Ký của HOÀNG VIỆT QUÂN
Lần đầu đến huyện Văn Yên công tác từ những năm 90 thế kỷ trước, tôi sững người trước rừng quế, tự hỏi: cây quế có từ bao giờ? Không ai biết! Chỉ có các huyền thoại “Sự tích cây quế Văn Yên”, “Tình trong hương quế”, “Huyền thoại ở vùng quế Văn Yên”... kể rằng từ xa xưa có cụ tổ họ Bàn là Bàn Lão Trượng ở bản Ngàn Vắng tìm ra cây quế trong rừng đem về trồng, có chuyện còn kể về mối tình chung thủy của một đôi trai gái trên rừng quế, vì cha mẹ bắt con gái phải lấy chồng nhà giầu nên họ bỏ trốn và chết trên rừng, từ đó cha mẹ hối hận, trồng nương quế làm của hồi môn cho con cái khi lấy vợ gả chồng theo tiếng gọi của trái tim, đem lại hạnh phúc cho con. Đó là cách lý giải tại sao người Dao có tập quán nuôi trồng quế làm của hồi môn cho con cái. Gần đây tôi có dịp đến thắp hương các vị thần ở đình Tháp Cái (Quế Sơn Tháp Cái) ở xã Viễn Sơn mới biết cụ tổ của nghề trồng quế chính là Bàn Thừa Phú, còn gọi là Bàn Phú Sáu. Cụ là người khai thiên lập bản ở vùng đất này và là người đầu tiên phát hiện ra cây quế mang về trồng, truyền dạy cho dân bản và quanh vùng trồng quế. Cụ khởi dựng và là chủ đình Tháp Cái cách đây khoảng hơn 200 năm. Sau khi cụ mất, nhân dân trong vùng đã tôn cụ là cụ Tổ của nghề trồng quế và thành hoàng làng, xã, được thờ phụng tại đình Tháp Cái. Ngày 26/12/2018, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 841/QĐ-UBND công nhận đình Tháp Cái là Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh, chính thức xác nhận các vị thần, thành hoàng được thờ ở đây, trong đó có cụ Tổ nghề trồng quế Bàn Phú Sáu.
Tôi còn được biết cuối những năm 60 và những năm 70 của thế kỷ trước, huyện Văn Yên rộ lên phong trào trồng “đồi quế nhớ ơn Bác Hồ” bắt đầu từ hai xã Đại Sơn, Viễn Sơn. Ở xã Đại Sơn có ông Hoàng Văn An, người Tày, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban công an xã, đã hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Thấm thía lời căn dặn của Bác, ông đã tích cực gây dựng phong trào, dồn hết tâm trí cùng địa phương xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng vững mạnh. Sau nhiều lần suy nghĩ, trăn trở tìm hướng đi, ông quyết định mở rộng và đẩy mạnh trồng cây quế vì cây quế của bà con người Dao nơi đây lâu nay đã trở thành hàng hóa xuất khẩu. Năm 1969 nghe tin Bác Hồ mất, ông An vận động gia đình, dòng họ và dân bản cùng hợp tác trồng “đồi quế nhớ ơn Bác Hồ”. Từ đây phong trào trồng quế liền vùng, liền thửa được đồng bào hưởng ứng, cây quế càng sinh sôi nảy nở đem lại no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Bà con ở xã Viễn Sơn vốn là quê hương của nghề trồng quế người Dao, phong trào thi đua trồng quế của bà con trở thành mẫu mực, trong đó có Hợp tác xã Cộng Lực được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Ơn Đảng và Bác Hồ, năm 1975 khi miền Nam vừa được giải phóng, thống nhất đất nước, người Dao xã Viễn Sơn đã bảo nhau trồng “đồi quế nhớ ơn Bác Hồ” với 2.500 cây. Đến năm 1995 “đồi quế nhớ ơn Bác Hồ” đã cung cấp hàng tấn hạt để nhân rộng mãi diện tích, người dân chỉ việc lên đồi nhặt hạt về trồng. Trung bình mỗi hộ gia đình trồng từ 1500 đến 2000 cây quế, vừa bán hạt giống vừa bán quế vỏ cũng thu được hàng chục triệu đồng. Nhờ cây quế, người Dao đã định canh định cư. Nhiều triệu phú đất quế xuất hiện như hộ gia đình ông Lý Tiến Kim, Bàn Hữu An, Lý Tiến Thắng... Nhiều hộ gia đình xây được nhà, mua xe Dream, ti vi, tủ lạnh. Người dân Viễn Sơn có truyền thống góp quỹ xây dựng Hợp tác xã và xây dựng các công trình của xã. Chỉ riêng việc góp quỹ đã xây dựng được trụ sở của UBND xã hai tầng với 18 tấn quế, xây xong mà quỹ vẫn còn 1,2 tỷ đồng. Từ cây quế, xã Viễn Sơn đã tự hoàn chỉnh “điện, đường, trường, trạm” ước nhiều tỷ, đời sống nhân dân được nâng lên.
Từ những “đồi quế nhớ ơn Bác Hồ” ở xã Đại Sơn, Viễn Sơn, cây quế lên ngôi, đã mở rộng ra cả một dải rừng rộng lớn ở các xã Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Châu Quế Hạ, Mỏ Vàng, Quang Minh, Nà Hẩu... Mỗi năm huyện Văn Yên có chính sách đầu tư gần 100 triệu đồng cho nhân dân trồng quế. Với chương trình đưa quế sang sông, huyện còn đầu tư cho mỗi ha đất trồng quế 200.000 đồng. Nhờ vậy, đến năm 1996 toàn huyện đã có 1.000ha quế sang các xã bên tả ngạn sông Hồng, dẫn đầu phong trào thi đua trồng quế của các huyện trong tỉnh. Cây quế Văn Yên lan tỏa đi khắp nơi, sang các huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Yên Bình... đi sang cả tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, vào tận Khu 5.
Cây quế đem lại ấm no, hạnh phúc cho dân, người Dao còn ví quế như “kho vàng xanh” để lưu truyền cho con cháu. Gần đây rộ lên việc xây dựng những “đồi quế hạnh phúc” xuất phát từ phong tục trồng quế làm của hồi môn cho con cái. Truyền tích xưa thì khi sinh con, cha mẹ trồng thêm nương quế làm vốn cho con. Người Dao Đỏ quan niệm khi con đến tuổi lao động (từ 10 tuổi trở lên) không kể trai hay gái đều được cha mẹ hướng dẫn cách trồng, chăm sóc quế. Đến 15 tuổi bố mẹ sẽ “để lối” cho con, nghĩa là để một phần diện tích đất cho con tự trồng, tự chăm sóc và thu hoạch quế. Khi trai gái người Dao lấy nhau, vốn liếng khởi nghiệp của đôi vợ chồng trẻ chính là đồi quế mà hai bên gia đình cho với ngụ ý các con phải gắn bó với cây quế, chung sức chung lòng, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế, bởi vậy ngày nay người ta gọi đó là “đồi quế hạnh phúc”. Những hộ gia đình khá giả, cha mẹ còn cho thêm cây quế tốt nhất, giá trị nhất để các con phát triển “đồi quế hạnh phúc”.
Quế Văn Yên có vỏ dày, mùi thơm đượm, hàm lượng tinh dầu cao, phù hợp cho việc chế biến thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm, đồ mỹ nghệ. Chính yếu tố đó đã tạo nên niềm tin cho người tiêu dùng, do đó giá trị quế nhiều năm luôn cao hơn so với các địa phương khác, đem lại cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho người dân. Quế Văn Yên được đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào Dao Đỏ trồng thành rừng, đã đưa vào hương ước của từng thôn/ bản, có nhiều tập tục, lễ hội truyền thống tốt đẹp. Thường vào vụ thu hoạch quế vỏ tháng 3 đến tháng 5, tháng 6, tháng 8 hàng năm, không khí bận rộn nhộn nhịp của các tư thương, doanh nghiệp, công ty thu mua quế đi lại rầm rập khiến các thôn/ bản miền núi sôi nổi hẳn lên. Người qua lại tìm mua quế, nhà nhà bán quế. Ở xã An Thịnh có anh Hoàng Bảy với diện tích quế lớn nhất nhì huyện, có cơ sở chế biến quế được nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm và động viên. Với diện tích trên 100 ha quế trồng và một số lớn cây quế đang cho thu hoạch, năm 2007 gia đình anh đã chế biến bán được trên 500 tấn vỏ quế khô các loại (chiếm gần 10% tổng sản lượng quế vỏ của huyện). Đột phá trong khâu sản xuất, anh Bảy còn mạnh dạn trồng 30 ha quế Trà My (Quảng Nam) là giống cho hàm lượng tinh dầu cao hơn giống quế địa phương, trồng thử nghiệm giống quế nhập nội từ Xrilanca.
Huyện Văn Yên từ lâu vẫn được mệnh danh là đất “cao sơn ngọc quế” nổi tiếng trong nước và nước ngoài:
Quế Văn Yên hương bay bốn biển
Quế Văn Yên nổi tiếng Việt Nam
Quế Văn Yên không chỉ có khách hàng trong nước và Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc mua mà còn có nhiều nước châu Âu, châu Mỹ biết đến, tìm mua.
Tuy nhiên, cùng với nhịp độ tăng trưởng diện tích trồng quế, sự gia tăng về sản lượng quế, sự cạnh tranh quyết liệt của thương trường trong nước và nước ngoài, cây quế Văn Yên- Yên Bái cũng đứng trước thử thách không nhỏ, bởi vẫn là sản phẩm thô sơ chế, đơn điệu, không có thương hiệu. Vì vậy, tình hình tiêu thụ sản phẩm quế trong những năm 2005- 2008 có phần ảm đạm, giá xuống thấp, người trồng quế gặp không ít khó khăn, các doanh nghiệp, công ty, tư thương thì mua cầm chừng, hoặc sản phẩm bán qua khâu trung gian dẫn đến thị trường không ổn định, bị đối tác ép giá. Đã thế, bà con lại ồ ạt đưa các giống quế khác từ Trung Quốc, Đài Loan... vào trồng nhưng kém chất lượng nên phần nào làm mất thương hiệu cây quế Văn Yên.
Trước vấn đề đó, tỉnh Yên Bái và huyện Văn Yên đã đề ra giải pháp để khôi phục, xây dựng phát triển bền vững vùng quế Văn Yên. Đó là việc thay đổi cơ cấu giống, chọn lọc tuyển chọn giống tốt, phù hợp, có chất lượng. Khuyến khích các doanh nghiệp, công ty đủ mạnh để đầu tư xây dựng cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2005, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu Đạt Thành (gọi tắt là Công ty Đạt Thành) triển khai thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy chưng cất tinh dầu quế ở xã Đông Cuông. Đó là một nhà máy quy mô khá lớn, tổng mức đầu tư 36 tỷ đồng, công suất 45 tấn cành lá quế khô mỗi ngày đi vào hoạt động. Giá thu mua cành lá quế từ 1,5 đến 2 nghìn đồng/kg trở thành nguồn thu đáng kể cho người nông dân, tạo việc làm cho người thu gom, vận chuyển, buôn bán cành lá quế. Công ty Đạt Thành làm ăn hiệu quả, trở thành đơn vị tiêu biểu của huyện Văn Yên, đặc biệt trên lĩnh vực đóng góp ngân sách. Thấy nghề chưng cất tinh dầu quế ăn nên làm ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng quan tâm đầu tư. Trên địa bàn huyện xuất hiện thêm nhiều nhà máy cũng chưng cất tinh dầu quế như ở xã Hoàng Thắng, Ngòi A, Đại Sơn, Đông Cuông. Đến năm 2016 toàn huyện có tới 11 nhà máy, công suất chế biến từ 25 tấn đến 45 tấn lá khô mỗi ngày, vì lẽ đó đã diễn ra tình trạng thiếu nhiên liệu. Đã vậy, trên địa bàn huyện và một số vùng quế của tỉnh lại xuất hiện hàng trăm lò mini chưng cất tinh dầu quế ngay tại đồi rừng quế. Các thiết bị chưng cất tinh dầu quế này có chiếc bình lạnh được chế tạo bằng inox, tuy thu được tinh dầu quế, nhưng tỷ lệ chiết xuất tinh dầu còn thấp. Tình hình đó dẫn đến tranh mua nguyên liệu, tranh bán sản phẩm. Khách hàng lợi dụng ép giá. Nguy hiểm hơn là tình trạng bà con hám lợi chặt tỉa cành lá vô tội vạ, ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây quế.
Không thể để ngành nghề chưng cất tinh dầu quế bị “đổ bể”, tỉnh Yên Bái và huyện Văn Yên lại một lần nữa tìm cách tháo gỡ, cho dừng việc cấp phép thêm các doanh nghiệp kinh doanh chưng cất tinh dầu quế; đóng cửa những lò nấu thủ công quy mô nhỏ kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, không làm nghĩa vụ nộp thuế; thực hiện việc rà soát, quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng nhà máy, không để hai nhà máy quy mô lớn chỉ cách nhau 3km chung vùng nguyên liệu, cạnh tranh gay gắt lẫn nhau như ở khu vực Đông Cuông. Chính quyền và ngành nông lâm nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân khai thác, tỉa cành một cách hợp lý, đúng kỹ thuật, không vì cái lợi trước mắt mà phát quang cành lá quế để lấy tiền. Huyện cũng động viên, khuyến khích mọi người có sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong nghề trồng quế, chế biến quế. Về việc này, thật đáng biểu dương em Đỗ Văn Quân, học sinh lớp 11 Trường Nguyễn Lương Bằng xã An Thịnh đã phát hiện ra nhược điểm của chiếc bình làm lạnh bằng inox, em đã mày mò nghiên cứu chế tạo được bộ thiết bị chưng cất tinh dầu quế mới, chiếc bình lạnh được chế tạo bằng nhôm, có cấu tạo bên trong hình phễu. Bộ thiết bị mới của em đã cho sản phẩm tinh dầu quế cao hơn chiếc bình inox, chất lượng tinh dầu tốt hơn. Tháng 5/2007 sản phẩm của em được Hợp tác xã Tĩnh Dung đưa vào ứng dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm của em còn được nhiều khách hàng vùng quế tỉnh bạn đến tìm mua, sử dụng. Trong khi đó ông Vũ Hữu Lê, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà ở phường Nam Cường, thành phố Yên Bái lại thành công trong nghiên cứu, chế tạo, cho ra đời máy chặt cành quế theo hành trình (viết tắt là máy băm cành quế) nhằm tạo công cụ hỗ trợ cho người dân nâng cao giá trị sản phẩm từ cây quế. Máy chặt (băm) cành quế của ông Lê được nhiều cơ sở gia đình đặt mua đầu tư cho sản xuất, đem lại hiệu quả cao.
Với việc tổ chức lại sản xuất, sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp, nhà máy, hợp tác xã, hộ tư nhân sản xuất tinh dầu quế, cộng với sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, nhân dân đã giúp cho vùng quế Văn Yên phát triển, chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn. Đến nay, cây quế trên toàn địa bàn huyện Văn Yên có hơn 52.000 ha và trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước, cây quế đem lại thu nhập rất lớn cho người dân. Mỗi năm, huyện xuất ra thị trường khoảng 10.000 tấn vỏ quế khô, 56.000 tấn cành lá quế, 300 tấn tinh dầu, 65.000 m3 gỗ quế, 150 triệu cây quế giống và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm ra từ quế. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây quế. Hàng ngàn hộ đã xóa đói giảm nghèo, có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giả, giàu có. Nguồn thu từ cây quế Văn Yên mỗi năm khoảng trên 450 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới. Người ta nói dân Văn Yên có nhiều triệu phú, tỷ phú quả không ngoa. Nhiều cán bộ xã cho đến dân thôn bản có biệt thự, ô tô, xe máy, mua sắm các thiết bị máy móc, đồ đạc hiện đại, con cái được đi học đầy đủ, trưởng thành. Khá nhiều hộ gia đình được các cấp huyện, tỉnh, trung ương khen thưởng, được Đài, Báo nêu gương tiêu biểu, có thể kể: Ở xã Đại Sơn có hộ ông Bàn Phú Xuân, Bàn Phúc Bảo (thôn 4), Hoàng Văn Hoà (thôn Đoàn Kết). Xã Viễn Sơn có hộ ông Nguyễn Phú Hưng, Triệu Tiến Bảo (thôn Khe Lợ), Nguyễn Văn Bình, Bàn Kim Phẩy (thôn Tháp Cái), Đặng Nho Minh, Trần Văn Tráng, Bàn Tiến (thôn Khe Dứa). Xã Xuân Tầm có hộ ông Triệu Tài Trình (thôn Khe Lép), Triệu Văn An, Đặng Phúc Huyện (thôn Khe Chung). Xã Đông An có hộ ông Ngô Thành Đông, Tạ Quang Minh (thôn Khe Gai). Xã Phong Dụ Thượng có hộ ông Đặng Văn Châu, bà La Thị Phương (thôn Làng Trạm). Xã Mỏ Vàng có hộ ông Đặng Nho Quyến (thôn Thác Cái), Hoàng Văn Minh. Xã Tân Hợp có hộ ông Bàn Văn Minh (thôn Làng Cầu)... Đó là chưa kể khắp các xã, thị trấn ở huyện Văn Yên có các hộ trồng quế, chế biến, kinh doanh quế tài giỏi không thể kể hết ra đây.
Huyện Văn Yên đã từng trải qua các bước thăng trầm đem lại những bài học sâu sắc, nay đã có những giải pháp thiết thực để phát triển vùng nguyên liệu quế ổn định, bền vững. Đi đôi với việc vận động nhân dân trồng quế theo vùng tập trung với các giống quế chất lượng cao, huyện đặc biệt chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế Văn Yên bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế tập trung vào các xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gen quý. Thực hiện đề án bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, huyện đã lựa chọn được 90 cây quế khỏe mạnh, sạch bệnh, nhiều năm tuổi, có đường kính thân trên 30cm, chiều cao 15m trở lên ở các xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm để bảo tồn nguồn gen. Ngoài ra, huyện còn bảo tồn 14ha quế ở các xã Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn Sơn, Nà Hẩu... để làm nguồn giống cung ứng cho kế hoạch trồng quế hằng năm và làm tiền đề phục vụ du lịch.
Tháng 01/2010, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 0018 chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên, tập trung ở 8 xã nằm ở hữu ngạn sông Hồng gồm: Phong Dụ Thượng 1.998ha, Phong Dụ Hạ 2.112ha, Xuân Tầm 3.731ha, Châu Quế Hạ 4.789ha, Tân Hợp 2.624ha, Đại Sơn 3.168ha, Viễn Sơn 2.600ha, Mỏ Vàng 4.695ha... Như vậy, huyện Văn Yên sở hữu vùng quê lớn nhất cả nước với giống quế được coi là tốt nhất và là sản phẩm thứ 16 trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ khoa học và công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ của Vương quốc Thái Lan cũng ra Quyết định bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ Văn Yên. Đây là điều hiếm thấy trên thế giới. Điều đó đã khẳng định chất lượng sản phẩm quế Văn Yên nổi tiếng bên ngoài lãnh thổ. Huyện cũng có trên 6.000ha quế được cấp Chứng chỉ hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ, 16 sản phẩm quế được công nhận sản phẩm OCOP. Các sản phẩm từ quế hiện đã có mặt ở 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thật thú vị là Lễ hội quế Văn Yên được phục dựng từ năm 2015 đến nay (thường vào tháng 9, tháng 10) gắn với lễ hội đền Đông Cuông thu hút rất nhiều khách du lịch gần xa đến chiêm bái bên đình Tháp Cái thờ cúng cụ Tổ nghề trồng quế Bàn Phú Sáu và đền Đông Cuông thờ Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn. Đây còn là dịp quảng bá, ký kết với các doanh nghiệp, các cơ sở thu mua, sản xuất, chế biến sản phẩm từ quế ở trong nước và nước ngoài đến tham quan, dự hội. Và cũng thật vui khi thấy bà con hân hoan, hạnh phúc bên các dãy hàng trưng bày các sản phẩm từ quế, được du khách xúm xít tham quan, chụp ảnh, mua hàng làm kỷ niệm, làm quà cho người thân, hoặc ký kết kinh doanh mặt hàng nào đó. Nhìn ánh mắt, nụ cười thân thiện của chủ và khách, tôi cảm thấy sự hài lòng với cuộc sống trong họ, một tiêu chí quan trọng trong ba tiêu chí của “Chỉ số hạnh phúc hành tinh” mà Quỹ kinh tế mới- Liên hợp quốc đã chỉ ra. Vâng! Có lẽ vậy! Họ đang hạnh phúc về những sản phẩm do bàn tay khối óc của họ làm ra từ cây quế Văn Yên đang lan toả đi khắp nơi.
H.V.Q