• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Ngôi nhà giữa thung lũng
Ngày xuất bản: 26/03/2024 8:03:34 SA

Truyện ngắn của DƯƠNG THU PHƯƠNG

Đám trẻ đang nô đùa, một đứa rồi hai, rồi ba sụt xuống hố sâu mất hút. Bãi cát hở hoắc, nham nhở như vết cắn, từng vệt máu đen, bầm tím loang dần. Người lớn búa xua đi tìm, chấp chới, la hét cầu cứu, quỳ gối van lơn. Sóng ào đến, xô đổ, cuốn đi. Chỉ còn lại nền đất trống câm lặng. Chị ngồi đó hằng giờ, ra tay cào bới từng hạt cát, đem lên mũi ngửi, cho vào miệng nếm tìm một chút hơi người, vị tanh của máu. Cát khô khốc chà xát lên đầu lưỡi, rát buốt. Gió vẫn thổi, cuốn những đụn cát như khói, mắt chị nhòe nhoẹt, bóng lưng người đó đi xa dần.

 Hân tìm được chị trong những triền đêm mòn mỏi như thế. Hân sắm cho chị Thùy một ít đồ đạc, chủ yếu là những bộ quần áo dài tay, chiếc khăn quàng cổ, để che đi những vết cào cấu bầm tím, một tuýp kem chống sẹo và vô vàn những lời nhờ cậy cảm thông đứng trước ngôi Chùa mà trụ trì là một người quen trong nhiều lần nhóm cô đi thiện nguyện.

*

Đêm. Hân nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh hơi thở đều đều của chồng. Anh dang cánh tay, cô dúi đầu hít hà mùi mồ hôi trên cổ, trong nách như tìm một liều an thần để đi vào giấc ngủ. Gáy cô lạnh toát, cô nhìn thấy thân thể chồng cô bắt đầu cứng dần, phủ lên màu trong suốt, cho đến khi tảng băng ấy chạy xuống đến tận bàn chân trơ ra những khúc xương trần trụi thì riêng trái tim vẫn đỏ rực như được thắp sáng. Nó vẫn phập phồng lên xuống làm những hình ảnh đi qua đó trở nên biến dạng. Những lúc căng thẳng để cố phân tích các hình ảnh làm cô tỉnh giấc, cơn đau đầu kéo đến ùn ùn như những đợt giông lốc ngày bão biển. Cô trở nên sợ đêm xuống.

Đã hai tuần nay, đêm nào cũng thế, chỉ cần nhắm mắt lại là đủ thứ chuyện linh tinh hiện ra, có chuyện cô nhớ, nhưng phần nhiều là những thứ chỉ loáng thoáng, gờn gợn trong đầu.

- Em nên tìm một bác sĩ tâm lý- Chồng cô nói với đầy sự quan tâm, dịu dàng khi nhìn cô ngồi hàng giờ trước gương chỉ để chăm chăm vào quầng thâm của mắt.

- Nhưng em không muốn mất những giấc mơ, cô nói như sắp khóc.

- Em chỉ có thể được lựa chọn thứ mà em cho là tốt nhất.

Từ ngày Hân trở nên nhạy cảm, chồng cô không bao giờ đề cập vấn đề một cách trực diện. Con người dành cả cuộc đời với những con số, những giấy tờ hành chính thì nói được bằng đó với vợ đã là nhiều.

“Làm để sống chứ không phải làm để chết, em có quyền được nghỉ ngơi. Em đã quá mệt mỏi với chuyên đề vừa qua. Dù cố gắng thì sự việc cũng không thể giải quyết trong ngày một ngày hai được. Chờ tin từ bọn anh”. Một đồng nghiệp đã kiên quyết nói thế khi Hân lấy tay khua vội đống giấy tờ sổ sách trên bàn đi cho kịp chuyến công tác.

Là một người đàn ông trung niên. Ông ta ngồi xe lăn và thường đứng trong tiệm cắt tóc phía cuối con hẻm. Hôm nay là một đứa bé con gầy đét, tay cầm ô nhưng vẫn đi đầu trần trong mưa. Em đã nhìn thấy trong cơn mơ tối qua. Hân cố cho tiếng thì thào của mình lăn theo những bước chân. Đồng nghiệp của cô ở dưới sân đang nhìn lên phía căn phòng có những bức hình dán lộn xộn trên cửa kính.

Hân không thấy người đau mỏi, chỉ còn lại cảm giác của sự thừa thãi, trống rỗng khi còn lại một mình trong căn phòng.

Không hẹn trước, cuốn sổ đăng lịch khám đã dài lòng thòng khiến Hân lười biếng để tâm. Mắt cô vừa chạm vào bức tranh và lập tức bị cuốn vào đó. Đã có lần mẹ cảnh báo với Hân rằng cô mệnh hỏa, nên tránh xa nước, nhưng cô cứ bước đến, xoáy nước siết chặt lấy cô, tóc cô dài ra, dài mãi, trôi theo dòng nước, Hân có cảm giác khó thở. Tiếng gõ chân nhanh và mạnh của người đàn ông trên nền gạch khiến cô giật mình. Xem kỹ lại, thì ra đó đơn giản chỉ là bức tranh của cô gái chăm đang bê bình hoa trên vai thường có trong trang trí của khá nhiều gia đình.

Bà bác sĩ dừng ngay ở mắt cô khi vừa tiễn vị khách trước đó hết giờ thăm khám.

“Đây là người quen của cô, cô ấy có việc riêng đến tìm”. Hân mặc kệ cô trợ lý có tin vào điều đó hay không, cô vẫn bước theo sau.

Bà bác sĩ nhẹ nhàng đặt cốc nước lên bàn, mặc sức cho ánh mắt, đầu óc Hân vẫn đang lang thang ở đâu đó.

“Chúng ta trò chuyện chút nhé”. Hân đã nghĩ cuộc nói chuyện sẽ bắt đầu như thế và cô sẽ phải trả lời hàng loạt các câu hỏi bà đặt ra về gia đình, con cái, về nghề nghiệp, có khi là nguồn lực kinh tế… tất cả mọi thứ có thể tác động trực tiếp đến tâm lý của một con người. Nhưng không, bà xin ý kiến của Hân về cách cắm hoa khi thấy cô nhìn vào những cánh sen đã rơi xuống bên cạnh lọ. “Tôi tin cô là người có thẩm mỹ tốt. Người có thẩm mĩ tốt, sẽ có đời sống đẹp”, bà đã nói như vậy, và sau đó là một cuộc chuyện trò kéo dài mà Hân không nhớ rõ nội dung. Hình như là bà đã nói về một vài cách giải tỏa áp lực. Trò chuyện về sức khỏe tinh thần gắn với những nỗi ám ảnh. Cuộc trò chuyện khiến cô thấy yên ổn. Hân không tìm đến bác sĩ thần kinh mà chỉ muốn được tư vấn tâm lý, đơn giản là cô muốn được đến đây nhiều lần. Cô vẫn chưa tìm ra đáp án cho câu hỏi liệu có sự chuyển hóa nỗi đau bệnh tật từ người này sang người khác không?

Ông chồng khá kiệm lời của Hân vẫn thỉnh thoảng thở dài “Em như một con người khác”. Hân thấy nó rõ ràng hơn mỗi lần cô đi qua ngôi nhà mới có lớp sơn vàng óng. Là màu vàng, người đang dừng đèn đỏ bên cạnh cô khẳng định thế nhưng cô cứ thấy một màu đỏ nhưng nhức, nó như ngọn lửa đốt chảy lục phủ ngũ tạng nhưng lại cứ như có bàn tay đẩy cô bước chân vào đó.

*

Một buổi chiều, khi nắng vẫn còn đeo sợi lấm tấm trên lá bàng trước dãy phố, thoáng nhìn thấy bóng anh Thịnh vạch những đường ngang dọc trên không trung trong cuộc nói chuyện với những người đàn ông xung quanh, Hân nhìn thấy được qua chiếc gương chiếu hậu, cô đã quay quả đến van nài anh đừng phá bỏ ngôi nhà “Để chị Thùy còn nhớ đường quay trở về nhà”. Anh ta không trả lời, không ngạc nhiên, cũng không cố tình tránh ánh mắt Hân, giống như sự việc không liên quan anh ta vậy. Mũi Hân vẫn phập phồng lên xuống khi kể với chồng. “Em không có quyền yêu cầu người khác phải đối xử thế nào với mình nhưng mình có quyền ứng xử với những hành vi đó. Hoặc là em bơ đi nếu có thể, hoặc là em có thể thay chị Thùy đòi lại quyền lợi cho mình”. Chồng cô không ngẩng mặt lên nói với một giọng đều đều như đọc từ sách giáo khoa. “Đến cả tuổi trẻ, cuộc đời còn chả cần, tiếc gì ngôi nhà, mảnh đất, nhưng em thấy uất”. “Đáng lẽ, em nên là một luật sư”. Lần này thì chồng Hân nhấn mạnh từng chữ một khi bước ra khỏi bàn ăn.

Đêm. Cô vẫn mơ, những cơn mơ, không hẳn xấu nhưng cứ làm cô lơ lửng ở mọi trạng thái. Những hình ảnh cô không chắc chắn là ở ngoài đời thực hay một thế giới nào đó. Nhưng nếu không mộng mị, không căng mình huy động 100% não bộ để làm việc thì trong đầu cô chỉ là hình ảnh một bộ xương nằm còng queo, với những cục máu thâm đen do kiến cắn, và vết rách do gai đâm. Là nhân vật trong chuyên mục mà nhóm Hân đang phụ trách. Chưa xác định được danh tính do khuôn mặt bị biến dạng và không có giấy tờ tùy thân. Nạn nhân trong tình trạng không tỉnh táo. Nếu có một điều ước, Hân đã ước đó không phải là chị Thùy xinh đẹp một thời đã từng bồng bế Hân, nếu thời gian có quay lại chỉ xin chị đừng đưa ánh mắt tuyệt vọng ấy nhìn vào Hân, đừng cố níu lấy tay áo Hân: “Chị chịu đau quen rồi, đừng nói với 2 bác”. Hân hứa cũng vô nghĩa, chị đâu còn “2 bác”. Bố mẹ chị mất trong một lần sạt núi. Họ bị chôn vùi cùng với tình yêu duy nhất trên đời này dành cho chị.

Hân có thể làm luật sư như chồng nói không thì cô không biết, nhưng phát hiện anh trong cô một con người khác và lý thuyết về nỗi đau chuyển hóa thì cô cảm nhận thấy ngày càng rõ.

Biểu hiện là, không dưới một lần, Hân đứng nhìn những chồng gạch được xếp cao dần lên của ngôi nhà gần trụ đèn xanh đỏ, nơi có cây bàng già trơ trụi lá, cô cảm giác góc nghiêng của cái bay bác thợ nền đang rạch từng đường trên da cô, cố nhồi nhét đủ thứ lẩm cẩm vào trong đó rồi hàn lại bằng gạch. Tấm lưng cô võng xuống lay lắt.

*

Lần đầu tiên chị Thùy kể về mong muốn bán một nửa thổ đất này là khi mảnh đất vẫn đang nằm giữa một thung lũng và chị cũng vừa mới lấy chồng. Người ta nói, thành dạ con chị mỏng và yếu, thiếu hụt nội tiết, khó mang thai và cũng khó giữ được thai, chị phải điều trị một năm trước khi định có em bé. Chị bàn với chồng, anh bảo, mảnh đất đó thì ai mua, với lại cũng chẳng đủ tiền để đi đi về về Hà Nội hàng năm trời. Con cái là lộc trời cho, đến lúc có khắc tự có. Bố mẹ ra đi, để lại chị côi cút trên cõi đời và mênh mang giữa một thung lũng đồi núi. Chẳng có ai bênh vực. Đến bố mẹ Hân, người đã coi chị như con cũng thở dài bảo: chuyện trong nhà, các con cùng nhau bàn bạc sắp xếp. Chị loay hoay với đủ bài thuốc Nam, thuốc Bắc, ngược ngược xuôi xuôi. Càng áp lực càng khó có thai, người ta bảo chị thế. Hai năm, cái rét buốt nhói của vùng sơn cước đủ biến người đàn bà đẹp thành người đàn bà điếc. Không có thêm hai tay, hai chân để níu người đàn ông ở lại nhà, chồng chị như ngọn gió lang thang khắp trong thung lũng.

Một ngày, rộn rã hơn bình thường, người nhà nước mang máy móc đến ngắm nhìn, chỉ trỏ, đo đạc, đóng cọc, chăng dây, kí tá. Người ta nói về những con đường với 4 làn xe ngược xuôi nối vào con đường xuyên biên giới nào đó với những chuyến hàng tính bằng tấn này tấn nọ, chị thêm một lần hi vọng.

Nhẩm tính về số tiền đền bù cho phần đất đã bị thu hồi, chị dự định sẽ ra chợ sắm sanh mâm lễ có đủ 7 món mặn và đầy chai rượu nếp nương như chị từng ao ước. Chị muốn, bố mẹ chị, dù không còn nữa nhưng cũng một lần được hưởng thứ người ta gọi là mâm cao cỗ đầy, và yên tâm rằng, họ không mắc nợ chị như lời mẹ hay nói trong giấc mơ mà bố mẹ đã cho chị đủ nhiều. Những gì chị có hiện tại có thể còn đủ để thực hiện cả giấc mơ không cô quạnh.

Không còn là cơn gió đi lạc, bước chân anh vững chắc, nặng trịch, cất giọng gọi chị từ đầu ngõ. Đó là ngày chồng chị mang túi tiền đền bù nhận được từ UBND xã, cùng lúc với mẹ chồng mang đứa trẻ đang bi bô tập nói sang nhà, đặt vào tay chị và dạy thằng bé gọi chị một tiếng mẹ. Người em chú cắp một con lợn và cô em dâu xách theo cái lồng trong có hai con vịt tranh nhau kêu quạc quạc.

Trong tay chị, thằng bé ngủ thiếp, mặc cho tiếng con lợn bị chọc tiết rống riết lẫn trong giọng cười hỉ hả của hai người đàn ông. Bà mẹ chồng bắc chõ xôi lên bếp, tiếng nước sôi át cả tiếng khóc ri rỉ của người em dâu.

Tiếng lạch cạch mâm bát, tiếng dao cắm vào thớt gỗ. Chưa kịp mở lời để một phần nguyên mới dành thắp hương, chị đã kịp nhìn thấy những khuôn miệng bốc khói. Họ bảo lâu lắm rồi mới được miếng ngon như thế. Chẳng ai mang thịt đã ăn dở đi cúng, chị quay mặt nhìn lên ban thờ nguội lạnh.

Ừ thì, giọt máu đào còn hơn ao nước lã. Mẹ chồng chị đã nói thế. Nếu không sinh được, chị cũng có ý định xin một đứa bé. Hằng đêm, ngồi bên bếp, khuôn mặt hồng hào, tiếng nổ lách tách của củi lửa nghe như tiếng cười con trẻ, bất giác chị ôm tay trước ngực, tâm tưởng trôi về một nơi nào đó rất xa, đó là khoảnh khắc chị cảm thấy hạnh phúc nhất. Như khi thằng bé nằm trên tay, tâm trí chị cũng trôi đi đâu đó, rất xa chưa kịp về.

Thiếu sữa, nhớ hơi mẹ, thằng bé khóc ngằn ngặt. Chưa quen với việc nuôi con nhỏ, đêm đêm chị chập chờn tỉnh thức, người gầy xọp đi. Các bà già trong làng bảo “ma nhà chưa nhận người nên nó quấy”, chị không tin, bố mẹ chị cả đời hiền lành như cây như cỏ, và họ cũng chẳng muốn chị cô độc trên đời. Con đường rộng dài thẳng băng trước mặt nên chỉ cần một cái vẫy tay là mẹ con chị ôm nhau được về bệnh viện thành phố. Nhưng cũng từ đó, nương vườn cũng bỏ không, những khách hàng quen cũng giãn ra tìm mối khác. Căn bệnh hở dây rốn và xương thủy hiếm gặp của thằng bé đã kiến chị phải nhỏ to với chồng bán bớt một phần đất. Mảnh đất mặt đường đang buổi giá cao, ngày nào những chú khách từ quán nước đối diện cũng sang gạ hỏi. Chị bảo chị không quyết được, về hỏi anh, nhưng anh khi nào có mặt ở nhà thì chị cũng không biết nữa. Trước đây là vì không có tiếng trẻ nhỏ hiu quạnh, bây giờ là vì khóc nhiều quá làm anh không thể nghỉ ngơi. Thực ra, chuyện anh đi hay ở chị chẳng mấy bận tâm, quay cuồng với thằng bé và đám rau, đàn lợn đã làm chị mệt lã. Giá mà chị có thể hỏi chồng về số tiền bao nhiêu năm nay anh đi làm, phụ chị xây một ngôi nhà nhỏ kín gió thì có lẽ thằng bé cũng đỡ đau yếu hơn. Chị đã từng nghĩ như thế.

          Lần thứ 3, chị xin anh bán phần đất trống còn lại. “Nhà chẳng cần to, chỉ đủ ở là được”. Chị hào hứng nói anh thế, sau đợt mang thằng bé đi thăm khám định kỳ. Ông bác sĩ, còn trẻ măng đã tư vấn và dự tính chi phí cho một lần thực hiện kỹ thuật cấy phôi khi chị lân la hỏi về trường hợp của mình. “Đã khá đơn giản, chi phí thấp và thuận lợi hơn so với nhiều năm trước”. Lúc túng quẫn chị chỉ có thể nhìn vào đất như sự cầu cứu vào cha mẹ mình. Nhưng chồng chị nào có kịp nghe, luôn có những cuộc điện thoại để anh ta nháo nhào chạy đi như trốn.

*

Thương cái dáng nhỏ thó, luôn luôn cúi đầu, oằn mình của một người đàn bà vẫn còn tuổi xuân sắc của chị, Hân đã có ý định mời chị về nhà mình một thời gian. Dù sao thì Hân có làm gì chồng cô cũng ủng hộ. Anh hiền lành đến mức thiếu chính kiến và cũng khó có thể giải quyết những điều luôn luôn rắm rối trong cô. “Nhưng nhà chị đây, bố mẹ chị đây”. Đó luôn là lý do cố hữu. Đi đâu đó một vài ngày cũng đủ thay đổi tâm trạng, Hân quyết định ngay bởi vì “hỏi chị ấy làm gì, chị đã đi đâu bao giờ mà biết lựa chọn”. Không chỉ đi đâu mà gần như việc đi hay không, Hân cũng tranh quyền quyết định. Điều lo lắng của chị Thùy là phải mở lời với chồng thế nào với Hân cũng chỉ là một thông báo ngắn gọn.

Lao ra biển, thằng bé như con sóc nhảy nhót trên thung lũng. Trẻ con miền núi, ánh mắt như hai hòn đá va vào nhau khi đánh lửa, sáng lấp lánh. Bọn trẻ xúm xít vây quanh, điệu cười vang như gọi sóng. Sóng chồm chỗ, còn chị chỉ nhớ tiếng thằng bé gọi bố khi vô tình có người đàn ông đi qua. Chị thì sấp ngửa chạy theo bóng lưng mãi miết.

Có lẽ, thằng bé đã thuộc về thế giới của nó, mọi đau đớn được những con sóng và bờ cát xoa dịu, ở đó, trong thẳm đen như nước biển là đôi mắt chị luôn bên con. Lời Hân nói hình như chẳng lọt được vào lòng người mẹ mất con đang đặc quánh. Với chị, thằng bé, vẫn ở đó, trên cát.

Hân cũng không hiểu, một người luôn tự nhận đầu óc mù như sương núi, luôn thu mình như cây xấu hổ lại có thể tự mình ra với biển. “Chị phiền em quá” Đã có lúc chị gục vào vai Hân mà khóc lóc. “Chị sẽ không đi nữa, sẽ chỉ ở nhà thôi”. Chỉ có Hân xoắn xuýt lên đi tìm mỗi khi chị không có nhà. Với chồng chị thì “có chân đi, sẽ tự về”. Mà chị đi đi về về thật, hàng xóm vẫn kể với Hân về những đêm chị đu mình dưới gốc bàng lúc nhảy nhót, khi à ơi cho đến khi triệt sức thì gục xuống. Người ta nói “thần cây đa, ma cây gạo”, ít nhất là Hân thỉnh thoảng còn nhìn thấy chị. Người đàn bà gầy quắt bờ môi đen sạm, nứt nẻ và đầy nhựa lá bàng.

Từ khi anh chồng chị kiếm đâu cái giấy chứng nhận tâm thần để chuyển hẳn mảnh đất sang tên anh. Phần đất trống được bán đi để chồng lên đó căn nhà hai tầng lừng lững, ly hôn với chị và đưa người đàn bà cùng đứa con trai đã đến tuổi đi học, giống anh như đúc về đó sống thì người ta cũng không còn thấy chị hú hét dưới gốc bàng đó nữa.

Chị trôi lạc đến nơi nào đó vô vọng trước khi trở lại trong cơn mơ đầy ám ảnh của Hân.

Hân vẫn trở lại phòng khám tâm lý. Vẫn là những câu chuyện cô không thể nhớ hết khi ra khỏi phòng. Hân cố nhắc mình nhớ việc, lúc về sẽ đi qua ngôi nhà sơn vàng gần cột đèn xanh đỏ. Sao chẳng có sạt lở, chẳng có động đất mà ngôi nhà vẫn lởm chởm gạch đổ, trơ lõi thép như những khúc xương. Vẫn là những thời khắc cô không hiểu là mơ hay đời thực nhưng vị nữ bác sĩ luôn nói câu cuối cùng “người có thẩm mĩ tốt, sẽ có đời sống đẹp”.

Trưa nay, trên đường đi chợ mua đồ nấu nồi nước thơm để lau dọn ban thờ cuối năm, qua ngôi Chùa, thoáng thấy bóng dáng một bà vãi đang quét dọn trong sân, Hân thấy quen thuộc và bình yên. Trời đã hênh hểnh nắng.

D.T.P.

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter