Covid và văn hóa Việt

Hoàng Kim Yến

Tính đến ngày hôm nay (27/4), thế giới có tới 2.991.073 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid- 19), trong đó có 206.822 người tử vong. Rất nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Italya… đã hoặc đang vỡ trận vì dịch bệnh này. Các nước trên thế giới vẫn đang nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh nhưng số người nhiễm mới và số người tử vong vẫn tăng lên chóng mặt. Trong tình thế nguy cấp đó, nổi lên một Việt Nam với 270 người nhiễm bệnh thì 225 ca bình phục, số người tử vong là 0 và 11 ngày qua không có ca nhiễm mới. Cả thế giới chững lại để nhìn về Việt Nam. Báo giới ngỡ ngàng, lý giải thành quả bất ngờ trong kiềm chế dịch bệnh ở Việt Nam để đưa ra một bài học sáng giá. Riêng đối với Việt Nam, thắng lợi đó ngoài nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, còn là truyền thống văn hóa của người Việt- Sức mạnh tiềm tàng, nhưng đủ để làm nên những điều vĩ đại trong lịch sử dân tộc.

 

Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức truyền thông, phát khẩu trang, găng tay miễn phí

cho người dân và một số đơn vị để phòng chống dịch COVID-19

 

Ta không thể quên những chuyến chuyên cơ của Việt Nam chở những người con đất Việt trở về từ vùng dịch mà không mất bất kỳ chi phí nào. Dẫu biết rằng đưa họ về quê hương là sẽ đem thêm nhiều nguy cơ, là sẽ mang theo nhiều khó khăn vất vả đối với một nước chưa hẳn là giàu có như nước Việt. Nhưng Đảng, Nhà nước, và toàn thể người dân Việt Nam đều đồng tình về hành động ấy. Họ chấp nhận đối mặt với khó khăn để dang rộng vòng tay đón những người con xa xứ trở về quê hương trong sự đùm bọc, che trở. Tại sao lại như vậy, trong khi ở một số nước khác người dân phản đối chính phủ gay gắt, họ sẵn sàng gạt bỏ chữ tình một cách thẳng băng. Tôi đã từng đặt câu hỏi như thế và rồi thấm hơn ai hết truyền thống “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…” của dân tộc. Thì ra trong cái xã hội đầy lo toan, truyền thống đó chưa có cơ hội được tỏa sáng thôi chứ thực chất nó vẫn ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Tự nhiên tôi thấy yêu dân tộc mình đến thế.

Dịch bệnh Covid- 19 đặt dân tộc Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, từ những đồng chí cán bộ cấp cao cho đến những người nông dân chân chất, không ai là không nhìn ra điều đó. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã không kể ngày đêm họp bàn nhằm đưa ra những quyết sách một cách nhanh nhất, kịp thời nhất đối phó với những diễn biến khó lường của dịch bệnh. Chung vai gánh cùng dân tộc, người dân Việt Nam đã làm được những gì? 10.000 cán bộ, chiến sĩ nằm bạt, ngủ rừng để nhường chỗ cho người dân về cách ly; 280 bác sĩ, y tá về hưu đăng ký quay lại chống dịch tại quận Bắc từ Liêm, Hà Nội; 700 sinh viên các trường y khoa ở Hà Nội đăng ký tham gia công tác phòng chống dịch; hơn 120 khách sạn chủ động xin làm nơi cách ly, sẵn sàng bao ăn ở cho khách; 43 tỉ đồng đã quyên góp được cho quỹ “Toàn dân ủng hộ phòng chống Covid- 19” chỉ sau 2 ngày phát động; các cây ATM gạo đang dần mọc lên để hỗ trợ cho những người nghèo bị ảnh hưởng bởi Covid và rất nhiều, rất nhiều những mạnh thường quân đã tự nguyện bỏ ra tiền tỷ để ủng hộ Chính phủ Việt Nam phòng chống đại dịch. Hình ảnh những cụ già mang đến nơi cách ly bọc trứng, túi gạo trao cho các chiến sĩ đang tận tình chăm sóc người cách ly gợi ta nhớ đến những bà mẹ miền Nam lặng lẽ len vào hàng quân đang hùng dũng nối đuôi nhau “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” chỉ để nắm được tay các con hay dúi vào tay chúng nó đòn bánh tét. Tình nghĩa quân dân keo sơn giờ đang hiện hữu tại đây, trong đợt chống lại giặc Covid này. Ta cũng không thể quên sáng kiến tặng cà phê, trà miễn phí kèm lời nhắn động viên các y bác sĩ của một cửa hàng trên phố Hoàng Đạo Thúy (Cầu giấy, Hà Nội). 100 lời nhắn của khách hàng đã được các nhân viên của quán nắn nót viết lại và chuyển đến tận tay các y bác sĩ. Không thể quên 600 suất ăn cùng những lời nhắn nhủ, cảm ơn, động viên hàng ngày gửi tới đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương do cư dân Ciputra cùng nhiều cá nhân, đơn vị thủ đô giúp sức. Tôi tin những tin nhắn động viên đó sẽ là những liều thuốc tinh thần để những người trên tuyến đầu chống giặc dịch thêm vững vàng “chiến đấu”. Rồi ta chợt hiểu, trước khó khăn, người Việt Nam luôn xích lại gần nhau để cùng chung lưng đấu cật. Sức mạnh của tình đoàn kết đã tạo ra phép màu như báo chí Nga khẳng định “Phép màu Việt Nam- cách một dân tộc dũng cảm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đánh bại đại dịch khủng khiếp”.

Ta thấy ấm lòng biết bao khi nhận được những chia sẻ thiết thực từ Chính phủ. 100% người nhiễm Covid được điều trị miễn phí; 100% người cách ly tại các khu tập trung được bao ăn, bao ở tận tình. 62 nghìn tỷ đồng Chính phủ dành hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người dân đang gặp khó khăn bởi đại dịch. Có nơi nào người dân được bao bọc, trở che như ở Việt Nam? Có lẽ chính vì thế mà rất nhiều người Việt xa xứ đang có mong muốn cháy bỏng trở về Việt Nam để được hưởng thụ những điều tốt đẹp nhất này của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong đại dịch Covid ta lại thêm tự hào về trí tuệ Việt Nam. Đầu tiên là việc chế tạo thành công bộ Kit phát hiện Covid- 19 với độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với bộ Kit realtime RT- PCR của WHO và năng lực sản xuất là 10.000 bộ/ngày. Thành công này của trí tuệ Việt Nam được thế giới công nhận. Điều đó được thể hiện ở việc tổ chức Y tế thế giới WHO đề nghị Việt Nam chia sẻ quy trình nghiên cứu, chế tạo và sản xuất bộ Kit phát hiện SARS- CoV- 2 để cung cấp cho các phòng nghiên cứu khác trên thế giới và 20 nước tìm đến Việt Nam đặt mua về sử dụng. Tiếp đó là đội ngũ kỹ sư Việt đã chế tạo thành công buồng khử khuẩn toàn thân. Với tấm lòng nhân ái, một doanh nhân Việt đã sáng chế ra cây ATM gạo để hỗ trợ những người nghèo bị ảnh hưởng bởi Covid. Mô hình đó đang được nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, gây nhiều ấn tượng với truyền thông thế giới về sự nhân văn và sáng tạo.

Đại dịch Covid- 19 nhắn nhủ cho thế giới một điều từ xưa đến nay vẫn thế “Việt Nam luôn là bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới”. Trong khó khăn, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ mọi điều cho các nước bạn. Bởi văn hóa Việt Nam luôn hiểu “Một miếng khi đói” giá trị nhường nào. 5000 tấn gạo Việt Nam ủng hộ Cu Ba chống dịch Covid; tăng cường sản suất thiết bị y tế quyên tặng các quốc gia đang có nhu cầu cao như Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Đức và Anh; quyên tặng khẩu trang, dung dịch rửa tay và các vật tư y tế cho Campuchia và Lào… Chẳng phải ngẫu nhiên mà trang tin Asia Times ngày 16/4 đã đăng tải bài viết của tác giả David Hutt với tiêu đề “Việt Nam sẽ trở thành nước thắng lớn sau đại dịch”, trong đó có nhận định, … cách Việt Nam ứng phó với Covid-19 cũng như chính sách ngoại giao của Việt Nam trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh sẽ “giúp Việt Nam chứng minh giá trị của mình với thế giới” .

Trong đại dịch này, có lẽ triệu triệu trái tim Việt Nam sẽ không ngừng đập vì Tổ quốc.

 

H.K.Y

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter