• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Xuân về trên đỉnh Suối Giàng
Ngày xuất bản: 21/01/2022 12:52:47 CH

Ký của Nguyễn Tâm 

Tôi trở lại thăm miền cổ tích Suối Giàng vào một ngày đầu xuân có nắng. Nắng vàng như dải lụa mềm nhẹ nhàng phủ lên làn sương trắng mù mịt đang ôm trọn mảnh đất nơi lưng trời. Ngồi trên không gian văn hóa trà Suối Giàng của ông chủ Đào Đức Hiếu, nhận chén trà vàng sánh mà cô gái Mông vừa trao tay, hơi ấm như xua tan cái lạnh thấu da của những ngày giáp tết. Đưa chén trà lên gần miệng, hương trà thơm thoang thoảng, vị chát dần lan tỏa rồi nhanh chóng được thay thế bằng vị ngọt dịu ngấm sâu nơi đầu lưỡi, khiến tôi thấy mình như đang hòa vào không gian xanh mênh mông của Suối Giàng. Ngồi thưởng trà, tôi chợt nhớ tới người bạn cũ, chị Lâm Thị Kim Thoa- Chủ nhiệm HTX Suối Giàng, chủ nhân của danh trà nổi tiếng làm nên thương hiệu cho Suối Giàng- “Tuyết sơn trà”.

Tròn 10 năm không gặp nhưng tôi vẫn không thể quên nụ cười như tỏa nắng của chị, càng không thể quên những tình cảm, tâm tư nhiệt huyết và tình yêu đặc biệt chị dành cho trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng. Lần này gặp lại, tôi may mắn được gặp cả chị và con trai Nguyễn Mạnh Linh- chàng trai có nước da ngăm đen nhưng nụ cười cũng luôn tỏa sáng và tình yêu trà mãnh liệt giống mẹ. 10 năm, con số không quá lớn nhưng lại là quãng thời gian đủ dài để trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, để Tuyết sơn trà trải biết bao thăng trầm, đổi thay và phát triển. Là một danh trà đã được vinh danh là thương hiệu của chè Việt, sự nổi tiếng cùng những thành tựu gặt hái được của Tuyết sơn trà trong suốt thời gian qua không phải tôi không biết. Ngay sau lần đầu tôi gặp chị, sau tất cả những bôn ba, gian nan tìm kiếm thị trường và vực lại danh hiệu cho chè Suối Giàng của chị, đầu tháng 11/2012, Tuyết sơn trà của HTX Suối Giàng cùng với trà của công ty TNHH Đức Thiện đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền chè Suối Giàng. Đầu năm 2016, quần thể 400 cây chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng tiếp tục được công bố là Cây di sản Việt Nam. Tìm lại được thương hiệu, vị thế của chè rồi, chị Thoa cùng với những người yêu trà, tâm huyết với trà như Đào Đức Hiếu lại tiếp tục tìm cách nâng tầm vị thế cho cây chè Suối Giàng, nghiên cứu và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mới mang tên Tuyết sơn trà như Diệp trà, Hồng trà, Hoàng Trà và Bạch trà. Năm 2019, Mạnh Linh tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính kế toán của Đại học Thái Nguyên trở về. Chị Thoa như được chắp thêm cánh khi nhận thấy niềm đam mê, tình yêu lớn và ý chí quyết tâm phát triển trà ở con. Nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của Linh, cuối tháng 11/2019, chị Thoa đã xây dựng và bảo vệ thành công để Tuyết sơn trà được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm Diệp trà được công nhận OCOP 4 sao, là sản phẩm đầu tiên của huyện Văn Chấn được thẩm định, đánh giá, chấm điểm và xếp hạng. Đây không chỉ là tin vui của HTX chè Suối Giàng và những người sản xuất ra Tuyết sơn trà, mà còn một lần nữa khẳng định về chất lượng, thương hiệu cây chè Suối Giàng, làm sống lại một danh trà của người Việt đã từng một thời bị quên lãng.

Chị Thoa (ngồi thứ 3) và Mạnh Linh (giữa bên phải) đưa trà Suối Giàng tham dự sự kiện Gặp gỡ Nhật Bản tại Hà Nội

 

Trong lúc tôi cùng chị Thoa trò chuyện, Mạnh Linh đem ra một chiếc giá gỗ nhỏ có những ống thủy tinh trong suốt đựng các loại trà cao cấp của Tuyết sơn trà. Nhón một chút trà bỏ vào ấm, điều chỉnh nhiệt độ đun nước trên bếp điện, cậu nhẹ nhàng từng thao tác pha trà chuyên nghiệp như một nghệ nhân. Đưa chén trà mời chúng tôi, Linh bảo “Đây là Bạch trà được thu hái và sản xuất vào vụ xuân năm ngoái. Cháu mời cô nếm thử vị trà này xem có khác so với trà xanh truyền thống mà người Việt mình vẫn dùng xưa nay không ạ!”. Tôi đưa chén trà lên miệng, vẫn vị thơm thoang thoảng đặc trưng của trà Suối Giàng, nhưng màu nước lại nhàn nhạt, khi uống không còn thấy vị chát mà ngay lập tức cảm nhận được vị ngọt sâu nơi khoang miệng, lan xuống tới tận cổ họng. Uống xong ngụm trà, để ý thật kỹ, tôi lại cảm nhận được một chút vị chát rất nhẹ và một chút dinh dính ở chân răng. Nghe tôi nói ra cảm nhận của mình, cả hai mẹ con chị Thoa cùng nhìn tôi cười và đồng thanh bảo “Đúng lắm. Đúng đấy ạ”. Hóa ra, trong 4 dòng trà cao cấp của Tuyết sơn trà, Bạch trà là loại trà có giá trị cao nhất về vật chất cũng như tác dụng đối với sức khỏe con người bởi nó là sản phẩm yêu cầu cao nhất về nguyên liệu, khó tính nhất về kỹ thuật và thời gian sản xuất. Là loại trà được làm từ nguyên búp, tức là chỉ duy nhất 1 tôm chứ không thêm lá; Bạch trà được thu hái vào mùa xuân, khi những búp chè non xanh bật dậy từ sau giấc ngủ đông dài của cây chè cổ thụ. Trong suốt những tháng đông lạnh giá, cây chè đã gom nhặt đủ những giọt sương giá buốt và tinh túy của đất, trời, gió núi để tích tụ thành lớp lông tuyết dày cho những mầm chè non. Sau quy trình chế biến nghiêm ngặt bằng cách làm khô tự nhiên và chăm chút, canh chừng cho trà đủ điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm để trà lên men (oxi hóa) trong suốt 96 giờ, Bạch trà ra đời với những búp trà còn nguyên hình dáng và giữ được lớp lông tuyết bao phủ bên ngoài, tạo nên màu trắng đặc trưng như chính tên gọi của nó. Cũng là dòng Bạch trà, nhưng Bạch trà của Tuyết sơn trà sau khi rót ra chén thường tạo một lớp váng mỏng như mỡ nổi trên mặt nước. Đây chính là điểm đặc biệt của Bạch trà Suối Giàng. Và có lẽ, điều đặc biệt ấy được tạo nên từ chính nội chất phong phú của trà Suối Giàng mà hiếm nơi nào có được.

Nghe thêm những chia sẻ của mẹ con chị Thoa về trà, tôi mới hiểu việc làm trà của họ bây giờ tuy đã có máy móc hiện đại, không còn vất vả bởi củi lửa nhưng cũng lắm công phu. Cùng với Diệp trà là dòng trà chế biến theo phương thức truyền thống, Hoàng trà cũng là loại trà có hương vị đặc biệt và giá trị cao bởi sự cầu kỳ trong chế biến, sản xuất. Để có được những cánh trà cũng như chén trà màu vàng óng, Hoàng trà được làm từ những búp trà non 1 tôm 2 lá. Sau khi thu hái, trà được đem sao ngay khi chưa ráo nhựa. Qua công đoạn sao và vò, trà sẽ được đem cấp ẩm và ủ trong 1 ngày, 1 đêm với độ ẩm từ 80- 90% để cho lên men rồi mới đem sấy nhẹ cho đến khi thành phẩm. Bởi qua 2 công đoạn chế biến, Hoàng trà vừa giữ được hương thơm thanh lịch, êm dịu và tươi mát của lá chè non, vừa mang vị tiền chát, hậu ngọt của trà truyền thống và vị ngọt cũng đọng lại rất lâu khiến thực khách rất yêu thích. Được mệnh danh là “Trà dâng vua”, lại được đóng gói theo quy cách quý phái, sang trọng nên Hoàng trà thường được lựa chọn làm quà biếu, quà tặng cho đối tác.

Nếu như ở dòng trà truyền thống vô cùng khó tính, đòi hỏi một quá trình chế biến nghiêm ngặt từ khâu thu hái chè tươi đến sao chè thì các dòng chè lên men tự nhiên lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng và những yêu cầu cao trong cả quá trình sản xuất. Sau Bạch trà, Bạch mẫu đơn, Hồng trà cũng là những dòng sản phẩm có giá trị cao, trong đó, Hồng trà được xem như một dòng sản phẩm được thị trường đón nhận nhiều hơn cả bởi tính phổ thông nhưng không hề kém về chất lượng cũng như giá trị so với các dòng trà khác. Được lên men tự nhiên qua hơn 46 giờ đồng hồ trong nhiệt độ phòng và độ ẩm ổn định, Hồng trà được làm từ những búp chè non 1 tôm, 1 lá. Sau quy trình chế biến tỉ mỉ, với ba lớp màu đặc biệt là viền vàng bọc vòng quanh miệng chén, tiếp đến là màu đồng đỏ và chính giữa là màu vàng hổ phách- màu của tinh khí đất trời Suối Giàng; khi uống, vị đắng chát được loại bỏ hoàn toàn, chỉ còn lại hương thơm đặc trưng và vị ngọt ngấm sâu, lưu lại lâu trong cổ họng khiến Hồng trà trở thành thức uống nhẹ nhàng, thanh tao được chị em phụ nữ rất thích. Không những thế, ngoài cách uống truyền thống, Hồng trà còn là nguyên liệu để pha chế ra nhiều loại đồ uống hiện đại khácnhư Hồng trà sữa, Hồng trà cam… mà giới trẻ ngày nay vô cùng  thích thú và ưa chuộng. Ngoài các dòng trà cao cấp và bình dân mà chị Thoa và Linh đã nói đến, tôi còn quan sát thấy trên giá trưng bày trong phòng làm việc của chị còn có một lọ hoa trà. Chị Thoa bảo, đây là dòng sản phẩm đặc biệt, rất hiếm, rất ngon, phù hợp với chị em phụ nữ nhưng giá thành không quá đắt. Để làm được dòng sản phẩm này, sự công phu có lẽ cũng không kém gì so với các loại trà khó tính khác. Hoa trà chỉ được thu hái 1 tháng duy nhất trong năm, trước khi trời chuyển gió đông. Người hái hoa phải canh đúng khi nụ hoa vừa chớm nở, không hái khi còn nụ, cũng không hái khi hoa đã nở thành bông. Khi sao, công nhân phải sao trên nhiệt thấp, 2 ngày mới được một mẻ và phải giữ sao cho cánh hoa không bị vỡ. Với hương thơm nồng, vị chát dịu nhẹ, vị ngọt đậm, nước vàng sánh như mật, Hoa trà xứng đáng khi được mệnh danh là mỹ nhân của các loại trà. Vốn không ngừng đam mê về trà, bao năm nay, cùng với việc vận hành, phát triển HTX và thương hiệu trà, chị Thoa vẫn luôn ấ ủ tìm tòi, khám phá ra những loại trà mới. Giờ có thêm con trai cùng chung chí hướng và niềm đam mê ủng hộ, chị như thỏa lòng khi được làm tất cả những gì mình mong muốn. Mùa sen năm ngoái, 2 mẹ con chị hì hụi kiếm hoa sen tươi về cho trà vào ướp. Kết quả, mẹ con chị thu được những ấm trà có hương thơm man mát, phảng phất nhẹ nhàng từ hoa sen, hòa quyện với vị chát nhẹ, vị ngọt hậu của trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng thật đáng để thưởng thức. Rồi có lần, 2 mẹ con lại lấy hoa hồng để ướp hương, hoa đậu biếc hãm trà để tạo nên nhiều hương sắc mới cho trà.

Hơn nửa đời người miệt mài, lăn lộn với vận mệnh và những thăng trầm của trà, hơn ai hết, chị Thoa hiểu được sự thay đổi là điều tất yếu để trà Suối Giàng, để Tuyết sơn trà giữ vững và nâng cao được vị thế trên thương trường. Bởi vậy, chị Thoa vẫn luôn cố gắng làm thật tốt sản phẩm của mình để giữ gìn, bảo vệ và xây dựng thương hiệu. Song, cho đến khi những người trẻ tuổi có niềm đam mê với trà như Đào Đức Hiếu đến với Suối Giàng, rồi đến khi Mạnh Linh trở về với những ý định táo bạo trong mở mang, phát triển trà cùng những điều mới mẻ mà con tiếp thu được từ sau chuyến đi thăm quan thực địa ở vùng trà Trung Quốc trở về, chị Thoa mới nhận ra rằng những cố gắng của chị là chưa đủ. Chị Thoa bảo: “Bọn trẻ bây giờ không chỉ táo bạo hơn mình, có cái nhìn mới mẻ hơn mình mà chúng còn tư duy sâu sắc và có những tính toán, bước đi rất bài bản. Thay vì chỉ lo làm cho ra sản phẩm tốt rồi đem đi bán thì chúng lại dành thời gian để nghiên cứu khách hàng xem có thích sản phẩm chúng tạo ra hay không; thích ở điểm nào và không thích vì sao. Sau khi nghiên cứu, nhận thấy điểm khách hàng không thích là hợp lý thì chúng điều chỉnh, còn nếu không hợp lý thì chúng sẽ tìm cơ hội và tìm cách để “giáo dục” khách hàng, giúp khách hàng hiểu hơn về sản phẩm và những lợi ích mà sản phẩm đem lại để họ thích mà tiếp nhận sản phẩm của chúng… Với khát vọng đưa trà shan tuyết Suối Giàng ra thế giới và tinh thần cầu thị, học hỏi, những chuyến đi thực địa ra nước bạn, nhất là những nước có truyền thống văn hóa trà lâu đời như Trung Quốc, Nhật Bản đã giúp các bạn ấy học hỏi được nhiều điều, có thêm kiến thức và động lực để phát triển…”

Nghe mẹ nhắc đến mình, Linh hào hứng kể về chuyến đi Trung Quốc cùng với Đào Đức Hiếu và các anh em trong hội trà của cậu. Sau gần 10 ngày tham dự các hội trà và đi thăm quan khắp các vùng trà lớn ở Trung Quốc, Linh và các anh em nhận thấy rằng Trung Quốc là đất nước phát triển mạnh về trà không phải bởi họ có vùng nguyên liệu tốt hay rộng lớn mà họ biết cách khai thác hết giá trị của nguyên liệu, biết cách biến nguyên liệu đó thành sản phẩm quý, có giá trị cao. Từ cách quản lý, chăm sóc cây chè nguyên liệu đến quy trình sản xuất, chế biến và bán sản phẩm, họ đều làm theo một quy mô rất bài bản, hoành tráng và chuyên nghiệp. Thậm chí, ngay cả việc PA cho sản phẩm cũng được họ làm rất tỉ mỉ, hoành tráng. Đặc biệt, dù là ở làng quê, ở vùng nguyên liệu hay ở nhà máy chế biến trà, họ cũng luôn chú trọng và dành không gian lớn để nói về lịch sử, nguồn gốc và văn hóa trà của mình… Trong khi đó, Việt Nam có những vùng nguyên liệu rộng lớn, nội chất, độ ngon đều không kém, thậm chí còn tốt hơn họ, chỉ là chúng ta chưa làm tốt thương hiệu cho sản phẩm của mình. Sau chuyến đi ấy, Linh càng thêm tự tin về vùng nguyên liệu của Suối Giàng. Cũng chính bởi vậy nên trong 3 năm qua, Linh cùng với các anh em trong hội luôn cố gắng tìm kiếm và tận dụng tất cả những cơ hội xúc tiến thương mại ở trong nước. Chỉ cần biết ở đâu có sự kiện, nhất là những sự kiện lớn có đối tác là người nước ngoài là Linh tìm cách “xin đám” để được tham gia, đem sản phẩm đến giới hiệu, chỉ với mục đích để người ta biết đến sản phẩm của mình, được thưởng thức và cảm nhận chất lượng chứ chưa cần bán được sản phẩm. Song song với đó, Linh không ngừng tìm tòi, thiết kế để thay đổi mẫu mã, nâng cao hình thức cho sản phẩm, đưa công nghệ số, đặt mã QR và tìm cách đưa Tuyết sơn trà lên tất cả các sàn thương mại điện tử trong nước cũng như nước ngoài. Năm ngoái, sau sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản 2020” do Bộ Ngoại giao tổ chức ở Hà Nội, Tuyết sơn trà của Suối Giàng đã được người Nhật biết đến và hài lòng. Họ đã tìm đến Suối Giàng, ghi hình, lấy tư liệu để đem về nước làm truyền thông về trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng. 2 bên cũng đã giao dịch, thỏa thuận để đi đến ký kết. Tiếc rằng, dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên các đơn hàng không thể vận chuyển. Nếu không thì có lẽ giờ này, Tuyết sơn trà đã có mặt ở thị trường Nhật Bản và được khách hàng nước bạn đón nhận.

Từ các anh em trong hội trà, Linh học hỏi được nhiều điều và cũng có thêm động lực để ấp ủ, để tính toán thêm những bước đi tiếp theo của mình. Dù còn rất trẻ nhưng nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch ở Suối Giàng rất lớn. Khi trở về, ngoài các mô hình trải nghiệm, thưởng trà, khám phá văn hóa bản địa, khám phá hang động..., việc giao lại toàn bộ xưởng chè cho vợ để một mình quay sang làm du lịch ở động Thiên cung của bố đã khiến Linh nảy ra các ý tưởng làm du lịch mới. Cùng với việc tập trung làm trà với mẹ, được bố mẹ ủng hộ, Linh đã đầu tư làm một ngôi nhà sàn với đầy đủ các đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt và khuôn viên như một gia đình nhỏ để mở mô hình du lịch trải nghiệm theo hình thức second home (ngôi nhà thứ 2). Đây là mô hình kinh doanh không mới, nhưng chưa phổ biến ở vùng nông thôn và khu vực miền núi. Với mục đích không cần thu hút nhiều khách, mà chủ yếu tập trung vào chất lượng phục vụ và giúp khách hàng thoải mái nhất khi đến với Suối Giàng, mô hình của Linh nhắm đến đối tượng khách hàng là những gia đình có nhiều thành viên. Đến đây, họ sẽ được hưởng một không gian sống mới mà vẫn thoải mái như ở chính nhà mình; tự mình trải nghiệm, làm tất cả những việc mà họ thích. Tiếp theo, Linh cũng dự định góp vốn cùng anh em mở một quán trà ở trung tâm xã. Đây sẽ là điểm đến để thư giãn cũng như thưởng thức tất cả các loại thức uống được chế biến từ trà Suối Giàng cho những thanh niên trong vùng và du khách.

Ghi nhận năng lực và tin tưởng ý chí quyết tâm cùng niềm đam mê của con, chị Thoa đã có ý định chuyển giao dần cho Linh tất cả công việc để lui về cùng chồng tập trung làm du lịch. Nhưng trước khi đi, chị muốn cố gắng chia sẻ tất cả những kinh nghiệm, kiến thức về trà cho Linh và cho tất cả các bạn trẻ yêu quý, tâm huyết với trà Suối Giàng. Đồng thời, chị cũng muốn hoàn thành việc phát triển vùng nguyên liệu và Dự án sản xuất trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng theo chuỗi liên kết. Việc phát triển vùng ngyên liệu chị đã bắt đầu tiến hành từ nhiều năm trước bởi ngay sau khi thương hiệu trà Suối Giàng đứng vững được trên thị trường thì tình trạng “trăm hoa đua nở” đã diễn ra. Suối Giàng người người làm trà, nhà nhà làm trà, nguyên liệu thu hái xô bồ, ít chăm sóc, nguy cơ cạn kiệt không thể không lường trước. Chị Thoa với danh nghĩa là HTX đã tham mưu với huyện, phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân trồng chè mới. Mỗi năm trồng một ít, đến nay trừ 193ha diện tích chè cổ thì Suối Giàng đã có thêm hơn 480ha chè trồng mới, trong đó chỉ riêng trong năm 2021 trồng được hơn 20ha. Còn về Dự án sản xuất theo chuỗi do huyện chủ trương đến lúc này chị cũng đã thực hiện được đến bước khảo sát vùng, tới đây sẽ vận động bà con đăng ký tham gia để làm, rồi tiến hành làm chứng nhận hữu cơ cho vùng chè mới trồng. Cuối cùng là cùng với bà con chăm sóc để đảm bảo chất lượng, hỗ trợ bà con về kỹ thuật, kinh phí để cây chè đạt đúng tiêu chuẩn đã được công nhận. Để làm được bằng ấy việc không phải chỉ như kể một câu chuyện. Trong Dự án này, HTX là đơn vị đứng ra thực hiện, được Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí nhưng kinh phí hỗ trợ cho bà con là 100%. Song đây lại chưa phải là khó khăn nhất mà cái chị cần nhất chính là sự đồng hành, liên kết chặt chẽ của bà con bởi đây là một dự án sản xuất theo chuỗi, từ cây giống, trồng cây, chăm sóc, thu hái đến sản xuất, đóng gói và xuất bán là một vòng tròn khép kín. Xây dựng được chuỗi này, vùng chè nguyên liệu sẽ được ổn định, chất lượng chè được đảm bảo, giá trị của cây chè và sản phẩm ngày càng được nâng lên, người hưởng lợi trong tương lai không phải chỉ có HTX hay cá nhân ai mà sẽ là lợi ích chung của cả vùng chè. Hiện tại, trong khi giá chè búp tươi ở các vùng thấp chỉ 3000đ/kg thì ở Suối Giàng loại thấp nhất cũng được thu mua với giá 30.000đ, loại cao nhất có lúc lên tới 400.000đ/cân. Với giá trị ấy, đời sống của người Suối Giàng chắc chắn sẽ ngày càng được nâng lên và với tất cả những gì chị Thoa đã làm, những bạn trẻ như Mạnh Linh đang làm và sẽ làm sẽ đưa Tuyết sơn trà, đưa trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng lên một tầm cao mới; đưa hương vị của “Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam” bay cao, bay xa khắp thế giới.

 

N.T

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter