Truyện ngắn của LÝ KHOA
Chiều thứ sáu vừa tan việc, điện thoại của Chiềm Kho rung lên.
- A lô tôi nghe, ai gọi đấy ạ?
- Xin lỗi, có phải anh Chiềm Kho đấy không ạ? Em là Mùi Thương ở bên Y Can ạ.
Mùi Thương, em gái thứ ba của Dùn Phây, một người bạn thời học cấp III đã lâu không gặp.
- Chào Mùi Thương! Sao biết số mà gọi anh vào giờ này?
- Nếu anh không bận, đi cùng Mùi Thương sang nhà. Anh Dùn Phây mong anh lắm, muốn uống với anh bát rượu tâm tình…
Chiềm Kho nghĩ chắc có việc gì cần lắm nên Dùn Phây mới nhắn tìm. Vốn anh em đồng tộc hợp tính nhau, Dùn Phây lại khá ham mê nghiên cứu sưu tầm đồ cổ và bon sai để thưởng ngoạn và bán về xuôi lấy giá chênh lệch. Dùn Phây tự mày mò học hỏi, tìm hiểu và cũng khá có duyên với món này nên cứ gặp nhau là trò chuyện khó dứt mà ngày mai cũng chưa có kế hoạch gì. Từ ngày bà xã mất, ngày nghỉ ra vào một mình cũng buồn, đây lên đó chưa đầy một giờ đồng hồ chạy xe máy nên Chiềm Kho đáp: “Vậy nửa tiếng nữa em chờ anh ở trước cửa Trung tâm Hội nghị để cùng đi cho thuận đường nhé”.
Đúng giờ hẹn. Chiềm Kho thấy Mùi Thương đứng chờ trên lề đường bên chiếc xe máy LEAD mới toanh. Chiềm Kho dừng xe và nhận ngay ra người đẹp. Gần 30 tuổi, không còn vẻ mơn mởn dậy thì, Mùi Thương mang vẻ đẹp mặn mà của một người phụ nữ đã hoàn thiện. Xinh đẹp, ngoan hiền, tốt nghiệp loại Giỏi Trường Cao đẳng Y của tỉnh, đã đi làm nhưng lạ kỳ, Mùi Thương vẫn chưa chịu cùng ai.
Mùi Thương cười tươi, lễ phép gật đầu chào và dắt xe ra đường đề ga nổ máy. Hai chiếc xe từ từ lăn bánh chạy trên phố Đinh Tiên Hoàng, hai bên đường cửa nhà san sát xen với những cửa hàng bán tạp hóa, xe cũ, xe mới, quần áo, siêu thị điện thoại. Chiều thu mát dịu, chạy bên người đẹp, lại được nghe lời ứng đáp rất ý nhị, thông minh của Mùi Thương, Chiềm Kho thấy vui vui. Vừa chạy xe, Chiềm Kho vừa hình dung lại quang cảnh vùng đất này cách đây hơn 35 năm trước. Nhà cửa hai bên đường còn lợp giấy dầu, khu Trung tâm thì đang thi công làm đường 379, ngày nắng thì bụi, mưa thì lầy lội, cửa hàng hợp tác xã Minh Bảo bán ủng khá đắt khách vào mùa mưa… Khi còn học cấp III, Chiềm Kho thường cùng đám bạn đi lấy củi bên bờ sông, dùng súng cao su bắn chim cuốc, câu cá sông Hồng và chèo thuyền cùng mấy bác hay đánh bắt cá bằng lưới ở cửa hợp lưu ngòi Lâu và sông Hồng bán ra thị xã. Trong những ngày chủ nhật nghỉ học, Chiềm Kho thường cùng bạn bè về các vùng quê tham quan khám phá đất mới. Năm cuối cấp, Chiềm Kho và vài tên bạn thân đèo các bạn gái bằng xe đạp đi ra ga xe lửa Yên Bái xem tàu chạy ngược xuôi, rồi ra bến sông xem phà chở khách và xe cộ qua lại sông Hồng, vừa đi vừa tếu táo. Đối với các bạn gái cách đây hơn 30 năm thì họ bạo hơn nhiều so với đám con trai. Đám con trai không hề dám cầm tay con gái trước chứ nói gì đến hôn má. Đêm trăng, đạp xe trên đoạn đường này chỉ có vài ngôi nhà có đài cát sét mở nhạc Tây “Modern talking” sập sình… Những ngày tháng tuyệt vời ở thời cấp 3 cũng dần trôi qua. Ngày tổng kết khép lại chuỗi hành trình 3 năm gắn bó bên mái trường nội trú thân yêu để chính thức tìm cho mình mỗi người một con đường mới, có những giọt nước mắt rơi, những cái ôm thật chặt hứa sẽ không quên nhau, những dòng lưu bút chứa đầy tình cảm… Dùn Phây chọn Trường Nông Lâm nghiệp tỉnh, Chiềm Kho thì về trường Đại học Hà Nội. Tất cả nay chỉ còn là kỷ niệm đẹp của một thời học trò. Sự nhiệm mầu của thời gian là chỉ có đi qua mà không bao giờ quay lại. Ông trời cho mỗi con người một quỹ thời gian tồn tại trên cõi đời này rất công bằng. Thoắt cái đã mấy chục năm, nay tất cả đã biến hết để nhường chỗ cho những “nhà cao tầng mới” đủ kiểu kiến trúc hai bên đường. Thế hệ của Mùi Thương sẽ không thể hình dung mà so sánh ngày nay với hơn 35 năm trước. Âu cũng tốt, đỡ vì dĩ vãng mà nhớ, mà buồn.
Chả mấy chốc hai người đã dừng xe trước cổng ngôi nhà sân rộng, xinh xắn sau hàng cây bên lề đường liên “xã lộ”. Chó sủa vang, Dùn Phây nhanh nhẹn chạy ra mở cổng với vẻ mặt tươi vui.
- Mời Chiềm Kho vào. Thôi nào!- Dùn Phây quát yêu chú chó đang sủa inh ỏi dọa người lạ rồi quay sang phía em gái- Em mời Chiềm Kho vào uống nước, anh xuống nhắn cho cháu rồi quay lại ngay!
Phòng khách của nhà Dùn Phây toàn đồ cổ, Chiềm Kho vừa ngắm những món đồ gỗ cũ kỹ chạm bong từ thời trước, vài chiếc rìu đá, rìu đồng, và đồ gốm sứ men nâu, men lam tầm tầm non tuổi vừa nghĩ xem Dùn Phây đi đâu và sẽ nói những gì với mình?. Ngồi chờ trong phòng khách, Chiềm Kho biết không ai trong nhà tự ý được vào đây khi không có Dùn Phây. Thường người sưu tầm cổ ngoạn vẫn vậy, mặt khác Dùn Phây còn có thằng nhỏ gần 7 tuổi với cô vợ trẻ “tập hai” sợ nó nghịch làm hỏng đồ. Câu chuyện “tập hai” bắt nguồn từ việc sống với “tập một” gần 17 năm, nhưng ông không có thằng chống gậy, thế là cái “giống đàn ông” hay lo xa việc thừa tự, liền kết hợp việc tầm mua “đồ bon sai” trong các làng bản và tầm luôn được cô thôn nữ khỏe mạnh còn “tân” chỉ hơn Mùi Thương em gái thứ ba của Dùn Phây vài tuổi. Thời gian sau, việc vỡ lở, bà “tập một” chu chéo làm ầm ĩ, Dùn Phây bị cơ quan Trại giống cây trồng kỷ luật. Năm đó ông rất buồn và xấu hổ nên đành liều bỏ cả nhà, cả cơ quan theo cô vợ trẻ “tập hai”. Thôi thì mất cái này được cái khác, mà trời có cho ai tất cả đâu! Ông lý sự thế. Ông gặp may vì cha mẹ “tập hai” thấy việc đã trót, thương con gái mình và nhận ra ông tuy lớn tuổi, đã có gia đình, nhưng Dùn Phây là công nhân kỹ thuật trại giống đàng hoàng nên gia đình chấp nhận cho Dùn Phây ở rể rồi tính sau. Thế là ông quyết “dứt áo ra đi” không cần tòa xử, để lại toàn bộ gia sản của mình cho bà “tập một” nuôi con. Thời gian sau, chuyện nguôi đi cũng là lúc cơ quan Trại giống của ông giải thể sáp nhập, Dùn Phây xin về nghỉ trước tuổi, để tránh mất hưu và xin cơ quan xóa kỷ luật, rồi ông quyết đi tìm cái “sự trẻ” để nhằm “chế tạo” ra cái sản phẩm “chống gậy” cho ông khi đôi năm mươi. Vài năm sau, thằng “chống gậy” của ông chào đời rất khỏe mạnh, được Dùn Phây cùng cô vợ trẻ và gia đình bên ngoại chăm bẵm, yêu thương nên lớn rất nhanh và rất kháu. Tuy kinh tế khó khăn, song ông vẫn hết mực thương yêu và chăm sóc thằng “chống gậy” và cả hai cô con gái bên vợ cả đang ăn học rất chu đáo, tình cảm yêu thương các con của ông không hề vơi đi bởi ông là một người cha mẫu mực. Mừng cho Dùn Phây có đất ở và thằng “chống gậy”, song cũng buồn cho Dùn Phây bởi nếu bà “tập một” của ông là người vị tha, thuần tính thì chắc rồi cũng êm thấm đâu vào đấy. Đằng này bà u uất, căm ghét Dùn Phây suốt ngần ấy năm nên bà đổ bệnh qua đời chỉ trong hai tháng ốm suy nhược.
Đang suy nghĩ miên man thì Dùn Phây và Mùi Thương cùng bà “tập hai” của ông tươi cười về nhà. Dùn Phây bê một vật gì đó trùm khăn vàng đặt lên chiếc bàn của bộ bàn ghế gỗ dổi triện tay 10, còn Mùi Thương và bà “tập hai” bê mâm đồ nhắm cùng chai rượu ngâm quả Sơn tra vàng óng đặt lên chiếc sập gỗ giả cổ theo kiểu hoa văn truyền thống miền Bắc.
Dùn Phây đứng lên trịnh trọng tuyên bố:
- Hôm nay tôi chọn đúng ngày để gia đình chúng tôi thưa chuyện với Chiềm Kho- Vừa nói, Dùn Phây vừa mở tấm vải vàng để lộ chiếc bình Tỳ Bà Bát Tràng- Dùn Phây được như hôm nay thành tâm xin cảm tạ Chiềm Kho.
Chiềm Kho nhớ ngay chuyện cũ. Sau khi có con trai, nhờ tốt tính nên Dùn Phây còn gặp may việc nữa trong đời. Chả là thời đó ông ra đi với hai bàn tay trắng, ông chỉ biết chạy hàng bon sai và đồ giả cổ loại tầm để kiến tiền nuôi thân và gia đình “tập hai” của mình. Một hôm trong khi Chiềm Kho đang ngã giá chiếc bình Tỳ Bà cổ còn nguyên lành, đẹp, của một người dân đi đào mương dẫn nước vào ruộng may mắn phát hiện được thì bất ngờ Dùn Phây từ đâu đến. Chiềm Kho trả giá chiếc bình hơn mười triệu, trước đó Dùn Phây đã trả tròn mười triệu nhưng thiếu tiền nên mới chỉ đặt cọc bảy triệu. Chiếc bình Tỳ Bà có niên đại thế kỷ XVI hiệu đề “Kim- Ngọc- Mãn- Đường” có nghĩa một lời chúc đầu năm “Vàng ngọc đầy nhà”. Mặc dù Chiềm Kho cũng rất thích chiếc bình Tỳ Bà thuộc dòng gốm Bát Tràng với mầu men hoa lam vẽ hình “chim chích chòe” này nhưng hiểu hoàn cảnh của bạn, ông liền nhường lại, cho Dùn Phây vay thêm ba triệu đủ tiền lấy bình mà đi kiếm ít tiền vênh. Dùn Phây mang bình về, có anh người cùng thôn vốn mê đồ cổ Bát Tràng, lại thêm nhà anh ta cũng có một chiếc cùng loại, nên suốt ngày anh ta đến lê la ngắm, gạ Dùn Phây bán lại để đem về kết hợp thành đôi lộc bình. Lộc bình phong thủy linh thiêng kiểu này thì bất cứ gia đình nào cũng muốn sở hữu một đôi để trưng bày trên bàn thờ hay phòng khách theo quan niệm tụ “âm dương đối đãi” khí tốt, sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn. Dùn Phây suy nghĩ nhiều ngày rồi nói vống lên đã mua mười ba triệu đồng và là bình quý của bạn nhường cho làm kỷ niệm nên không muốn bán. Anh cùng thôn gạ mua mãi không được, liền nghĩ ra mẹo: Nhà mình có nhiều đất đồi để hoang, có lẽ xoay sang gạ đổi đất lấy bình chắc là được, tính ra mấy trăm mét đất vườn đồi hoang bên trong thung thì cũng tương đương mười ba triệu, như vậy sẽ đánh vào được cái thế yếu đang ở rể của Dùn Phây. Khi anh ta đặt vấn đề đổi đất, Dùn Phây nghĩ mãi thiệt hơn, cuối cùng đồng ý đổi chiếc bình lấy 500 mét vuông đất vườn đồi để làm nhà ra ở riêng. Thế là nhờ chiếc bình Tỳ Bà mua mười triệu mà Chiềm Kho cho vay ba triệu, Dùn Phây có đất cắm dùi và tiến dần làm nhà riêng. Khi Dùn Phây cùng bà “tập hai” vừa làm nhà song thì cũng là lúc nhà nước quy hoạch dự án làm đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai, nhà ông rơi vào đúng tim đường. Dùn Phây được đền bù và cắm chỗ đất mới, được nhà nước cấp bìa đỏ quyền sử dụng đất đàng hoàng, ông xây được căn nhà có vườn rộng và đường đi thuận lợi như ngày nay. Còn chiếc bình Tỳ Bà dù có đẹp vào loại nhất, nhì gì gì đi nữa thì chắc cũng chẳng được là bao? Đây là may hơn khôn, sự đời có số là vậy…
Lời nói rành rọt của Dùn Phây kéo Chiềm Kho về thực tại:
- Chả là cách đây đúng 12 năm trước, vào ngày này, Chiềm Kho đã nhường chiếc bình cổ và cho vay thêm ba triệu đồng, nhờ nó mà tôi đổi được thửa đất ở. Nhờ có duyên trời được đền bù làm nhà song dư giả, tôi mua lại được chiếc bình này với giá mười lăm triệu đồng tương đương gần 03 cây vàng để nó không bị lọt vào tay người khác. Tôi mua nó là để biếu lại cho Chiềm Kho làm kỷ niệm. Mong Chiềm Kho vui lòng nhận lại cho!
Chiềm Kho thực sự bất ngờ, cảm động trước những gì đang diễn ra trước mắt, xúc động trả lời:
- Thôi Dùn Phây ơi. Dùn Phây giữ lại cho gia đình, giữ lại cho Mùi Thương khi ra ở riêng cho có lộc như Dùn Phây đi.
- Chiềm Kho ơi- Mùi Thương nói xen- Anh trai em và gia đình em luôn quý trọng anh. Nếu anh không nhận lại chiếc bình này, em sẽ không đi ở riêng với ai đâu! Anh nhận lại đi, tình nghĩa mà anh!
- Phải đấy anh ạ! Anh nhận lại đi cho anh Dùn Phây vui!- Cô vợ trẻ của Dùn Phây hùa vào.
Chiềm Kho nghĩ lúc này từ chối thì không nên, nhưng định bụng sau này khi Mùi Thương đi lấy chồng, Chiềm Kho sẽ tặng lại, thế là mọi người đều vui cả. Chiềm Kho đứng dậy cúi đầu trang trọng:
- Ôi, tôi bất ngờ quá, tôi xin nhận và cảm ơn Dùn Phây cùng toàn thể gia đình.
- Giờ thì em xin mời hai anh vào mâm kẻo nguội- Mùi Thương cười tươi, liến thoắng.
Câu chuyện thời đi học, câu chuyện về chiếc bình, về cuộc sống mới khiến cuộc rượu rôm rả. Trong bữa rượu thân tình Chiềm Kho hỏi:
- Mùi Thương bao giờ mới chịu “chống lầy” đấy. Kén quá hỏng đấy!
- Em nó chỉ mải lo công việc và chăm anh, chăm cháu. Chả nghĩ gì đến việc riêng cả, chúng tôi sốt ruột lắm Chiềm Kho ạ, con gái có thì, chứ phơi phới mãi được đâu- Dùn Phây nhấp chén rượu, giọng trùng xuống hẳn.
- Hay anh Dùn Phây và em Mùi Thương cho phép tôi giới thiệu mấy tay tầm sưu “đồ cổ” trong ngành của tôi cho Mùi Thương và Dùn Phây duyệt?- Chiềm Kho nói trêu để phá đi không khí trầm trầm. Nhìn Dùn Phây gật gù liếc nhìn “tập hai” đang cười e thẹn, Chiềm Kho tiếp- Mùi Thương có theo anh mê đồ cổ không? Nếu mê và trân trọng đồ cổ, chắc chắn đồ cổ sẽ giúp cho Mùi Thương sớm “chống lầy” đấy!
- Nhưng muốn chơi và thưởng ngoạn đồ cổ thành công thì trước tiên phải đam mê thực sự và phải có nhiều bạn tốt… Dùn Phây tiếp lời.
Mùi Thương cười e thẹn, hai má ửng lên trông thật xinh:
- Thế thì quá tuyệt. Vậy em xin phép anh Dùn Phây cho em thường xuyên đến thăm và ngắm bình quý của anh Chiềm Kho…
Cả mâm đều cười vui sau câu tán, còn “tập hai” của Dùn Phây thì cười tủm tỉm liếc nhìn Dùn Phây. Dùn Phây nâng ly hô to: “Chúc mừng hội ngộ” rồi cạch ly thành tiếng với Chiềm Kho: “Chúc mừng quý vật tìm đến quý nhân”…
Xa xa bên hàng xóm nhà ai đó mở bài hát “Rừng anh yêu thương” khiến Chiềm Kho càng thêm phấn chấn. Anh nhẩm theo giai điệu bài hát“Anh cùng em đến với rừng, ta ươm mầm xanh xanh đến vô cùng/ Anh cùng em đến với rừng, ta nghe hòa theo đôi trái tim chung…”.
Đêm xuống, trời thu se lạnh, dùng dằng mãi Chiềm Kho mới nói được lời tạm biệt Dùn Phây và Mùi Thương cùng toàn thể gia đình, chạy xe thật chậm trở về thành phố. Sau lưng anh là chiếc bình Tỳ Bà chứa nhiều tình nghĩa….
L.K