• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
“Người ở núi thương nhớ Bác Hồ”- Tiếng chim bách thanh trong vòm trời ửng hồng
Ngày xuất bản: 22/09/2023 3:16:03 SA

YẾN TRANG

 

Sáng tác về Hồ Chí Minh là một việc tưởng dễ mà lại rất khó. Bởi đã có rất nhiều tác phẩm đỉnh cao, để lại dấu ấn trong lòng nhân dân và sống mãi với thời gian. Mặt khác Hồ Chí Minh là một Nhân cách lớn, sự cống hiến của Người cho Tổ quốc, Nhân dân là rất to lớn. Người là niềm tin, là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam trước bè bạn năm châu. Sáng tác một đề tài lớn, nhiều người quan tâm, đã có nhiều tác phẩm đỉnh cao rất dễ đi lại lối của những người đi trước. Nếu không có sự tìm tòi, khám phá, phát hiện ra cái mới, tác phẩm sẽ rất dễ lẫn trong vô vàn những tác phẩm viết về Người. Thế nhưng bằng tấm lòng yêu kính Bác vô hạn, với một lý do rất giản đơn “Tấm gương của Bác vĩ đại như thế, sáng lạn như thế tại sao mình lại không viết về Bác, sưu tầm về Bác để mọi người cùng học và làm theo Bác?”, tác giả Hoàng Việt Quân đã dành khá nhiều thời gian sáng tác và sưu tầm về Bác. Vì thế nên khi lọc từ 60 đầu sách đã xuất bản, tôi dễ dàng tìm được “kho tư liệu” quý, đồ sộ với rất nhiều tác phẩm viết về Bác của ông. Vốn là người cần cù, tỉ mỉ, với lòng kính trọng, yêu mến Bác, từ ngày còn là sinh viên Khoa Ngữ văn- Đại học sư phạm Việt Bắc cho đến khoảng thời gian tham gia quân ngũ ở chiến trường, Hoàng Việt Quân đã luôn chú ý quan sát, thích thu thập, sưu tầm những câu chuyện về Bác. Để rồi, sau 25 năm ấp ủ, tập sách đầu tay “Người ở nguồn” với 71 câu chuyện kể về Bác trong những tháng ngày hoạt động cách mạng ở Pác Bó đã được ra đời (Tập sách xuất bản năm 1995, tái bản năm 2004). Trong quá trình thiết kế bản thảo tập sách, ông thấy đây cũng là một cách để cho quần chúng nhân dân hiểu thêm con người Hồ Chí Minh. Từ những việc làm rất nhỏ, cử chỉ rất nhỏ nhưng lại làm toả sáng thêm Nhân cách lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp nhân dân thêm yêu và kính trọng Người. Vậy chẳng có lý do gì mà không sưu tầm, tìm hiểu về những tác phẩm văn học, nghệ thuật sáng tác về Bác. Người dân Lào Cai, Yên Bái, đặc biệt là văn nghệ sĩ, họ đã tạc lên hình ảnh Hồ Chí Minh bằng sự thăng hoa của cảm xúc yêu kính, biết ơn Người thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Ông sẽ sưu tầm và mang những tác phẩm đó tới bạn đọc để họ cùng được thăng hoa với những cảm xúc yêu thương, kính trọng, biết ơn ấy của văn nghệ sĩ. Thế là trong quá trình công tác, ngoài việc tiếp tục bỏ ra 10 năm lặn lội tìm đến bảo tàng, thư viện, thậm chí dò tìm đến từng nhân vật, nhân chứng để tra cứu, tìm hiểu những câu chuyện, tài liệu, thư từ, văn thơ của Bác viết về Yên Bái, Lào Cai và của người Yên Bái, Lào Cai viết về Bác, thì hễ bất chợt gặp một bài thơ, một tác phẩm văn xuôi nào trên sách báo, trên facebook là ông lặng lẽ lưu lại thành tập đợi khi đủ tư liệu, sách sẽ được ra đời. Công việc miệt mài, kéo dài hàng chục năm, liên tục và không ngừng nghỉ của ông đã cho ra đời tập sách “Bác Hồ trong lòng người Yên Bái- Lào Cai”, gồm những tác phẩm văn xuôi viết về Hồ Chí Minh. Và gần đây nhất, tháng 1 năm 2022, tập sách “Người ở núi thương nhớ Bác Hồ” cũng được ra đời với mong muốn đầy nhiệt tâm và thầm lặng ấy.

Đầu năm 2023, tập “Người ở núi thương nhớ Bác Hồ” được Ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Yên Bái tặng giải thưởng về quảng bá hình ảnh Bác Hồ tới đông đảo quần chúng nhân dân. Tập sách dày 766 trang, chia làm 2 phần: Phần 1 gồm 65 bài ca dao, câu ca truyền miệng ca ngợi Bác Hồ và thi đua làm theo lời Bác; Phần 2 gồm 481 bài thơ, 121 trích đoạn thơ và trường ca viết về Hồ Chí Minh của 273 tác giả thuộc nhiều dân tộc anh em như: Kinh, Tày, Nùng, Mường, Dao, Cao Lan, Thái, Dáy, Hoa, Pa Dí... Đọc tập sách dày dặn, người đọc sẽ thấu hiểu hơn niềm yêu mến, lòng kính trọng, sự biết ơn đối với Bác trong lòng nhân dân các dân tộc vùng cao là không bao giờ phai mờ theo năm tháng. Nó luôn là thứ ánh sáng dẫn đường để họ cố gắng vượt khó khăn, cống hiến sức mình cho đất nước, làm cho đất nước trở nên giàu đẹp như lời Bác dạy. Có thể chia nội dung tập sách thành 2 phần.

Phần một là hình ảnh Bác Hồ trong lòng đồng bào các dân tộc Việt Nam. Người đọc sẽ không khỏi cảm động khi bắt gặp những xúc cảm ngọt ngào của những người con đối với vị Cha già dân tộc- Một Nhân cách lớn. Một người Cha với phong cách giản dị, gần gũi “Bộ quần áo nâu khiến con trào nước mắt/ Đôi dép cao su đen, một chiếc mũ đã sờn/ Trong tâm tưởng con quên đi vẻ trang nghiêm lãnh tụ/ Chỉ thấy một người Cha, người Bác ở trong hồn!” (Sáng nay trong vườn Bác- Bùi Công Bính), là cách Bác hoà cùng với dân để thấu cảm và chăm sóc dân bằng cả tấm lòng thương quý, vui khi dân được no ấm, được học hành “... Cuốc đất bắt sâu/ Hát kết đoàn đêm trăng cùng dân bản/ Vui reo ca dân cày có ruộng/ Vui reo ca ai cũng được học hành/ Rét cùng hơ tay bếp lửa” (Trích Vầng trăng và cánh rừng- Ngọc Bái). Nhân cách cao đẹp của Người luôn đọng lại trong trái tim người dân một ấn tượng khó phai, lay động trong tâm thức, để rồi chỉ cần được đứng dưới vòm cây Bác trồng, tác giả Ngọc Chấn đã gọi ra được nhiều điều gan ruột “... Lòng nhân ái đi qua hàng thế kỷ/ Con nhận ra hơi ấm của Người/ Con nhận ra có một cuộc đời/ Thanh cao và hiền hậu/ Dẫn chúng con qua những chặng đường dài/Con nhận ra ngày mai/ Tờ lịch đỏ không hề khép lại/ Dưới vòm lá xanh/ Lòng con thắp lửa” (Dưới vòm cây của Bác- Ngọc Chấn). Công lao của Bác cho dân tộc Việt Nam luôn luôn được khắc ghi trong lòng Nhân dân. Vì thế, trong mọi niềm vui của hiện tại, trong mọi ấm no của cuộc sống, những người con đất Việt vẫn luôn ghi nhớ ơn đức cao dày ấy. Trước niềm vui ngày đất nước thống nhất, trong không khí vui mừng khôn xiết, cờ hoa rợp trời, tác giả Dương Soái đã nhớ đến Bác- Người đã luôn sát cánh cùng dân tộc mọi lúc khó khăn, nhưng lại là người vắng mặt trong ngày vui trọng đại này “Bác Hồ ơi tươi lắm sắc bản đồ/ Đất nước hồng một màu son rực rỡ/ Ta bỗng khóc trong tim mình nức nở/ Sáu năm rồi cách Bác một ngày vui” (Ngày hội thống nhất non sông- Dương Soái). Cũng với một tình yêu kính Bác, nhìn từ lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, với bao tấm gương anh dũng, kiên cường đuổi đánh giặc ngoại xâm, với nền văn hoá bao đời làm nên hồn dân tộc, làm nên bất khuất Việt Nam, để rồi đưa ra một nhận định “Chúng tôi sinh sau chưa được gặp Vua Hùng/ nhưng biết trong mình mang dòng máu Lạc/ Biết bốn nghìn năm tụ về trong Bác” (Những khúc ca đất nước- Dương Soái).

Phần hai là Tấm gương đạo đức của Người, tấm lòng hi sinh vì nhân dân, vì đất nước của Người như một liều thuốc thần để hiệu triệu muôn dân hướng về Bác, làm theo Bác, học tập Bác. “Lãnh tụ vậy làm gì dân không tin/ làm gì chẳng thu phục được nhân tâm/ Làm gì kháng chiến chẳng thắng lợi” (Vầng trăng và cánh rừng- Ngọc Bái). Vì thế, tất cả các tầng lớp nhân dân, từ những em nhỏ, những cụ già, những thanh niên, bộ đội, công nhân... đều hướng về Bác, nguyện hết lòng hiến sức, hiến của cho đất nước ngày một phồn vinh như mong muốn của Bác, như lời Bác dạy năm xưa được phán ánh sinh động trong tập sách. Trong đấu tranh khốc liệt, trước sinh tử cận kề nhưng những anh bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn nhớ không nguôi hình bóng Bác, hình Bác luôn được đặt nơi trái tim ngày ngày chung nhịp đập vì độc lập của đất nước mình “Đồng chí chính trị viên/ Có tấm ảnh Bác Hồ/ Nhỏ như bao diêm/ Luôn mang trong túi áo bên tim”. Có lẽ đó là cách đặc biệt để người lính nhớ về Bác kính yêu, để dũng cảm hơn trước kẻ thù “Có Bác Hồ, có Đảng/ Từ ấy chúng tôi đi/ Cuộc hành quân tuổi trẻ/ Mang chiến thắng trở về” (Lán Nà Nừa- Ngọc Bái). Chiều thu năm 1958, Bác Hồ cùng phái đoàn của Chính phủ đã lên thăm Yên Bái, có cuộc nói chuyện với đồng bào các dân tộc Yên Bái. Đó là sự kiện mang ý nghĩa lớn của tỉnh Yên Bái, để rồi văn nghệ sĩ đã có những tác phẩm để lại niềm yêu mến trong lòng người đọc. Với tác giả Vũ Chấn Nam, ông có một sự so sánh thú vị, giàu ý nghĩa “Người dân mong Bác như mong mẹ/ Lời Bác như lời Cha với con”, hình ảnh Bác trước sân Căng trở lên cao lớn “Bóng người lồng lộng trước sân Căng” (Bác về Yên Bái chiều thu ấy- Vũ Chấn Nam). Trước những lời dạy bảo ân cần mà thân thuộc như Cha con ấy, những thế hệ tiếp sau của Yên Bái đã dựng xây nên một Yên Bái “Chưa bao giờ có được cơ đồ tốt đẹp như hôm nay”, tác giả trẻ Mai Oanh đã nói lên trong cảm xúc dâng trào “Nhìn thành phố bao nhiêu là đổi khác/ Nhớ ơn Người Yên Bái có hôm nay” (Nhớ lời Bác dặn- Mai Oanh). Không dừng lại ở đó, “cơ đồ” này sẽ được người Yên Bái tiếp tục dựng xây và bồi đắp. Lời Người dạy sẽ được truyền từ đời ông đến đời cha, và giờ là cha truyền sang con “Lời Bác dặn chưa bao giờ cũ/ Nhớ góp sức mình cho đất nước, nghe con” (Nhớ lời Bác dặn- Mai Oanh). Nhớ ơn Người, bằng tấm lòng nồng ấm mà giản dị, những người con xứ núi đã có những tâm niệm để dặn lòng luôn sống tốt, sống có ích cho đất nước, nhân dân, coi những lời dạy của Bác là mặt trời soi sáng “Người là lửa nồng nàn khuya sớm/ Là đức tin thánh thiện/ Là mặt trời/ Toả sáng/ Bước con đi” (Niềm tin- Trần Thị Nương). Cũng là một cách yêu kính Bác “Người ở núi” đã dâng Bác thứ cây gỗ quý, mang trong mình chất ngọc (ngọc am), để cây thay họ mãi mãi ở bên Bác, cùng thức bên Người “Cây Pơ mu trên đỉnh Hoàng Liên/ Chúng con dâng trồng quanh lăng Bác/ Đây là cây luyện mình thành chất ngọc/ Chọn từ vườn cách mạng Bác hằng ươm.../ Người Lào Cai chúng con thưa với Bác/ Cây Pơ mu mãi mãi thức bên Người” (Cây Pơ mu mãi mãi bên Người- Huyền Sâm). Cùng với cảm nhận này, tác giả Dương Soái sau lần thăm vườn quả Bác Hồ tại Nghĩa Lộ, ông đã viết “Phải từ muôn kính ngàn thương /Nên cây trăm ngả tìm đường về đây/ Phải từ ơn đức cao dày/ Rễ vừa mới bén trái cây đã tròn?” (Vào thăm vườn quả Mường Lò- Dương Soái).

Khép lại tập sách “Người ở núi thương nhớ Bác Hồ” của Hoàng Việt Quân nhưng dư âm còn đọng mãi. Nó giống như tiếng chim bách thanh vút cao trong vòm trời ửng hồng nắng mai, để người đọc chững lại, nghe trong tim mình dạt dào cảm xúc của sự yêu kính, của lòng biết ơn với vị Cha già dân tộc mà từ đó tự sửa mình cho “lòng trong sáng hơn”.

 

 

Y.T

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter