• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Xuân núi
Ngày xuất bản: 23/01/2025 4:39:32 SA

Truyện ngắn của BÙI THỊ KIM CÚC

 

Dũng lớn lên bên mẹ và em gái.

Từ khi sinh ra đến khi lớn lên hai anh em Dũng chỉ biết theo mẹ lên nương, bới hốc đá để gieo xuống đó mấy hạt ngô hoặc trồng rau cải. Mẹ cũng thế và nhà ai cũng thế. Trên núi cao, đá phả ra hơi lạnh buốt khi mùa đông về. Xứ núi lạnh nhưng con người mặc ít áo vẫn không thấy rét. Bởi núi đã tôi luyện cho họ thích ứng với cái gian khổ. Vậy nên khí lạnh càng làm cho da của họ đỏ hồng lên.

Trẻ em vùng cao như anh em Dũng tìm đến lớp để học con chữ rất vất vả. Những đứa trẻ chân đất lội phăm phăm, nhanh thoăn thoắt trên con đường mòn chỉ lọt bàn chân dài đến chục cây số để đến lớp.

Cứ nghỉ tết hoặc nghỉ hè xong nhiều đứa vắng, cô giáo đến nhà giục mãi mới chịu đến lớp.

Anh em Dũng không thế. Mẹ bảo: "Phải học. Phải thông con chữ sau này mới đỡ khổ'.

   Học hết lớp 5, anh em Dũng được về học ở trường Dân tộc nội trú của tỉnh. Học tại đây, cả hai anh em không phải mất đồng nào. Dũng nghĩ: Mình được nhà nước chăm lo như thế này thì phải cố học cho giỏi sau này mẹ sẽ đỡ khổ. Mình cũng đỡ khổ.

*

Thời gian cướp đi vẻ đẹp xuân sắc của mẹ, nhưng thời gian đã nuôi lớn dần 2 đứa con yêu của mẹ, nguồn năng lượng dạt dào chảy trong mẹ qua mỗi ngày.

Mẹ là người đàn bà của núi. Ngọn núi nơi mẹ sinh ra và lớn lên đã khiến cho đôi chân mẹ dẻo dai vượt thác băng rừng. Đôi chân mẹ đạp đất và đá để trồng nên rẫy ngô mới, trồng nên những mùa vàng xếp sóng trên sườn núi.

*

Ngày hạnh phúc nhất đời mẹ là ngày Dũng thi đỗ đại học. Những điểm số Dũng đọc cho mẹ nghe lúc chiều giờ bồng bềnh trôi như đám mây hồng trong giấc ngủ của mẹ.

Đời mẹ chỉ cầu ước vậy thôi.

Mẹ khổ nhưng không hề bất hạnh. Mẹ sớm cô quả nhưng không cô đơn. Mùa đông nhưng mẹ không thấy lạnh. Bởi trong mẹ có một bếp lửa đang cháy. Ngọn lửa khát sống vì núi, vì những đứa con của mình. Ngọn lửa bùng phát vào những lúc mẹ thấy gian khổ nhất.

Cô bé Vân giờ đã là một thiếu nữ xinh đẹp. Ngoan hiền và học giỏi.

3 năm nữa thôi cô bé của mẹ sẽ lại cho mẹ giấc ngủ có đám mây màu hồng ru giấc.

Cuộc đời đã ngắn, 3 năm chỉ như 30 giây chờ đèn đỏ ở mỗi ngã tư nào đó trên những con đường vô số của đất nước.

*

Bữa cơm chiều 28 Tết đầm ấm át đi cái lạnh mùa đông.

Mẹ làm những món ngon nhất, đặc sản nhất của núi để ăn tết. Con Mik cũng cùng ăn. Chỉ khác là nó không cầm đũa.

Đang ăn, Vân đột ngột nói:

- Mẹ à. Ăn tết xong con không theo anh Dũng về Hà Nội nữa. Con ở trên này với mẹ… Con tốt nghiệp Đại học Du lịch bằng giỏi nhé… Hi..hi...

Mẹ vui lắm, cũng lo lắng nữa. Mẹ nhìn con gái. Mẹ nhìn vầng mặt trời của mẹ hỏi:

- Về núi này con định làm gì đây?

Vân hào hứng:

- Con làm du lịch cộng đồng mẹ ạ.

Anh Dũng vỗ tay nói:

- Được! Khen em có chí khí. Tốt đấy mẹ ạ. Quê mình nghèo nhưng những đỉnh núi xanh ngát kia, những vạt hoa cải vàng trên nương kia... những ruộng bậc thang kia... tương lai của giàu có đó mẹ ơi...

Vân ngắt lời anh:

- Không hổ là anh trai của em. Đúng ý tưởng của em đấy, nhà kinh tế ạ.

Dũng càng hào hứng nói:

- Ok. Anh sẽ góp vốn đầu tư.

Hai anh em cùng xòe tay vỗ chát vào nhau. Cùng hô:

- Chốt!

Mẹ mắt ươn ướt nhìn hai con của mình nghẹn ngào nói:

- Thôi ăn đi! Mẹ mừng quá! Cảm ơn các con.

Con Mik chả hiểu gì về câu chuyện trên mâm nhưng thấy mọi người vui cười nó cũng dụi mõm vào lòng Dũng như chia vui.

Mấy ngày tết ấm áp sao trôi đi nhanh thế. Nhanh tới mức ai cũng chưa kịp no cái nồng ấm, cái hương tết thì tết đã trôi theo những cánh đào phai rồi.

*

    Vân đã nói là làm. Ước mơ người con của núi muốn thắp sáng quê hương ngày đêm thôi thúc trong cô. Cô đi gặp bác Lung trưởng thôn. Bác Lung đã ngoài 60 nhưng sức vóc bác vẫn dẻo chắc như dóng dang.

Bác vui mừng chào đón Vân và nói:

- À lôi! Con gái bản ta xinh quá thôi.

Vân thẹn thùng đáp:

- Dạ. Cháu cảm ơn bác. Hôm nay cháu sang bác có chút việc ạ.

- Được. Cháu cứ nói ta nghe. Ta nghe thủng cái bụng thì bà con cũng thủng cái lỗ tai thôi.

Nghe bác Lung nói vậy, Vân vô cùng sung sướng. Vân lôi trong cặp một tập giấy A4. Cho bác Lung xem và cô mở lattop cho bác xem hình ảnh về dự án du lịch cộng đồng. Chính là đề án tốt nghiệp loại giỏi của cô.

Bác Lung nghe Vân nói, nhìn theo tay Vân chỉ vào từng hình ảnh mà mắt bác sáng lên. Bác nhìn Vân cảm động nói:

- Cảm ơn cháu. Cháu đem cái no cái ấm về cho bản ta rồi.

Vân rụt rè nói:

- Dạ. Thưa bác đây mới chỉ là dự án thôi ạ. Còn thực tế làm sẽ rất khó khăn bác ạ.

Bác Lung hăm hở nói:

- Thì có gì là dễ đâu cháu. Khó đến đâu ta gỡ đến đó. Khi đã ưng cái bụng dân bản thì làm được thôi mà. Để ngày mai bác cho họp bản, cháu đến nói nữa. Bác tin là cháu làm được mà.

- Dạ. Được bác ủng hộ giúp đỡ, cháu như vịn một tay vào núi mà trèo rồi ạ.

*

Sáng hôm sau Vân đến nhà văn hóa thôn Lùng Cảo để họp. Không khí cuộc họp khá náo nhiệt. Ông Lung trưởng thôn sau khi giới thiệu Vân và mục đích cuộc họp hôm nay thì bà con rất lắng nghe. Ai cũng hồi hộp không biết chuyện gì đây?

Vân bước lên bục và cầm micro nói:

- Dạ. Cháu tên là Vân, con mẹ Hòa ở thôn ta ạ. Cháu vừa tốt nghiệp Đại học Du lịch. Cháu mong muốn bà con ủng hộ cháu để thực hiện dự án Du lịch cộng đồng tại thôn ta. Cháu mong bà con hiểu và tích cực ủng hộ ạ.

Bỗng một cánh tay giơ lên ở phía dưới hội trường:

- Tôi có ý kiến. Đề nghị cô Vân bỏ ngay cái ý định đó đi. Tôi hỏi cô. Cô tay trắng, chỉ có một mớ lí thuyết với cái ước mơ hão huyền của một đứa mới lớn mà tưởng làm giàu trên mảnh đất chỉ có đá và sỏi này à?

Mọi người nhao nhao đồng tình:

- Đúng đấy! Đúng đấy! Ông Bàng nói phải đấy.

Ông Lung trưởng thôn liền cầm cái micoro trong tay Vân nói lớn:

- Đề nghị mọi người trật tự! Hãy nghe cháu Vân trình bày hết dự án đã rồi phát biểu sau.

Cả hội trường yên lặng trở lại, nghe Vân trình bày dự án của mình. Vân cứ ngỡ mọi người sẽ vui vẻ đồng tình. Ai ngờ họ đồng thanh nói:

- Không làm được đâu lố! Núi đá này chỉ trồng ngô, nuôi dê thôi mà vẫn sống từ đời này qua đời khác có sao đâu. Vẫn sống tốt mà.

Vân nghe mà buồn quá. Bác Lung thấy vậy đưa tay đặt vào vai Vân nói:

- Cháu bình tĩnh. Mọi khó khăn phải gỡ từ từ cháu ạ.

- Dạ cháu cảm ơn bác. Cháu chào bác ạ.

*

   Về đến nhà Vân nằm vắt tay lên trán nghĩ: Mình phải làm sao đây? Bắt đầu từ đâu đây? Vân gọi cho Dũng và trình bày thất bại ban đầu của mình với anh. Nghe xong Dũng hỏi:

- Em thấy nản chưa?

- Nản á? Anh hỏi gì lạ thế?

- Vậy thì tốt. Theo anh em lên gặp chủ tịch xã. Xã không giúp được thì lên huyện. Và cao hơn...

- Ok. Cảm ơn anh trai.

*

Sáng hôm sau Vân tức tốc tới ủy ban nhân dân xã Lùng Vai để gặp chủ tịch xã. Tiếp Vân là một người phụ nữ trạc 50 tuổi. Bà có khuôn mặt hiền hậu và đôi mắt sắc sảo, phong thái khoan thai. Vân rất cảm tình với vị chủ tịch xã này, trong cô phấp phỏng hi vọng.

Sau khi nghe Vân trình bày ý kiến của mình bà chủ tịch xã thong thả nói:

- Cảm ơn cháu và mục đích xây dựng quê hương của cháu. Nhưng nói thật để cháu biết, trước đã có hai người như cháu. Nhưng khi thực thi họ đều bỏ cuộc.

Vân hỏi:

- Thưa bác, vì sao ạ?

Bà chủ tịch cười nói:

- Vì nhận thức của dân. Vì kinh phí, vì hoàn cảnh khí hậu và địa lí... nói chung không có gì thuận lợi cả cháu ạ. Xã rất ủng hộ tinh thần của tuổi trẻ các cháu. Nhưng tỉnh và huyện ta còn nghèo, nói gì đến xã. Xin cấp vốn hầu như không có cháu ạ.

- Dạ. Cháu cảm ơn bác.

*

   Vân lê bước về nhà trong tâm trạng khá mệt mỏi. Vân nghĩ đến câu nói của đại thi hào người Đức Johann Wolfgang Goethe "Mọi lí thuyết chỉ là màu xám..." và cô cười tự diễu mình.

Vân về đến nhà. Mẹ nhìn con gái có vẻ mệt mỏi nên lo lắng hỏi:

- Con gái có sao không?

- Dạ con không sao mẹ ạ. Ta ăn cơm thôi mẹ nhỉ.

*

Đêm. Cái đêm mùa đông trên núi thật lạnh và vắng lặng. Thi thoảng có tiếng cú rúc làm cho đêm loãng ra một chút rồi đặc lại như cũ.

Vân thao thức lăn qua lăn lại mãi không ngủ được. Trong cái thinh không tĩnh lặng ấy bỗng lóe lên trong cô một ý tưởng. Cô vùng dậy vội ghi chép ý tưởng của mình vào cuốn sổ nhỏ. Ghi chép xong cô tắt đèn đi ngủ. Trong giấc ngủ Vân mơ thấy khung cảnh nguy nga tráng lệ của một ngọn núi ngàn đời chỉ đất và đá giờ bừng sáng lên một khu du lịch tráng lệ với từng đoàn khách du lịch bốn phương đổ về. Ánh điện lung linh trên các khách sạn cao tầng. Những Resort, những Hommestay... san sát mọc lên sáng choang trời xã Lùng Vai...

Vân được chắp đôi cánh trắng. Đôi cánh nâng cô bay lên trong không gian ma mị... Vân choàng tỉnh. Giấc mơ điên rồ, cô nghĩ thế rồi lại chìm vào giấc ngủ.

*

- Mẹ ơi!

- Gì thế gái?

- Con định khởi động dự án du lịch bắt đầu từ nhà mình mẹ ạ.

- Tùy con. Mẹ tin con làm được. Cố lên. Đừng bỏ cuộc.

- Dạ. Con cảm ơn mẹ.

Vân gọi cho anh Dũng và trình bày ý tưởng của mình. Vân nhờ anh đầu tư vốn. Nhưng Dũng nói: "Hứng lên thì nói vậy thôi, chứ anh dưới này tiết kiệm chẳng được bao nhiêu em gái ạ". Vân thở đánh sượt một cái. Tìm vốn ở đâu bây giờ? Mặt Vân bỗng sắt lại bởi nỗi lo.

Một nỗi buồn len lỏi cắn tâm can cô. Vân ước mình được trúng con Vietlot. Vân nhìn lên đỉnh núi cao vời vợi mà thấy mình nhỏ bé quá. Bỗng Vân bật khóc cho sự bế tắc của mình. Trong Vân vang lên tiếng nói: Lẽ nào mình thất bại tại đây? Lẽ nào mình cũng bỏ cuộc giống như mấy người từng đi con đường như mình? Mà sao phải khóc chứ? Cô lại tự bực bội cho chính mình. Vân đưa tay lau dòng nước mắt rồi ngán ngẩm nhìn con đường lên bản của cô.

Đường lên xã Lùng Vai nhỏ, toàn đường đất. Đường vào bản Lùng Cảo vừa nhỏ, vừa dốc trơn trượt, chỉ đi được xe máy số thôi.

Vân trở vào nhà. Mẹ nhìn con gái hỏi:

- Sao con buồn thế?

Vân nghẹn ngào nói nỗi khổ tâm đang bề bộn trong cô với mẹ. Mẹ không nói gì, bà vào mở hòm ra đưa cho Vân một cái hộp, nói:

- Đây là toàn bộ số vàng mẹ đã tích cóp mấy năm qua khi 2 anh em con đi học dưới phố được nhà nước nuôi. Vàng bố con theo mọi người đi đào đấy. Khổ thân! Giá như ông ấy đừng đi chuyến ấy, đâu nỗi bỏ mạng trên đất xa.

Vân mở hộp ra. Trong hộp lấp lánh những nhẫn vàng từ nửa chỉ đến một chỉ. Có cả những mảnh vàng nhỏ to khác nhau. Vân cảm động nói:

- Con cảm ơn mẹ. Khi nào có tiền con sẽ mua trả lại cho mẹ.

- Ui chà. Cứ cầm mà làm đi. Mẹ chẳng cho con được nhiều.

*

Đất quanh nhà mẹ, chỗ thấp Vân trồng nhiều loại hoa. Cô chỉ trồng ngô trên núi cao. Chỗ vạt đồi thấp gần đường cô quải toàn rau cải. Vân lên núi tìm những cây đào vừa và nhỏ về trồng theo thiết kế của cô. Ngôi nhà chật hẹp của mẹ, cô thuê người làm một ngôi nhà sàn rộng rãi có thể ngủ được 20 người. Cô mua những đệm bông lau, chăn, ga gối đem về trải ra thành một gian ngủ cộng đồng rất đẹp.

May mắn chỗ gần nhà Vân có một suối nước nóng. Hàng ngày dân bản vẫn đến đây tắm tiên. Vân xây dựng và cải tạo thành những bồn tắm và xây nhà vệ sinh, chỗ thay quần áo. Tổng chi phí khu du lịch nho nhỏ của gia đình vừa tròn số vàng mẹ đưa cho Vân.

Nhìn vào ngôi nhà, mảnh vườn nở đầy hoa, vạt nương rực rỡ màu vàng hoa cải. Một không gian lãng mạn, vui mắt vô cùng. Vân không giấu được cảm xúc. Khóe mắt cô bỗng lăn ra giọt lệ. Giọt lệ trong suốt như tâm hồn và mơ ước của cô gái mới 23 tuổi.

Dân bản Lùng Cảo hàng ngày kéo đến xuýt xoa khen:

- Ôi đẹp quá.

- Nhưng đẹp nhìn thì thích đấy chứ không no cái bụng được.

Vân chỉ cười không nói gì nhiều ngoài ánh mắt thân thiện và câu cảm ơn. Trong Vân bỗng len lỏi những lo lắng. Câu hỏi: Làm sao đây? Luôn thức dậy trong Vân mỗi khi cô vấp phải khó khăn. Nhiều đêm Vân mất ngủ. Vân căng đầu ra suy nghĩ. Vân hùng hục làm việc như con trâu mới vực cày. Tự mày mò. Tự tìm hiểu. Tự suy nghĩ cách làm. Tất cả sức lực tuổi trẻ cùng với ngọn lửa đam mê đã đem lại cho Vân nguồn vui sống mãnh liệt.

Niềm sung sướng nhất trong Vân chính là thông tin chính thức về dự án đường giao thông của tỉnh nhà. Đường nhựa. Đường bê tông sẽ được phủ kín xã Lùng Vai. Vân sung sướng reo lên: Thế chứ!

*

Vân chọn những bộ váy áo dân tộc đẹp nhất để mặc. Với tài diễn thuyết của mình, cô dùng điện thoại Review toàn bộ vẻ đẹp của khu du lịch sinh thái nhỏ bé nhà mình và cô chọn những vị trí đẹp nhất của bản để quay video, chụp ảnh quảng bá trên mạng.

Khi bài của cô vừa đăng lên, liên tục người like và bình luận. Một tiếng sau, số người vào bài của cô đã lên đến mấy ngàn người.

Vân vui lắm. Trong cô như có tiếng nhạc réo rắt hòa cùng tiếng gió ngân vang. Tâm hồn Vân có những cảm xúc sáng lấp lánh như cánh hoa cải nương rung rinh trước gió.

*

Vân đến nhà bác Lung xin được dạy học miễn phí cho dân bản. Thế là cứ mỗi buổi tối từ già đến trẻ lại lục tục kéo nhau đến nhà văn hóa thôn học cái chữ. Có những người phụ nữ đem cả con nhỏ đi học. Em bé ngủ trong lòng mẹ. Mẹ thì mấp máy môi đánh vần từng chữ.

Vân không chỉ dạy con chữ mà cô còn tuyên truyền rất nhiều kiến thức văn hóa khác cho họ. Đặc biệt là cách kiếm tiền từ làm du lịch.

*

Một hôm Vân đang tưới hoa thì anh Dũng gọi điện cho Vân:

- Chủ nhật này anh đưa một đoàn du lịch ở Hà Nội lên chơi nhé. Em chuẩn bị chu đáo vào.

- Hoan nghênh anh trai nhé. Yên tâm trên này em sẽ lo mọi việc chu toàn.

Đoàn du lịch anh Dũng đưa lên có đến hơn 20 người. Họ sung sướng khi lần đầu được trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ, trong lành của xứ núi. Họ đi giày thể thao để trèo lên những dốc núi đá. Họ vào những nhà người dân Lùng Cảo để khám phá bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây, chia kẹo cho những em nhỏ chân đất, đầu trần, mắt trong veo nhìn đoàn khách lạ.

Họ thưởng thức các món ăn của núi do chính mẹ và Vân làm.

Những bản sắc văn hóa độc đáo mà thành phố không thể có.

Ai cũng Review hoặc Livestream rồi up lên mạng. Rần rần người vào xem và chia sẻ, rủ nhau đi thôi... đi thôi...

*

Cái cách làm của Vân nói ra thì dài lắm.

Chỉ biết rằng sau khi những tuyến đường giao thông được hoàn tất thì chỉ 2 năm sau không chỉ có bản Lùng Cảo đổi sắc mà cả xã Lùng Vai đã khoác lên mình bộ áo mới.

Và chưa đầy 7 năm sau giấc mơ tưởng như điên rồ của Vân đã thành hiện thực.

 

*

Thời gian chạy nhanh như chân con hoẵng đã kéo mùa đông đi. Mùa xuân đến. Hoa Tớ Dày đã bừng sáng muôn nơi.

Mẹ lại làm các món ăn của núi để đón xuân về. Đôi má Vân ửng hồng. Cô chạy ào ra khu vườn đầy nắng trong muôn hoa khoe sắc. Cô nghiêng người ghé sát vào cành hoa Tớ Dày để chụp vài kiểu ảnh.

Vân up ảnh của mình lên Facebook.

Như lời hò hẹn bốn phương...             

                                                B.T.K.C.

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter