Đám cưới mùa dịch

 

Truyện ngắn của Minh Ngọc

 Nhắc đến ông Nhất giới xây dựng cả tỉnh này không có ai là không biết. Đi lên từ anh phụ xây, vốn tính vui vẻ, vô tư lại phóng khoáng nên dần dà ông Nhất thành cai thầu, rồi Chủ tịch Hiệp hội xây dựng tỉnh. Thời trẻ, ông Nhất làm ở đâu là anh em rủ nhau tìm đến xin việc cùng. Sau khi tách ra làm riêng mọi người đều rút các nơi về đầu quân cho ông Nhất. Ban đầu đội thợ chỉ năm, sáu người, tăng dần lên chục, đôi ba chục, lúc đông nhất đến hàng trăm. Các loại công trình to bé ông nhận tất miễn là có tiền, có việc cho anh em. Được cái ông Nhất chắc nghề, lại tận tâm, trách nhiệm nên chủ nhà rất yên tâm khi giao công trình cho ông. Chủ nhà chỉ việc đưa bản vẽ, nói rõ ý tưởng còn mọi việc ông lo hết. Với ông, xây nhà không chỉ là nghề kiếm cơm mà còn là niềm vui, tâm huyết của vợ chồng ông. Việc đêm hôm mưa gió chủ nhà say giấc, vợ chồng ông sấp ngửa chạy ra công trình che đậy vật liệu, khai rãnh nước là bình thường. Rồi những lúc thiếu ống nước, thiếu dây điện không gọi được chủ nhà ông đều chủ động bỏ tiền túi ra mua làm cho kịp việc. Ông vẫn cười nói “Nếu đây là nhà tôi thì tôi cũng chỉ làm được đến thế thôi”. Vì thế nhà nào cũng tin tưởng và không tiếc trả thêm cho ông một khoản kha khá khi thanh toán.

Ông có hai thằng con trai. Thằng lớn học trung cấp nông nghiệp ra trường mấy năm nay chưa xin được việc, nhất quyết không theo nghề bố mà đi làm chân Shipper cho siêu thị. Không may một tối về muộn, xe thằng Tình đâm vào con chó từ trong ngõ lao ra. Thằng Tình ngã gãy chân, rạn xương tay, trán khâu mất hơn 10 mũi. Đi tong hơn trăm triệu. Tiếc tiền thì ít, xót con thì nhiều bởi ông Nhất nghĩ nó bị thế là do ông. Ông thì cứ cái tính dễ dãi. Nhiều nhà chủ không được tuổi làm nhà, thuê đội của ông tiện thể mượn tuổi, mượn tên ông làm lễ. Ông tặc lưỡi. Người ta nhờ, tuổi mình hợp, từ chối cũng không đành. Cái hạn nó lại đổ vào nhà ông. Nhưng biết làm sao được. Ông giời sẽ có mắt. Nhìn thằng Tình nhiều khi ông hết thương rồi lại chuyển sang lo. Thanh niên công ăn việc làm không có, lại gẫy chân, gẫy tay thế này không biết sau vợ con thế nào. Mọi người vẫn bảo bao nhiêu cái duyên ông Nhất lấy tất. Hóm hỉnh, xốc vác, đẹp trai nên các cô chỉ gặp ông một lần đã thấy mến. Thằng Tình thì lành như cục đất, nhìn thấy con gái hai tai cứ đỏ dần, rồi cái mồm như mang đi giấu. Giờ cũng 27 tuổi đầu chứ đâu có ít. Xưa tầm tuổi ấy ông đã có hai anh em nó. Giục bao lần xem có cô nào đưa về ra mắt bố mẹ nhưng nó cứ lảng đi. Nói mãi cũng chán, ông Nhất thũng thẵng “Kệ mày. Có thân thì tự lo”. Nói thế chứ không lo sao được. Kiểu này rồi ông bà sẽ mệt. Ông vẫn chắc mẩm thế.

Ấy vậy mà đùng một cái thằng Tình tuyên bố muốn lấy vợ. Con bé Lành bán thuốc ngay phố trung tâm chứ đâu. Con bé nhanh nhẹn lại xinh đáo để. Khỏi nói ông bà mừng thế nào. Nhưng khốn nỗi nó quyết lúc nào chẳng quyết lại quyết đúng vào cái thời điểm này, khi con vi rút Corona đang bùng phát ghê gớm. Các nước trên thế giới giờ hơn cả thời chiến, người chết như ngả rạ. Ra đường nhìn đâu cũng thấy khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn, nước xúc họng. Không khí dịch bệnh bao phủ khắp nơi. Chính phủ ta phải tính toán đủ các phương án. Các nhà khoa học, các y bác sỹ phải ngày đêm nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm, xuyên đêm phòng chống dịch. Quân đội phải nhường doanh trại, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho người cách ly. Các chiến sĩ biên phòng không quản khó khăn vất vả bám chốt, tuần tra biên giới, ngăn ngừa dịch bệnh. Toàn dân trên dưới một lòng, sẵn sàng góp một phần tài sản vào công cuộc chống dịch… Bản thân ông, cầm tinh con ngựa đấy mà cũng chẳng dám đi đâu. Các chương trình gặp mặt, liên hoan ông đều phải tìm cớ vắng. Đến ông giám đốc sở trên tỉnh còn phải hoãn đám cưới con vì dịch nữa là. Đám nào không đừng được thì khách khứa thưa vắng, ai cũng vội vội vàng vàng ngồi vào bàn ăn nhanh cho xong rồi về, chẳng giao lưu, trò chuyện. Chào về mà như chạy trốn. Nghĩ thôi ông đã thấy oải. Mấy nay, ngày nào cũng có thông báo, công văn yêu cầu thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Gia đình ông đã ký cam kết rõ ràng, giờ làm ngược lại sao được. Nghĩ đi nghĩ về, bữa tối, đợi thằng Tình húp nốt bát canh, ông Nhất bảo:

- Việc cưới xin của mày để thư thư mấy hôm bố xem thế nào, chứ tình hình dịch bệnh thế này tổ chức ra là dở. Mời người ta không đi, người ta áy náy, mình ế cỗ. Người ta đi thì lo lắng, phấp phỏng, vui vẻ gì- Ngừng một lát ông nói tiếp- Hay cứ để cuối năm rồi tính?

Thằng Tình như bị điện giật, gạt phăng:

- Không được, chúng con quyết tâm rồi. Bố mẹ lo cho chúng con càng sớm càng tốt.

Thấy hai bố con có chiều căng thẳng, bà Thời nhỏ nhẹ:

- Cưới xin là việc cả đời. Đợt này tỉnh yêu cầu phải hạn chế các hoạt động tụ tập đông người trong đó có đám cưới. Đang tình hình này, mình phải chấp hành, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Mọi người vì một người, một người phải vì mọi người con ạ.

- Nhưng…

- Thôi không nhưng nhị gì hết, để bố sang nhà bên nói chuyện. Có nhanh cũng phải để đợt dịch này lắng xuống, không cũng phải sang thu cho mát mẻ- Ông Nhất dứt khoát.

- Ôi thế không được!

Ông Nhất bắt đầu thấy nóng mắt. Hàng ngày thằng Tình bảo gì nghe nấy, vậy mà hôm nay nó cố cãi ông đến cùng. Ông lớn tiếng:

- Sao không được?

- Tại… tại Lành có em bé rồi ạ- Mặt thằng Tình cúi gằm, đỏ lựng. Cái tay nó miết đi miết lại bên thành chiếc ghế sa lông trông đến tội.

Ông Nhất bất ngờ. Mặt ông đổi sắc trong tích tắc. Ái chà, thằng này trông thế mà khá thật. Vốn tính vui vẻ ông suýt bật cười vỗ vai thằng con trai, nhưng kịp dừng lại. Bởi tình thế này đâu có cười được. Mà gay, gay thật chứ chẳng phải đùa.

Xưa nay ông luôn hãnh diện, dù không giàu có nhưng bạn bè ông không thiếu. Từ đại gia đến dân lao động đều quý mến ông. Trước ông vẫn bảo, thằng Tình mà cưới vợ ông sẽ tổ chức thật hoành tráng. Ông không cho nó được nhiều tiền nhưng phải cho nó cái danh dự, để nó thấy bố nó ăn ở thế nào anh em bạn bè mới đông, mới nhiệt tình đến thế. Chẳng gì chứ cưới thằng Tình, chỉ cần ông có lời thôi là các cai thầu to, chủ thầu lớn trong tỉnh, ngoài tỉnh sẽ có mặt tất. Ô tô con loại sang đỗ chật đường đến nhà gái là đương nhiên. Ban bệ không thiếu. Nhà gái sẽ phải hãnh diện khi kết thông gia với nhà ông. Nhưng tình hình thế này, mọi mong muốn, dự định của ông đều xem như xôi hỏng bỏng không hết cả.

Chưa tìm ra phương án giải quyết thì ngay sáng hôm sau, tỉnh tiếp tục có công văn khẩn yêu cầu hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám cưới, thậm chí còn tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh không cần thiết để dịch không lây lan. Ông lo đến mất ăn, mất ngủ. Dừng thì lỡ việc trăm năm của con, khổ chúng nó, làm cho đàng hoàng thì vi phạm quy định, không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân. Bà Thời nằm bên cạnh hết thở dài thở ngắn lại cằn nhằn điệp khúc: “Thật chẳng ra làm sao”. Nói mấy lần không được, ông bật dậy, gắt: “Sao với trăng gì, để yên tôi tính” rồi với tay lấy chiếc điếu, mắt nhìn chằm chằm vào ngọn lửa bập bùng cháy trên que đóm.

*

Chọn ngày đẹp, ông cùng gia đình và mấy anh em trong Hiệp hội xây dựng sang dạm ngõ nhà gái. Sau một hồi bàn bạc, tiếng ông thông gia bắt đầu gay gắt:

- Đầu tháng sau chỉ ăn hỏi, cuối tháng mới được cưới. Việc hệ trọng cả đời chúng nó phải làm đầy đủ, không thể làm tắt được. Tôi đã lên danh sách, bên tôi ít cũng phải dăm chục mâm.

- Theo tôi hôm ăn hỏi cứ cho chúng nó đăng ký đã. Lúc nào cưới sau cũng được. Chứ tình hình này tôi e cuối tháng mà cưới là khó đấy!- Ông Nhất cố giữ giọng mềm mỏng.

- Không được. Bao giờ cưới mới được đăng ký. Chứ sau chẳng cưới nữa thành ra con gái tôi về theo không à? Tôi còn phải nhìn hàng xóm láng giềng nữa chứ?- Tiếng ông thông gia cương quyết.

Ông Nhất vẫn kiên trì thuyết phục:

- Ông bà cũng rõ mà? Để lâu đứa bé lớn, sinh ra không có bố sao được?

Ông thông gia mặt thuỗn ra. Thật là thế khó. Ông dồn ánh nhìn tức giận về phía con gái:

- Thật không ra làm sao hết…

Nhìn vẻ khó xử của hai bên, anh trai cả của ông Nhất ôn tồn:

- Thưa ông bà, giờ hạnh phúc của các cháu mới là quan trọng. Người lớn chúng ta nên vì các cháu mà bàn bạc thống nhất cho hợp tình hợp lý. Theo tôi, hôm ăn hỏi nên để hai cháu đăng ký kết hôn luôn. Tạm thời gia đình tôi sẽ đón cháu Lành sang bên nhà cho tiện chăm sóc. Khi nào dịch yên sẽ làm lễ cưới sau. Trong tình hình này thủ tục lễ nghi hay thể diện phải để sau ông ạ.

Thấy ông thông gia vẻ chừng xuôi xuôi, bà Thời tiếp lời:

- Chúng nó là vợ chồng rồi ông bà bên này không phải lo gì nữa. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm với con Lành, với cháu ngoại của ông bà. Mấy nữa khi nào dịch được khống chế, hai gia đình ta sẽ làm đám cưới thật to ông ạ. Biết đâu vào dịp thằng cu con sinh nhật thì càng hay!

- Vậy thì cũng lằng nhằng quá nhỉ.- Bà thông gia không giấu vẻ chần chừ, đưa mắt sang phía chồng. Ông thông gia nhìn thằng Tình đang cố dỗ con Lành mắt đỏ hoe ngồi dúi trong góc, vuốt vạt áo đứng dậy:

- Vâng, thôi giờ tất cả cũng vì hạnh phúc của các con. Ông bà đã có lời vậy chúng tôi cũng xin theo ý ông bà. Nhưng tôi xin có ý kiến thêm. Ta sẽ không tổ chức cưới sau nữa mà kết hợp ba trong một luôn. Hôm ăn hỏi sẽ cho hai đứa đăng ký rồi làm lễ xin dâu luôn. Như thế mình vẹn cả đôi đường, vừa được việc cho các con, vừa không vi phạm quy định của tỉnh, còn góp phần chung tay hạn chế dịch ông bà ạ.- Mặt ông thông gia dãn ra- Mà tôi cũng quyết rồi, danh sách khách mời bên tôi sẽ giảm tối đa. Bên ông bà cũng nên thế nhỉ?

Ông Nhất khựng lại. Bao năm làm Chủ tịch Hiệp hội xây dựng, ông đứng ra tổ chức, hô hào, không vắng trong bất cứ đám hiếu, đám hỉ nào. Thằng con ông gần ba mươi tuổi đầu mới chịu lấy vợ, ông cũng phải được thể hiện tí chứ. Chưa kể bao anh em bạn bè vẫn bảo ông có cỗ mà không mời là ghét, là xem thường nhau. Rồi việc mời người này, không mời người khác thật vô cùng khó xử. Nhưng... giữa tình hình dịch dã gay go này, ông thông gia còn đưa ra phương án ba trong một nữa là. Thôi, tất cả vì con, vì công cuộc chống đại dịch. Sự im lặng của ông Nhất khiến không khí trùng xuống. Hai đứa trẻ nen nét nhìn về phía ông Nhất vừa đợi chờ, vừa cầu khẩn. Một lời nói của ông sẽ quyết định cả tương lai của chúng nó. Nhìn quanh một lượt, ông Nhất nói từng từ rành rọt: “Tôi nhất trí. Đại diện thôi. Chắc mọi người sẽ thông cảm ông ạ”. Bà Thời thở phào, vỗ tay đầu tiên. “Mọi người chắc chắn sẽ thông cảm”. Tiếng bác cả đồng tình. Ông thông gia đứng bật dậy, cười rổn rảng:

- Thế là tốt rồi. Tổ chức cưới cho chúng nó vào thời tiết này là nhất. Cứ nắng lên, chẳng mấy mà con Cô vít kia sẽ tiêu sớm thôi ông ạ…

Nhìn vẻ mãn nguyện của ông thông gia, ông Nhất thấy lòng nhẹ bẫng. Ông nhìn ra hiên. Từng đốm nắng đu đưa trên mặt sân láng xi măng nhẵn bóng. Xung quanh, cây cối sau giấc ngủ đông đang đua nhau đâm chồi, nảy lộc. Khóm huệ tây trước ngõ bắt đầu vươn những ngó hoa mập mạp, bung cánh hoa đỏ rực đón chào mùa mới.

M.N

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter