Ký của DƯƠNG THU PHƯƠNG
Tôi rời quê, nơi có trầm tích văn hóa khí khái và sang trọng của người miền Trung, thứ văn hóa nuôi dưỡng chúng tôi lớn lên mang vẻ đẹp đó đi muôn nơi và cũng là thứ níu kéo những đứa trẻ xa quê khỏi những sa ngã khi ngụp lặn, bon chen trong dòng đời xô bồ và náo nhiệt. Có lẽ vì thế mà đi đến đâu tôi cũng cố sức tìm hiểu về văn hóa như nguồn rễ, gốc cội của mình, để tôi chung sống, tôi hòa mình, tôi yêu và luôn có thể thưởng thức cuộc sống tươi đẹp này. Là định mệnh, là cơ duyên, cũng là may mắn, tôi đã được gặp Bác, người đã mang hết nhiệt tình tâm huyết để cống hiến cho sự nghiệp chung và dành trọn tình yêu trong cuộc đời mình để sưu tầm, bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số nói chung, văn hóa đồng bào dân tộc Tày vùng Đông hồ nói riêng. Ông trở thành một công dân điển hình, đảng viên gương mẫu, niềm tự hào của người Yên Bình sông Chảy.
Mới đến đầu thôn, gạn lọc trong lời trẻ con rổn rảng sau buổi tan lớp từ câu lạc bộ dân ca; chắp nhặt trong cách nói rất chậm của những người tiếng Kinh còn chưa sõi, tôi hình dung về ông, một người đàn ông Tày hiền lành và giản dị, hồn hậu và thiết tha, yêu văn hóa Tày như là máu đang chảy trong người mình vậy. Bất giác, tôi tưởng tưởng về ông, dáng người đậm, mang bộ đồ nâu sẫm, vai đeo túi với lỉnh kỉnh sổ, bút, kính, máy ghi âm và cây đàn bên hông, đang bước những bước chân lặng lẽ, cần mẫn trên mọi nẻo đường để sưu tầm các điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Tày vùng đông hồ. Người đàn ông ấy, có lúc với dáng điệu suy tư, ngồi bên ấm trà cùng các vị cao niên để trao đổi, cắt nghĩa cho một một nét văn hóa rồi thống nhất ghi vào sách vở. Được biết về ông qua nhiều trang sách viết về đồng bào dân tộc thiểu số, các trang sách văn học dành cho thiếu nhi.... và lần đầu tiên được gặp ông trong một buổi đơn vị tổ chức gặp mặt vinh danh những cá nhân có uy tín trong cộng đồng khiến tôi ấn tượng. Ông là Hoàng Tương Lai, thương binh, hội viên Chi hội Văn xuôi tỉnh Yên Bái, nghệ nhân ưu tú hiện đang sinh sống tại thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Sinh ra và lớn lên bên tả ngạn sông Chảy, khi mới hơn mười tuổi ông đã cùng gia đình gồng gánh chuyển nhà từ xã Bình Hanh lên xã Xuân Lai để nhường chỗ cho lòng hồ Thủy điện Thác Bà. Có lẽ đức hi sinh, sự nhường nhịn được hình thành từ đó, để khi chỉ mới 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và tròn 20 tuổi ông đã được vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Người thanh niên ấy, lăn lộn chiến đấu trên khắp các chiến trường Cánh Đồng Chum (Lào), rồi chiến dịch Tây Nguyên ác liệt, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hòn tên mũi đạn đã mềm hơn trước ý chí này để ngày hòa bình lập lại, ông có mặt trong đoàn người quay ra miền Bắc, phục viên trở về địa phương.
Mang bản chất là người lính cụ Hồ, cần cù, lao động, sáng tạo, tìm tòi, học hỏi nên chỉ 4 tháng sau khi phục viên ông được bầu làm Bí thư Đoàn thanh niên xã Xuân Lai. Từ đây, người thanh niên ấy lao mình đầy nhiệt huyết vào phong trào chung. Bắt tay vào gây dựng phong trào, hướng dẫn thanh niên trong xã chế tạo dụng cụ sản xuất phù hợp với đặc điểm của vùng miền núi để trồng cấy làm ăn mang lại hiệu quả cao. Kể cả trong gian khó ấy, ông vẫn lập nên các nhóm đàn hát văn nghệ để làm tươi vui cuộc sống.
Sau chiến tranh, miền Bắc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng Chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế tập thể được coi là trụ cột, ông một lần nữa được tín nhiệm được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp ngay khi mới vừa thành lập. Trăn trở tìm hướng đi, lăn lộn, liều lĩnh để thử nghiệm các mô hình làm ăn mới. Trời không phụ lòng người, Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Lai lúc đó là một trong những đơn vị có đóng góp đủ cho Nhà nước và đảm bảo đời sống cho bà con nhân dân.
Sau 10 năm làm Chủ nhiệm, với kinh nghiệm quản lý kinh tế, với uy tín cá nhân ông được cấp trên cử, được cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Xuân Lai bầu làm Bí thư Đảng ủy xã, người đứng đầu đưa ra mọi định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho địa phương. Nhớ về giai đoạn này, đồng chí Phạm Minh Khai, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Lai vừa kể vừa bày tỏ, “Những năm 1988, 1989 khi cả nước đi vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI về đổi mới, nhận thấy tiềm năng của xã là đất đồi núi phù hợp với phát triển nông lâm nghiệp, với vai trò là người đứng đầu Đảng bộ lúc đó, đồng chí đã chọn khâu đột phá là “phá vườn tạp trồng cây có hiệu quả kinh tế cao như cây keo lai, bạch đàn mô, hay các vườn cây ăn quả có múi như cam, bưởi, ...” Quả thật, đi khắp các thôn trong xã đã không còn phải nhìn thấy đất trống đồi núi trọc, thay vào đó là những đồi cây xanh mướt, những vườn hoa trái trĩu cành. “Qua hơn 30 năm phong trào ngày đó do đồng chí Hoàng Tương Lai phát động vẫn đang được nhân dân phát triển, nhân rộng, đưa lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho bà con. Tính đến hết năm 2018, độ che phủ rừng của xã Xuân Lai đạt trên 78%, đó là cả một quá trình dài và đầy cố gắng”. Với 15 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Bình, 36 năm công tác luôn giữ vị trí người đứng đầu địa phương để thấy được khả năng tập hợp, lãnh đạo, định hướng và ra quyết định của vị lãnh đạo này.
Hiện nay, dù đã nghỉ chế độ theo quyết định của Nhà nước, con người ấy hằng ngày vẫn đang chăm sóc cho hơn 100 gốc bưởi, 6 sào ruộng lúa cao sản và 1 ha cây Thiên Ngân như một việc làm thiết thực để phát triển kinh tế gia đình và định hướng kinh tế nông nghiệp cho bà con nhân dân.
***
Đến thăm ông tại ngôi nhà sàn nhỏ nằm lọt trong vườn cây ăn trái xum xuê, hỏi về quá trình phấn đấu công tác, ông cười hiền lành:“Bản thân tôi thì có thành tích gì đặc biệt đâu, song là đảng viên thì phải luôn cố gắng, nỗ lực, trước hết là cho gia đình rồi giúp cho bà con trong bản, trong xã có cuộc sống vui tươi hơn”.
Sự cố gắng, phấn đấu mà ông nói, chính là dù ở bất cứ vai trò nào cũng phát huy tốt nhất các giá trị của bản thân để đóng góp vào các giá trị chung của cộng đồng. May mắn được sinh trưởng trong gia đình trí thức, tuổi thơ được đắm mình trong những làn điệu dân ca của mẹ, được thừa hưởng dòng máu văn chương từ cha, cố nhà văn Hoàng Hạc (nhà văn của đất Hoàng Liên Sơn đã có công lớn đặt nền móng gây dựng Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái) nên ông có niềm đam mê mãnh liệt với nền văn hóa dân tộc Tày. Tính đến nay, Hoàng Tương Lai đã có hơn chục đầu sách viết về nét đẹp văn hóa dân tộc Tày và sách dành cho thiếu nhi miền núi được xuất bản như: “Cây sẹt trổ hoa”- Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc 2006; “Chõ xôi trưa ấy”- tập truyện ký Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc 2000; tập truyện ngắn “Quà quê núi”; “Cô Ve sầu cho ruột”; “Sông Chảy, những nét hoa văn”; “Bảy vía”- tuyển tập thơ.
Cho đến bây giờ, người dân xã Xuân Lai vẫn nhớ như in hình ảnh một con người ngày ngày cần mẫn trên các nẻo đường tìm đến các vị cao niên để ghi lại những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Sau bao năm tìm kiếm đến nay ông ghi lại, phục dựng lễ hội “Quan làng”, Tết Xíp Xí , hát “Pựt” và biết bao nét đẹp văn hóa khác và đặc biệt đã hoàn thành trường ca sử thi “Khảm hải”. “Khảm hải” luôn là một làn điệu dân ca được chờ đợi nhất của người Tày, vì bên cạnh giai điệu nó còn gắn với yêu tố tâm linh, là khúc hát không thể thiếu trong lễ “Pựt”, lễ xin vía, cầu an của đồng bào dân tộc Tày. Trong một lần trò chuyện, ông giải nghĩa cho tôi: “Khảm hải tên gốc là khảm khái, có nghĩa là vượt biển. Nhưng người miền núi làm gì có biển mà vượt. Đây là biển đời với muôn vàn sóng gió mà chỉ khi vượt qua 12 bể khổ ấy, con người mới có đủ ý chỉ sức mạnh và sự thành tâm để các đấng siêu nhiên ban cho điều phúc”. Vì thế, khi nhắc đến người Mường là ta nhớ “Đẻ đất đẻ nước”, nhắc đến người Thái chúng ta nhớ “Xống chụ xon xao” và nhắc đến người Tày là ta nhắc đến “Khảm hải” bên cạnh bao điệu si, lượn, khắp, cọi như một niềm tự hào, như nền móng gốc rễ của văn hóa dân tộc. Ông hiện là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái.
Để những phong tục tập quán đặc sắc của các dân tộc thiểu số được sống với không gian văn hóa và đời sống riêng, để không bị mai một, để vẫn luôn nối truyền, ông đã đề nghị với cấp ủy, chính quyền thành lập Câu lạc bộ đàn hát dân ca. Ông đã dành tiền hưu trí ít ỏi để mua đàn tính và trang phục, sửa lại nhà để mở lớp truyền dạy hát dân ca Tày như hát khắp, coọi, phong slư. Trước hết là ông dạy cho con gái và các cháu trong nhà, sau đó là vận động các cháu thanh thiếu nhi cùng trang lứa đến học. Tiếng hát trong veo cất lên từ những gương mặt thơ ngây đã làm tươi vui cả một vùng quê nghèo. Câu lạc bộ Dân ca Tày do ông thành lập và dẫn dắt giúp cho các cháu biết hát những làn điệu dân ca của dân tộc mình, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc rất đặc trưng như ở nhà sàn, mặc trang phục dân tộc Tày, nhất là ở lứa tuổi trẻ. Và từ một câu lạc bộ của xã Xuân Lai đến nay trên toàn huyện Yên Bình đã có tới 7 câu lạc bộ đàn hát dân ca vừa phục vụ nhu cầu văn hóa văn nghệ của bà con nhân dân, vừa phục vụ khách khi đến tham quan du lịch, quan trọng hơn hết là tạo thành phong trào sưu tầm, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông là khách mời thường xuyên của VTC 14 và các chương trình về văn hóa dân tộc vùng Tây Bắc của đài truyền hình các địa phương.
Am hiểu, đam mê và cũng nhờ chất giọng tốt và thể hiện rất có hồn các làn điệu dân tộc nên ông đã đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, liên hoan dân ca như: giải C tại Liên hoan Dân ca toàn quốc với tiết mục “Khảm hải”; giải B với bài Then “Roọng khoăn” tại Liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc. Ông cũng đã giành huy chương tại các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh và được ghi nhận là “Nghệ nhân Dân gian ưu tú”. Trong những ngày cuối năm 2021, ông nhận được tin vui khi công trình sưu tầm, giới thiệu, dịch “Văn cúng dân tộc Tày vùng sông Chảy, Yên Bái” được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng giải B. Sự thành công đó là niềm cảm hứng cho những người đang theo đuổi sự nghiệp sưu tầm, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Còn với ông “Không giải thưởng nào ý nghĩa bằng việc được hát, được làm sống lại những làn điệu dân ca thấm đẫm dân tộc mình ngay trên chính mảnh đất quê hương. Phải biết nhớ, biết trân trọng giữ gìn bản sắc, cội nguồn mình sinh ra, lớn lên”.
Là người có vốn văn hóa dày dặn, hiểu biết về đời sống, sinh hoạt tập quán của bà con vùng đồng bào, có trách nhiệm với cộng đồng, với quan niệm “sống là cống hiến”, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi, bài trừ những hủ tục lạc hậu trong tang ma và cưới xin, trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; vận động nhân dân tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân, truyền tải những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo nhân dân các dân tộc thiểu số.
Được tuyên dương là một trong những điển hình về học tập và làm theo Bác, ông tâm niệm “Nói ít, làm nhiều, mình phải gương mẫu đi đầu. Không phân biệt việc nhỏ, việc lớn cứ làm hết khả năng, cống hiến hết sức”. Chính vì thế, trong gia đình ông là người cha mẫu mực, là tấm gương cho các con noi theo. Các con của ông là những đảng viên gương mẫu, là những cô giáo tận tâm vì học sinh, những chiến sĩ công an quả cảm. Tận tâm với công việc, gương mẫu trong lối sống, tâm huyết với công cuộc gìn giữ lưu truyền, phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, ông đã được các cấp ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Nhưng thành tích lớn nhất mà ông nhận được là sự kính trọng, tin tưởng, quý mến của bà con nhân dân và các cháu thiếu nhi người dân tộc Tày vùng Đông hồ như ông vẫn hay nói.
Gần 70 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, con người ấy vẫn đang ngày ngày cần mẫn góp nhặt vì công cuộc sưu tầm, bảo tồn, lưu truyền, phát huy những phong tục tốt đẹp, làm giàu thêm đời sống văn hóa phong phú của dân tộc. Cùng với những “bài ca đất nước”, ông đang góp phần khơi dậy tình yêu gia đình, quê hương để những miền quê bình dị của núi rừng Tây Bắc xa xôi trở nên gần gũi, thân thuộc.
D.T.P
Tin khác