Ký của Hoàng Kim Yến
Tháng 10/2019, Triệu Văn Huấn về làm Bí thư Đảng bộ xã Mường Lai. Biết rằng Mường Lai là quê hương anh hùng, nơi có đội Du kích Cổ Văn đã từng nổi tiếng với phong trào cách mạng, nơi có truyền thống văn hóa lâu đời, trong đó tiếng sáo Mường Lai đã trở thành nổi tiếng của cả nước. Thế nhưng đặt chân đến Mường Lai, Huấn vẫn không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ màu mỡ của mảnh đất nằm trọn trong lòng chảo, xung quanh là núi. Nơi có cánh đồng bằng phẳng mùa mùa tươi tốt, là vựa lúa lớn nhất của huyện Lục Yên. Về với dân, Huấn thêm hiểu truyền thống văn hóa ngàn đời đã hun đúc lên con người Mường Lai. Dù trải qua bao thăng trầm, bao khó khăn vật lộn với cuộc sống nhưng truyền thống văn hóa ấy vẫn luôn âm thầm trường tồn ngay cả khi nó chưa được phát huy, chưa được khơi dậy. Kế hoạch phát triển du lịch của huyện khiến Huấn nghĩ nhiều hơn về điều đó. Cái ý tưởng khơi dậy ở nơi đây tiếng Khắp, cọi, ví quan làng, lượn, phong slư khiến Huấn tự mình mày mò tìm đến những nghệ nhân dân gian nổi tiếng của xã. Tạm thời buông bỏ những lo toan của một Bí thư xã mới toanh, nhiều bỡ ngỡ, Huấn ngồi xuống lắng nghe từng tâm tư, nguyện vọng, gắng hiểu ý nghĩa của từng câu khắp câu cọi. Gặp được Huấn, các nghệ nhân như gặp được tri kỷ để trải lòng, để rồi Huấn hiểu thêm cái trách nhiệm của mình trước những con người luôn yêu văn hoá của dân tộc mình như yêu chính mạch máu đang chảy trong huyết quản. Việc đầu tiên Huấn tri ân cho những tin tưởng gửi gắm của dân bằng cách khích lệ những đội văn nghệ của các thôn hoạt động một cách chuyên nghiệp, tổ chức các cuộc thi để họ được cọ sát, học hỏi lẫn nhau rồi chọn ra những hạt nhân tích cực lập thành đội văn nghệ của xã, cho họ đi biểu diễn tại các cuộc diễn lớn của huyện. Mời các phóng viên báo chí ghi hình phát lên các phương tiện thông tin đại chúng. Được khoe những làn điệu của dân tộc trước rất nhiều người xem và được cổ vũ khích lệ khiến họ càng thêm tự hào và trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Rồi Lễ hội đình Nà Ngàm cũng được Huấn quan tâm, tổ chức một cách quy mô hơn, rộng rãi hơn, kết hợp với rất nhiều trò chơi dân gian và đặc biệt không thể thiếu được những làn điệu dân ca dân tộc Tày. Trong mỗi cuộc chơi, buộc những người tham gia phải mặc trang phục Tày, đội nào có nhiều người cổ vũ mang trang phục Tày thì đội đó được cộng điểm. Thế là chẳng cần phải giục, chẳng cần phải tuyên truyền, những người dân vốn đã rất trân trọng văn hóa của dân tộc mình tự nguyện đi may quần áo truyền thống dự lễ hội. không những thế, những cô giáo từ mọi miền quê về Mường Lai dạy học cũng may cho mình bộ trang phục Tày để dự lễ hội với bà con. Trang phục Tày vì thế có cơ hội quay trở lại trong cuộc sống người Mường Lai, để những cụ già lại vui mừng trầm trồ mỗi khi nhắc đến “Giờ không còn tình trạng tìm mãi mới thấy một trang phục Tày trong dân bản, nhất là ở lớp người trẻ”. Còn với Huấn, cậu không thể quên cái ngày diễn ra lễ hội. Cả một sân vận động rộng của xã người dân đến dự hội chật kín. Họ nô nức, phấn khởi tay trong tay, tiếng cười nói ríu ran, tiếng cổ vũ vang vọng trong không gian mênh mông. Niềm vui cũng rộn ràng trong Huấn. Niềm vui ấy đã được nhen lên trong Huấn ngay từ khi mọi ngõ ngách bản làng, người dân gác mọi việc đồng áng, nương đồi để chuẩn bị mọi điều tốt nhất dành cho lễ hội một cách đầy hứng khởi và trách nhiệm. Song song với đó, Huấn quan tâm đầu tư, sửa sang lại nơi thành lập đội Du kích Cổ Văn thành một địa chỉ đỏ khi muốn tìm về truyền thống cách mạng của lớp lớp cha ông Cổ Văn, là căn cớ để Mường Lai trở thành quê hương Anh hùng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, sự thông minh, sáng tạo, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống quả cảm của dân tộc Việt Nam nói chung và của người dân Mường Lai nói riêng. Đó sẽ không chỉ là nơi tìm về truyền thống của người dân Mường Lai mà còn là địa chỉ đỏ của lớp lớp thế hệ trẻ của mọi miền đất nước.
Huấn dạo bước trên những con đường bê tông hiếm hoi chạy về các làng, các bản của Mường Lai, thấy nhiều điều cần phải thay đổi mà mọi thứ chưa được bắt đầu. Mọi sự bắt đầu để tạo ra sự thay đổi đều là gian nan, huống hồ đó lại là thay đổi về quan niệm về nhận thức. Cái khó khăn ban đầu Huấn vấp phải ấy là do Huấn không phải là người của Mường Lai. Người Mường Lai chưa hiểu Huấn thì làm sao họ có thể dốc trọn lòng cho những điều Huấn nói. Thế nên những ngày đầu về nhận công tác, Huấn dồn mọi thời gian để xuống với dân, cùng dân tìm cách giải quyết mọi vướng mắc trong cuộc sống. Những ngày cuối tuần cùng dân như chất xúc tác để người dân cảm thấy sự chung tay của cán bộ để làm nên những ấm êm cho cuộc sống. Thấy tình trạng cháy nhà sàn do chập điện xảy ra trên địa bàn, Huấn cùng các cán bộ Mường Lai xuống dân sửa giúp đường điện, nhà neo người, khó khăn về kinh tế thì kêu gọi xã hội hoá giúp đỡ cả ngày công lẫn chi phí. Nhà không khó khăn lắm thì tuyên truyền, kêu gọi những người làm ăn xa gom tiền gửi về cho bố mẹ sửa đường điện, đương nhiên người trực tiếp làm là những công chức xã, thanh niên, phụ nữ và bà con lối xóm. Có khoảng hơn 20 gia đình được Huấn và các đồng chí trong lãnh đạo xã trực tiếp làm giúp. Dân hiểu cái tâm của lãnh đạo, thấu sự nguy hiểm của việc để đường điện cũ hỏng chạy quanh mái nhà sàn làm bằng cọ, cháy là nguy cơ rất cao, để họ đưa ra một lựa chọn “Đầu tư một vài triệu còn hơn để giặc lửa thiêu rụi cả gia tài”. Thấy tình trạng trẻ em bị đuối nước ngay tại các ao nuôi cá của gia đình, Huấn cùng các lãnh đạo lại xuống dân vận động rào bờ ao cho an toàn. Vẫn ban đầu là lãnh đạo làm giúp, rồi sau đó tạo thành phong trào rộng khắp. Rồi giặc dịch ùa về khắp nẻo đường quê, dân hoang mang, có lãnh đạo đến trấn an, chia sẻ. Dân chưa hiểu biết có cán bộ đến tận nhà tuyên truyền. Những người con xa quê đi làm ăn xa, tiếp xúc với F0 trở về địa phương cách ly trong vòng tay chào đón của lãnh đạo và bà con làng bản. Mường Lai là địa phương đầu tiên thực hiện sáng kiến làm lán tách biệt, đảm bảo đủ điều kiện thực hiện cách ly mà không để dịch bệnh dễ dàng lây lan cho người thân. Lại lãnh đạo, các đoàn thể xuống với dân chung tay làm lán. Các chốt kiểm dịch được lập lên tại các cửa ngõ giáp ranh với xã bạn, tỉnh bạn như một lá chắn thép bảo vệ quê hương Mường Lai. Các lực lượng tuyến đầu lại ngày đêm thay nhau canh chốt. Dân thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của cán bộ chẳng ai bảo ai, họ thay phiên nhau mang từng mớ rau, cân thịt con gà lên ủng hộ những người trực chốt. Chiếc lán lá cọ, đơn sơ bằng những cọc tre, vây, che tạm bằng bạt, thông thống giữa gió giữa mưa rừng lại được chào đón những nhà hảo tâm, tủ lạnh cũng được dân chở lên cho các bác chứa đồ như những lời động viên ấm lòng và cảm động. Tất cả dường như đã lay động đến tâm thức của người dân, họ làm thơ về Covid. Những lời kêu gọi chung tay phòng chống dịch, những lòng biết ơn nhờ thơ để gửi gắm được Huấn chắp thêm đôi cánh là tổ chức cuộc thi thơ. Nghiễm nhiên họ được động viên đúng lúc, những bài thơ họ sáng tác được đăng tải trên trang website Đảng Bộ Mường Lai như một chất xúc tác để họ thêm hăng say sáng tác, để trang Đảng Bộ Mường Lai lại có thêm nhiều thông điệp về phòng chống dịch bệnh bằng thơ vừa dễ nhớ vừa phù hợp với xúc cảm của nhân dân. Giờ dịch bệnh Covid đang ngày một lan rộng, rất nhiều F0 phải cách ly tại nhà, trước tình thế mới, 63 gia đình tự nguyện dồn nhà làm nơi cách ly. Huấn hiểu người dân đang cùng lãnh đạo xã đồng hành trước khó khăn của đại dịch.
Người dân Mường Lai tự nguyện đập tường rào hiến đất để mở rộng đường giao thông
Huấn cùng các anh em lãnh đạo xã dạo bước trên con đường thênh thang nối Mường Lai với Đồng Yên- Bắc Quang, Hà Giang, nghĩ về quyết định của Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy nhân dịp về thăm xã. Đồng chí đã rất ngạc nhiên trước sự đồng lòng của người dân Mường Lai trong hiến đất tạo mặt bằng, mở rộng con đường từ 5 lên 8 m. Ghi nhận sự đồng lòng đó, đồng chí quyết định sẽ đầu tư vốn của nhà nước để cứng hoá con đường, dù trước đó chưa hề có kế hoạch với tổng vốn đầu tư. Huấn vui, bà con cũng sẽ vui vì được ghi nhận, động viên đúng lúc. Con đường thênh thang sẽ mang theo những văn minh về bản làng Mường Lai, văn hoá Mường Lai sẽ có cơ hội đươc giao thoa với văn hoá mọi miền đất nước. Trong niềm vui, Huấn nhớ về những ngày đầu tiên khi chưa có phong trào hiến đất làm đường rầm rộ như bây giờ, Huấn cũng chưa biết mở lời thế nào cho phải. Lại lặng lẽ đăng lên trang Đảng Bộ Mường Lai những tấm gương sáng của các xã bạn trong hiến đất, làm đường. Họ tự tay đập hàng rào bê tông dài vài chục mét để hiến đất, hay luồn cưa máy cắt đi biết bao cây cổ thụ đã từng được chăm chút bao năm với niềm hi vọng sẽ cho thu nhập trong tương lai. Không một lời ca thán, không đòi hỏi một xu, hỏi vì sao thì họ cười tươi khảng khái “Giàu một nén chứ ai giàu xén bờ. Chúng tôi làm thế để có được con đường rộng rãi bằng phẳng cho con cho cháu. Tất cả vì tương lai”. Cứ thế, mưa dầm thấm lâu, nhận thức của người dân Mường Lai bắt đầu thay đổi. Ban đầu là dịch vào 1 mét để những con đường bê tông có thêm hành lang rộng rãi dễ dàng cho quay và tránh xe, cán bộ xã, thôn xuống cùng dân trực tiếp mở rộng con đường. Những gia đình tự nguyện hiến đất được chụp hình đưa lên trang Đảng bộ Mường Lai với những lời tri ân và cảm tạ sâu sắc. Những người con Mường Lai tiến bộ chia sẻ và ủng hộ nhiệt tình. Nó như một sự động viên ghi nhận, cho họ niềm vui và mong muốn được tiếp tục cống hiến. Từ những sự hi sinh cá nhân ấy, những con đường bằng phẳng, rộng rãi hiện ra. Mọi vấn đề bất cập do đường hẹp được giải quyết, dân được hưởng trọn vẹn những lợi ích của con đường đem lại đúng như lời Huấn và các cán bộ xã nói. Họ vỡ ra một điều “Cán bộ đang nỗ lực vượt mọi vất vả để mở đường không phải cho cán bộ đi”. Phong trào hiến đất làm đường từ đó được lan rộng. Ở các thôn, cán bộ xuống động viên, họ vui vẻ hiến đất tạo mặt bằng, rồi cùng nhau góp tiền đổ bê tông các con đường thôn xóm. Có người dân tự nguyện bỏ ra 1 nửa chi phí bê tông quãng đường vào xóm (30 triệu đồng) với quan điểm “Có đường đẹp thì hi sinh một chút cũng thấy vui lòng”. Những con đường liên xã cũng theo tinh thần tự lực cánh sinh mà được mở rộng như tuyến đường Liễu Đô- Mường Lai qua địa phận xã dài 4,2 m, nhân dân xã hiến trên 2000m2 đất, gần 700 cây quế, keo, bồ đề. Có những cá nhân hiến đến hơn 700 m2 đất. Riêng năm 2020 người dân toàn xã hiến trên 4000 m2 đất và 500 triệu đồng cho làm đường và cả nhà văn hoá. Cũng như con đường Mường Lai- Đồng Yên- Bắc Quang, Hà Giang Huấn và các cán bộ xã đang đứng đây cũng phải trải qua rất nhiều hi sinh và công sức. Như cái dịp chào mừng Ngày Bầu cử Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, vì thấy con đường quá lầy lội, các cháu học sinh đi học quá vất vả, những ngày mưa thậm chí không thể đi nổi, Huấn đã bàn với các anh em trong xã phát động phong trào sửa chữa con đường chào mừng Ngày hội của non sông. Lãnh đạo xã đứng ra huy động sự chung tay của nhân dân toàn xã, nhận được 48 triệu đồng. Người Mường Lai hiến 541 m2 đất, 303 cây cối có giá trị, 149 mét tường rào bê tông. Ông Nguyễn Văn Lưu- người con phát đạt của Mường Lai đang sinh sống ở Hà Nội ủng hộ rải đá toàn bộ tuyến đường trị giá 150 triệu đồng. Lãnh đạo xã cùng các đoàn thể và người dân ra quân một ngày với hơn 200 nhân công. Cuộc làm đường từ sức dân khi ấy giống như cuộc mở đường vào chiến trận của cha ông ta ngày chống Mỹ. Thế mới hiểu sức mạnh của sự đồng lòng. Sau mỗi cuộc kêu gọi sức dân Huấn công khai toàn bộ thu chi trên trang Web của xã, để dân hiểu cán bộ không vụ lợi gì, đơn giản chỉ vì lợi ích cho dân.
Cuối năm 2020, qua khảo sát, Huấn phát hiện con đường từ Mường Lai đi Át Thượng, Minh Xuân bị bỏ quên khá lâu mặc dù nó đã có từ ngày xưa. Dân Mường Lai đã có thời đi học qua đường ấy. Một ý tưởng nảy ra trong đầu Huấn. Muốn phát triển du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế thì phải mở lại con đường ấy. Nó sẽ giúp sự thông thương giữa hai xã được thuận tiện hơn. Con đường từ huyện vào Mường Lai giảm đi 1 nửa chỉ còn 7 km. Huấn chủ động phối hợp với lãnh đạo xã Minh Xuân cùng tổ chức 1 chuyến đi khảo sát con đường. Với nền đất nham nhở chỉ dùng cho xe đi lấy gỗ, chắc chắn sẽ phải mở rộng, cộng với 1 km phải mở mới hoàn toàn thì hai xã mới có thể thông sang nhau, cái ý tưởng phối hợp các tour du lịch với hai xã mới có cơ thực hiện được. Để thực hiện ý tưởng, cái khó đầu tiên là người dân phải hiến rất nhiều đất, cái khó thứ hai là khu vực giáp ranh giữa hai xã thường xảy ra trộm cắp một cách táo tợn, dân không muốn thông thường để “vẽ đường cho hươu chạy”. Rất nhiều lần phải xuống dân tuyên truyền, vận động, kèm theo lời hứa công an hai xã sẽ phối hợp chặt chẽ để truy bắt nhóm trộm cắp táo tợn ấy đảm bảo tình hình an ninh trật tự cho nhân dân. Với niềm tin tưởng từ những con đường cán bộ đã làm cho nhân dân xã, cộng với những lời lẽ thuyết phục đầy hợp lý, dần dần đã có người đồng ý làm đơn xin hiến đất. Những lá đơn của sự đồng thuận lại được đưa lên trang Web của xã, tạo hiệu ứng lan truyền và dần dà trở thành phong trào hiến đất sôi nổi. Con đường rộng 7 m ấy giờ đang thi công, sẵn sàng kêu gọi sự đầu tư của nhà nước để cứng hoá. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2021 người dân Mường Lai đã hiến trên 10.000 mét2 đất để làm đường, làm nhà văn hoá và các công trình công cộng, chặt trên 2000 cây cối có giá trị, tự đập trên 500 m tường rào bê tông mà trước đó họ mất bao tiền của để xây lên. Điều đó với Huấn là đáng mừng bởi trước đến giờ chưa có tiền lệ. Để đáp lại những hi sinh ấy của nhân dân, trách nhiệm của Huấn là kêu gọi sự đầu tư của nhà nước để con đường sớm được cứng hoá.
Tôi đến Mường Lai vào một ngày thu tháng tám, nắng trong veo trải một lớp vàng sóng sánh trên cánh đồng bước vào mùa chín rộ. Ngồi trong căn phòng vẫn thơm mùi vôi vữa, Huấn tâm sự với tôi về những điều đã làm được khi về nhận công tác tại xã. Dù đã đạt được nhiều điều như ý muốn nhưng với Huấn còn rất nhiều thứ sẽ phải tiếp tục hoàn thiện cho dân, như xóa nhà dột nát, giảm tỉ lệ hộ nghèo, phát triển các mô hình kinh tế đặc trưng, làm nhà văn hóa, thắp sáng đường quê… Tất cả đang chờ đợi Huấn và các anh chị em lãnh đạo xã một quyết tâm chính trị cao và nỗ lực lớn. Với những gì đã làm cho Mường Lai và tâm huyết Huấn gửi gắm qua từng lời tâm sự, tôi tin, cậu sẽ cùng Mường Lai cán đích.
H.K.Y