Hà Nam
Đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế- xã hội của nước ta. Kể từ trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23/1/2020 và nhất là từ 27/4/2021 đến nay, đợt dịch đang diễn ra lây lan ở nhiều tỉnh thành, với tốc độ mạnh hơn, phạm vi rộng hơn, đỉnh dịch có vẻ dài hơn và tấn công nhiều bệnh viện hơn, chủng vi rút lây lan nhanh hơn. Tại thời điểm ngày 27/8/2021, Việt Nam đã có 392.938 ca COVID-19, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.997 ca nhiễm). Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 388.814 ca, trong đó có 188.488 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh*.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn thể hệ thống chính trị đã vào cuộc. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã vào tận vùng tâm dịch để trực tiếp chỉ đạo và động viên nhân dân phòng chống dịch. Một Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập do Thủ tướng làm Trưởng Ban và 4 Phó Trưởng ban là 3 Phó Thủ tướng và 1 Phó Chủ tịch Quốc hội (trong đó có 3 Ủy viên Bộ Chính trị). Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng ra nghị quyết riêng về vấn đề này. Và ngày 29/07/2021, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19:“Với tinh thần “chống dịch như chống giặc,” bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Phòng chống COVID-19 được coi là công việc quan trọng, cấp bách nhất hiện nay. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch và nhất là thực hiện Chiến lược Vaccine. Chính phủ quyết tâm thực hiện hiệu quả Chiến lược Vaccine với phương châm mua được vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để chủ động sản xuất Vaccine trong nước và tiêm chủng miễn phí cho toàn dân kịp thời, an toàn và hiệu quả. Còn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đi kiểm tra chống dịch đã nhấn mạnh mục tiêu trước hết, trên hết và quan trọng nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe và an toàn sức khỏe của nhân dân, giảm tối đa số ca tử vong. Theo đó, nhiệm vụ cốt tử là phải thực hiện cho được biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 và muốn thực hiện được thì phải lo được đời sống của nhân dân, không được để dân thiếu đói.
Có thể nói cả nước đang căng mình chống dịch, sẵn sàng dồn nguồn lực cho các vùng trọng điểm như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng cùng các tỉnh Đông và Tây Nam bộ. Ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, số ca lây nhiễm nhanh và cao, có ngày lên tới 4 ngàn ca. Bộ Y tế hỗ trợ tối đa lượng Vaccine cùng các nguồn cung khác để tổ chức tiêm chủng cho tất cả các đối tượng trên 18 tuổi đang sinh sống tại địa bàn thành phố, trong đó vẫn ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, người trên 65 tuổi, bệnh nền. Ngay sau khi có Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vào đêm 29 rạng sáng ngày 30/7, một ngàn đơn vị khối hồng cầu từ Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đã kịp thời được chuyển qua đường hàng không từ Hà Nội tới thành phố Hồ Chí Minh chi viện cho kho máu của Bệnh viện Chợ Rẫy để truyền cho những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch. Những chuyến hàng thiết yếu từ mọi vùng miền trong cả nước theo “luồng xanh” gửi đến đồng bào và chiến sĩ nơi chống dịch. Lương thực, thực phẩm cho đến những nhu yếu phẩm cần thiết khác phục vụ đời sống hằng ngày. Cộng đồng mạng dịp này cũng không ngừng đưa tin nhiều doanh nghiệp, cá nhân, kiều bào ở nước ngoài đóng góp tích cực vào công cuộc chống dịch như mua Vaccine, thiết bị y tế, thuốc điều trị, cung cấp ô xy… giúp giải quyết một phần khó khăn cho Nhà nước. Cảm động sao khi đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy được gương cụ bà Dương Thị Tuyết 72 tuổi ở Bình Phước đang đem tình yêu thương bằng hiện vật rất thiết thực để tiếp thêm sức mạnh cho những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc chiến chống COVID. Nhật ký của một chiến sĩ tại chốt kiểm dịch còn ghi lại: Khoảng 7h tối có 2 mẹ con chở trên 2 chiếc xe máy đến chỗ các anh một sọt nào là chén bát, thìa, đũa, một sọt đựng xoong cháo gà nóng hổi với một thố hành lá và một thố thịt gà đã xé sẵn đến cho các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Chị còn dặn đi dặn lại anh em "Ăn xong cứ gom chén bát đó, mai chị mang về nhà rửa!". Một lúc sau, một chị có dáng người nhỏ nhắn với chiếc xe máy khá cũ (nghe mọi người bảo nhà chị nghèo lắm) nhưng vẫn nấu và chở đến cho các anh những tô bánh canh ăn để có sức làm việc. Rồi hàng chục vạn thầy thuốc xung phong đến các tỉnh gặp nhiều khó khăn để hỗ trợ dập dịch, cứu người. Hầu như mọi tỉnh, thành phố phía Bắc đều thành lập các đoàn quân tình nguyện “Nam tiến”. Lực lượng dân y, quân y, các trường đại học, cao đẳng y dược đều huy động hết khả năng, lực lượng tham gia chống dịch. Hãy nghe một tình nguyện viên tâm sự: “Những ngày đầu, bộ đồ bảo hộ với em như 1 cái lò vậy, lần nào cởi ra cũng ướt nhẹp. Lớp găng lót thì đeo liên tục trong ít nhất 4 tiếng. Không có thời gian tháo băng dính để thay anh ạ. Lớp găng ở ngoài thì thay liên tục. Đứng nắng, mồ hôi ra nhiều, có những hôm em bỏ găng ra mà xót hết cả tay, không cầm được đồ. Nhưng giờ sau 2 tháng thì cũng quen rồi”. Vất vả lắm, bác sĩ CK2 Trần Thanh Linh- Phó Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 sau 10 ngày chính thức nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, tóc bạc thêm nhiều và trông già hơn. Còn bao thầy thuốc và tình nguyện viên khác cũng đang hết mình chống dịch mà không bút nào tả xiết. Đã có những thầy thuốc hy sinh trong quá trình trị bệnh cứu người do kiệt sức và bị nhiễm bệnh. Ngoài chữa bệnh, họ còn phối hợp với giới nghệ sĩ tham gia biểu diễn văn nghệ động viên tinh thần người bệnh tại các khu cách ly, mua đồ dùm dân khoảng thời gian giãn cách. Đọc báo, tôi ấn tượng tốt đẹp với hình ảnh thượng úy Nguyễn Thanh Bình- Hải đội 2 (Bộ đội biên phòng Đà Nẵng) đã bế cụ bà Phan Thị D. từ tầng 4 của khu cách ly tập trung lên xe cứu thương chở đến cơ sở y tế để điều trị khi cụ nhiễm bệnh. Rồi những ngày cuối tháng 8, khi tình hình dịch bệnh lây lan nhanh ở thành phố Hồ Chí Minh và mấy tỉnh phía Nam thì quân đội đã phát huy sức mạnh “Bộ đội Cụ Hồ” mà vào cuộc. Các chiến sĩ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, dân phòng, y tế kiểm tra, kiểm soát thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; sàng lọc F0 đưa đi điều trị tạo vùng an toàn cho cộng đồng. Họ cũng giúp dân “đi chợ”, trực tiếp cung cấp lương thực, thực phẩm tới từng hộ gia đình, thậm chí lo cả việc hỏa táng và giữ tro cốt người xấu số qua đời. Các chiến sĩ công an cũng nêu cao tấm gương “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, ngày đêm tuần tra và trực nơi chốt kiểm dịch giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Anh cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh không nỡ phạt hai chị em N người tỉnh Phú Yên lỗi ra đường không cần thiết, lại còn lấy 500.000 đồng gửi họ với lời dặn: “Không phải không muốn cho các em về nhưng thành phố đang dịch bệnh nên phải chịu thôi. Các em cầm tiền sống tạm đi, anh lấy số điện thoại có gì anh sẽ hỗ trợ thêm!”. Công an Thừa Thiên Huế, Gia Lai… ngoài tổ chức xe dẫn đường còn cung cấp xăng, hỗ trợ đồ ăn, thức uống cho những người lánh dịch về quê. Và hơn lúc nào hết, nhân dân cả nước càng cần vững tin, đồng lòng, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định chống dịch để không phụ sự vất vả của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ y, bác sĩ.