• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Xà Hồ đêm không lạnh
Ngày xuất bản: 26/10/2023 3:35:39 SA

Ký của HOÀNG XUÂN LÝ

Sáng Pao đón chúng tôi trong một sớm heo may với những nắng mưa đỏng đảnh buổi giao mùa. Vừa đặt chân xuống đầu bản thì trời bật nắng. Nhìn lên dãy Tà Chì Nhù đón nhận những tia nắng ban mai mềm như nhung dội xuống từ phía dãy núi hình răng cưa. Nắng tinh nghịch ve vãn những cánh hoa dại hai bên đường. Nắng tràn cả xuống cánh đồng bậc thang hai vụ, lúa đang độ chớm vàng. Trong vườn mận, hoa trắng đã lác đác dậy thì và lũ chim ri lích rích chuyền cành. Khu trung tâm xã Xà Hồ đãi người khách bằng hết thảy mến thương, thân thiện như thế đó. Đang lúc phấn chấn, tôi khe khẽ cất lên “Rừng cây xanh lá…”.

Thật khó hình dung nổi khi đặt chân lên miền đất có những địa danh như Bản Mù, Lõng Gió, Tà Sùa… những con đường mòn vắt trên đất, đá. Đường chui cả vào hang sâu. Trạm Tấu quyến rũ bởi những trải nghiệm đặc biệt khi được đi, được khám phá, để hiểu tiếng nói của cha anh, của những thế hệ đi trước đã bảo vệ gìn giữ núi sông. Khi mùa hoa mơ, hoa mận đang trổ, gửi yêu thương trên những cánh hoa, trên những ánh mắt trong veo và má hồng của trẻ em vùng cao. Mùa hoa thông đã qua, tôi gọi là hoa mặt trời. Vẫn còn đó từng chùm quả ú òa trổ cánh tinh khôi xếp thành hình vảy lấp lóa treo giữa mây trời đã làm nên từng vạt rừng duyên dáng. Sự quyến rũ của núi rừng khiến chúng tôi càng yêu thương tha thiết con người và miền đất phía Tây hùng vĩ.

Điểm dừng chân của chúng tôi là cánh đồng bậc thang Cẩu Làng đẹp nhất huyện. Trông giống như chiếc váy Mông khổng lồ đang thêu dở. Tôi thấy có mấy thửa ruộng lúa đang độ chín vàng. Ba cô gái Mông vung liềm thoăn thoắt. Bỗng một cô ngừng tay nhìn chúng tôi, hay đúng hơn là ngạc nhiên vì câu hỏi phát bằng “sóng ngắn” của tôi:

 - Bản mình trồng lúa gì mà chín muộn em ơi?

Cô gái tuổi trăng tròn lẻ, đưa mắt nhìn khắp thung lũng. Em giải thích bằng tiếng Việt khá lưu loát:

 - Sáng Pao cao như quả còn anh ném. Xuân đến muộn, hè về sau em xuống mạ chậm ngày. Mường dưới thóc khô đầy bồ, bản em mới cắt.

Cô gái Mông nói đúng. Xã Xà Hồ nằm trong khối Pú Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, có đỉnh núi Tà Chì Nhù cao 2.979 mét so với mặt nước biển là đỉnh cao đứng vị trí thứ 6 của Việt Nam. Do địa hình núi cao nên mùa hè đến muộn, nhiệt độ lại thấp. Mùa đông giá rét, có tuyết phủ trên các cành cây và ngọn núi. Nhiều sớm, học sinh phải đốt đóm thông sẻ màn mây để đến lớp. Ấm muộn, người dân ở đây gieo cấy theo lịch vùng cao. Nói như đồng bào: “Chậm một tí, nhanh một tí đều thua giàng hết”. Dưới lòng chảo, có đập thủy điện Nặm Tung đưa ánh sáng về đến phố huyện. Với nguồn sinh quyển tuyệt vời, Sáng Pao là điểm dừng chân “độc” cho du khách khám phá. “Gần thôi. Chưa hết một giờ chạy xe máy từ thị trấn lên. Phải xe Win gầm cao mới tốt”. Anh xe ôm tên Nủ Chu, đồng thời là tay sửa xe trứ danh ở ngã ba Xà Hồ nói với tôi như thế. Thảo nào lúc vào thăm ga ra, tôi thấy trong kho có 5 con Wuyn mới đét, liền hỏi:

 -  Chú mày thâm niên bao năm. Có đủ việc làm cả ngày không?

Anh xe ôm chỉ một chàng trai tay nhem nhuốc dầu mỡ đang bới một lô ba con Wuyn “đắp chiếu” chờ vào xưởng:

 - Ít thôi. Hơn mười năm một tí. Mình làm không xuể. Gọi cả em chú họ Thào xuống phụ sửa, bổ túc nghề cho nó luôn.

- Chu cha. Anh còn làm cả thầy giáo dạy nghề. Có bao nhiêu học trò đã ra trường?

Thào Nủ Chu nói bằng tiếng Mông:

 - Câuv iz lênhs (mười một người)

 - Anh Nủ giỏi quá!

Nủ Chu vui ra mặt. Anh khoe:

- Người mường dưới còn đánh cả Wuyn lên nhờ mình chuốt đấy.

Tôi đứng ngẩn, nhìn tủ phụ tùng thay thế và đồ nghề của anh dễ đến cả trăm triệu. Anh Nủ nói đúng. Vùng thấp chẳng ai chạy loại xe này nữa. Ngộ nhà nào còn, muốn chỉnh trang giữ làm kỷ niệm chỉ còn cách đánh lên núi tìm thợ.

Bao nhiêu chuyện đồn đại, thêu dệt huyền ảo về lớp người đi trước lập làng định cư Sáng Pao 2, khu trung tâm văn hóa, chính trị Xà Hồ. Là chuyện về mặt hồ xa xa bên kia núi, nơi còn lưu giữ dấu ấn rồng ở, thương dân Cẩu Làng, Hát Lừu thiếu nước, đã để lại một con mắt của mình. Con mắt ấy biến thành hồ nước hiền hòa quanh năm không bao giờ thiếu hụt dù xung quanh chỉ toàn núi cao bao bọc. Ngày nay hồ nước được nâng cấp thành hồ thủy điện bậc thang Nặm Tung. Dân ở đây vẫn gọi là đập thủy điện Xà Hồ. Nguồn nước quý giá bổ xung cho thủy điện Trạm Tấu. Mùa hè cũng như mùa khô hạn, hồ nước long lanh kia, vẫn hiền hòa bên những bản làng, nương ngô, ruộng lúa hai vụ ngời ngời sức sống. Nắng trưa nhảy nhót trên mặt hồ tạo thành những ánh xanh ngọc ngà tuyệt đẹp. Và đâu đó trong lòng hồ vẳng nghe tiếng mẹ rồng phun nước “ù à”… Sâu đậm hơn nữa là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên mái trường Mầm non, tiếng phần phật trong gió núi Xà Hồ như nhịp đập trái tim mình.

Nhìn con đường bê tông nhỏ thảm qua trung tâm xã dẫn đến mỏ sắt phía thượng nguồn, lòng tôi vui phơi phới. Dọc hai bên đường, chưa có nhà xây kiên cố, toàn nhà gỗ lợp tấm Prô. Trong tổng số hơn trăm căn hộ, tôi đếm được tất thảy hai mươi bẩy nóc nhà thưng ván, mái lợp tấm thông cổ. Trên mấy lô đất để trống cách ngã ba trung tâm xã không xa, tôi thấy gạch đỏ, xi măng, cát, sỏi tập kết cả đống. Nghe nói của thầy giáo Lý A Dơ, làm phòng hát karaoke và của Thào Di mở đại lý bán vật liệu xây dựng. Vừa mới đây thôi, Thào Di đã lấy bằng C, Trường lái Hùng Vương. Ngoài ô tô, Thào Di có cả xe Mink, ngựa thồ đưa vật liệu lên bản cao hơn. Ở trung tâm xã, nhà nhà sát nhau như phố núi. Vách liền vách, bếp liền bếp, ấm ngọn lửa hồng sớm trưa xứ lạnh.

Hỏi nhà Trưởng thôn Giàng A Sái Chù, Nủ Chu chỉ cái nhà gỗ to 5 gian lợp ván dưới đường:

- Nhà đấy. Vợ nó làm máy may hiệu mẹ Mảy.

Hiệu may đo chiếu cửa với nhà sửa xe máy Nủ Chu. Trong hiệu có ba chiếc máy khâu con bướm, ba khung dệt vải lanh, ba thiếu niên gái, ba thiếu nữ, ba chị dòng dòng và ba mẹ cao tuổi người Mông. Mỗi mẹ phụ trách một nhóm, khăn thêu vấn trên đầu, to cồ cộ, mắt hoang như đất núi. Thấy tôi bước vào nhà, mặt các mẹ tươi như hoa tớ dày. Mẹ Mảy mời:

- Canr bôx tuôx lar. (Cán bộ đến chơi)

Tôi đùa:

- Nhà may toàn gái đẹp, thứ gì cũng có con số ba. Hiệu mở lâu chưa mẹ?

- Pêz puô (ba năm).

Mời tôi chén nước nóng, mẹ Mảy che miệng cười hinh hích. Mẹ nói bằng tiếng Kinh hẳn hoi:

- Trước mình thêu phục vụ gia đình. Lâu lâu có người đến nhờ. Sau đổi bò lấy máy khâu. Chồng bảo: “Lấy vợ để đẻ con, se lanh, xay ngô, nuôi lợn thôi!”. Mình không chịu cứ mở máy may. Thấy lạ, người ta tò mò đến xem. Ai cũng gật. Thanh niên trai gái về nhờ nhiều quá. Mình làm không hết, gọi thêm hai mẹ khéo tay chung vốn. Hiệu “ba cô” ra đời. Tiền kiến được làm nhà rộng ra, mua thêm khung cửi, sợi lanh. Làm thêm nhà cho gà, cho trâu, cho con lợn ở. Cán bộ thấy đấy, đang mùa màng bận bịu, họ ít xuống học. Bọn trẻ con còn đến trường. Ở chơi thêm đi. Ngày chủ nhật vui lắm. Người học nghề ngồi cả ngoài trời.

Mẹ nói tiếng Việt khá rõ, tuy có chậm, đôi lúc dừng lại nghỉ để tìm từ. Đương lúc mẹ vui, tôi khen:

- Mẹ Mảy giỏi hơn người mường dưới rồi.

- Không giỏi bao nhiêu. Phải học nhiều đấy.

Tôi đến chỗ mấy chị, mấy em đang thêu váy, áo. Mẹ bảo “Thích cứ xem. Khắc biết”. Từng nét thêu đè lên những đường hoa văn được kẻ vẽ công phu bằng sáp ong trên mũ, trên váy áo bằng vải lanh thô dày nhuộm chàm. Trên ngực, cổ tay người nào cũng đeo ba vòng bạc chính hiệu sáng loáng. Thỉnh thoảng có người bốc một vốc lanh đưa lên mũi, xòe xòe hít hít vẻ sung sướng mãn nguyện. Hoặc âm thầm đưa cả nhịp đập con tim mình vào từng đường nét.

Thì ra Xà Hồ có “làng nghề” thêu-dệt-may tổng hợp, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa Mông. Nhìn những sản phẩm làm ra trưng bày trên giá, nào mũ chụp đen sáu múi. Múi nào cũng có những đường nét kép tím đỏ, trắng hồng mát mắt. Nào những chiếc váy thêu công phu dày dặn, nặng tới bốn kí. Tôi nhớ lần lên huyện vùng cao Mù Cang Chải công tác, xuống bản được đắp váy thay chăn ngủ tới sáng. Đó là những chiếc váy mới. Quý cán bộ lắm đồng bào mới cho đắp. Vân vê chiếc váy vừa thêu xong, tôi hỏi một cô gái:

- Chiếc này em thêu bao lâu?

Em gái đưa bàn tay che miệng cười ngặt nghẽo:

- Hai tháng. Ba tháng. Làm tranh thủ hết cả năm cơ!

Tôi trố mắt kính trọng sự cần mẫn, kiên trì, tỉ mỉ của chị em vùng cao và liên tưởng đến câu chuyện Nàng Bân thêu áo cho chồng. Ngắm những chiếc áo chàm đen hai vạt, bốn vạt nhuộm tối màu đủ kích cỡ. Từng khoang trên tay áo thêu rất công phu. Tôi cầm lên chiếc áo nam hai vạt, cái quần dài rộng cạp, chiếc mũ đen sáu múi từ những bàn tay nhăn nheo, những bàn tay non nớt, xanh lét màu chàm đã khéo léo tạo lên. Lưỡng lự hồi lâu, tôi rút ra tờ tiền đỏ hai trăm ngàn đồng mua với tâm trạng ủng hộ:

- Còn thiếu bao nhiêu mẹ ơi?

Mẹ Mảy xua tay. Miệng vẫn cười:

- Được cán bộ thích là vui lắm. Mình biếu làm kỷ niệm thôi!

Mẹ Mảy không nhận. Tôi đành để tờ tiền vào hòm thư góp ý. Một bộ đồ chàm công phu chính hiệu, giá hai trăm thì “bèo” quá không? Chẳng đủ công se lanh. Nhưng các mẹ, các chị vẫn cặm cụi đêm ngày tạo dựng sinh tồn. Mẹ Mảy còn nói, nhiều người từ Tà Sùa, Làng Chiếu bên Sơn La; Bản Mù, Tà Si Láng, Phình Hồ… chợ dưới Mường Lò tìm đến đặt hàng. Tôi đội mũ và ướm thử bộ đồ chàm trước hàng chục con mắt ngưỡng mộ mà ấm lòng.

Theo chị Chớ Thị Ca, vợ Trưởng thôn Sái Chù về nhà. Chị năm nay tròn 40 tuổi. Chị bảo hai vợ chồng bằng tuổi nhau. Tôi vui rằng:

- Bằng tuổi, nằm ruỗi mà ăn.

Chị Ca cười. Hai lõm đồng tiền xoáy tít:

- Nhà nghèo thôi.

Tôi bảo, nghèo mà nhà to ngô lúa đóng bao xếp ngập ngụa, đồ đạc và người phải ra ngoài ở. Rồi tiếp:

- Có nhiều con trâu, con lợn không?

Chị Ca ngắn gọn, lợn hơn ba chục, trâu, bò hai chục; đủ ném phân cày nương, cày ruộng. Chẳng riêng gì nhà trưởng thôn, dân Sáng Pao nhà nào cũng có trâu, có lợn, lúa ngô dư ăn đến vụ sau. Hộ chị Ca 4 khẩu, hai vợ chồng nuôi hai con ăn học. Cháu lớn Giàng A Châu, lớp 12 trường Nội trú tỉnh, cháu nhỏ Giàng Thị Tơ, đang học lớp 10 trường Vùng cao Việt Bắc. Hai cháu năm nào cũng dinh về nghênh làng, nghênh bản những giấy khen khung viền rực rỡ.

Vừa tới cổng nhà thì trưởng thôn cưỡi con Win về. Té ra, hôm nay là 20 tháng 10, lãnh đạo thôn đi dự ngày Hội của chị em từ sáng sớm. Anh mắc đi tặng quà cho mấy mẹ già yếu nên xuống nhà muộn. Tôi tếu táo:

- Anh Sái Chù say không?

Trưởng thôn cười lớn:

- Cán bộ của Đảng được quán triệt không uống rượu. Chỉ tối mới nhắp một tí, một tí.

Ngày mùa, ngô lúa ngập sân. Sái Chù phải gạt thóc ra để lấy lối vào. Gạt bắp ra để lấy chỗ ngồi. Câu chuyện dông dài, Sái Chù kể vang trên ngô thóc đã xếp thành đống về đất về người ở làng cũ trên lưng ngọn Tà Chì Nhù: “Mình là con thứ ba. Đỏ hỏn đã nằm trên lưng mẹ, theo anh chị xuống tận đồng Cẩu Làng làm ruộng rẫy. Đi từ lúc con gà chưa tỉnh, con lợn chưa đòi ăn. Tối nhọ mặt chưa lên tới nhà. Do đường xá đi lại khó khăn, các anh chị học ít. Thương con trai út quá, bố gửi mình xuống trường Nội trú huyện. Hết cấp III, mình vào trung cấp Nông Lâm. Rồi về làng làm anh cán bộ dự nguồn bản”.

Những năm trước nữa, Sáng Pao 1 mới có hơn hai mươi nóc nhà ở dải ra thành nhiều chòm cách biệt. Quanh năm đi phá rừng làm nương rẫy. Lúa chưa gặt về đã hết. Đồng bào phải ăn paor cưx (bánh ngô) thay cơm. Cái đói, rét cứ triền miên đeo bám. Việc chăn thả trâu, bò, dê lợn trong rừng luôn bị chết rét cả đống. Thấy đồng bào không có chữ, Chính phủ cho thầy giáo lên. Ban ngày, thầy dạy chữ cho trẻ con. Ban đêm thầy giáo thay nhau xuống các chòm xóm dạy chữ cho thanh niên, người già. Cả bản được nghe nhiều chuyện người tốt, chuyện Bác Hồ. Ông bà A Say, bố mẹ Sái Chù phải ngả ván lịa ra làm bàn, chẻ ván thông làm thành bó lửa lớn cho đồng bào nhìn thấy chữ Bác Hồ. Ốm đau thầy thuốc đến các nhà chòi, nhà rẫy trên núi, dưới đồng để phát thuốc men. Chính phủ còn thồ cả muối, gạo, chăn bông, quần áo ấm chia tận tay mọi người.

Thương đồng bào mình, năm 2000 Nhà nước vận động, giúp đỡ các hộ di dời nhà trên núi cao có nguy cơ sạt lở xuống làng định cư hạ sơn Sáng Pao 2. Bà con được hỗ trợ sân, nền lát xi măng. Đất lô có đủ chỗ làm chuồng trâu, chuồng lợn… có rừng rẫy được phân bổ. Ngày lập phố xã vui như hội Gầu Tào. Cờ đỏ sao vàng bay ngập bản trên làng dưới. Cuộc sống mới đã thay đổi theo hướng tích cực. Đất hoang giảm dần đi. Nhà lớn mọc thêm ra. Từ hai mươi nóc nhà, nay Sáng Pao đã có trên 195 hộ, 1241 khẩu. Ruộng nước hai vụ 12,5 ha và 20262 ha nương, rừng. Mỗi năm nhà nước hỗ trợ trông coi, chăm sóc bằng 722 ngàn đồng/ha rừng. Nhà nhà cửa chính quay hẳn ra đường lớn. Trẻ nhỏ không phải đi học xa. Người lớn đi ruộng, đi nương sát nhà. Người già gặp nhau cơi đống lửa hồng kể chuyện xửa xưa…

Theo đó, đồng bào được cán bộ khuyến nông về hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc thu hoạch những giống lúa, cây trồng mới; cách làm chuồng trại, chăm sóc, tiêm phòng, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm mùa đông. Các hộ làm kinh tế giỏi được dựng lên thí điểm cho bà con học tập. Đồng bào còn được cán bộ huyện cho đi thăm các mô hình trồng rừng, trồng lúa nước và chăn nuôi điển hình trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, Sáng Pao không còn hộ đói. Số hộ nghèo giảm nhanh. Sái Chù dứt khoát: “Cuối năm 2023, Sáng Pao sẽ đạt chuẩn Làng Văn hóa giai đoạn I”.       

Tôi chớp thời cơ:

- Nghe chị nhà nói, Sáng Pao I có nhiều con trâu, con bò, con ngựa?

Sái Chù gật đầu xác nhận. Vẫn còn lối đi về làng cũ. Bà con học tập làng khác, mở nhà trại nuôi trâu, bò, dê, ngựa theo mô hình liên kết giữa hộ gia đình- Đoàn thanh niên- Hội Nông dân- Hội phụ nữ để giúp đỡ tạo gen giống và bao tiêu sản phẩm. Điển hình là trang trại của già làng Giàng A Chống, có bãi chăn thả rộng hơn 2,5 héc ta, lớn nhất xã. Trâu 71, bò 72, con ngựa 17, dê không đếm hết.

Chỉ khi đến nơi, già Chống khua mõ gọi chúng về ăn mới thấy kín bãi. Già Chống dắt một đôi ngựa bạch đến sát bên tôi. Ông nói:  

- Cán bộ xem đi. Vợ, chồng ngựa bản địa hẳn hoi. Ngựa thuốc đấy!

Ngựa thường thì tôi biết. Ngựa bạch đẹp thế này có lẽ chỉ nom thấy trong phim Tây Du Ký luôn đi bên thầy trò Đường Tăng. Giờ đây chúng hiển hiện ngay trước mặt. Vuốt đôi bờm trắng mượt mà của cặp ngựa, lòng mình bồn chồn khó tả. Đây thực sự là giống ngựa bản địa quý hiếm. Thấy cặp ngựa hiền khô, tôi dí mũi hôn lên má từng con một. Con ngựa đực khoái quá, co hai chân vào ngực, đứng phốc lên hí vang. Nó làm như thế ba lần. Trời đất! Hắn cao đến thế ư? Tầm cỡ ba lần tôi. Lúc hắn hí, bộ lông bờm trắng thướt tha thả xuống đẹp như nàng tiên núi.

Thấy tôi háo hức. Già Chống bảo:

- Thích thì cưỡi thử.  

Tôi gật đầu, dạ ran. Già Chống cho biết: ông đang nhân giống lũ ngựa bạch truyền thống thành đàn lớn hơn. Hiện nay ngựa có giá siêu khủng, đạt đỉnh 170 ngàn đồng/1kg ngựa hơi. Trong khi đó trâu chỉ 60 ngàn đồng, bò 50 ngàn đồng/1kg hơi ngang hàng với lợn. Dừng giây lát, già làng cười lớn. phô hết cả hai hàm răng:

- Mình dự định thành lập: “HTX Ngựa Bạch”.     

Tôi buột miệng:

- Oách thế. Lấy đâu nhân lực và ngô, thóc cho ăn?

- Mình mời nhiều nhà cùng làm. Hiện tại mình có hơn 2 héc ta cỏ voi. Lúa ruộng 3,5 héc. Nương ngô gấp hai lần. Ăn sao hết.

Tôi gật, thán phục cái chí lớn của già làng, và đùa rằng:

- Khi nhậm chức Giám đốc, già dành chân thư ký cho mình nhá.

Quay sang Sái Chù, tôi hỏi thêm:

- Còn nhiều nhà làm kinh tế giỏi như A Chống không?

- Có chứ- Giàng A Sái Chù đọc một lô: Thào Lử, A Páo, A Ninh, A Vàng… A Say bố mình. Nhưng con trâu, con bò, con dê, con ngựa thua nhà A Chống hết. Tuần ba lần mình lên đây xem, cũng có hôm ở lại vài ngày, giúp bố và hướng dẫn bà con chăm sóc, tiêm phòng. Mưa rét như hôm nay đánh mõ gọi về chuồng ăn muối, đốt lửa sưởi ấm, trộn cỏ khô cho trâu, bò ăn. Riêng con ngựa phải chăn thêm ngô, thóc.

Câu chuyện đang nở thì tiếng chuông điện thoại rung lên. Sái Chù nghe xong liền bảo:

- Mình có công việc phải xuống huyện gấp. Anh cứ ở chơi. Tối uống rượu thịt ngựa sấy.

Thực ra mà nói, tôi định bụng ở lại để thưởng ngoạn đêm Xà Hồ nên gật ngay. Lang thang làng cũ, xuống đến làng mới thì trời nhá nhem. Nhìn đồng hồ đúng 5 giờ chiều. Mây xuống kín lối. Đèn đường, đèn điện trường Mầm non đã sáng. Giữa tíu tít phụ huynh, xe máy, có cả ngựa đến đón con. Xung quanh tôi, mặt người ăm ắp vẻ no đủ. Trong quán hát của thầy giáo Lý A Dơ, mấy cô gái, mấy chàng trai người cầm mic, người xoay ô ngả nghiêng vào nhau giữa tiếng nhạc réo rắt, trong trẻo sâu lắng của người vùng cao.

Tôi vui chân bước vào. Em gái Mông học thêu khi nãy mời nhảy cùng. Lại thêm tay xe ôm Nủ Chu đưa khèn bè lên thổi. Thấy vui quá nhiều người vỗ tay. Người ta tắt nhạc. Chỉ thổi kèn lá, khèn bè và sáo trúc thôi. Người ta ồ à, tụ dần lại thành một vòng tròn, nhảy cả ra sân. Vòng người lúc co, lúc dãn xê dịch theo người khèn. Nủ Chu ngừng. Người khác lại vào thay. Đêm xuống sâu. Vui quá chẳng ai muốn về. Mẹ Mảy cơi đống lửa to hơn, soi rõ mặt người. Họ như nghệ sĩ, say hết mình cho điệu “Vui chân/ Vui chân/ Ta cùng xuống chợ…”

Ơi, Xà Hồ! Xà Hồ! Lòng người sáng trong, ấm như ngọn lửa hồng./

 

                                                                 H.X.L

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter