• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Yên Bái, dấu ấn 2021
Ngày xuất bản: 21/01/2022 1:10:19 CH

 Tùy bút của Hiền Lương

Mỗi lần nghĩ về Yên Bái, trong tôi lại hiện lên những dấu mốc trên từng chặng đường phát triển của Yên Bái. Đầu năm 1900, tỉnh Yên Bái được thành lập. Yên Bái trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng chỉ có phủ Trấn Yên, châu Văn Chấn, châu Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ vốn là làng Yên Bái, nằm sát mép sông Hồng, với mấy dãy nhà tranh lèo tèo, mật độ dân số 10 người trên 1km2. 45 năm dưới ách cai trị của Thực dân Pháp, thị xã cũng chỉ có Tòa Công sứ Pháp được coi là khang trang, còn lại vẫn là vài dãy phố tranh tre. Cách mạng tháng Tám thành công,Yên Bái vừa được giải phóng thì lại phải bước ngay vào kháng chiến 9 năm, thị xã phải tiêu thổ kháng chiến. Hòa bình lập lại, thị xã vừa có hình hài phố xá, nhưng mái ngói chưa kịp phai màu thì năm 1965, không lực Hoa Kỳ, qua 2 chiến dịch đánh bom hủy diệt, 1965- 1967 và 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, khiến thị xã không còn một bức tường nào nguyên vẹn. Đại thắng năm 75, đất nước thống nhất, thị xã vẫn là những căn nhà tạm nằm dọc theo Quốc lộ 37, nhà không số, phố không tên, địa danh gọi theo cây số. Yên Bái chưa kịp hàn gắn hết những vết thương chiến tranh, thì ngay tháng 12 năm 1975 lại hợp nhất với Lào Cai- Nghĩa Lộ để thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Thị xã tỉnh lỵ đặt ở Lào Cai, thị xã Yên Bái trở nên vắng vẻ. Năm 1979, do chiến tranh biên giới, thị xã tỉnh lỵ Hoàng Liên Sơn được chuyển về Yên Bái song thực ra là một cuộc chạy giặc bất đắc dĩ. Rồi, cơ cấu tỉnh lớn không phù hợp nên tháng 8 năm 1991, Hoàng Liên Sơn lại được tách thành 2. Tỉnh Yên Bái được tái lập gồm 1 thị xã và 7 huyện. Đến 2002, thị xã tỉnh lỵ được nâng nên cấp lên thành phố. Có thể nói, đến lúc này Yên Bái mới chính thức an cư lạc nghiệp. Từ đó đến nay Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc toàn tỉnh đã đoàn kết, đồng lòng, phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực xây dựng quê hương. Yên Bái đã trở thành điểm sáng của khu vực Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; vai trò, vị thế là trung tâm liên kết phát triển vùng dần được khẳng định. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025, thông qua Nghị quyết xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Có thể xem đây là một dấu mốc quan trọng, mở rộng cánh cửa để Yên Bái bước sang một chặng đường mới. Chặng đường: Yên Bái “Xanh- Hài hòa- Bản sắc- Hạnh phúc”.

Năm qua, tôi có may mắn được tới tất cả các huyện, thị, thành phố của Yên Bái. Được trao đổi với lãnh đạo, được mắt thấy tai nghe tiếng nói của nhân dân, tôi mới hiểu Nghị quyết của Đảng, đưa Yên Bái phát triển theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” đã thấm vào lòng dân đến mức độ nào. “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” đã thành câu nói cửa miệng của người Yên Bái. Dù là người Yên Bái nhắc nhở nhau, hay chia sẻ với bạn bè thế nào cũng có câu: Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Trong một buổi sinh hoạt của Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, các cụ cũng luận bàn về 7 chữ xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc.

Xanh ư? Thì là cây xanh, rừng xanh, rộng ra là môi trường thiên nhiên xanh; theo nghĩa bóng là sự thanh bình, yên ả. Thời Covid- 19 hoành hành, Xanh còn là vùng không có F0, F1.

Vậy còn Hài hòa? Hài hòa là cân đối, là không xô lệch, không tương phản nhau, mọi thứ hô ứng cho nhau, cái này hòa hợp, cân xứng với cái kia, tạo nên sự thống nhất, thành cái đẹp. Ở phương diện xã hội thì vật chất- tinh thần, kinh tế- chính trị- văn hóa… mọi lĩnh vực phải hài hòa, cùng phát triển.  

Còn Bản sắc? Bản sắc là cái riêng, cái độc đáo của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. Bản sắc thường để chỉ các giá trị văn hóa tinh thần. Song cái riêng, độc đáo phải mang tính Chân- Thiện- Mỹ, trở thành phẩm chất truyền thống của mỗi tộc người, mỗi vùng miền, có ý nghĩa trong cuộc sống đương đại mới được coi là bản sắc.

Còn Hạnh phúc? Ồ, hạnh phúc thì rất rộng. Nó là một trạng thái cảm xúc thể hiện sự hài lòng, mãn nguyện, sung sướng của con người có thể do vật chất hoặc tinh thần, do người khác đem lại, đáp ứng nhu cầu, thỏa mãn mong mỏi của con người trong cuộc sống. Đối lập với hạnh phúc là khổ đau. Song hạnh phúc không chỉ là sự được nhận về, mà cả những sự cho đi. Nếu sự cho đi làm cho người khác bớt khổ đau, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác thì người cho đi cũng cảm thấy hạnh phúc. Trong cuộc sống, con người được phát huy hết khả năng của mình, được cống hiến những giá trị của bản thân cho xã hội, thì cũng làm cho con người hạnh phúc. Nên hạnh phúc còn thể hiện mối quan hệ tốt đẹp, thân thiện, nhân văn giữa con người với con người trong xã hội. Yên Bái mình là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã đưa “chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết của Đảng. Đây không chỉ là điểm mới trong chiến lược phát triển của tỉnh mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực để đi tới mục tiêu. Như vậy là ý Đảng đã hợp với lòng Dân. Đúng vậy! Ý Đảng hợp với lòng dân tạo ra sức mạnh, làm cho Yên Bái khởi sắc. Làm cho Yên Bái “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” từng ngày. Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc từ phố xá thị thành tới các thôn bản vùng cao. Tôi đã thấy điều đó trên đất ngọc Lục Yên, khi thả bộ vòng quanh hồ thị trấn Yên Thế, khi lên đỉnh Nặm Ngập ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn, khi vào Mường Lai, sang Lâm Thượng, xuống Khai Trung đang vào vụ gặt. Ở đâu cũng thấy mướt mát màu xanh đất Lục, niềm vui toát lên qua tiếng cười và ánh mắt sáng trong, thân thiện của các em gái Tày xinh xắn. Tôi cũng đã thấy một Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc ở Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Nghĩa Lộ và ngay cả ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Đến đâu cũng để lại trong tôi những cảm xúc ấm áp, hứng khởi, mê say.

Trung tâm thành phố Yên Bái- Ảnh: Tuấn Vũ

 

Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc của Yên Bái được thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Trước hết phải kể đến nông nghiệp, nông thôn. Có thể nói mấy năm nay nông nghiệp Yên Bái được mùa to về xây dựng thôn mới, giảm nghèo bền vững và chương trình OCOP, mỗi xã một sản phẩm. Đến tháng 11/ 2021 Yên Bái đã có 85/ 150 xã đạt nông thôn mới, trong đó có 10 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Trấn Yên là huyện nông thôn mới đầu tiên của cả vùng Tây Bắc. Thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện vùng cao Trạm Tấu cũng có xã nông thôn mới; nhiều thôn, bản ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải cập chuẩn nông thôn mới. Các xã nông thôn mới kiểu mẫu Minh Bảo, Tuy Lộc, Việt Thành, Minh Quán trở thành những miền quê đáng sống. Đi liền với nông thôn mới là sản phẩm OCOP. Đến tháng 7 năm 2021, toàn tỉnh đã có 94 sản phẩm OCOP, trong đó có 8 sản phẩm 4 sao, 86 sản phẩm 3 sao, 17 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Trong đó, nhóm thực phẩm 64 sản phẩm, nhóm đồ uống 2 sản phẩm, nhóm thảo dược 15 sản phẩm, nhóm thủ công mỹ nghệ 5 sản phẩm. Nhiều sản phẩm được người dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, có sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài. Văn Yên: Quế Phát tinh dầu quế, Quế Phát hương quế, Tinh dầu quế Đại Phú An, Tinh dầu sả chanh Đại Phú An, Cao đặc Cà gai leo, Chuối tiến Vua Yên Hợp… Nhiều sản phẩm OCOP từ cây quế truyền thống của người Dao. Trấn Yên: Tinh dầu quế Đào Thịnh; Chè Bát Tiên Nga Quán, Bảo Hưng, Hưng Khánh; Nước uống đóng chai Vân Hội, Việt Cường; Bột quế gia vị Hòa Cuông; Thanh long ruột đỏ Minh Quân; Mật ong Vân Hội, Minh Quân, Báo Đáp; Miến đao Quy Mông; Cải Mèo, Cải Ngọt, Cải Mơ Y Can… Lục Yên là Cam sành, Măng mai, Lạc ri vỏ đỏ, Dầu lạc đỏ Thái Sơn, Gà thiến, Cao gắm, Giảo cổ lam… Văn Chấn là Nếp tan Tú Lệ; Tuyết Sơn Trà, Chè Shan tuyết Giằng Pằng Sùng Đô; Trà táo Mèo, Cam đường canh lòng vàng, bưởi Diễn Hưng Thịnh… Yên Bình là Cá hồ sấy Hiền Vinh, Bưởi Đại Minh, Gạo Bạch Hà, Chè Bát Tiên Hương Lý… Thị xã Nghĩa Lộ có Thịt lợn, Thịt trâu hun khói, Ruốc tôm, Rượu Bách chi, Tứ khoái, Gạo Séng Cù, Gạo Hương chiêm… Mù Cang Chải có Mật ong hoa rừng, Táo mèo khô, Chè Shan Tuyết Púng Luông… Trạm Tấu cũng có Khoai sọ nương, Măng ớt, Chè shan tuyết Phình Hồ, Tinh dầu sả… Thành phố Yên Bái cũng có Mật ong, Chè Bát tiên, Mộc nhĩ khô Minh Bảo, Chanh tứ thời, Dưa chuột Văn Phú, Miến đao Giới Phiên, Dưa lê Âu Lâu, Cải ngọt Tuy Lộc. Các sản phẩm OCOP đều là các đặc sản truyền thống từ bao đời của Yên Bái. Tiềm năng, thế mạnh truyền thống đang được khơi dậy để người Yên Bái hôm nay làm giàu. Và chính sản phẩm OCOP lại tạo nên sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn Yên Bái, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng xây dựng Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Yên Bái sẽ tiếp tục củng cố chất lượng, nâng sao cho sản phẩm OCOP, đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tạo nên sự hài hòa trong phát triển kinh tế.

Thiên nhiên kì vĩ và sức lao động sáng tạo của con người Yên Bái từ ngàn đời đã tạo nên bao danh thắng, bao giá trị văn hóa. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Đỉnh Tà Chì Nhù Trạm Tấu, Hang động Khai Trung, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, Cánh đồng Mường Lò, Hồ Thác Bà, Hồ Vân Hội. Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể: Xòe Thái, Khèn Mông, Then Tày, Múa Khơ Mú, Lễ hội Đền Mẫu Đông Cuông- Tín ngưỡng thờ Mẫu thượng ngàn và nhiều đình, chùa, đền, miếu cùng sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian khác. Đó chính là tiềm năng, thế mạnh cho Yên Bái phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm. Loại hình du lịch đang là mốt, nhất là với du khách nước ngoài. Chưa bao giờ Yên Bái lại ra đời nhiều Homestay đến thế. Huyện thị nào cũng có Homestay, nhất là các huyện vùng cao, dân tộc. Nhiều Homestay được du khách xếp vào loại không thể bỏ qua. Trạm Tấu có Homestay Suối nước nóng Cường Hải, nằm ngay dưới những thửa ruộng bậc thang Hát Lừu tuyệt đẹp. Tắm nước khoáng nóng chảy ra từ ruột đất, thưởng thức ẩm thực Thái, nghỉ ngơi trong những căn nhà sàn xinh xắn, nghe điệu hát Then; nếu muốn khám phá thiên nhiên thì lên Tà Chì Nhù- nóc nhà của Yên Bái, lên bản Mông Cu Vai- cây vỹ cầm trong mây, rừng thông Tà Xùa- Biển xanh trên núi thì còn gì khoái bằng. Lên Mù Cang Chải du khách có thể chọn Homestay Suối Kim, tại bản Thái Kim Nọi, bên dòng Nậm Kim thơ mộng. Cả bản hơn 80 hộ, hộ nào cũng có phòng nghỉ cộng đồng, nhiều Homestay ngoài nhà nghỉ, nhà ăn thoáng mát, còn có sân rộng để tổ chức văn nghệ lửa trại, múa xoè, múa sạp. Homestay Hello MuCangChai lại hòa mình vào những triền ruộng bậc thang La Pán Tẩn tầng tầng, lớp lớp. Mở cửa ra là thấy ruộng bậc thang. Còn Ecolodge Nậm Khắt, lại độc đáo bởi thiết kế theo phong cách sinh thái, tên các phòng nghỉ là tên các loại cây đặc trưng của Mù Cang Chải, như: Nhà Thông, nhà Lúa, nhà Chè, nhà Ngô. Đến với Mù Cang Chải du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiệt tác Ruộng bậc thang Danh thắng đặc biệt cấp Quốc gia với những điểm ruộng bậc thang tuyệt đẹp như Đồi Mâm xôi, Sống lưng Khủng long, võng lúa Háu Đề La Pán Tẩn, Mũi giày Chế Cu Nha, võng lúa Sáng Nhù Mồ Dề, võng lúa Háng BLa cùng bãi đá cổ Lao Chải, mà còn được trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa và cuộc sống của đồng bào Mông, Thái bản sắc độc đáo. Nếu muốn săn mây và làm phi công dù lượn, bay trên mùa vàng, trên mùa nước đổ, đã có Nhà nghỉ Khau Phạ nằm ngay trên đỉnh Sừng Trời. Thưởng thức cảm giác mây ùa vào mặt và các món cá hồi, cá tầm được nuôi bằng nguồn nước trời Khau Phạ mới đáng công khám phá. Có chàng thi sĩ qua đây đã cảm xúc viết tặng nhà hàng Khau Phạ bài thơ: Cheo leo đỉnh Sừng Trời/ Bốn bề mây buông rủ/ Như một cõi thánh thiện/ Như một chốn thần tiên/ Bao nhiêu người qua đây/ Bấy nhiêu người thương nhớ/ Nơi đèo cao lộng gió/ Và ngôi nhà trong mây/ Từ trong mây bước ra/ Áo cỏm hàng khuy bạc/ Cùng nụ cười nắng tỏa/ Ấm mãi người đi xa/ Dưới kia ruộng bậc thang/ Đang vào mùa nước đổ/ Mong chóng đến mùa vàng/ Để lại về Khau Phạ.

Trên đường trở về, dừng nghỉ tại thị xã Nghĩa Lộ. Trải nghiệm các giá trị văn hóa Thái thì không đâu bằng Nghĩa Lộ, vùng đất cổ Mường Lò, cái nôi của người Thái Việt Nam. Hàng loạt các Homestay mang đậm văn hóa Thái, đã đến rồi đều muốn quay trở lại: Homestay Hồng Chung, Homestay Luật Phượng, Homestay Binh Nga, Homestay Tông Pọong. Nhà sàn Thái. Nội thất Thái. Ẩm thực Thái. Xòe Thái. Khèn Thái. Hát Thái. Ngày, đạp xe đi thăm đồng Mường Lò bát ngát, thăm suối Thia như dải lụa bạc. Đêm, cầm tay em gái Thái, áo cỏm khăn Piêu vào Hội Xòe, vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà “Dập dìu chân chàng/ Dập dìu chân em” với những điệu “Khắm khen”, “Nhôm khăn”, “Đổn hôn”, “Phá xí”, “Khắm khăn mơi lảu”, “Ỏm lọm tốp mư”, thì mai dẫu về phố phường hoa lệ cũng quyết “Trăng Mường Lò anh mang về xuôi”.

Còn nếu muốn trải nghiệm cảnh nước non đã có hồ Thác Bà- Hạ Long trên núi. Hồ nước ngọt vào loại lớn nhất nước, diện tích mặt nước 19.050 ha, chiều dài 80 km, có 1.300 hòn đảo phủ kín cây xanh. Nhiều Homestay sơn thủy hữu tình. LavieVuLinh thơ mộng giữa làng ven Ngòi Tu, nơi sinh sống của đồng bào Dao. Sinh thái RuBy ngay bến cảng Hương Lý lại không gian sân vườn rộng rãi, xanh mát, bãi tắm đẹp; khu thể thao nước thoải mái trải nghiệm lướt thuyền chuốt, lướt ván, kéo thảm bay; khu phim trường chụp ảnh lưu niệm, ảnh cưới. Còn ra giữa hồ, xen lẫn với các đảo xanh giữa bốn bề nước biếc có Thác Bà Paradise Islands còn gọi là Đảo Thiên đường, được xây dựng theo phong cách Ecolodge, giữ nguyên nét hoang sơ, thân thiện với môi trường.

Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc là để nâng cao chỉ số hạnh phúc cho con người. Hàng loạt các mô hình hạnh phúc đang được triển khai: Trường học hạnh phúc, tổ dân phố hạnh phúc, thôn bản hạnh phúc, gia đình hạnh phúc. Mới qua một năm, tôi đã được chiêm ngưỡng nhiều bông hoa hạnh phúc đã nở. Trường PT Dân tộc nội trú THCS Mù Cang Chải, Trường PT Dân tộc bán trú TH Nậm Khắt, những bông hoa hạnh phúc đầu mùa trên đất Mù Cang Chải, theo tiếng Mông là đất gỗ khô. Trạm Tấu khó khăn cũng đã góp vào vườn hoa hạnh phúc 2 bông hoa đẹp: Trường PT DT Bán trú Tiểu học, THCS Xà Hồ, Trường PT Dân tộc nội trú THCS Trạm Tấu. Nghĩa Lộ có Trường THCS Tô Hiệu, bông hoa hạnh phúc rực rỡ của xứ Mường. Miền đất Ngọc Lục Yên, có Tiểu học Trần Phú, Văn Chấn có Trường PT Dân tộc nội trú THCS. Thành phố Yên Bái có THPT Nguyễn Huệ, Chuyên Nguyễn Tất Thành… Còn Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên nữa. Vườn hoa hạnh phúc của giáo dục Yên Bái đang nở rộ, đem lại hạnh phúc không chỉ cho học sinh, cho thầy cô mà còn cho cả các phụ huynh học sinh.

Một năm qua, Yên Bái đã nỗ lực trên tất cả các mặt trận. Tất cả vì một Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Dẫu trong những ngày cuối năm, dịch Covid cũng đã tới Yên Bái, song vì đã chủ động trong tiêm  Vacxin, khi phát hiện có F0, đã quyết liệt, bài bản trong khoanh vùng, truy vết, cách ly, điều trị nên đã dần trả lại màu xanh an toàn, sinh hoạt của nhân trở lại trạng thái bình thường mới để đón Tết Nhâm Dần.

Tôi rất tin 2022, Yên Bái sẽ xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc hơn. Bởi tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh, ngày 8/12/ 2021, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đã nhấn mạnh: “Quyết tâm cao độ, cách làm bài bản, sáng tạo vì mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái theo hướng phát triển “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc””. Câu nói của vị Chủ tịch tỉnh cũng là ý chí, hy vọng, niềm tin của người dân Yên Bái bước sang năm mới Nhâm Dần- 2022.

 

H.L 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter