?- Tôi hỏi Bí thư. Anh giải thích: “Là do bản tính an phận thủ thường. Họ đã có đủ lương thực từ vụ mùa rồi nên không mong muốn làm thêm để dư thừa và trở nên giàu có. Nhưng đó chỉ là số ít thôi, còn phần lớn người dân Dế Xu Phình đã chủ động hơn trong làm giàu cho gia đình. Chẳng thế mà ở xã đã có rất nhiều gia đình chủ động làm đơn xin thoát nghèo. Họ hăng hái lắm, cầu thị lắm. Họ đã thấu hiểu cái nghèo đi liền với cái hèn. Họ hiểu số phận họ nằm trong bàn tay họ, không thể dựa dẫm vào ai đặc biệt là không thể trông chờ vào những đồng tiền hỗ trợ của nhà nước và của những người hảo tâm trong xã hội”. “Anh tin lần này mình sẽ vận động được dân?” “Phải được chứ. Đó là quyết tâm chính trị trong mỗi cán bộ đảng viên trong toàn xã, của cả hệ thống chính trị. Nếu có thể đích thân cán bộ xã phải xuống thuyết phục dân, hoặc thậm chí lại làm cùng dân như những ngày đầu tiên giúp dân trồng lúa cách đây vài năm. Cứ thế mãi rồi dân cũng hiểu, cũng thấy cái việc cán bộ vất vả, nỗ lực, chịu khó là vì những lợi ích thiết thực cho dân”. Nhìn anh mắt sáng niềm hi vọng tin tôi là các anh làm được.
Rồi chiếc công nông chở 20 cái xe đạp cũng về được đến sân Ủy ban xã. Chúng tôi dừng câu chuyện chạy xuống sân đã thấy cán bộ xã đang hăm hở chuyền tay nhau từng chiếc xe từ công nông xuống. Anh Hùng- Trưởng phòng Lao động, Thương binh xã hội ngó vào từng chiếc xe kiểm tra ốc vít. Tôi trầm trồ “Xe đạp chắc chắn đấy anh nhỉ” “Ừ, anh chủ động chọn kiểu chắc chắn cho các cháu đi đảm bảo. Bởi trên này đường khó đi, xe ít tiền sẽ nhanh hỏng, mất lòng tin với dân thì chết. Anh cũng bảo với nhà hảo tâm như thế và họ đồng ý mua loại xe này, đắt hơn so với dự kiến ban đầu, nhưng tất cả là vì các cháu.”. Tôi nhìn anh cười, ánh nắng chói chang nhuộm vàng mọi vật. Các cán bộ xã đang đội nắng cần mẫn lắp từng chiếc giỏ vào xe để ngày mai chúng được trao tận tay các cháu.
Gió đưa hương núi hương rừng quyện trong nắng gắt. Mầm xanh lại được mùa reo vui.
Y.T