Ký của Minh Ngọc
Vào xuân, Mù Cang Chải đẹp đến ngỡ ngàng. Gió xuân mơn man trên chồi non, lộc biếc lóng lánh sương, lùa trong sắc thắm của hoa tớ dày nở rộ. Những cô gái Mông xúng xính trong trang phục truyền thống sặc sỡ, kéo nhau xuống chợ huyện, giấu nụ cười e ấp sau đôi bàn tay xẫm màu chàm. Ánh mắt long lanh, chân chất. Giữa những cô gái đáng yêu đó tôi bắt gặp khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt sáng của Lý Thị Ninh, người đã kết nối, mang thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mông Mù Cang Chải vươn ra thế giới.
Sinh ra tại bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, trong một gia đình có 6 anh trai, 2 chị gái, cô gái Mông sinh năm 1990, Lý Thị Ninh sau khi tốt nghiệp cấp ba, lấy chồng ở bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha rồi ở nhà sinh con. Ngày 2 buổi lên nương, tối về cơm nước, tranh thủ việc nhà và trong những giờ phút rảnh rang, Ninh cũng giống như những người phụ nữ Mông khác tranh thủ xe lanh, dệt vải, thêu váy áo. Cuộc sống lầm lũi trôi qua cùng ruộng nương, mưa nắng, thu nhập không có gì ngoài hạt lúa, bắp ngô. Ninh cũng như bao chị em khác không dám nghĩ đến chi tiêu cho riêng mình. Và rồi điều bất ngờ xảy đến khi không ai khác, chính Lý Thị Ninh đã mang đến một luồng gió mới, làm thay đổi cuộc sống của những người phụ nữ Mông nơi đây.
Với Ninh, tất cả như một cơ duyên. Ninh bảo: “Người Mông mình quan niệm, người con gái chỉ có giá khi biết thêu thùa, khâu vá”. Với người Mông, nghề thêu dệt truyền thống từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang nét độc đáo của phụ nữ Mông. Mỗi người, với sự chăm chỉ và khéo léo của riêng mình lại tạo nên những sản phẩm khác biệt, đầy tự do và ngẫu hứng.
Lý Thị Ninh giới thiệu sản phẩm thổ cẩm tại gian hàng
Với nụ cười chân chất, Ninh tâm sự: “Tháng 3, năm 2009, đại diện Trung tâm nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ (Craft Link) khi lên Mù Cang Chải thấy phụ nữ Mông nơi đây đều mặc váy áo dân tộc thủ công thì rất thích nên đã đến làm việc với Hội Phụ nữ huyện, Hội Phụ nữ xã sau đó lên khảo sát tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải. Được thông tin, chị em trong bản có mặt đông đủ. Nghe tuyên truyền về việc thành lập một nhóm cùng thêu dệt, sản phẩm làm ra có người mua, chị em có thêm thu nhập ai cũng thích, cũng mừng. Thấy mọi điều kiện được đáp ứng, 6 tháng sau Trung tâm chính thức cử cán bộ lên tập huấn cho các chị em, dạy chị em làm váy áo cho đến khi thành sản phẩm bán ra thị trường. Trung tâm đảm bảo khâu bao tiêu sản phẩm, quảng bá và giới thiệu sản phẩm bán trong và ngoài nước. Và rồi “Nhóm thổ cẩm Mông” chính thức được thành lập vào cuối năm 2009. Ninh học hành nhiều hơn, có kiến thức hơn nên được cử làm đại diện cho tổ khi mới 19 tuổi. Từ đó, cô gái trẻ Lý Thị Ninh thay mặt tổ nhận đơn hàng, mua nguyên vật liệu, rút tiền chi trả cho chị em. Năm đầu Trung tâm hỗ trợ nguyên vật liệu cho chị em làm, sau một năm có chút quỹ thì để chị em làm dần và đến nay đã có quỹ hoạt động cho tổ.
