• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Bảo tồn các giá trị văn hóa trong ngôi nhà của người Mông đen ở Mù Cang Chải
Ngày xuất bản: 20/07/2023 8:49:23 SA

HOÀNG KHÁNH

Trong các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Mông đen ở Mù Cang Chải, không thể không nhắc tới sự độc đáo trong kiến trúc ngôi nhà truyền thống của họ. Dù không hề cầu kỳ, chỉ là ngôi nhà trệt, mái gỗ, khung, tường đều bằng gỗ với 3 gian mở (không quây kín), 2 cửa… và được làm khá thấp. Ẩn dưới vẻ mộc mạc, giản dị trong ngôi nhà của đồng bào lại chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống lâu đời. Ngôi nhà là nơi ghi dấu trong tâm thức người Mông những kỷ niệm vui buồn, nơi diễn ra quá trình luân hồi sinh, lão, bệnh, tử của một kiếp người; là sự hội tụ những giá trị vật chất và tinh thần của cộng đồng cư dân bản địa trong suốt quá trình lịch sử, nhằm thích ứng với môi trường tự nhiên xung quanh. Chính vì vậy, ngôi nhà truyền thống của đồng bào Mông luôn thể hiện đậm nét văn hóa tâm linh, quan niệm sống, tín ngưỡng và sự sáng tạo của họ để thích nghi với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt ở vùng núi cao.

Về giá trị sử dụng, ngôi nhà truyền thống có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc sống của người Mông. Đây là nơi đồng bào nghỉ ngơi và sinh hoạt hàng ngày; là nơi cất giữ của cải vật chất, lương thực; là không gian sinh hoạt chung, đoàn kết mọi thành viên trong gia đình, tạo nên không khí ấm áp hạnh phúc trong gia đình, cho nên họ bố cục khuôn viên của ngôi nhà thành một chuỗi khép kín sinh hoạt cơ bản. Xét về mặt tâm linh, ngôi nhà vừa là nơi ở và cũng là nơi thờ cúng tổ tiên, thờ ma nhà với một hệ thống tư duy riêng. Trong tín ngưỡng truyền thống của người Mông, cùng với việc thờ cúng tổ tiên, còn tồn tại một hệ thống ma nhà với những lễ thức cúng tế và sự quy định về vị trí cúng riêng biệt. Chẳng hạn như “Xử Cả”- mja có vị trí quan trọng nhất trong hệ thống các ma nhà được thờ ở tấm ván hậu gian giữa nhà; “Bùa Đáng” (ma lợn) được thờ ở cột chính trong nhà, cột tượng trưng cho sự hưng thịnh và vận mệnh của gia đình; “Xìa Mình” (ma cửa), có nhiệm vụ ngăn ma ác vào nhà, bảo vệ gia súc, bảo vệ của cải, bảo vệ các hồn, ngăn không cho hồn các thành viên gia đình bỏ đi nên được thờ ngay trên cửa chính; “Hú Sinh” (ma bếp) có liên quan đến việc sinh nở của phụ nữ và phù hộ cho việc chăn nuôi gia súc, do đó họ kiêng không giẫm chân lên bếp lò, kiêng làm hư hại lòng bếp lò bằng đất, không được gõ và đánh vào bếp cám lợn, lúc lợn chửa kiêng không lấy tro trong bếp lò, muốn nhấc chảo cám ra phải để một hòn đá vào giữa bếp…

Với xu thế không ngừng hội nhập và phát triển, cùng với đời sống kinh tế và những nhu cầu trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào vùng cao ngày càng được nâng lên đã kéo theo sự thay đổi, biến dạng nhiều nét văn hóa truyền thống, trong đó có kiến trúc và những giá trị văn hóa trong ngôi nhà của đồng bào ngày một lớn. Biến đổi đầu tiên có thể nhận thấy trong ngôi nhà truyền thống của đồng bào Mông chính là sự biến đổi về cấu trúc mặt bằng sinh hoạt. Từ những túp lều nhỏ trên núi đủ để che mưa, che nắng, ngôi nhà của người Mông đã dần được xây dựng rộng rãi, chắc chắn hơn; vật liệu làm nhà được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhanh chóng và đảm bảo các yếu tố về kỹ, mỹ thuật (những vật liệu có sẵn trong tự nhiên như gỗ, tre, nứa dần được thay thế bằng gạch, ngói, xi măng, tôn…); không gian, cấu trúc mặt bằng sinh hoạt trở nên thoáng mở hơn.

Sự biến đổi lớn thứ hai là những nghi lễ và kiêng kị liên quan đến ngôi nhà. Trước đây, việc chuẩn bị vật liệu để làm một ngôi nhà cần rất nhiều thời gian, công sức và những thủ tục liên quan đến nghi lễ, tâm linh như cúng tế trước khi vào rừng chặt cây, chọn đất dựng nhà, cúng lên nhà mới… Ngày nay, việc tìm kiếm nguyên vật liệu đã trở nên đơn giản nên nhiều nghi lễ chỉ được thực hiện mang tính ước lệ, thậm chí bỏ hẳn. Trước đây, trong một ngôi nhà, người ta quy định nơi ăn chỗ ở cho từng đối tượng khác nhau, không gian sinh hoạt riêng được thiết kế và sắp đặt theo truyền thống ngàn đời của người Mông đen. Những quy định về nơi ăn, chỗ ngủ cho các thành viên, nơi đặt bàn thờ, bếp lửa được quy định rõ ràng. Nhưng đến nay, bởi cấu trúc ngôi nhà bị biến đổi, công năng sử dụng ngôi nhà cùng với những giá trị văn hóa truyền thống cũng đã thay đổi theo. Ngôi nhà với không gian rộng hơn trở thanh không gian sinh hoạt chung, phù hợp với sinh hoạt của mọi thành viên trong gia đình; bếp nấu, chỗ ngủ được thay đổi vị trí cho hợp lý để sắp xếp những tài sản vật chất khác như ti vi, tủ lạnh, xe máy…

Việc những ngôi nhà xây bằng gạch, lợp mái prô- xi măng thay thế cho những nếp nhà truyền thống ngày càng nhiều sẽ phản ánh sự phát triển đi lên của người nông dân vùng cao, cũng sẽ đáp ứng, thỏa mãn được nhu cầu sinh hoạt của đồng bào, nhưng đồng thời cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến không gian văn hóa nơi đây, thậm chí là mất đi những giá trị văn hóa độc đáo trong ngôi nhà của người Mông. Mặt khác, trong những năm gần đây Mù Cang Chải trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ của thiên nhiên, núi rừng, những thửa ruộng bậc thang và bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Mông với những ngôi nhà truyền thống nép bên sườn núi, lợp mái bằng những mảnh gỗ thông, xen lẫn giữa những thửa ruộng bậc thang, tạo nên nét đẹp riêng có cho mảnh đất này. Bởi vậy, việc bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số vùng cao nói chung, đồng bào Mông đen ở Mù Cang Chải nói riêng, đặc biệt là bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào ngày càng trở nên cần thiết. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi cần phải có những biện pháp hiệu quả để vừa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gìn giữ nét độc đáo làm nên bản sắc văn hóa tộc người trong đó có kiến trúc của ngôi nhà, coi đó là nguồn tài sản vô giá của dân tộc cần được kế thừa và phát huy; vừa phải đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh, môi trường sống của người dân và xu hướng phát triển chung hiện nay.

                                                                                      H.K

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter