Tuỳ bút của HOÀNG KIM YẾN
Trong không khí xuân tràn ngập từng ngõ xóm, cờ hoa rợp trời, người người nô nức, tôi đan với dòng người nườm nượp, hối hả chảy về khắp ngả để đến với chợ Bến Đò tìm kiếm một vài món quà quê cho ba ngày tết. Chợ quê giữa lòng thành phố, nằm ven con đường thênh thang toả đi khắp ngả phía hữu ngạn sông Hồng. Người xe không còn ken nhau như cái ngày còn ở chợ cũ, nhưng sản vật từ khắp ngả vẫn giản đơn, mộc mạc nằm trong rổ, trong rá, trong những tấm bạt trải trên nền xi măng, la liệt, không thiếu thứ gì trên đời. Tôi bị những sắc màu của hoa xuân lôi kéo, mê dụ. Đào nằm trên chậu, đào được bao xác rắn ôm lấy gốc hàng nối hàng góp thêm sắc hồng giữa muôn vàng sắc hoa của hồng, của ly, của cúc. Chị bán hàng đon đả giới thiệu cho tôi cây đào đẹp nhất. Nó mới được bứng ra từ đất làng Minh Bảo, từ những mô hình nhà nối nhà chuyển đổi giống cây trồng làm kinh tế hiệu quả. Giống cây được nhen lên từ sự mạnh dạn của người dân, từ sự giúp đỡ về vốn, về giống, về khoa học kỹ thuật của các cấp lãnh đạo xã để nâng đỡ những ước mơ sớm trở thành hiện thực. Tôi biết, không chỉ riêng Minh Bảo mà tất cả các địa phương trên toàn tỉnh cũng đang cố gắng dựng lên những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả để người dân có thu nhập cao trên chính đồng đất quê mình, để có thêm thật nhiều sản vật mang thương hiệu quê hương đi muôn ngả. Tôi đã từng được dạo bước trong vườn bưởi Đại Minh đúng vào mùa chín rộ, những trái bưởi tròn căng lúc lỉu kéo trĩu từng cành nhỏ sà xuống tận mặt người đi. Hương bưởi ướp cả vào trong gió, ngọt mát. Cũng từng được thưởng vị ngọt đậm đà của hương hoa qua từng giọt mật ong sánh mịn, vàng trong bắt mắt của Minh Bảo, được nâng bát cơm thơm dẻo được chắt chiu từ mạch nguồn trong vắt, từ đất, từ trời Bạch Hà. Và còn nhiều, rất nhiều những sản vật khác mang thương hiệu OCCOP được “trình làng” những năm qua. Riêng năm 2023 đã góp mặt vào đó 60 sản phẩm. Với quan điểm cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng chất lượng, giá trị, đồng bộ và hiệu quả, tỉnh ta đã có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó là căn nguyên để những vùng chuyên canh lớn của tỉnh như vùng lúa ở cánh đồng Mường Lò, Văn Yên, Lục Yên; vùng chè ở huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên; vùng tre măng Bát Độ huyện Trấn Yên; vùng quế các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên cùng với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản đang cùng sát cánh để phát huy hiệu quả kinh tế.
Người ta thường bảo, muốn biết dân no ấm hay không hãy đến chợ, bởi sức mua sẽ tỉ lệ thuận với khả năng tài chính. Nhìn dòng người đi về nối nhau, tay xách, nách mang, những chiếc xe máy dời chợ với lỉnh kỉnh nào rau, nào cá, nào thịt, nào gà, sau xe còn dắt thêm 1 bó hoa tươi về trưng tết. Ấy thế mà trong chợ, người vẫn ken lấy nhau. Các bà, các chị tay thoăn thoắt chọn lựa, miệng nói cười ríu ran. Người nọ sát vào người kia, không còn chỗ hở. Thế cũng đủ hiểu sức mua mạnh đến nhường nào. Tôi chợt nhớ đến thông tin: “Tốc độ tăng tổng sản phẩm của toàn tỉnh đạt 6,0%, đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tính bình quân 3 năm đầu nhiệm kỳ đạt 7,24% đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng”. Với chuyên ngành kinh tế tôi là người ngoại đạo, chỉ biết rằng tỉnh ta đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc là điều đáng trân trọng, tự hào. Dân mình giàu có lên một phần là do những chính sách, những quan điểm đúng đắn của tỉnh, những nỗ lực vì dân của toàn bộ hệ thống chính trị. Ở nông thôn, ngoài những sản vật được quan tâm giúp đỡ xây dựng thương hiệu, thì các hợp tác xã được tạo mọi điều kiện thành lập, được quan tâm đầu tư, cho vay vốn để trở thành một tổ chức vững mạnh, tập hợp những hộ gia đình cùng một mô hình phát triển kinh tế trở thành 1 tập thể vững mạnh, có tổ chức đại diện, có người đứng đầu dẫn dắt. Việc làm ấy giống như việc ta đang gom từng chiếc đũa rời rạc thành một bó, khó dời, chắc chắn, là những nhân tố tích cực làm nên sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà. Năm 2023 có 102 hợp tác xã được thành lập thì có 26 hợp tác xã được tỉnh hỗ trợ thành lập với kinh phí hỗ trợ là 450,8 triệu đồng để thấy rõ hơn điều đó. Với các doanh nghiệp, tỉnh luôn có chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nỗ lực tổ chức Chương trình “Cà phê doanh nhân” để lắng nghe những vướng mắc của doanh nghiệp, thực hiện chương trình “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” để chung tay cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Song song với việc duy trì, giúp đỡ các doanh nghiệp hiện có nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh, tỉnh ta cũng đang nỗ lực tạo mọi điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp thành lập, kêu gọi thu hút đầu tư từ những doanh nghiệp ngoài tỉnh. 5 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh với kinh phí 201 triệu đồng. 330 doanh nghiệp được thành lập. Cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 60 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4500 tỉ đồng và 20,4 triệu USD là những con số đáng nói khi nhắc đến năm 2023.
Trong giờ phút Tết đang cận kề, tôi chợt nhớ đến những người nghèo để thấy ấm lòng bởi họ không bao giờ đơn lẻ. Họ đang được các cấp lãnh đạo cùng những nhà hảo tâm chung tay lo cho một cái tết xum vầy đầm ấm. Tôi không thể quên những bước chân lặng thầm vượt núi, băng rừng của các cấp lãnh đạo để lên với những người nghèo. Họ mang theo rất nhiều cơ hội như vốn, như con giống, cây giống, tư liệu sản xuất để tạo đa sinh kế cho dân thoát nghèo. Chỉ cần dân nỗ lực, mọi khó khăn, vướng mắc đã có cán bộ, lãnh đạo chung tay tháo gỡ. Nói thì nhẹ tênh thế nhưng con đường thoát nghèo gập ghềnh và gian truân lắm lắm, đòi hỏi những công bộc của dân phải nỗ lực và vì dân thực sự. Tôi thầm cảm ơn những cố gắng ấy của lãnh đạo và nhân dân các địa phương để làm nên con số ấn tượng: Tỉ lệ hộ nghèo giảm 3,76%, vượt kế hoạch giao. Và “nhạc trưởng” cho bản giao hưởng mùa xuân ấy là hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Với cái nền là hai huyện khó khăn nhất của tỉnh mà đã bứt lên một cách ngoạn mục để tỉ lệ hộ nghèo giảm được trên 6,5%, vượt kế hoạch giao và cao gần gấp đôi tỉ lệ trung bình của cả tỉnh. Tết này chắc chắn những hộ vừa thoát nghèo ấy sẽ vui lên gấp bội, bởi đây sẽ là cái tết đầu tiên họ được hưởng sự no ấm trọn vẹn, họ được sống trong một mái nhà vững chắc trước giông gió. Những mái nhà được dựng lên từ sự chung tay giúp đỡ từ biết bao công sức của hàng xóm, của lãnh đạo các cấp và của các nhà hảo tâm. Con số 1.598 ngôi nhà được làm mới và sửa chữa đã đủ nói lên nhiều điều. Và tôi hiểu, niềm vui, sự hạnh phúc của những người đang sinh sống trong những mái ấm đó sẽ là con số lũy thừa.
Tôi chọn con đường mới mở chạy dọc bờ sông bên hữu ngạn để trở về trung tâm thành phố. Đường thẳng tắp, rộng thênh, thỉnh thoảng lại gặp một ngã rẽ. Nhiều đường, nhiều ngã rẽ thế. Những con đường ấy toả những vùng quê, nối liền thành thị với nông thôn. Mọi sự đều phát triển nhờ những con đường. Những vùng nông thôn ngày xưa nhờ những con đường mà giờ lên phố. Đâu đó còn bắt gặp những cây đào đang thắp lửa trong vườn, những cây bưởi quả vàng ươm vẫn đủng đỉnh đu mình trong gió, quất khiêm nhường điểm những quả vàng suộm vui mắt, gọi bướm về rập rờn, tiếng gà, tiếng vịt xôn xao, lan ra trong không gian mênh mông. Làng trong phố, phố trong làng, hiện đại, tiện nghi với mộc mạc, dân dã cho tôi cảm giác lạ mà quen. Có người từng bảo, không chịu đi đây đó, sẽ lạc ngay chính quê hương mình. Ừ đổi khác nhiều thế này không chắc chỉ ít người đi lạc. Đường nối Quốc lộ 32 với đường 174 huyện Trạm Tấu; Đường Quốc lộ 37, Quốc lộ 32C với đường Cao tốc Nội Bài- Lào Cai (IC12); Cầu Giới Phiên; Cầu Tô Mậu; Đường nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường Cao tốc Nội Bài- Lào Cai (IC15); Nút giao IC13, đường Cao tốc Nội Bài- Lào Cai; Đường nối Quốc lộ 32 với đường Cao tốc Nội Bài- Lào Cai (IC15)... Những con đường ấy nối vào cao tốc để đón về những tiến bộ, những phát triển từ những vùng kinh tế lớn hơn. Đó đều là những tuyến đường quan trọng, có sức lan toả và tác động lớn đến nền kinh tế- xã hội của tỉnh. Đấy còn chưa kể đã bê tông 600,12km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số chiều dài đường giao thông nông thôn được kiên cố hoá trên địa bàn toàn tỉnh lên 5.962,7km/ 8.074,6km.
Năm 2023, Yên Bái có thêm 1 huyện nông thôn mới (huyện Yên Bình), nâng tổng số đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới lên 4/9 huyện, đưa tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh đứng đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Cùng với đó là 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tất cả để tiếp tục khẳng định xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái là điểm sáng trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Tôi đã từng cảm thấy sức nóng của huyện Yên Bình khi toàn bộ hệ thống chính trị và người dân đang căng mình, dốc toàn lực cho chặng đua cuối cùng về vạch đích huyện nông thôn mới. Không ngày nghỉ, lúc nào cũng như đang trên ghế nóng, với phương châm “Không có gì là không thể, phải quyết tâm tìm cách để làm”. Có cái gì đó giống như một cuộc tổng tiến công, mà mỗi tiêu chí huyện nông thôn mới là một mũi đột kích. Ra quân không có thất bại, chỉ có cố gắng và quyết tâm chính trị cao. Vậy mà họ đã làm được, vượt chỉ tiêu đề ra.
Nghĩ về những nỗ lực của các huyện, thị, không thể không nhắc đến thành phố Yên Bái. Sau rất nhiều năm, cùng với nhiều nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân, thành phố chính thức được công nhận là đô thị loại II. Chẳng thể nói hết niềm vui trên khuôn mặt của những người đến dự Lễ công bố Quyết định. Đó có thể gọi là chiến công, là nỗ lực không ngừng nghỉ cho một mục tiêu tươi sáng dần tiệm cận đến hiện đại, bề thế và thông minh. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho thành phố Yên Bái đã khẳng định một điều mà đến giờ vẫn là niềm vui tràn ngập trong mỗi người dân thành phố: “... thành phố Yên Bái đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ một đô thị miền núi nhỏ bé, lạc hậu, trở thành đô thị hai bên sông, đa chức năng, có kết cấu hạ tầng đồng bộ; không gian kiến trúc cảnh quan giàu bản sắc; môi trường xanh, sạch, đẹp; người dân đoàn kết, thân thiện, nhân ái và hạnh phúc. Việc thành phố Yên Bái đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, được công nhận là đô thị loại II là sự khẳng định những thành tựu phát triển với vai trò, vị thế là trung tâm, động lực tăng trưởng của tỉnh Yên Bái và hướng tới là một trong các đô thị động lực của vùng Trung du và miền núi phía Bắc...”. Mỗi huyện, thị, thành phố với những khó khăn và thuận lợi riêng nhưng đều có chung một quyết tâm vượt khó để phát triển, để nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân. Mỗi nơi đang lặng thầm góp thêm 1 giọt nước để trở thành biển cả. Có lẽ chỉ số hạnh phúc của người dân năm 2023 đạt 65,62%, vượt kế hoạch giao là cái đích cuối cùng của mọi sự phát triển. Người ta thường nói “Gái có công thì chồng chẳng phụ”, vì thế những năm gần đây, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái vẫn long trọng tổ chức Hội nghị báo công kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm để vinh danh, ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của các địa phương, các ngành, các Ban đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ tại các chương trình hành động. Đó là lời động viên, khích lệ kịp thời, khơi dậy ở mỗi người một nỗ lực mới, một quyết tâm mới, đặc biệt là một niềm hứng khởi mới để tiếp tục thực hiện thật tốt nhiệm vụ của năm sau. Năm 2023 vừa qua, cũng tại Lễ báo công này đã có địa phương, ngành, Ban được xướng danh lên bục danh dự nhận thưởng. Tỉnh ta đã dành số tiền rất lớn để thưởng cho những đơn vị hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tại Chương trình Hành động số 135 của Tỉnh uỷ Yên Bái. Họ đã cố gắng và họ đã được ghi nhận. Niềm vui ấy có lẽ giờ đây vẫn còn đang lấp lánh trong ánh mắt của mỗi người nhận thưởng.
Xuân chính thức gõ cửa từng nhà, Yên Bái đang nâng tầm vị thế, đó là thứ sức xuân mang về mọi điều mới mẻ. Và việc Quy hoạch tỉnh Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý và tạo động lực mạnh mẽ để Yên Bái tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai là một trong nhiều điều mới mẻ ấy. Bởi theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thì “Quy hoạch tỉnh Yên Bái được lập và phê duyệt với triết lý và khát vọng về một Yên Bái “Xanh- Hài hòa- Bản sắc và Hạnh phúc” là hình mẫu phát triển của vùng miền núi Trung du phía Bắc và cả nước”.
Tin khác