• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Hội thảo Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc- Việt Bắc) lần thứ II: Nhìn nhận quá khứ để hướng tới tương lai
Ngày xuất bản: 22/11/2023 2:45:21 SA

NGUYỄN TÂM

 

Tròn 10 năm sau Hội nghị- Hội thảo Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc- Việt Bắc được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ, sáng ngày 31/10, đông đảo các họa sĩ, nghệ sĩ tạo hình của 15 tỉnh trong khu vực đã tề tựu, hội ngộ tại thành phố Yên Bái xinh đẹp để tham dự Hội thảo Mỹ thuật khu vực III lần thứ Hai; để một lần nữa cùng nhau nhìn nhận lại quá trình phát triển, đánh giá thành tựu, đúc kết kinh nghiệm và thảo luận tìm ra những giải pháp, hướng đi mới cho sự phát triển của Mỹ thuật Tây Bắc- Việt Bắc trong tương lai.

Không quản những khó khăn đặc thù về khoảng cách, địa hình, địa lý của miền núi phía Bắc, các đại biểu đại diện cho giới họa sĩ, nghệ sĩ tạo hình của 15 tỉnh đã có mặt tại Yên Bái từ trước ngày diễn ra Hội thảo. Bởi vậy mà mới sáng sớm, tất cả mọi người đã tề tựu đông đủ tại Trung tâm tổ chức sự kiện tiệc cưới Sunrise Place để sớm được gặp gỡ, giao lưu. Trong không gian nghệ thuật của Triển lãm ảnh nghệ thuật “Đất và người Yên Bái” được Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái đặc biệt chuẩn bị ngay trước sảnh hội trường; các họa sĩ, nghệ sĩ tạo hình và đại biểu các tỉnh bạn đã được trải nghiệm, thưởng lãm nghệ thuật độc đáo, thú vị và khám phá, hiểu thêm về vẻ đẹp thiên nhiên, miền đất, cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của người Yên Bái thông qua 80 tác phẩm ảnh nghệ thuật đã được trưng bày. Không gian ấy đã khiến những cái bắt tay hội ngộ càng thêm ấm áp; những câu chuyện trao đổi, chia sẻ, hàn huyên càng thêm ý nghĩa; những tâm tư ấp ủ như được truyền thêm động lực và niềm hứng khởi trước khi họ bước vào Hội thảo.

8 giờ 30 phút sáng, Hội thảo chính thức bắt đầu với sự hiện diện động viên của Họa sĩ, NSND Vương Duy Biên- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; đồng chí Nguyễn Lâm Tới- Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái; Chủ tịch các Hội VHNT địa phương cùng sự tham gia góp mặt của đại diện các Chi hội Mỹ thuật, các hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nhà phê bình mỹ thuật của 15 tỉnh trong khu vực III Tây Bắc- Việt Bắc. Với sự kỳ vọng Hội thảo sẽ là đầu mối tìm ra khuynh hướng sáng tạo mới, tốt nhất, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng Tây Bắc- Việt Bắc; từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật, nghệ thuật tạo hình trong khu vực nói riêng, cả nước nói chung và mang lại những giá trị nghệ thuật đặc sắc cho cộng đồng, Họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã tuyên bố khai mạc để Hội thảo nhanh chóng được bắt đầu dưới sự điều hành của Đoàn Chủ tịch là Nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam; Họa sĩ Đặng Thị Bích Ngân- Ủy viên Ban Thường vụ, Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật và Họa sĩ Nguyễn Đình Thi- Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái.

Trong không khí cởi mở, thân tình, các đại biểu đã đại diện cho tâm tư, tình cảm, nhiệt huyết và trăn trở của giới họa sĩ, nghệ sĩ tạo hình 15 tỉnh trong khu vực; cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ những vấn đề của mỹ thuật khu vực nói chung cũng như mỗi địa phương nói riêng. 17 tham luận cùng nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo đã cơ bản đánh giá thực tiễn kết quả đạt được trong chặng đường phát triển mỹ thuật tại các địa phương; những thuận lợi, thách thức, hạn chế; sự khởi sắc, kỳ vọng… từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Mỹ thuật khu vực, đặc biệt là trong thực hiện hoạt động Triển lãm Mỹ thuật Khu vực III Tây Bắc- Việt Bắc.

 Năm 2013, lần đầu tiên Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo cho Mỹ thuật khu vực III thì cũng là lần đầu tiên Mỹ thuật Tây Bắc- Việt Bắc nhìn nhận, đánh giá những vấn đề mỹ thuật của khu vực trong suốt khoảng thời gian dài từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ đó đến nay, Mỹ thuật khu vực III đã có những bước tiến mới và có nhiều đóng góp trong dòng chảy chung của Mỹ thuật Việt Nam. Từ 78 hội viên vào năm 2013, nay số hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam trong khu vực đã tăng lên 130 người. Là một trong hai khu vực có số lượng hội viên ít của cả nước, song hàng năm Tây Bắc- Việt Bắc lại là khu vực có số lượng tác giả, tác phẩm dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực đông ngang ngửa với khu vực II Đồng bằng sông Hồng- khu vực có số hội viên đông thứ ba (chỉ sau hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).

Là vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng những cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng; cùng với đó là những dấu ấn văn hóa lịch sử hào hùng in đậm qua nhiều giai đoạn và sự giàu có, độc đáo của bản sắc văn hóa các tộc người nên lâu nay Tây Bắc- Việt Bắc vẫn luôn là điểm hấp dẫn thu hút du khách trên khắp mọi miền, trong đó không thể thiếu vắng những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Là những người trực tiếp sống và làm việc trên vùng đất đó, các họa sĩ, nghệ sĩ tạo hình nơi đây càng có nhiều lợi thế về tư liệu để sáng tạo, những tác phẩm nghệ thuật của họ cũng vì thế mà luôn phong phú, đa dạng và độc đáo cả về đề tài, chất liệu và thể loại. Những năm gần đây, phong trào sáng tác của Mỹ thuật khu vực có nhiều khởi sắc. Ngoài các triển lãm toàn quốc được tổ chức định kỳ, triển lãm khu vực được tổ chức thường niên thì các họa sĩ, nghệ sĩ tạo hình còn nhiệt tình tham gia vào nhiều sân chơi nghệ thuật như các cuộc thi sáng tác, trưng bày triển lãm tranh, sáng tác Biểu trưng (logo), biểu tượng du lịch; tham gia các cuộc vận động sáng tác theo chuyên đề và các sự kiện, hoạt động văn hóa lớn của địa phương. Trong những năm gần đây, Mỹ thuật Tây Bắc- Việt Bắc còn đánh dấu sự khởi sắc của mình bằng sự xuất hiện và thành công ngày càng nhiều các tác giả trẻ trong các cuộc triển lãm khu vực và hoạt động mỹ thuật của mỗi địa phương…

Năm 1996, lần đầu tiên Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc- Việt Bắc được tổ chức ở Thái Nguyên đã không chỉ tạo cho mỹ thuật khu vực một sân chơi lớn, tạo nên môi trường nghệ thuật lành mạnh mà còn mở ra những cơ hội mới, thách thức mới cho các họa sĩ, các nhà điêu khắc, các nhà phê bình mỹ thuật trong khu vực. Từ 30 tác phẩm của 28 tác giả là hội viên Trung ương được chọn treo tại Triển lãm đầu tiên, sau 28 năm, Triển lãm khu vực III đã trở thành hoạt động thường niên thu hút và khích lệ, thúc đẩy sự sáng tạo của đông đảo họa sĩ chuyên và không chuyên trong khu vực. Từ sân chơi này, các họa sĩ có cơ hội được thể hiện tài năng, thỏa sức sáng tạo và đồng thời được tiếp cận, cọ sát với đồng nghiệp để nâng cao trình độ bản thân. Bởi thế, khoảng cách về trình độ của những họa sĩ ở những vùng miền khác nhau ngày càng được rút ngắn, thu hẹp. Cùng với sự phát triển về quy mô, hình thức và chất lượng sau mỗi Triễn lãm, chất lượng tác phẩm của các tác giả tham gia ngày càng cao, số lượng ngày càng nhiều, sự đa dạng về chất liệu và phong cách sáng tác cũng được phát huy ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt, sau nhiều năm, khuynh hướng nghệ thuật đa phong cách, lối vẽ táo bạo và nhiều thể nghiệm mới trong sáng tạo tác phẩm của lớp họa sĩ trẻ tài năng đã góp mặt ngày càng nhiều tại triển lãm, tạo nên những dấu ấn mới và kỳ vọng mới cho mỹ thuật khu vực trong tương lai.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Mỹ thuật Tây Bắc- Việt Bắc với nhiều khó khăn đặc thù đã không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế. Bởi vậy, sau những đánh giá thành tựu, trong các ý kiến tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến đề xuất để cùng bàn giải pháp khắc phục những yếu kém, hạn chế; tìm ra những hướng đi mới cho sự phát triển chung của mỹ thuật khu vực; sự đổi mới của Triển lãm khu vực cũng như sự phát triển của mỹ thuật mỗi địa phương. Trong số rất nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị về nhiều vấn đề như: Tổ chức nhiều hơn các trại sáng tác chuyên ngành cho mỹ thuật; nâng cao mức đãi ngộ để khích lệ đội ngũ nghệ sĩ trong sáng tạo tác phẩm; có cơ chế để sưu tầm, lưu trữ những tác phẩm đạt giải thưởng hoặc những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao; tổ chức nhiều hơn những hội thảo, tọa đàm để tạo không khí dân chủ, giải đáp thắc mắc, đánh giá, rút kinh nghiệm và tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động mỹ thuật…, có thể nhận thấy nổi bật và tựu chung hơn cả là mong muốn có được một địa điểm, một công trình đảm bảm các yếu tố về không gian, ánh sáng… để các Hội nói chung, các họa sĩ địa phương nói riêng có điều kiện, cơ hội trưng bày, công bố và quảng bá tác phẩm tới công chúng. Bởi những khó khăn chung của các tỉnh miền núi nên việc có được không gian trưng bày vốn là vấn đề tồn tại rất lâu ở nhiều địa phương trong khu vực.

Những kiến nghị được đề xuất trong Hội thảo đều là chính đáng và rất sát với thực tiễn. Song để giải quyết và đáp ứng được những vấn đề đó thì như lời phát biểu của Họa sĩ, NSND Vương Duy Biên- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Hội thảo, việc cần làm và phải làm của mỗi cá nhân các họa sĩ, các nghệ sĩ tạo hình, các nhà phê bình mỹ thuật hay các Hội địa phương và cả Hội Mỹ thuật Việt Nam chính là sự nỗ lực không ngừng trong sáng tạo để tạo nên những giá trị văn hóa tinh thần, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước; là làm thế nào để lan tỏa một cách mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất những giá trị đó đến toàn thể cộng đồng xã hội. Có như vậy, Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc- Việt Bắc nói riêng, Mỹ thuật Việt Nam nói chung sẽ có điều kiện để phát triển ngày càng mạnh mẽ.

                                                                                                  N.T

 

 

 

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter