Những phong tục, nghi lễ trong lễ cấp sắc của người Dao Quần trắng ở Yên Bình

BÙI BÌNH           

Với người Dao nói chung, lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ, sự kiện quan trọng trong cuộc đời của người nam giới. Lễ cấp sắc là nghi lễ có ở tất cả các nhóm Dao, song mỗi nhóm lại có sự khác biệt nhất định về quan niệm, nghi thức cho đến cách thức thực hiện nghi lễ. Với nhóm Dao Quần trắng nói chung và người Dao Quần trắng ở Tân Hương, Yên Bình nói riêng, lễ cấp sắc thường chỉ được thực hiện cho nam giới từ đủ 10 tuổi trở lên, chứ không làm cho người dưới 10 tuổi.

Theo quan niệm của đồng bào, người con trai dù đã lớn nhưng chỉ khi trải qua nghi lễ cấp sắc thì mới được cộng đồng công nhận là người trưởng thành, mới có vị thế và được tham gia vào các sự kiện, công việc mang tính chất tín ngưỡng, tôn giáo của gia đình, dòng họ và cộng đồng tộc người của mình như chuẩn bị cho lễ cúng, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, tiếp khách, đi đưa đám hay tham gia vào các nghi lễ của cộng đồng; đặc biệt là đủ điều kiện để được làm những công việc như thầy cúng, thầy giáo hoặc thầy thuốc. Người Dao Quần trắng ở Yên Bình còn quan niệm rằng, người con trai sau khi được cấp sắc mới nhận được sự bảo vệ của âm binh và sự phù hộ của thần linh, tổ tiên. Với những người chưa được cấp sắc, dù đã ở độ tuổi nào thì vẫn bị coi là trẻ con, chưa thấu hiểu được tập quán truyền thống của dân tộc, chưa phân biệt được phải trái nên không được phép thờ cúng tổ tiên, không được đảm nhận những công việc quan trọng mà chỉ làm phục vụ, nhất là khi chết sẽ không được làm chay nên sẽ không được về với tổ tiên…

Lễ cấp sắc là nghi lễ bắt buộc nên luôn là điều mong mỏi của những gia đình có con trai đến tuổi. Song, để thực hiện được một nghi lễ cấp sắc đầy đủ nghi thức lại cần nhiều thời gian chuẩn bị và chi phí khá tốn kém. Nhiều gia đình phải mất cả năm chuẩn bị, thậm chí còn cần đến sự giúp đỡ, hỗ trợ của anh em, họ hàng và bạn bè. Theo quan niệm của người Dao Quần trắng, nam giới khi chưa có pháp danh (tên âm) thì chưa được làm cấp sắc. Do đó, trước khi làm lễ, gia đình phải tổ chức làm lễ thay tên cho con, cháu trai trong nhà. Lễ thay tên được tiến hành vào những năm tuổi chẵn của người được cấp sắc (hay còn gọi là người thụ lễ) như 10, 12, 14 tuổi. Ngày làm lễ được chọn dựa theo ngày, tháng, năm sinh của người thụ lễ và do thầy cúng chủ trì thực hiện. Sau khi đọc xong các bài cúng để thông báo với tổ tiên và các vị thần, thầy cúng sẽ hướng dẫn gia đình viết ra cái tên muốn đặt cho con. Thầy cúng viết một tên, bố viết một tên, mẹ viết một tên, những tên này không được trùng với tên âm của những người trong cùng gia đình, dòng họ. 3 tờ giấy ghi tên sẽ được đặt trên cái nia, sóc đi sóc lại, tờ giấy nào rơi xuống đất ba lần sẽ được chọn làm tên mới cho người thụ lễ. Sau khi làm lễ thay tên, thầy cúng sẽ xem ngày để tiến hành lễ cấp sắc.

Trước ngày làm lễ cấp sắc, người thụ lễ được đưa đến nhà thầy để bái thánh, phật và làm lễ nhận thầy. Kể từ đây, người thụ lễ phải gọi thầy là sư phụ, và được thầy gọi là sư nhi. Trong ngày này, thầy cúng sẽ viết “hợp đồng văn tự”, quy định học trò phải tuân thủ mọi sự sắp xếp của thầy và thầy có trách nhiệm dạy và làm đủ mọi thủ tục cho người thụ lễ. “Hợp đồng văn tự” được cắt làm hai phần, thầy giữ một nửa và gia đình người thụ lễ giữ một nửa. Sau ngày này, cả thầy cúng và gia đình đều bắt tay vào việc chuẩn bị cho lễ cấp sắc. Thầy cúng sẽ mời thêm các thầy phụ và thầy múa, viết sớ, chuẩn bị đạo cụ, luyện tập các nghi thức và phải thực hiện một số kiêng kị như không sát sinh, không quan hệ vợ chồng để giữ cho cơ thể “sạch sẽ”; đồng thời, làm lễ tại nhà tập hợp “âm binh” để mang theo đến gia chủ tổ chức lễ. Còn về gia đình tổ chức lễ cấp sắc, những việc cần chuẩn bị rất nhiều như: Làm lán cúng, dựng ngũ đài; lấy dây võng; chuẩn bị lễ vật, tiền, rượu, lương thực, thực phẩm cho ít nhất 3 ngày và chuẩn bị đón khách.

Ngày tổ chức lễ, khi thầy cúng và các thầy phụ, thầy múa đến nhà, người thụ lễ sẽ mặc áo thánh (áo do thầy cúng đưa ngày đến bái nhận thầy) cùng 1 mâm lễ đón thánh ra cửa bái lậy để đón thầy. Sau khi vào nhà, dặn dò sư nhi xong, các thầy cúng sẽ bắt tay vào trang trí bàn thờ, treo tranh, treo bài vị và yểm bùa để làm trong sạch lán thờ. Trước khi bước vào lễ chính, sư phụ cùng sư nhi phải tiến hành tập dượt tất cả các nghi thức trước để tránh lúng túng, sai sót khi hành lễ. Vào chính đám, mở đầu là lễ rước tổ tiên và thỉnh thần. Lễ này được tổ chức ở nơi gần ao, hồ hoặc suối; đồ cúng chỉ có gà, bông lúa, tiền giấy, trứng luộc, và rượu nhưng nhất định phải có hình nhân bằng giấy làm biểu tượng cho tổ tiên, được phân biệt cấp bậc qua màu sắc giấy: màu đỏ là biểu trưng cho ông tổ, màu xanh là bà tổ, màu trắng là tổ tiên 8 đời sau. Sau khi gọi tên từng vị tổ tiên về dự lễ, thầy cúng dùng kiếm làm phép thuật chở thuyền, bắc cầu đưa tổ tiên qua suối rước lên võng, lấy nón làm lọng che để đưa về nhà. Mời được tổ tiên về nhà rồi, thầy cúng lại mời ma nước (long vương), thổ công, thần sấm, tổ sư của thầy cúng… về cùng dự lễ và làm phép xua đuổi các ma ác về cướp phá đàn cúng.

Tiếp theo là lễ nhập buồng. Sau khi xin phép tổ tiên và thần ma cho phép tiến hành, chứng kiến và phù hộ cho người được cấp sắc xong thầy cúng chính thức cho người thụ lễ làm lễ nhập buồng (đưa người thụ lễ vào lán thờ để tu luyện, nghe các điều răn dạy, đọc kinh sách và học một số nghi lễ dưới sự chỉ bảo và giám sát của thầy cúng). Trong quá trình nhập buồng, người thụ lễ phải ăn chay, phải đọc và nghe 18 cuốn sách trong đó có 7 cuốn sách phép. Chỉ khi hoàn thành quá trình tu luyện, người thụ lễ mới chính thức được cấp sắc, làm lễ lên đèn. Theo người Dao Quần trắng, lên đèn trong cấp sắc tức là người thụ lễ sẽ được 3 cõi Thượng- Trung- Hạ soi sáng trong suốt cuộc đời. Lễ thứ ba là lễ tái sinh (là được sinh lần thứ hai, hay còn gọi là nhảy võng). Đây là nghi lễ kết thúc lễ lên đèn. Thực hiện nghi lễ này, người thụ lễ được đưa đến bàn địa, ngồi bó gối trên bàn tựa hình bào thai. Lúc này các thầy cúng ở phía dưới nhảy múa, diễn các trò từ đi săn, nam nữ gặp gỡ, yêu nhau rồi đến quá trình hình thành con người. Khi đến giờ sinh, người thụ lễ (tức bào thai) sẽ làm động tác chuyển mình rồi ngã xuống, các thầy cúng dùng võng đỡ “đứa trẻ” mới được sinh ra rồi đem đến 1 bát nước tượng trưng cho sữa để bón cho đứa trẻ sau khi đã tắm rửa sạch sẽ. Kết thúc nghi lễ, đứa trẻ đã trở thành người trưởng thành, theo đoàn thầy cúng nhảy múa vài vòng quanh bàn địa rồi trở về lán thờ. Sau khi được các thầy cúng trao cho bản sắc đã được “đóng dấu”, người thụ lễ coi như đã sinh ra lần 2, trưởng thành và có tên âm, nên được phép học và thực hành cúng bái. Lúc này, các thầy cúng thực hiện các nghi thức cúng đưa tiễn các thần linh và tổ tiên để hoàn thành lễ cấp sắc.

Theo phong tục truyền thống của đồng bào Dao Quần trắng, mỗi lễ cấp sắc chỉ thực hiện cho nhiều nhất là 3 người, 3 người đó phải cùng trong họ, những người vai làm em dù điều kiện kinh tế gia đình khá giả hơn thì vẫn phải góp theo người có vai làm anh chứ anh không được góp với em. Những nam giới lúc sống chưa được làm lễ cấp sắc thì trước khi làm chay phải được thực hiện nghi lễ này; trong gia đình, cha chưa làm lễ cấp sắc thì con cũng chưa được làm. Xưa nay, lễ cấp sắc vốn là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao nói chung và người Dao Quần trắng nói riêng. Nghi lễ này không chỉ mang màu sắc tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, mà còn mang giá trị giáo dục, nhân văn sâu sắc và những giá trị cao trong văn hóa, nghệ thuật thể hiện qua những điều răn dạy về việc tu thân, hướng thiện, về cội nguồn lịch sử tộc người, các bức tranh thờ, các điệu múa phụ họa và những bài hát.

Trải qua thời gian cùng với sự biến đổi mạnh mẽ trong đời sống của cộng đồng và xã hội, lễ cấp sắc của đồng bào Dao Quần trắng ở Yên Bình đã có nhiều biến đổi. Thay vì niềm tin rất lớn rằng được cấp sắc là sẽ có quyền năng của thế giới thần ma, được tổ tiên, thần ma và “âm binh” bảo vệ và khi chết mới được về với thế giới tổ tiên thì ngày nay, nhiều người xem việc được cấp sắc là một niềm vinh dự lớn đối với bản thân, gia đình vì đó là truyền thống từ bao đời của dân tộc, từ đó khích lệ họ có thêm động lực xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. So với trước kia, các bước tiến hành nghi lễ và các lễ thức trong lễ cấp sắc cơ bản vẫn được thực hiện đầy đủ, tuy nhiên giờ đây, nội dung của từng nghi lễ đã được rút gọn đi rất nhiều như: thay vì lễ cấp sắc diễn ra trong 3 ngày, 3 đêm thì nay chỉ còn được thực hiện trong 1 đêm duy nhất, số lượng người thụ lễ cũng không còn giới hạn là 3 người, mà đã nâng lên đến 7 người hoặc nhiều hơn. Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều gia đình còn kết hợp tổ chức làm lễ cấp sắc cho con em mình khi trong họ có đám chay. Tất cả những điều này giúp cho bà con bớt đi những khó khăn cả về thời gian, chi phí và công sức tổ chức, mà vẫn không làm mất đi bản sắc văn hóa của tộc người.

                                                              

                                                                                                 B.B

 

 

 

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 40<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter