Ký của HOÀNG TƯƠNG LAI
Gặp dịp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Xe đưa đoàn văn nghệ sĩ Yên Bái chạy êm ru trên các cung đường mà phía trước, đằng sau, bên phải, bên trái bạt ngàn những quế là quế. Quế trồng ven đường, quế trên đồi, quế trên núi cao, quế trồng ở bờ ngòi, có cây to như cột nhà, cây bằng cổ tay, cây thì bằng ngón chân cái, quế chen chúc nhau dưới nắng trời một màu xanh đậm nhìn thật đã mắt. Thiên thời là sau những ngày lê thê mưa dầm dề kéo dài từ suốt tháng giêng sang đầu tháng ba, nay bỗng trời quang mây tạnh, se se lạnh vào buổi sáng, nắng nhè nhẹ. Thiên thời đem lại cho con người cảnh vật như có men say, như được tiếp thêm năng lượng cho chuyến đi này. Địa lợi là đường xá khô ráo, nắng lên khiến những đồi quế, rừng quế, núi quế hiện lên một màu xanh ngút mắt. Bóng quế trên núi trên đồi che cho những mái nhà sàn cùng những căn nhà xây kiên cố ẩn hiện như những biệt thự nơi miền sơn cước. Đang mùa thu hoạch quế nên hương quế cứ lâng lâng, xao xuyến suốt chặng đường từ Tân Hợp lên Châu Quế Thượng rồi Phong Dụ Thượng. Nhân hòa là con người nơi đây thân thiện, cởi mở và hiếu khách. Từ lãnh đạo huyện, xã, thôn đến bà con các dân tộc ở đây ân cần, nồng nhiệt đón tiếp các văn nghệ sĩ như những người anh em ruột thịt lâu ngày gặp lại.
Đoàn đến xã Tân Hợp trong một chiều đầy nắng. Đoàn dừng lại ở thôn Hạnh Phúc, ấn tượng là là chiếc cổng chào lừng lững với dòng chữ: “Kính chào quý khách đến thôn Hạnh Phúc”. Gia đình hạnh phúc thì có rồi, còn thôn Hạnh Phúc thì hôm nay mới được nghe, được nhìn thấy. Bí thư Chi bộ thôn Hạnh Phúc cho biết: cái tên rất hạnh phúc này là kết quả của việc sát nhập từ thôn Làng Ca, thôn 13, thôn 14 thành Vùng hạnh Phúc rồi thôn Hạnh Phúc như ngày hôm nay. Được biết, hôm ra mắt thành lập thôn Hạnh Phúc làm lễ trang trọng lắm, có cả lãnh đạo xã, huyện, tỉnh cùng đến chung vui với bà con. Ai ai cũng phấn khởi hào hứng vì thấy cuộc sống ngày hôm qua, hôm nay được trọn vẹn đủ đầy và đang bắt tay vào xây dựng thôn mới cho xứng với cái tên được vinh dự trao cho thôn Hạnh Phúc. Chủ tịch xã Triệu Quốc Toản bắt tay từng văn nghệ sĩ rồi giúp đoàn đi vào công việc luôn. Thấy một căn nhà như ngôi biệt thự hoành tráng nơi lưng chừng quả đồi toàn những quế là quế. Tôi hỏi chủ tịch xã:
- Có ngôi nhà nào lừng lững nơi lưng đồi quế như ngôi biệt thự thế nhỉ?
Chủ tịch xã Triệu Quốc Toản vui vẻ trả lời:
- Tỷ phú trồng quế của thôn Hạnh phúc đấy anh ạ!
Ngồi xe máy của Chủ tịch Cựu chiến binh xã Trương Văn Thân chạy trên con đường bê tông uốn lượn qua cổng mấy nhà cũng xây khang trang chẳng kém ngôi nhà chúng tôi đang đến. Chủ ngôi nhà vừa trên đồi quế xuống, thay bộ quần áo lao động, anh vui vẻ mời tôi vào nhà uống nước. Được biết anh là Nguyễn Văn Viên, dân tộc Tày, sinh năm 1960, dáng người cao lớn, lực lưỡng. Chị Mạ là vợ anh rót nước đưa tận tay anh em chúng tôi.
Anh Viên cho biết, anh vào bộ đội tháng 4 năm 1981, ở Trung đoàn 1, Sư đoàn 391 đóng quân ở Than Uyên, Sơn La, là đơn vị công binh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh xuất ngũ tháng 12 năm 1984. Anh Viên tâm sự: Lúc mới về hoàn cảnh khó khăn mà cả xã cả thôn thời ấy ai cũng khó khăn. Trồng cây quế đấy nhưng lúc đó hơn chục năm mới có sản phẩm bán, nên anh phải đi làm bất kể việc gì mọi người cần đến như cày thuê, đào đất, bốc vác vận chuyển hàng hóa để có đồng tiền trang trải cuộc sống. Vợ anh bị bệnh rồi mất để lại năm đứa con tuy có lớn nhưng chưa có khôn. Thế rồi có chủ trương giao đất giao rừng, anh trồng quế trên diện tích 20 héc ta được giao. Được cái mảnh đất nơi đây không phụ công người chăm sóc nên quế cứ đua nhau mọc lên xanh tốt. Nhà máy cất tinh dầu quế được hình thành tại huyện nhà. Nhà máy thu mua cả cành cả lá. Vậy là cây quế trừ bộ rễ không đào lên được mới thôi. Anh cùng các con tỉa thưa bán cho nhà máy. Có người yêu thương, anh lấy chị Mạ bây giờ cùng chung sức tạo dựng cuộc sống. Có tiền anh xây nhà cho con ra ở riêng. Anh chia những đồi quế cho các con cả trai cùng gái. Tôi hỏi anh:
- Thế hiện nay nhà anh còn bao nhiêu diện tích quế?
- Còn bảy héc ta anh ạ!
- Cây quế lớn ngần nào rồi anh?
- Nhiều loại anh ạ! Có đồi cây bằng cột nhà sàn, có đồi cây bằng chiếc phích, bằng cổ tay người lớn!
- Anh thấy cây quế hôm nay và ngày trước có khác nhau không?
- Có chứ! Ngày trước chưa có nhà máy sản xuất tinh dầu quế mình định phá quế trồng cây khác, vì lúc đó cây quế trồng mười bốn năm mới bán vỏ được, còn các loại cây khác như keo, bồ đề chỉ tám đến chín năm là bán được rồi. Sau khi có nhà máy thu mua từ lá đến quế vỏ, mình cùng cả làng trồng quế dày nửa mét một cây đến năm thứ tư thứ năm là tỉa bán được rồi. Đồi quế đến mười bốn mười lăm năm thì bóc trắng trồng lại từ đầu. Nếu tính một héc ta trồng bồ đề, mỡ, trẩu thu từ năm chục triệu đồng đến tám chục triệu sau tám đến chín năm thì cây quế cũng một héc ta thu từ ba trăm đến bốn trăm triệu đồng, có nhà còn thu đến một tỷ đồng một héc ta. Bây giờ ít người trồng bồ đề, keo cùng các loại cây khác rồi anh ạ!
Tôi chỉ ra sân nơi đống quế vỏ chỉ bằng ngón tay cắt đều tăm tắp đang xếp vào khuôn để bó, hỏi anh Viên:
- Loại quế này bán giá bao nhiêu?
- Đây là quế sáo, giá bán một trăm ngàn một cân anh ạ!
- Thế lá xếp trên chiếc xe tải kia giá bao nhiêu?
- Lá thì mười chín ngàn đồng một yến anh ạ!
- Mình phải chở đi bán chứ?
- Không. Có tổ hợp tác đến tận nhà thu mua!
Lúc nãy ở hội trường thôn Hạnh Phúc tôi đã nghe chủ tịch xã nói về diện tích quế của xã Tân Hợp rồi. Như muốn khẳng định lại số liệu, tôi hỏi Chủ tịch Cựu chiến binh xã Trương Văn Thân ngồi cạnh đấy:
- Thế toàn xã Tân Hợp mình diện tích quế có nhiều không?
- Toàn xã có ba ngàn hai trăm héc ta anh ạ!
Tôi thực sự sửng sốt, vì lúc nãy ở hội trường thôn Hạnh Phúc nghe đồng chí chủ tịch xã cho biết, toàn xã có diện tích tự nhiên là sáu ngàn một trăm chín mươi bảy héc ta mà diện tích quế đã chiếm nửa số diện tích tự nhiên của xã rồi. Thật đáng khâm phục và trân trọng.
Tôi quay sang hỏi anh Viên:
- Ngoài cây quế, gia đình mình còn trồng lúa không?
- Có chứ! Trước thì có hai mẫu, chia cho các con ra ở riêng, nay chỉ còn bảy sào cấy được cả hai vụ và trồng xen vụ ngô nữa anh ạ!
Tôi ra sân nhà thấy chị Mạ- vợ anh đang tung từng nắm ngô cho đàn gà trong vườn cạnh những cây quế to như cột nhà sàn. Tưởng khách ở lại ăn cơm, chị đã cầm trên tay con gà thiến. Chủ tịch Cựu chiến binh xã nói thôn Hạnh Phúc vinh dự được mời cơm tối đoàn rồi, chị có vẻ hơi buồn. Trước nhà chiếc ao nuôi cá rộng chừng hai sào được xây lát bờ chắc chắn, thấy bóng người sóng trên mặt ao xao động từng vầng, chứng tỏ cá ở ao không phải là nhỏ và ít. Nhìn khắp căn nhà hai tầng của anh thật rộng rãi bề thế thoáng mát và kiểu cách. Tôi hỏi anh Viên:
- Căn nhà anh vừa làm phải không, hết bao nhiêu tiền?
- Nhà xây năm 2021 anh ạ! Hết gần hai tỷ thôi!
- Cả nội thất bên trong chứ anh?
- Nội thất thì tính làm gì, tủ mới để ty vi mới, giường mới cho phù hợp với căn nhà chả đáng bao nhiêu anh ạ!
Ái chà chà! Tôi thầm cảm phục người cựu chiến binh đi lên từ hai bàn tay trắng, nhờ có quế mà anh làm nên những việc tưởng như không thể làm được. Đồng chí Chủ tịch Cựu chiến binh xã thông báo ngày đại hội cựu chiến binh huyện Văn Yên sắp tới mà anh Viên là đại biểu chính thức. Tôi hỏi đồng chí Chủ tịch Cựu chiến binh xã:
- Cựu chiến binh xã mình có đông không anh? Tình hình thu nhập thế nào?
- Toàn xã có một trăm ba mươi tư hội viên anh ạ! Trong đó có 70% số hội viên có thu nhập khá, không có hội viên là hộ nghèo và cận nghèo!
Nhìn lên tường nhà anh Viên thấy có treo rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp tặng cho anh và gia đình. Anh viên kể: em vinh dự được hai lần cùng đoàn cựu chiến binh xuất sắc của tỉnh Yên Bái về Hà Nội vào lăng viếng Bác rồi đi thăm quan các tỉnh phía Nam. Những lần đi như vậy càng thấy mình nhỏ bé và học được rất nhiều điều mới mẻ để áp dụng vào xây dựng cuộc sống của thôn, xã mình, gia đình mình. Nghe anh kể về con trai của mình ra ở riêng, con đi lấy chồng đều xây được nhà rộng rãi, mỗi đứa được bố mẹ chia cho vài héc ta quế, cho vài sào ruộng, cứ vậy mà phát triển kinh tế, con cháu học hành đến nơi đến chốn. Anh tâm sự: Có được như ngày hôm nay lại nhớ thuở vất vả của mình, nhớ hồi còn nhỏ và lúc mới ra quân, lúc ấy cả làng cùng khó khăn thiếu đói, sắn còn thiếu nữa là chưa nói đến hạt gạo. Cả nhà mua được chiếc đài bán dẫn nghe tin tức dự báo thời tiết để biết đường làm ăn, chiếc xe đạp cành cạch đi trên đường xá bùn đất lầy lội trơn tuột. Thắp chiếc đèn dầu ăn cơm tối xong còn phải dành cho con học bài. Tóm lại lúc đó ăn đói mặc rách, thắt lưng buộc bụng mà. Mình hiểu đất nước vừa ra khỏi các cuộc chiến tranh và qua thời bao cấp, nên khó khăn là không thể tránh khỏi. Không ngờ cuộc sống hôm nay được như vậy. Mỗi nhà có đến hai ba xe máy vi vu cả tháng trời vẫn sạch bong, ti vi màu màn hình rộng xem đã mắt, điện thoại giắt túi gọi nhau í ới xem được cả hình ảnh người nhà, bạn bè cứ như ở ngay trước mặt mình vậy. Ăn ngon mặc đẹp lại nhớ lúc trước thuở xưa. Nhưng... Giọng anh nhỏ nhẹ, như thăm dò xem người lần đầu gặp có thông cảm không, có đáng chia sẻ không. Hiểu ý, tôi biết nỗi lòng sâu kín mà anh muốn gửi gắm gì chăng? “Tôi cũng là người lính trận trở về, bản chất bộ đội Cụ Hồ là vậy, có gì anh cứ nói”. “Anh thông cảm: mình lo bọn trẻ không biết nói tiếng mẹ đẻ, không còn biết hát những làn điệu dân ca của dân tộc Tày mình”.... “À ra vậy. Đúng đấy anh ạ!” Tôi mừng với ý nghĩ tốt đẹp của anh. Anh nói tiếp: “Đời mình trải qua đoạn gian khổ ban đầu giờ cùng con cùng cháu vui sướng vì cuộc sống ngày mỗi đi lên, mình mong con cháu đừng quên mất gốc gác của mình. Được như vậy. Mới thật là hạnh phúc trọn vẹn”.
Được biết xã Tân Hợp là xã có nhiều dân tộc như Tày, Dao, Kinh cùng sinh sống và đã có nhiều chủ trương, giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Mỗi cơ sở thôn đều có đội văn nghệ dàn dựng các tiệt mục dân ca dân vũ của từng dân tộc tạo nên bản sắc riêng có của vùng đất quế Văn Yên. Thôn Hạnh Phúc còn có ngày hạnh phúc chính là cơ sở để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn. Tôi nghĩ những lo lắng của anh Viên đang được Đảng ủy, chính quyền cùng các Đoàn thể xã đã và đang thực hiện.
Đến xã Tân Hợp, xã có nhiều "Tỷ phú" nhờ cây quế. Bản thân gia đình Chủ tịch xã Triệu Quốc Toản cũng có 15 ha quế, nhờ vậy anh mua được xe con để đi cùng nhiều trang thiết bị khác cho gia đình. Anh khẳng định: cây quế là cây đổi đời của địa phương. Chủ tịch xã cho biết 80% số hộ trong tổng số hơn 1400 hộ được coi là "tỷ phú". Dịch vụ từ thu hoạch quế mở ra cho người dân từ trẻ con đập cành quế cũng có 100.000 đồng/ ngày; Bẻ cành lá cũng được 60.000 đồng/ kg; Bóc quế vỏ có tiền công cao nhất là 500.000 đồng/ người/ ngày. Quế từ 5 tuổi trở lên là có thể bóc vỏ thu lá, cây càng nhiều tuổi thì lợi nhuận càng cao. Quế sau khi thu hoạch được chế biến thành quế thanh, quế điếu, quế sáo, quế cắt tròn... Bột quế làm trà, hương vị thực phẩm hoặc dược liệu.
Chủ tịch huyện Văn Yên Hà Đức Anh cho biết: giá trị từ cây quế cao nhất khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 23% tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản trên địa bàn. Sản lượng gỗ quế khoảng 65.000 mét khối thì gia công thành sản phẩm thủ công như lọ tăm, điếu cày, đĩa, đèn ngủ, ấm, chén... Nếu như trước đây quế chỉ lấy vỏ thì nay Văn Yên đã có 50 sản phẩm chế biến từ quế. Riêng lá chiết xuất thành tinh dầu quế được từ 300 tấn mỗi năm.
Được hỏi, Chủ tịch huyện Hà Đức Anh cho biết thêm: Toàn huyện hiện có hơn 50 ngàn ha quế, trở thành "thủ phủ" quế hàng hóa của cả nước. Xuất khẩu sang các nước EU và Mỹ.
Đứng trước cổng chào của thôn Hạnh Phúc có dòng chữ: “Thôn Hạnh Phúc hẹn gặp lại- chúc quý khách thượng lộ bình an”, hai câu đối trên nền xanh chữ đỏ nổi bật dòng chữ, vế bên trái: “Xã hội kỷ cương quê hương giàu đẹp”, câu vế bên phải: Gia đình hòa thuận xóm làng yên vui:
Tạm biệt gia đình anh Viên- hộ gia đình "Tỷ phú", gia đình hạnh phúc ở thôn Hạnh Phúc của xã Tân Hợp, lòng tôi lâng lâng như men say. Đang mùa thu hoach quế nên hương quế thơm cứ phảng phất, nồng nàn suốt chặng đường trở lại thị trấn Mậu A của huyện Văn Yên.
H.T.L.
Tin khác