Tuy nhiên, những ngày đầu với Ninh không hề dễ dàng, để duy trì công việc thường xuyên cho chị em ngoài đầu mối Trung tâm nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ (Craft Link), Lý Thị Ninh đã lăn lộn các nơi để tìm kiếm thị trường. Điều đó có nghĩa ngoài việc đáp ứng các đơn hàng, Ninh chủ động cung cấp sản phẩm ra thị trường. Ninh kể cứ thứ bảy, chủ nhật hai vợ chồng Ninh lại chất hàng hóa lên xe máy, rong ruổi các chợ Sa Pa, Hà Giang để bày bán, giới thiệu sản phẩm của mình. Tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, ban đầu thấy lạ người ta chỉ xem, nghe Ninh giới thiệu, sau mới hỏi rồi đặt hàng. Rồi qua một số chị em bán thổ cẩm, Ninh lại gửi vỏ gối, túi, ví, khăn trải bàn, ba lô, con vật, móc cheo chìa khóa, dây buộc tóc, túi đeo, mỗi thứ để lại 1 đến 2 sản phẩm để tiếp cận thị trường. Đồng thời vợ chồng Ninh cũng quan sát xem người dân nơi đó mặc gì, có nhu cầu gì để về làm sản phẩm bán cho người dân địa bàn. Không để phí thời gian trong mỗi chuyến đi, Ninh tranh thủ lân la đến các chợ đầu mối hỏi các chị em bán hàng xem người dân thường hay mua đồ gì để may rồi đổ buôn.
Trong lúc nói chuyện, tôi cùng Ninh đi quanh gian hàng trưng bày sản phẩm, ngắm ngía, vuốt ve từng sản phẩm mà không thể tin chúng được dệt nên từ vỏ những cây lanh cứng quèo, thô ráp. Nhưng đó là sự thật. Từ cây lanh trồng trên nương, trên đồi, qua bàn tay khéo léo và sự tỉ mẩn của các chị mà thành sợi lanh dệt vải. Cầm những sợi lanh trắng muốt, mềm mịn, Ninh kể: “Trang phục truyền thống của đồng bào Mông gồm có áo, váy, áo xẻ ngực, tạp dề, xà cạp quấn chân. Để làm ra một bộ trang phục truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn và mất vài tháng, thậm chí cả năm. Hằng năm, cứ đến tháng 3, tháng 4 bà con bắt đầu trồng cây lanh, đến tháng 7, tháng 8 là thu hoạch. Sau khi thu hoạch, cây lanh được đem phơi nắng khoảng 1 tuần cho khô rồi tước sợi. Sau đó, sợi lanh được đưa vào cối giã mềm rồi nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn và mang đi giặt cho thật mềm, giũ hết những vỏ cây. Tiếp theo là công đoạn luộc sợi lanh cho đến khi thấy sợi lanh mềm và trắng thì mang phơi nắng cho khô rồi mới dùng guồng chia sợi lanh thành từng cuộn trước khi mắc vào khung cửi để dệt thành những tấm vải lanh bền đẹp. Tấm vải dệt sau đó lại được đem nhuộm chàm rồi dùng chỉ nhiều màu sắc thêu những hoa văn nổi trên nền vải”. Ninh chia sẻ: Thông thường nhuộm một tấm vải phải qua 50- 60 lần nhúng chàm, mỗi lần nhúng từ 10- 15 phút. Để một tấm lanh lên màu đẹp phải mất ít nhất 05 ngày. Đó quả là cả một quá trình công phu và kỹ lưỡng…
Tôi miết tay trên từng hoa văn. Đường nét tinh tế, kỹ lưỡng đến từng mũi thêu khiến tôi nghi ngờ rằng chúng là những sản phẩm handmade. Thêu ở mặt trái, hoa văn hiện lên ở mặt phải vải với các hình họa phong phú, hàm chứa những ý nghĩa nhân văn và cao đẹp. Với những gam màu sắc sặc sỡ như xanh, đỏ, tím, vàng những người phụ nữ nơi đây tin vào tương lai may mắn, ấm no, hạnh phúc và qua đó, cũng thể hiện những khát vọng về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Họa tiết trên các tấm vải chủ yếu là hoa văn hình xoắn ốc, trái tim, hình vuông, chữ nhật, zích zắc và một số biểu tượng gắn liền với cuộc sống như sấm chớp, dụng cụ lao động, con vật, các loài hoa… được thể hiện qua từng đường nét uốn lượn trên thân áo, váy nhằm thể hiện tín ngưỡng sùng bái vạn vật bao quanh, cầu mong mùa màng thuận lợi, sung túc, ấm no, hạnh phúc…
Thấy tôi không rời mắt khỏi những tấm vải thô được vẽ sáp ong. Ninh vuốt ve, nâng tấm vải lên bảo: “Vẽ tấm này phải mất một ngày đấy”. Tôi cười với ánh mắt nghi ngờ: “Mảnh vải này nhỏ thôi mà?”. Ninh khẳng định: “Không nói sai đâu. Muốn vẽ, phải đun sáp ong đến khi nóng chảy, sử dụng lá đồng bé hình tam giác, nẹp vào thanh tre dài khoảng 7- 8 cm để vẽ họa tiết. Ngòi bút càng mỏng hoa văn vẽ càng đẹp. Khi vẽ, phải luôn ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Khi kẻ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ. Vẽ đến đâu quấn đến đấy để không bị bẩn, sau đó đem nhuộm chàm đến khi mảnh vải có màu sẫm thì nhúng vào nước sôi, sáp ong sẽ chảy ra để lại những hoa văn màu xanh lơ. Sau cùng, chị em mới may vá, ghép lại thành những chiếc áo, váy. Tất cả đều được làm thủ công, không dùng máy, còn máy khâu chỉ là để hoàn thiện sản phẩm thôi”. Chính thế váy áo của phụ nữ Mông nơi đây thật gần gũi với thiên nhiên, thoáng mát về mùa hè, ấm áp, dễ chịu vào mùa đông…
Theo thời gian, nhóm thổ cẩm do Ninh làm tổ trưởng ngày càng lớn mạnh, phát triển, từ “Nhóm dân tộc Mông” ban đầu với 20 thành viên dần trở thành “Tổ sản xuất thổ cẩm”, rồi “Tổ hợp tác thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông” với 45 thành viên như hiện nay. Hiện tại Tổ hợp tác đã có trụ sở riêng tại thôn Dề Thàng, xã Chế Cu Nha với 1 máy ép li váy, 5 máy khâu công nghiệp, 3 máy khâu thủ công với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. Điều thật đáng quý là tất cả số tiền đó đều được lấy từ số tiền thưởng Giải Suất sắc mà Lý Thị Ninh đoạt được trong Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp phụ nữ năm 2020. Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải do chị Lý Thị Ninh làm tổ trưởng là một trong 68 ý tưởng xuất sắc lọt vào vòng chung kết và trao giải tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo- Kết nối thành công".
Hiện nay trung bình mỗi năm Tổ hợp tác có tới 15- 17 đơn hàng thu về từ 100- 200 triệu đồng, trừ các khoản chi phí mỗi tháng chị em có thu nhập bình quân từ 1-1,5 triệu đồng/tháng. Con số này chưa phải là lớn nhưng với những người phụ nữ Mông nơi đây thì quả là con số mơ ước. Bởi bao đời nay chị em không biết làm thế thế nào để kiếm tiền nuôi con, phụ gia đình, tăng thu nhập. Một số chị em gia đình khó khăn, ngoài thời gian mùa vụ phải đi làm thuê nắng mưa vất vả mà vẫn không đủ ăn nên Lý Thị Ninh luôn đau đáu phải làm thế nào để giúp chị em cải thiện đời sống. Từ khi tham gia vào Tổ hợp tác thổ cẩm, chị em đã có một khoản thu nhập riêng, có tiền mua sắm đồ đạc, có tiền cho con ăn học và đặc biệt có thể tự “làm đẹp” cho mình. Nói về câu chuyện “làm đẹp” của chị em nơi đây quả thực rất đặc biệt, bởi không biết từ bao giờ, do yếu tố nào mà những người đàn ông, đàn bà Mông ở đây đều bị rụng răng từ rất sớm. Hai, ba mươi tuổi đã có người rụng răng. Hơn năm mươi tuổi có người rụng gần hết. Ninh bảo: “Các chị vui lắm, bảo nhờ có Tổ hợp tác mới có tiền làm răng. Họ không phải ngại, không phải xấu hổ nữa”. Thấm thoắt đã 12 năm Ninh làm tổ trưởng “Tổ hợp tác thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông”. Mỗi lần nhận tiền công các chị lại dúi vào tay Ninh lúc 20 nghìn, lúc 50 nghìn để Ninh có tiền gọi điện thoại, hoặc không lại mua bánh kẹo đến Tổ hợp tác để cùng nhau “liên hoan”. Ninh cười rất tươi: “Thấy chị em vui thì mình càng cố gắng”. Chồng Ninh, chàng trai Mông Hờ A Sử có nụ cười rất hiền cũng nói với tôi rằng: “Biết là vất vả nhưng chỉ cần các chị ấy vui, các chị ấy có thu nhập thì vợ chồng mình sẽ cố gắng hết mình”.
Nghe tôi hỏi về số tiền nhận được sau mỗi đơn hàng, Ninh cười xòa: “Mình làm giúp cho chị em thôi. Lấy về 300 triệu mình cũng chỉ được 3 đến 4 triệu công giao dịch, còn lại mình phải trực tiếp làm sản phẩm, thậm chí phải làm nhiều hơn mới kịp đơn hàng”. Nhìn Ninh già dặn hơn nhiều so với tuổi. Tôi hiểu chính quá trình “đứng mũi chịu sào” đã tôi luyện nên một Lý Thị Ninh bản lĩnh với tố chất của người phụ trách. Cũng vì lẽ đó nên suốt hơn 10 năm gắn bó các chị em trong tổ hợp tác luôn quý mến và cảm ơn Ninh, người đã không quản ngại khó khăn, vất vả vì sự phát triển, đi lên của Tổ hợp tác.
Trải qua những ngày đầu khó khăn, đến nay sản phẩm của tổ hợp tác đã có thị trường rộng khắp. Trong nước có Lào Cai, Hà Giang, ngoài nước có Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… Mô hình hỗ trợ tổ hợp tác thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông do Lý Thị Ninh làm tổ trưởng từ khi thành lập đến nay đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Trung tâm nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ (Craft Link), Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mù Cang Chải và cá nhân Lý Thị Ninh được tặng Bằng khen của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vì đã có thành tích suất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2015- 2020. Trong mắt các chị em của tổ hợp tác và trong mắt những người dân nơi đây thì Lý Thị Ninh chính là bông hoa đẹp của bản Mông nơi núi rừng vùng cao Mù Cang Chải.
Giữa nắng xuân ấm áp, nhìn không khí làm việc nhộn nhịp, vui vẻ của các chị em, ngắm cơ sở khang trang với một loạt trang thiết bị mới, hiện đại, cảm nhận rõ sức trẻ và lòng nhiệt huyết của người con gái Mông mới bước sang tuổi 31, tôi tin Tổ hợp tác nghề truyền thống dân tộc Mông chính là nơi giữ gìn, khôi phục nghề truyền thống lâu đời của dân tộc Mông, góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập và giúp cho phụ nữ Mông nơi bản Trống Tông từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
M.N
Tin khác