• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Ảnh bộ- Một thể loại của nhiếp ảnh
Ngày xuất bản: 22/11/2023 3:31:08 SA

Nhà LLPB VŨ HUYẾN

 

 Về hình thức, bộ ảnh là tập hợp của nhiều tấm ảnh đơn lẻ, ở cạnh nhau, dưới một cái tên, cái mũ đội đầu mang tên cho một đề tài, chủ đề chụp nào đó. Ví dụ: “Vẻ đẹp Mù Cang Chải hôm nay”...

Ảnh bộ gồm bao nhiêu tấm? Tại sao cứ phải là dưới 10 tấm mà không thật ít 3, 4 tấm hoặc vài chục tấm? Số lượng của ảnh của bộ ảnh phụ thuộc vào quy mô, tầm cỡ của chủ đề, nội dung cuộc sống mà tác giả muốn đề cập và điều nữa (rất quan trọng) là nơi xuất hiện của bộ ảnh, diện tích có thể trưng bày bộ ảnh. Ví dụ: để đăng báo thì không thể đưa hàng chục tấm, mà đưa nhiều thì ảnh quá bé, khó nhìn. Nếu trưng bày triển lãm mà bộ ảnh quá nhiều bức cũng chiếm diện tích lớn. Đó còn chưa kể tới phần kinh phí trả cho tác giả, khung treo ảnh…

Có những chủ đề lớn mà vài ba bức ảnh không thể diễn đạt được, như “Cuộc sống sinh viên Việt Nam”, “Các hình thức tham gia giao thông ở Việt Nam”, “Đi tìm mộ liệt sĩ”, “Trẻ em miền núi”, “Vẻ đẹp tiềm năng du lịch Yên Bái”. Chọn đề tài và xác định số lượng ảnh cho một bộ ảnh là phần việc rất khó, đòi hỏi người chụp phải cân nhắc, có sự chuẩn bị trước và trong quá trình thể hiện các bộ ảnh.

Những người chụp chuyên nghiệp thường có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi thực hiện các bộ ảnh: Một là phải xác định mục đích, chủ đề chính, nơi giới thiệu tác phẩm. Chủ đề càng rộng, có sức khái quát, nhiều thông điệp nhưng lại trong phạm vi thể hiện hẹp, có nhiều hình ảnh… càng tốt. Ví dụ: Chân dung một thanh niên người dân tộc ham học, vận động quần chúng cùng xây dựng làng bản để phát triển. Thực hiện đề tài này không cần phải cùng nhân vật đi nhiều nơi. Thứ đến là phương tiện chụp với nhiều ống kính khác nhau được lắp trên các thân máy để chụp nhanh khi cần thiết. Chọn thời điểm để làm bộ ảnh cũng rất quan trọng. Nếu làm phóng sự ảnh về một lễ hội cụ thể thì phải đúng thời gian diễn ra lễ hội. Nhưng làm phóng sự chân dung về một con người cụ thể thì không nhất thiết phải thời tiết đẹp.

Bộ ảnh: Xà Hồ mùa nước đổ- Tác giả Trần Trung Hiếu

Để làm sâu chủ đề, phải hiểu kỹ, càng kỹ càng tốt nơi sẽ đến, đọc qua sách, xem các đồng nghiệp đã từng chụp như thế nào? Có gì hay để không bắt chước mà làm khác đi, có ý nào hay cần nhấn mạnh khi chọn cảnh chụp ảnh cơ bản (ảnh đinh) và ảnh phụ (ảnh chi tiết). Nói cơ bản và phụ không có nghĩa là các ảnh trong bộ ảnh có giá trị lớn nhỏ mà để xác định, bỏ công ra khi thu thập hình ảnh bởi ảnh đinh thường là ảnh chụp cần đầu tư suy nghĩ, cân nhắc nhiều nhất. Hiểu cuộc sống sẽ tác động đến độ sâu, sức chuyển tải của các tấm ảnh trong cả bộ ảnh.

Nhiều phóng viên, nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp như chúng tôi nhiều năm làm phóng sự của Báo ảnh Việt Nam (chuyên xuất ra nước ngoài) đã chuẩn bị thật kỹ khi làm bộ ảnh. Tôi thường phác thảo ra trên giấy những ảnh sẽ phải chụp, ảnh không thể không có là gì? Ảnh đinh sẽ là cái gì? Cần có bao nhiêu ảnh chi tiết.

Vài tháng trước chuyến đi thăm Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tôi chụp bộ ảnh về “Thủ đô Jakaeta hôm nay”. Trước khi sang nước bạn, tôi đọc nhiều về lịch sử hình thành và phát triển của Jakaeta…, dự kiến vài chục hình ảnh và báo trước cho Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia nội dung hình ảnh. Hơn 10 ngày, tôi đã làm xong bộ ảnh đủ để có một triển lãm phục vụ công tác đối ngoại.

 Người ta thường nói “thích của lạ” là đúng. Sáng nào cũng ăn phở, ăn xôi rồi cũng chán. Nói về vẻ đẹp Yên Bái, vẻ đẹp Hà Nội mà cứ mãi “Ruộng bậc thang”, “Đồi mâm xôi”, mãi cứ “Tháp rùa”, “ Khuê Văn Các” thì cũng chán. Khổ nhất cho các vị chấm ảnh vài chục năm nhìn ngắm đồi mâm xôi, cây lộc vừng Hồ Gươm, cầu Nhật Tân… trong các cuộc thi ảnh và trưng bày triển lãm.

Cô gái đẹp ngắm mãi rồi cũng thấy chán. Đẹp như hoa hậu nhưng chương trình truyền hình ấy đưa đi đưa lại nhiều lần cũng sẽ thưa người xem.

Chọn chủ đề, đề tài cụ thể là cơ sở để tạo sự khác lạ, chí ít cũng là từ ý tưởng. Đi chụp Mù Cang Chải, ngoài đồi mâm xôi, nhảy dù ở Khau Phạ thì còn gì nữa? Hãy tưởng tượng, giữa đồi mâm xôi có nhà nhiếp ảnh. Ở đó anh ta không thể chụp được toàn cảnh nhưng nhờ ống kính dài anh ta có thể thấy trên cao hàng vài chục nhà nhiếp ảnh đang hì hụi chụp xuống nơi mình đang đứng. Bức ảnh ấy chắc là lạ vì nói về một cách chụp phong cảnh của rất nhiều người, đó là đi, mất công đi chụp một “cái rất quen” cái nhiều người đã giới thiệu, nói cách khác là dù biết phở ăn nhiều sẽ chán nhưng vẫn cứ cố mà ăn.

Tham dự thi ảnh bằng thể loại ảnh bộ là thực tiễn có ở rất nhiều cuộc thi ảnh tầm quốc gia, ngành, hội đoàn. Hiện tượng này đáng quan tâm với nhiều câu hỏi. Vì sao lại chụp ảnh bộ và dự thi nhiều đến như vậy? Vì ảnh bộ chụp dễ hơn chụp ảnh đơn hay vì ảnh bộ hay đoạt giải?

Về nghề nghiệp thì có điều gì cần nói khi thực hiện một bộ ảnh: Về kết cấu? Về cách trình bày? Về nội dung bài viết ngắn và các chú thích? Và cách sử dụng các loại ống kính trong một bộ ảnh? Việc xác định số lượng ảnh?

Là người tham gia nhiều cuộc thi ảnh với tư cách là người thẩm định, đánh giá tác phẩm, tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì nhiếp ảnh đang được sử dụng nhiều, là niềm vui tinh thần của nhiều lớp người, đa dạng, nâng cao thị hiếu nhìn cuộc sống. Nhưng thấy buồn vì nó thiếu chuyên nghiệp, sự hời hợt của không ít người chụp, sự dễ dãi trong việc chọn và trao giải cho các bộ ảnh.

Gần đây nhất, tại trụ sở cơ quan Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, một hội viên mới đem bộ ảnh 10 tác phẩm đến để “xin dự giải xuất sắc năm 2023”.

Do có được xem, tôi hỏi: “Vì sao bạn làm đề tài này? Vì sao cả 10 chiếc trong bộ ảnh đều chụp ngang máy và nội dung, ý ảnh của cả 10 chiếc đều giống nhau?” Và được trả lời “Các thầy dạy thế. Em chụp thế. Và chúng em vào hội để cho vui thôi nên cũng chẳng mất công học hỏi, tìm hiểu sâu về ảnh làm gì đâu anh ạ”. Thực tiễn là vậy đấy. Và thật đáng để suy nghĩ.

 

         V.H

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter