• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Trích TT "Xóm nước đen"
Ngày xuất bản: 26/03/2024 8:11:10 SA

 

Trích Tiểu thuyết của BÙI THỊ KIM CÚC

Chương VI

 

 

 

 

Tại nhà mụ Thao lác. Lão Lộc lùn, chồng mụ Thao đang cầm xà beng đâm lấy đâm để xuống cái bệ toa let xổm. Vừa may mụ Thao đi làm về. Nghe tiếng động như ai đào mả phía sau nhà, mụ vứt vội cái xe đạp xuống sân rồi chạy thộc ra sau nhà. Nhìn thấy ông chồng đang đào bệ toa let mụ hét lên như cháy nhà:

- Ối trời ơi !.. Ông làm cái gì thế này? Ông định phá nhà à?

Lão Lộc lùn giật mình dừng tay đào nhìn mụ nói:

- Ơ… Cái hố xí nó bị tắc nước. Xả nước vào nó cứ dâng lên. Phải đào lên xem nó tắc chỗ nào chớ…

Mụ Thao lác xồng xộc chạy tới giằng cái xà beng trong tay lão Lộc lùn quăng ra xa. Một tay, mụ nắm cổ tay gã chồng lôi xềnh xệch vào nhà. Nếu nói về độ khỏe thì mụ Thao lác đáng nhẽ phải đổi vị thế cho chồng. Mụ cao những 1 mét 78. Còn chồng mụ cao những 1 mét 45. Đã thế người mụ lại còn to béo phốp pháp. Nguyên cân phần từ bụng mụ trở xuống cũng bằng cân lão chồng. Chả thế mà hồi trẻ mới yêu nhau mụ kể với mọi người là mụ phải cúi xuống, còn lão Lộc thì phải cố kiễng chân lên thì hai cái ăn cơm mới gặp được nhau. Mọi người nghe mụ kể vậy ở quán nước bà Hên thì có người cười suýt sặc nước chè. Cười vỡ bụng. Có người hỏi luôn : “Vậy làm thế nào trên giường để hai cái đi đái gặp được nhau ?”… Ha… ha… Hô... hô… Hí... hí... Bao nhiêu là giọng cười vang cả xóm Nước Đen.

Mụ lôi lão chồng vào nhà, dùng hai cánh tay lực lưỡng của mụ bế thốc lão chồng đặt lên ghế rồi nói:

- Khổ lắm, đã bảo ông chỉ có mỗi việc là quét nhà, rửa bát, nhặt rau, nấu cơm thôi, còn mọi việc nhớn để tôi lo. Cứ mó vào việc nào là hỏng việc ấy. Cái toa let nó tắc thì phải thông cống, nghe chửa? Chứ sao lại đào bệ lên. Nó có tắc ở chỗ bệ đâu.

Lão Lộc hôm trước ngồi ở quán bà Hên uống nước cũng đã nghe mấy gã đàn ông trong xóm tỉ đểu thế này:

- Xóm ta có ông Lộc là sướng nhất, được vợ chăm sóc bế ẵm. Chỉ có mỗi làm việc nhà, chả phải lo việc nhớn trong ngoài gì cả.

Lão Lộc lùn nghe, thấy cũng tưng tức lạ. Nhưng lão vốn độn khẩu. Cái tư duy cấp tính của lão hơi chậm nên lão không nghĩ ra lời nào để đốp lại. Về đến nhà nằm vắt tay lên trán lão mới nghĩ ra câu chửi lại thì vụ việc đã trôi vào quá khứ rồi. Thành thử lão lại đổ cái tức lên đầu con mụ vợ to béo. Ví như sự việc hôm nay, con mụ vợ lão quả là quá đáng. Quá đáng thế thì mọi người trong xóm nói lão như vậy có oan uổng gì. Con vợ như thế nào là tại thằng chồng. Các cụ có câu “Khôn mày là vợ, dại tao là chồng”. Kiểu gì mình cũng là chồng. Mình không thể để nó ngồi lên đầu mình được.

Mụ Thao lác đã kìm nén đến độ cuối cùng là chả nhẽ táng cho lão chồng em ruột thằng Bờm một cái bạt tai thì lão Lộc lùn nhảy xuống đất đôi co với vợ, khi vợ lão đang đứng ở thế xuống tấn sừng sững trước mặt lão, khiến lão hơi e ngại. Nhưng nghĩ tới những lời mọi người tỉ lão ở quán bà Hên thì lão lấy lại dũng khí:

- Bà đừng quá khinh thường tôi nhá, bà cứ tưởng bà to hơn tôi mà bắt nạt tôi nhá. Nếu không đào cái bệ lên thì làm sao cứt nó trôi đi được?

Ôi trời ơi… Đúng là “Khôn mày là vợ, dại tao là chồng” đây mà. Mụ biết nếu mụ lên tiếng chắc chắn sẽ xảy ra tai nạn tại gia nên mụ cố kìm nén cơn bực tức chạy ra sân lôi cái xe đạp cho nó đứng dậy, vít đít lên yên đạp ra cổng. Đấy là cách giữ hòa khí trong nhà của mụ.

Mụ cũng buồn lòng lắm. Ông trời đã sắp đôi cho mụ như thế, biết làm sao?  Khi về chung một nhà, lúc ấy mụ đã ngót 40 còn lão Lộc cũng đã ngót 50. Thế vẫn còn tốt hơn là bị ế. Mụ cũng rất biết “Nồi nào vung nấy. Xoay quanh cũng vừa”. Và mụ cũng đã cố xoay, xoay… xoay… xoay… đến mức cái vung chà vào miệng nồi đến bóng loáng ra mà cái vung ngày một đen kít lại, còn cái nồi ngày một méo mó đi.

Sự sắp đặt của tạo hóa là quy luật bù trừ. Và mỗi lứa đôi vận dụng quy luật ấy theo cách riêng của mình. Mụ Thao lác biết phận đàn bà của mình. Bố mẹ nào chả muốn sinh ra con tốt đẹp. Ấy thế nhưng ông trời nhiều khi cứ hay đùa dai để thử thách con người. Mụ đã thiếu nhiều thứ của người đàn bà, đó là nhan sắc. Mụ không có nhan sắc. Nhưng tạo hóa vốn rất công bằng. Tạo hóa không cho mụ  nhan sắc nhưng lại cho mụ những thứ mà ai cũng cần tới đó là sức khỏe, tình yêu, tính cương trực thẳng thắn, lòng vị tha và bộ óc khá thông minh. Chính bởi vậy mà ông trời đã xe duyên cho mụ lấy lão Lộc lùn. Một sự sắp đặt bù trừ đến 90 phần trăm. Đã bảo mụ tuy xấu gái, nhưng mụ biết người biết ta lắm. Có lúc tức điên lên với ông chồng “Dở dở ương ương cho người ta ghét”. Nhưng mụ chưa bao giờ hỗn láo với chồng. Mụ thương chồng lắm lắm. Thương cho thân phận mồ côi cha mẹ sớm của chồng. Thương cho sự thiệt thòi về trí tuệ của chồng. Mụ cũng nể chồng bởi lòng yêu con vô bờ bến và cái tính hiền lành thật thà chất phác của chồng. Mụ chỉ cần một người đàn ông như thế bên cạnh mụ là ok.

Nếu nói về góc độ em thằng Bờm của chồng nhiều lúc cũng làm mụ ức lắm. Có lần mụ mua cái quạt treo tường về chưa kịp mượn cái khoan để khoan lỗ cho cái vít nở vào, treo cái quạt lên thì lão chồng thương con vợ nó vất vả sớm hôm kiếm tiền nuôi cả nhà, nên phải giúp vợ chút cho nó đỡ việc. Lão lấy ngay cái đinh, cầm cái búa táng lấy táng để vào tường gạch. Người lão thì ngắn, lão phải cố vươn tay lên để đập búa vào đầu cái đinh 10, khiến cho từng mảng tường bong ra mà lỗ đinh vào được có tí tẹo. Lão không thể treo cái quạt lên được, cứ treo lên nó lại rơi xuống. Lão lẩm bẩm chửi “ Đ mẹ cái đinh ngu”. Vừa lúc ấy mụ Thao lác đi về, tay mụ cầm cái khoan. Mụ nhìn cảnh tượng biết ngay là thằng chồng Bờm trổ tài vì thương vợ. Mụ nói:

- Cái đinh ngu hay cái gì ngu? Thôi ông xê ra, ông đi nấu cơm đi, muộn rồi đấy.

Lão Lộc lùn phủi phủi tay vào quần rồi nói vớt:

- Đấy, có giỏi thì làm đi!

Xoẹt… xoẹt… roa… roa… Tiếng chiếc khoan trong tay mụ Thao lác như xé toang bầu không khí vung méo trong ngôi nhà nghèo. Từng bột cám tường rơi xuống. Mụ nhét cái vít nở vào lỗ khoan, lấy cái tô vít 4 cạnh vặn xoắn cái đinh vít vào lỗ nở, chặt khít. Và treo cái quạt lên. Mụ bật quạt. Cái quạt quay vù vù làm dịu đi cái nóng oi ả của mùa hè và xoa dịu cơn bốc hỏa trong mụ. Mụ lấy chổi và cái hót rác, vệ sinh chỗ chồng vừa bày ra. Mụ ra chỗ vòi nước dùng hai bàn tay to bè của mình vốc nước vã lên mặt.

Lúc ngồi ăn cơm dưới cái quạt quay ro ro tít mù phả ra từng luồng mát, lão Lộc lùn cười rõ hiền từ nói:

- Công nhận quạt điện mát hơn quạt mo nhỉ?

- Chiều, ông lấy ít cát trộn với xi măng mà bịt cái lỗ ông đào ra lúc nãy vào.

- Ừ, chuyện nhỏ mà.

Hai vợ chồng ngồi ăn cơm. Công nhận cơm canh lão Lộc lùn nấu rất ngon. Lão luộc rau cũng ngon. Mụ Thao lác nhìn chồng nói:

- Công nhận ông chỉ được cái nấu ăn ngon.

Lão chồng phổng mặt, nở to hai cánh mũi sung sướng đáp:

- Chuyện!

Rồi lão cười rõ hiền từ. Nụ cười mà khiến mụ Thao lác phổi bò đôi lúc đằm sâu tính cách.

Theo lời vợ dặn, buổi chiều lão Lộc lùn ra chỗ gốc ổi trong vườn đào một xẻng cát, chả là ngày trước xây nhà lão có hót cát đổ ra đấy. Nhưng cát chỗ gốc ổi chó mèo nhà lão và cả nhà hàng xóm đều ra đái ỉa vào đấy. Thành thử khi lão trộn xi măng vào, rồi đem trát lên tường nó không bắt mạch mà cứ bửa ra. Bởi vì xẻng cát của lão trộn, cát thì ít mà đất và cứt chó thì nhiều.

Cả những việc như vậy cũng phải đến tay mụ Thao lác mó vào mới xong.

                                                         *

Trời rất nắng. Mặt đường nhựa như được nung chảy, có chỗ nhựa đường còn bám cả vào lốp xe. Mụ Thao lác cong mông chở cồng kềnh bao nhiêu là đồ đồng nát mà mụ thu được hôm nay. Mụ chất lên cái xe đạp cà tàng. Chiếc xe cần câu cơm của mụ. Nó gắn bó với mụ từ năm 13 tuổi. Đến khi mụ đi lấy chồng thì mụ vẫn đem về nhà chồng như một thứ hồi môn giá trị.

Mụ khỏe và nhanh nhẹn nên hôm nào mụ cũng chất đầy xe, không như bà Còm cùng xóm, hôm nào cũng chỉ được vài cân. Bà Còm người gầy nhẳng, không phải do tạng người không dung nạp đồ ăn mà do không có gì để ăn. Bà ở cái túp lều che bằng tấm bạt cũ nhặt được trong một đống rác thải. Bà đi nhặt rác, cái gì tận dụng được thì dùng, như cái ghế nhựa, cái nồi rách mất quai, thậm chí cả cái bát hỏng… thứ nào không dùng được thì bà mang bán. Thành thử nội thất trong túp lều của bà toàn là đồ đồng nát. Những đồ dùng nó cũng cũ nát, méo mó như thân hình và quần áo của bà. Bà không chồng, không con, không anh em họ hàng. Bà sống nhờ sự cưu mang đùm bọc của bà con xóm Nước Đen. Những ngày bà ốm mỗi người sang cho bà một thứ. Người chục trứng, người mớ rau, người viên thuốc. Mỗi lần như vậy bà rơm rớm nước mắt run rẩy cảm động nói với mọi người:

-  Cảm… ơn … mọi người… quá. Không có mọi người tôi… chết… chết lâu rồi.

Bà Hên động viên bà Còm:

- Bà đừng nói vậy, chết nó có số. Xóm ta tuy mỗi nhà mỗi cảnh nhưng được cái không ai bỏ nhau lúc đau ốm hoặc lúc sa cơ lỡ vận.

- Bà Hên nói đúng đấy- Bà Trà tiếp lời- chỉ tại xóm ta đen thôi, đỏ quên đi.

 Ấy là câu nói thông thường mỗi khi bà Trà thua đề. Mà bà đánh đề thế quái nào, hôm đánh nhiều thì nó không về. Hôm bực quá, cũng bởi mất nhiều quá, bà đánh có 1 ngàn thì nó lại về. Điên thế cơ chứ.

Rồi trận ốm của bà Còm dù to dù nhỏ cũng qua đi. Ấy là do trời thương những người như bà. Hay do sức đề kháng của chọn lọc tự nhiên đem lại cho bà và những người tương tự như bà tồn tại với cuộc sống này?

 Trên đường đi bà nhặt được thanh củi nào cũng mang về. Một mình bà niêu cơm con con, có quả trứng thì hấp vào nồi cơm. Một niêu canh con con nên đun chỉ vài cành củi nhặt được là đủ bữa.

 Bà không có xe đạp như mụ Thao. Mà giả thử có thì bà cũng không biết đi. Vì vậy bà chỉ đi bộ. Ngày mưa khoác thêm cái túi bóng to làm áo mưa. Ngày nắng thì đội cái nón rách nhặt được. Có phải vì công việc đi bộ nhiều nên bà khá khỏe, chả mấy khi ốm đau. Thì người thành thị chả lấy việc đi bộ để rèn luyện sức khỏe là gì. Có hôm bà không nhặt được thứ gì bán cho đủ bát gạo. Bởi nhặt rác bây giờ cũng nhiều người làm. Sự cạnh tranh là đi sớm, đi nhanh, nhặt trước.

Những người khôn ngoan là giữ được khách quen, hẹn khách đến lấy hàng. Như mụ Thao lác ý. Mụ chỉ cần nghe tiếng tinh tinh của điện thoại. Tiền đấy!

Vì vậy mụ Thao lác cũng khá thường xuyên chia sẻ hàng cho bà Còm. Hôm thì thanh sắt vụn, hôm thì vài hộp bìa mì tôm.

Mà mụ khôn lắm. Hàng nhiều là ở những nhà khá giả, chứ nhà khó họ cũng biết tích từng tí sắt, cái nồi hỏng, bìa catton để đem lên chỗ thu gom đồng nát bán, chứ đừng hòng bán cho người đi nhặt đồng nát như bà Còm.

Mụ giữ khách bằng nụ cười đon đả. Có hôm còn giúp khách thu dọn nhà cửa nữa. Tất nhiên mụ lại được bà chủ nhà hảo tâm cho thêm tiền thu dọn nhà. Thế là nhất cử lưỡng tiện còn gì.

Có một lần, mụ nói với mọi người ở quán nhà bà Hên rằng:

- Ở đời ấy, xởi lởi thì giời cho, bo bo trời co lại. Các bà cứ ngẫm mà xem có thằng kiệt nào mà sống hạnh phúc đâu. Chuyện lão Bá ấy, các bà nghe gì không? Hồi lão ấy làm cái chức trưởng gì gì đấy thế là mỗi lần có đám cưới nhà ai, lão đều gọi điện cho thằng phó nói- Mụ xòe hai ngón tay lên tai như người ta nghe điện thoại- A lo! Chú T đấy à, anh bận quá chú làm cho anh cái phong bì 300k nhé. Đề là, anh Bá trưởng phòng chúc mừng hai cháu. Mọi người biết sao không? Mấy lần gọi như vậy cho anh T nhưng chả lần nào lão ta trả tiền cho cái nhà anh T kia cả. Lần thứ X nào đó anh T nói luôn: “Anh đưa tiền cho em thì em làm phong bì cho”. Tịt ngòi từ đấy. Nhưng lão khôn chán, lão lại gọi cho nhân viên. Thành thử thứ “hạnh phúc” mà lão có được, ấy là cái nhìn khinh bỉ của mọi người. Hà... hà… Tiền nhiều để làm gì các bà nhỉ?

- Công nhận đàn ông thằng nào đã bẩn, còn bẩn hơn đàn bà- Một người nghe chuyện lên tiếng.

- Thế thì vợ con người ta mới được nhờ chứ bộ- Người nữa lại lên tiếng.

- Gớm, cái loại kiệt lõ đít như lão Bá á, có mà nhờ? Lão chỉ thích được nhìn tiền thôi. Ngày xưa đi học tôi còn nhớ cái lão gì Đê đê của Ban gì ấy nhỉ- Người đó gõ gõ trán như cố nhớ- À, lão… Grăng- đê của Ban zắc.

- Ừ… đúng rồi. Lão ta đến lúc hấp hối cũng ực… ực... lên vì nhìn thấy cây thánh giá bằng vàng của cha đạo nên tắt thở hẳn.

- Ối trời… Ngày nay thì hãy đợi đấy. Hôm nọ thấy lão Bá dắt một em chân dài hơn chân vợ lão vào nhà nghỉ Nắng Mai kia kìa.

- Lão Bá chỉ tìm cách moi tiền của người khác thôi chứ lão đâu có kiệt với bản thân mình?

- Nghĩa là lão biết cách dùng tiền cho bản thân?

- Chuẩn không cần chỉnh.

Câu chuyện rôm rả trong quán cứ thế hết chuyện nọ xọ chuyện kia. Khiến cho cái ấm trà của bà Hên pha mấy lượt mới tan tầm.

Có lẽ lời của mụ Thao lác đúng. Mụ sống như vậy nên ông trời đã cho mụ một thằng con trai rất kháu khỉnh, càng nhớn càng đẹp giai. Các cụ có câu “Cốt cha, da mẹ”. Nhưng thằng bé lại nhặt được của bố mẹ những cái tốt đẹp nhất. Nó thu được cái dáng người cao lớn của mẹ. Lại nhặt được bộ óc thông minh của mẹ. Thu được cái tỉ mỉ cần mẫn của bố, nước da ngăm đen đỏ au của bố khiến cho thằng bé nhìn khỏe khoắn lắm. Đặc biệt là khuôn mặt rất thanh tú, đôi mắt to đen của bố chứ không rơi một tí lác nào của mẹ. Đúng là có phúc có phần các ông bà ạ. Bởi vậy vợ chồng lão Lộc lùn coi thằng bé là báu vật trời ban. Con cái là trời cho. Vợ chồng lão tuy nghèo khó nhưng tất cả vì con đã được hai vợ chồng thống nhất quan điểm, dù hoàn cảnh nào cũng giữ vững lập trường tư tưởng. Dù hoạn nạn nào cũng phải vì con. Đặc biệt là lão Lộc. Lão yêu con vô bờ bến. Mỗi Khi cu Phúc ốm đau là lão thức trắng với con cả đêm, vì vậy mà mụ Thao lác có tí thời gian để ngủ giữ sức mai còn đi làm. Thậm chí có miếng ngon lão giả vờ như không thích ăn để dành cho con. Mặc dù nhìn con ăn lão nuốt nhanh nước miếng xuống họng để nó khỏi nhìn thấy. Ấy, có lúc lão thông minh đột xuất như vậy.

Và cu Phúc đã không phụ tình yêu thương của bố mẹ nó. Nó ngoan ngoãn lắm. Gặp ai trong xóm cũng nở nụ cười rõ hiền như bố và cất cao giọng như mẹ để chào. Nó học chăm nên học giỏi nhất nhì trong lớp. Đi họp phụ huynh lần nào lão Lộc cũng mát hết cả mặt vì con. Lão thầm cảm ơn người vợ to béo của mình đã không quản nắng mưa kiếm tiền nuôi cả nhà. Bây giờ bọn trẻ đi học dù nhà xa hay gần đều phóng xe đạp điện vèo vèo. Thấy thế lão Lộc bàn với vợ:

- Bà nó này. Hay là mình mua một cái xe đạp điện cho con nó đi cho đỡ tủi thân với bạn bè của nó?

- Mua xe đạp điện á?

- Ừ, xe đạp điện!

- Ông biết giờ bao nhiêu một cái không?

- Thì vài triệu bạc chứ mấy?

- Hơn 10 triệu đấy, đấy là cái giá bèo nhất đấy.

- Sao tôi nghe nói chỗ nhà làm ra xe chỉ có 3 triệu gì đó thôi.

- Đúng, nơi sản xuất là thế. Nhưng đến tay người tiêu dùng thì giá nó tăng gấp 4 lần, ông biết chửa.

- Èo ôi... Kinh thế á? Cái gì cũng thế à?

- Đúng rồi. Vậy nên ăn nhất vẫn là thằng đi buôn, chứ người sản xuất cũng ăn ít thôi.

Lão Lộc nghe thế nghĩ vẩn vơ, không biết lão nghĩ cái gì nữa. Bỗng mụ Thao lác lên tiếng, phá tan cái ý nghĩ vẩn vơ đang lửng lơ bay như những làn khói mỏng trong đầu chồng.

- Có tiền cũng không mua.

- Sao vậy?

- Phải để cho nó rèn luyện sức khỏe, cho nó rèn luyện tự lập bản thân, nó mới nên người. Ông có thấy nhiều gia đình khá giả vì cứ chạy theo nhu cầu của con mà khiến con hư hỏng không? Chiều con vô lối là nối giáo cho giặc đấy.

- Nhưng tôi cứ thấy thương thương con sao sao ý.

- Thương con phải đúng cách. Từ tuần sau, thứ 7, chủ nhật được nghỉ học thằng Phúc phải đi chở đồng nát giúp mẹ.

Lão Lộc lùn giãy nảy lên:

- Ấy chết! Sao thế được? Tôi thấy đám bạn nó thứ 7, chủ nhật toàn mang sách đến nhà thầy cô học thêm.

Đấy! Chết ở cái lối nghĩ như ông đấy. Trên lớp nếu chú ý lắng nghe thầy cô giảng. Về nhà chịu khó tự học, học sẽ giỏi. Ông thấy thằng cu Phúc nhà mình có học thêm ở đâu không mà học vẫn giỏi?

Lão Lộc lại ngẩn người suy nghĩ. Lão cũng chưa hình dung sự thể nó thế nào, nhưng lão tin vợ lão nói đúng. Vì từ khi lấy nhau đến giờ lão thấy mụ vợ lão nói và làm ít khi sai. Thôi thì cứ để con gà mái ấy đứng cửa chuồng gáy đã làm sao. Lão thấy ghét mấy cái thằng trong xóm cứ hay chĩa mũi vào nhà người khác mà bàn luận tỉ đểu. Nhưng bản chất lão hiền từ, ghét thì nói vậy thôi chứ lão có để bụng ai bao giờ.

Mụ Thao lác đã nói là làm. Năm nay cu Phúc học lớp 10. Đã 15 tuổi rồi. Ngày xưa mụ mới 12, 13 tuổi đã phải theo mẹ đi nhặt đồng nát rồi, mà ngày ấy ai cũng nghèo nên ít rác bán ra tiền lắm.Vậy nên vất vả lắm. Không như bây giờ đời sống lên cao, rác ra tiền cũng nhiều. Có hôm mụ kiếm đến cả 100 bạc chứ bỡn à.

Mụ bàn với con:

- Bây giờ có hôm mẹ thu gom được nhiều phế thải lắm, lại có khi dọn nhà cho người ta nên mẹ làm một mình không xuể, nhất là vào thứ 7, chủ nhật. Những ngày này mọi nhà được nghỉ nên hay thu dọn nhà. Nếu mẹ đi dọn nhà cho người ta thì sợ sẽ mất mối phế thải chỗ nhà khác, người khác tranh chỗ lại mất khách. Vì vậy thứ 7, chủ nhật hàng tuần con đi làm cùng mẹ được không?

Cu Phúc trầm ngâm suy nghĩ rồi đáp:

- Dạ, được ạ!

Hôm sau là ngày thứ 7. Từ 6 giờ sáng mụ Thao đã đánh thức con dậy. Cả nhà ăn sáng bằng chảo cơm rang trứng. Lão Lộc đã dậy từ 5 giờ sáng quét dọn nhà cửa và rang cơm. Vì lão biết hôm nay mụ vợ lão đưa thằng con đi làm nên lão đập thêm quả trứng vào ăn cho có chất. Chứ ngày khác chỉ có tí nước mắm với tí mì chính vào chảo cơm rang thôi.

*

 

 Trời đã sang tháng 5. Mùa hè bắt đầu chào đón bằng cái nóng không mấy oi ả. Hàng cây hai bên đường quốc lộ đang ở vào giai đoạn phồn thịnh sau mấy tháng mùa đông trút lá và mùa xuân ăn mùn đất đâm chồi. Ngoài đường xe cộ tấp nập. Những chiếc xe chở hàng bọc kín bạt, bao giờ cũng chở quá trọng tải. Con đường nhựa oằn mình chịu đựng sự tra tấn. Con đường tội nghiệp bị bạo hành nhất là về đêm. Từng đoàn xe thi nhau gầm rú. Cả cái xe tải nó cũng khổ. Bao giờ nó cũng bị chất quá tải lên thân thể những chục tấn hàng. Nó phải cố ghì, cố rướn, cố lết để lên dốc. Có cái đến chỗ cua, do mải rướn, mải bò nên quên nghiêng người lượn cua. Thế là lật nhào. Thế là đè lên một ông đang chống xe đợi vợ bên đường. Ông ta chết. Hàng đổ vung vãi ra đường. Thế là dân bên đường thi nhau hôi của. Thật tội nghiệp! Vụ này ai cũng biết. Khỏi phải nói tổn thất của nhà xe bao nhiêu? Còn anh lái xe đè chết người thì ai chả biết án. Có mà chạy đằng trời.

Tiếc cho con đường lúc mới làm đẹp như dải lụa. Được vài năm đã bị lượn sống trâu, như gài bẫy người đi đường. Những cái sống trâu lúc ẩn lúc hiện, lúc nhô lên, lúc hạ xuống như con cá sấu cạn bỡn cợt con người.

Có người tỏ ra hiểu biết thì bảo: Vì công trình bị rút ruột nên nó chóng xuống cấp. Lẽ ra rải ap phan 10 cm thì cắt đi 3 cm, thậm chí 4 cm. Có mà trời biết. Vì nó nằm sâu dưới lòng đường. Mới lại dân ai biết công trình này bao nhiêu? Anh giám sát biết. Thanh tra biết. Nhưng biết sẽ có phong bì lót tay thành không biết.

Vì vậy con đường lại được sửa lại bằng việc vá những chỗ lõm. Thành thử con đường giống cái áo của người nông dân hồi chống Pháp, vá chằng vá đụp. Thành thử cũng có cái hay bởi tự nhiên tạo chế độ giảm tốc lỗ chỗ cho người tham gia giao thông. Chỉ khổ cho những ai say xe ô tô thôi.

Mẹ con mụ Thao lác mải miết đạp xe. Thằng Phúc nhễ nhãi mồ hôi. Cũng khá lâu rồi nó không làm việc nặng. Hôm nay ngày đầu tiên được mẹ thử sức nên nó rất cố gắng làm cho mẹ vui lòng. Chiếc xe đạp chở đồ đồng nát cồng kềnh nên phải có tay lái vững mới giữ được thăng bằng. Nó căng tay, mím chặt môi để lái chiếc xe đạp mà hàng ngày nó chở bạn đi học không mấy khó khăn. Nhưng sao chở mấy thứ này khó vậy? Nó thầm nghĩ: Mẹ nó đã cực khổ biết bao! Nó ngoái lại nhìn mẹ. Mẹ nó cũng đang cong mông lên đạp. Nhưng hình như mẹ nó đạp có vẻ nhẹ nhàng hơn nó, gặp người đi đường hay gặp chỗ đường lồi lõm tay mẹ nó lái trông rất lụa. Đúng là trăm hay không bằng tay quen. Nó mải nghĩ, mải nhìn nên chiếc xe mất thăng bằng đổ xuống đường. Mẹ nó đạp rướn lên mấy rướn đến chỗ nó rồi dừng xe lại dựa bên lề đường giúp nó dựng xe lên.

Nó nhìn mẹ cười bẽn lẽn:

- Phục bà bô đấy!

- Hì... hì... có sao không cu? Buổi đầu tập việc có khác. Mệt không?

- Dạ. Không mệt. Thanh niên trai tráng thế này chả nhẽ thua bà già?

- Vậy muốn đua xe không?

- Thì đua!

Chiếc xe của cu Phúc được dựng lên, buộc lại mấy cái bó bìa catton và bó sắt vụn vừa bị tuột ra. Cu Phúc nhảy lên xe. Nó nhìn sang mẹ:

- Xuất phát!

Thế là hai mẹ con thi nhau đạp. Cuộc đua chưa dừng lại nếu như hai mẹ con chưa nghe thấy tiếng ai đó quát:

- Làm gì mà ngáng hết đường thế này? Muốn chết hả?

Thế là mụ Thao lác vội táp vào lề đường. Xe của cu Phúc cũng theo đó mà đi. Mẹ đạp trước, con đạp sau. Mệt đấy nhưng mà vui phết.

Lúc đến chỗ cân đồng nát mới biết hàng trên xe của cu Phúc còn kém xe mẹ nó đến 20 cân. Nó nhìn mẹ cảm phục trong lòng. Cả một ngày thu gom vất vả. Đi từng ngõ, từng nhà. Chân không dừng bước nào, được hai xe đồng nát như hôm nay mà tiền được lãi có 100 ngàn. Nó xót xa nhìn mẹ. Ấy là hôm nay còn có nó đi cùng phụ giúp. Những hôm một mình mẹ thì sao?

 Mẹ đã không chất nhiều đồ lên xe nó vậy mà sao nặng thế? Còn mẹ thì sao? Lẽ nào mẹ quen với nặng nhọc vất vả? Không. Không ai có thể quen với những cái khổ cực mãi được. Chỉ là mẹ phải cố gắng thôi. Mẹ đã cố gắng cả một đời lam lũ để cho bố, cho nó có cơm để ăn, có áo để mặc đủ mỗi mùa, có nhà để ở. Vậy mà mẹ không một lời than vãn. Thậm chí được vất vả vì chồng con mẹ còn cảm thấy hạnh phúc. Bởi thế nên mẹ luôn miệng cười. Luôn miệng nói. Luôn lo lắng. Luôn đấu tranh cho những lẽ phải dù việc đó không liên quan đến mẹ. Mà mẹ có được học hành gì cho cam. Mẹ chỉ học hết cấp 2 rồi phải nghỉ vì nhà bà ngoại nghèo. Nghề thu mua đồng nát của nhà bà ngoại lại truyền sang mẹ nó. Nó không khinh cái nghề này và cũng không thích. Nó nhìn mẹ thấy mặt mẹ mướt mát mồ hôi. Mọi người bảo mẹ xấu nhưng trong mắt nó mẹ vẫn đẹp. Cái áo cũ sờn hết chỗ cổ bám đầy bụi bẩn. Cái quần đen cũng bám đầy bụi bẩn. Tại sao giờ nó mới thấy? Có phải khi ở nhà nó mải học hoặc không để ý đến mẹ? Có phải nó vô tư quá trở thành vô tâm?

Thấy con có vẻ trầm tư suy nghĩ mụ Thao lác vỗ đánh bộp một cái vào lưng cu cậu nói :

- Gì mà ngẩn tò te ra thế cu?

- Dạ… hì... Không… Không có gì đâu ạ.

- Về thôi! Hôm nay thu được kha khá đấy.

Hai mẹ con lại rong ruổi đạp xe về. Nắng đã ngớt. Chiều dần buông. Phía Tây mặt trời ửng đỏ đã nấp sau núi một nửa. Nửa còn lại khẽ mỉm cười vẽ lên nền trời những vạt nắng cuối cùng hắt lên những đám mây trắng xốp bồng bềnh trôi vô định.

 

                                (Hết chương VI)

 

B.T.K.C


Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter