Truyện ngắn của Nông Quang khiêm
Văn lấy hết can đảm vạch lá rừng lên núi Phi Nàng. Phi Nàng, tiếng Tày dịch ra là ma Nàng. Người già kể lại, ma Nàng là người con gái còn trinh tiết, bị nhà địa chủ xưa chôn sống cùng vàng bạc của cải để giữa của. Con gái còn trinh tiết thì ma mới khỏe. Đã có kẻ mua chuộc được thầy cúng lên núi Phi Nàng cúng ba ngày ba đêm với ý định đào lấy vàng bạc. Cúng đến đêm thứ ba thì thầy cúng hộc máu mồm ra chết. Các cụ già còn kể, đêm ấy núi như sấm động, gió quất ù ù, người ta thấy bóng một cô gái trẻ mặc áo trắng bay lên rồi tan vào hang đá. Chuyện chẳng biết thực hư thế nào nhưng cứ nhắc đến núi Phi Nàng là Văn sợ. Vậy mà trước khi chết, ông bác của Văn nhất quyết đòi mọi người chôn ông ngay cửa hang ma Nàng, cạnh ngôi mộ của một kẻ phản quốc. Đây là lần đầu tiên Văn lên núi Phi Nàng. Mọi năm công việc tảo mộ do bố Văn làm, năm nay bố mất, Văn phải làm thay. Hang ma Nàng đây, trước cửa hang có một mô đất như tổ mối, không văn bia, là mộ ma Nàng. Phía dưới, bên trái là mộ của ông bác, được xới cỏ, đắp đất hằng năm nên ít cỏ, văn bia còn mới, cái tên Nông Văn Lượng trên văn bia vẫn nét nguyên. Phía bên phải hang là một ngôi mộ nữa, văn bia vùi trong cỏ um tùm đã rất cũ, tên Hoàng Văn Phong phải nhìn thật kỹ mới thấy. Văn lại gần cửa hang, đặt đồ lễ xuống. Mây núi như một làn khói mỏng bao quanh, u uẩn. Văn cảm giác một luồng khí lạnh trùm quanh mình. Văn lấy bật lửa, thắp trên mộ ông bác ba nén hương. Bỗng Văn giật thót người, chân tay run lên bần bật. Trên mộ, một con rắn trắng đang nằm cuộn tròn. Theo phản xạ bản năng, Văn cầm cái cuốc đập một nhát trúng vào cổ con rắn. Vì tay run nên cú đập không mạnh lắm. Con rắn chui tọt xuống mộ ông bác. Ở chỗ con rắn vừa nằm lộ ra một chiếc khuy áo bằng bạc, to hơn bình thường, sáng lấp lánh. Văn tò mò, cầm cái khuy áo bạc lên, cho vào túi. Văn nhổ cỏ thật nhanh, bày lễ, quỳ xuống khấn vội vàng rồi về như chạy. Về đến nhà, người bải hoải, chẳng ăn uống gì, Văn trùm chăn ngủ. Giấc ngủ kéo đến mê mệt cùng một giấc mơ dài.
Văn thấy một cô gái trẻ chỉ chừng độ mười tám, đôi mươi, mặc trang phục truyền thống Tày nhưng tất cả màu trắng, áo cánh dài, có cài khuy nách, ôm lấy cơ thể thon nhỏ, tóc chải rẽ đôi, lọn tóc được bó gọn trong dải khăn vấn, có những sợi chỉ tết che xuống mặt làm bật lên chiếc mũi cao, đôi mi cong và làn da trắng hồng. Đặc biệt nhất là đôi mắt, đôi mắt trong veo nhưng thăm thẳm buồn. Trên người cô gái xúng xính xà tích, vòng cổ, vòng tay, vòng chân bằng bạc trắng, chắc hẳn cô là con nhà quyền quý. Cô gái ngồi xuống cạnh Văn. Văn ngồi dậy, nhìn cô gái, rụt rè hỏi: “Này cô gái, cô ở đâu đến và tìm ai?”. “Tôi tìm anh đấy! Còn tôi từ đâu đến ư…”. Cô gái hướng ra phía cửa sổ, chỉ tay ra hồ nước mênh mông. “Nhà tôi ở đấy, xã Bình Hanh, tổng Cẩm Nhân, phủ Yên Bình, cạnh chợ Ngọc. Đấy, ngôi nhà sàn ba gian, hai trái bên bờ sông Trôi Thủy(1), xung quanh là đồng lúa trù phú, mênh mông từ Bình Hanh sang Đông Lý, Đại Đồng, Ẩm Phúc, Đồng Thanh, An Thọ, Đồng Thái, Dương Liễu…”. Cô gái chợt cất giọng ngâm: “Đặc khí thiêng liêng/ Nhiều nơi thanh lạ/ Non Xuân Sơn cao thấp triều Tây/ Sông Trôi Thủy quanh co nhiễu tả/ Nghìn Tây chìa cánh phượng, dựng thuở hư không/ Thành nước uốn hình rồng, dài cùng dãy đá/ Đùn đùn non Yên Ngựa, mấy trượng khỏe thế kim thang/ Cuồn cuộn thác Voi, chín khúc bền hình quan tỏa(2)… ”. Cô gái ngừng ngâm, ánh mắt dõi ra mặt nước xa vời vợi. “Giờ tất cả đã chìm sâu dưới lòng hồ Thác Bà, chìm tất cả. Ôi chợ Ngọc, chợ Ngà, ôi ông, bà, bố, mẹ, anh Lượng, anh Phong, ôi những tháng ngày đẹp tươi và nghiệt ngã, tất cả đã chìm sâu… chìm sâu…”. “Kìa, ông bác tôi cũng tên Lượng, quê ở Bình Hanh đấy. Đại gia đình chúng tôi di dân lên đây năm một nghìn chín trăm sáu hai để nhường đất xây đập thủy điện”. “Nông Văn Lượng, con nhà bác La, nhà cạnh nhà tôi, chúng tôi chơi với nhau từ nhỏ, cả anh Hoàng Văn Phong nữa…”. Văn há hốc mồm, miệng không cất được thành lời. Cô gái chẳng để ý đến Văn, cô chậm rãi kể, giọng kể thì thầm như vọng về từ một nơi xa lắm: “Ngày ấy đất đai trù phú là thế, nhưng đều nằm trong tay của các địa chủ, phong kiến, thực dân. Các sĩ quan Pháp như Ghihô, Cochê và giáo sĩ Ghirốtđơ ngang nhiên vào phủ Yên Bình cướp bóc đất đai, lập ra nhiều trang trại lớn, ôm lấy toàn bộ thung lũng sông Trôi Thủy, ra sức đàn áp và bóc lột. Các địa chủ cũng ra sức bóc lột đồng bào mình với sự bảo kê, tiếp tay của bè lũ tay sai như thừa phái, lục sự, tri phủ, tổng trưởng. Ở Bình Hanh nổi lên địa chủ Lý Khả, có đến hàng trăm ha đất, vài trăm con trâu, bò, còn vịt, gà đếm không xuể. Vàng bạc nhà Lý Khả tính bằng chum, đựng đầy các chum đồng cất trong kho riêng. Ruộng đất Bình Hanh về hết tay Lý Khả, người dân Bình Hanh phải đi làm công cho Lý Khả. Nhà tôi và nhà anh Lượng cũng phải làm công cho Lý Khả. Cực nhọc một nắng hai sương mà quanh năm đói khổ. Chúng tôi sinh ra đã thấy bố mẹ suốt ngày cắm mặt vào đất, nhem nhuốc mồ hôi và bùn. Sau này lớn lên, nhớ nhất vẫn là mùi mồ hôi nồng nồng, mùi ruộng ải, mùi trâu, bò. Làm không đủ ăn, bố mẹ chúng tôi vẫn phải vào rừng đào thêm củ mài để ăn. Hết củ mài thì tìm củ nâu, vừa đắng vừa chát. Vì nhà ở cạnh nhau nên bố mẹ tôi và bố mẹ anh Lượng hay rủ nhau đi đào củ mài. Tôi và anh Lượng lăng xăng tìm dây củ mài cho bố mẹ. Dây củ mài vào mùa lụi, nở đầy hoa khô trên cây đấy nhưng gốc thì rất khó tìm vì dây già, các đốt dây rụng xuống đất hoặc dây bị đứt do gia súc, thú rừng đi lại. Tôi và anh Lượng tỉ mẩn lần nối từng đoạn gốc rụng, từ đốt dài đến đốt ngắn lần đến gốc, lấy cuốc đào xung quanh, thấy có sợi rễ trắng, lần theo là đến củ. Bố mẹ đào mệt, chúng tôi giúp bới đất dưới hố lên, quần toàn bị rách đầu gối và dính bết đất. Chúng tôi đã giúp nhau qua những mùa đói vàng mắt như thế. Ngày bố mẹ đi làm công, tôi và anh Lượng dẫn nhau ra dòng Trôi Thủy tìm bắt cua, ốc. Những mương nước dẫn từ sông vào ruộng, chúng tôi đắp đất hai đầu, khơi dòng đi chỗ khác rồi tát cạn, cá tôm nổi lên lúc nhúc dưới bùn, tha hồ bắt, thích lắm. Thời ấy cả Bình Hanh không ai được đi học. Ngày ngày tôi và anh Lượng quấn quýt bên nhau. Chúng tôi cứ thế lớn lên từ tôm cá của sông Trôi Thủy và củ mài trên núi Cao Biền nhưng ai cũng trắng trẻo, mạnh khỏe…”. Văn chợt cắt ngang: “Thế còn ông Hoàng Văn Phong?”. “Anh Phong là con trai duy nhất của Lý Khả. Là con Lý Khả nhưng anh Phong không giống con nhà địa chủ khác. Anh thường trốn nhà ra bãi sông chơi với chúng tôi, không phân biệt con dân đen hay con địa chủ. Anh ấy bảo, ở nhà chán lắm, luẩn quẩn chỉ thấy lính hầu và người làm. Nhiều lần anh Phong bị Lý Khả bắt về, đánh đòn vì chơi với chúng tôi nhưng anh ấy vẫn không chừa. Năm anh Phong mười lăm tuổi, Lý Khả gửi đi học lớp tiểu học hệ Pháp- Việt, tôi và anh Lượng ít gặp anh Phong hơn. Anh Lượng đã ra dáng một chàng trai, anh xin đi trổ bè theo đội quân khai thác lâm sản để cuộc sống gia đình bớt khốn khó. Có lúc anh lại lênh đênh chở thóc, gạo, gia súc cho Lý Khả hoặc Tổng Lại mang ra chợ Phủ, chợ Ngọc, chợ Ngà. Những chuyến đi dài ngắn tùy đợt. Không có anh Lượng, anh Phong ở nhà, tôi thui thủi một mình vì không có bạn cùng trang lứa. Tôi mười bảy tuổi, đêm đêm nghe các anh chị hát khắp giao duyên, lòng tôi trở nên xốn xang lạ. Sông Trôi Thủy mùa nước cạn lộ ra những bãi đá ngầm rất nguy hiểm cho bè mảng, đã có nhiều bè gỗ đang trôi băng băng thì va phải đá ngầm vỡ tan. Mỗi lần anh Lượng đi, tôi lại thấp thỏm lo, hết lo lại mong anh về sớm. Tôi nhận ra mình rất nhớ anh Lượng, nỗi nhớ đôi khi như lửa đốt. Anh Phong học xong, ba chúng tôi lại thường xuyên gặp nhau, lúc thì túm tụm cùng đám trai gái làng bên hát khắp, cọi những đêm trăng sáng, lúc lại cùng nhau kéng loỏng(3) đêm hội cốm. Tôi cùng anh Lượng giã chày đôi, tiếng chày rạo rực khộc loong khoong vang xa. Anh Phong bị lẻ đôi mặt cứ buồn buồn, ngượng ngượng thế nào ấy. Lúc ấy, chúng tôi cùng nhận ra mình đã lớn. Thời gian đó không khí ở Bình Hanh trở nên khác lạ, có vẻ trầm hơn nhưng là trầm ở bề mặt. Nhìn ai cũng có vẻ bí hiểm, căng thẳng, có người nhớn nhác, lo lắng, có người lại háo hức. Bình Hanh sắp đón điều gì đó thật hệ trọng. Một đêm tôi nghe bố thì thầm với mẹ. “Tôi thì tôi mong lắm. Mặt trận Việt Minh đã thành lập ở chiến khu Việt Bắc, căn cứ Thái- Hà- Tuyên ngay sát phủ Yên Bình ta, chẳng bao lâu nữa cách mạng sẽ đến Bình Hanh, chắc chắn thế!...”. Anh Lượng và anh Phong cũng có vẻ lạ, đêm đêm hai người rủ nhau sang nhà ké Tương học võ đến rất khuya. Ké Tương là thầy cúng, chẳng ai biết ké Tương là một cao thủ võ thuật. Anh Lượng bảo “Những thầy cúng xưa là người hiểu biết, có chức sắc trong cộng đồng, dòng họ. Chiến tranh loạn lạc, chính thầy cúng là người bảo lưu và truyền dạy những tinh hoa dân tộc. Các điệu múa của thầy cúng trong đám ma, đám cầu cúng, tất cả đều là các thế võ bí truyền cha ông xưa để lại đấy”. Lúc ấy tôi mới vỡ lẽ, tại sao ké Tương lại là một cao thủ võ. Mà sao anh Lượng, anh Phong lại rủ nhau đi học võ, phải chăng học võ để theo Việt Minh đánh trận. Nhưng anh Phong là con địa chủ, địa chủ là tay chân của Pháp, lẽ nào anh Phong lại đi đánh bố mình. Lòng tôi chợt dấy lên bao lo lắng. Đêm ấy là Nguyên tiêu, trăng sáng lắm, anh Phong và anh Lượng hẹn tôi ra bờ sông. Anh Lượng cầm theo một con dao nhọn, hai cái bát, anh Phong mang theo một chai rượu, một con gà sống thiến. Con gà được chọc tiết, máu hòa vào bát rượu, rồi hai người cắt máu ở tay mình, ba giọt máu đào hòa cùng. Giữa trời đất và sự chứng kiến của tôi, anh Lượng và anh Phong làm lễ kết bạn tồng(4), thề sống chết có nhau. Hai bát rượu giơ lên, dốc cạn. Tục kết bạn tồng của người Tày ở Bình Hanh thiêng liêng lắm. Từ giờ hai người sẽ như anh em ruột thịt, như chân với tay, tuy hai mà một. Đêm đã rất khuya, anh Lượng dẫn tôi ra ghềnh đá bên dòng Trôi Thủy. Chúng tôi cứ ngồi thế, nghe tiếng sông rì rầm. Lâu lắm, anh Lượng mới đưa bàn tay ấm nóng, kéo tôi vào lòng. Anh bảo: “Anh sắp có một chuyến buôn xa với một lượng hàng lớn phải bán hết, là vải vóc của Lý Khả. Hàng bán lậu nên phải vượt qua các đồn bang tá của Pháp được canh gác nghiêm ngặt ở Đồng Tâm, Hàm Yên. Lần này anh đi không biết lúc nào trở lại… Nhớ là đợi anh về nhé! …”. Tôi ôm lấy anh thật chặt, tim đập rộn lên, câu nói thoảng như gió. “Em sẽ rất nhớ anh, em sẽ đợi!…”. Đêm đêm tôi vẫn ra ghềnh đá, nghe tiếng sông rì rầm đợi anh Lượng về. Tôi đi làm công cho Lý Khả cùng bố mẹ.
Giờ làm, thỉnh thoảng tôi ngân nga những câu hát cọi. Nhiều lần tôi thấy Lý Khả bần thần ngồi nghe. Dịp đầu xuân, Lý Khả cho gọi thầy Tương về hát pựt, cầu an cho gia đình. Thầy Tương cho tôi theo pang hinh(5). Tôi vừa hát vừa múa nhịp nhàng với đôi mác rính(6) trên tay. Lý Khả mê mẩn nghe tôi hát, còn anh Phong nhìn tôi thật đắm đuối, làm má tôi đỏ ran. Sau cuộc hát, Lý Khả thưởng cho tôi vài đồng tiền bạc. Một ngày, bất ngờ Lý Khả sang nhà tôi, theo sau là người gánh gà, rượu, đồ lễ có bọc vải đỏ. Lý Khả hỏi tôi về làm vợ anh Phong. Chân tay tôi bủn rủn, lòng tôi rối bời. Tôi chạy ra ghềnh đá, ôm mặt khóc. Giờ tôi phải làm sao? Tôi mong anh Lượng về từng giờ từng phút. Bố mẹ tôi cũng khó nghĩ, thao thức cả đêm, mặt dài thượt suy nghĩ. Bố mẹ biết tôi có tình cảm với anh Lượng, nhưng từ chối Lý Khả ư? Nếu từ chối, Lý Khả không cho làm công nữa thì đi đâu, lấy gì để ăn. Cuối cùng hai người đành tặc lưỡi, thôi thì lấy anh Phong cuộc sống của tôi sẽ sung sướng hơn. Với lại tôi và anh Phong hiểu và thân nhau từ nhỏ. Thời gian này anh Phong không ở nhà. Anh Phong về thì đám cưới đã được Lý Khả định ngày. Anh Phong phản đối quyết liệt. Lý Khả phừng phừng nổi giận, gầm lên: “Mày tìm xem, đất này ai người xinh đẹp ngoan hiền thông minh được như thế”. Anh Phong phản đối bằng cách bỏ nhà đi. Trông anh Phong đầy đau khổ. Tôi biết anh Phong có tình cảm với tôi nhưng giấu kín trong lòng vì anh và anh Lượng đã kết nghĩa bạn tồng, để giữ trọn lời thề, anh không thể cướp mất người yêu của bạn. Ngày cưới, Lý Khả cho người bắt anh Phong về. Anh Phong ngượng nghịu đi trước, tôi lùi lũi theo sau, nước mắt vãi xuống chân. Đêm ấy, anh Phong trải chiếu nằm riêng một góc buồng cưới. Đã khuya lắm, mọi người ngủ hết, chúng tôi nghe thấy từng nhịp thở của nhau. Anh Phong nằm im nhưng vẫn thức, có lẽ anh đang dằn vặt. Tiếng gà eo óc gáy canh ba. Anh nhẹ nhàng dậy, nằm sát lại bên tôi, ấm nóng. Người tôi run lên. Anh thì thầm: “Anh không thể mắc lỗi với bạn. Mai em hãy trốn đi tìm Lượng. Giờ anh sẽ cho em biết một bí mật. Lượng theo Việt Minh đấy, Lượng đang hoạt động bí mật ở thành Tuyên. Hãy đi tìm Lượng em nhé…”. Anh Phong siết chặt lấy tôi, những giọt mước mắt âm thầm rơi xuống vai tôi. Tôi nằm bất động. Tôi phải làm gì với anh Phong bây giờ. Anh Lượng theo Việt Minh ư. Nếu tôi bỏ đi tìm anh Lượng thì anh Phong sẽ ra sao. Anh Phong dậy, đi ra ngoài thật lâu. Đêm tối đen như mực, tôi thấy anh Phong khoác một cái túi vải màu chàm, nặng nề mất hút trong màn đêm. Thấy anh Phong đi mà tôi không cất được một lời, chỉ biết nhìn về phía bóng đêm và khóc. Sáng hôm sau không thấy anh Phong, mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi. Lý Khả hỏi Phong đi đâu. Trong lúc luống cuống tôi bảo: “Anh Phong theo Việt Minh rồi”. Lý Khả ngồi đánh phịch xuống sàn nhà. Bà lý đập hai tay xuống giát tre gào lên: “Ới phạ(7) ơi, tao mất bao nhiêu công nuôi mày, để mày đi theo Việt Minh à, con ơi là con”. Anh Phong đi từ hôm ấy không một lần về. Đêm đêm tôi thao thức. Đêm thứ hai sau ngày cưới, có tiếng hát cọi từ ghềnh đá vọng về buồn thương: “Thuyền anh đi buôn mới về bến dưới/ Nơi hẹn đâu rồi không thấy em/ Kìa nhà ai đóng cửa cài then/ Nghe em về nhà người trộm khóc/ Buồn nhiều, ơi thương nhiều/ Gối đầu lên ghềnh đá thao thức/ Trôi Thủy rì rầm những chuyện xa/ Buồn nhiều, ơi thương nhiều!...”. Là tiếng cọi của anh Lượng. Tôi cuống cuồng chạy về phía tiếng cọi thì tiếng cọi đã im, xung quanh chỉ có bóng đêm và con đường dài hun hút. Phải trốn đi thôi, trốn đi tìm anh Lượng. Tôi chạy miết theo con đường mòn dọc bờ sông về phía thành Tuyên. Trời sáng, có tiếng vó ngựa khua rầm rập đằng sau, ngoảnh lại, tôi thấy Lý Khả mặt hằm hằm như mây đen sắp đổ cơn dông, theo sau là hai tên lính hầu. Tôi bị bắt về. Cũng đúng hôm ấy Lý Khả phát hiện bị mất hai chum vàng bạc. Vợ chồng Lý Khả nhìn tôi đầy nghi hoặc. Họ nghi tôi thương bố mẹ nghèo khó nên trộm vàng bạc về. Sau hôm ấy, tôi bị nhà Lý Khả canh chừng nghiêm ngặt, theo dõi từng thái độ, cử chỉ. Có tin đồn Phong theo giặc Pháp. Lý Bân ở xã bên còn chắc như đinh đóng cột rằng trong một chuyến buôn, ông nhìn thấy Phong mặc quần áo chẽn, nón dẹp, trong đội lính khố đỏ, tay lăm lăm khẩu súng đi tuần theo thừa phái Pháp. Thời gian ấy phủ Yên Bình như một chảo lửa. Phát xít Nhật vào Yên Bình, chỉ vài ngày, toàn bộ tay sai của Pháp ở Yên Bình đầu hàng làm tay sai cho Nhật. Nhiều nhà bị đốt, bị cướp. Dưới hai tầng áp bức, dân Yên Bình lâm vào nạn đói lịch sử, có nhiều người chết, ngoài đường đầy người ăn xin. Hầu hết phải ăn củ mài, củ nâu, nõn cây đao hoặc lõi chuối thay cơm. Đói khổ nhưng lòng ai cũng náo nức chờ đợi. Người nọ truyền tai người kia rằng Việt Minh đã đến Khuôn Trạm, Ba Sứ, Sơn Dương, đang tiến về Bình Hanh, chẳng bao lâu nữa đồn Ngọc sẽ bị đánh, giặc Pháp và giặc Nhật sẽ bị tiêu diệt. Cả Pháp và Nhật đều hoảng hốt. Bất cứ ai nhắc đến cái tên Việt Minh đều bị bắt, chúng tìm mọi cách ngăn chặn sự ảnh hưởng của Việt Minh. Những thông tin nức lòng liên tiếp bắn về Bình Hanh, rằng Đội Tuyên truyền giải phóng quân thuộc Phân khu B Nguyễn Huệ đã đến Mỹ Gia, đang tiến về Bình Hanh; rồi tin phát xít Nhật thất bại ở khắp nơi; cách phủ Yên Bình không xa, Ỷ La, Hồng Dị đã khởi nghĩa giành chính quyền. Tôi nghe tin Lượng về Bình Hanh, anh tập hợp được rất nhiều thanh niên trai tráng trong xã vào rừng luyện võ, sẵn sàng dao, mã tấu, súng kíp chờ ngày giành chính quyền. Tôi đứng ngồi không yên. Anh Lượng đã về rồi, chúng tôi đang ở rất gần nhau. Đêm đêm tiếng cọi của anh Lượng vẫn vọng về tha thiết. Có nhiều đêm tôi cảm giác như anh Lượng đang ở ngay cổng nhà Lý Khả. Thời gian này Lý Khả thực sự hoang mang. Ông lo rằng một ngày rất gần, rất gần thôi, Việt Minh sẽ đến, có thể sẽ giết cả nhà ông. Nỗi lo càng ngày càng lớn khi Lượng về. Một đêm, có tiếng súng nổ đì đoàng trên núi Ngàng. Người hầu của Lý Khả hớt hải chạy về nói rằng có người nhắn Lý Khả lên núi lấy xác con trai về. Người ta bảo đội lính khố đỏ của anh Phong đụng độ với đội quân Việt Minh do anh Lượng chỉ huy. Anh Phong đã bị anh Lượng bắn chết. Lý Khả mặt tái dại, lập cập lên núi. Tôi khụy xuống, không thể tin nổi vào tai mình. Anh Lượng không thể giết anh Phong, hai người là bạn tồng cơ mà, là bạn tồng thì suốt đời như anh em. Chẳng phải anh Phong đã bỏ cả tôi, chôn giấu tình yêu của mình chỉ vì giữ trọn lời thề với bạn đó sao. Lý Khả lên đến núi Ngàng thì mọi thứ đã trở lại yên tĩnh như thường, chỉ có một vùng cây cỏ bị quần nát. Cạnh một vũng máu bên hang đá, Lý Khả nhặt được chiếc đồng hồ Tank. Chiếc đồng hồ có một vệt xước sâu bên cạnh. Lý Khả gục xuống, rống lên như sói hoang. Đây đúng là cái đồng hồ thừa phái Pháp tặng ông hôm ông cùng Tổng Lại đến ra mắt. Sau này anh Phong đi học, ông đã tặng lại chiếc đồng hồ ấy cho anh Phong như một món quà mừng. Lý Khả về, mắt đỏ như mắt trâu cà, vai ông rung lên, khóc không ra tiếng. Không thấy xác con nhưng Lý Khả tin là con ông đã bị Việt Minh giết chết. Lý Khả làm đám ma cho anh Phong. Ngôi mộ không xác, trong mộ chỉ có cái đồng hồ, mộ đặt ngay cửa hang trên núi Ngàng. Nhiều đêm tôi mất ngủ, những ký ức đẹp đẽ giữa tôi, anh Lượng và anh Phong cứ ùa về trong cả ý nghĩ và giấc mơ. Một đêm, tôi mơ thấy anh Phong chỉ huy một đội lính khố đỏ, anh Lượng chỉ huy một đội quân Việt Minh, cả hai sát cánh bên nhau cùng tiến lên đánh vào đồn Ngọc, theo sau là lá cờ đỏ sao vàng cùng những người dân áo chàm tay giơ cao gậy gộc và mã tấu hô vang. Tất cả đều là quân mình, quân của những người dân lao khổ. Lại tiếng súng ì oàng làm tôi tỉnh giấc. Nhớ lại giấc mơ, tôi lao ra phía có tiếng súng. Có bóng lính Pháp, cả lính Nhật chạy rầm rập. Tôi chạy về phía hang đá, nấp vào một gốc cây to. Kìa anh Lượng! Anh Lượng đây rồi! Tôi reo lên. Nhưng anh nằm trên vai đồng đội, ngực đẫm máu, chảy xuống thành dòng. Hình như anh Lượng nhìn thấy tôi, nhưng mắt không mở nổi, anh gắng giựt chiếc khuy áo trên ngực trái rồi thả xuống. Một tiếng súng nữa chát chúa ngay phía sau tôi. Anh Lượng trúng tiếp một viên đạn từ sau lưng, người anh buông thõng. Đồng đội cõng anh Lượng lảo đảo rồi cả hai khụy xuống. Bất chấp lính Pháp, Nhật, tôi lao lên thì hai người đã biến mất dưới vực sâu. Tôi đã tin anh Lượng chết, tôi đã khóc hết nước mắt. Tôi trốn nhà lên núi Ngàng, đắp cho anh Lượng một cái mộ, cạnh hang đá, gần mộ của anh Phong, trong mộ chỉ có cái khuy áo bạc, cái khuy áo to hơn bình thường có khắc tên Lượng Xao…”. Bất chợt Văn thốt lên: “Tên cô có phải là Hoàng Thị Xao?”. “Đúng! Tôi tên Hoàng Thị Xao, đúng ra cậu phải gọi tôi bằng bà vì tôi bằng tuổi bà nội cậu. Mà tôi còn chưa trách cậu cầm cuốc đập một nhát vào cổ gáy tôi đau điếng đâu đấy…”. Người Văn sởn gai ốc, lạnh toát cả sống lưng. Trời ơi ma Nàng! Đây chính là ma Nàng. Văn thấy có tiếng u u của gió rừng quất vào hang đá, tiếng gào thét của dòng Trôi Thủy đâu đó vọng về. Trước mặt Văn cô gái nhìn thật hiền, khuôn mặt như tỏa ánh hào quang sáng rỡ. Cô vẫn thì thầm kể. Giọng kể nhẹ và xa, nghe như gió thoảng. “Tôi nhớ hôm đó là ngày mười bốn, tháng sáu, năm một nghìn chín trăm bốn lăm, đồn Ngọc bị một trung đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân bao vây, giải phóng. Bọn lính bảo an và lính dõng ra hàng. Tên bang Khang bị tiêu diệt. Lý Khả hoang mang thực sự, như cái chết đã kề ngay cổ. Lý Khả dồn hết vàng bạc của cải lại, tất cả được năm chum đồng đầy ự. Đêm ấy, Lý Khả gọi tôi lại, nhìn tôi lạ lắm, nửa hung dữ quyết liệt, nửa đau xót. Ông bảo: “Có một việc bố nhờ con giúp, hãy tha tội cho bố, vì gia đình này mà con phải khổ”. Bà Lý rấm rứt khóc, than: “Đã hết đường rồi ư”. Đêm tối đen như mực, Lý Khả cho ngựa thồ năm chum vàng bạc lên núi. Lý Khả đã bí mật đào một căn hầm trước cửa hang đá, cạnh mộ con trai mình. Lý Khả giấu hết vàng bạc vào trong hầm, ông thắp một cái đèn dầu, bày trên mâm một bữa ăn thịnh soạn. Lý Khả tiếp tục thắp ba nén hương, lầm rầm khấn, rồi ông quay sang, quỳ xuống trước mặt tôi, cúi lạy. Giờ tôi đã hiểu mọi chuyện. Lý Khả biết tôi vẫn còn trinh tiết. Tôi lặng im, nước mắt chảy hai hàng trên má. Tôi bảo: “Con tự nguyện bố ạ, bố cứ về đi. Lý Khả nhìn tôi, ngạc nhiên tột độ, ông những tưởng tôi sẽ phản kháng, sẽ trốn chạy, nhưng không. Tôi chấp nhận cái chết Lý Khả dành cho tôi. Lý Khả quay lưng trèo lên miệng hầm, căn hầm khá sâu, Lý Khả bước lên lại trượt xuống, mãi ông mới bò ra được miệng hầm. Ụp! Một hòn đá khổng lồ được Lý Khả chuẩn bị sẵn, lấp trên cửa hầm. Một luồng gió lạnh từ miệng hầm thốc xuống, ngọn đèn tắt phụt, tất cả tối đen. Lúc đó tôi không hề sợ, cũng không hề đau khổ. Anh Lượng đã chết, anh Phong đã chết, tôi sống còn ý nghĩa gì. Chết ở đây tôi sẽ được gần anh Lượng, anh Phong, ba chúng tôi sẽ lại bên nhau, vui vẻ, hạnh phúc như ngày nào…”. Kể đến đây giọng cô gái như nghẹn lại. Ngoài sân sương đêm tí tách rơi. Gió ù ù thổi trên đám lá cây xao xác. Văn chen vào: “Câu chuyện này ông bác tôi có kể lại. Rằng ông yêu một cô gái tên Xao. Trong chuyến đi buôn vải cuối cùng ông đã tìm đến một thợ đúc bạc nổi tiếng ở Đông Lý, đặt đúc một cái khuy áo bằng bạc đặc, có khắc tên của mình và tên người yêu. Sau đó ông ra nhập đội quân Việt Minh, chờ ngày về xây dựng cơ sở ở Bình Hanh. Mọi kế hoạch đã được ông tính trước. Ngày Việt Minh giải phóng Bình Hanh, ông có gặp lại người yêu nhưng chưa kịp nhìn rõ mặt thì đã bị bắn gục rồi lăn xuống vực thẳm cùng đồng đội, may không chết. Sau trận ấy ông lại đi chinh chiến từ Bắc vào Nam, hết chống Pháp rồi chống Mỹ. Ông có về quê Bình Hanh một lần. Ông tìm người yêu nhưng nghe mọi người bảo Lý Khả đã bắt người yêu của ông đem chôn sống cùng vàng bạc châu báu. Máu ông sôi lên, định tìm Lý Khả để hỏi tội thì được biết, vợ chồng Lý Khả cũng thắt cổ chết ngay cửa hang cạnh nơi giấu của hôm đó. Ngày hòa bình ông bác tôi trở về quê. Lúc ấy Bình Hanh đã chìm sâu dưới lòng hồ Thác Bà. Ông lên quê mới Xuân Lai, dựng một căn lều cạnh núi Ngàng ở một mình. Chiến tranh đã lấy hết sức lực của ông. Vết thương tái phát, ông ốm đau liên miên. Mọi người động viên ông tìm người làm bạn tuổi già nhưng ông không chịu. Cứ lúc nào khỏe là ông đeo ba lô khăn gói đi, có đợt đi chục ngày, có đợt đi vài tháng. Mọi người hỏi ông đi đâu, ông bảo đi tìm bạn tồng Phong. Nhiều người bảo ông Phong theo giặc, là người phản quốc, tìm gì nữa. Có người lại bảo ông Phong đã bị Việt Minh bắn chết năm một nghìn chín trăm bốn mươi lăm. Riêng ông Lượng không tin, ông quả quyết rằng Phong còn sống. Những chuyến đi tìm ông Phong của ông Lượng ngày một dài hơn. Tìm mãi vẫn không thấy ông Phong. Sau một chuyến đi dài, ông bác tôi ốm nặng, ông gọi bố mẹ tôi lại và dặn, nếu ông chết thì chôn ông cạnh chỗ Lý Khả chôn Xao và cạnh mộ giả của ông Phong, để sau này về thế giới bên kia, ba người sẽ tìm được nhau…”. Cô gái đưa tay lau nước mắt. Có tiếng gió ầm ào thốc trên mặt hồ. Cô gái thì thầm: “Cậu có nghe thấy tiếng gì không? Tiếng sông đấy, tiếng sông dội lên từ lòng hồ. Ai qua hồ Thác Bà hãy vốc nước lên uống thử, trong vị ngọt có biết bao vị mặn. Mồ hôi, nước mắt, máu, đã thấm sâu dưới mảnh đất này. Kìa, dòng Trôi Thủy đang khóc, tiếng khóc rì rầm ngàn năm bên ghềnh đá…”. Giọng Văn bỗng trầm xuống: “Ôi thời gian, thời gian đã phủ mờ tất cả!”. Im lặng hồi lâu Văn hỏi: “Này cô gái, à không, dạ thưa bà Xao, hôm nay bà đến tìm tôi có việc gì chăng?”. “Tôi chỉ đòi lại kỷ vật của tôi thôi”. “Kỷ vật?”. “Đúng, là cái khuy áo bạc của anh Lượng”. Văn lật bật lấy từ trong túi ra cái khuy áo bạc lúc chiều Văn nhặt trên mộ ông bác, dưới chỗ nằm của con rắn trắng. Cô gái cầm cái khuy áo bạc, ấp vào ngực và đứng dậy. “Hãy đi cùng tôi lên mộ, mọi chuyện sẽ được sáng rõ, tôi có việc nhờ cậu đấy…”…
Văn choàng tỉnh, mồ hôi vã ra đầm đìa. Anh thọc tay vào túi áo, chiếc khuy áo bạc vẫn còn nguyên, sáng lấp lánh hai chữ Lượng Xao. Như có ai đó dẫn đường, Văn chạy thẳng một mạch lên núi ma Nàng. Trước mắt Văn, một cụ già gầy gò, tóc bạc trắng trong bộ quân phục cũ, nằm gục mặt trên ngôi mộ giả của ông Phong. Bên cạnh cụ già là chiếc nạng gỗ và một cái túc pác lặt(8) bằng vải màu chàm. Văn lại gần lay vai ông cụ, chợt Văn bàng hoàng rụt tay lại. Cụ già đã chết. Văn mở cái túi pác lặt ra xem thì lặng người. Trong túi có tờ chứng minh thư ghi rõ họ và tên Hoàng Văn Phong, bên cạnh là rất nhiều huân chương của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong túi còn có một tờ giấy vàng ố, chữ đã rất mờ, là thư khen của chính quyền cách mạng vì ông có công hiến tặng nhiều vàng bạc cho Việt Minh. Văn ngồi chết lặng, đầu cúi gập trước ba ngôi mộ. Giờ chẳng ai biết, ai nhớ ông Phong, ông Lượng, bà Xao là ai. Chỉ thấy gió mây vần vũ, cuốn đi những phận đời, cuốn thật xa.
N.Q.K
………………………......................................................................................................................
(1): Sông Chảy ngày nay; (2): Thơ Nguyễn Hãng; (3): Giã cốm; (4): Bạn kết nghĩa; (5): Hát bè; (6): Bộ nhạc xóc; (7): Trời; (8): Một loại túi vải truyền thống của người Tày.
(Nông Quang Khiêm- Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. ĐT: 0986.901.858)
Tin khác